Đọc truyện Bí Thư Tỉnh Ủy – Chương 99Quyển 3 –
Ông Kim mang súng săn ra khỏi nhà, đi ngang qua phòng ông Ẩn. Ông Ẩn đang ngồi uống nước với ông Sắc gọi vọng ra giọng thân mật:
– Có chè ngon, vào làm một chén rồi đi bắn chim anh Kim ơi.
Nghe tiếng gọi, ông Kim xách súng đi vào:
– Tôi tưởng chủ nhật hai anh về Hà Nội? – Ông Kim hỏi.
Ông Ẩn cười:
– Vài ba tuần mới về một lần chứ tuần nào cũng về các anh lại bảo chúng tôi quá nặng gánh gia đình.
– Anh nói thế hóa ra tôi là kẻ nặng gánh gia đình lắm hay sao. Làm việc xong là về nhà, ăn cơm nhà, ngủ ở nhà thì còn nặng gánh gấp mấy lần các anh.
Ông Sắc rót chén nước đưa cho ông Kim:
– Lâu lắm lúc nào cũng thấy anh vùi đầu vào công việc chẳng thấy đi bắn chim bắn cò gì, hôm nay chắc vừa nghĩ ra chuyện gì hay hay sao mà lại xách súng đi bắn?
– Chuyện của tôi chỉ gây phiền phức cho các anh có gì mà hay. Tôi có con cháu thứ ba được nhà trường chọn đi học ở Liên Xô nên hôm nay định đi bắn mấy con chim sẻ về cho mấy chị em nó ăn liên hoan để chia tay.
Ông Ẩn nói giọng thành thật:
– Anh em tôi chúc mừng anh.
– Thú thật với hai anh có con được đi học nước ngoài ai mà chẳng mừng nhưng tôi áy náy thế nào ấy. Con cái mọi người ra mặt trận hết, còn bí thư tỉnh ủy thì lại có hai con đi học nước ngoài. Mặc dù chúng nó được cử đi học là do đức tài của chúng chứ chẳng dựa dẫm gì vào cái vị thế của bố nhưng tránh sao được miệng tiếng của thiên hạ được. Đêm qua tôi trằn trọc mãi muốn sáng ra khuyên con gái từ chối suất đi học nước ngoài để dành cho người khác nhưng nghĩ lại thấy tội cho nó quá. Nó phấn đấu danh hiệu học sinh giỏi liên tục ròng rã mười năm liền, từ lớp một đến lớp mười. Được chọn đi học nước ngoài là phần thưởng của nó, tôi không nỡ lòng nào khuyên nó từ chối được các anh ạ.
Ông Sắc hiểu tâm trạng của ông Kim nên bảo:
– Anh cả nghĩ làm gì. Ai cũng ra mặt trận hết đến ngày chiến thắng lấy ai xây dựng đất nước. Tạo cho đất nước có một đội ngũ trí thức trong tương lai cũng là trách nhiệm nặng nề của chúng ta.
– Ông Sắc nói đúng đấy – Ông Ẩn nói – Đi học hay ra mặt trận đều là trách nhiệm của thế hệ trẻ. Còn việc anh lo người ta dị nghị vì có hai con đi học nước ngoài theo tôi anh khỏi phải lo. Anh sống như thế nào, bà con cả tỉnh này đều biết.
Ông Sắc muốn chuyển câu chuyện sang một hướng khác để ông Kim đỡ suy nghĩ nên hỏi:
– Tôi nghe dọc bờ đầm tiếng cuốc kêu nhiều lắm, anh có bắn được con nào không?
Như được khơi đúng cái mạch thích săn bắn của mình nên ông Kim đáp luôn:
– Cái giống chim cuốc nhát và ranh lắm. Tôi phục không biết bao nhiêu lần mà không làm sao bắn được nó. Thịt cuốc hơi dai một tí nhưng rất thơm.
– Tôi thấy trong khu này cò nhiều lắm sao anh không bắn – Ông Sắc lại hỏi.
– Các giống chim ăn ở đồng ruộng và ao đầm, tôi chỉ bắn vịt trời, sếu, diệc, bồ nông chứ không khi nào tôi bắn cò. Hai anh biết đấy. Trong các loài chim ăn trên đồng ruộng, con cò mang đầy đủ đặc tính của người nông dân. Sáng tinh mơ đã thấy mặt trên đồng ruộng, tối nhá nhem mới rủ nhau bay về tổ. Không những thế nó còn là người bạn gần gũi nhất của người nông dân. Các giống chim khác chẳng mấy khi tìm mồi cạnh người nông dân thì ngược lại giống cò lúc nào cũng theo sát bên người nông dân không chút e dè. Trâu cày bừa đến đâu nó đi theo đến đấy. Hai anh bảo tôi nói có đúng không? – Không đợi câu trả lời, ông Kim nói tiếp – Nhiều đêm tôi nằm nghĩ vớ vẩn người ta ví hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn nhưng chẳng thấy ai để ý đến con cò lặn lội suốt ngày trên đồng ruộng nhưng bộ lông trắng muốt của nó không khi nào dính một hạt bùn.
Nghe ông Kim nói một mạch say sưa về con cò, ông Ẩn càng thấy quý trọng ông Kim. Ông thầm nghĩ nếu tách con người này ra khỏi nông dân và đồng ruộng có lẽ ông ta chết khô chết héo mất.
Ông Ẩn rót chén nước chè đưa cho ông Kim:
– Mấy tuần vừa rồi anh có xuống Hợp tác xã Gia Đạo không?
– Tôi định mấy hôm tới sẽ xuống Tam Bình. Hai anh vừa rồi xuống Gia Đạo có nhận xét gì không?
– Làm việc với Ban lãnh đạo Hợp tác chỉ hơn một tiếng đồng hồ nên chẳng có gì để nhận xét.
Ông Kim cười:
– Anh nói vậy thôi nhưng tôi biết một số việc làm của Hợp tác xã Gia Đạo đang khiến anh nhức đầu.
– Anh nghĩ như vậy à?
– Không phải nghĩ mà chỉ đoán vậy thôi.
– Anh đoán nhầm thì sao?
– Nếu đoán nhầm thì may mắn cho bà con nông dân Gia Đạo – Ông Kim nói xong cười.
Ông Ẩn không hiểu ý ông Kim nói gì nên hỏi lại:
– Vì sao đoán nhầm lại may mắn cho nông dân Gia Đạo?
– Vì Ban lãnh đạo Hợp tác xã đang làm ngược lại những gì đã được quy định ngặt nghèo từ trước đến nay để mở ra một lối làm ăn mới mà không khiến anh đau đầu thì may cho bà con nông dân Gia Đạo chứ sao.
Ông Ẩn thú nhận:
– Sai đúng gì sẽ nói sau, nhưng tôi có ấn tượng rất tốt với Ban lãnh đạo của Hợp tác xã Gia Đạo. Một Ban lãnh đạo năng động và rất nhiệt tình với công việc.
Ông Sắc tiếp lời ông Ẩn:
– Tôi cũng nhận thấy thế. Trong tình hình hiện nay, lao động nữ đang dần dần chiếm vị trí chủ chốt. Nhưng ngày công lao động lại bị hạn chế vì bận việc nhà và con cái. Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lao động là một việc làm hết sức cần thiết, khẩn cấp. Việc bắt tay sửa chữa nhà trẻ và mẫu giáo, tăng cường thêm cô nuôi dạy trẻ và định suất ăn hàng ngày cho các cháu để các bà mẹ yên tâm sản xuất chứng tỏ Ban lãnh đạo Hợp tác xã Gia Đạo có tầm nhìn xa.
– Chưa biết Ban lãnh đạo Hợp tác xã Gia Đạo đúng sai thế nào, nhưng được các anh khen nó là tôi mừng lắm rồi – Ông Kim vừa nói vừa cười.
Ông Ẩn nhìn ông Kim:
– Tôi có cảm giác câu nào của anh nói ra cũng có ý buộc chúng tôi phải công nhận những việc làm sai nguyên tắc của một số Hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh anh.
Ông Kim cười thoải mái:
– Sai đúng là do các anh phán xét chứ tôi buộc thế nào được.
– Tôi học cách nói của anh đấy – Ông Ẩn đùa.
– Tôi vô tình buột miệng thôi chứ chẳng có ý gì.
– Bán cái vô tình của anh cũng được khối tiền đấy.
– Hai anh có mua không, tôi bán cho đấy – Nói rồi ông Kim đứng lên – Cô Lê nhà tôi phê bình tôi ăn cũng nói chuyện Hợp tác, ngủ cũng nói chuyện Hợp tác, bây giờ ngồi uống nước với hai anh cũng lôi chuyện Hợp tác ra nói quên cả đi bắn chim để chiêu đãi con. Tôi đi đây.
Không hẹn mà cả ông Ẩn lẫn Sắc đều nhìn theo ông Kim với đôi mắt thiện cảm và nể trọng.