Bạn đang đọc Bích tiêu cửu trùng xuân ý vũ – Chương 59: Ngoại truyện 4 phần 1
Ngoại truyện Đường Thiên Tiêu: Mộng xuân tàn, tiếng sáo đêm qua dễ tan biến
Vào năm đó, Đường Thiên Tiêu chín tuổi, vẫn còn chưa biết đến tiết trời dai dẳng, lất phất đầy mưa bụi của đất Giang Nam này. Thế nhưng cho dù đã ở trong Hoàng cung Thụy Đô nhiều năm rồi, trong kí ức của ngài, năm đó vẫn là năm thê thảm nhất.
Sắc trời ảm đạm, mịt mùng, mặt đất ẩm ướt, bẩn thỉu, trong không khí ngập đầy mùi vị ẩm mốc, ướt át.
Ánh mắt của tất cả mọi người đều vô cùng khó hiểu, ngần ngại, chỉ muốn tránh xa ngài ra, thế nhưng vào những lúc không thể không đối mặt với ngài thì lại mỉm cười gian tà, mỉa mai lên tiếng gọi: “Thái tử”.
Ngài là Thái tử.
Sau khi tiên đế băng hà được hai mươi mốt ngày, ngài vẫn cứ là một thái tử.
Chẳng ai có thể đoán trước, sau hai mươi mốt ngày nữa, ngài sẽ trở thành vị quân vương mới của Đại Chu, hay là một thái tử bị phế của Đại Chu, tồi tệ hơn nữa, rất có thể còn trở thành một cái xác lạnh lẽo, vô hồn.
Sống hay chết, phú quý hay bần tiện, trời hay đất, tất cả đều vô cùng mong manh. Khoảng cách vô cùng ngắn ngủi.
Tiên đế Đường Thừa Nguyên bệnh nặng, trước khi qua đời đã để lại Thánh chỉ, lệnh cho Tề vương Đường Thừa Sóc, thừa tướng Trịnh Dương cùng Định Bắc đại tướng quân Vũ Văn Khởi và các văn võ bá quan trong triều đưa thái tử đăng cơ tiếp vị.
Đại quyền triều chính nhanh chóng rơi vào tay Tề vương Đường Thừa Sóc, nhưng đến tận lúc này vẫn chưa có ai chịu đưa bàn tay ra kéo vị thái tử yếu đuối, nhỏ tuổi dắt lên ngai vàng diễm lệ, quyền thế và uy nghi kia.
Mặc dù, ai cũng biết rằng, người con trai thứ được tiên đế Đường Thừa Nguyên yêu thương và trao lại ngai vàng chính là ngài.
Đường Thừa Nguyên trước kia đã rất nhiều lần bế ngài trên đùi, ngồi trên chiếc ngai vàng ngự trên cao vót, uy nghi, bề thế kia, muốn cho các thần tử thấy đứa con yêu thông minh tuyệt đỉnh của mình.
Lúc đó, không chỉ tiền triều mà ngay cả hậu cung, mọi người đều đánh giá ngài vô cùng xuất chúng, tài giỏi. Một thần đồng trong hiện tại, một quốc vương trong tương lai. Một đế vương bẩm sinh, tiền đồ xán lạn, rực rỡ vô ngần.
Ngay bản thân Đường Thiên Tiêu cũng cho rằng, đây không phải là lời đồn thổi vô căn cứ, không phải hoang tưởng mà là lẽ đương nhiên và điều tất yếu này trong thực tế có được là vì phụ hoàng của ngài là một Hoàng đế, hơn nữa còn là Hoàng đế nắm thực quyền trong tay, cho nên con trai của ngài mới đường đường chính chính nhận được lời khen ngợi, đánh giá cao của tất cả mọi người.
Ngày nay, phụ hoàng của ngài chỉ còn là cái xác lạnh lẽo không hồn, đang nằm trên đại điện, trong chiếc quan tài tối tăm, dưới hàng trăm hàng ngàn những cây nến trắng, từ từ, từ từ phân hủy.
Chẳng có ai để tâm đến phụ hoàng. Cho dù trước kia phụ hoàng đã đạp cả thiên hạ này dưới chân, khiến cho tất cả mọi người phải quỳ rạp, thần phục quỳ dưới chân mình. Ngày nay, phụ hoàng chỉ còn là một cái xác lạnh lẽo từ từ phân hủy theo thời gian, ngay cả việc bình an nhập thổ cũng khó khăn đến vậy!
Những khi giọt nến rơi xuống càng nhiều, ngài lại ngờ rằng phải chăng phụ hoàng đang nhỏ lệ xót thương cho bản thân, cho đứa con của mình?
Tất cả những thái giám và cung nữ túc trực, trông chừng đều đang dựa cột trụ nhắm mắt ngủ gật, ngay cả khi Thái tử chín tuổi lại gần thắp thêm hương, bọn chúng cũng không hề thức dậy.
Ngài hoàn toàn không hiểu rốt cuộc là vì sao?
Tất cả những chuyện tày đình này dường như chỉ xảy ra trong thời gian một đêm ngắn ngủi, đối với ngài mà nói, tất cả xảy ra thật quá đối nhanh chóng, quá đối xa lạ và cũng quá đối đáng sợ.
Tuyên thái hậu, người mẫu hậu duy nhất có thể tin tưởng, dựa dẫm lúc này chỉ biết ôm chặt lấy ngài, khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt, nghiến răng nghiến lợi chẳng nói một câu nào.
Ngài rời khỏi linh đường của phụ hoàng, đi trên con đường đen tối, dị thường của Hoàng cung, theo bản năng, ngài đi về nơi có ánh sáng rực rỡ chiếu ra.
Trước cung Tụy Thưởng, huynh trưởng Đường Thiên Tả đang đá cầu cùng mấy tên tiểu thái giám.
Một đám cung nữ đang đứng vây quanh chỗ Đường Thiên Tả, vỗ tay vui vẻ, hân hoan đếm số tâng cầu giúp: “Hai mốt, hai hai, hai ba…” Đáng tiếc lúc này quả cầu bị đá lệch đi, vút qua đầu người rơi xuống bên cạnh chỗ Đường Thiên Tiêu đứng.
Từ trước đến nay, chưa từng có ai dạy Đường Thiên Tiêu đá cầu, có điều ngài biết chút võ nghệ nên thân thủ cũng khá lanh lợi, nhanh nhẹn. Võ nghệ của ngài là do Đường Thừa Nguyên đích thân dạy bảo, sư phụ của ngài cũng là nhân vật lợi hại tuyệt đỉnh được Đường Thừa Nguyên mời về từ nơi xa xôi ngàn dặm, còn ngài tư chất thông minh, lanh lợi nên học rất nhanh.
Cho nên, ngài nhẹ nhàng đỡ lấy quả cầu đột nhiên rơi về phía mình, rồi cũng thảnh thơi đá lên, tự mình đếm: “Một, hai, ba, bốn…”
Đám cung nữ cũng quay lại nhìn về phía ngài, nhưng đứng từ tận phía xa xôi, vô cùng thận trọng, cứ như thể ngài là một người mắc bệnh phong, đứng gần quá sẽ dễ bị lây nhiễm.
Ngài đá đến tận quả thứ ba mấy vẫn chẳng hề có ai cổ vũ, reo hò. Còn Thiên Tả cũng bắt đầu ra tay đáp trả.
Đường Thiên Tả đẩy mạnh Đường Thiên Tiêu sang một bên, đá quả cầu bay vút sang một bên, sau đó lên tiếng mắng mỏ: “Ngươi muốn chơi thì an phận quay về chỗ hoàng hậu nương nương mà chơi! Ta phải xem xem ngươi còn có thể chơi được mấy ngày nữa”.
Thiên Tiêu ngã xuống đất, một hồi lâu sau vẫn chẳng thể nào định thần lại được.
Thiên Tả là con trưởng không sai, mẫu thân của Thiên Tả là Lệ phi, là con gái của thừa tướng Trịnh Dương không sai. Trong triều đình, Trịnh Dương có tiếng nói uy lực cũng không sai. Thế nhưng chỉ cần nhìn vào tên gọi của hai người là có thể biết ngay Đường Thừa Nguyên đặt sự mong mỏi khác biệt vào hai đứa con này của mình.
Tiêu, bầu trời cao vời vợi, lại là con trưởng của chính cung hoàng hậu được Hoàng thượng vô cùng sủng ái, nên địa vị chí cao vô thượng, trên chín tầng mây, nghe thôi cũng đủ biết được hàm ý và mong mỏi Đường Thừa Nguyên gửi gắm trong đó rồi.
Tả, cũng có nghĩa là bên trái. Phải là tôn quý, còn trái là thấp hèn. Những người này chỉ có thể làm người trợ lực, giúp sức cho người khác mà thôi.
Lúc Đường Thừa Nguyên cho Đường Thiên Tiêu ngồi trên đùi nhìn xuống triều đường thì Đường Thiên Tả lớn hơn ngài bốn tuổi chỉ có thể đứng cạnh bên lắng nghe các đại thần bẩm tấu mà thôi.
Một lúc lâu sau, Đường Thiên Tiêu mới lên tiếng: “Đại hoàng huynh, huynh sao thế? Đệ chơi cùng hoàng huynh một lát không được sao?”
Thiên Tả liền bật cười ngạo mạn nói: “Được hay không thì còn phải xem ta có vui vẻ không đã. Ta khuyên ngươi và cả mẫu hậu của ngươi nữa, hãy an phận một chút thì tốt hơn”.
Thiên Tiêu ngậm miệng lại, có rất nhiều điều muốn nói ra, nhưng sau cùng chẳng thể nào cất lên thành lời được. Mẫu hậu sau khi phát hiện ra phụ hoàng bị thương nặng, khó lòng qua khỏi đã căn dặn ngài rằng: Nói ít đi, nhìn nhiều, hành sự phải hết sức thận trọng, nhẫn nhịn là trên hết. Ngài thầm nghĩ, bản thân một mình chạy ra ngoài, còn đá cầu cùng với Đường Thiên Tả, phải chăng là sai lầm?
Nhìn về phía tẩm cung u tối, đen ngòm của mẫu hậu, ngài cúi thấp đầu xuống, đang định giả vờ như không có bất cứ chuyện gì xảy ra, lặng lẽ quay về thì bên cạnh xuất hiện một đôi bàn tay to lớn, kéo xốc ngài đứng dậy.
“Thiên Tiêu, tại sao đệ lại ngồi trên mặt đất ướt thế hả?”
Người này có đôi mắt đen láy, sâu hoắm, tính cách âm trầm, lặng lẽ, chính là con trai trưởng của Tề vương Đường Thừa Sóc, Đường Thiên Trọng.
Tuy Thiên Trọng lớn hơn Thiên Tiêu có vài tuổi, nhưng từ nhỏ được phụ vương đưa đi Nam chinh Bắc chiến khắp nơi, sớm quen với chuyện binh đao, chết chóc, tuổi còn nhỏ mà thân người lại toát ra khí thế khiến người khác phải khiếp sợ, càng khiến cho những người ở cùng độ tuổi kính nể, khâm phục và tránh xa.
Thế nhưng Thiên Trọng và Thiên Tiêu vừa là anh em họ bên nội lại là anh em họ bên ngoại, thỉnh thoảng cũng đi theo mẫu thân vào thăm Tuyên hoàng hậu, nên cũng thường xuyên gặp mặt Thiên Tiêu, tình cảm thân thiết chẳng khác gì huynh đệ chính tông.
Thiên Tiêu liền đứng dậy, nhìn y phục dính nước bẩn của mình lại nhìn về phía Thiên Tả bắt đầu vui vẻ chơi đùa trở lại rồi nói: “Không có gì hết. Chỉ có điều… phụ hoàng qua đời rồi, có nhiều thứ đã không còn được như trước kia nữa”.
Thiên Trọng im lặng một hồi lâu, sau đó mới lên tiếng: “Mẫu thân ta cũng không an tâm, nhưng phụ thân nói tình hình trong cung lúc này không ổn, không ẫu thân nhập cung. Phải chăng là…”
Thiên Trọng cau chặt đôi mày, bước lại gần chỗ Thiên Tả đang chơi đùa rồi nghiêm nghị lên tiếng: “Tiên đế vừa mới băng hà, còn chưa kịp nhập thổ, ai dám đùa giỡn gây náo loạn trong cung hả?”
Thiên Tả kinh ngạc, quả cầu lại bị đá chệch đi, ánh đèn chập chờn, nhất thời chưa kịp nhận ra người vừa lên tiếng là ai liền tức giận quát lại: “Ai dám to tiếng trong cung? Lôi ra chém”.
Đợi đến khi nhìn rõ người vừa nói, Thiên Tả bất giác lùi lại phía sau, miễn cưỡng mỉm cười đáp: “Thì ra là… thế tử Tề vương…”
Thiên Trọng cũng bình thản mỉm cười nói: “Thì ra là đại Hoàng tử điện hạ! Là vi thần thất lễ rồi. Người đệ đệ Thiên Tiêu của vi thần tuổi còn nhỏ, sau này, vẫn mong đại Hoàng tử chiếu cố, quan tâm nhiều”.
Ngài liền hành lễ, quay người lại dắt Thiên Tiêu rời khỏi nơi đó, đích thân đưa Thiên Tiêu về đại điện đang đặt quan tài của tiên đế.
Thiên Tiêu bất giác lên tiếng hỏi: “Thiên Trọng ca ca, hiện nay có bao nhiêu người muốn giết chết mẹ con đệ?”
Thiên Trọng ngước mắt nhìn về phía cung điện tối tăm, mịt mùng trước mặt rồi nhẹ nhàng lên tiếng: “Có lẽ là… rất nhiều đấy”.
“Bao gồm cả hoàng thúc sao?”
Thiên Trọng ngây người, do dự trong giây lát rồi mới đáp lại: “Không đâu, phụ thân sẽ không gây tổn thương cho đệ đâu”.
Thiên Trọng chỉ do dự trong giây lát mà đã khiến cho Thiên Tiêu lo lắng, hồi hộp vô cùng.
Thiên Tiêu khẽ dừng bước lại. Thiên Trọng nhận ra sự hoảng hốt, bất an của Thiên Tiêu, đôi mắt trở nên hiền hòa, dịu dàng hơn, nắm chặt lấy bàn tay của Thiên Tiêu rồi mỉm cười nói: “Yên tâm đi, ta sẽ bảo vệ đệ. Mẫu thân ta cũng sẽ bảo vệ đệ và mẫu thân đệ, nhất định không để cho ai làm hại đến hai người đâu”.
Tuy chỉ là lời hứa sẽ không để ai làm hại đến hai người, nhưng cũng đủ mang lại tia hy vọng nhỏ nhoi cho Đường Thiên Tiêu trong những ngày tháng mịt mùng, tăm tối, nguy cơ trùng trùng khắp chốn.
Cả hai đều hiểu rõ một điều, trong tình hình căng thẳng hiện nay, ngôi vị Hoàng thượng và sinh mệnh đã gắn chặt với nhau như hình với bóng rồi.
Nếu như Đường Thiên Tiêu không thể nào ngồi lên ngôi vị Hoàng đế, vậy thì bất kể sau này người ngồi lên ngai vàng đó là ai thì nhất định sẽ không dễ dàng tha cho thái tử điện hạ danh chính ngôn thuận trước kia được.
Vào lúc này, Đường Thiên Trọng đã dùng bàn tay to lớn của mình truyền hết mọi sức mạnh và hơi ấm sang bàn tay của Đường Thiên Tiêu, tận hết sức mình để vỗ về, an ủi cho Thiên Tiêu.
Rất nhiều năm sau này, cho dù có căm hận Đường Thiên Trọng đến mức thấu xương, Đường Thiên Tiêu vẫn luôn nhớ về buổi đêm tăm tối, mịt mờ hôm ấy, đêm mưa gió ướt át hôm ấy, người thiếu niên mười ba, mười bốn tuổi đã đưa bàn tay ấm áp, to lớn về phía ngài.
Cho dù mới chỉ có chín tuổi, nhưng Thiên Tiêu cũng hiểu được mẫu hậu với Tề vương Đường Thừa Sóc dường như có điều gì bất hòa.
Tuy Tề vương phi thường xuyên vào cung trò chuyện cùng với tỷ tỷ, tình cảm thân thiết vô cùng, nhưng mẫu hậu lúc nào cũng nghĩ đủ mọi cách để tránh gặp mặt em rể, ngay cả vào những bữa tiệc hoàng thất, người cũng thường xuyên cáo bệnh không tới mỗi khi Tề vương có tham dự. Đến mức mà ngay cả tiên đế Đường Thừa Nguyên cũng mấy lần nói đùa rằng, hai người thân thiết nhất của ngài đều là những người cứng nhắc, khó tính.
Thế nhưng Tề vương Đường Thừa Sóc đối với Thiên Tiêu vô cùng tốt, những khi tình cờ gặp trong cung, ngài thường bế Thiên Tiêu vào lòng, hỏi han nói chuyện, khuôn mặt hiền từ mà thân thiết.
Có lẽ cũng chính vì việc này mà Đường Thừa Nguyên mới dám trao đứa con nhỏ tuổi của mình cho người huynh đệ nắm giữ đại quyền trong tay.
Thế nhưng lúc này, Đường Thừa Sóc lại đang liên hợp cùng thừa tướng Trịnh Dương và Văn Vũ tướng quân nắm đại quyền triều chính trong tay, phớt lờ di chỉ của tiên đế, có ý định phế thứ lập trưởng.
Thiên Tiêu quay về hỏi Tuyên hoàng hậu đang ốm liệt giường: “Mẫu hậu, phải chăng vài ngày nữa có một ai khác đến và dễ dàng chém đầu con đi đúng không?”
Tuyên hoàng hậu kinh ngạc hỏi lại: “Ai đã nói với con điều gì đúng không?”
Thiên Tiêu liền đáp: “Đại hoàng huynh cảnh cáo con phải biết an phận thủ thường, ngay cả đá cầu cùng không cho phép”.
“Thằng con trai của con tiện tì kia…” Tuyên hoàng hậu nắm chặt chiếc khăn trong tay, mỉm cười đáp lại: “Bọn chúng thật sự coi ta là người chết rồi hay sao?”
Thiên Tiêu liền thì thầm lên tiếng: “Nếu như Thiên Tả lên ngôi kế vị, đương nhiên hai mẹ con chúng ta sẽ trở thành người chết rồi”.
Tuyên hoàng hậu liền tuôn trào nước mắt, khuôn mặt tiều tụy mà vẫn xinh đẹp khác thường hiện rõ nét đau khổ, bất an. Người ôm lấy Thiên Tiêu vào lòng rồi bật khóc nức nở: “Tại sao ngươi phải ép ta đến mức này? Tại sao ngươi lại phải ép ta đến mức này? Nếu như mọi chuyện đã đến nước này rồi thì cả hai chúng ta đều buông tay đi, không được sao? Không được sao?”
Thiên Tiêu ngây ngô nửa hiểu nửa không hiểu. Chắc chắn mẫu hậu đang mắng nhiếc Lệ phi. Thế nhưng lời nói của mẫu hậu lại chẳng giống như đang mắng Lệ phi chút nào.
Buổi đêm hôm đó, Tuyên hoàng hậu khóc lóc thảm thương, so với khi tiên đế qua đời, dường như còn thương cảm, thảm thiết với cả nỗi sợ hãi, hoảng hốt không biết phải làm thế nào.
Không lâu sau, Thiên Tiêu liền hiểu mọi chuyện. Cho dù lúc đó không hiểu thì sau đó ngài cũng dần dần hiểu ra.
Một ngày sau, sáng sớm ngài đã đến tẩm cung thăm mẫu hậu, vừa đúng lúc nhìn thấy Tề vương Đường Thừa Sóc bước ra khỏi tẩm cung của người.
“Thiên Tiêu, dạo này lại cao hơn rồi đấy”. Lúc này tâm trạng của Tề vương dường như rất vui, mỉm cười dịu dàng, vỗ nhẹ lên đầu ngài.
“Hoàng thúc”.
Thiên Tiêu kính cẩn hành lễ, lại nhìn về phía cánh cửa cung vừa mới khép lại.
Tề vương nắm chặt lấy bàn tay của Thiên Tiêu rồi nói: “Mẫu hậu của Thiên Tiêu gần đây mệt mỏi, cứ để cho người nghỉ ngơi thêm giây lát nữa đi. Đi thôi, hoàng thúc tặng cho Thiên Tiêu một món quà nhỏ”.
Thiên Tiêu từ trước giờ vẫn không thể hiểu được, trong lòng Tề vương thì cái gì mới được gọi là đại lễ, là món quà lớn.
Món quà nhỏ mà Tề vương tặng cho Đường Thiên Tiêu chính là giang sơn rộng lớn ba ngàn dặm của Đại Chu.
Đường Thiên Tiêu được đưa tới một chiếc ngai vàng to rộng, trống trải đến mức đáng sợ tiếp nhận sự bái lạy của các đại thần với những sắc mặt khác nhau. Ngài cũng chẳng cần thiết phải tìm hiểu xem tất cả những sắc mặt đa dạng này có ý nghĩa thế nào, bởi Tề vương tự mình sẽ hóa giải tất cả và giải quyết tất cả mọi việc một cách nhanh chóng, thần tốc.
Hoàng đế mới của Đại Chu cuối cùng đã kế vị ngai vàng hai mươi bốn ngày sau khi tiên đế băng hà, đổi niên hiệu thành Gia Hòa, sắc phong Tuyên hoàng hậu thành Tuyên thái hậu. Cuối cùng tiên đế Đường Thừa Nguyên đã có thể bình an nhập thổ, lập thành miếu hiệu Võ, sau này thế nhân sẽ gọi ngài là Võ đế.
Vào tháng Sáu, Thừa tướng Trịnh Dương bị trảm vì tội mưu phản, dưới sự ủng hộ của Tuyên thái hậu và Vũ Văn Khởi tướng quân, Tề vương Đường Thừa Sóc một mình nắm hết đại quyền trong tay, từ Tề vương thăng lên thành Nhiếp chính vương.
Tháng Bảy cùng năm, Đường Thiên Tả lỡ chân ngã xuống hồ, bất hạnh qua đời vì ngộp nước, khi thi thể được vớt lên đã trương phình lên gấp đôi, mặt mày biến dạng, các thái giám đều không dám xử lý, đợi đến khi Tuyên thái hậu và Nhiếp chính vương truyền lệnh xuống thì thi thể đã bị phơi ngoài nắng nhiều ngày bốc mùi hôi thối.
Lệ phi đến nhìn thấy xác con trai liền hôn mê bất tỉnh, khi tỉnh lại luôn mồm luôn miệng nói có người ám hại, ám sát Hoàng tử, còn nói ra rất nhiều điều phỉ báng, sỉ nhục liên quan tới Tuyên thái hậu, liên quan tới Nhiếp chính vương. Bọn thái giám nghe thấy vậy, kinh hãi tới mức nhét vải vào miệng Lệ phi đến khi chảy máu mới chịu thôi, sau đó nói người bị phát điên, nhanh chóng tống vào trong lãnh cung.
Tháng Tám, Lệ phi bị phát giác thông gian cùng với thị vệ trẻ tuổi, nhanh chóng được ban ột tấm vải trắng, rồi chôn cất một cách qua loa, hời hợt.
Cùng tháng này, có đại thần đưa chứng cứ chứng minh Lệ phi và đại Hoàng tử vô tội, sau nhiều lần bị Nhiếp chính vương cật lực phản đối, uất ức đâm đầu chết ngay trên đại điện.
Ngày mùng chín tháng Chín, một người con khác của Lệ phi cũng qua đời do bạo bệnh.
Ngày mười bốn tháng Chín, có người hành thích Nhiếp chính vương, bị tru di cả nhà.
Thiên Tiêu đã từng tới xem xác chết của Đường Thiên Tả, cũng từng tới tẩm cung của Lệ phi sau khi nghe được lời đồn thổi, tận mắt nhìn thấy người hoàng đệ bị đồn thổi không phải là cốt nhục của tiên hoàng đang lăn lộn trên mặt đất, thậm chí còn đưa tay về phía người hoàng huynh của mình đưa lời cầu cứu, sau cùng vẫn cứ chết do thất khiếu chảy máu.
Khi ngài nói chuyện này lại ẫu hậu, Tuyên thái hậu tỏ ra vô cùng lạnh nhạt.
Người liền nói: “Thiên Tiêu con có biết không? Đáng lẽ người bị chết đuối hoặc ban thuốc độc kia chính là bản thân con đấy. Và đáng lẽ người quý phi được ban khăn trắng, chết trong tủi nhục, ô danh kia cũng có thể là mẫu thân đấy”.
Người lại nói tiếp: “Nếu như con không thận trọng, sợ rằng người tiếp theo gặp phải chuyện này chính là con đấy. Nếu như mẫu thân không cẩn trọng, thì người tiếp theo chết oan ức, tức tưởi cũng có thể là mẫu thân. Từ xưa đến nay lẽ trời là vậy, thắng làm vua, thua làm giặc mà. Khi đặt bút ghi lại lịch sử vốn dĩ uy danh xán lạn để lại tiếng thơm ngàn đời cũng có thể bị viết thành tiếng xấu muôn đời, ngược lại đáng lẽ để lại tiếng xấu muôn đời cũng có thể sửa cho lưu danh sử sách, tiếng thơm ngàn đời. Đừng cho rằng tất cả những người giữ lại được thủ cấp của mình sau này sẽ được lưu danh sử sách, người đời ca ngợi, đó chỉ là người đời sau viết hay lên để giữ danh dự cho họ mà thôi. Mười người chết oan ức thì có đến tám, chín người trán khắc rõ hai chữ “bỉ ổi”. Cho nên chúng ta nhất định không được thua, không được bại, càng không được chết”.