Bạn đang đọc Bích Vân Thiên – Chương 1
Cả phòng học yên lặng.
Bên ngoài mưa vẫn rơi, những hạt mưa nhỏ và dầy đan trong không gian lạnh. Năm mươi mấy cô học trò ngồi cắm cúi viết. Đây là giờ Luận. Chỉ có tiếng mài mực, tiếng lật giấy và những lời xì xào nho nhỏ.
Con gái mười sáu, mười bảy mà ngoan thế này thật khó thấy. Những cô bé…Tiêu Y Vân vừa nghĩ đến ba chữ đó đã thấy ngượng. Họ là những cô bé? Thế ta là gì? Một cô giáo vừa tốt nghiệp ở đại học, chân ướt chân ráo ra đời. Khoảng cách cao lắm là năm đến sáu tuổi. Chỉ được thế đứng trên bục gỗ mà đã trở thành người lớn thực thụ rồi sao?
Vâng, chỉ mới ngày qua, ta chỉ là một nữ sinh bé bỏng, thế hôm nay… Vân phì cười. Một cô giáo! Dù chỉ là một cô giáo dạy thế vài giờ. Trình độ lớp mười một khá cao. Nếu lũ học trò có nghịch thì Vân cũng đành chịu. Bốn năm tuổi chưa đủ để tạo uy kẻ cả. Nhưng may quá, lũ chúng vẫn ngoan, ngoan một cách dễ thương lạ lùng. Không rắc rối, đùa cợt, nghịch ngợm như nàng ngày cũ. Vân cười xòa khi nghĩ đến hình ảnh xa xưa, liếc nhanh qua những mái tóc ngắn, mắt chợt dừng trước một cô bé tay chống cằm ngẩn người ra trước bảng đen – Du Bích Hàn.
Du Bích Hàn cắn bút. Đề luận khiến nàng bỡ ngỡ. Đăm đăm nhìn lên bảng, cầm chắc số zero trong tay.
Không phải là Hàn không nghĩ ra được điều phải viết, hàng trăm, hàng ngàn tư tưởng như những con ngựa đua tung gió trong đầu, có điều, chúng chạy một cách lộn xộn, chứ không đi theo một hướng nhất định khiến Hàn không biết phải bắt đầu thế nào. “Cô giáo sư trẻ dễ thương có lẽ đang nghĩ là ta bí”, Hàn tự nhủ
– Các em đừng nghĩ là tôi muốn làm khổ mấy em, thật ra luận văn chẳng qua chỉ là một môn học tập cho chúng ta những thói quen phát biểu, suy tư về những gì ta nghĩ. Vì vậy, đề tài hôm nay là một đề tài rất rộng các em cứ tự ý bày tỏ, tôi muốn hiểu các em thật nhiều.
Trên bảng đen với một chữ “Tôi” duy nhất như một ám ảnh. Tôi? Tôi? Du Bích Hàn cắn lấy môi. Tôi? Nhỏ nhắn? Cát bụi? Một cái gì vĩ đại? Không? Tại sao cái không bao giờ muốn tồn tại trên cõi đời này mà vẫn cứ tồn tại? Tại sao? Tại sao? Tôi từ đâu đến và rồi sẽ đến đâu? Tôi..Tôi…Tôi… Cái tôi sao lúc nào cũng là cái trái ngược với mọi người. Phải viết thế nào đây? Phải làm sao cho người ta hiểu? Ngày từ lúc còn ở tiểu học, Hàn đã sợ nhất những bài luận có tựa đề: Cha tôi, mẹ tôi, gia đình tôi… Ngay cả những cái như: Ước muốn của tôi, tương lai, hy vọng.. Tất cả những cái gì đó liên quan đến “cái tôi” là Hàn sợ hãi.
Thế mà… bây giờ, không ngờ… Chữ “Tôi” thật to trên bảng như một thứ đùa dai.
– Thế này là kể như tiêu rồi.
Hàn cúi đầu, ánh mắt thu gọn trên trang giấy trắng chưa có lấy một chữ. Những ô vuông đầy đặn cần nhét đầy mực. 50 mái đầu chung quanh đang cắm cúi viết. Tại sao họ đều làm được, còn ta lại không?
Hàn lắc đầu, thở ra… “Tôi” là một đứa kỳ cục, một thứ cô đơn, buồn tủi, tôi chỉ là một đám mây, một ánh sao, một cơn gió, một làn khói, một chiếc lá đã lìa cành, một cọng cỏ… Nhưng tôi cũng không là gì hết. Tôi là người, một người con gái 17 tuổi. 17 năm trước, như một thứ tình cờ, tôi đã sinh ra… Có lẽ như vậy.. Hàn lắc đầu lại thở ra… Cuộc đời là những thai đố dài và “cái tôi” có lẽ là một câu đố gút mắt nhất, có nhiều dấu hỏi nhất…Phải không? Thế này thì tiêu rồi!
Bóng đen chờn vờn trước mắt. Hàn giật mình ngẩng đầu lên. Cô giáo trẻ tuổi có đôi mắt thật nhạy đứng trước mặt với chiếc sổ điểm danh trên tay:
– Em tên Du Bích hàn?
Khuôn mặt tái dần, khuôn mặt đáng tôi của một cô bé nhiều tình cảm. Đôi mắt to đen mở rộng:
– Dạ
Hàn đứng lên, chờ đợi lời đay nghiến trách mắng.
Sao? Thái độ ta hung dữ lắm à? Sao lại khiến con bé lại phải khiếp đến độ như thế. Nụ cười hiện lên môi Vân, nụ cười trấn an hiền hòa.
– Sao em không làm luận đi? Viết không ra à?
Mắt cô học trò chớp nhẹ, những âm thanh lí nhí trong cổ:
– Không phải em viết không ra, nhưng em không hiểu phải trình bày con người mình thế nào cho đúng lẽ.
Câu nói như một sự suy tư vững chãi. Cô giáo Vân bàng hoàng. Một tia sáng lóe nhanh qua óc. Ai bảo tuổi 17 là tuổi chưa trưởng thành? Những tư tưởng chín mùi trong bộ óc nhỏ. Vân cố lấy lại bình thản, 22 tuổi dạy người quá sớm, ta chưa đủ khả năng.
Một lúc, Vân đặt tay lên vai cô học trò:
– Em ngồi xuống đi, em nói thế là em đã trình bày cho tôi biết con người em rồi đấy, em có thể không nộp bài, tôi vẫn không cho điểm xấu em đâu.
Hàn liếc nhanh cô giáo trẻ:
– Cô muốn nói.. Em chỉ có khối óc trống rỗng?
Vân tròn mắt:
– Em nghĩ thế?
– Dạ không. Hàn cười, nụ cười dễ thương – Em không thấy đầu trống rỗng, em biết khối óc em như mảnh giấy đầy ô vuông này, em sẽ cố gắng viết đầy. Thưa cô, cô cứ yên tâm, em sẽ nộp bài đầy đủ cho cô.
Cô nữ sinh ngồi xuống, lặng lẽ cầm bút lên và bắt đầu viết. Vân trở về phía bục gỗ, nàng không trở lại ghế mà bước đến bên cửa sổ. Mưa phùn vẫn rơi đều, cảnh vật lờ mờ. Bậy thật, nếu biết thế ta đã không chọn ban Văn Chương, phải chọn Triết. Cuộc đời là cả một bức tranh phức tạp. Ta có khả năng dạy học không? Mới ngày đầu đã lãnh hội được một bài học khai hóa của cô học trò. Du Bích Hàn! Du Bích Hàn! Vân lẩm bẩm, nàng liếc nhẹ về phía cô học sinh, con bé đang say sưa viết. Viết gì mà say sưa thế?
Đột ngột, Vân thấy mình thật vô duyên, chọn một đề tài quá trừu tượng. Tôi? Tôi là cái gì? Một trang giấy có ô vuông đầy đặn rồi sẽ nhét đầy chữ? Thế còn ta? Còn gì được không? Hay cũng vẫn thế? 22 tuổi còn quá trẻ! Hơn được những cô bé này một tí xíu thôi. Vân cười với chính mình, với cả đám mưa phùn nhẹ bay.
Tiếng chuông ra chơi reo vang, Vân trở lại với thực tế. Đám học trò ùn ùn kéo lên nộp bài, phòng học không còn sự yên lặng của giờ học, tuổi trẻ với những tiếng cười rộn rã chim quyên. Vân ôm chồng tập, liếc nhanh về bé Hàn, cô học trò đang đứng tựa bờ tường, nhìn nàng với nụ cười e ngại. Nụ cười lan trong tim Vân một thứ tình êm đềm. Ôm chồng vở, Vân bước ra khỏi lớp. Bích Hàn, cô học trò ngộ nghĩnh. Vân thấy bắt đầu thích cô bé, không phải cái ưa thích của một cô giáo với một học trò, mà là một bà chị cả với đứa em ngoan. Chị cả? Ta lớn hơn Hàn bao nhiêu mà bày trò thế? Y Hà cũng chỉ lớn hơn ta chỉ có 6 tuổi..
Thôi kể như chị em vậy.
Trở lại văn phòng, Vân không chờ được lôi ngay quyển luận của Hàn ra, nàng muốn biết ngay con bé đã viết gì trong ấy.
“Tôi.
Trước khi đủ trí khôn để phản đối sự hiện diện của mình trên cõi đời này, thì tôi đã có mặt. Có lẽ đó là nỗi bi đát của đời tôi, cũng có lẽ là sự may mắn của đời sống. Vì thật ra, sự hiện diện của một đời người là một hài kịch hay bi kịch, câu hỏi cũ kỹ đó mãi đến giờ vẫn chưa ai tìm ra được giải đáp. Riêng tôi, tương lai sẽ ra sao? Chỉ có định mệnh quyết định.
Tương lai! Với tôi đó chỉ là những dấu hỏi thật lớn. Còn quá khứ! Với tôi lại là những dấu chấm than dài, tôi có thể xác định cuộc đời mình bằng gì? Có lẽ chỉ nên dành cho định mệnh.
Năm lên 2, cha qua đời. Năm lên 4, mẹ tái giá, tôi theo chân mẹ đến nhà cha nuôi. Lại thêm một cậu em trai, một đứa em gái.
Năm lên 8, mẹ lại theo cha ruột. 10 tuổi, cha nuôi lại có mẹ nuôi, hai cô em gái nữa và một cậu em trai. Như vậy có nghĩa là gia đình tôi có tất cả hai em trai, ba em gái. Một gia đình “toàn vẹn”, “đầy đủ”, một “gia đình lớn”.
Tôi có bổn phận phải làm cho vui lòng cha mẹ và chăm sóc bầy em.
Do đó, tôi là đứa phải suy nghĩ nhiều và suy tư xa hơn bao nhiêu đứa cùng lứa. Dấu hỏi lớn lúc nào cũng hiện diện trong tôi. Rousseau nói đúng: Ta tư duy, ta hiện diện. Chỉ có những lúc bận rộn với tư tưởng, tôi mới cảm thấy sự có mặt của mình trên cõi đời này. Có điều sự hiện diện kia có ý nghĩa không? Đó lại là chuyện khác.
Bài luận kỳ cục được kết thúc bằng hàng chục cái dấu hỏi. Trừng mắt nhìn những chiếc dấu cong queo, Vân thẫn thờ. Đọc mấy lượt, Vân mới lờ mờ hiểu được gia cảnh của Hàn, Vân ngạc nhiên trước nhiều sự khó hiểu lạ lùng của đời sống. Sự u ám và tuyệt vọng của một nỗi buồn vô cớ chập chờn.
Đời sống có trọn vẹn và hạnh phúc không?
Ngồi yên lặng suy tư, mãi đến lúc có người chạm vai, Vân mới chợt tỉnh.
– Cô Vân.
Vân ngẩng đầu lên, bà Vương – Vị giáo sư đã giới thiệu, Vân đứng dậy.
– Đi dạy lần đầu, thấy thế nào?
– Cũng qua. Vân cười – Chỉ có một chút bối rối.
– Ai cũng vậy cả, nhưng lớp cô vừa dạy nổi danh là ngoan nhất trường đấy, đừng ngại gì hết, lúc trước bà Lý cứ luôn mồm ca mãi.
Vân hỏi:
– Bà Lý khỏe chứ?
Nữ giáo sư Lý Nhã Quyên là giáo sư quốc văn cũ của lớp Vân vừa dạy, vì lý do sinh đẻ, đã xin trường nghỉ phép một tháng, và Vân mới có lý do chen chân vào đây.
– Vâng, bà ấy cũng khỏe. Bà Vương nhíu mày – Có điều lại thêm một đứa con gái, khiến bà ta phải khóc sưng cả mắt.
Vân ngạc nhiên:
– Sinh con gái có gì đâu lại phải khóc?
– Chồng bà Lý muốn con trai. Ông nội, bà nội lũ trẻ cũng thế, bà Lý không mong sao được? Rốt cuộc lại cũng con gái, ăn làm sao? nói làm sao với bên chồng chứ?
Vân kêu lên:
– Trời ơi, bây giờ là thế kỷ 20 mà? Sinh trai hay gái, người mẹ làm sao biết trước được? Đâu phải thời thượng cổ đâu mà vẫn còn chuyện trọng nam khinh nữ?
– Em còn nhỏ quá chưa biết. Bà Vương cười nói – Mặc dù là đang ở thế kỷ 20, dù là dân trí thức, nhưng vấn đề trọng nam khinh nữ vẫn là vấn đề quan niệm tổ tiên lưu truyền, nó đã mọc rễ trong đầu dân ta, không làm sao nhổ bỏ được. Vì vậy, chuyện chị Lý sinh con gái cũng đồng nghĩa với tội lỗi, có lúc chị ấy đã nghĩ đến chuyện đem con cho người khác…
Tiêu Y vân ngỡ ngàng. Không phải thái độ khó xử của bà Lý mà là hoàn cảnh của đứa bé sơ sinh. Một mầm sống không được mẹ cha hân hoan đón nhận.. Biết đâu rồi 16, 17 năm sau, lại có một giáo sư đưa ra một đề luận tổng quát “Tôi” cho con bé.
“Tôi”
“Trước khi có đủ trí khôn để khước từ sự hiện diện của mình trong đời, thì tôi đã có mặt trên xã hội…”
Hướng mắt về khung trời đầy mưa bụi ngoài cửa, hồn Vân như phiêu lãng thật xa, nàng quên hết sự hiện diện của người chung quanh. Đời sống như một vết thương kỳ lạ. Giờ dạy đầu tiên với bao nhiêu gặp gỡ lạ lùng mà 20 năm qua chưa hề gặp.
Mưa bụi vẫn bay, cây đa to bên ngoài có những chồi non đang nhú dần trên nhánh lá. Sống là gì? Vân ngỡ ngàng rơi vào trầm tư.