Biên niên ký Chim vặn dây cót

Chương 11


Bạn đang đọc Biên niên ký Chim vặn dây cót: Chương 11

11
Trung úy Mamiya xuất hiện

Từ bùn ấm sinh ra cái gì

Nước hoa
Ba ngày sau, Mamiya Tokutaro gọi điện lúc 7 giờ rưỡi sáng. Khi đó tôi đang ăn sáng với Kumiko. 
– Tôi thật vô cùng xin lỗi mới sáng sớm thế này đã gọi cho ông. Mong là tôi đã không phá giấc ngủ của ông, – ông Mamiya nói, vẻ hối lỗi rất thành thật. 
Tôi trấn an ông rằng không sao cả, sáng nào cũng vậy, 6 giờ hơn một chút là tôi đã dậy rồi. 
Ông ta cảm ơn tôi về tấm bưu thiếp và giải thích rằng ông muốn gặp tôi trước khi tôi đi làm sáng nay, lại nói rằng ông sẽ biết ơn lắm nếu tôi có thể gặp ông một lát ngay trong giờ nghỉ trưa hôm nay. Ông ta hy vọng có thể lấy ngay vé cho chuyến tàu tối về lại Hiroshima. Ông bảo ban đầu ông định nán lại ở Tokyo lâu hơn, nhưng vì có chuyện gì đó nên ông phải quay về nhà càng sớm càng tốt. 
Tôi bèn nói rõ rằng hiện tôi đang thất nghiệp, rằng tôi rảnh suốt ngày, rằng tôi có thể gặp ông bất cứ lúc nào, sáng, trưa, chiều, tối, tùy ông. 
– Nhưng ắt hẳn ông cũng có ý định làm một việc gì đó trong ngày hôm nay chứ ạ? – ông ta hỏi một cách vô cùng lịch thiệp. 
Tôi đáp rằng tôi hoàn toàn chẳng có ý định gì hết. 
– Nếu vậy liệu tôi có thể ghé qua nhà ông lúc 10 giờ sáng nay không? 
– Thế thì tốt quá. 
Chỉ sau khi gác máy tôi mới nhớ ra mình đã quên chỉ cho Mamiya biết làm cách nào tìm ra nhà của chúng tôi nếu đi từ nhà ga. Mà cũng không sao, đằng nào ông ấy cũng có địa chỉ; hễ đã muốn thì thể nào cũng tìm tới được. 
– Ai vậy? – Kumiko hỏi. 
– Cái ông phân phát di vật của ông Honda ấy mà. Độ gần trưa ông ấy sẽ mang đến cho anh. 

– Thật à? – nàng nhấp một ngụm cà phê rồi phết bơ lên bánh mì. – Ông ấy tử tế quá. 
– Ừ, tử tế thật. 
– Nhân thể, liệu anh với em – hay ít nhất là anh – có nên đi viếng ông Honda, thắp một nén nhang không nhỉ? 
– Ý hay đấy. Anh sẽ hỏi Mamiya xem sao. 
Khi sửa soạn đi làm, Kumiko nhờ tôi cài hộ khóa kéo sau lưng chiếc áo váy nàng mặc. Áo rất bó nên trầy trật mãi mới cài được. Nàng xức một thứ nước hoa rất dễ chịu ở phía sau tai, một mùi hương thật tuyệt, thích hợp vô cùng với một buổi sáng mùa hè. – Nước hoa mới à? – tôi hỏi. Thay vì trả lời, nàng liếc đồng hồ rồi đưa tay sửa tóc. 
– Em muộn giờ rồi, – nàng nói rồi cầm lấy túi xách đang đặt trên bàn.
° ° °
Tôi vừa dọn dẹp căn phòng nhỏ mà Kumiko dùng để làm việc và đang mang sọt rác đi đổ thì phát hiện một dải ruy băng màu vàng mà Kumiko đã vứt đi. Nó thòi ra từ dưới một tờ giấy bị vo tròn dúm dó và mấy chiếc phong bì quảng cáo. Màu vàng bóng lưỡng của nó đập ngay vào mắt tôi. Nó là loại ruy băng dùng để gói quà thắt nơ hình bông hoa. Tôi nhặt nó ra khỏi sọt rác mà xem xét. Cái ruy băng bị vứt bỏ cùng một tờ giấy gói quà của siêu thị Matsuya. Bên dưới tờ giấy là một chiếc hộp có nhãn hiệu Christian Dior. Lót bên trong hộp có chỗ lõm hình cái chai. Cứ theo chiếc hộp mà suy, đó hẳn là một món quà khá đắt tiền. Tôi mang nó vào phòng tắm rồi mở tủ đựng mỹ phẩm của Kumiko ra. Quả nhiên trong tủ có một chai nước hoa Christian Dior chưa dùng, hình dáng đúng như chỗ lõm trong hộp. Tôi mở nắp chai mạ vàng ra ngửi thử. Đúng là mùi hương tôi đã nghe đằng sau tai Kumiko. 
Tôi ngồi trên ghế sofa, vừa uống chỗ cà phê còn lại từ ban sáng vừa tập trung tư tưởng. Rõ ràng ai đó đã tặng quà cho Kumiko. Một món quà đắt tiền. Mua ở siêu thị Matsuya, gói quà và thắt ruy băng. Đàn ông chẳng ai lại tặng quà cho phụ nữ (nhất là phụ nữ có chồng) nếu quan hệ giữa họ với cô ta không phải là thân thiết. Nếu một bạn gái tặng cho Kumiko thì sao… Nhưng liệu phụ nữ có tặng nước hoa cho phụ nữ không? Tôi không rõ. Tuy nhiên, có một điều tôi dám chắc là chẳng có lý do đặc biệt nào để Kumiko được ai đó tặng quà vào dịp này trong năm. Sinh nhật nàng là vào tháng Năm. Kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng cũng vậy. Cũng có thể nàng đã tự mua ình một chai nước hoa rồi bảo người ta gói lại bằng ruy băng. Nhưng vì sao? 
Tôi thở dài nhìn lên trần nhà. 
Liệu tôi có nên hỏi nàng không? “Có phải ai đó mua cho em chai nước hoa này không?”. Nàng có thể trả lời: “À, chai này ấy à. Có một cô bé chỗ cơ quan em gặp mấy vấn đề riêng tư, em giúp nó giải quyết thôi mà. Kể thì dài lắm. Nó tặng em để trả ơn thôi. Mùi thật tuyệt phải không? Của này đắt lắm đấy!” 
Nghe cũng hợp lý lắm. Không còn gì hỏi nữa. Chả cần băn khoăn làm gì cả. 
Nhưng tôi cứ băn khoăn mãi. Lẽ ra nàng phải nói gì với tôi chứ. Nếu nàng đã có thì giờ đi về phòng, tháo ruy băng, xé giấy gói, mở hộp ra, ném cả ba thứ vào sọt rác rồi đặt chai nước hoa vào tủ mỹ phẩm thì hẳn nàng cũng có thể đến chỗ tôi mà nói: “Xem này, quà của con bé ở cơ quan tặng em đấy”. Nhưng không, nàng chẳng nói gì hết. Có lẽ nàng cho rằng chuyện đó không đáng nhắc tới chăng. Cứ cho là vậy thì mọi chuyện đã phủ một lớp màn bí mật. Chính điều đó mới làm tôi băn khoăn. 
Tôi nhìn lên trần nhà một hồi lâu. Tôi cố nghĩ một chuyện gì khác, nhưng không được, đầu óc cứ trơ ra. Tôi vẫn miên man nghĩ về cái lúc tôi cài khóa kéo cho nàng, tấm lưng mịn màng trắng nuột của nàng, mùi hương sau tai nàng. Lần đầu tiên sau nhiều tháng, tôi thèm hút thuốc. Tôi muốn ột điếu xì gà lên môi. Châm lửa rồi hít khói vào phổi. Được vậy thì tôi sẽ trấn tĩnh một chút. Nhưng tôi chẳng có điếu nào. Không còn cách nào khác, tôi đành lấy một viên kẹo chanh mà mút. 
Lúc 10 giờ kém điện thoại reo. Tôi đồ rằng là Trung úy Mamiya. Nhà này vốn không dễ tìm. Ngay cả những người từng đến đây một lần đôi khi vẫn đi lạc là chuyện thường. Nhưng không phải Trung úy Mamiya gọi. Trong ống nghe là giọng người đàn bà bí ẩn mà hôm nọ đã gọi điện cho tôi. 
– Chào cưng! Lâu lắm mới gặp nhau, – cô ta nói. – Anh có thích lần trước không? Em có làm anh nhúc nhích chút nào không? Sao tự dưng anh lại gác máy? Mà lại ngay giữa lúc thú vị nhất kia chứ! 
Trong một khoảnh khắc tôi cứ nghĩ cô ta đang nói về giấc mơ của tôi gần đây trong đó tôi làm tình với Kano Creta. Nhưng hóa ra là chuyện khác. Cô ta đang nói về cái hôm cô ta gọi điện trong khi tôi đang nấu spaghetti. 
– Xin lỗi, – tôi nói. – Hiện giờ tôi đang bận. Mười phút nữa tôi có khách nên phải dọn dẹp nhà cửa một chút. 

– Đang thất nghiệp mà sao lúc nào anh cũng bận rộn lắm thế, – cô ta nói, giọng mỉa mai. Lần trước cũng vậy, giọng điệu cô ta cứ đổi xoành xoạch. – Lúc thì bận nấu spaghetti, khi thì bận tiếp khách. Nhưng không sao. Em chỉ cần mười phút thôi. Ta nói chuyện mười phút đi nào, chỉ anh với em thôi. Khi nào khách đến anh cúp máy là được mà. 
Tôi muốn cúp máy ngay không nói năng gì, nhưng không làm vậy được. Có lẽ vì tôi vẫn còn đang rối bời về chuyện chai nước hoa của Kumiko nên cảm thấy muốn nói chuyện với một người nào đó, ai cũng được. 
– Nào nào, tôi không hề biết cô là ai cả, – tôi nói. Tôi nhặt cây bút chì nằm cạnh chiếc điện thoại, vừa nói vừa xoay xoay trên mấy ngón tay. – Cô có chắc là tôi biết cô không? 
– Dĩ nhiên là anh biết em. Lần trước em đã bảo mà. Em biết anh, anh cũng biết em. Gì chứ chuyện đó thì em không nói dối đâu. Em không có thì giờ gọi điện cho những kẻ hoàn toàn xa lạ. Trí nhớ anh có điểm mù hay sao vậy? 
– Tôi thật không hiểu. Thật ra thì… 
– Đủ rồi, – cô ta cắt ngang. – Nghĩ ngợi gì cho lắm. Anh biết em và em biết anh. Điều quan trong là, ờ, thôi cứ xem thế này đi: em sẽ rất là dễ thương với anh. Còn anh không phải làm gì cả. Thế chẳng tuyệt quá hay sao? Anh không phải làm gì cả, không chịu trách nhiệm gì hết. Mọi thứ đã có em làm. Mọi thứ. Thế là hay quá còn gì phải không? Đừng cả nghĩ làm gì. Đừng làm mọi chuyện phức tạp lên. Vứt mọi thứ ra khỏi đầu đi. Hãy hình dung anh đang nằm trên một lớp bùn thật êm, thật dễ chịu vào một chiều xuân ấm áp. 
Tôi im lặng. 
– Anh ngủ. Anh đang mơ. Anh đang nằm trên một lớp bùn ấm áp. Quên vợ anh đi. Quên đi chuyện mình đang thất nghiệp. Quên tương lai đi. Quên mọi thứ đi. Tất cả chúng ta đều trồi lên từ bùn ấm rồi tất cả lại quay về đó. Cuối cùng… Ồ, mà này, anh Okada! Lần cuối cùng anh làm tình với vợ anh là khi nào vậy? Anh có nhớ không? Lâu rồi phải không? Chắc cũng phải hai tuần rồi. 
– Xin lỗi, khách của tôi đến rồi, – tôi nói. 
– Hơn hai tuần phải không? Nghe giọng anh em biết. Hay là ba tuần? 
Tôi không nói gì. 
– Thôi được rồi, – cô ta nói, giọng cô nghe như nước nhỏ rửa trôi bụi bám trên các lá sách rèm cửa sổ. – Đó là chuyện giữa anh với vợ anh. Nhưng em sẽ cho anh tất cả những gì anh muốn. Đổi lại thì anh, anh Okada, anh không phải có bất cứ trách nhiệm gì. Chỉ cần rẽ qua góc quanh là sẽ thấy cả một thế giới mà anh chưa hế thấy. Em đã nói anh có điểm mù, đúng không? Anh vẫn chưa hiểu à? 
Siết chặt ống nghe, tôi vẫn im lặng. 
– Nhìn quanh đi, – cô ta nói. – Nhìn quanh rồi bảo em xem, anh thấy gì nào? 
Ngay khi đó chuông cửa reo. Cảm thấy nhẹ cả người, tôi gác máy.
° ° °
Trung úy Mamiya là một ông già cao lênh khênh, đầu hói, mang kính gọng vàng. Ông có nước da rám nắng, khí sắc khỏe mạnh của người quen lao động tay chân, không một tí thịt thừa. Hai bên khóe mắt hằn những nếp nhăn sâu, mỗi bên ba nếp cực kỳ cân đối, như thể ông sắp nheo mắt vì ánh sáng quá gắt. Khó đoán được tuổi ông, nhưng ít nhất cũng phải trên bảy mươi. Thời trai trẻ hẳn ông là một anh chàng có sức khỏe hơn người. Có thể thấy rõ điều đó qua dáng đi thẳng tắp và nhưng động tác dứt khoát, đâu ra đó. Thái độ và lời lẽ của ông toát lên vẻ cực kì lễ phép, nhưng không phải kiểu hình thức khách sáo mà gây ấn tượng một sự chính xác giản dị, không tô vẽ. Viên trung úy tỏ ra là một người quen tự mình quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ông mặc bộ lê màu xám sáng bình thường, sơ mi trắng, cà vạt xám sọc đen. Bộ -lê đơn sơ có vẻ làm bằng chất liệu quá dày so với một buổi sáng tháng Sáu oi bức, nhưng ông chẳng rỏ lấy một giọt mồ hôi. Bàn tay trái của ông là tay giả, đeo chiếc găng xám nhạt cùng màu với bộ lê. Bọc kín trong chiếc găng màu xám đó, bàn tay nhân tạo trông càng lạnh lẽo và vô tri so với tay kia rám nắng và lông lá đang xách lủng lẳng một bọc vải buộc túm lại ở đầu. 

Tôi mời ông vào phòng khách rồi mời ông một chén trà xanh. 
Ông xin lỗi vì không có danh thiếp. 
– Trước kia tôi dạy khoa xã hội tại một trường trung học ở miền quê tỉnh Hiroshima, nhưng từ khi về hưu tôi không làm gì cả. Tôi trồng ít rau, cho vui là chính, làm nghề nông đơn giản thôi. Thành thử tôi không mang danh thiếp, giờ tôi mới thấy như vậy thì thật thất lễ. 
Tôi cũng không có danh thiếp. 
– Thưa ông Okada, xin cho tôi được hỏi ông bao nhiêu tuổi? 
– Tôi ba mươi, – tôi nói. 
Ông gật đầu. Rồi ông nhấp một ngụm trà. Tôi chịu không biết ông có cảm tưởng gì về chuyện tôi ba mươi tuổi. 
– Nhà ông ở thích thật, yên tĩnh quá, – ông ta nói, như để đổi đề tài. 
Tôi kể với ông chuyện tôi thuê lại căn nhà này của ông cậu với giá gần như cho không. Tôi nói thêm rằng bình thường ra, với thu nhập của chúng tôi thì không đủ tiền để sống trong một căn nhà rộng như thế này. Ông vừa gật gù vừa nhìn quanh nhà với vẻ ngại ngùng. Tôi cũng theo ông nhìn quanh nhà. Hãy nhìn quanh anh, giọng người đàn bà kia đã bảo tôi. Nhìn ra xung quanh với cái nhìn mới mẻ đầy ý thức này, tôi nhận ra bầu không khí lan tỏa nơi đây có một sự lạnh lẽo nào đó. 
– Lần đi này tôi đã ở Tokyo hai tuần, – Trung úy Mamiya nói. – Ông là người cuối cùng mà tôi gặp để trao kỷ vật của ông Honda. Giờ thì tôi có thể quay về Hiroshima rồi. 
– Tôi mong sẽ có thể đến thăm nhà ông Honda thắp cho ông ấy nén nhang, – tôi nói. 
– Ý định ấy thật quý hóa, nhưng nhà ông Honda – nay là phần mộ ông ấy – là ở Asahikawa, Hokkaido. Gia đình ông ấy đã từ Asahikawa đến để thu xếp những gì ông còn để lại trong nhà ông ở Meguro, giờ thì họ quay về rồi. Không còn lại gì nữa. 
– Tôi hiểu, – tôi nói. – Vậy là lâu nay ông Honda không ở với gia đình mà sống một mình ở Tokyo. 
– Đúng vậy. Người con trai trưởng hiện sống ở Asahikawa rất áy náy về việc để cha già sống một mình ở thủ đô, người ngoài họ nhìn vào thì không hay lắm. Hình như anh ta từng thuyết phục cha về sống với mình, nhưng ông Honda từ chối. 
– Ông ấy có có trai à? – tôi hỏi, hơi sửng sốt. Lâu nay tôi cứ tưởng ông Honda chỉ có một thân một mình trên đời này. – Vậy thì hẳn vợ ông ấy qua đời khá lâu rồi. 
– Chuyện đó thì khá phức tạp. Sau chiến tranh bà Honda dang díu với một người đàn ông khác, rồi cả hai người tự sát. Hình như vào năm 1950 hay 1951 gì đó. Chi tiết thì tôi không được biết. Ông Honda chẳng bao giờ nói nhiều về chuyện đó, còn tôi nếu gặng hỏi thì dĩ nhiên không tiện. 
Tôi gật đầu. 
Sau đó ông Honda một mình nuôi con, một trai một gái. Khi con cái đủ lớn để tự lập, ông chuyển đến Tokyo ở một mình làm nghề bói toán, như ông biết đó. 
– Hồi ở Asahikawa ông ấy làm gì? 
– Ông ấy hùn vốn làm ăn với người anh trai trong ngành in ấn. 
Tôi cố hình dung ông Honda mặc quần áo bảo hộ lao động đứng trước máy in mà đọc bản in thử, nhưng trong ký ức tôi ông Honda là một ông già có phần lôi thôi bẩn thỉu mặc bộ kimono cũ mèm bẩn thỉu lôi thôi, đeo cái khăn quàng lẽ ra chỉ hợp với áo ngủ, đông cũng như hè luôn ngồi dưới sàn nhà, thõng chân xuống hố sưởi, tay nghịch đôi que bói trên chiếc bàn thấp. 

Trung úy Mamiya dùng bàn tay lành lặn khéo léo mở cái túi vải mang theo, lôi ra gói đồ hình thù giống như hộp kẹo nhỏ gói trong giấy thô buộc chặt mấy vòng dây. Trung úy đặt nó lên bàn rồi đẩy về phía tôi. 
– Đây là kỷ vật mà ông Honda nhờ tôi chuyển cho ông. 
Tôi cầm lên. Nó hầu như nhẹ bẫng. Nhìn bên ngoài tôi không đoán được bên trong là cái gì. 
– Tôi mở được không? – tôi hỏi. 
Trung úy Mamiya lắc đầu. 
– Tôi xin lỗi, nhưng ông Honda đã nói rõ, ông ấy muốn rằng chỉ khi nào có một mình ông mới mở. 
Tôi gật đầu, đặt lên bàn. 
– Thật ra tôi nhận được thư ông Honda đúng một ngày trước khi ông ấy qua đời. Thư viết thế này: “Tôi sắp chết. Tôi hoàn toàn không sợ chết. Ý trời đã định tôi chỉ sống được chừng ấy thôi. Đã là thiên mệnh thì làm sao cưỡng được. Tuy nhiên, còn một việc tôi chưa làm xong. Trong tủ tôi có mấy vật, những vật ấy tôi muốn chuyển ột số người. Nay thì chắc tôi không tự mình làm việc ấy được nữa. Chính vì vậy tôi sẽ rất biết ơn nếu anh có thể giúp tôi phân phát chỗ kỷ vậy này theo danh sách đính kèm. Tôi biết mình yêu cầu như thế là quá đáng, nhưng tôi hy vọng anh sẽ coi đây là ý nguyện cuối cùng của tôi trước khi nhắm mắt mà gắng lòng thực hiện vì tôi.” Phải nói rằng tôi đã thật sự bị chấn động khi nhận được bức thư như thế của ông Honda. Đã nhiều năm nay – dễ đến sáu, bảy năm – tôi mất liên lạc với ông ấy, không hề viết thư cho nhau một chữ. Tôi viết thư hồi âm ngay, nhưng thư tôi bị trả về kèm theo giấy thông báo của con trai ông Honda rằng ông ấy đã qua đời. 
Ông nhấp một ngụm trà xanh. 
– Ông Honda biết rõ mình sắp chết, – Trung úy Mamiya nói tiếp. – Ông ấy đã đạt tới một trạng thái tâm thức mà những kẻ như tôi chẳng bao giờ mong có được. Như ông đã nói trong bưu thiếp, ở ông ấy có gì đó làm người khác bị xáo động sâu xa. Tôi cảm thấy điều đó ngay từ lần đầu gặp ông ấy, vào mùa hè năm 1938. 
– Ồ, có phải ông ở cùng đơn vị với ông Honda vào thời điểm trận Nomonhan không? 
– Không, – Trung úy Mamiya vừa nói vừa cắn môi. – Chúng tôi ở hai đơn vị khác nhau, thậm chí hai sư đoàn khác nhau. Chúng tôi tình cờ cùng tham gia một chiến dịch quân sự nhỏ ngay trước trân Nomonhan. Về sau hạ sĩ Honda bị thương ở Nomonhan và được đưa về Nhật. Tôi thì không có mặt ở Nomonhan. Tôi bị mất bàn tay – tới đây Trung úy Mamiya chìa bàn tay trái mang găng ra – trong trận tiến công của quân Xô Viết vào tháng Tám năm 1945, tháng cuối cùng của cuộc chiến. Tôi bị dính đạn súng máy hạng nặng vào vai trong trận đánh chống một đơn vị xe tăng, đang nằm bất tỉnh trên mặt đất thì một chiếc xe tăng Xô Viết cán lên tay tôi. Tôi bị bắt làm tù binh, được chữa trị ở quân viện tại Chita, sau đó bị đưa đến trại tù ở Siberia. Họ giam tôi cho tới năm 1949. Tính từ khi người ta cử tôi sang Mãn Châu từ năm 1937 thì tôi đã ở Trung Hoa đại lục tổng cộng mười hai năm. Suốt thời gian đó tôi không một lần đặt chân lên đất Nhật. Gia đình tôi cứ tưởng tôi đã chết trong khi đánh nhau với người Nga. Họ đã xây mộ cho tôi trong nghĩa địa làng. Trước khi rời Nhật tôi đã gần như là tỏ tình với một cô gái, nhưng khi tôi về thì cô ấy đã lấy người khác. Biết làm sao được. Mười hai năm chứ đâu có ít. 
Tôi gật đầu. 
– Tôi xin lỗi, thưa ông Okada, – ông nói. – người trẻ như ông mà nghe mấy chuyện ngày xưa này thì hẳn thấy chán lắm. Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm một điều nữa. Đó là hồi ấy chúng tôi cũng là những chàng trai bình thường như ông vậy. Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đi lính. Tôi muốn làm thầy giáo kia. Tuy nhiên, ngay khi tôi rời trường, người ta gửi giấy gọi nhập ngũ, tống tôi vào trường huấn luyện sĩ quan, thế là rốt cuộc tôi nằm ở Trung Hoa đại lục suốt mười hai năm trời. Đời tôi cứ như một giấc mơ vậy, – nói xong câu này, Trung úy Mamiya nín lặng. 
– Nếu không có gì bất tiện, tôi rất muốn được biết ông và ông Honda đã quen biết nhau như thế nào, – lát sau tôi nói. Tôi thực tình muốn biết ông Honda từng là người như thế nào trước khi gặp Trung úy Mamiya. 
Trung úy Mamiya ngồi ngẫm nghĩ điều gì, hai bàn tay đặt đúng trên đầu gối. Chẳng phải là ông không biết nên làm gì. Chỉ là ông đang suy nghĩ. 
– Chuyện có thể dài đấy, – ông nói. 
– Không sao cả. 
– Chuyện này tôi chưa hề kể với ai. Mà tôi tin chắc rằng cả ông Honda cũng không hề kể với ai. Lý do là hai chúng tôi… đã có một thỏa thuận… là giữa bí mật chuyện này. Nhưng ông Honda đã mất. Tôi là người duy nhất còn lại. Nếu tôi kể thì cũng chẳng làm hại ai. Thế là Trung úy Mamiya bắt đầu kể cho tôi nghe chuyện của ông.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.