Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương:5Quyển 3 -


Đọc truyện Bí Thư Tỉnh Ủy – Chương 75Quyển 3 –

Lịch cầm xắc cốt đứng lên bảo Noãn:

– Ông phải ủng hộ chúng tôi đấy nhé.

– Không ủng hộ các ông còn ủng hộ ai. Ông nhớ nói cho có tình có lí và thái độ phải mềm dẻo với bà Luận đấy.

– Ăn nói thì ông khỏi phải lo. Tôi mà nói thì kiến trong lỗ cũng phải bò ra.

Rời phòng làm việc của Noãn, Lịch qua chỗ Luận.

– Chào bí thư – Tiếng thư cuối lời chào của Lịch nghe ướt sượt.

Luận đang ngồi làm việc ngẩng đầu lên:

– Anh Lịch đấy à? Ngồi uống nước.

Lịch đặt cái xắc cốt xuống bàn rồi kéo ghế ra ngồi. Luận lấy tích chè xanh rót nước mời Lịch.

– Tôi lên báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của bí thư về việc tổ chức bầu lại Ban quản trị của Hợp tác xã Gia Đạo.


Luận hỏi giọng phấn chấn:

– Thế à. Các anh định khi nào thì tiến hành?

– Chuẩn bị xong nội dung và cách thức tiến hành Đại hội xong là làm luôn.

– Đúng đấy. Làm càng nhanh càng tốt chứ vụ chiêm đuổi đến nơi rồi. Tuần nay bận quá nên không đi xem đồng được. Khoai tây và ngô phát triển tốt không anh Lịch?

– Tốt lắm. Nếu gặp mưa thuận gió hòa thì thắng lợi to. Chúng tôi đang liên hệ mua thêm lân và ka-li bón thêm cho nó. Phải giành một vụ xen canh thắng lợi như khẩu hiệu đã đề ra tạo khí thế cho việc bước vào vụ đông xuân.

Luận có cảm giác hơi là lạ trước thái độ sốt sắng của Lịch nhưng vẫn hỏi:

– Dư luận của bà con về việc khoán tổ, khoán nhóm như thế nào?

– Bà con thích lắm. Làm hùng hục suốt từ sáng đến tối chẳng thua kém gì làm ruộng phần trăm của mình. Vụ Đông Xuân đến dứt khoát phải thực hiện cách khoán này bí thư ạ.

– Đúng như vậy. Không thay đổi được cách làm ăn thì đến no cũng chưa thực hiện được chứ đừng nói đến chuyện giàu có. Cuộc họp đảng ủy sắp tới đây chỉ bàn một vấn đề. Đó là tìm cách tháo gỡ bế tắc hiện nay của Hợp tác xã. Trong đó có các biện pháp đổi mới phương thức khoán cho phù hợp với tình hình đòi hỏi và nguyện vọng của bà con nông dân. Trước mắt phấn đấu vụ Đông Xuân tới đây phải đưa năng suất lên gấp đôi các vụ vừa qua. Với cương vị là một chủ nhiệm lâu năm có nhiều kinh nghiệm, anh thấy có khả năng đưa năng suất vụ chiêm lên như tôi trình bày trong Nghị quyết hay không?

Nghe Luận hỏi, khuôn mặt Lịch như giãn nở ra. Lịch nói liến thoắng:

– Sáng suốt. Bí thư đảng ủy vô cùng sáng suốt. Đảng ủy phải tìm mọi cách tháo gỡ cho được tình hình bế tắc hiện nay. Phải mạnh dạn khoán các kiểu để đưa năng suất cây lúa lên gấp đôi, gấp ba các vụ trước đây. Bí thư vừa hỏi tôi có khả năng đưa năng suất vụ chiêm lên gấp đôi các vụ vừa rồi có được không phải không?

– Vâng. Nếu tôi đưa việc này vào Nghị quyết liệu có thực hiện được không?

Lịch vờ suy nghĩ một lúc mới nói:

– Theo tôi thừa sức. Ruộng đất của xã ta rất tốt. Lực lượng lao động dồi dào. Nông dân hăng hái sản xuất. Tập thể đảng ủy và bí thư chỉ đạo sáng suốt. Chỉ cần duy trì cho được cách khoán tổ khoán nhóm như hiện nay thì việc đưa năng suất lên gấp đôi các vụ vừa rồi chẳng có gì khó khăn cả.

Nghe Lịch nói vậy Luận quên khuấy cái cảm giác là lạ trong thái độ sốt sắng của Lịch lúc nãy:

– Nghe anh nói tôi thấy yên tâm với đề xuất của tôi đưa ra cho đảng ủy thảo luận. Bây giờ tôi muốn nghe anh trình bày về kế hoạch bầu lại Ban quản trị của Gia Đạo đây.

Lịch mở xắc cốt lấy cuốn sổ ra đặt lên bàn lấy lệ chứ không cần mở ra:

– Việc tổ chức cho xã viên bầu lại Ban quản trị có hai hình thức. Đại hội toàn thể xã viên và Đại hội đại biểu xã viên. Trong Ban quản trị chúng tôi đã thảo luận hai hình thức này và thấy, tổ chức Đại hội toàn thể xã viên thì không khí đông vui nhưng do có hàng trăm xã viên tham dự nên mỗi người một ý. Đến khi bầu số phiếu sẽ phân tán. Khả năng bầu đi, bầu lại nhiều lần nhất định sẽ xảy ra. Vì vậy chúng tôi chọn hình thức Đại hội đại biểu xã viên cho gọn nhẹ. Phiếu bầu lại tập trung. Có thể chỉ bầu một lần là được. Tôi đã trao đổi việc này với đồng chí bí thư chi bộ, một số đảng viên và bà con xã viên. Mọi người đều thống nhất tổ chức Đại hội đại biểu xã viên là hợp lí nhất. Mặt khác Đại hội toàn thể xã viên tập trung đông người nhỡ máy bay đánh như hôm nọ nguy hiểm lắm.


– Nếu tổ chức Đại hội đại biểu thì có khoảng bao nhiêu người tham dự?

– Chúng tôi tính cứ ba xã viên sẽ có một đại biểu. Như vậy có khoảng trên bảy mươi đại biểu tham dự.

Luận không một chút nghi ngờ nói luôn:

– Số lượng như vậy có thể đại điện cho xã viên được rồi. Tôi đồng ý để các anh tổ chức Đại hội đại biểu xã viên. Nhưng lát nữa anh qua trao đổi thêm việc này với anh Noãn. Nếu anh Noãn nhất trí thì các anh cứ thế mà tiến hành.

– Còn một vấn đề này nữa. Chúng tôi định chi công điểm cho các đại biểu dự Đại hội, không biết có được không?

– Các anh định chi bao nhiêu?

– Gấp đôi công điểm sản xuất.

Luận góp ý:

– Theo tôi nếu có chi công điểm thì cũng chỉ chi như công điểm sản xuất thôi. Ngồi họp có vã mồ hôi như lao động ngoài đồng ruộng đâu mà được hưởng công gấp đôi?

– Vâng. Tôi sẽ về bàn lại trong Ban quản trị và xin thêm ý kiến của cấp ủy. Tôi qua xin ý kiến của chủ tịch đây.

Lịch cầm xắc cốt đứng lên đi qua phòng của Noãn. Bước vào cửa Lịch nói ngay:

– Xong rồi. Mọi việc trơn như mỡ.


– Tớ biết sẽ ổn thôi. Các ông định khi nào thì tổ chức Đại hội?

– Khi nào vận động được hai phần ba số người bỏ phiếu cho Ban quản trị cũ, sẽ cho tiến hành Đại hội.

– Các ông nhớ làm khéo đấy. Lộ liễu là ăn đòn ngay.

– Ông yên tâm. Kinh nghiệm đối phó của bọn này chất hàng chục bồ đựng thóc. Chiều nay ông có rỗi không?

– Ông hỏi để làm gì?

Lịch cười:

– Từ ngày Ban quản trị gương mẫu bám lấy đồng ruộng đến giờ chẳng được miếng chó gì cho vào mồm. Tay Ngọ có sáng kiến sâm sẩm tối chiều nay kéo nhau lên phố huyện chén một bữa thịt chó để ăn mừng bước đầu thành công việc tổ chức Đại hội. Ông có nhớ cái hàng thịt chó chuyên cất rượu của con mụ Hoang không? Đi nhé.

– Đi thì đi chứ sợ gì. Nhưng các ông cứ đi trước, tôi lên sau một tí chứ kéo đàn kéo lũ đi không ổn đâu.

– Vậy thì sáu giờ ba mươi bọn tôi đứng chờ ông ở cây đa đầu làng Yên Mạc. Nhớ đúng giờ đấy nhé. Tôi về đây.

Lịch ra lấy xe đạp nhảy lên vừa đạp vừa huýt sáo mồm.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.