Bích tiêu cửu trùng xuân ý vũ

Chương 61Ngoại truyện 4 phần 3 (Hết)


Đọc truyện Bích tiêu cửu trùng xuân ý vũ – Chương 61: Ngoại truyện 4 phần 3 (Hết)

“Mẫu hậu, mẫu hậu! Đừng bỏ lại nhi thần, mẫu hậu!”
Trên thanh xà cao cao, thân người gầy gò của Tuyên thái hậu không ngừng lay theo tiếng khóc hoảng hốt, sợ hãi của Thiên Tiêu. Tuyên thái hậu lúc này đang treo cổ.
“Tình Uyển”.
Nhiếp chính vương xông lại gần, thét lên đầy kinh hoảng, đưa kiếm chém đứt tấm vải trắng kia.
Tuyên thái hậu im lìm, lặng lẽ rơi xuống mặt đất, nằm gọn trong vòng tay của Nhiếp chính vương, hai mắt nhắm lại, hơi thở gần như không còn.
Thiên Tiêu cảm thấy cổ họng mình đau nhói, nước mắt giàn giụa rơi xuống, đột nhiên kéo lấy tay áo của Nhiếp chính vương rồi nói: “Hoàng thúc, là trẫm đã giết dì hai,… là trẫm… là trẫm… mẫu hậu bị dì đánh đến mức gần chết, trong miệng vẫn không ngừng cầu xin dì tha cho hai mẫu tử trẫm một con đường sống, dì không đồng ý… dì nói trẫm là nghiệt chủng của hoàng thúc, lại định giết chết trẫm… trẫm tưởng rằng mẫu hậu đã bị đánh chết, trẫm tưởng rằng trẫm cũng chẳng thể nào sống tiếp được nữa… trẫm bảo người khác đánh chết dì… đánh chết dì… trẫm… trẫm…”
Thân người Thiên Tiêu chập choạng, ngã xuống thân thể của mẫu hậu rồi cũng hôn mê bất tỉnh.
Tuy rằng Thiên Tiêu đã nói hết sự thật mọi chuyện, nhưng Nhiếp chính vương không hề gây khó dễ gì cho ngài. Ngài được người khác đưa về tẩm cung của mình, thái y liên tục hầu cận bên cạnh, chăm sóc, quan sát suốt đêm ngày. Tin truyền ra bên ngoài chỉ nói ngài bị ngã ngựa đập đầu chảy máu, Tuyên thái hậu sau cùng cũng được cứu sống, nhưng lúc nào cũng nằm quay mặt vào trong, nhiều ngày liền không ăn không uống, mãi cho tới khi Thiên Tiêu nghe được tin này, nhẫn nhịn đau đớn bê đồ ăn tới, người mới ôm lấy con trai khóc một trận thảm thiết rồi miễn cưỡng ăn uống vài miếng.
Thế nhưng tinh thần Thái hậu bị tổn thương nghiêm trọng, sức khỏe giảm sút đi nhiều, nhiều tháng sau khi chuyện này xảy ra, vẫn cứ nằm liệt trên giường bệnh mãi không thôi. Mấy lần Thái hậu sốt ãi không hạ, Thiên Tiêu không hề ngần ngại, không hề trễ nải, hầu hạ chăm sóc bên giường, người mới từ từ thuyên giảm.
Lúc này, cơn phong ba bão táp bùng lên do cái chết của vương phi Nhiếp chính vương đã chìm lắng. Những người có mặt biết chuyện ngày hôm đó, người chết, kẻ mất tích, ngay cả những người còn lại yên lành không sao, cũng chẳng bao giờ dám nhắc lại hôm đó rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.
Thi thể của vương phi Nhiếp chính vương nhanh chóng được đưa ra khỏi cung, không lâu sau trong dân gian lan truyền tin vương phi Nhiếp chính vương chết vì bạo bệnh.
Tuy rằng nhiều người cảm thấy kì lạ trước cái chết của vương phi, vì sáng sớm vẫn còn khỏe mạnh vào cung, buổi tối đã nghe thấy tin qua đời, nhưng trước đó cũng thường xuyên nghe thấy tin vương phi ốm liệt giường, Nhiếp chính vương lại không hề đưa ra bất cứ ý kiến thắc mắc nào về cái chết của thê tử mình, thế nên, sau khi vương phi được khâm liệm, chôn cất tử tế, mọi chuyện cũng theo đó mà trôi qua rất nhanh, không còn bất cứ ai hỏi han, dị nghị điều gì nữa.
Trong hoàng cung, khoảng thời gian này vô cùng tĩnh lặng, thậm chí còn im lìm hơn cả trước khi xảy ra chuyện.
Nhiếp chính vương vẫn thường xuyên đến thăm hỏi Tuyên thái hậu, bàn thảo các việc triều chính, nhưng không bao giờ ở lại đây qua đêm nữa.
Phần lớn thời gian họ im lặng không nói với nhau nửa lời.
Cũng có lúc Nhiếp chính vương đến kiểm tra bài vở học hành của Thiên Tiêu, biểu hiện của Hoàng thượng không hề ngốc nghếch, nhưng rõ ràng không hề đặt tâm tư vào chuyện học hành và quốc gia đại sự. Ngay cả lúc trả lời câu hỏi của Nhiếp chính vương, ngài cũng không quên đánh mắt, liếc nhìn các cung nữ, thái giám hầu cận bên cạnh, lúc nào cũng để tâm đến việc con khổng tước ngoài hành lang đã được uống nước chưa, dế ở trong hộp liệu còn sống không.
Nhiếp chính vương vừa tỏ thái độ không vui, Thiên Tiêu liên đích thân rót ly trà cho ngài, sau đó cùng Nhiếp chính vương bình phẩm về lá trà cũ hay mới, nước pha trà ngọt hay không.
Nhiếp chính vương rõ ràng đã trầm lặng hơn trước nhiều, mấy lần định nói rồi lại thôi, sau cùng phẩy tay áo bỏ đi, sau này không bao giờ còn quan tâm đến chuyện học hành, bài vở của Thiên Tiêu nữa.
Còn việc thiếu đế lười nhác, ham chơi ghét học và cả thái độ lười nhác chuyện triều chính của ngài cũng dần dần lan đi khắp chốn.
Xem ra cái chết của vương phi Nhiếp chính vương không hề ảnh hưởng xấu mà còn đem lại lợi ích cho hai mẹ con Đường Thiên Tiêu.
Chắc hẳn Nhiếp chính vương đã nhận ra rằng chính sự bừa bãi, nông nổi của mình đã dẫn tới cái chết đầy bi kịch của thê tử, lại thêm chuyện Thái hậu treo cổ tự tử vì chuyện này, suýt chút nữa cũng mất mạng, ngài cảm thấy vô cùng áy náy, hối hận, nhiều lúc rõ ràng biết rằng Tuyên thái hậu đang mua chuộc lòng người, xây dựng thân tín cho riêng mình, ngài cũng coi như không thấy, phớt lờ cho qua.

Trong thời loạn lạc, binh quyền cao bằng trời. Trong tay Nhiếp chính vương nắm tới tám, chín phần binh quyền của toàn bộ Đại Chu, nếu như Tuyên thái hậu muốn hoàn thành di nguyện của Võ đế, bình định Nam Sở, đối kháng Bắc Hách đều không thể thiếu ngài được. Còn ngài nếu như muốn dấy binh làm phản, thay đổi đế vương cũng chẳng ai có thể ngăn cản.
Vậy nên, Nhiếp chính vương chẳng buồn để tâm đến những hành động lôi kéo nhân tâm kia của Tuyên thái hậu làm gì cả.
Có lẽ trong lòng ngài, những hành động này đối với Tuyên thái hậu mà nói là phương cách giúp người an lòng sau khi qua trải nghiệm sống chết đáng sợ trước đó.
Tuyên thái hậu lúc này xanh xao là thế, tiều tụy là thế, thậm chí trông còn cằn cỗi, đáng thương. Ngài chấp nhận nhẫn nhịn, khoan dung. Còn ngài dường như cũng biết mất trong một khoảng thời gian ngắn.
Nắm trong tay giang sơn thiên hạ đẹp như mộng, nhưng lại chẳng thể nào khiến cho ngài thôi cau chặt đôi mày vì muộn phiền, dường như chỉ trong thời gian một đêm, mái tóc ngài đã có thêm nhiều sợi bạc, muốn ngăn cũng chẳng được.
Lúc này, Nhiếp chính vương trông chẳng khác nào một ông lão già nua, nói với Thiên Tiêu rằng: “Ta đã nói với Thiên Trọng nhiều lần, bảo Thiên Trọng coi Hoàng thượng như huynh đệ ruột thịt. Thế nhưng tính cách của thằng bé không tốt lắm, nếu như có điều gì mạo phạm, Hoàng thượng đừng chấp nhặt với Thiên Trọng, chỉ cần báo cho ta biết là được. Thường ngày khi gặp mặt, cần phải kính trọng Thiên Trọng, không được cãi lại lời nói của Thiên Trọng, Hoàng thượng có hiểu không?”
Thiên Tiêu sảng khoái tuân theo, nhưng trong lòng vô cùng nghi hoặc.
Thiên Trọng không phải vẫn luôn đối xử với ngài rất tốt hay sao?
Thiên Tiêu nhất thời quên rằng, trước kia một trong số những nguyên nhân Thiên Trọng đối xử tốt với mình chính là vì mẫu thân của hai người là tỷ muội, hơn nữa thủ túc tình thâm.
Nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của vương phi được Nhiếp chính vương che giấu kỹ càng, có thể che mắt những người trong thiên hạ nhưng làm sao có thể che mắt được con trai của ngài?
Vào năm đó, Thiên Tiêu mười tuổi, Thiên Trọng mười bốn tuổi.
Thiên Tiêu còn kéo Nhã Ý ngồi trong phòng đấu dế, vui chơi, Thiên Trọng đã dắt binh lính đi chinh chiến khắp đại giang Nam Bắc, dùng thi thể của quân địch xây dựng uy tín, oai nghiêm của mình trong tướng sĩ ba quân. Vào mùa đông năm đó, Nhiếp chính vương cùng Thiên Trọng đưa quân tấn công Nam Sở, hạ liên tiếp mười ba thành trì, ép Nam Sở phải kí hòa ước nhượng đất, khải hoàn quay về.
Tuyên thái hậu lệnh cho Thiên Tiêu đích thân ra cửa Bắc của Kinh thành nghênh đón, đồng thời thiết đãi yến tiệc trong Hoàng cung để chúc mừng chiến thắng.
Tuyên thái hậu sớm đã làm quen với những chuyện này, các văn khanh võ tướng đứng đầy đại điện khiến cho người vui vẻ đến mức mỉm cười liên tiếp không thôi, quân thần không ngừng chúc tụng nhau.
Thiên Tiêu chỉ đáp lễ những người này một lúc rồi nói chuyện vui đùa với đám cung nữ hầu cận xung quanh, bình phẩm về ca múa, rượu thịt, không hề nói xen vào những chuyện quốc gia đại sự của Tuyên thái hậu và Nhiếp chính vương nữa.
Thiên Trọng dường như không thích những buổi yến tiệc kiểu này, chỉ im lặng ngồi ở bàn tiệc, không ngừng uống rượu, thi thoảng đưa ánh mắt về phía Thiên Tiêu liền thấy Thiên Tiêu giơ cao chén rượu ra vẻ kính rượu, ngài mới chịu nâng chén đáp lễ, ngửa cổ cạn sạch.
Thiên Trọng căn bản chẳng buồn nhìn Thiên Tiêu lấy một lần, chỉ là đưa mắt lướt qua mà thôi.
Thiên Tiêu vẫn không hề mất đi nhã hứng. May mà tiếng xấu lười nhác, ham vui của Thiên Tiêu đã truyền đi khắp chốn, nếu như không thích, ngài lặng lẽ rời đi cũng chẳng ai buồn để tâm đến. Những người xung quanh cho rằng ngài còn nhỏ tuổi ham chơi, lười biếng, không muốn để tâm vào chuyện triều chính, chắc lại muốn trốn vào góc nào đó vui đùa.
Thiên Tiêu thật sự rời khỏi bữa tiệc, dẫn theo mỗi mình Cận Thất, cầm theo chiếc đèn lồng đỏ rực, liên tục tiến về phía trước.
Tiếng ca hát nhảy múa nào nhiệt dần dần biến mất, cơn gió lạnh khẽ thoảng qua người khiến cho ngài cũng tỉnh táo vài phần.

Mặt hồ cạnh bên tĩnh lặng, băng giá, ánh trăng trên nước rung nhẹ theo làn gió lạnh lẽo. Lá sen cuối thu vẫn chưa bị chặt hết không ngừng rập rờn trong gió sương.
Ngài bỗng nhiên trở nên trầm mặc, u sầu. Khi quay về đến tẩm cung, ngài vẫn cứ cô độc, một mình âm thầm luyện võ, xem binh pháp, nghiên cứu tình hình, thế cục trước mắt, suy đoán về các biến cố có thể xảy ra.
Thật ra, ngài cảm thấy vô cùng mệt mỏi, rệu rã.
Ngài liền quay sang hỏi Cận Thất: “Nhã Ý còn ở trong cung không?”
Cận Thất đáp: “Có lẽ là còn ạ. Cô nương có vẻ thích ở cạnh bên Hoàng thượng, mỗi lần được Nam phu nhân đón vào trong cung, cô nương toàn ở lại dăm bữa, nửa tháng mới chịu xuất cung”.
Nhã Ý là con gái của Nam phu nhân, nhũ nương của Thiên Tiêu, cùng tuổi với ngài, lại thông minh, lanh lợi hơn hẳn những cung nữ hầu cận bên cạnh. Chỉ mới tí tuổi đầu, vậy mà đôi mắt sáng trong, ngây thơ của nàng đã nhìn thấu hết mọi bi thương, hỷ nộ thẳm sâu trong tâm tư ngài.
Ngài dựa vào lan can đá rồi nói: “Mau gọi nàng ấy tới đây với trẫm. Bảo nàng ấy mang theo cả cây tiêu, đứng bên cạnh hồ thổi tiêu để trẫm tĩnh tâm, tỉnh rượu luôn”.
“Dạ vâng, Hoàng thượng đừng đứng ở chỗ gió mạnh nữa, mau vào trong đình nghỉ ngồi chờ một lát, nô tài sẽ đi truyền cô nương tới đây ngay”. Cận Thất tuân lệnh, nhanh chóng đi truyền Nam Nhã Ý.
Thiên Tiêu chỉ cảm thấy gió đêm quả thực hơi lạnh, chậm rãi đưa chân bước về phía đình nghỉ, tựa bên lan can ngây người suy nghĩ.
Lúc sau, đột nhiên ngài nghe thấy có người gọi tên mình: “Thiên Tiêu”.
Vừa quay đầu lại, Thiên Trọng đã đứng ngay phía sau, đôi mắt sâu thẳm, đen nháy, ngay cả chiếc đèn lồng treo phía trước cũng chẳng thể nào khiến đôi mắt đó sáng rực lên được.
Thiên Tiêu vội vã đứng vững lại, mỉm cười đáp lại: “Thiên Trọng hoàng huynh, tại sao huynh lại ở đây?”
Thiên Trọng không trả lời, ngây người nhìn vào vầng trăng in trên mặt nước một hồi lâu rồi lại hỏi thêm: “Thiên Tiêu, hôm mẫu thân ta tới gặp Thái hậu, Hoàng thượng cũng có mặt ở cung Thọ Ninh đúng không?”
Thiên Tiêu nghe thấy tiếng tim mình đập thình thịch, ngoài mặt vẫn mỉm cười, hỏi lại đầy nghi hoặc: “Dì hai đến tìm mẫu hậu ta? Là chuyện vào ngày nào thế?”
Thiên Trọng lại im lặng trong giây lát.
Sau đó, Thiên Trọng mới từ từ đáp lại: “Hoàng thượng không nhớ hay sao? Để ta nhắc lại cho nghe nhé. Buổi sáng hôm đó, mẫu thân ta mang theo bánh điểm tâm vào thăm Thái hậu, đến buổi hoàng hôn đã bị đặt trong quan tài đưa về phủ của Nhiếp chính vương rồi. Nghe nói ngày hôm đó Hoàng thượng cũng có mặt ở cung Thọ Ninh… lại còn bị ngã ngựa ở trong cung Thọ Ninh sau đó được người ta đưa về tẩm cung”.
Cung Thọ Ninh tuy rất lớn những tuyệt đối không được cưỡi ngựa trong đó.
Giọng nói của Thiên Trọng mang rõ ý mỉa mai, nhìn Thiên Tiêu bằng đôi mắt tối sầm, khiến cho Thiên Tiêu sợ hãi không ngừng lui bước ra phía sau. Lui mãi cho tới khi cả người chạm vào lan can, ngài mới ý thức được rằng mình đã đi đến phía cuối cùng đình nghỉ, phía sau chính là hồ nước sâu hoắm.
Thiên Tiêu đã không còn đường lùi nữa.

“Chuyện ngày hôm đó… trẫm không còn nhớ rõ lắm”. Ngài nghiến răng nghiến lợi chịu đựng. “Chắc hẳn là Thiên Trọng hoàng huynh cũng đã nghe nói rồi, hôm đó trẫm bị thương rất nặng, hôn mê bất tỉnh một lúc lâu, sau khi tỉnh lại đã quên mất một số chuyện. Chi bằng Thiên Trọng đại ca đến hỏi Nhiếp chính vương xem sao, hoàng thúc lúc đó cũng có mặt mà”.
Thiên Trọng lúc này vô cùng phẫn nộ, đôi mắt như thể bắn ra tia lửa. Thiên Trọng liền đưa tay túm lấy tà áo của Thiên Tiêu rồi nói: “Hoàng thượng bảo ta đi hỏi phụ thân? Hoàng thượng biết rõ ràng từ sau khi phụ thân ta có được mẫu hậu của mình, không còn là phu quân như ý của mẫu thân ta nữa. Cũng chẳng còn là người chồng, người cha lúc nào cũng suy nghĩ, để tâm, yêu thương thê tử, con cái của mình nữa.Từ trước đến nay, phụ thân chưa bao giờ bảo vệ gia đình chúng ta, đất nước chúng ta, lúc nào cũng chỉ một lòng một dạ với yêu hầu đó thôi và cả tên tiểu súc sinh ngồi mát ăn bát vàng như ngươi mà thôi”.
Thiên Trọng dùng sức rất mạnh, khiến cho Thiên Tiêu khó lòng chống trả, đang lúc do dự xem có nên phản kháng lại không thì Thiên Trọng đã đẩy mạnh ngài ra chiếc lan can cũ nát phía sau. Cả chiếc lan can gãy vụn, thân người Thiên Tiêu mất thăng bằng, ngã ra phía sau, rơi xuống mặt hồ. Vào lúc luồng nước lạnh băng bao quanh thân người, theo bản năng, ngài vùng vẫy, không ngừng thét lớn: “Thiên Trọng hoàng huynh, mau cứu trẫm”.
Khuôn mặt Thiên Trọng lúc này vô cùng hoảng hốt, nghe thấy tiếng kêu cứu, theo bản năng cúi người xuống rồi đưa tay ra.
Thiên Tiêu vẫn còn nhớ bàn tay ấm áp của Thiên Trọng. Vào đúng lúc Thiên Tiêu không biết liệu mình có thể tiếp tục sống nữa không, chính Thiên Trọng đã bước ra khỏi bóng đen, đưa bàn tay ấm áp nắm chặt lấy ngài, dịu dàng mỉm cười đưa lời hứa hẹn: “Yên tâm đi, ta sẽ bảo vệ Hoàng thượng”.
Yên tâm đi, ta sẽ bảo vệ Hoàng thượng.
Bàn tay như thế nhất định sẽ không đưa ngài đến với một thế giới khác lạnh lẽo giá băng đen tối. Thiên Trọng đưa tay tới thì cả thân người của Thiên Tiêu đã chìm xuống dưới nước. Thiên Tiêu lại nỗ lực đưa tay lên trên mặt nước, đưa tay về hướng kia lần nữa, nhưng ngài phát hiện ra rằng chỗ đó trống rỗng không có gì cả.
Thiên Trọng thu tay mình lại, ngồi bên bờ nhìn Thiên Tiêu, đôi mắt trầm tĩnh, im lặng không nói gì.
“Hoàng… hoàng huynh.”
Giọng nói của Thiên Tiêu lúc này dường như biến hẳn điệu, lại uống một ngụm nước lạnh giá như băng, sắp sửa không thở ra hơi nữa.
Còn Thiên Trọng đại ca đã từng nói sẽ luôn bảo vệ ngài lại đứng dậy, đi men theo hành lang rời khỏi nơi này, những gì còn lại trong ánh mắt của ngài chỉ còn là tấm lưng lạnh lẽo, giá băng.
“Cứu… cứu mạng…”
Trong bóng đêm, mặt hồ lạnh giá chẳng khác gì vực thẳm cuốn thân người của Thiên Tiêu xuống sâu dưới mặt hồ.
Ngài không ngừng vùng vẫy trong nước, ho sặc sụa, giãy giụa, tiếng gió xào xạc bên tai, lúc ngừng lúc tiếp tục, vô cùng đáng sợ. Xung quanh bốn bề đều là nước, lạnh đến mức thấu xương, lạnh đến mức tím tái thân người, nước mắt cũng chẳng còn ấm nóng như trước đó nữa.
Sau này, ngài luôn tạ ơn Nhã Ý nhanh tai nhanh mắt, thông minh tuyệt đỉnh.
Đúng vào lúc ngài vùng vẫy trong bất lực, dần dần chìm xuống mặt nước, khi Cận Thất vẫn đi men theo lan can tìm kiếm ngài thì Nhã Ý đã thét lớn lên rằng: “Hoàng thượng rơi xuống hồ rồi. Hoàng thượng rơi xuống hồ rồi…”
Lại một lần sống chết cận kề, khoảng cách vô cùng mong manh. Nếu như Nhã Ý phát hiện chậm hơn chút nữa, cho dù có được kéo lên, ngài cũng chỉ còn là một thi thể lạnh lẽo vô hồn mà thôi.
Cũng sẽ giống như đại Hoàng tử vậy, chết vì lỡ chân ngã xuống nước. Điều khác biệt có lẽ chỉ là, thi thể của Thiên Tả bị phơi dưới ánh nắng gắt thối nát, bốc mùi còn thi thể của ngài bị cơn gió lạnh làm cho đông cứng, xác xơ.
Nếu như ngài chết đi, thì con cháu của Võ Đế đến đời này coi như tuyệt hậu. Còn thiên hạ Đại Chu lẽ dĩ nhiên sẽ rơi vào tay Nhiếp chính vương và người con trai trưởng Đường Thiên Trọng có mối quan hệ thân thiết, trực hệ. Giữa Thiên Tiêu và Thiên Trọng không chỉ tồn tại mối ân oán nửa đời trước mà còn chịu áp lực của cả việc tranh quyền đoạt lợi của đời này.
Cho dù là vì chuyện gì thì đây vẫn cứ là một cuộc tranh giành kịch liệt, đẫm máu.
Khi được người hầu đưa về nằm trong chăn ấm, lò sưởi, bên phía Tuyên thái hậu với Nhiếp chính vương cũng đã nghe được tin tức này vội vã chạy tới tẩm cung thăm nom tình hình của Thiên Tiêu.
“Có chuyện gì thế? Đương yên đương lành tại sao tự nhiên lại rơi xuống nước?”
Nhiếp chính vương cất lời hỏi Thiên Tiêu nhưng lại đưa ánh mắt nhìn về phía Thiên Trọng.

Ngài đương nhiên biết rằng Thiên Trọng đã rời khỏi bữa tiệc, cũng hiểu thấu nỗi căm hận thấu xương của Thiên Trọng.
Thiên Trọng không hề khiếp sợ trước ánh mắt của phụ thân, sau khi đối diện với ánh mắt của ngài một lát, liền quay sang nhìn Thiên Tiêu.
Nhiếp chính vương nắm tay vào thanh bảo kiếm bên người, đôi mày cau chặt lại, hơi thở nặng nề, ánh mắt lộ rõ nỗi đau khổ bất lực trước tình hình hiện nay.
Thiên Tiêu cố gắng nhẫn nhịn không để cho thân người run rẩy, liếc nhìn Thiên Trọng mỉm cười rồi lên tiếng: “Trẫm… là do trẫm tựa người vào lan can thưởng nguyệt, chỉ định… chỉ định giải bớt men rượu. Ai ngờ lan can đó cũ nát quá, nên bất cẩn ngã vào trong hồ”.
Ánh mắt của Thiên Trọng không hề biến sắc, vẫn bình thản như không nhìn về phía Thiên Tiêu.
Nhiếp chính vương thở phào nhẹ nhõm, bàn tay nắm chặt lấy thanh bảo kiếm cũng buông ra rồi vỗ nhẹ lên vai Thiên Tiêu nói: “Hoàng thượng hãy tĩnh dưỡng cho khỏe lại, vào thời tiết đầu đông lạnh giá, rơi xuống hồ nước dễ bị mắc bệnh lắm đấy”.
Vào thời tiết lạnh lẽo như thế này, một đứa trẻ mười tuổi ngã xuống nước hồ lạnh giá vẫn còn có thể may mắn thoát chết, thật ra chỉ vậy thôi Thiên Tiêu cũng cảm thấy mãn nguyện lắm rồi.
Thật ra muốn ai đó ra mặt bảo vệ ình, thì chỉ là nằm mơ giữa ban ngày mà thôi.
Quả thực, Nhiếp chính vương đối xử với ngài rất tốt, nhưng tuyệt đối không bao giờ vì ngài mà làm tổn thương đến đứa con trai ruột thịt của mình.
Huống hồ, người con trai đó tài giỏi, thông minh, hơn nữa cũng phải để tâm đến người mẹ vừa mới bất hạnh qua đời của Thiên Trọng nữa.
Bảo kiếm mà Nhiếp chính vương định rút ra đó chẳng biết là sẽ chỉ về phía ai nữa. Nếu như thật sự rút ra để trách mắng Thiên Trọng thì ngược lại càng khiến cho ân oán giữa hai người thêm sâu đậm, khiến cho hoàn cảnh của hai người cô nhi quả phụ càng trở nên khốn khổ, nguy nan hơn mà thôi.
Phải nhẫn nhịn chịu đựng. Thiên Tiêu biết điều này. Chờ đợi cơ hội, Thiên Tiêu cũng hiểu rõ. Ngài cũng sẽ nỗ lực làm một hoàng đế lười nhác, ham chơi đúng điệu, nhưng rồi có một ngày, thời cơ sẽ đến, ngài có thể lật ngược lại toàn bộ thế cờ.
Ngài là một đế vương bẩm sinh, nhiệt huyết trong lòng đã bị nước hồ băng giá làm đông cứng lại.
Ngài cũng nhất quyết không thể không trở thành một đế vương bẩm sinh. Nếu không, chết đi tức tưởi, không đất chôn thây, mãi mãi không được đầu thai sẽ chính là số phận của ngài.
Chỉ có điều, chẳng ai có thể nói rõ, tại sao sau bao nhiêu năm sau, ngài vẫn thường nằm mơ thấy chuyện này.
Trong giấc mơ đáng sợ, ngài vẫn bị ngập đầu trong làn nước hồ băng giá, vùng vẫy, giãy giụa chờ đợi đôi tay kia đưa tới.
Ấm áp, thân thiết, an lành.
Đêm khuya tĩnh mịch, nước hồ lạnh băng.
Tai nạn bất ngờ giáng xuống.
Đường Thiên Tiêu có thể xác định rõ, người đẩy ngài trong giấc mơ ấy, tuyệt đối không phải Đường Thiên Trọng đã bao lần đẩy ngài vào chỗ chết.
Lúc giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya, thân người ướt đẫm, ngài vẫn nghe thấy miệng mình không ngừng hô hoán.
Ngài đang kêu lên thảm thiết: “Thiển My! Thiển My!”
Còn trong lòng ngài, trống trải, cô độc!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.