Bạn đang đọc Biên niên ký Chim vặn dây cót: Chương 31
31
Gậy biến mất
♦
Chim ác là ăn cắp trở về
Mặc áo len và áo khoác, mũ len kéo sụp gần như tận mắt, tôi trèo qua bức tường sau nhà, nhảy xuống ngõ. Phải một lát nữa trời mới sáng, thiên hạ đang còn ngủ. Tôi nhẹ nhàng đi dọc con ngõ về phía Dinh.
Trong nhà chẳng có gì thay đổi so với khi tôi bỏ đi sáu ngày trước đó. Bát đĩa bẩn vẫn nằm trong chậu rửa. Không thấy mẩu thư viết tay nào, không có tin nhắn nào trong máy trả lời tự động. Màn hình vi tính trong phòng Quế vẫn chết lạnh như trước. Máy điều hòa vẫn giữ không khí ở nhiệt độ bình thường trong nhà. Tôi cởi áo khoác và găng tay rồi đun nước pha trà. Tôi ăn sáng bằng vái cái bánh bích quy, rửa bát trong chậu rồi cất vào chạn. 9 giờ sáng, vẫn không thấy tăm hơi Quế đâu.
° ° °
Tôi ra ngoài sân, giở nắp giếng rồi cúi người nhìn vào bên trong. Vẫn cái bóng tối đặc sệt đó. Tôi biết rõ cái giếng này như một phần mở rộng của chính thân thể mình: bóng tối của nó, cái mùi và sự câm lặng của nó là một phần của tôi. Theo nghĩa nào đó, tôi biết rõ cái giếng này hơn là biết Kumiko. Dĩ nhiên ký ức về nàng hãy còn sống nguyên, tươi rói. Nhắm mắt lại là tôi có thể hồi tưởng từng chi tiết của giọng nói nàng, khuôn mặt, thân thể nàng, từng cử chỉ của nàng. Dù gì tôi cũng đã sống chung một mái nhà với nàng suốt sáu năm trời. Nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng có một cái gì đó ở nàng mà tôi không hồi tưởng được rõ rệt như vậy. Mà cũng có thể đó chỉ là do tôi không dám chắc những gì mình nhớ lại là chính xác, cũng như tôi không thể hình dung lại chắc chắn cái khúc quặp ở đuôi con mèo khi nó mới trở về.
Tôi ngồi bên thành giếng, tay thọc vào túi áo khoác, nhìn bốn bề chung quanh lần nữa. Có cảm giác như trời có thể đổ cơn mưa lạnh hay tuyết rơi bất cứ lúc nào. Lặng gió, nhưng không khí lạnh tê tái. Một bầy chim nhỏ bay tới bay lui trên bầu trời vẽ thành những họa tiết phức tạp như thể đang viết chữ, rồi đột ngột vù đi mất. Lát sau tôi nghe thấy tiếng u u trầm trầm của một chiếc phản lực khuất trên những đám mây dày. Vào một ngày u ám tối trời như thế này, tôi có thể chui xuống giếng mà không sợ mặt trời làm hỏng mắt khi trở lên.
Nhưng tôi vẫn ngồi đó một hồi, không làm gì cả. Chẳng việc gì phải làm vội. Ngày chỉ vừa chớm bắt đầu, còn lâu mới đến trưa. Tôi ngồi trên thành giếng, mặc cho đầu óc nghĩ lan man chuyện này chuyện khác không theo thứ tự gì. Con chim đá từng ở trong vườn này, người ta mang nó đi đâu? Phải chăng nó đang trang trí ột khu vườn khác, vẫn đau đáu niềm khao khát vĩnh cửu và vô nghĩa là cất cánh lên bầu trời? Hay nó đã bị quẳng làm đồng nát khi người ta phá dỡ căn nhà của gia đình Miyawaki mùa hè năm ngoái? Tôi bùi ngùi nhớ lại bức tượng chim. Không có nó, dường như khu vườn mất đi sự cân bằng tinh diệu nào đó.
Khi không còn gì để nghĩ nữa, tôi theo chiếc thang bằng thép trèo xuống giếng. Đặt chân lên đáy giếng, tôi hít mấy hơi dài để kiểm tra xem không khí có bình thường không, cũng như mọi khi. Nó vẫn vậy, sực mùi rêu, nhưng thở được. Tôi sờ soạng tìm cây gậy lần trước đã tựa vào vách giếng. Không có ở đó. Gậy chẳng thấy đâu cả. Nó đã biến mất. Hoàn toàn biến mất. Không dấu vết.
° ° °
Tôi ngồi xuống nền giếng, tựa lưng vào tường mà thở dài.
Ai đã lấy cái gậy đi chứ? Chỉ có thể là Quế. Anh ta là người duy nhất biết có nó, cũng là người duy nhất có thể nghĩ đến chuyện chui xuống giếng. Nhưng cớ sao phải lấy cây gậy đi? Điều đó thì tôi không hiểu nổi – một trong những điều tôi không hiểu nổi.
Tôi đành phải dấn tới mà không có cây gậy, chẳng còn cách nào khác. Cũng không sao. Xét cho cùng, cây gậy chỉ là một thứ bùa hộ mệnh. Không có thì cũng chẳng phải là gì ghê gớm. Chẳng phải dù không có nó tôi vẫn từng lọt được vào căn phòng kia sao? Đưa ra cho chính mình những lập luận đó rồi, tôi liền giật dây thùng để đóng nắp giếng. Tôi đặt tay lên đầu gối rồi nhắm mắt lại trong bóng tối.
Cũng như lần trước, tôi không thể nào tập trung tư tưởng. Mọi thứ ý nghĩ linh tinh chen chúc trong đầu, không còn chỗ để tập trung. Để thoát khỏi chúng, tôi cố nghĩ về hồ bơi, cái hồ bơi trong nhà dài hai mươi lăm mét mà tôi thường đến để bơi. Tôi hình dung mình làm vài vòng bơi sải ở đó. Không việc gì phải bơi nhanh, chỉ cần lặp đi lặp lại từng đó động tác một cách êm ru, đều đặn. Khuỳnh hai cùi chỏ ra sao cho không gây tiếng ồn, không bắn nước tung tóe, rồi dùng hai tay nhẹ nhàng xẻ nước, đầu tiên là ngón tay. Tôi hớp nước vào mồm rồi chầm chậm tuôn ra, như là thở dưới nước vậy. Sau một hồi, tôi cảm thấy thân mình trôi tự nhiên qua nước, như cưỡi trên làn gió nhẹ. Âm thanh duy nhất nghe được là tiếng thở đều đều của chính tôi. Tôi lướt trên gió như chim trên bầu trời nhìn xuống mặt đất ở bên dưới. Tôi thấy những thành thị xa xôi, những con người bé tí, những dòng sông trôi. Một nỗi bình an tràn ngập trong tôi, một cảm giác gần như ngây ngất. Bơi là một trong những điều đẹp đẽ nhất trong đời tôi. Nó chưa hề giải quyết được vấn đề gì, nhưng cũng không hề có hại, cũng chưa có gì làm hỏng niềm vui đó đối với tôi.
Đúng lúc đó, tôi nghe thấy một cái gì.
Quả thật tôi đang nghe thấy một tiếng u u trầm trầm, đơn điệu trong bóng tối, giống như tiếng vù vù của đôi cánh côn trùng. Nhưng cái âm thanh này nhân tạo quá, cơ khí quá, không thể là cánh côn trùng được. Tần số của nó có những biến đổi cao thấp tinh tế, như khi ta chuyển kênh ở máy thu thanh sóng ngắn. Tôi nín thở lắng nghe, cố nắm bắt xem âm thanh từ đâu. Dường như nó phát ra từ một điểm cố định trong bóng tối song đồng thời lại như từ chính trong đầu tôi. Trong bóng tối thăm thẳm, ranh giới giữa hai bên hầu như không thể nào xác định được.
Tập trung hết tâm trí vào âm thanh đó, tôi ngủ lúc nào không biết. Thậm chí tôi không kịp cảm thấy buồn ngủ trước khi thiếp đi. Hoàn toàn bất ngờ, tôi thiếp đi, như thể tôi đang đi dọc theo một hành lang mà trong đầu chẳng có ý định gì cụ thể thì bỗng dưng bị ai đó kéo vào một căn phòng chưa hề biết. Tôi chìm vào cơn nửa tỉnh nửa mê đặc sệt như bùn đó trong bao lâu? Tôi không biết. Hẳn là không quá lâu. Có thể chỉ trong một khoảnh khắc. Nhưng khi có một cái gì đó làm cho ý thức trở lại thì tôi biết mình đã ở trong một bóng tối khác. Không khí khác, nhiệt độ khác, tính chất và chiều sâu của bóng tối khác. Cái bóng tối này nhuốm một thứ ánh sáng yếu ớt đùng đục. Và một mùi phấn hoa găn gắt quen thuộc xộc vào mũi tôi. Tôi đang ở trong căn phòng khách sạn kỳ lạ đó.
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn quanh, nín thở.
Tôi đã đi xuyên qua tường.
Tôi đang ngồi trên sàn trải thảm, lưng tựa vào bức tường bọc vải. Tay tôi vẫn đang xếp trên đầu gối. Cơn ngủ của tôi một khoảnh khắc trước đó đáng sợ và sâu hun hút bao nhiêu thì cơn tỉnh của tôi lúc này trọn vẹn và rõ rệt bấy nhiêu. Sự tương phản giữa mơ và tỉnh, nó cùng cực đến mức phải mất một hồi tôi mới quen được với cái tỉnh này. Tiếng tim tôi đập nghe cũng rõ mồn một. Không nghi ngờ gì nữa. Tôi đang ở đây. Rốt cuộc tôi đã vào được trong căn phòng.
° ° °
Trong bóng tối dường như dệt bằng nhiều lớp lưới mắt nhỏ, căn phòng giống hệt như tôi nhớ từ lần trước. Tuy nhiên, khi mắt đã quen với bóng tối, tôi bắt đầu nhận ra những khác biệt nhỏ. Đầu tiên là cái điện thoại giờ nằm ở chỗ khác. Trước nó ở trên bàn ngủ, nay thì nằm trên một cái gối và dường như lọt thỏm vào trong gối. Kế đó tôi thấy lượng whisky trong chai đã vơi đi, gần như cạn đến đáy. Đá trong xô đã tan hết, chỉ còn lại một thứ nước cũ, đùng đục. Chất lỏng trong cốc đã khô, sờ tay vào tôi thấy lòng cốc phủ một lớp bụi trắng. Tôi lại gần giường, nhấc chiếc điện thoại lên, áp ống nghe lên tai. Đường dây không hoạt động. Căn phòng có vẻ đã bị bỏ rơi, bị lãng quên từ lâu lắm. Không có dấu vết sự hiện diện của con người. Duy có mấy bông hoa trong lọ còn giữ nguyên vẻ tươi tắn đến kỳ lạ.
Có dấu hiệu cho thấy ai đó đã nằm trên giường: ga trải giường, chăn, gối đều hơi bị xô lệch. Tôi kéo thẳng ga trải giường rồi sờ xem có hơi ấm không, nhưng không có. Cũng không còn mùi nước hoa. Vậy từ khi người này rời giường đến giờ cũng đã khá lâu. Tôi ngồi nép ở mép giường, nhìn khắp phòng một lần nữa, lắng nghe. Nhưng chẳng có âm thanh nào. Nơi này giống như ngôi mộ cổ đã bị những tên đào mộ lấy trộm thi hài trong đó mang đi.
° ° °
Đột nhiên điện thoại reo. Tim tôi co rúm lại như một con mèo sợ sệt. Những tiếng vang lảnh lót làm rung động những hạt phấn hoa lơ lửng trong không khí; các cánh hoa khẽ chuyển mình, ngẩng lên trong bóng tối. Làm thế nào điện thoại lại reo được? Mới vài phút trước nó còn câm lặng như tảng đá trong lòng đất. Tôi cố thở đều, giữ yên nhịp tim, rồi kiểm tra xem, liệu mình có vẫn ở trong căn phòng đó không. Tôi vươn tay chạm vào ống nghe, chần chừ một chút rồi mới nhấc lên. Cho tới khi đó điện thoại đã reo ba, bốn lần.
“Alô”. Điện thoại chết lặng ngay khi tôi nhấc ống nghe lên. Sức nặng bất khả cưỡng của cái chết đè nặng trong tay tôi như một cái bao cát. “Alô”, tôi lại nói, nhưng giọng khô khốc của tôi dội trở lại không chút thay đổi, như thể bật lại từ một bức tường dày. Tôi đặt máy xuống, rồi lại nhấc lên nghe. Không có âm thanh nào. Tôi ngồi trên mép giường, cố thở đều trong khi chờ điện thoại reo lại. Nó không reo. Tôi nhìn những hạt bụi phấn trong không khí lại trở về với vô thức và chìm vào bóng tối. Tôi thử khôi phục lại tiếng điện thoại reo trong đầu mình. Tôi không còn dám tin chắc là điện thoại đã reo thật nữa. Nhưng nếu tôi để những nỗi ngờ vực kiểu đó len lỏi vào thì sẽ cứ ngờ vực mãi không bao giờ dứt. Tôi phải vạch ranh giới ở đâu đó. Nếu không thì tôi sẽ phải nghi ngờ ngay chính sự tồn tại của mình ở nơi này. Điện thoại đã reo. Điều đó là chắc chắn, không thể lầm được. Rồi một khoảnh khắc sau nó đã chết lặng. Tôi hắng giọng, nhưng cả cái âm thanh đó cũng lập tức tan biến trong không khí.
Tôi đứng dậy đi một vòng quanh phòng. Tôi săm soi sàn nhà, nhìn chằm chặp lên trần, ngồi lên bàn, tựa vào tường, xoay nhanh quả đấm cửa, bật lên bật xuống công tắc cây đèn chân đế. Quả đấm hiển nhiên không xoay, đèn không sáng. Cửa sổ bị phong kín từ bên ngoài. Tôi căng tai nghe xem có tiếng gì không, nhưng sự im lặng giống như bức tường cao ngất, nhẵn thín. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy có một cái gì đó đang cố đánh lừa tôi, dường như có những kẻ khác đang nín thở, ép sát người vào tường, xóa màu da để tôi không biết rằng có họ ở đó. Cho nên tôi cũng vờ không nhận thấy. Cả hai bên chúng tôi rất giỏi lừa nhau. Tôi lại hắng giọng và sờ tay lên môi.
Tôi quyết định kiểm tra căn phòng một lần nữa. Tôi lại thử cây đèn chân đế, nhưng đèn không sáng. Tôi mở nút chai whisky, ngửi chỗ rượu còn sót lại. Mùi vẫn không thay đổi. Cutty Sark. Tôi đậy nút lại rồi đặt lại chai lên bàn. Tôi kê ống nghe lên tai một lần nữa, nhưng câm lặng vẫn hoàn câm lặng. Tôi bước chậm mấy bước để cảm nhận tấm thảm bên dưới giày. Tôi áp tai vào tường, tập trung chú ý, cố nghe xem có âm thanh nào lọt qua không, nhưng dĩ nhiên là không. Tôi đi lại phía cửa, xoay quả đấm, dù biết làm thế là vô nghĩa. Quả đấm xoay dễ dàng về bên phải. Tôi ngớ ra một lúc, không hiểu thế nào. Mới đó quả đấm cửa còn cứng ngắc như gắn bằng xi-măng. Tôi lặp lại từ đầu, buông quả đấm ra rồi lại chìa tay nắm lấy, xoay sang phải, xoay sang trái. Nó xoay ngon lành trong tay tôi. Một cảm giác kỳ quặc nảy ra trong tôi, như thể lưỡi tôi đang sưng phù lên trong mồm.
Cửa mở.
Tôi đẩy quả đấm cho đến khi cửa mở ra vừa đủ ột làn ánh sáng chói lòa tuôn vào phòng. Cây gậy. Giá như có cây gậy, tôi sẽ thấy tự tin hơn. Mà thôi, quên cây gậy đi! Tôi đẩy rộng cửa ra. Tôi nhìn bên phải rồi bên trái, thấy không có ai, tôi mới bước ra ngoài. Đó là một hành lang dài, trải thảm. Cách không xa là một chiếc bình lớn có cắm hoa. Đó chính là chiếc bình hoa mà tôi đã nấp đằng sau, khi gã bồi huýt sáo luôn mồm kia gõ cửa. Trong ký ức của tôi hành lang này dài, có nhiều chỗ ngoặt và nhánh rẽ. Tôi đã tình cờ chạm trán gã bồi huýt sáo kia và đi theo gã. Tấm biển trên cửa ghi rõ Phòng 208.
Bước thật cẩn thận, tôi đến gần bình hoa. Tôi hy vọng có thể tìm được đường ra chỗ tiền sảnh, nơi lần trước Wataya Noboru đã xuất hiện trên truyền hình. Tôi mong sẽ có thể tìm ra vài manh mối ở đó. Nhưng đi lang thang trong cái khách sạn này chẳng khác gì liều mạng đi trong sa mạc mênh mông mà không có la bàn. Nếu không tìm được chỗ tiền sảnh rồi tiếp tục không tìm được đường trở lại Phòng 208 thì ắt tôi sẽ bị cầm tù trong chốn mê cung này, không thể quay về thế giới thực nữa.
Nhưng không có thời gian chần chừ thêm. Đây có thể là cơ hội cuối cùng của tôi. Tôi đã đợi dưới đáy giếng từng ngày một, trong sáu tháng trời, nay thì cửa đã mở trước mặt tôi. Hơn nữa, chẳng mấy chốc người ta sẽ tước đi cái giếng khỏi tôi. Nếu tôi lùi bước lần này thì bao nhiêu thời gian công sức của tôi sẽ hóa thành công cốc.
Tôi rẽ mấy lần. Đôi giày tennis bẩn thỉu của tôi bước êm ru trên thảm. Tôi chẳng nghe thấy gì, không giọng người, không tiếng nhạc, không tiếng tivi, không có cả tiếng cánh quạt hay thang máy. Khách sạn lặng ngắt như một công trình đổ nát bị thời gian bỏ quên. Tôi rẽ nhiều lần, đi qua nhiều cánh cửa. Hành lang phân nhánh liên tục, cứ mỗi lần như vậy tôi đều rẽ phải, ý là để nếu muốn quay về, tôi chỉ cần toàn rẽ trái là sẽ tìm được phòng nơi xuất phát. Nhưng rồi tôi mất phương hướng. Đi, đi mãi mà không hề cảm thấy mình đang đến gần bất cứ cái gì. Các phòng đánh số không theo thứ tự nào, lại cứ nối nhau không biết bao giờ mới hết nên có số cũng bằng không. Các con số chưa kịp ghi vào trí nhớ thì đã trôi tuột mất khỏi đầu tôi. Thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác mình đã đi qua số này số nọ rồi. Đến giữa hành lang tôi dừng lại thở. Có phải tôi đang đi vòng vòng cùng một chỗ như khi người ta lạc lối trong rừng?
° ° °
Đang đứng đó tự hỏi sẽ làm gì thì tôi nghe một âm thanh quen thuộc ở đằng xa. Đó là gã bồi luôn mồm huýt sáo. Hắn huýt quả là cừ khôi, thật chẳng ai sánh bằng. Cũng như lần trước, hắn đang huýt bản overtune trong vở Chim ác là ăn cắp của Rossini, giai điệu này huýt sáo không dễ, nhưng xem ra hắn làm được chẳng khó khăn gì. Tôi tiến dọc theo hành lang về phía có tiếng huýt sáo mà lúc này nghe đã to hơn, rõ hơn. Hình như hắn đang đi về phía tôi. Tôi nhìn thấy một cái cột khá to, liền nấp đằng sau.
Gã bồi vẫn bưng một chiếc khay bằng bạc, trên đó vẫn là chai Cutty Sark, xô nước đá và hai chiếc cốc. Hắn đi vội ngang qua tôi, hướng thẳng về phía trước, vẻ mặt chừng như hắn đang bị mê hoặc bởi tiếng huýt sáo của chính mình. Hắn không nhìn về phía tôi, hắn đang vội đến nỗi không thể phí phạm dù chỉ một giây ột động tác thừa. Mọi cái y như lần trước, tôi nghĩ. Dường như thể xác tôi đang được đưa về quá khứ.
Ngay khi gã bồi đi qua rồi, tôi liền theo chân hắn. Chiếc khay bạc của hắn bập bềnh lên xuống nhịp nhàng theo giai điệu mà hắn đang huýt sáo, thỉnh thoảng lại phản chiếu ánh đèn chùm trên trần. Hắn lặp đi lặp lại giai điệu Chim ác là ăn cắp như một lời thần chú. Chẳng biết vở opera này nói về cái gì nhỉ? Tôi chẳng biết gì hơn về nó ngoài giai điệu có phần buồn tẻ của khúc overtune và cái tên kỳ bí. Hồi tôi còn nhỏ, nhà tôi có một đĩa thu bản overtune này do Toscanini điều khiển dàn nhạc. So với cách diễn tấu trẻ trung, khinh khoái, hiện đại của Claudio Abbado thì cách của Toscanini có gì đó khốc liệt khuấy động máu trong người, như khi sau trận chiến sống mái với một kẻ thù hùng mạnh, ta đánh bại được đối phương và khoan thai bóp cổ y cho đến chết. Nhưng thật ra Chim ác là ăn cắp có phải là câu chuyện về một con chim dính vào trò ăn cắp không? Nếu mọi việc giải quyết êm xuôi, hẳn tôi phải đến thư viện tìm trong từ điển bách khoa âm nhạc xem sao. Thậm chí tôi cần mua một đĩa thu toàn bộ vở opera nếu có. Hay là không cần? Có khi đến lúc đó, tôi lại chẳng buồn biết lời đáp cho các câu hỏi kia là gì nữa.
Gã bồi chuyên huýt sáo vẫn tiếp tục đi thẳng, bước đều tăm tắp như người máy, tôi thì theo sau, cách một quãng cố định. Không cần nghĩ tôi cũng biết hắn đang đi đâu. Hắn đang mang chai Cutty Sark, nước đá và ly đến Phòng 208. Thật vậy, hắn dừng lại trước Phòng 208. Hắn chuyển khay sang tay trái, kiểm tra số phòng, sửa lại tư thế rồi gõ cửa cho có lệ. Gõ ba lần, rồi ba lần nữa.
Tôi không biết liệu có tiếng trả lời từ bên trong không. Tôi nấp sau bình hoa quan sát gã bồi. Thời gian trôi qua, nhưng gã bồi vẫn đứng nguyên đó, như đang cố thử xem giới hạn sức chịu đựng của mình đến đâu. Hắn không gõ thêm, chỉ lẳng lặng chờ cửa mở. Cuối cùng, như đáp lại một lời cầu nguyện, cửa bắt đầu mở vào trong.