Bạn đang đọc Biên niên ký Chim vặn dây cót: Chương 06( part 02)
Thế nhưng tôi không thể nào chịu nổi cái bộ dạng anh ta, dù trên báo hay trên truyền hình. Anh ta là người có tài, có năng lực, tôi không phủ nhận. Tôi nhận thấy quá rõ là khác. Anh ta biết cách quật nốc ao đối thủ một cách chóng vánh và hiệu quả chỉ bằng một vài lời. Anh ta có cái bản năng của loài thú là đánh hơi chiều gió. Nhưng nếu để ý kỹ những gì anh ta nói hay viết, ta sẽ thấy lời lẽ anh ta thiếu sự nhất quán. Chúng không hề phản ánh một thế giới quan duy nhất dựa trên một niềm tin sâu sắc. Thế giới của anh ta là một thế giới mà anh ta dựng nên bằng cách lắp ghép vài ba hệ tư tưởng một chiều. Nếu cần, anh ta có thể xào xáo lại cái kết cấu đó để tạo ra một hệ quan điểm mới trong nháy mắt. Đó là những trò biến dị và tổ hợp tư duy rất tài tình, thậm chí phải nói là đầy nghệ thuật. Nhưng với tôi, tất cả những cái đó chỉ là một trò chơi, không hơn không kém. Nếu trong các quan điểm của anh ra có cái gì đó gọi là nhất quán, ấy là cái sự trước sau như một chẳng có gì nhất quán, và nếu anh ta có một thế giới quan thì thế giới quan đó có thể gọi là “tôi chẳng có thế giới quan nào sất”. Nhưng chính những sự thiếu vắng đó lại là hành trang trí tuệ của anh ta. Sự nhất quán và một thế giới quan vững chắc chỉ là những thứ thừa thãi không cần thiết trong những cuộc giao đấu trí tuệ diễn ra trong một thời lượng ngắn ngủi trên truyền hình, thành thử không có những cái đó hóa ra lại là ưu thế lớn của anh ta.
Anh ta chẳng có gì để bảo vệ, nghĩa là anh ta có thể hoàn toàn chú tâm vào những “hành vi giao chiến” thuần tuý. Anh ta chỉ cần tấn công, chỉ cần hạ nốc ao đối thủ. Wataya Noburu là một con tắc kè trí thức, đổi màu tuỳ theo màu của đối thủ, biết điều chỉnh các lập luận logic của mình tùy từng trường hợp sao cho đạt hiệu quả tối đa, và làm các lập luận đó vững chắc hơn bằng tài hùng biện. Tôi không biết làm cách nào anh ta học được những kỹ năng đó, nhưng rõ ràng anh ta có biệt tài thu hút cảm tình của đám đông khán giả. Anh ta biết cần dùng loại lập luận nào có khả năng tác động mạnh nhất đến số đông. Mà các lập luận đó cũng chẳng cần phải có logic, chúng chỉ cần có vẻ như thế, điều quan trọng là chúng đánh vào tâm tư tình cảm người xem.
Một thế mạnh khác của anh ta là phô thuật ngữ chuyên môn. Dĩ nhiên chẳng ai biết mấy thuật ngữ ấy có ý nghĩa gì, nhưng anh ta có khả năng đưa chúng ra với cái vẻ như nếu bạn không hiểu thì tại bạn thôi. Anh ta lại còn luôn trích dẫn số liệu thống kê. Những số liệu ấy nằm sẵn trong đầu anh ta, chúng khiến cho lý lẽ anh ta càng có sức thuyết phục, nhưng nếu về sau nghĩ lại, ta sẽ nhận ra rằng chẳng ai đặt nghi vấn về nguồn hoặc tính tin cậy của các số liệu đó cả.
Những thủ thuật tinh khôn của anh ta thường khiến tôi điên tiết, nhưng tôi chưa bao giờ giải thích được với người khác cụ thể cái gì làm tôi bực bội. Tôi chưa khi nào dựng được một lý lẽ đủ sức quật lại anh ta. Chẳng khác gì đấu quyền Anh với một bóng ma: những quả đấm của ta chỉ vụt vào khoảng không. Tôi bị sốc khi thấy ngay những vị thức giả tinh tường nhất cũng bị cuốn vào cuộc chơi của anh ta. Điều đó khiến tôi khó chịu một cách kỳ lạ.
Thế là Wataya Noburu dần dần được coi như một trong những nhân vật trí thức sáng láng nhất thời đại. Dường như chẳng còn ai để ý đến sự nhất quán này nọ nữa. Cái duy nhất mà họ quan tâm khi bật tivi lên là cuộc giao tranh giữa các võ sĩ giác đấu trên đấu trường tri thức, máu họ đổ ra càng đỏ càng hay. Và nếu như cùng một người đó hôm thứ Hai nói một điều còn đến thứ Năm lại nói một điều hoàn toàn ngược lại thì cũng chẳng sao.
° ° °
Tôi gặp Wataya Noburu lần đầu khi Kumiko và tôi quyết định lấy nhau. Tôi muốn nói chuyện với anh ta trước khi gặp cha nàng. Tôi cứ đinh ninh rằng, do là người trạc tuổi tôi, anh ta hẳn sẽ giúp phần nào đó để buổi nói chuyện với cha nàng được suôn sẻ.
– Em e rằng anh không thể trông mong anh ấy giúp đâu, – Kumiko nói, chẳng hiểu sao có vẻ ngập ngừng thấy rõ. – Nói sao cho anh hiểu đây… Anh ấy không phải loại người đó.
– Trước sau gì anh cũng phải gặp anh ấy kia mà, – tôi nói.
– Ừ thì thế.
– Cứ thử gặp xem sao. Ở đời việc gì chả vậy, có thử mới biết được.
– Thôi được. Mình cứ thử xem.
Qua điện thoại Wataya Noburu chẳng tỏ ra nhiệt tình cho lắm về việc gặp tôi. Nhưng nếu cậu khẩn khoản xin gặp thì tôi có thể dành cho cậu nửa giờ, anh ta nói. Chúng tôi quyết định gặp nhau ở một quán cà phê gần ga Ochanomizu. Hồi đó anh ta chỉ mới là trợ giảng ở đại học, hãy còn chưa viết cuốn sách và hóa ra đỏm dáng như mãi sau này. Mấy chiếc túi áo khoác của anh ta bục tung, chắc vì thói quen thọc hai nắm tay vào đó quá lâu. Tóc anh ta lẽ ra phải tỉa bớt từ hai tuần trước. Chiếc sơ mi thể thao màu tương mù tạc của anh ta hoàn toàn không đi với chiếc áo khoác hàng hải bằng vải tuýt xanh xám. Anh ta có cái dáng điển hình của những tay trợ giảng ở trường đại học mà với họ tiền là một thứ gì rất ư xa lạ. Mắt anh ta có cái vẻ ngái ngủ của những người vừa mới chui từ thư viện ra sau khi miệt mài nghiên cứu cả ngày giữa hàng đống sách, song nếu nhìn kỹ sẽ còn thấy một ánh lạnh lùng, sắc như dao trong cặp mắt đó.
Tự giới thiệu xong, tôi nói tôi đang dự định cưới Kumiko trong thời gian tới. Tôi cố giải bày mọi chuyện hết sức chân thành. Tôi bảo tôi đang làm việc ột hãng luật, nhưng tôi biết công việc đó không phù hợp với mình. Tôi vẫn đang tìm kiếm chính mình. Người như tôi mà tính chuyện lấy vợ thì nghe có vẻ điên rồ, nhưng tôi nói tôi yêu Kumiko, và tôi tin mình có thể làm nàng được hạnh phúc. Hai chúng tôi có thể mang lại sức mạnh và niềm an ủi cho nhau.
Lời của tôi xem ra chẳng có tác dụng gì với Wataya Noburu. Anh ta ngồi khoanh tay, lẳng lặng nghe. Thậm chí sau khi tôi đã nói xong, anh ta vẫn ngồi im như phỗng thêm một hồi lâu, như đang mải nghĩ chuyện khác.
Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy lúng túng với sự hiện diện của anh ta, nhưng tôi cho rằng đó là do tình huống tế nhị. Hẳn ai cũng sẽ lúng túng khi phải nói với một kẻ hoàn toàn xa lạ: “Tôi muốn cưới em gái anh làm vợ”. Nhưng khi ngồi đối diện anh ta, cái cảm giác lúng túng đó từ từ dâng lên thành một nỗi khó chịu trong tôi. Cảm giác đó giống như có một khối vật chất lạ đang lên men chua loét trong dạ dày mình. Chẳng phải vì lời lẽ hay cử chỉ anh ta có gì đó xúc phạm tôi. Vấn đề là bộ mặt: chính cái bộ mặt của Wataya Noburu. Tôi có linh cảm rằng bộ mặt đó được che giấu dưới một lớp gì đó hoàn toàn khác. Có gì đó không ổn. Đó không phải bộ mặt thật của anh ta. Tôi không sao rũ bỏ được cảm giác đó.
Tôi muốn đứng dậy đi khỏi ngay, càng xa càng tốt. Tôi đã định làm vậy thật, nhưng đâm lao thì phải theo lao, mình đã trót khơi mào câu chuyện thì phải ngồi cho rốt. Thế là tôi vẫn ngồi, vừa nhấp tách cà phê đã nguội vừa chờ anh ta nói cái gì đó.
Khi cất lời, dường như anh ta cố tình điều chỉnh giọng mình nhỏ lại nhằm tiết kiệm năng lượng.
– Thật tình mà nói, tôi không hiểu mà cũng chả quan tâm tới những chuyện cậu vừa nói với tôi. Những gì tôi quan tâm thuộc về một cấp độ hoàn toàn khác, những thứ mà tôi tin chắc cậu không hiểu mà cũng chẳng quan tâm tới. Để nói càng ngắn gọn càng tốt, nếu cậu yêu Kumiko và cô ấy muốn lấy cậu thì tôi không có quyền cũng chẳng có lý do gì để ngăn cản. Vì vậy tôi sẽ không ngăn cản. Tôi chẳng buồn nghĩ tới việc đó nữa là. Nhưng mặt khác, cậu cũng đừng trông mong gì hơn ở tôi. Và quan trọng nhất là, đừng mong tôi phí thêm thời gian vào việc này nữa.
Anh ta xem đồng hồ rồi đứng dậy. Lời tuyên bố của anh ta thật ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Không thừa, không thiếu. Tôi hiểu rành mạch cả điều anh ta muốn nói lẫn những gì anh ta nghĩ về tôi.
Chúng tôi chia tay nhau như thế.
Sau khi Kumiko và tôi lấy nhau, Wataya Noburu trở thành anh vợ tôi, thành thử có nhiều lúc tình huống buộc tôi và anh ta phải trao đổi vài lời tuy không hẳn là trò chuyện. Như anh ta có lần nói, hai chúng tôi chẳng có gì chung, nên dù chúng tôi nói gì thì nói những khi giáp mặt nhau, những lời đó không bao giờ phát triển thành một cuộc trò chuyện được. Chả khác gì hai người nói hai thứ tiếng khác nhau vậy. Giả sử Đạt lai lạt Ma đang nằm hấp hối trên giường trong khi nghệ sĩ nhạc jazz Eric Dolphy ra sức giải thích cho ngài về tầm quan trọng của việc chọn đúng loại dầu máy ô tô phù hợp với những thay đổi của âm sắc kèn clarinet bass, cuộc đối thoại đó có khi còn hữu ích và hiệu quả hơn những trao đổi dăm câu ba chữ giữa tôi và Wataya Noburu.
Tôi hiếm khi mang những tình cảm tiêu cực kéo dài do gặp phải người này hay người nọ. Dĩ nhiên, ai đó có thể làm tôi cáu tiết hoặc khó chịu, nhưng chuyện đó chóng qua. Tôi có thể phân biệt bản thân mình với những người khác như là những sinh thể thuộc hai cảnh giới hoàn toàn khác nhau. Cái khả năng đó có thể gọi là một thứ tài năng (nói thế hoàn toàn không phải là khoác lác; làm được vậy không dễ chút nào, phải có tài, có năng lực đặc biệt mới được). Mỗi khi ai đó gây tác động đến thần kinh tôi, việc đầu tiên tôi làm là chuyển đối tượng của những cảm xúc khó chịu của tôi sang một bình diện khác, một bình diện hoàn toàn không có liên hệ gì với tôi. Thế rồi tôi tự nhủ: Được thôi, mình đang thấy khó chịu, nhưng mình đã chuyễn cái gốc của những cảm xúc khó chịu đó vào một vùng khác, cách đây rất xa, khi nào rảnh rỗi mình hẵng kiểm tra, phân tích nó sau. Nói cách khác, tôi phong bế cảm xúc của mình. Về sau, khi quay lại để xem xét, thỉnh thoảng tôi cũng thấy cảm xúc của mình vẫn còn trong tình trạng tiêu cực, cơn tức tối hay nỗi khó chịu vẫn còn, nhưng trường hợp đó rất hiếm. Thường thì sau một thời gian, cái độc tố trong những cảm xúc tiêu cực sẽ bị trung hòa và trở nên vô hại, thành thử dù sớm hay muộn tôi cũng sẽ quên chúng đi.
Từ trước đến giờ tôi vẫn có khả năng giữ cho thế giới nội tại của mình ở trạng thái ít nhiều ổn định và bình an, tránh hầu hết những phiền toái không cần thiết bằng cách kích hoạt cái hệ thống kiểm soát cảm xúc này. Duy trì được hiệu quả cao của cái hệ thống đó suốt ngần ấy năm qua là một niềm tự hào của tôi.
Thế nhưng, khi gặp Wataya Noburu, cái hệ thống của tôi từ chối hoạt động. Tôi không tài nào đẩy bật được Wataya Noburu vào một cõi khác không có liên hệ gì đến tôi. Ngược lại thì có – Wataya Noburu làm được điều đó với tôi. Chuyện đó khiến tôi cáu tiết. Dĩ nhiên, cha của Kumiko là kẻ khó chịu và ngạo mạn. Song, xét cho cùng, ông ta chỉ là điển hình cho loại người có tầm nhìn thiển cận, khư khư bám lấy những xác tín hẹp hòi. Người như vậy thì tôi quên được. Nhưng Wataya Noburu thì không. Anh ta biết rõ mình là ai, và cũng biết rất rõ tôi là cái hạng gì. Nếu thích, anh ta có thể nghiền nát tôi thành cám dưới gót giày. Lý do duy nhất anh ta không làm vậy là anh ta hoàn toàn chẳng mảy may bận tâm tới tôi. Thậm chí cái thằng tôi không đáng cho anh ta bỏ thời gian công sức để nghiền nát ra nữa kìa. Chính vì vậy mà tôi căm tức anh ta. Anh ta là một con người đê tiện, một tên ích kỷ rỗng tuếch ở bên trong. Thế nhưng anh ta lại là kẻ tài năng gấp bội so với tôi.
Sau lần gặp đầu tiên đó, trong mồm tôi có một cái vị khó chịu mãi không chịu hết. Cứ như ai đó đã tọng vào mồm tôi một dúm bọ thối hoẵng vậy. Có nhổ ra cũng vô ích: cái mùi đó vẫn nồng nặc trong mồm. Ngày này qua ngày khác, tôi không sao tống khứ Wataya Noburu ra khỏi đầu được. Tôi cố nghĩ đến cái gì khác, nhưng vô ích. Tôi đi xem phim, nghe hoà nhạc. Thậm chí tôi đi chơi bóng chày với đồng nghiệp ở công ty. Tôi uống rượu, tôi đọc những cuốn sách đã muốn đọc từ lâu nếu có thời gian. Nhưng Wataya Noburu vần lù lù đó, khoang tay, nhìn tôi với cặp mắt nham hiểm, dường như hút lấy tôi tựa một cái đầm lầy không đáy. Điều đó khiến thần kinh tôi sôi sục, như làm rung rinh mặt đất dưới chân tôi.
Khi gặp Kumiko sau đó, nàng hỏi tôi có ấn tượng thế nào về ông anh trai. Tôi không thể thành thật trả lời nàng được. Tôi muốn hỏi về chiếc mặt nạ hắn ta mang, về “cái gì đó” bị vặn xoắn một cách phi tự nhiên ẩn dưới cái mặt nạ đó. Tôi muốn kể với nàng tất cả những gì tôi nghĩ về anh trai nàng. Nhưng tôi chẳng nói gì. Tôi cảm thấy mình sẽ không bao giờ có thể truyền đạt những điều đó với nàng, rằng nếu tôi không thể diễn đạt ý mình một cách rõ ràng thì tốt hơn là đừng để lộ gì cả.
– Anh ấy đúng là khác người thật, – tôi nói. Tôi muốn bổ sung gì đó, nhưng không tìm ra lời. Nàng cũng không gặng hỏi thêm, chỉ im lặng gật đầu.
Cảm giác của tôi về Wataya Noburu từ đó đến nay vẫn không thay đổi. Anh ta vẫn tiếp tục khiến thần kinh tôi phừng phừng như trước; nó như một cơn sốt nhẹ chẳng bao giờ chịu buông tha tôi. Nhà tôi chưa bao giờ có tivi, nhưng không hiểu vì sự ngẫu nhiên kỳ quái thế nào mà dù ở bất cứ đâu, mỗi khi tôi nhìn tivi là lại thấy Wataya Noburu đang chễm chệ trên đó mà phát ngôn với khán giả. Hễ tôi ngồi đợi trong phòng khám bác sĩ, cầm tờ tạp chí lên mà lật bâng quơ thì y như rằng có bức ảnh Wataya Noburu ở đó, cùng với một bài anh ta viết. Tôi cảm thấy như thể trong từng ngóc ngách của cả thế giới này đều có Wataya Noburu chực sẵn đợi tôi.
Đành vậy. Phải chấp nhận thực tế. Tôi căm ghét cái gã này.