Đọc truyện Bích Huyết Can Vân – Chương 43: Thám thính mai cốc
Môn Nhân Kiệt hỏi :
– Nếu lão nói thẳng tên người cần tìm có phải dễ hơn không?
Hoàng Ức Như lắc đầu :
– Không biết vì sao lão không chịu nói, cũng có thể là chính lão cũng không biết.
– Có thể thế ư?
– Nếu không thế sao lão không chịu nói?
Môn Nhân Kiệt trầm ngâm :
– Cũng có thể như thế…
Đột nhiên y ngẩng đầu hỏi tiếp :
– Cô nương, lão nhân ấy hình dạng ra sao?
Hoàng Ức Như lắc đầu :
– Trong bản giáo, rất ít người gặp mặt lão nhân ấy.
– Cô nương, rất ít tức là vẫn có?
– Đại khái chỉ có mấy vị là: Giáo chủ, nhị lão và Hắc Bạch thị vệ.
– Đến Thiếu giáo chủ quý giáo cũng chưa hề thấy lão nhân vô danh ấy sao?
– Thiếu chủ không hề nói tới chuyện này, có lẽ thiếu chủ cũng không được nhìn thấy.
Môn Nhân Kiệt chau mày :
– Cô nương có biết vị lão nhân vô danh ấy bị giam giữ ở nơi nào không?
Hoàng Ức Như lắc đầu :
– Chỉ biết lão bị giam trên một trong mười chín ngọn Điểm Thương sơn, nhưng không biết cụ thể là ngọn núi nào.
– Cô nương có biết giữa vị lão nhân vô danh và Văn Nhân đại hiệp có uyên nguyên gì với nhau?
– Cũng có thể vì nếu không làm sao lão biết được ngày sinh tháng đẻ của Văn Nhân đại hiệp?
– Tính tình quý Giáo chủ biến đổi là từ lúc nào?
– Chính là vào lúc lão nhân vô danh bình phục và sắp chia tay ra đi.
– Một bản bí kíp không thể khiến người ta biến đổi hẳn tính tình, cô nương, theo cô nương biết trước đó quý Giáo chủ có gặp ai hoặc gặp chuyện gì không?
Hoàng Ức Như lắc đầu :
– Không hề có, nhiều năm lại đây, thậm chí có thể nói từ khi bản giáo sáng lập đến nay, Giáo chủ không hề ra khỏi Mai cốc và cũng chẳng có ai vào Mai cốc…
Môn Nhân Kiệt đang định hỏi tiếp thình lình Hoàng Ức Như nói :
– Phải rồi, Giáo chủ có ngồi bế quan một thời gian không cho bất cứ ai vào Tuyết cung, kể cả nhị lão và thiếu chủ cũng không ngoại lệ.
Môn Nhân Kiệt a một tiếng :
– Thời gian bế quan ấy nhằm lúc nào?
– Hơn ba năm trước và kéo dài đến một tháng trước đây.
– Nói như vậy đến các cô nương bốn vị Thiên Hương tứ phụng cũng không được ở cạnh bên Giáo chủ?
– Không có bất cứ ai, trừ Hắc Bạch nhị thị vệ.
– Tại hạ chưa hề nghe nói có thời gian ngồi tọa quan nào mà lại kéo dài đến thế!
– Tất cả môn chúng Thiên Hương giáo đều nghĩ như các hạ, nhưng không người nào dám hỏi, cũng vì chuyện ấy khiến thiếu chủ rất buồn bực.
– Vị thiếu chủ cũng không được gặp mẫu thân?
Hoàng Ức Như gật đầu :
– Cứ cách vài này thiếu chủ lại được gọi vào Tuyết cung nhưng chỉ được đứng xa xa nhìn Giáo chủ sau rèm ngồi tọa quan, mỗi lần định bước đến gần, lại bị tấm kim bài ngăn lại.
– Cô nương, kim bài ngăn lại là sao?
– Đó là tín vật tối cao của Giáo chủ, đến nhị lão nhìn thấy kim bài ấy cũng phải cúi đầu không dám trái lệnh.
– Người ngồi tọa quan đúng là không thể để cho ai đến gần quấy nhiều, nếu không nặng ắt bỏ mạng còn nhẹ cũng bị tẩu hỏa nhập ma, điều ấy bất cứ người võ lâm nào cũng đều biết!
– Thiếu chủ sự thực niên kỷ vẫn còn nhỏ rất cần sự vỗ về nâng niu… Môn đại hiệp, bây giờ đại hiệp có thể vì…
– Cô nương, tại hạ chỉ dám nói là có thể chứ không dám chắc chắn.
– Môn đại hiệp có dự định gì?
– Tại hạ không dám đường đột, xin cứ để từ từ tra xét…
– Đa tạ Môn đại hiệp, đại hiệp chuẩn bị bắt đầu ra sao?
– Tại hạ chuẩn bị… đến nơi cư ngụ của nhị lão xem sao.
Hoàng Ức Như hốt hoảng :
– Môn đại hiệp, không được đâu, lỡ ra bị Giáo chủ biết…
– Cô nương chớ quên, tại hạ vẫn mang tiếng là một kẻ điên…
– Nhưng mà ta…
Môn Nhân Kiệt cắt lời :
– Cô nương không cần phải lo lắng, chỉ cần tại hạ đến Dưỡng Tâm các rồi, cô nương cứ đi báo cho quý Giáo chủ biết như vậy cô nương khỏi bị hiềm nghi nữa.
– Môn đại hiệp, ta không có ý ấy…
– Nhưng tại hạ có ý ấy, như vậy chẳng những cô nương không bị hiềm nghi, đợi đến khi quý Giáo chủ sai các môn hạ tìm tới, tại hạ đã nhìn rõ động tĩnh trong Dưỡng Tâm các rồi, thế chẳng phải lưỡng toàn sao?
– Ta chỉ sợ Giáo chủ đối với Môn đại hiệp…
Môn Nhân Kiệt cười nhạt :
– Cô nương lẽ nào chưa hiểu rõ dụng tâm của quý Giáo chủ ư? Quý Giáo chủ chỉ mong để tại hạ đi khắp nơi trong Mai cốc này, đến cả chỗ Lệnh Hồ Kỳ càng tốt.
Hoàng Ức Như ngần ngừ rồi gật đầu :
– Thôi được, xin Môn đại hiệp tùy tiện.
Môn Nhân Kiệt mỉm cười đứng lên, cố ý lảo đảo loạng choạng bước ra. Hoàng Ức Như cũng bước vội theo sau y.
Họ đi qua mấy dãy hành lang qua mấy cổng vòm ra cổng Tuyết cung nhìn xuống xa xa là Mai cốc nằm trong tuyết đọng dày cả tấc, hai bên vách băng bên dưới có một cửa động cao tơi đầu người.
Hoàng Ức Như thấy Môn Nhân Kiệt chăm chú nhìn cửa động ấy bèn nói :
– Môn đại hiệp, đó là nơi cư trú của các Đường chủ bản giáo.
– Họ ở trong động ấy ư?
Hoàng Ức Như khẽ gật đầu. Lại nhìn sang bên kia cốc, qua mấy đoạn quanh co lộ ra nửa cánh rừng mai, những cành không gầy điểm hoa lay động trước gió. Môn Nhân Kiệt hỏi :
– Cô nương, đó là nơi nào vậy?
– Sau cánh rừng mai ấy là Dưỡng Tâm các, rừng mai là giới hạn của cấm địa đấy.
Môn Nhân Kiệt không đáp, động mạnh hai ống tay áo phi thân mau tới hướng Mai cốc, Hoàng Ức Như bám sát theo sau. Từ nơi họ vừa đứng đến cánh rừng mai ít nhất cũng cách xa hơn một trăm trượng, Môn Nhân Kiệt phi hành chốc lát đã vòng qua một vách băng đến trước rừng mai, nhìn thấu rừng mai chỉ thấy thấp thoáng sau nó là một tòa tiểu lâu thanh nhã với ngói xanh phủ tuyết.
Môn Nhân Kiệt nói :
– Cô nương, đó là Dưỡng Tâm các phải chăng?
– Chính đó, là nơi cư trú của nhị lão.
Môn Nhân Kiệt đưa mắt quan sát chung quanh rồi nói :
– Cô nương, khi thấy tại hạ đã vào rừng mai hãy lập tức quay về báo cho quý Giáo chủ biết nhé.
– Môn đại hiệp yên tâm, ta nhớ rồi.
– Vậy thì tại hạ tiến vào đây.
Y cất bước chạy vào rừng mai, Hoàng Ức Như cũng chuyển thân phi hành quay về. Môn Nhân Kiệt vào rừng mai chưa quá chốc lát đã nhận ra cánh rừng mai ấy được trồng theo Cửu Cung Bát Quái, người không biết rất khó thoát ra khỏi cánh rừng mai này trừ khi chặt sạch hết các thân cây mai hoặc chịu chết giữa rừng mai.
Môn Nhân Kiệt động tâm, bắn vọt thân lên cao, chân không chấm đất phủ đầy tuyết phi thân về hướng tiểu lâu thanh nhã nằm sau rừng mai. Cánh rừng mai này rộng ước năm mươi trượng trồng theo thế Bát Quái Cửu Cung của Mai Hoa Trận, nó không thể giữ được Môn Nhân Kiệt, chỉ thấy y chuyển thân vài ba lần đã đến trước mặt tiểu lâu.
Ngẩng đầu nhìn lên trên tiểu lâu, chỉ thấy tất cả mọi cửa đều đóng không thấy một bóng nhân ảnh, cũng chẳng nghe một tiếng động. Môn Nhân Kiệt hơi chần chừ một chút, hốt nhiên y vòng ra sau tiểu lâu, rồi từ cánh cửa sổ đằng sau ấy, y tiến vào tiểu lâu.
Đến gần, lập tức y chấn động đứng sững lại. Trong sảnh đường tiểu lâu có một chiếc bàn dài màu đỏ chói, trên ấy có ba người nhắm mắt ngồi im, ba người ấy là một nữ hai nam.
Người nữ ngồi ở giữa là một lão phu nhân áo trắng, còn hai người nam ngồi hai bên tả hữu rõ ràng là Cô Cối và Tra Minh nhị lão. Môn Nhân Kiệt định thần nhìn kỹ, nhẹ người cười gượng vì y đã nhìn rõ đó chỉ là ba cái tượng gỗ tạc giống đúc như thật. Môn Nhân Kiệt chau mày, y đã nhận ra, đó là ba bức tượng của Hương Hải tam kỳ khi xưa, người nữ ngồi chính giữa đúng là Mai Ẩu Lê Vô Cấu, nhưng y lại không hiểu, Mai Ẩu chết đã từ lâu dù có tạc tượng cũng là lẽ thường tình, còn nhị lão vẫn sống sờ sờ sao lại tạc tượng thờ làm chi?
Y trầm tư một chút rồi bước lại gần, khi sát ba bức tượng một mùi hương ngào ngạt đưa ra cho biết ba bức tượng ấy đều được tạc từ loại gỗ đàn hương quý giá. Môn Nhân Kiệt quan sát kỹ ba bức tượng, y phát giác trong tòa tiểu lâu này ngoài ba bức tượng và y ra hoàn toàn không có bóng người thứ năm nào nữa.
Cuối cùng, một vật hấp dẫn sự chú ý của y. Đó là một cái hộp bằng gỗ đàn đặt trước mặt tượng Mai Ẩu Lê Vô Cấu, còn trước mặt nhị lão Cô Cối, Tra Minh chẳng có vật gì cả.
Bị tính hiếu kỳ xui khiến, Môn Nhân Kiệt đưa tay mở nắp hộp, nắp hộp mở ra dĩ nhiên một sấp giấy vàng ố lọt vào mắt y. Tờ giấy trên cùng sấp giấy viết từng hàng chữ như rồng bay phượng múa, thượng khoản viết hai chữ “Vô Cấu”, hạ khoản ký tên một chữ độc nhất “Dật”, còn những hàng chữ ở giữa viết nội dung toàn là những lời lẽ yêu thương nhớ nhung của nam nữ. Môn Nhân Kiệt lập tức hiểu ra tám phần, đây là bức thư tình của người ký tên Dật gửi cho Mai Ẩu Lê Vô Cấu khi cả hai đang còn ở tuổi thanh xuân. Người ký tên Dật ấy đương nhiên phải là tình nhân của Vô Cấu khi bà còn trẻ.
Môn Nhân Kiệt cố lục lọi trí nhớ xem xưa nay có cao nhân nào tên Dật, y chỉ biết một điều đã là tình nhân của Mai Ẩu Lê Vô Cấu tất nhiên cũng phải là nhân vật kỳ tài cùng loại với Cầm Kiếm thư sinh là tối thiểu. Nhưng chưa hề nghe qua bao giờ trên đời có nhân vật nào tên Dật, ý niệm chuyển động, y rút ra tờ giấy thứ hai. Đọc sơ qua nét mặt Môn Nhân Kiệt đầy hoảng hốt, y đặt lại tờ giấy vào hộp đóng nắp, phi thân ra khỏi tiểu lâu tiến vào lại khu rừng mai.
Vừa vào giữa rừng mai, Môn Nhân Kiệt nghe có nhiều tiếng chân vọng tới, một hàng người đang tiến vào rừng mai, đó là Bạch thị Hứa Thường Lạc, Hắc thị Tôn Bất Tiếu, bốn tên Hộ pháp áo vàng và cả nữ nhân Hoàng Ức Như.
Hứa Thường Lạc và Tôn Bất Tiếu vừa nhìn thấy Môn Nhân Kiệt liền dừng chân, Môn Nhân Kiệt cũng kịp lúc dừng lại hỏi :
– Các người làm gì ở đó?…
Y ồ tiếp theo một tiếng :
– Ta hiểu rồi, cô nương đây chẳng có lương tâm gì cả, bất quá ta chỉ vào đây chơi một chút, cô nương nỡ báo người đến bắt ta, xem ra lòng dạ nữ nhân thật…
Hoàng Ức Như vội nói :
– Môn đại hiệp đừng…
Môn Nhân Kiệt trừng mắt :
– Ai là Môn đại hiệp…
Hoàng Ức Như vội sửa :
– Văn Nhân đại hiệp đừng hiểu lầm, tại vì ta thấy các hạ tiến vào cấm địa…
Môn Nhân Kiệt cả cười :
– Đúng vậy, ta là Văn Nhân Mỹ, nhớ đó, lần sau không được gọi là Môn đại hiệp gì nữa…
Đưa tay chỉ rừng mai, y tiếp :
– Cô nương nói rừng mai này là cấm địa à?
Hoàng Ức Như :
– Vâng, chính vậy, Văn Nhân đại hiệp, đây là cấm đại của bản giáo.
Môn Nhân Kiệt hừ một tiếng :
– Một khu rừng đầy hoa mai chứ có phải thâm cung đại nội gì, cái gì mà cấm địa chứ?
Y lắc đầu, điên điên khùng khùng :
– Nhưng mấy cây mai này cực kỳ quái, ta chạy tới chạy lui mà sao vẫn không ra được bên ngoài.
Hứa Thường Lạc mỉm cười :
– Văn Nhân đại hiệp không ra được ngoài sao?
Môn Nhân Kiệt chỉ tòa tiểu lâu đáp :
– Ta muốn vào cái lầu nhỏ ấy xem sao nhưng không sao ra khỏi rừng mai được, lạ thật…
Hứa Thường Lạc dường như yên tâm nhìn Tôn Bất Tiếu gật đầu. Tôn Bất Tiếu lạnh lùng mở miệng :
– Văn Nhân đại hiệp các hạ chưa đến tòa tiểu lâu ấy thực là tốt lắm, bây giờ xin mời theo chúng ta ra ngoài, chớ đứng đây nữa!
Môn Nhân Kiệt ngưng mắt nhìn hắn, cố ý ngây ngô :
– Ngươi là…
Hứa Thường Lạc đỡ lời :
– Nhị gia quên rồi sao, hắn là Tôn Bất Tiếu.
Môn Nhân Kiệt chuyển qua nhìn họ Hứa :
– Thế thì ngươi là…
Hứa Thường Lạc mỉm cười :
– Nhị gia, tiểu nhân là Hứa Thường Lạc đây.
Thình lình Môn Nhân Kiệt bật cười :
– Ta đi tới đi lui mà vẫn không thoát được Thục Cương nửa bước… À mà không, trên Thục Cương làm gì có nhiều hoa mai thế này… Thường Lạc, Bất Tiếu, hai ngươi gọi người chặt hết hoa mai đi cho ta…
Hứa Thường Lạc mỉm cười :
– Khu rừng Hương Tuyết Hải đẹp đẽ này, nhị gia nỡ nhẫn tâm.
Môn Nhân Kiệt quát to :
– Cái gì Hương Tuyết Hải, ai bảo nó hại ta chuyển tới chuyển lui, mau chặt hết đi.
Hoàng Ức Như vội bước tới gần, ôn hòa nói :
– Văn Nhân đại hiệp, việc gì phải giận vật vô tri. Đi đi, ta sẽ dẫn các hạ du ngoạn những thắng cảnh trong Mai cốc. Nơi đây có nhiều cảnh đẹp đáng xem lắm!
Môn Nhân Kiệt hớn hở :
– Thật thế sao?
– Đương nhiên là thật.
Môn Nhân Kiệt lắc đầu :
– Không, không, ta muốn thấy phải chặt hết rừng mai này.
– Xin các hạ cứ theo ta du ngoạn rồi bọn thuộc hạ sẽ chặt hết rừng mai sau.
Môn Nhân Kiệt gật đầu :
– Thôi được, để lát nữa cô nương hãy sai thuộc hạ chặt hết rừng mai nhé. Đi đi thôi!
Y nắm lấy cánh tay ngọc của Hoàng Ức Như kéo ra phía ngoài. Hành động y không lọt khỏi đôi mắt hậm hực Tôn Bất Tiếu, Hứa Thường Lạc cả cười :
– Hà tất ngươi phải ghen tức với một tên điên dại?
Hoàng Ức Như nghe rất rõ câu ấy, nhưng nàng không quay đầu. Được Hoàng Ức Như dẫn đường ra khỏi rừng mai, Môn Nhân Kiệt vội buông tay nàng ra, hạ thấp giọng :
– Cô nương, tha tội đường đột cho tại hạ.
Hoàng Ức Như đỏ mặt :
– Đâu có ai nỡ trách các hạ?
– Cô nương định dẫn tại hạ đi đâu đây?
– Lên đỉnh núi, ở trên đấy đẹp lắm.
Môn Nhân Kiệt gật đầu :
– Đi, chúng ta hãy xem thử đỉnh núi Điểm Thương có gì khác đời.
Bây giờ Tôn Bất Tiếu, Hứa Thường Lạc và bốn tên Hộ pháp cũng ra khỏi rừng mai. Cảnh tượng Môn Nhân Kiệt và Hoàng Ức Như nắm tay song song đi xa khiến lửa giận đố kỵ trong lòng Tôn Bất Tiếu bốc cao, Hứa Thường Lạc đi bên cạnh lạnh lẽo nói :
– Chớ quên đó là lệnh của Giáo chủ, cứ đợi một vài ngày nữa tình hình sẽ thay đổi.
Hoàng Ức Như và Môn Nhân Kiệt nắm tay sánh vai đạp trên con đường mòn phủ tuyết lên thẳng đỉnh ngọn núi. Trong lúc đi đường, Hoàng Ức Như thở dài than :
– Thật tiếc thay.
Môn Nhân Kiệt kinh ngạc :
– Cô nương tiếc chuyện gì?
Hoàng Ức Như u oán :
– Cảnh ấy tình này cả đời Hoàng Ức Như lại chỉ hưởng được có một lần này.
– Cô nương có gì khổ tâm…
– Ta chỉ tự than cho mình bạc mệnh.
– Cô nương đời này bạch vãn thương câu khó mà dự liệu.
– Các hạ có ý nói là…
Môn Nhân Kiệt mỉm cười không biết hữu ý hay vô ý đáp :
– Cô nương cho rằng bọn Hứa Thường Lạc và Tôn Bất Tiếu sống được lâu lắm sao?
Hoàng Ức Như giật mình :
– Môn đại hiệp nói…
– Lần này tại hạ quyết tâm làm cho ra lẽ.
– Ta chưa hiểu ý câu nói của các hạ.
– Tại hạ nói, giả như tại hạ có thể chứng thực vụ thiêu rụi Trác phủ khi xưa là do quý Giáo chủ phóng hỏa…
Hoàng Ức Như hoảng hốt :
– Môn đại hiệp không có đâu, tuyệt đối không có.
– Cô nương, tại hạ chỉ nói giả như.
Hoàng Ức Như ảm đạm lắc đầu :
– Dù có thế thật thì lần này Môn đại hiệp cũng chẳng thu hoạch được gì.
– Xem ra cô nương hy sinh vì quý Giáo chủ nhiều quá.
– Môn đại hiệp, nếu không ta lấy gì báo đáp đại ân đại đức của Đường chủ?
Đột nhiên nàng chuyển lời :
– Môn đại hiệp, phải chăng ta đã tới quá mau?
– Cô nương ý nói…
– Không cho Môn đại hiệp có thì giờ tiến nhập vào tiểu lâu xem xét kỹ hơn nữa?
Môn Nhân Kiệt lắc đầu :
– Không, không mau lắm đâu, chỉ hơi mau một chút thôi.
– Nghĩa là Môn đại hiệp đã có thì giờ vào tiểu lâu?
Môn Nhân Kiệt gật đầu :
– Cô nương, tại hạ đã vào trong ấy xem xét rồi.
Hoàng Ức Như giật mình :
– Sương tỷ nói không sai. Môn đại hiệp thân pháp cao tuyệt.
– Đó là nhị vị quá khen đó thôi.
– Thế còn câu “chỉ hơi mau” là sao?
– Vì tại hạ chưa coi hết được tất cả.
– Môn đại hiệp đã thấy gì mà chưa coi hết?
Môn Nhân Kiệt thản nhiên kể cho nàng nghe về ba bức tượng và cái hộp gỗ nhỏ trong Dưỡng Tâm các. Nghe xong Hoàng Ức Như chau mày :
– Như vậy Môn đại hiệp không hề gặp nhị lão trong Dưỡng Tâm các?
Y gật đầu :
– Đúng vậy, cô nương.
– Môn đại hiệp cũng không phát hiện gì khác?
– Không, cô nương.
– Thảo nào khi xưa mỗi tháng đến ngày sóc vọng, Giáo chủ đều dẫn Thiếu giáo chủ ra Dưỡng Tâm các, thì ra là để chiêm bái tượng lão phu nhân…
– Cô nương, hai tiếng “khi xưa” là sao?
– Mấy năm nay rồi, ta không hề thấy Giáo chủ đến Dưỡng Tâm các…
Môn Nhân Kiệt bật kêu a một tiếng :
– Lẽ nào đến mẫu thân mà Giáo chủ cũng không buồn hương khói?
– Điều ấy khó biết, có lẽ phải có nguyên nhân gì đó…
Môn Nhân Kiệt trầm ngâm gật đầu :
– Phải rồi, tất phải có nguyên nhân gì rất đặc biệt…
Đột nhiên y hỏi :
– Cô nương có biết người ký tên Dật ấy là ai không?
– Không biết, cũng chưa hề nghe qua.
– Có thể nhị lão quý giáo may ra biết…
– Có khả năng như thế, nhưng tiếc rằng không ai biết nhị lão hiện đang ở đâu.
– Khi nào cần, tại hạ tự sẽ có cách tìm biết… cô nương, lúc nãy phải chăng cô nương đã đến từ Tuyết cung?
Hoàng Ức Như gật đầu :
– Vâng, chính vậy.
– Có thấy Trác Không Quần?
Nàng lắc đầu :
– Không, cũng chẳng gặp Giáo chủ.
Môn Nhân Kiệt chỉ a một tiếng không nói gì nữa. Hai người im lặng nhìn từ đỉnh núi Trung Hòa ra xa xa. Trên tuyệt đỉnh Trung Hòa có một vùng bình địa nho nhỏ, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Đứng từ đây nhìn các ngọn núi xung quanh đâm thẳng lên nền trời như những cái cột lớn.
Gió núi thổi quần áo bay phần phật, cũng thổi mái tóc mây của Hoàng Ức Như bay tứ tán, Môn Nhân Kiệt không thể không hạ giọng hỏi nhỏ :
– Cô nương, có lạnh lắm không?
Hoàng Ức Như run nhè nhẹ lắc đầu :
– Đa tạ các hạ, không lạnh.
Miệng tuy đáp vậy nhưng nàng vẫn xích lại gần Môn Nhân Kiệt mấy phần. Hai người vì vậy lại im lặng nhìn xa xa những ngọn núi chập chùng. Đột nhiên, mục quang Môn Nhân Kiệt sáng lên, y đưa tay chỉ đỉnh núi đối diện :
– Cô nương, đỉnh núi thứ ba bên tả kia gọi là gì?
Hoàng Ức Như thuận miệng đáp :
– Đó là Phật Đỉnh phong.
– Cô nương có nhìn thấy cái cửa động nhỏ trên ngọn Phật Đỉnh phong ấy không?
Hoàng Ức Như gật đầu :
– Có nhìn thấy.
– Theo cô nương biết, trong cái động ấy có người của quý giáo ở không?
Hoàng Ức Như lắc đầu :
– Đó là động tên Phong động. Trong động có luồng cương khí cực lạnh, không có ai dám ở trong ấy.
– Cô nương, kẻ mặc áo tía kia giữ chức vị gì trong quý giáo?
– Đó là Tuần sát của bản giáo.
– Tại hạ vừa nhìn thấy một tên Tuần sát của quý giáo tay cầm vật gì đó đi vào Phong động!
Hoàng Ức Như giật mình ngưng mắt nhìn :
– Môn đại hiệp, không có đâu…
– Lẽ nào tại hạ lại nói dối cô nương?
– Theo ta biết, người vào trong động ấy tất sẽ bị lạnh đóng băng mà chết…
– Chẳng lẽ cương khí lạnh lẽo ấy không có lúc nào ngừng sao?
– Theo ta nghe nói luồng khí lạnh ấy không bao giờ ngừng.
– Thế thì kỳ quái thật, chẳng lẽ tên Tuần sát của quý giáo lại là mình đồng da sắt…
Đột nhiên y kêu to :
– Cô nương, hãy nhìn kìa, hắn đi ra đó!
Hoàng Ức Như vội ngưng mắt chăm chú nhìn, đúng là trên ngọn Phật Đỉnh phong xa xa kia có cái cửa động nhỏ như miệng bát đang đi ra có một bóng người nhỏ xíu mặc áo màu tía, hắn vọt thân vào khu rừng cạnh cửa động. Nàng kinh ngạc buột miệng :
– Đâu có thể như thế, đâu có thể như thế…
Môn Nhân Kiệt cười nhạt :
– Sự thực cô nương đã chính mắt nhìn thấy đấy.
– Nhưng trong động có luồng cương khí…
Môn Nhân Kiệt cắt lời :
– Nhưng đâu có khả năng làm hắn đông cứng?
– Chẳng lẽ lời đồn trong động có luồng cương khí là giả dối?
– Điều ấy chưa chắc, có thể luồng cương khí ấy cũng có lúc ngừng.
– Nhưng ta lại nghe…
– Cô nương, nhưng hắn vẫn vào động và vẫn quay ra.
– Có thể đúng như Môn đại hiệp nói, có lúc cương khí ấy ngừng.
– Cô nương, chủ yếu cô nương và tại hạ hãy đoán xem hắn vào động ấy để làm gì?
Hoàng Ức Như hơi động nét mặt :
– Môn đại hiệp cho rằng hắn vào trong động làm gì?
– Theo cô nương, quý giáo không có người nào ở trong ấy?
Hoàng Ức Như gật đầu :
– Đúng vậy, trong động ấy đích xác không có người ở.
– Cô nương còn nhớ vừa rồi tại hạ nói tay hắn có cầm vật gì đó chứ?
– Còn nhớ.
– Cô nương cũng nhìn thấy đó, khi hắn trở ra trên tay lại chẳng còn gì nữa cả.
– Chắc hắn đem vật ấy vào trong động?