Bạn đang đọc Bích Nhãn Thần Quân – Chương 1: Thần tài phú quý xưng thiên hạ – Bích Nhãn thần công quán võ lâm
Cách thành Bắc Kinh chừng vài dặm có một gia trang, phong thái không phải là sang cả, huy hoàng nhưng lại chẳng kém phần uy nghi khoáng đạt. Có lẽ vì chủ nhân không muốn phải sống bon chen, chật hẹp trong nội đô nên đã tìm đến đây. Hơn nữa khuôn viên gia trang quá rộng, ngoài những kiến trúc để sinh hoạt còn có cả một khoảng rừng cây râm mát sau lưng.
Trước cổng gia trang không có chiêu bài nhưng cả thành Bắc Kinh này không ai không biết đó là Đào gia trang. Nghịch lý ở chỗ chủ nhân không phải họ Đào mà lại là họ Phạm. Nghe nói chủ nhân là cháu mấy mươi đời của Phạm Lãi thời Chiến Quốc. Và Phạm Lãi có lúc đổi tên họ thành Đào Chu Công. Sau khi lấy họ Đào, Phạm Lãi đi vào con đường kinh doanh, trở nên người giàu có nhất thời bấy giờ. Vì thế mọi người gọi nơi cư trú của Phạm Phi Vân là Đào gia trang.
Phạm Phi Vân là người tốt phúc, không hiểu có phải ông ta là người đã thừa hưởng tài sản của tổ tiên hay không, nhưng bao đời nay Đào gia trang vẫn phú xưng địch quốc. Phạm Phi Vân nắm gần như toàn bộ ngành mua bán gạo và tơ lụa của cả nước. Các chi nhánh của ông ta có mặt khắp mọi miền. Đáng nói hơn là những Tiền trang mang chiêu bài Đào ký. Ngân phiếu của Đào ký có thể lưu hành ở bất cứ nơi đâu trong đất nước Trung Hoa. Vì vậy, thật dễ hiểu nếu Phạm gia trở thành người quyền thế nhất nhì đất Bắc Kinh.
Đa số những người quyền quí ở Đế đô đều có quan hệ với ông ta. Ai chả có lúc xui xẻo, thất cơ lỡ vận, cần vài ngàn lượng bạc để trả những món nợ trong đổ trường hoặc thanh lâu. Lúc đó, các đại thần hoặc hoàng thân quốc thích cứ việc đến gặp Phạm gia, và sẽ thanh thản ra về với một lãi suất nhẹ nhàng.
Đứng về phía quan trường thì như thế, chẳng ai dám đụng chạm đến tài thần. Nhưng còn các hảo hán hắc đạo thì sao? Lẽ nào lại không có cao thủ độc hành nửa đêm đến viếng thăm?
Nửa đêm thì không nhưng ban ngày thì có. Họ đi vào bằng cổng chính, có người vào rồi ra ngay với vẻ hài lòng. Có người vào rồi ở lại – thời gian không nhất định – có thể là vài ngày và có thể là hàng năm.
Những người về ngay thường là những tay anh chị hùng cứ phương xa, cao hứng đến Bắc Kinh du hí. Lúc tỉnh cơn say rượu, say tình mới biết rằng túi mình đã cạn. Họ đến Tài Thần để mượn vài trăm lượng bạc làm lộ phí về quê. Còn những người ở lại là những người thất cơ lỡ vận, muốn tìm ình một chỗ nương thân. Trừ kẻ đại ác, đại nghịch – phóng hỏa, cường gian, giết hại dân lành – ngoài ra đều được giúp đỡ và thu nhận.
Đào ký có mặt khắp nơi nên lý lịch anh hùng trong thiên hạ, Đào gia trang rõ như lòng bàn tay. Không ai có thể qua mặt được Hà tổng quản. Đôi mắt sắc như chim ưng không bỏ sót một nét gian xảo nào trong ánh mắt của người đối diện.
Tuy không được như Mạnh Thường Quân, lúc nào trong nhà cũng có ngàn thực khách, hậu viên của họ Phạm quả không thiếu anh hùng hào kiệt. Mọi người đều gọi ông bằng hai tiếng Tài Thần.
Vì vậy, các chi nhánh của Đào ký làm ăn rất thịnh vượng. Hàng hóa vận chuyển không cần bảo tiêu, chiêu bài Đào ký như một thứ biểu trưng cho tình bạn, cho đạo nghĩa giang hồ.
Nhưng thực ra, nếu có hảo hán nào mới xuất đạo, lỡ dại đón đường cướp bóc thì hắn sẽ phải ân hận. Vì chính những thuyền gia chất phác, những thơ lại kè kè bàn toán đi theo áp tải cũng là những cao thủ trong làng hắc đạo nay đã hoàn lương và được Tài Thần bố trí trong khắp mạng lưới buôn bán khổng lồ của ông.
Cũng có khi gặp gió lớn, hàng hóa bị cướp sạch bởi một bang hội, một tổ chức cường đạo hung bạo nào đó. Chỉ vài ngày sau, một phái đoàn được mau chóng gởi đến thương lượng. Trưởng đoàn thường là một nhân vật có máu mặt.
Tiên lễ hậu binh, nếu lễ không xong thì ô hô! ai tai! Đám người không thức thời vụ ấy sẽ phải tìm ình một nơi ở khác nếu không muốn mất mạng hoặc vào ngụ tạm trong nhà lao của quan phủ địa phương.
Thế lực của Tài Thần không chỉ trong ngành lúa gạo, tơ lụa và Tiền trang. Các ngành kinh doanh báo bở, qua trọng khác cũng có bàn tay của ông. Rừng vạn khoảng, ruộng ngàn khoanh, trà lâu tửu quán không đếm xiết.
Nhưng ngoài tính trọng nghĩa khinh tài ra, điều gì làm cho những tay hắc đạo chọc trời khuấy nước kia cũng phải cảm phục mà chịu sự điều động của Đào gia trang? Đó là một bí mật và bí mật đó ở trong đôi mắt của Nam Cung Sương.
Chẳng ai biết lai lịch của nàng chỉ trừ Phạm tài thần. Nàng là vợ thứ của ông.
Họ Phạm bao đời nhất mạch đơn truyền. Phạm Phi Vân góa vợ đã lâu. Cho đến mười lăm năm trước đây, Tài Thần cùng Hà tổng quản đi dạo trong khu rừng sau trang viện, ông chợt nhìn thấy một thiếu nữ mê man bất tỉnh. Phạm Phi Vân đã đưa nàng vào căn tiểu viện trong rừng, nơi mà ông thường đến nghỉ ngơi khi cần sự yên tĩnh. Hà tổng quản vốn dĩ là một đại phu có tài diệu thủ hồi xuân nên đã kịp thời điều trị cho nàng với sự phục vụ của một tiểu tỳ.
Sau một ngày đêm, nữ lang thoát khỏi quỷ môn quan, người đầu tiên nàng nhìn thấy chính là họ Phạm. Ông đã túc trực ở đây và với linh tính của một người từng trải, hiểu được hiểm nguy ân oán của giang hồ, nên không hề tiết lộ sự có mặt của nữ lang mặc võ phục này.
Nàng biết rằng chính ông là ân nhân cứu mạng nên gắng gượng ngồi lên, định bước xuống giường lạy tạ. Nhưng Phi Vân ngăn lại :
– Đô nương còn yếu xinh đừng đa lễ. Lát nữa Hà đại phu mang thuốc lên, chỉ vài thang là cô nương sẽ bình phục.
Nàng cười e thẹn :
– Tiện thiếp bị thù nhân truy sát, thân mang nội thương trầm trọng nên ẩn náu vào khu rừng của đại nhân, may được ngài cứu mạng. Kiếp này xin kết cỏ ngậm vành báo đáp thâm ân.
Dù khuôn mặt còn xanh xao vì thương tích, nhưng nụ cười kia như ánh dương hồng rạng rỡ làm say đắm lòng người. Phạm Phi Vân năm ấy mới hơn tam tuần, nghi biểu khác người, phong độ ung dung tiêu sái chẳng có nét gì giống bọn thương nhân. Ông biết mình đã phải lòng mỹ nhân nhưng dạ thầm lo vì nàng là người võ lâm, không dễ gì chịu làm thiếp của một phú hào.
Nữ lang khẽ cau mày, khóe thu ba lộ vẻ ưu tư :
– Xin đại nhân giữ kín giùm tông tích tiện thiếp, thù nhân biết được sẽ thương hại đến đại nhân và gia quyến.
Phạm Phi Vân mỉm cười :
– Cô nương an lòng, ta không phải là người giang hồ nhưng cũng biết phòng thân. Ngoài ta, Hà đại phu và tên tiểu tỳ thân tín kia ra, không ai biết rằng nàng đang dưỡng thương ở đây. Thôi cô nương hãy nghỉ ngơi au bình phục, đừng gắng gượng hàn huyên làm gì.
Nữ lang cúi đầu cảm tạ :
– Tiện thiếp cảm ân đại nhân đã lo lắng, nhưng xin được cho biết đại danh để iện xưng hô. Tiện thiếp họ Nam Cung tên gọi là Sương.
Họ phạm gật gù rôài nói :
– Ta tên Phạm Phi Vân.
Nữ lang cười ranh mãnh :
– Tên của Phạm ân công quả đúng như người, vẻ thanh cao hiện rõ trên gương mặt.
Tài Thần rung động vì nụ cười kia, sợ ở lâu không giữ được lễ nên đứng dậy cáo từ.
Suốt ba tháng trời, ngày nào Phi Vân cũng đến đàm đạo với nữ lang và càng cảm phục trước trí tuệ phi phàm của nàng. Nam Cung Sương đã bình phục hoàn toàn. Lúc này nhan sắc nàng như hoa mới nở, phù dung nhất đóa, tái tiếu khuynh thành. Họ Phạm tuy say đắm nhưng vẫn giữ đạo quân tử, không dám mở lời sợ mang tiếng bất nghĩa, nhân lúc thi ân mà cầu duyên nợ.
Một sáng nọ sương đêm còn chưa tan bởi ánh dương quan, ngọc lộ cò vương trên những cánh hoa trước tòa tiểu xá, Phi Vân theo thông lệ đến thăm. Ông ngỡ ngàng khi thấy Nam Cung Sương đang thẫn thờ đứng ngắm hoa. Trên tay nàng là bọc hành trang, tua kiếm phất phới trên vai. Họ Phạm vội bước lại gần, đau đớn hỏi :
– Sương nhi! Nàng đi thật chăng?
Nam Cung Sương quay lại nhìn u uẩn, khóe thu ba long lanh ướt rượt. Nàng nói :
– Ân công, tiện thiếp quấy nhiễu đã lâu, không tiện ở lại làm gián đoạn việc kinh doanh của người. Hơn nữa, ân công bỏ bê gia sự, ngày ngày đến đây thăm thiếp, sợ rằng tình nghĩa tào khang của người mất đi nồng ấm.
Phi Vân tê tái cỏi lòng ngậm ngùi bảo :
– Sương nhi! Ta biết nàng là giang hồ hiệp nữ, như chim bằng bay xa vạn dặm, nào có sá gì chút Đào gia trang chật hẹp này. Ta chỉ là một thương nhân bình thường, xa lạ với kiếm cung, sao có thể làm bạn với nàng lâu dài được.
Nam Cung Sương lắc đầu :
– Ân công đừng nói vậy, tiện thiếp sớm lang bạt giang hồ, lòng đã chán cản chém giết, chỉ vì không muốn liên lụy đến ân công nên đành phải dứt áo ra đi đó thôi. Ba tháng qua, tiện thiếp đã có những ngày hạnh phúc, vui sướng nhất đời.
Phạm Phi Vân lòng mừng khôn xiết, nhìn nàng chăm chú, hít một hơi dài để lấy dũng khí.
– Sương nhi, phúc họa là do mệnh trời, sao ta lại phải sợ. Nếu nàng không chê ta tầm thường xin hãy ở lại đây và cùng ta kết duyên Tần Tấn.
Phi Vân nói một hơi xong lòng hồi hộp vô cùng, chỉ sợ nàng từ chối. Còn Nam Cung Sương thì thẹn thùng, mặt đỏ hồng, liếc nhìn họ Phạm rồi cúi đầu nói nhỏ :
– Đa tạ ân công đã có dạ đoái hoài, nhưng không biết kẻ nhi nữ võ biền như tiện thiếp có thể làm đẹp dạ ân công hay không. Hơn nữa, biết vị phu nhân ở nhà có chấp nhận tiện thiếp, hay lại giận hờn.
Tài Thần hớn hở bước đến nắm chặt tay nàng, khẽ nói :
– Sương nhi, ta đã thầm yêu mến nàng từ lâu, nếu nàng đi chắc ta sầu muộn đến chết mất. Còn chuyện thê nhi, xin nàng cứ yên tâm, ta góa vợ đã ba năm rồi.
Tháng sau được ngày kiết nhật, Phạm gia tổ chức lễ nạp thiếp, không mời ai, không kết đèn hồng, chỉ có buổi đại yến trong gia trang để giới thiệu phu nhân cho gia nhân biết mặt.
Sương nhi là người thông tuệ, từng trải nhân tình thế thái nên rất mực cung kính với trượng phu và khoan dung với nô bộc nên được lòng mọi người. Nàng còn trẻ trung, nhan sắc lại hơn người nhưng không để cho Phi Vân quá đắm say mà xao lãng việc bán buôn.
Một năm trôi qua, Sương nhi mãn nguyệt khai hoa, người thừa kế hương hỏa của họ Phạm ra đời. Tài Thần vui mừng khôn xiết, hậu thưởng nô bộc trong nhà, cúng dường các chùa chiền, bố thí cho ăn mày và bần dân khắp thành Bắc Kinh. Đứa bé được đặt tên là Vân Long.
Từ ngày có người nối dõi, Tài Thần yên tâm chuyên chú làm ăn và nhờ trí tuệ của phu nhân, công việc kinh doanh ngày càng phát đạt.
Trước đây Tài Thần vẫn né tránh việc tiếp xúc với giới võ lâm. Hảo hớn nào cần giúp đỡ thì được đáp ứng và không hề lưu lại. Nhưng sau này, chính Nam Cung Sương đã bàn với trượng phu sử dụng nơi hậu việc để làm nơi nương náu cho những ai cần đến. Nàng đã từng trải qua cuộc sống sóng gió, đắng cay và thiếu thốn của giang hồ, nên rất thông cảm với những người đã mệt mỏi với cát bụi. Xuất đạo với một thân võ học và hào khí can vân, xuôi ngược đó đây, trừ gian diệt bạo nhưng nhiều khi không kiếm đủ cơm ăn.
Phạm Phi Vân ngại rằng sẽ nuôi ong tay áo, đem họa diệt thân vào nhà, vì nhân tâm nan trắc. Biết đâu có kẻ nào nảy tham tâm sinh lòng phản phúc thì sao? Nam Cung Sương cười bảo :
– Tướng công đã có đại cao thủ như Hà tổng quản thì còn sợ ai nữa?
Phi Vân giật mình :
– Quả là không gì có thể qua mắt được phu nhân. Nhưng nàng có nhận ra lai lịch ông ta không?
– Thưa có! Nếu thiếp không lầm thì Hà tổng quản hai mươi năm trước có mỹ hiệu Sưu Hồn Thánh Thủ, thiện dụng cặp phán quan bút.
– Đúng vậy, nhưng chỉ mình Hà tổng quản đâu thể đảm bảo được mọi bất trắc.
Nam Cung Sương mỉm cười :
– Tướng công chớ lo âu, xin hãy mời ông ta vào đây, thiếp sẽ bàn bạc, thương lượng lại.
Hà Phong bước bào chăm chú nghe trang chủ lược sơ qua, thần thái ông có vẻ ưu tư. Phạm phu nhân mỉm cười bảo :
– Hà đại thúc, còn có tiểu nữ ở đây giúp một tay, xin hãy yên tâm!
Hà Phong nghe tiếng quay lại, nhìn Nam Cung Sương định nói đôi lời hơn thiệt, nhưng khuôn mặt ông chợt sững sờ như hóa đá, nửa mừng, nửa sợ, giọng ông như lạc hẳn đi :
– Không dám, không dám, có phu nhân ở đây còn e ngại điều gì nữa!
Phi Vân cũng thấy lạ lùng vì nét mặt bối rối của họ Hà, chỉ vì chàng không biết viên Tổng quản của mình đã nhìn thấy gì trong đôi mắt đẹp của Sương nhi. Đôi mắt ấy đã đổi thành màu xanh biếc. Trên giang hồ chỉ có hai người như vậy, đó là Bích Nhãn Thần Quân và con gái.
Hai mươi năm trước, trong kỳ Hoa Sơn đại hội, quần hung đồng tranh chức Minh chủ võ lâm, vì Minh chủ đương nhiệm vừa tạ thế. Anh hùng hai lộ hắc bạch đều cử ra những đại biểu kiệt xuất. Năm ấy ma trưởng đạo tiêu, Ma Diện Tú Sĩ võ công khiếp quỷ thần lại ra tay độc ác vô song. Thất đại môn phái và cả phe hắc đạo có nhiều cao thủ đã táng mạng dưới tay của Tú sĩ. Sang đến ngày thứ ba, tưởng chừng võ lâm từ đây chìm trong ma chướng. Không còn ai dám lên so tài với Ma Diện.
Ban giám khảo đã định sai gióng trống và trao ngôi Minh chủ cho Tú sĩ. Nhưng bất ngờ có một thư sinh áo xanh xuất hiện, cạnh ông là một bé gái khoảng bảy hay tám tuổi. Người này trạc tứ tuần, khuôn mặt anh tuấn lạnh lẽo như băng giá nhưng chính khí lẫm lẫm.
Thanh bào thư sinh đặt con gái ngồi trên một phiến đá gần đó rồi bước thẳng lên võ đài. Bước đi ung dung chậm rãi, nếu không có thanh trương kiếm trên vai thì chẳng ai dám nghĩ là chàng đến đây để thi tài.
Thư sinh chấp tay chào giám đài và quần hùng thiên hạ, giọng nói không lớn nhưng mọi người đều nghe như sát bên tai :
– Tại hạ tên gọi Nam Cung Phong, lần đầu xuất đạo nên chẳng có tiếng tăm gì. Tại hạ vốn chẳng muốn tranh giành danh vị Minh chủ. Nhưng thấy Tú sĩ thủ đoạn quá ác độc, ra tay không kể gì đến đức hiếu sinh của trời đất, nên tại hạ muốn đòi lại chút công đạo mà thôi.
Ma Diện Tú Sĩ nghe xong ngửa mặt cười như điên khùng :
– Các hạ bản lãnh được bao nhiêu mà dám đứng trước ta khoác lác? Luật giang hồ bao đời, mạnh được yếu thua là chuyện thường tình. Kẻ nào sợ đổ máu thì đừng bước vào chốn võ lâm.
Thanh bào thư sinh điềm đạm nói :
– Võ đạo phải hợp vời thiên đạo thì mới cao sâu, uyên bác như đất trời. Các hạ nay lòng độc ác, học võ chỉ hại đến thiên lý, nhân sinh. Hôm nay ta sẽ dạy cho các hạ biềt thế nào là võ học chân chính.
Thư sinh nhẹ nhàng rút kiếm, tư thế ung dung, lưỡi kiếm hững hờ chỉ xéo lên trời, chiêu thức giản dị nhưng vô cùng uyên ảo. Ma Diện Tú Sĩ rúng động tâm thần, mồ hôi nhỏ giọt, không biết phải tấn công thế nào.
Thời gian nặng nề trôi qua, quần hùng hồi hộp theo dõi. Ma Diện không chờ được nữa, vung cây thanh ma thủ bằng đồng lướt vào, dùng tuyệt chiêu cuối cùng trong Ma Thủ thập nhị thức, bóng trảo chớp lên hóa thành đám mây đen bao phủ địch thủ. Khí thế như dời non lấp biển. Quần hùng đã biết oai lực của ma trảo nên thầm lo cho thư sinh lạ mặt. Lúc này, Thanh bào thư sinh mới khẽ mỉm cười, đôi mắt chợt xanh biếc như mắt mèo, lưỡi kiếm trong tay rung động tám mươi mốt lần tạo thành đạo hào quang cuốn lấy Ma Diện. Tiếng vũ khí va chạm khủng khiếp rồi tắt lịm. Mọi người định thần nhìn lại đấu trường, thấy thư sinh đứng ôm kiếm, thần sắc an tường, đôi mắt xanh biếc lóe sáng như điện. Ma Diện Tú Sĩ lảo đảo, đưa tay tả nắm lấy vết thương nơi cùi chỏ cánh tay hữu. Đoạn cánh tay cầm thanh ma thủ đứt lìa nằm trên mặt đất. Nam Cung Phong nghiêm nghị :
– Ta vì đức hiếu sinh nên chỉ lấy đi cánh tay hữu nhuốm máu đồng đạo của ngươi. Sau này, nếu ngươi không chừa thói tàn ác, ta sẽ không dung tha nữa đâu.
Ma Diện đau đớn ngửa mặt cười lớn :
– Nam Cung Phong, ta thề sẽ trả món nợ này.
Dù đã bị thương nhưng Tú sĩ vẫn biến đi bằng một thân pháp kỳ ảo.
Quần hùng lúc này vô cùng hâm mộ trước võ công kỳ ảo của Nam Cung Phong nên đồng thanh hô to :
– Nam Cung minh chủ, Nam Cung minh chủ.
Không Hư thần tăng, Phương trượng chùa Thiếu Lâm đứng dậy. Ông dùng Sư Tử Hống thần công để trấn áp cơn hào hứng của quần hào.
– A Di Đà Phật! Xin các anh hùng bớt cơn phấn khích để lão nạp làm tròn nghi lễ.
Tiếng nói vang như chuông đồng rền rĩ, mọi người bình tâm lắng nghe không còn náo loạn nữa.
– Kính thưa các vị hảo hán, Nam Cung thí chủ chỉ một chiêu đã diệt trừ được Ma Diện Tú Sĩ, võ công ấy thiết tưởng không còn ai tranh cãi nữa. Lão nạp xin chính thức tuyên bố Minh chủ mới của võ lâm.
Ông đưa tay ra hiệu, mười tám lực sĩ nổi lên ba hồi trống. Quần hào vui mừng la hét. Cả phe hắc đạo cũng hài lòng vì họ không ưa gì tính tàn ác của Ma Diện Tú Sĩ. Họ cũng là những tráng sĩ đỉnh thiên lập địa, chỉ vì mưu sinh và hành vi hơi khác người nên bị liệt vào tà phái. Mà phàm những kẻ ngang ngược thô hào thì lại rất dễ khâm phục, ngưỡng mộ bậc anh hùng. Nam Cung Phong người nho nhã nhưng uy nghi, võ công xuất chúng và có vẻ hào sảng dễ thân thiện.
Lúc này Nam Cung đã đến bên con gái, chàng bế cô bé lên, đưa tay ra dấu rằng mình có điều muốn nói :
– Chư vị anh hùng, Phong này thực ra không có y làm Minh chủ, mong quí vị lượng thứ.
Mọi người giật mình ngơ ngác. Huyền Hạc đạo trưởng, Chưởng môn phái Võ Đang lên tiếng :
– Nam Cung thí chủ không nên nói vậy, võ lâm chẳng thể một ngày vắng chủ. Nếu thí chủ không nhận thì chẳng lẽ chúng ta lại phải tổ chức một đại hội khác hay sao? Lúc ấy lại xảy ra cảnh máu chảy đầu rơi, tổn hại đến nguyên khí võ lâm. Hơn nữa, chưa bao giờ có người nào lại được hai đạo hắc bạch tôn sùng đến thế. Mong thí chủ vì đồng đạo, vì bá tánh mà nhận lấy trọng trách này. Với uy phong của thí chủ, mong rằng giang hồ sẽ có được những ngày yên ổn.
Nam Cung Phong đăm chiêu suy nghĩ, quần hào im lặng đợi chờ. Chợt tiếng nói trong trẻo của cô bé vang lên :
– Cha à, cha nhận lời đi. Lão trượng râu dài kia nói đúng đó cha ạ. Cha vẫn thường dạy con là phải biết yêu thương giúp đỡ mọi người mà!
Giọng trẻ con dịu dàng, ngây thơ là quần hào bật cười :
– Phải lắm, cô bé nói phải lắm, xin Minh chủ đừng từ chối nữa.
Nam Cung Phong nhìn con lắc đầu cười :
– Thôi được, tại hạ xin nhận.
Chàng dắt con bước lên đài để nhận lệnh kỳ Minh chủ. Quần hùng hoan hô nhiệt liệt.
Trời đã về khuya, phái Hoa Sơn là địa chủ nên đã chuẩn bị đèn đuốc và yến tiệc. Quần hào các bộ đông đến hơn ngàn nên chẳng thể nào đủ bàn ghế. Họ ngồi ngay xuống mặt cỏ, xay quyền hành lệnh, rượu tuôn như suối.
Nam Cung Phong cùng Chưởng môn các phái, nhân sĩ cao niên ngồi dự yến ngay trên võ đài.
Rượu được vài tuần, Chưởng môn phái Hoa Sơn là Truy Hồn Kiếm Lã Thanh Vân chắp tay nói :
– Giờ đây, Nam Cung các hạ đã là Minh chủ võ lâm, xin cho bọn tại hạ biết đôi điều về thân thế.
Nam Cung Phong đứng dậy, chắp tay thi lễ rồi hắng giọng nói :
– Phong mỗ nguyên quán ở Quảng Châu, trước đây theo đường hoạn lộ, nhưng sớm chán cảnh quan trường nên đã từ quan.
Điểm Thương trưởng lão Thiết Nhất Cao Kỳ vốn cũng là một thư sinh mê say thi phú nên chợt nhớ ra :
– Té ra Minh chủ chính là thần đồng đất Quảng Châu, mười sáu tuổi đã đậu tiến sĩ, sau làm quan ngự sử, vì can ngăn vua không được nên treo ấn từ quan?
Nam Cung Phong gật đầu. Có người hỏi đến sư thừa nhưng Minh chủ chỉ cười không đáp.
Sau đêm ấy danh tiếng Nam Cung Phong lừng lẫy giang hồ, mọi người đặt cho ông mỹ hiệu là Bích Nhãn Thần Quân. Và những ai có tham gia thịnh hội Hoa Sơn đều biết rằng con gái ông cũng có đôi mắt đổi màu xanh biếc.
Trong suốt mười lăm năm Nam Cung Phong làm Minh chủ, giang hồ an lạc. Lũ ma đầu hiếu sát, dâm ác bị ông thẳng tay trừng trị. Oán cừu chồng chất nhưng không ai dám trách ông là người thiếu công tâm.
Đột nhiên năm năm trước đây ông biến mất, cả con gái ông cũng vậy. Giang hồ từ đấy náo loạn, bọn tà ma bắt đầu trỗi dậy, hứa hẹn một cuộc phong ba mới