Bạn đang đọc Bích Vân Thiên – Chương 7
Tháng 5, lễ cưới được cử hành. Với gia đình họ Tiêu, lễ cưới cử hành như vậy có vẻ gấp rút quá, gấp rút đến độ không chuẩn bị kịp để đón nhận.
Bà Tiêu cứ giữ Y Vân trong tay:
– Con vừa mới ra trường, mẹ còn muốn giữ con ở lại nhà ít lâu chứ chưa muốn…
Với chính Vân, nàng cũng thấy có điều hối hả quá. Tình yêu đến hôn nhân phải qua con đường tìm hiểu, suy tư dài chứ đâu thể ngắn thế này. Vân có cảm giác như kẻ ngồi phi thuyên lên cung trăng. Đúng ra phải là một cuộc đính hôn trước rồi hai năm sau mới cưới, nhưng Hạo Thiên, khi nghe Vân đề nghị đã kêu lên:
– Đợi? Đợi gì nữa? Với anh, một phút, một giây là một thế kỷ dài. mười hai năm qua chưa đủ sao?
Mỗi lần nghe thế, Vân nhún vai:
– Mười hai năm à? Thôi đừng phóng đại nữa, mười hai năm đó chưa hẳn là có hình bóng tôi trong ấy, sao anh không bảo là đợi 30 năm, từ ngày trong bụng mẹ đến bây giờ?
– Cũng có thể lắm. Hạo Thiên gãi đầu nói – Đúng rồi, khi xưa, nguyệt lão đã xe tơ hồng, vì vậy vừa chào đời anh đã ngơ ngơ ngẩn ngẩn, đợi chờ nhưng chẳng biết chờ ai. Mãi đến hôm đụng nhau trên cầu thang, anh mới giác ngộ là 30 năm kia chẳng qua là chờ em.
Y Vân vừa thấy khó chịu vừa thấy tức cười:
– Thôi ông ơi, miệng ông trơn lắm.
– Nói xàm mãi.
Và cả nhà nghe nói cũng cười theo. Bà Tiêu nhìn đôi vợ chồng trẻ con. Hạnh phúc ngọt mật là những gì quý giá nhất còn mong gì hơn?
Thật ra, chuyện nôn nóng cử hành hôn lễ không hẳn chỉ có Hạo Thiên, mà kẻ ngồi trên lửa là vợ chồng ông Cao. Ông Cao là một thương gia giàu có, tổng giám đốc một hãng ciment. Mấy năm nay, vì nhu cầu kiến thiết, xây cất những cao ốc làm đẹp thành phố, tài sản của ông đã gia tăng gấp bội. Sự nghiệp càng lớn, buôn bán càng to, càng thấy gia đình đơn chiếc. Cả hai vợ chồng chỉ có một đứa con duy nhất, nhưng con đã 30 tuổi rồi, mà chưa lập gia đình. Còn gì bất mãn hơn? Bây giờ nó đã chịu phép, nếu không cử hành hôn lễ ngay rủi nó đổi ý thì sao? Bà Cao càng nóng lòng hơn, lần đầu đến nhà Vân, không đợi mẹ Vân lên tiếng đã trấn an:
– Chị cứ yên tâm, nhà tôi chỉ có một mình Hạo Thiên thôi, vì vậy Vân mà có về, chúng tôi sẽ coi nó hơn cả con
ruột. Hạo Thiên chẳng dám ức hiếp nó đâu. Con trai tôi cũng 30 rồi, chúng tôi mong nó lập gia đình để còn có cháu bồng bế nữa chứ.
– Nhưng mà… Bà Tiêu cười nhẹ – Con gái tôi vì út nên nũng lắm, chúng tôi lại quá nuông chiều, bây giờ tuy đã 22 nhưng vẫn không hơn một đứa bé lên 5. Tôi sợ nó chưa đủ tư cách làm vợ, làm mẹ.
– Chị đừng bao giờ lo chuyện đó. Bà Cao không đợi mẹ Vân hết lời đã nói nhanh – Nhà tôi có người làm, tất cả công việc bếp núc, gia đình, tôi sẽ không cho động móng tay. Tôi biết con Vân, từ nhỏ đến lớn chỉ biết học thì làm gì trách chuyện đó? Riêng về chuyện con cái … Bà Cao cười sung sướng – Việc đó tôi mong mỏi lâu lắm rồi, có con tôi sẽ nuông chiều lắm.
Và bà Tiêu đành chịu. Hôn lễ không thể nào kéo dài được nữa. Với một người đã mong mỏi cháu nột bao năm nay thì không thể không gả được. Vả lại, làm cha mẹ ai chẳng mong con cái hạnh phúc? Thế là một màn sắm sửa rối loạn lên, nào áo quần, nữ trang, vật dụng, bàn ghế, đặt rượu, in thiệp…ba tháng liên tiếp lo mệt phờ người và khi công việc vừa lo song thì Y Vân đã trở thành người của gia đình họ Cao.
Vì Hạo Thiên là con trai độc nhất trong gia đình, nên tổ ấm của vợ chồng mới vẫn đặt trong nhà cha mẹ chồng. Ông bà Cao Kế Thiện không muốn Thiên và con dâu ra riêng. Họ chọn một căn phòng lớn, đẹp với những vật liệu trang trí mới làm phòng riêng cho đôi vợ chồng mới cưới.
Y Vân về với gia đình Thiên, sự chung đụng với người lớn tuổi khiến nàng e ngại:
– Em thấy lo quá, anh Thiên.
– Lo gì?
– Lo là em chẳng đóng trọn vai trò dâu con, sợ khoảng cách khó nối liền giữa hai lớp tuổi…
Hạo Thiên trấn an vợ:
– Đừng ngại chuyện đó em ạ! Cho em biết, anh đã sống ở trời Tây 7 năm, hiểu và quen lối sống của những gia đình Âu Tây. Anh cũng thuộc lớp tuổi của thế hệ mới, không ưa sống chung với những người lớp tuổi già, nhưng…Thiên nắm tay vợ – Đừng sợ cha mẹ anh khó, có thể đầu óc người lớn tuổi hơi bảo thủ và phong kiến… Nhưng bảo đảm với em, cha mẹ anh rất tốt, cả hai cùng yêu anh, chắc chắn cũng sẽ yêu em. Với những người yêu mình thì còn gì đáng để sợ, để lo nữa, phải không?
Y Vân cười và vùi đầu vào lòng Hạo Thiên:
– Vâng, em sẽ cố gắng làm một dâu con toàn vẹn.
– Không cần phải cố gắng lắm. Hạo Thiên hôn lên trán vợ – Em hiền lành, thành thật, trực tính, lại biết suy nghĩ và có chiều sâu thì làm gì chẳng được mọi người yêu?
Y Vân ngẩng đầu lên:
– Nhưng anh có yêu em không?
Lẩm cẩm thật? một câu hỏi như vậy trong thế giới tình yêu quả thật lẩm cẩm, nhưng cần thiết. Suốt thời kỳ trăng mật, Vân cứ hay hỏi những câu lẩm cẩm như vậy:
– Anh Thiên, anh cảm thấy yêu em tự bao giờ?
– Anh Thiên, có bao giờ anh sẽ chán em không?
– Anh Thiên, anh yêu em nhiều không? Bao nhiêu lận?
Và để trả lời, thường Thiên tặng vợ những nụ hôn nồng cháy. Có lúc chàng bế vợ vào lòng và thủ thỉ bên tai:
– Từ thời khai thiên lập địa, từ lúc có ông Bàn Cổ, anh đã yêu em. Lúc đó có thể ta chưa thành người đúng như em nói, ta là hai chú khỉ đực và khỉ cái, anh đi tìm hoa quả mang về và dâng cho em…
Vân cười khúc khích:
– Và anh kêu chí thít, chí thít, phải không?
– Ờ, đó là ngôn ngữ của khỉ mà, anh thông dịch mấy chữ đó cho em nghe nhé? Anh yêu em, anh yêu em…
Y Vân cười nghiêng ngửa:
– Anh quả lắm mồm.
Nhưng Thiên vẫn chưa thôi:
– Riêng về vấn đề em hỏi bao giờ anh sẽ chán em thì thật khó nói – “Bao giờ sông cạn đá mòn, tính anh cũng vẫn vun tròn với em”. Biết không?
– Xạo.
– Chưa hết đâu vì dù vun tròn nhưng chắc chắn sẽ có một ngày chúng ta sẽ cãi nhau.
– Tại sao vậy?
– Vì em nghĩ coi, mặt trời cháy sáng mấy ngàn năm rồi cũng có ngày nguội lạnh, trái đất cũng thế. Rồi phải đổi thay, vạn vật sẽ biến hóa, tình chồng vợ chúng ta kéo dài mấy mươi thế ky?, từ lớp khỉ đến lớp người rồi cũng sang lớp khác chứ?
– Lớp gì?
– Lớp khủng long, lúc bấy giờ ta không còn nói với nhau bằng tiếng “anh yêu em” nữa là những tiếng rống. Không phải chửi lộn nhau sao?
Y Vân cười thở không ra hơi.
Và đời sống họ gần như ngập đầy hạnh phúc như vậy. Ông bà Cao Kế Thiện ngồi ngoài phòng khách cứ nghe những lời bông đùa vang ra. Họ nhìn nhau, tuổi trẻ bây giờ không giống ngày xưa, hình thức trình diễn về tình yêu của họ táo bạo đến độ gần như tự nhiên chứ không lén lút e thẹn nữa.
Sau tuần trăng mật, Hạo Thiên lại tiếp tục đến sở. Sáng đi tối về nhưng ngập đầy yên vui. Hiệu năng do đó dâng cao và kết quả việc làm của chàng khiến công ty dâng cao và kết quả việc làm của chàng khiến công ty kiến trúc thâu lợi lớn. Đầu tháng 7, ngôi building do Thiên thiết kế khởi công, qua tháng 8, đồ án thứ 2 được chấp thuận và tháng 9 cả một khu biệt thự được công ty giao cho Thiên xây cất. Và người cha giám đốc hãng xi măng của Thiên phải động lòng tham. Kết quả Thiên trở thành một giám đốc hãng thầu mới.
Trong khoảng thời gian đó, Y Vân nhàn rỗi với vai trò cô vợ trẻ. Nhiều lúc, nàng muốn tìm một việc gì để làm, nhưng nhà họ Cao giàu có, lương Hạo Thiên lại cao, nên Vân không thể tìm một cớ nào để nhận việc.
– Ở nhà làm bạn với mẹ chớ đi làm cái gì? Có đi đi nữa, vài hôm có bầu lại xin nghỉ phải lôi thôi không?
Và Vân đành chịu khuất phục, bà mẹ chồng cứ nhắc nhở chuyện có bầu. Mới đầu nghe tới, Vân đã đỏ mặt tía tai, nhưng lâu ngày rồi cũng quen, Vân đâm ra mong mỏi. Thiên khi nghe Vân đề nghị chuyện đi làm, cũng đã cười nói:
– Tại sao ở không sung sướng không muốn lại muốn kiếm việc làm? Nếu thế sao em không thử viết xem?
– Viết? Làm nhà văn? một chút kiến thức về học vấn làm sao có cao vọng đó?
Vân bỡ ngỡ dù nàng rất thích viết, nhưng Hạo Thiên cười khuyến khích.
– Thì thử xem, nhiều nhà văn nổi tiếng lúc đầu cũng chỉ vì thấy thích thôi.
Thế là Vân bắt đầu viết tản văn, tập làm thơ. Thỉnh thoảng nàng cũng viết vài truyện ngắn gởi đi đăng báo. Bài được bài không nhưng cũng đủ khiến Vân vui thú. Hạo Thiên đôi khi cười đùa:
– Vợ tôi bây giờ cũng là nhà văn như ai rồi chứ bộ.
– Thôi anh ơi, cứ ngạo em mãi.
Vân giả vờ phụng phịu nhưng thật ra rất sung sướng, thành thợ viết thật. Buổi sáng nàng theo mẹ Thiên xuống phố hoặc về nhà cha mẹ ruột hay chị Y Hà chơi, nhưng chiều xuống là nàng ngồi vào bàn viết và buổi tối dành riêng cho chàng. Cuộc sống ngập đầy nguồn vui.
Và mùa hạ chóng tàn, giữa cuộc sống đầy hạnh phúc, Vân khám phá ra một tin vui, đó là tin ông anh cả. Nguyên một hôm theo mẹ chồng xuống phố, vì đi lâu khát nước, nên Vân và bà Cao tấp qua một gian hàng giải khát. Cùng lúc ấy lại trông thấy anh Tiêu Chấn Phong cặp tay một thiếu nữ đi lại. Thiếu nữ không ai xa lạ hơn là Trương Tiểu Kỳ.
Tối hôm ấy, Thiên và Vân kéo về nhà, tố cáo hết sự thật. Tội nghiệp ông anh cả đã phải đỏ mặt tía tai, bị dồn quá phải hét:
– Ai bảo mấy người cho tôi làm chuyện lén lút? Đại trượng phu yêu thì bảo là yêu chứ sợ gì ai mà phải chối? Mấy người nên vợ nên chồng cả thì tôi.. như vậy có gì lạ đâu?
Nhìn thái độ lúng túng của Tiêu Chấn Phong, ai cũng thấy tức cười. Tối hôm ấy, khi trở về tổ, Y Vân đã nằm trong vòng tay của Hạo Thiên, thắc mắc.
– Trương Tiểu Kỳ cũng đẹp, cũng đễ thương, tại sao khi xưa anh lại không yêu?
Hạo Thiên nháy mắt:
– Vì con khỉ cái đẹp hơn.
Y Vân giận quá đấm mạnh vào ngực chồng:
– Đừng xạo! Nói thật em nghe mới được.
– Ui da! Thì tại anh nhường cho anh cả mà, em út phải biết nể vì người lớn chứ!
– Không phải là lý do chính đáng, anh xạo!
Và Hạo Thiên phải xiết chặt vợ vào lòng:
– Còn hỏi tại sao nữa? Tại lúc bấy giờ trong mắt anh chỉ có em là đẹp nhất, dễ thương nhất. Nhưng mà… Đến bao giờ em mới cho anh một chú khỉ con chứ?
Y Vân đỏ mặt rút lên giường đánh lảng. Nhưng sáng hôm sau, nàng vẫn không tránh được vòng vây của bà Cao.
– Vân này, nghe nói những đôi vợ chồng trẻ bây giờ hay uống thuốc ngừa thai lắm, phải không?
Y Vân lại đỏ mặt:
– Đâu có, mẹ.
Bà Cao cười tươi:
– Như vậy mới được. Nhìn cô dâu trẻ, bà nói – Cho con hay, đừng sợ chuyện có con, bao giờ có mẹ sẽ nuôi, sẽ chăm sóc cho. Nhà chúng ta ít người buồn lắm, mẹ thích có cháu thật nhiều.
Thích có thật nhiều? Càng nhiều càng tốt. Y Vân bối rối lẩn tránh tia mắt tò mò của mẹ chồng. Nghĩ tới lời thì thầm bên gối của Thiên:
– “Bao giờ em cho anh được chú khỉ con đây?”
Một niềm vui nhẹ lan nhanh trong tim Vân. Có con, phải có con, con của ta và Hạo Thiên. Trước kia ít lâu, Vân vẫn còn hoài nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống. Con người sinh ra để làm gì? Nhưng bây giờ nàng biết, nếu có thêm một mầm sống, mầm sống kia sẽ được đón nhận bằng tiếng cười và niềm vui.