Đọc truyện Bích Vân Thần Chưởng – Chương 23: Thăm Bích Ba hồ
Kiếm Phi thấy tình hình như vậy đã đoán ra được một phần nào rồi, liền gật đầu đáp :
– Người Chưởng môn muốn dặn bảo gì, xin cứ lên tiếng!
Dư Nhân đưa mắt nhìn Biện Hổ một cái rồi nói :
– Đặng đại hiệp nhận thấy thằng nhỏ Biện Hổ ra sao?
Kiếm Phi đáp :
– Tư chất và thể lực của y đều thuộc hạng thượng thặng.
Dư Nhân nghe nói mừng rỡ khôn tả, vội nói tiếp :
– Y là một đứa trẻ mồ côi, cha mẹ của y đã bị người ta giết chết hết. Khi cha y còn sống, có giao phó y cho lão, nhưng lão tự nhận thấy không đủ tư cách làm sư phụ nó, cho nên không dám truyền thụ nhiều võ công của bổn môn cho nó và chỉ bắt nó luyện những võ học gia truyền, chờ dịp may sẽ cho nó theo danh sư khác.
Y nói tới đó ngừng giây lát,lại nói tiếp :
– Vừa rồi lão thấy Đặng đại hiệp võ công thần kỳ, thật là một cao thủ kiệt xuất của võ lâm đương thời, cho nên lão mới yêu cầu Đặng đại hiệp thâu thằng nhỏ này làm môn hạ, không biết đại hiệp có vui lòng không?
Kiếm Phi nghĩ ngợi giây lát rồi đáp :
– Thôi được!
Dư Nhân nghe nói cả mừng, liền bảo Biện Hổ rằng :
– Biện Hổ, có mau lại đây bái kiến sư phụ không?
Biện Hổ nghe nói cả mừng, vội chạy lại bái kiến Kiếm Phi một cái rồi lên tiếng gọi :
– Sư phụ! Xin sư phụ nhận một vái này của đệ tử!
Kiếm Phi khẽ gật đầu và đáp :
– Thôi được, con đứng dậy đi!
Dư Nhân liền bảo một đệ tử đứng cạnh đó rằng :
– Ngươi mau ra sửa soạn bàn hương để y làm lễ bái sư!
Kiếm Phi lắc đầu đáp :
– Khỏi cần! Tiểu đệ phải lên đường ngay bây giờ! Hổ nhị, mau theo sư phụ đi!
Dư Nhân cố giữ mãi cũng không được, đành phải đem các đệ tử tiễn hai thầy trò chàng ra ngoài sơn cốc và nói :
– Đêm Trung Thu, Bách Độc môn chúng tôi thế nào cũng có mặt trên núi Mạc phủ để đợi chờ Đặng đại hiệp sai bảo!
Kiếm Phi cám ơn luôn mồm, rồi dẫn Biện Hổ đi luôn.
Dưới chân núi Chung Nam trên một con đường cát đất vàng, trông tựa như một con trường xà ngoằn ngoèo, khúc khuỷy đi từ phía đông sang phía tây, lúc ấy đầu đường phía Đông, nơi rất xa cát bụi bay mù mịt, có hai người cỡi ngựa phi tới, chỉ trong nháy mắt đã tới dưới chân núi.
Người cỡi ngựa đi bên trái mặc áo dài trắng là một thiếu niên thư sinh trông rất anh tuấn, còn thiếu niên đi bên phải, mặt đen, râu xồm, thân hình vạm vỡ, trông rất oai vệ, là một thiếu niên tráng sĩ.
Hai người vừa đi tới chân núi thì đã gò cương cho ngựa đứng lại. Thiếu niên đi bên phải ngẩng đầu lên hỏi :
– Thưa sư phụ, chúng ta thả ngựa cho nó chạy rông, rồi chúng ta đi bộ nhé?
Thư sinh đi bên trái gật đầu, vừa cười vừa đáp :
– Ngươi đã thấm mệt rồi phải không?
Thiếu niên vạm vỡ vừa cười vừa đáp :
– Mới đi được có bảy ngày bảy đêm, Hổ nhi vẫn còn khỏe lắm! Huống hồ suốt dọc đường lại được sư phụ dạy cho môn nội công tâm pháp, cho nên Hổ nhi thấy tiến bộ lắm.
Thì ra hai người là Kiếm Phi với Biện Hổ từ Cao Lê Cống Sơn một mạch đi tới núi Chung Nam này. Suốt dọc đường Kiếm Phi hết sức chỉ bảo nội công tâm pháp cho cho Biện Hổ, đồng thời lại dùng chân lực của bản thân giúp choy đả thông Nhâm Đốc hai mạch, lại truyền cho y khá nhiều thế võ kỳ lạ.
Biện Hổ vốn dĩ là đại lực sĩ trời ban cho sức mạnh vô cùng, đầu óc lại thông minh, lại được Kiếm Phi hết sức chỉ điểm cho, nên y đã tiến bộ rất nhiều. Hơn nữa Nhâm Đốc hai mạch đã thông rồi thì y học môn võ nào cũng thấy tiến bộ thần tốc.
Kiếm Phi cũng mừng rỡ và được an ủi vô cùng, mỉm cười nói :
– Nếu Hổ nhi cố gắn thêm chút nữa, sau này công lực của ngươi thế nào cũng luyện tới mức siêu phàm nhập thánh.
Biện Hổ mặt đỏ bừng, nhưng cao hứng khôn tả, vừa cười vừa đáp :
– Sư phụ cứ quá khen đấy thôi.
– Nào chúng ta cùng bỏ ngựa xuống, thử đưa khinh công xem sao!
Biện Hổ mặt càng đỏ bừng thêm, ấp úng đáp :
– Hổ nhi không dám!
– Không sao, sư phụ nhường cho đi một quãng đường trước!
Nói xong, Kiếm Phi liền khẽ quát một tiếng :
– Đi!
Chàng giơ tay ra đẩy người của Biện Hổ bắn về phía trước. Nhân cái đà ấy Biện Hổ liền giở hết tốc lực khinh công ra, và trước khi đi y còn nói :
– Sư phụ, Hổ nhi đi trước một bước nhé!
Y vừa nói dứt, người đã đi ra ngoài xa mười mấy trượng. Chỉ trong nháy mắt người y đã đi rất xa, chỉ còn lại một cái bóng nhỏ thôi. Kiếm Phi thấy vậy gật đầu lẩm bẩm tự nói :
– Thật là một danh tài đáng để dạy bảo!
Nói xong, chàng cũng giở khinh công ra đuổi theo Biện Hổ ngay.
Căn cứ vào bản đồ, chàng đã biết Bích Ba hồ ở đâu đây, nên chàng tiến thẳng về phía đó.
Thì ra Bích Ba hồ ở giữa dãy rừng núi Chung Nam, căn cứ vào lời nói của người đi săn thì bờ hồ Bích Ba có hai mươi mấy gia đình, họ chỉ sống về nghề đánh cá và đi săn, rất ít người ra khỏi núi và cũng theo lời của người đi săn ấy nói, đi từ chân núi Chung Nam đến hồ Bích Ba phải mất mười ngày mới tới nơi và suốt dọc đường là rừng rậm rạp, quanh năm có tuyết phủ và rất nhiều thú dữ nữa.
Nếu mấy năm về trước, không nhờ có một người thợ săn trẻ tuổi đi sâu vào rừng tối, người bên ngoài không sao biết trong rừng lại có một cái hồ như thế.
Người đi săn đó lạc lối hơn một tháng, sau mới về tới nhà rồi không hiểu tại sao y ở nhà có một đêm rồi cả gia đình ấy dọn đi đâu không biết.
Chỉ có họ ngoại của gia đình đi săn ấy là không dọn đi thôi. Người đi săn kia lén về kể hết cho cha mẹ hay bảo đừng có nhớ nhung và đừng kể cho người ngoài biết chuyện, nhưng gia đình ấy mất tích được hai hôm, thì bộ mẹ vợ của y mới cho mọi người hay, bảo trong núi có một chỗ ở rất sung sướng, nhưng vì không biết nên không ai dám đi cả. Đồng thời cha mẹ vợ của y còn nói những người ở đó hung ác lắm, trừkhi được họ hoan nghinh mình thì mới được vào ở, bằng không mình tự nhiên vào thì họ sẽ giết chết mình liền.Vì vậy có nhiều người muốn đi mà không dám mạo hiểm.
Kiếm Phi với Biện Hổ hỏi thăm xong và xem tới địa đồ, nhận thấy không sai chút nào nên hai thầy trò mới đem theo lương khô để vào núi.
Hai thầy trò chạy như vậy, ít nhất cũng được trên trăm dặm.
Biện Hổ chạy được hồi lâu, không thấy Kiếm Phi đuổi tới liền đi chậm lại và lẩm bẩm tự nói :
– Lạ thật! Sao không thấy sư phụ? Chẳng lẽ đã xảy ra chuyện gì?
Y vừa nói dứt thì đã có một cái tay để vào vai y, và bên tai y đã nghe thấy giọng dịu dàng của Kiếm Phi nói :
– Vì sao mà cảm giác của ngươi lại không được thính như thế? Sư phụ theo ngươi nửa ngày rồi mà ngươi vẫn không hay. Sau này làm sao mà ra ngoài giang hồ đối phó với cường địch được! Việc gì mà ngươi phải lo ngại cho sư phụ…
Biện Hổ giật mình kinh hãi, vội đáp :
– Công lực của sư phụ cao siêu hơn con nhiều! Còn người trên giang hồ sao bằng được sư phụ? Nếu người nào cũng mạnh như sư phụ, thì Hổ nhi làm sao ra ngoài giang hồ được?
Kiếm Phi vừa cười đáp :
– Khéo chống chế thật! Xem sau này con còn chống chế như thế nào nữa!
Nói xong, chàng giơ tay ra điểm vào yếu huyệt ở trên đầu vai Biện Hổ, nhưng Biện Hổ vừa cười vừa nhảy ra ngoài xa tránh né.
Hai người vừa đi vừa cười vừa nói, không bao lâu đã đi sâu vào trong rừng núi. Đi được một ngày đường rồi mà vẫn chưa thấy tung tích của Bích Ba hồ đâu hết.
Vừa đi Kiếm Phi vừa nghĩ thầm :
– “Lạ thật! Sao cái hồ lớn như thế mà kiếm mãi không thấy như thế này? Huống hồ trong tay ta còn có bản đồ…”
Đêm hôm đó hai thầy trò nghỉ ở trong một hang đá. Sáng hôm sau lại theo bản đồ chỉ dẫn mà tiếp tục đi theo vào trong khu rừng. Trong khi đi đường, hễ thấy dã thú ra là hai thầy trò hoặc đánh đuổi hoặc bắt để ăn thịt.
Mặt trời đã lặn, tối ngày hôm thứ hai đó hai người kiếm mãi mới thấy một cái hang động để vào nghỉ ngơi. Đáng lẽ với công lực của hai người này nghỉ ngơi hay không cũng không cần nhưng vì trong lúc đêm tối những dấu hiệu bên lề đường khó phân biệt lắm, mặt khác, Kiếm Phi lại còn phải dạy bảo võ công cho Biện Hổ để mong y chóng tấn tới.
Lúc ấy hai người ở trong núi hoang, tiếng hổ gầm, lang hú ở đằng xa vọng tói khiến cả hai nghe thấy đều hoảng sợ vô cùng. Hai người trong hang động ngồi đối diện nhau, đột nhiên có một tiếng lang hú bi đát khôn tả ở cách hai người không xa vọng tới.
Tiếp theo đó lại có một tiếng lang hú rất dài nữa, hình như tiếng sau này là dùng để trả lời tiếng trước vậy. Hai tiếng lang hú thê thảm khôn tả ấy truyền đi xa mấy chục dặm nhưng sau hai tiếng hú đó rồi thì bốn bề lại yên lặng như tờ hình như những dã thú ở trong núi đó sợ sài lang vậy. Biện Hổ khẽ mở mắt ra nhìn và nói với Kiếm Phi rằng :
– Tiếng lang hú ấy đã làm cho đệ tử khắp người nổi gai lên!
Kiếm Phi cũng cảm thấy tiếng lang hú ấy tâm thần không được yên ổn, liền gật đầu đáp :
– Không biết đó là loại sài lang gì mà tiếng hú của nó lại rùng rợn đến thế!
Biện Hổ cầm luôn cây búa lớn nặng ba trăm cân lên và nói tiếp :
– Sư phụ để Hổ nhi ra giết chúng đi cho rảnh?
Lúc ấy tiếng lang hú lại nổi lên khiến ai nghe thấy cũng phải đinh tai nhức óc, Kiếm Phi khẽ nói :
– Khỏi cần! Thứ sài lang này chắc hung ác lắm, nếu chúng đi từng đàn thì thật phiền phức vô cùng.
Rốt cuộc đêm hãi hùng đó đã qua.
Kiếm Phi cùng không biết được đàn chó sói bên ngoài thuộc loại chó sói gì, nhưng nghe tiếng hú của nó thì hình như còn rùng rợn hơn chó sói xan với chó sói tuyết. Cho nên sáng hôm sau, trời đã sáng tỏ và không còn nghe thấy tiếng chó sói hú nữa, hai thầy trò mới dám ra ngoài động, theo bản đồ mà tiến thẳng về Bích Ba hồ.
Hết ngày này qua ngày nọ, hôm đó trời đã xế chiều, hai người vừa đi đến trên một đỉnh núi cao chót vót. Kiếm Phi thấy dưới chân núi có một bãi cỏ rộng mênh mông, cỏ xanh rì như một cái thảm nhung trông rất đẹp mắt.
Ở phía sau tận cùng của cánh đồng cỏ đó một cái hồ rất lớn đến nỗi không trông thấy bờ của bên kia hồ. Bên cạnh hồ có một số nhà cửa khá đông, và trước những nhà cửa đó có mười mấy chiếc thuyền đánh cá. Đồng thời tiếng ca hát của những người thuyền chài đi đánh cá về nghe rất êm tai, quả thật là một Đào nguyên của người đời.
Kiếm Phi thấy cảnh trí yên tĩnh này cũng phải khen ngợi Bích Ba kiếm khách quả có đôi mắt rất độc đáo nên mới tìm ra được chốn Đào nguyên này.
Biện Hổ đứng xem giây lát rồi khẽ nói :
– Sư phụ, nơi đây tốt thật! Sau này chúng ta được ở đây an cư lạc nghiệp thì thật là sung sướng quá.
Kiếm Phi cao hứng vô cùng, liền gật đầu và bụng bảo dạ :
– “Miêu bộ của Bích Ba kiếm khách chỉ vỏn vẹn có hơn hai mươi gia đình này hay sao? Như vậy thế lực của Bích Ba bang năm xưa ở giang hồ cũng không lớn lắm, nhưng cứ căn cứ vào võ công của Bích Ba kiếm khách thì bang phái của ông ta sáng lập ra chắc cũng không đến nỗi kém gì bang phái khác…”
Sự thật, chàng nghĩ như thế cũng có thể nói đúng và cũng có thể nói là sai.
Thì ra năm xưa lúc Bích Ba bang xuất hiện trên giang hồ, thủ hạ của bang phái này đi đến đâu cũng đều dùng khăn bịt mặt, ra tay rất ác độc, người giang hồ chỉ biết có một bang mặc áo trắng, cỡi ngựa đen, đầu đội một cái mặc nạ chó sói nom rất hung ác, hành động phiêu hốt, xuất mạt vô thường thôi.
Khi bang phái ấy xuất hiện, tự nhận là đội quân phục thù, cho nên người giang hồ đều gọi là Phục Thù Chi Sứ, chứ rất ít người biết tên họ cho nên sự ước đoán của Kiếm Phi vừa rồi vừa đúng vừa sai là thế.
Hai thầy trò đứng trên đỉnh núi ngắm nhìn hồi lâu, rồi từ từ đi xuống bên dưới, tiến thẳng vào trong cái làng nho nhỏ ấy.
Lúc ấy Kiếm Phi đã xác định một việc là cái làng nho nhỏ này, nhất định là chỗ ở của Miêu bộ của Bích Ba kiếm khách năm xưa chứ không sai.
Thì ra, sau khi quan sát kỹ lưỡng, Kiếm Phi đã nhận thấy hai mươi mấy căn nhà ở trong này đều căn cứ vào Bích Ba kỳ môn trận của Bích Ba kiếm khách sáng chế ra mà xây.
Ai đã vào trong trận thức ấy, nếu không thông thạo trận pháp đó thì vào được mà không sao ra được.
Kiếm Phi dẫn Biện Hổ đi tới trước làng đó rồi, cứ bước theo cổng làng mà vào bên trong. Đi được mấy chục trượng, chàng đã thấy một thiếu niên vạm vỡ ăn mặc rất mộc mạc tiến lên nghinh đón.
Kiếm Phi vội chắp tay chào và hỏi :
– Xin hỏi công tử, nhà của Hồ Vân Sinh ở đâu thế?
Thiếu niên nọ kinh ngạc vô cùng, nhìn chàng một hồi, mặt lộ vẻ tức giận, nhưng giọng nói vẫn ôn tồn đáp :
– Chẳng hay quý khách tới đây kiếm Hồ Vân Sinh có việc gì thế?
Kiếm Phi vừa cười vừa đáp :
– Có một người bạn nhờ vả tại hạ tới đây kiếm Hồ Vân Sinh có chút việc.
Thiếu niên lại ngắm chàng hồi nữa rồi đáp :
– Mời quý khách theo tại hạ đi lại đây!
Giọng nói và sắc mặt của y rất là kiêu ngạo và lạnh lùng.
Biện Hổ thấy vậy có vẻ bực mình, nhưng y thấy Kiếm Phi vẫn thản nhiên như thường nên không dám nổi giận, đành cứ phải vác búa đi theo, tiến thẳng vào giữa làng.
Đi được một lát tới trước cửa một căn nhà người nọ liền ngừng chân lại. Kiếm Phi ngắm nhìn căn nhà đó thấy kiến trúc rất tầm thường, cửa nhà hướng về hồ lớn và chỗ bờ ở trước mặt nhà đó có đậu hai chiếc thuyền đánh cá rất đặc biệt. Trên bờ có một cụ già râu tóc bạc phơ, đang nhắm mắt hút ống điếu.
Thiếu niên đi tới cạnh ông già đó, hình như sợ ông già giật mình, nên y khẽ gọi :
– Thưa ông!
Ông già nọ “ừ” một tiếng rồi đáp :
– Cháu đã về đó à?
Giọng nói của ông già rất hùng, nếu không trông thấy ông ta lên tiếng nói thì không ai sám ngờ một ông già yếu ớt như thế mà lại có tiếng nói hùng mạnh như vậy.
Thiếu niên lại khẽ đáp :
– Thưa ông có người kiếm ông đấy!
Ông già kêu “ồ” một tiếng, rồi hỏi :
– Ai? Có phải là người trong hồ không?
Thiếu niên lắc đầu đáp :
– Thưa ông, không!
Ông già lại rít một hơi thuốc thực mạnh rồi hỏi tiếp :
– Có phải là người trong làng không?
Tiếp theo đó, ông ta phun một hơi khói ra, trông vẻ rất an nhàn.
Thiếu niên lại đáp :
– Thưa ông không phải, người ngoài đấy ạ!
Ông già bỗng mở to đôi mắt, đôi ngươi sáng quắc như hai luồng điện, ngắm nhìn Kiếm Phi.
Kiếm Phi và Biện Hổ thấy đôi mắt của ông già sắc bén như vậy cũng phải giật mình kinh hãi. Hai người không ngờ ông ta lại có công lực thâm hậu như thế!
Ông già kêu “hừ” một tiếng và quát bảo thiếu niên rằng :
– Cháu đứng sang bên!
Thiếu niên vâng lời cúi đầu vái lại rồi lui sang một bên.
Ông già ấy chính là Hồ Vân Sinh lạnh lùng ngắm nhìn Kiếm Phi và Biện Hổ một hồi rồi trầm giọng hỏi :
– Lão phu chính là Hồ Vân Sinh đây! Ai giới thiệu cho hai vị tới đây thế?
Kiếm Phi tủm tỉm đáp :
– Tại hạ là Đặng Kiếm Phi với tiểu đồ là Biện Hổ…
Ông già vội ngắt lời chàng nói tiếp :
– Lão phu không hỏi tên họ của hai vị!
Biện Hổ thấy ông già vô lễ với sư phụ mình như vậy liền quát lớn :
– Ông già kia! Sao dám vô lễ với sư phụ của ta như thế?
Y vừa nói vừa múa tít cây búa một vòng.
Thiếu niên đứng ở cạnh ông già thấy vậy giận dữ quát lớn :
– Cẩu tử dám tới đây quấy nhiễu phải không?
Y chưa nói dứt đã vái Hồ Vân Sinh một lạy và nói tiếp :
– Thưa ông cho phép Phong nhi trói cẩu tử ngông cuồng này lại!
Hồ Vân Sinh chưa trả lời thì Kiếm Phi lại tủm tỉm cười và quát bảo Biện Hổ rằng :
– Hổ nhi, ngươi lui sang một bên!
Nói xong chàng tiến lên một bước và nghiêm nghị hỏi :
– Hồ Vân Sinh! Ngươi đối đãi khách như thế à?
Hồ Vân Sinh cười ha hả đáp :
– Thực không ngờ người hậu sinh tiểu tử lại còn muốn dạy bảo lão phu nữa.
Chỉ nghe thấy kêu “soẹt” một tiếng, đã có một luồng gió sắc bén nhằm kỳ môn huyệt ở trước ngực Kiếm Phi đâm tới.
Kiếm Phi lướt sang bên tránh luồng chỉ phong ấy, và cười nhạt nói tiếp :
– Hồ Vân Sinh! Theo đúng lý thì tại hạ phải nhường ngươi ba thế!
Hồ Phong đứng cạnh đó thấy chàng nói như vậy liền la lên :
– Thực là ta tức chết đi được!
Nói xong y múa quyền tấn công Kiếm Phi ngay, nhưng Hồ Vân Sinh đã lạnh lùng quát bảo :
– Phong nhi, ngươi hãy đứng sang một bên!
Y vừa nói dứt đã múa song chưởng như gió nhằm người Kiếm Phi tấn công luôn.
Muốn thử biết công lực của Hồ Vân Sinh ra sao, Kiếm Phi liền vận chân lực ra, giơ song chưởng lên chống đỡ luôn. Chỉ nghe thấy kêu “bộp”một tiếng thực lớn, cát bụi mù mịt, mặt đất ở chỗ đó cũng bị lõm xuống thành một cái hố sâu.
Hồ Vân Sinh mặt đỏ bừng, lui về phía sau ba bước, còn Kiếm Phi thì vẫn đứng yên ở đó không hề cử động chút nào.
Hồ Vân Sinh vừa đứng vững xong đã thét lên một tiếng rồi múa song chưởng nhảy xổ lại tấn công tiếp.
Hồ Phong đứng cạnh đó cũng múa quyền nhằm ngực Biện Hổ tấn công luôn, mồm thì quát lớn :
– Tiểu tử, lão từ này cũng tiếp ngươi vài thế!
Biện Hổ cả giận đáp :
– Ngươi là cái gì? Có giỏi thì giở khí giới ra!
Hồ Phong chia hai tay ra đáp :
– Lão tử không thèm dùng khí giới!
Biện Hổ liền vứt cây bút xuống đất, chỉ nghe thấy kêu “soẹt” một tiếng, cây búa đã cắm sâu vào trong mặt đất, chỉ có cán búa nhô ra bên ngoài thôi, rồi y vén tay áo lên đáp :
– Được, lại đây! Lão tử cũng dùng song quyền đối phó với ngươi!
Hồ Phong kêu “hừ” một tiếng rồi nhằm giữa ngực Biện Hổ tấn công luôn một quyền.
Biện Hổ kêu “ối chà” mấy tiếng và đáp :
– À, tiểu tử này giỏi thực! Vừa mới nói đánh là đã đánh ngay à?
Nói xong, y múa song quyền lên phản công liền.
Thế là bốn người thành hai đôi kịch chiến với nhau.
Lúc ấy bốn mặt đều có người xuất hiện, tiến thẳng về phía này.