Bạn đang đọc Bích Vân Thiên – Chương 12
Tháng 11, trời lập đông, Y Vân đưa Bích Hàn đến thương xá may sắm. Nàng giúp Hàn chọn thật nhiều kiểu áo đẹp, từ những kiểu pull đến áo lông, quần tây dài, áo choàng, áo ngủ… Bích Hàn không kịp can gián hay từ chối, vì mỗi lần định mở miệng là gặp ngay cái trừng mắt của Vân:
– Sao? Hàn không còn muốn nhận tôi là chị của Hàn nữa à?
Thế là Hàn đành ngậm miệng, mặc tình cho Vân bày vẽ, chọn lựa, mua sắm và…trả tiền. Ở gần Vân lâu ngày, Hàn đã biết cá tính của chị: cứng cỏi, rộng rãi, nhiệt tình nhưng lúc nào cũng thích đóng vai chính. Hàn ngoan ngoãn, chiều chuộng, vâng lời…Vì vậy tình cảm giữa hai người rất khắn khít, Y Vân rất thích trang điểm cho Bích Hàn, nhất là khi khám phá thấy, với những bộ áo mới khoác lên, Hàn đã hoàn toàn lột xác.
Vân đưa Hàn đến mỹ viện làm tóc, đến tiệm giày đặt giày, các kiểu áo thời trang. Qua đến tháng 12, Hàn không còn là Bích Hàn ngày xưa nữa.
Giữa lúc Y Vân bận rộn với việc trang điểm cho Hàn, thì bà Cao lại lu bù với việc chăm sóc, chọn lựa thức ăn. Mấy năm qua, Thiên vì xuất ngoại, thiên chức làm mẹ của bà gần như đã bị xếp bỏ ở một xó, bà không có cơ hội xử dụng. Bây giờ có Hàn, bà lại có dịp mang ra. Bữa nay món gà quay, mai canh thập cẩm, mốt gan heo… Gần như bao nhiêu nghề mọn trong việc bếp núc đều được bà mang ra thi thố. Không những chỉ có những thức ăn thường thôi mà cả nhân sâm, dương qui, những vị thuốc đại bổ cũng được bà nấu xào cho Hàn dùng cả, Bích Hàn chẳng biết làm sao từ chối được hảo ý của mẹ nuôi, nàng chỉ còn biết ngoan ngoãn vâng theo với những tiếng cảm ơn lí nhí:
– Mẹ tốt quá! Mẹ thương con quá!
Bà Cao là người đàn bà rất đàn bà, tuy không được hấp thụ một nền giáo dục cao đẳng, nhưng nhờ xuất thân từ một gia đình lễ giáo nên ngoài một chút tư tưởng bảo thủ, bà rất thông cảm và dễ dãi với mọi người. Y Vân rất được bà yêu, nhưng vì tánh Vân cứng cỏi quá, tư tưởng lại hỗn tạp, nhiều ý kiến, lanh lẹ, vì vậy sự kính yêu thì có thừa nhưng sự thân mật lại chẳng đủ đong đầy khoảng trốn. Với Bích Hàn thì lại khác, bản tính con bé ngoan ngoãn có sẵn lại mất cha mất mẹ từ nhỏ, nên chẳng được hưởng qua không khí ấm êm của gia đình. Vào nhà họ Cao, được tất cả mọi người tâng tiu yêu quí, Hàn cảm động đến độ sẵn sàng móc hết tim mình ra ọi người thấy. Vì vậy, thái độ vừa thành khẩn vừa nhu thuận của Hàn làm đẹp lòng hết mọi người. Hàn có thể ngồi hàng giờ để nghe bà Cao kể lể lại những kỷ niệm buổi thiếu thời, hay những chuyện lẩm cẩm của ngày xa xưa nào đó mà không tỏ vẻ mệt mỏi hay chán ngán.
Trong hoàn cảnh hạnh phúc như vậy, sức khỏe Bích Hàn dần dần bình phục, càng ngày nàng càng đẹp ra. 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời con gái. Má chớm hồng, mắt sáng, nhất là nụ cười. Hàn thích nhất là chiếc áo màu đỏ với cái quần cao bồi có thêu hoa. Thỉnh thoảng, để vâng lời Y Vân, Hàn đội thêm cái nón đỏ đi phố. Thân hình dong dỏng cao như ngập đầy sức sống thanh xuân. Đến đỗi có nhiều lúc Hạo Thiên phải trố mắt nói với Y Vân:
– Em với mẹ làm riết rồi Hàn nó thành hoa khôi bây giờ. Không chừng một, hai năm nữa là nhà ta bị mấy anh chàng săn đuổi Hàn dẫm nát cả.
Và thừa lúc không có Hàn ở đấy, Y Vân đùa:
– Nếu anh sợ mấy anh chàng săn đuổi kia sẽ đoạt Hàn đi, thì anh cứ…lập thêm phòng hai đi, bây giờ em quý nó, mẹ cũng yêu nó, làm thế không chừng hài lòng cả ba đấy.
– Nói bậy. Cao Hạo Thiên kéo Y Vân đến gần, kề tai nói nhỏ – Không bao giờ anh làm chuyện thất đức như vậy. Anh cũng chẳng có một chút tình ý gì với Hàn, trong tim anh bây giờ chỉ có một con khỉ cái thôi.
Y Vân trợn mắt:
– Ai là con khỉ cái của anh?
– Em chứ còn ai nữa? Hạo Thiên nói, chàng nhìn thẳng vào mắt vợ – Y Vân, em có biết là từ ngày Bích Hàn nó vào nhà chúng ta, em với mẹ đổi tính thấy rõ. hai người như những đứa con nít thích chơi búp bê. Chính nhờ thế mà anh hiểu tâm hồn của em với mẹ đều cô đơn, điều mà mẹ và em cần không là Bích Hàn mà là bóng dáng một đứa trẻ…
Hạo Thiên ngừng lại, đưa mắt thăm dò vợ rồi nói:
– Chúng ta lấy nhau cũng hơn nửa năm rồi, tại sao…tại sao đến nay em chẳng có một tin tức nào cả thế?
Y Vân chớp mắt, mỗi lần nghe nhắc đến chuyện đó, nàng đều thấy máu nóng như dồn cả lên mặt:
– Em cũng không biết, có điều anh thấy đó, em có ngừa đâu, em vẫn để tự nhiên mà.
Và nàng ngước mắt lên nhìn chồng với nụ cười:
– Chúng ta hãy còn trẻ, anh gấp làm cha lắm sao?
– Không phải anh gấp. Hạo Thiên đính chính – Nhưng anh yêu trẻ con. Và chàng vả lả – Theo em thì chúng ta nên có bao nhiêu đứa con?
– Anh muốn có bao nhiêu đứa?
– Mười hai đứa, 6 trai 6 gái, song sinh thì tốt hơn.
Nghe Thiên nói, Vân kêu lên:
– Gì dữ vậy? Muốn vậy sao lúc xưa anh chẳng tìm heo nái ấy?
Hạo Thiên vẫn không bỏ tính khôi hài:
– Mười hai đứa có gì đâu mà nhiều? Anh sẽ đi mua một chiếc xe loại wagon, ngày lễ nghỉ chở hết cả đám đi picnic. Chỉ cần một tiếng còi ré lên là đứa bưng dĩa, đứa bưng chén, đứa nhóm lửa, đứa làm thức ăn…Như vậy không tuyệt sao?
Y Vân trề môi:
– Phải rồi. Anh còn nhớ hình ảnh ở nhà Bích Hàn chứ? Trẻ con như vậy nhiều hay ít? Lúc đó cả nhà tã lót, chai sữa, tiếng khóc, tiếng la hét đến điếc tai cho anh đã luôn.
Hạo Thiên hạ thấp giọng:
– Tại em không hiểu đấy, với những gia đình có hoàn cảnh như Bích Hàn thì không nên sinh con nhiều, vì với hoàn cảnh eo hẹp thế có sinh nhiều cũng bằng bạc đãi trẻ thơ thôi. Nuôi nấng không đầy đủ, không giáo dục đàng hoàng thì sinh ra làm gì? Không phải chỉ có con cái bị khổ thôi mà ngay bậc cha mẹ cũng bị bứt rức, bị hành ha.ỉ Trái lại, với gia đình như chúng ta thì cuộc sống đã khác, có sinh ra bao nhiêu, chúng ta vẫn chu đáo chăm sóc được mà?
Qua lời của Hạo Thiên, Y Vân thấy chồng cũng phần nào có lý. Hiện nay tất cả đổ dồn tình yêu cho Hàn chẳng qua là để khỏa lấp nỗi trống trải trong tim. Một đứa con? Vâng. Gia đình này đang cần thiết một đứa bé, Y Vân nghĩ.
Hàn càng ngày trở nên dễ thương. Bây giờ nàng giống như chiếc bóng của bà Cao và Y Vân. Hết đi phố hay hầu chuyện với bà Cao là Hàn phải theo chân Y Vân đi chợ, về nhà ngoại. Ở gia đình họ Tiêu, Bích Hàn cũng được hoan nghênh như ở nhà họ Cao. Ngay cả ông anh trực tính của Vân, có lúc cũng nói:
– Lúc xưa, nếu chưa gặp Tiểu Kỳ mà gặp Hàn trước chắc tôi chẳng buông tha Hàn.
Bích Hàn đỏ mặt, trong khi Y Vân dọa:
– Được rồi, để em đi mách lại chị Kỳ cho anh xem.
– Đừng! Đừng! Đừng! Ông anh gàn coi thế mà cũng biết sợ – Không phải chuyện giỡn chơi nhe! Tiểu Kỳ mà nổi giận thì khổ.
– Ủa, ông trời mà cũng biết sợ vợ sao?
– Không phải, người xưa có câu “Đàn bà đáng sợ hơn cả hùm beo, rắn độc.” Anh là người biết trọng người xưa nên phải tuân theo lý lẽ của người xưa đấy chứ.
Y Vân cười:
– Anh giải thích xem tại sao đàn bà lại đáng sợ?
– À. Tiêu Chấn Phong làm bộ thở dài – Bởi vì họ quá…dễ thương. Khi ta đã lỡ yêu họ rồi ta phải sợ họ, bằng không họ khóc hay họ không thèm ngó ngàng đến ta, thì đó là lúc đời ta…tàn. Em không hiểu chứ những lúc như vậy, ta không nên nổi nóng, vì chỉ cần ta hét 5 phút thôi là ta phải khòm lưng đền bù lại những mấy tiếng đồng hồ hay cả tuần lễ nài nỉ…
Nghe biện thuyết của Phong, mọi người không làm sao nín được cười.
Cao Hạo Thiên chêm:
– Tôi thấy cái tên Phong Tái Tiêu của anh bây giờ nên đổi lại là Phong Bất Tiêu (Gió ngừng hú) cho rồi.
– Làm gì mà Phong Bất Tiêu? Chấn Phong lớn tiếng đính chính – Bây giờ Phong cũng không còn nữa là tại tiêu!
Mọi người lại cười. Bích Hàn nhìn cảnh ấm cúng trước mặt, nàng ngạc nhiên không hiểu tại sao nhà nhà lại ngập đầy tiếng cười trong khi ở ngôi nhà gỗ trước kia của nàng, chỉ có nước mắt?
Hôm ấy, trên đường về nhà, Hạo Thiên đã nói với Y Vân:
– Em xem nhé, anh Phong sắp cưới vợ đến nơi rồi đấy.
Và thật ậy, đến mùa Giáng Sinh năm ấy, Tiêu Chấn Phong và Trương Tiểu Kỳ đã làm lễ cưới nhau. Hoàn cảnh họ sau ngày cưới cũng giống như vợ chồng Thiên, đôi vợ chồng trẻ không ra riêng mà ở chung với cha mẹ. Họ cũng rất hạnh phúc.
Một năm mới bắt đẫu. Sức khỏe Bích Hàn đã hoàn toàn hồi phục. Nàng nài nỉ Hạo Thiên kiếm giùm cho nàng một công việc, lời nàng cũng hợp tình hợp lý:
– Em không thể ở mãi thế này trong nhà. Ăn không ngồi rồi em ngại lắm, nhất là đồng tiền đó là mồ hôi nước mắt của anh chị và ba mẹ Dù chẳng ai nói gì em, nhưng lương tâm em cứ ray rứt mãi…Vả lại, em gái của em là Bích Hà, đậu tiểu học sắp lên trung học rồi, em định…em định giúp đỡ nó một chút. Vì vậy…anh Thiên, anh giúp em, nghề gì em làm cũng được cả, công nhân hay thơ ký cũng được miễn có việc làm thôi.
Hạo Thiên nhìn Hàn, chàng biết cô bé nói thật. Dù sao nó cũng không phải là người họ Cao. Ăn nhờ ở đậu không phải là một cách sống lâu dài, nhưng Hàn yếu đuối quá, biết công việc gì thích hợp cho nó? Suy nghĩ thật lâu, Thiên mới tìm ra. Chàng giới thiệu Hàn vào làm họa viên cho công ty mình. Về phương diện hội họa và trang trí, Hàn có vẻ rất có khiếu. Công việc cũng nhàn, mỗi ngày chỉ cần đến sở có một buổi. Sáng đi nhờ xe Thiên, trưa lại theo xe chàng về. Công việc làm khiến tinh thần Bích Hàn phấn chấn hơn. Dĩ nhiên Hàn cũng biết, nàng được tuyển dụng vào làm hầu như hoàn toàn vì cái thế của Hạo Thiên cả.
Biết thế, nên Hàn lúc nào cũng tỏ ra hòa nhã với mọi người trong sở, công việc bao giờ cũng trọn vẹn trước lúc ra về. Vì vậy làm chỉ hơn một tháng, Hàn trở thành cái đinh trong công ty nhất là những chàng thanh niên chưa có vợ, họ vây quanh Thiên:
– Anh Thiên, cô em gái của anh chưa có bạn trai chứ?
– Anh Thiên, anh giúp tôi xin một bữa gặp mặt đi.
– Anh Thiên, chúa nhật này tôi ghé nhà anh nhé!
Và đúng như lời Hạo Thiên đã đoán, lũ con trai không buông tha Hàn. Trong đám những anh chàng chưa vợ kia, có một gã tên Phương Chính Đức, vừa tốt nghiệp đại học, mặt mày cũng sạch sẽ, chỉ tiếc cái hơi miệng lưỡi thôi. Anh chàng là một trong những mũi dùi tấn công Hàn mạnh nhất. Sáng nào cũng viết một bức thư để trên bàn Hàn, rồi lại cố ý lượn qua lượn lại trước mặt cô nàng mấy lượt, không những thế có lúc lại mời Hàn đi xem chiếu bóng nhưng Hàn chỉ trả lời bằng nụ cười làm chết bao gã con trai.
Và rồi, cái ngày ấy đã đến. Hàn không còn làm ngơ mãi trước những lời xin xỏ của gã con trai. Tan sở, nàng nhận lời Đức đi dùng cơm tối và xem hát.
Cả buổi chiều hôm ấy, Hạo Thiên bỗng trở chứng bực dọc lạ, chàng ném bỏ sổ sách sai lầm chỉ chút ít của đám thuộc quyền, cau có với cả cấp trên và trên đường về nhà, Thiên cho xe đâm sầm vào đít một chiếc Taxi chạy trước. Cuộc đấu khẩu suýt đưa đến cảnh thượng tay thượng chân. Đến được nhà, vẫn chưa nguội được cơn bực. Cô Liên nấu cơm khét! Loa tivi lớn tiếng ồn ào! Mẹ cứ hay cằn nhằn!
Đời sống trở nên ngập đầy phiền toái lặt vặt…Thiên la… Thiên hét… Mãi đến lúc Bích Hàn vãn hát về nhà, trông thấy vẻ hầm hầm trên mặt Thiên, nàng lặng lẽ rút lui về phòng riêng. Còn Y Vân, Đợi mãi lúc Thiên vào phòng ngủ mới nhỏ nhẹ hỏi:
– Hôm nay anh làm sao thế? Uống lộn thuốc rồi à?
Hạo Thiên chợt tỉnh, chàng mới nhớ ra vẻ bất thường vừa qua. Tại sao? Tại sao vậy? Thiên cũng không hiểu.
Nhìn vợ, đột nhiên chàng thấy hối hận. Nỗi bất ổn ray rứt xoa mạnh tim:
– Anh nghĩ, có lẽ anh mệt mỏi quá rồi!
– Vậy thì anh xin phép nghỉ mấy hôm đi? Chúng mình đi về miền Nam chơi nhé? Y Vân hỏi, nàng tựa vào
chồng – Mấy hôm rồi em thấyanh làm việc nhiều quá, cũng nên nghỉ ngơi một chút.
– Ờ, để anh nghĩ xem. Hạo Thiên nằm dài trên giường úp mặt vợ vào ngực – Anh yêu em.
Y Vân chợt thấy bất an, nhưng vẫn nói:
– Em cũng yêu anh.
Thiên cho những ngón tay lùa vào tóc vợ, họ yên lặng bên nhau, không nói thêm điều gì nữa.
Ngày hôm sau, trên đường đến sở, Thiên trở nên đăm chiêu lạ, đầu chàng căng thẳng, tống hết ga, bỏ mặc Hàn sợ hãi ngồi cạnh:
– Anh Thiên, anh giận em à?
Hạo Thiên cho xem cập chậm vào lề:
– Ai bảo cô là tôi giận?
Bích Hàn chớp mắt, nàng cúi đầu mân mê nếp áo. Sự yên lặng bao trùm, chỉ một lúc sau, Thiên khám phá thấy những giọt nước mắt nhiễu xuống:
– Sao thế Bích Hàn? Anh có nặng nhẹ gì em đâu?
Bích Hàn ngẩng mắt lên, đôi mắt đen long lanh lệ:
– Từ rày về sau em không dám nữa đâu, em sẽ không đi chơi với Đức nữa.
Hạo Thiên ngỡ ngàng, nhìn khuôn mặt đau khổ một cách tội nghiệp. Không! Không! Không! Ta làm gì có quyền can thiệp vào đời tư Bích Hàn? Đời tư của một người khác? Nhưng tại sao ta làm như vậy? Thiên quay mặt đi, lòng trăm mối ngổn ngang, cuộc xung đột giữa trái tim và lý trí, chàng cố gắng dằn lấy lòng:
– Bích Hàn, anh không có ý can thiệp vào chuyện giao tiếp giữa em với bạn trai, nhưng chẳng qua vì thấy em còn nhỏ, chưa hiểu đời nhiều nên anh sợ em sa bẫy thôi. Phương Chính Đức cũng không đứng đắn cho lắm, hắn làm việc lơ đãng, hay quên, lại thiếu tinh thần trách nhiệm, chỉ được nước lanh lợi, vì vậy anh sợ… Em đẹp lại thật thà, sống giữa một xã hội đầy gian trá này, chỉ cần em nhìn lũ con trai cười một cái là họ tưởng em đã có tình ý gì với họ.. Đàn ông ghê lắm chứ không phải như em tưởng đâu…Bây giờ em còn ở trong nhà anh, gọi anh bằng anh rể, vì vậy anh phải có một chút trách nhiệm. Anh muốn em để thủng thẳng, anh sẽ cố tìm một người khá hơn, có tương lai hơn cho em…Em hiểu chứ?
Bích Hàn nhìn Thiên thật lâu, đôi mắt lại sáng:
– Em hiểu rồi, thưa anh, em đã hiểu.
Kể từ đó, Bích Hàn không còn nhận lời mời của Chính Đức nữa. Vào sở làm nàng cũng nghiêm hẳn đi. Sự thay đổi của Hàn khiến nhiều người thất vọng như lại được Thiên hài lòng. Vì dù làm nghiêm trong sở nhưng khi bước lên xe là Hàn lại cười nói như xưa. Và Thiên bỗng nhiên chợt thấy yêu thích khoảnh khắc ngắn ngủi từ sở về nhà vô cùng.
Ngày tháng trôi qua thật nhanh. Xuân qua rồi hè đến. Chúa nhật hôm ấy, Hàn thật vui, vì nàng mới vừa về nhà thăm Bích Hà, đưa một ít tiền dành dụm kiếm được cho bố. Do đó khi vào tới nhà là nàng đem chuyện Bích Hà ra kể huyên thuyên, nào là con bé càng lớn càng đẹp, nào là con bé học giỏi thế nào cũng có tương lai…Sự sung sướng của nàng làm cả nhà vui lây. Y Vân nhìn Hàn, nàng không dám tin rằng một cô bé đầy mặc cảm sợ sệt mới năm rồi nay đã rùng mình biến thành một thiếu nữ vừa đẹp, vừa sang như vậy.
Hạo Thiên cũng thế, chàng say sưa ngắm, say sưa lắng nghe, nhất là khi thấy chiếc vòng trên tay Hàn, một chiếc vòng in hệt trên tay vợ, chàng chợt thấy lòng miên man một ý nghĩ lạ lùng mà xua mãi không đi.
Tiếng gọi của Y Vân kéo Thiên trở về thực tại. Trước mặt Thiên là Y Vân với nụ cười thật tươi. Y Vân đề nghị Thiên đem xe ra, chở Hàn và nàng đi một vòng.
Hôm ấy được một ngày thật vui, đến hồ Bích Đầm bơi thuyền, lại Dung Thạch Viên xem khỉ rồi chụp hình ở vườn hoa Vinh Tinh…Bích Hàn trong chiếc áo màu xanh lá, áo Y Vân một màu đỏ tươi, họ đứng kề nhau như hai tiên nữ, nhiều lúc ngắm mà Hạo Thiên quên cả bấm máy.
Chiều đến, ngồi trong hoa viên ngắm mặt trời lặn, mọi người đã mỏi mệt, nhưng vẫn còn say dư của cuộc đi chơi. Họ hết bàn nhau về tiểu thuyết đến văn chương, thi phú. Hồng lâu Mộng, Tào Tuyết Cần…đều là những đề tài thật hấp dẫn. Ráng chiều ửng đỏ má, long lanh mắt và tạo nên hào quang trên tóc…Hạo Thiên ngồi đối diện với hai người, hết ngắm người này đến người kia. Chàng lơ đãng với câu chuyện nên nhiều lúc cứ nói sai mãi.
– Anh Thiên này.
– Hử ? Thiên nghe Vân gọi hỏi – Chuyện gì thế?
– Em chợt khám phá thấy nếu đem tên của ba chúng ta ghép lại ta sẽ được một trong câu thơ của Phạm Trọng Yên, anh đoán thử câu gì nào?
Hạo Thiên tròn mắt chợt nghĩ ra, nhưng chưa kịp nói thì Bích Hàn đã vọt miệng:
– Bích Vân Thiên!
– Đúng rồi. Bích Vân Thiên.. Thiên nói – Ngộ quá hử, tại sao mãi đến bây giờ ta mới nghĩ ra nhỉ?
Y Vân khẽ ngâm bài thơ:
Bích Vân Thiên
Hoàn điệp địa.
Thu sắc liên ba.
Ba thượng hàn yên thúy.
Sơn ánh tà dương thiên tiếp thủy.
Phương thảo vô tình.
Canh tại tà dương ngoại.
Dịch nghĩa:
Trời trong xanh.
Lá vàng ngập đất.
Sóng nhuộm cả màn thu
Khói xanh mơn nhẹ mặt hồ.
Để cho bóng núi ngập màu hoàng hôn.
Đoạn kế, Hạo Thiên ngâm tiếp:
Ảm hương hồn.
Truy lử tự
Dạ dạ trừ phi
Hảo mộng lưu nhân thụy.
Minh nguyệt lâu cao tu độc y?
Tửu nhập sầu trường.
Hóa tác tương tư lệ!
Dịch nghĩa:
Hình ảnh quê hương sầu ủ rũ.
Réo kẻ tha phương chợt nhớ nhà.
Đêm đêm trằn trọc.
Mộng đẹp để người xây.
Ta ngồi tựa ghế trông trăng tỏ.
Rượu héo lòng buồn mắt lệ rơi!
Đọc xong, Thiên nhìn những giọt nắng cuối cùng rơi rớt, bóng hai người trước mặt với sắc đỏ sắc xanh mà ngẩn người.
” Rượu héo hắt lòng buồn mắt lệ rơi!”.
Không hiểu sao Thiên chợt muốn chảy nước mắt. một thứ linh cảm không hay bao phủ cả ngọn đồi.