Biên niên ký Chim vặn dây cót

Chương 09 (part 02)


Bạn đang đọc Biên niên ký Chim vặn dây cót: Chương 09 (part 02)

– Được chưa? – tôi hỏi, bằng một giọng nghe như không phải của tôi. Như thể ai đó đang nói thay cho tôi vậy. 
Cô không nói gì, nhưng tôi cảm thấy cô gật đầu. 
Cô đang mặc áo len dệt kim và váy mỏng dài đến gối, nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận ra rằng bên dưới cô hoàn toàn chẳng mặc gì. Thế là tôi gần như là tự động cương cứng lên. Hình như cô cũng biết điều đó. Tôi nghe hơi thở ấm áp của cô trên cổ mình. 
Rốt cuộc tôi đã không ngủ với cô. Nhưng tôi vẫn phải “sạc pin” cho cô mãi tới 2 giờ sáng. Cô nài tôi ở lại cho tới khi nào cô ngủ đươc. Tôi bế cô vào giường, ấn cô vào trong chăn. Nhưng mãi mà cô vẫn thức. Cô thay đồ ngủ, và tôi vẫn cứ ôm cô, “sạc pin” cho cô. Trong vòng tay tôi, tôi cảm thấy hai bầu má cô nóng bừng, tim cô đập mạnh. Tôi không biết mình làm vậy có đúng không, nhưng tôi chẳng biết phải làm gì khác trong tình thế này. Việc đơn giản nhất hẳn là ngủ với cô ta, nhưng tôi ra sức xua cái khả năng đó ra khỏi tâm trí. Bản năng mách bảo tôi chớ làm vậy. 
– Xin anh đừng ghét em vì chuyện này, – cô nói. – Điện của em còn ít quá. Em không chịu nổi. 
– Đừng lo, – tôi nói. – Anh hiểu mà. 
Tôi biết mình nên gọi điện về nhà, nhưng tôi có thể nói gì với Kumiko đây? Tôi không muốn nói dối, nhưng tôi biết việc sẽ không thể nào giải thích chuyện này cho nàng hiểu. Vả chăng, gọi cũng chẳng ích gì. Điều gì tới thì sẽ tới. Tôi rời căn hộ của cô ta lúc 2 giờ sáng, về đến nhà thì đã 3 giờ. Khó khăn lắm mới tìm được taxi. 
Dĩ nhiên là Kumiko nổi giận đùng đùng. Nàng đang ngồi bên bàn bếp, vẫn thức chong chong, đợi tôi. Tôi nói tôi ra ngoài uống rượu và chơi mạt chược với mấy tay đồng nghiệp ở cơ quan. Gọi điện về nhà nhắn một tiếng, có khó gì đâu, sao anh không gọi? nàng hỏi. Chả hiểu thế nào mà anh không nghĩ ra, tôi nói. Nàng không tin, và lời nói dối thấy ngay là quá lộ liễu. Đã nhiều năm nay tôi không chơi mạt chược, lại nữa tôi vốn dĩ không biết nói dối trong bất kỳ trường hợp nào. Rốt cuộc tôi đành thú nhận sự thật. Tôi kể cho nàng toàn bộ câu chuyện từ đầu tới cuối – dĩ nhiên là trừ chi tiết cương cứng -, cố lặp đi lặp lại và nhấn mạnh rằng tôi tuyệt chẳng làm gì cô kia. 
Kumiko không nói năng gì với tôi suốt ba ngày liền. Thực sự là không một lời nào. Nàng ngủ ở phòng khác, ăn cũng một mình. Đây là cuộc khủng hoảng căng nhất từ khi chúng tôi lấy nhau. Nàng quả thật giận tôi lắm, và tôi rất hiểu tâm trạng này ra sao. 
Sau ba ngày không hé răng, Kumiko hỏi tôi: – Nếu anh ở vào địa vị của em thì anh nghĩ sao? – Đó là câu đầu tiên của nàng. – Nếu như em cũng mãi ba giờ sáng Chủ nhật mới về nhà mà thậm chí không thèm gọi điện thoại? “Em đã nằm trên giường suốt với một gã đàn ông, nhưng anh đừng lo, em chẳng làm gì hết, tin em đi mà. Em chỉ sạc lại pin cho anh ta thôi. Thôi nào, mình ăn sáng rồi đi ngủ nhé”. Nếu em nói thế, liệu anh có nổi điên lên không? Liệu anh có tin em không? 
Tôi lặng thinh. 
– Mà anh thì còn tệ hơn thế! – Kumiko nói tiếp. – Anh đã nói dối em. Anh bảo nào là anh uống rượu, nào là anh chơi mạt chược. Nói dối như cuội! Sao anh có thể nghĩ rằng em sẽ tin anh không ngủ với ả đó cơ chứ? 
– Anh xin lỗi là đã nói dối, – tôi nói. – Lẽ ra anh không bao giờ nên làm vậy. Chỉ vì anh thấy giải thích sự thật thì khó quá. Anh muốn em tin một điều: thực sự là anh đã không làm gì sai cả. 
Kumiko tựa đầu lên bàn. Tôi cảm thấy như không khí trong phòng đang dần dần mỏng đi. 
– Anh không biết nói gì nữa, – tôi nói. – Anh không biết giải thích cách nào hơn là xin em hãy tin anh. 
– Thôi được. Nếu anh muốn em tin anh thì em tin, – nàng nói. – Nhưng em muốn anh nhớ một điều: rồi sẽ có lúc em làm một chuyện tương tự như thế. Chừng đó thì em muốn anh hãy tin em. Em có quyền đó. 

Kumiko chưa hề sử dụng cái quyền đó. Thỉnh thoảng tôi lại thử hình dung mình sẽ cảm thấy ra sao nếu nàng làm vậy. Hẳn là tôi sẽ tin nàng, nhưng phản ứng của tôi chắc chắn cũng sẽ phức tạp, khó lường như phản ứng của Kumiko. Sao cứ phải làm một việc như thế, để làm gì chứ? Đó chính là điều mà hôm đó Kumiko đã nghĩ về tôi.
° ° °
– Chim vặn dây cót ơi, – có tiếng gọi tôi từ ngoài vườn. Đó là Kasahara May. 
Vừa lau tóc tôi vừa ra ngoài hiên. Cô bé đang ngồi vắt vẻo trên ban công mà cắn móng tay. Cô vẫn đeo cặp kính hoa râm như khi tôi gặp lần đầu, mặc quần vải bông màu kem, áo phông đen. Tay cô cầm một chiếc dập ghim. 
– Em trèo qua đó, – cô vừa nói vừa chỉ bức tường bêtông. Rồi cô phủi bụi bám vào quần. – Em cứ đoán hú họa: chắc nhà này đây. May quá, đúng là nhà anh! Thử nghĩ mà xem, nhỡ em trèo vào nhầm nhà thì sao! 
Cô rút trong túi ra một gói Hope, châm một điếu. 
– Công việc thế nào hở Chim vặn dây cót? 
– Làng nhàng thế thôi. 
– Em sắp đi làm đây, – cô nói. – Đi với em đi? Bọn em làm việc theo nhóm hai người, mà nếu em cặp với một người quen thì tố-ố-ốt quá! Phải một tay lạ hoắc thì thể nào cũng hạch hỏi đủ thứ, nào “Em mấy tuổi rồi”, rồi lại “Sao không đi học?” Mệt lắm! Mà nhỡ ra gặp một thằng bệnh hoạn tính dục thì gay to. Chuyện gì cũng có thể xảy ra mà, anh biết đấy! Nào, đi với em nhé. Chim vặn dây cót. Làm ơn đi mà! 
– Có phải đó là công việc mà em có lần kể với anh không, điều tra gì gì đó cho hãng làm tóc giả ấy? 
– Đấy đấy, – cô nói. – Anh chỉ phải làm mỗi một việc là đếm số người hói đầu ở khu Ginza, từ một giờ đến bốn giờ. Dễ như ăn ớt ấy! Mà cũng có ích cho anh nữa. Cứ cái kiểu này thì lúc nào đấy anh cũng sẽ hói đầu thôi; bây giờ tạm thời còn tóc, anh nên tìm hiểu một chút đi là vừa. 
– Ừ, nhưng còn em? Lỡ giám thị trường đi kiểm tra học sinh trốn học mà nhìn thấy em làm việc này ở Ginza giữa giờ học thì em tính sao? 
– Có sao đâu, em sẽ bảo là em đang điều tra thực địa để nghiên cứu xã hội học. Em nói thế bao nhiêu lần rồi, hiệu nghiệm lắm đấy. 
Do chưa định làm gì vào buổi chiều nên tôi quyết định đi cùng cô bé xem sao. Kasahara May gọi điện về công ty báo rằng chúng tôi sẽ tới. Trên điện thoại, cô chuyển thành một phụ nữ trẻ rất đoan trang nền nã: 
– Vâng, thưa ông, tôi muốn lập nhóm với anh ấy, đúng vậy, vâng, cám ơn ông rất nhiều, vâng, tôi hiểu, vâng, chúng tôi sẽ đến vào đúng giữa trưa. 
Tôi để lại mấy chữ cho Kumiko nhắn rằng tôi sẽ về trước 6 giờ, phòng trường hợp nàng về sớm, rồi ra khỏi nhà cùng với Kasahara May. 

Hãng làm tóc giả nằm ở khu Shinbashi. Trên xe điện ngầm, Kasahara May giải thích cho tôi cách tiến hành điều tra. Chúng tôi sẽ đứng ở một góc phố mà đếm tất cả những người hói (hay những người đang rụng tóc) đi ngang qua. Chúng tôi phải phân loại cho tùy theo mức độ hói: C là những người mới rụng chút ít, B là đã rụng nhiều, A là hoàn toàn hói. May rút trong cặp hồ sơ ra một cái bìa gấp rồi mở ra chỉ cho tôi xem ảnh mẫu của ba giai đoạn. 
– Anh hiểu rồi chứ, đầu nào xếp vào loại nào ấy mà? Em không đi vào chi tiết đâu. Phải mất cả ngày đấy. Nhưng anh cũng hiểu đại khái chứ, đầu nào xếp loại nào ấy? 
– Tàm tạm, – tôi nói, nhưng chẳng tỏ ra tự tin cho lắm. 
Bên cạnh Kasahara May có một quý ông béo núc ních ra dáng dân công sở, cái đầu dứt khoát là thuộc loại B; quý ông cứ liếc mãi cái bìa có những tấm ảnh mẫu trên tay Kasahara May, vẻ bồn chồn ra mặt, nhưng cô bé dường như hoàn toàn không chú ý đến ông ta. 
– Em sẽ đảm nhiệm việc phân loại, còn anh đứng cạnh em cầm tờ điều tra. Anh chỉ việc ghi vào A, B hay C, em bảo gì anh ghi nấy. Chỉ có vậy thôi. Dễ mà, phải không? 
– Nói chung thì dễ, – tôi nói. – Nhưng điều tra như vậy rồi thì để làm gì? 
– Em chả biết, – cô nói. – Họ làm vậy ở khắp Tokyo – ở Shinjuku, Shibuya, Aoyama. Chắc họ muốn tìm hiểu xem khu nào có nhiều người hói nhất. Hoặc họ muốn biết tỷ lệ A, B, C trong dân số. Ai mà biết được? Họ có nhiều tiền quá không biết xài đâu cho hết ấy mà. Cho nên họ mới vung tiền ra làm mấy trò như vậy. Nghề tóc giả lãi ối tiền đấy. Nhân viên của họ được hưởng lương hậu hỹ hơn mấy công ty kinh doanh thương mại nhiều. Anh biết vì sao không? 
– Không. Vì sao? 
– Tóc giả đâu có dùng được lâu. Em cá là anh không biết: tóc giả chỉ dùng được hai năm, cùng lắm là ba năm. Tóc giả làm càng tốt, chất lượng càng cao thì càng chóng phải thay. Nói gì thì nói, nó là sản phẩm tiêu dùng ấy mà. Ấy là vì nó vừa khít đầu của người ta quá thành thử tóc bên dưới lại càng mọc thưa hơn nữa. Mà hễ tóc thưa hơn thì lại phải mua bộ tóc giả mới cho khớp. Anh cứ thử nghĩ xem: Giả dụ anh đội tóc giả, thế rồi hai năm sau không dùng được nữa, liệu anh có nghĩ: Chà, tóc giả này hết xài được rồi. Không đội được nữa. Nhưng mua cái mới thì đắt quá, nên từ mai mình sẽ đi làm không đội tóc giả. Liệu anh có nghĩ thế không? 
Tôi lắc đầu. – Chắc là không, – tôi nói. 
– Dĩ nhiên rồi. Một khi đã phải đội tóc giả là cứ phải đội mãi. Như là số trời bắt vậy rồi. Cho nên hội làm tóc giả mới phất to thế. Nói thì em cũng chả muốn nói, nhưng thật ra họ chẳng khác gì bọn buôn lậu thuốc phiện. Đã mắc câu của họ thì cứ thế làm khách hàng của họ cả đời. Anh đã bao giờ nghe nói tới anh chàng hói nào bỗng dưng lại mọc tóc chưa? Em thì chưa bao giờ nghe. Tóc giả tệ lắm cũng nửa triệu yên một bộ, oách thì phải tới một triệu. Thế mà cứ hai năm anh phải mua một bộ mới! Trời ạ! Ngay cả xe hơi cũng xài được lâu hơn thế, những bốn, năm năm. Anh lại còn có thể đổi xe mới nữa chứ! 
– Anh hiểu, – tôi nói. 
– Thế đã hết đâu, họ còn có cửa hiệu làm tóc nữa. Họ giặt tóc giả và cắt tóc thật cho khách hàng. Cứ tưởng tượng mà xem: làm sao anh có thể tới hiệu cắt tóc bình thường, ngồi xuống ghế, lột tóc giả ra rồi bảo người ta tỉa tóc cho anh được! Chỉ cần mấy cửa hiệu đó không thôi cũng đủ cho họ hốt bạc rồi! 
– Chuyện gì em cũng rành quá nhỉ! – tôi nói, thật sự khâm phục cô. Ông bạn làm công sở thuộc loại B ngồi bên cạnh May lắng nghe chúng tôi như nuốt từng chữ. 
– Có gì lạ đâu, – cô nói. – Mấy người ở công ty thích em lắm. Họ kể với em đủ thứ chuyện. Ngành kinh doanh này lãi khủng khiếp. Họ làm tóc giả ở Đông Nam Á và những nơi tương tự, vì nhân công rẻ. Họ mua cả tóc ở đó nữa, ở Thái Lan hay Philippin. Phụ nữ ở mấy xứ đó bán tóc cho các công ty làm tóc giả. Ở một số nơi, họ làm vậy để có tiền làm của hồi môn. Thế giới này kỳ quặc thật! Cái tay ngồi cạnh anh thật ra đang mặc tóc thật của cô nàng nào đó ở Indonesia đấy. 

Một cách bản năng, cả quý ông công chức (loại B) lẫn tôi đều ngoài cổ nhìn những người khác ở trong toa.
° ° °
Chúng tôi dừng ở văn phòng công ty tại Shinbashi để lấy một phong bì to đựng phiếu điều tra và bút chì. Công ty này hẳn phải đứng hàng thứ hai trong số các hãng làm tóc giả, nhưng lại có vẻ yên ắng khác thường, thậm chí nơi cửa chính chẳng có lấy một cái biển tên để khách ra vào khỏi bở ngỡ. Cả phong bì lẫn mấy tờ phiếu điều tra đều không thấy đề tên công ty. Ở phòng phụ trách điều tra, tôi điền tên, tuổi, địa chỉ, trình độ học vấn vào một mẫu đăng ký làm bán thời gian. Cái văn phòng này im ắng đến lạ. Chẳng ai thét lác vào điện thoại, chẳng ai xắn tay áo lên hì hục gõ bàn phím. Mỗi nhân viên đều ăn mặc tươm tất, lặng lẽ tập trung làm việc của mình. Vốn là một công ty làm tóc gia nên quả thật chẳng ai ở đây bị hói đầu cả. Cũng có thể vài ba người đang đội sản phẩm của công ty, nhưng tôi chịu không phân biệt được ai tóc thật ai tóc giả. Trong tất cả các công ty tôi từng đến, đây là công ty kỳ lạ nhất. 
Chúng tôi đi xe điện ngầm đến khu Ginza. Vẫn còn sớm và lại đang đói, nên chúng tôi ghé quán Dairy Queen làm một cái hamburger. 
– Này Chim vặn dây cót, nói em nghe, nếu bị hói thì anh có đội tóc giả không? – Kasahara May hỏi. 
– Anh chưa biết, – tôi nói. – Anh không thích những việc rầy rà, mất thì giờ. Thành thử nếu bị hói chắc anh cũng để mặc thôi. 
– Hay đấy, – cô vừa nói vừa dùng khăn giấu lau xốt cà chua dính trên miệng. – Thử nghĩ mà xem, người hói trông cũng đâu đến nỗi xấu như họ nghĩ. Theo em, chẳng việc gì phải lo sốt vó về nó như vậy. 
– Ừ, – tôi nói.
° ° °
Suốt ba tiếng đồng hồ sau đó chúng tôi ngồi nơi lối xuống xe điện ngầm gần Tòa nhà Wako mà đếm những người đàn ông hói đi ngang qua. Nhìn xuống những cái đầu lên xuống cầu thang là cách chính xác nhất để xác định mức độ hói của bất kỳ cái đầu nào. Kasahara May thì nói “A”, “B” hay “C”, tôi thì ghi vào phiếu. Rõ là cô bé đã làm việc này nhiều lần rồi. Cô chẳng bao giờ lúng túng, ngập ngừng hay tự đính chính, mà phân loại từng cái đầu một cách cực kỳ nhanh chóng và chính xác, phát âm các chữ cái bằng giọng khe khẽ để người qua kẻ lại không để ý. Mỗi khi có một đám nhiều cái đầu hói cùng xuất hiện thì cô tuôn một tràng dài “CCBABCAACCBBB” như súng liên thanh. Đến một lúc, một ông cụ dáng người lịch lãm (bản thân ông có cả một đầu tóc bạc phơ như tuyết) dừng lại xem chúng tôi tác nghiệp. – Xin lỗi, – một hồi sau ông nói, – cho phép tôi hỏi quý vị đang làm gì đấy? 
– Làm điều tra, – tôi đáp. 
– Điều tra gì kia? – ông hỏi. 
– Nghiên cứu xã hội học, – tôi đáp. 
– CACABC, – Kasahra May nói. 
Cụ ông lịch lãm xem chừng chẳng tin là mấy, nhưng ông chỉ quan sát chúng tôi thêm một lát rồi phẩy tay bỏ đi. 
Khi cái đồng hồ Mitsukoshi phía bên kia đường chỉ đúng 4 giờ, chúng tôi kết thúc buổi điều tra và trở lại quán Dairy Queen làm một tách cà phê. Công việc này không tốn sức nhiều, thế mà cổ và vai tôi tê cứng đến là lạ. Có thể vì tính chất công việc, chúng tôi đếm những cái đầu hói một cách vụng trộm, nên tôi mang cảm giác có lỗi thế nào đó. Suốt quãng thời gian ngồi xe điện ngầm trở lại văn phòng công ty ở Shinbashi, tôi chợt nhận ra mình đang tự động phân loại A, B, C bất cứ cái đầu hói nào lọt vào tầm mắt, điều đó khiến tôi hầu như buồn nôn. Tôi muốn dừng ngay, nhưng cái quán tính nào đó đã bắt đầu vận hành rồi, không cưỡng lại được. Chúng tôi nộp các phiếu điều tra rồi nhận tiềng công, khá là hậu hỹ so với thời gian và công sức bỏ ra. Tôi ký biên nhận rồi đút tiền vào túi. Kasahara May và tôi đón xe điện ngầm đến Shinjuku, từ đó chuyển sang tuyến Odakyu để về nhà. Giờ cao điểm chiều đã bắt đầu. Khá lâu tôi mới đi lại trên một chuyến tàu đông khách thế này, song tôi chẳng có cảm giác bồi hồi gì mấy. 
– Công việc không tồi chứ hở, – đứng cạnh tôi trên tàu, Kasahara May nói. – Việc nhẹ nhàng, thù lao lại khá. 
– Ừ, – tôi nói, miệng mút keo chanh. 

– Lần sau lại đi với em nhé? Mỗi tuần một lần. 
– Sao lại không? – tôi nói. 
– Này Chim vặn dây cót, anh biết không, – Kasahara May nói sau một thoáng im lặng, như thể có một ý nghĩ vừa đột ngột đến với cô, – em cá rằng sở dĩ người ta sợ bị hói là do hói đầu khiến họ nghĩ mình sắp tới số rồi. Ý em là, khi tóc bắt đầu rụng, người ta thấy như đời mình cũng đang tàn dần đi… như thể mình đã xoải một bước dài về phía cái chết, về phía miệng lỗ vậy. 
Tôi ngẫm nghĩ một lát. 
– Chắc hẳn cũng có một số người nghĩ thế, – tôi nói. 
– Anh biết không, Chim vặn dây cót, thỉnh thoảng em tự hỏi chết dần từng tí một suốt một thời gian dài đằng đẵng thì như thế nào. Anh nghĩ sao? 
Chưa hiểu cô muốn nói gì, tôi liền đổi thế nắm quai treo giữ thăng bằng mà nhìn thẳng vào mắt cô. 
– Chết dần từng tí một… nghĩa là sao? Em ột ví dụ cụ thể được không? 
– Em chả biết nữa… Ví như anh bị nhốt trong bóng tối, tối như hũ nút, anh trơ trọi một mình, không đồ ăn, không nước uống, thế là anh chết từ từ… 
– Thế thì kinh khủng lắm, – tôi nói. – Rất đau đớn. Anh chẳng muốn chết vậy tí nào. 
– Nhưng chẳng phải đời là vậy sao, hở Chim vặn dây cót? Chẳng phải tất cả chúng ta đều bị nhốt trong bóng tối ở đâu đó, người ta lấy đi hết đồ ăn nước uống của chúng ta, thế là chết từ từ, chết dần chết mòn…? 
Tôi phá lên cười. 
– Em còn trẻ quá mà sao lại pessimistic thế, – tôi nói, dùng chữ tiếng Anh. 
– Pessi… cái gì cơ? 
– Pessimistic. Nghĩa là bi quan, chỉ nhìn vào khía cạnh đen tối của sự vật. 
– Pessimistic, pessimistic… – cô lặp lại từ tiếng Anh mấy lần, rồi nhìn lên tôi với ánh mắt giận dữ. – Em mới có mười sáu tuổi, em chưa biết nhiều về thế giới này, nhưng có một điều em biết chắc chắn. Nếu như em bi quan thì những người lớn nào không bi quan trên đời này thảy đều là một lũ ngốc.
——————————– 1 Phòng khách sạn hạng sang, gồm một dãy nhiều phòng – ND.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.