Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương:7Quyển 2 -


Đọc truyện Bí Thư Tỉnh Ủy – Chương 47Quyển 2 –

Lặn lội gần hai ngày trời, Dậu và Tế mới mua được hai gánh sắn củ. Ì ạch gánh hai sọt sắn đầy có ngọn, hai người lê những bước chân nặng nhọc đi về hướng nhà ga. Mồ hôi vã ra như tắm tràn xuống mắt, xuống má, thấm đẫm chiếc áo cánh cộc tay đang mặc trên người. Thỉnh thoảng Tế phải dừng lại để vuốt mồ hôi trên mặt, cằn nhằn:

– Cái thân làm tội cái đời. Tham quá hóa ra vất vả ông ạ.

– Một lần đi một lần khó. Gắng gánh thêm được cân nào, cái bụng của mình được no thêm từng ấy.

– Nhìn các đồi sắn bạt ngàn thèm quá ông ạ. Giá như mình có từng ấy đất phần trăm thì chẳng lo gì thiếu ăn.

– Tôi đi một vòng thấy còn nhiều đồi bỏ hoang lắm. Hay là chúng mình rủ thêm mấy anh nữa lên thuê những cái đồi bỏ hoang ấy trồng sắn đi ông.

– Đất Hợp tác xã quản lí, ai người ta cho chúng mình thuê. Hơn nữa chúng mình ở cách hàng trăm cây số làm sao mà trông coi được. Có khi làm không đủ để cho trâu bò phá.

– Giá như khiêng được những quả đồi ấy về Gia Đạo nhỉ.

– Có khiêng về quê ta thì Hợp tác cũng quản và bỏ hoang như ở đây chứ chẳng đến tay ông.

– Chó má thật. Nghỉ một lát đã ông. Mệt quá. Chẳng hiểu sao tôi thấy gánh sắn của mình một lúc một nặng mới lạ chứ.

– Nhà ga kia rồi, ráng đến đó nghỉ một thể.

Hai người lại ì ạch bước.

– Gặp nắng như hôm nay, sắn thái ra chỉ một hôm là khô cong – Tế vừa thở vừa nói.

– È cổ ra gánh thế này đến khi phơi khô không biết có được ba mươi cân không?

– Làm gì mà không được. Gánh của ông sáu mươi lăm cân à?

– Sáu mươi tám.

– Tôi cân được sáu mươi chín cân. Bà chủ nhổ biếu thêm mấy gốc nữa chắc cũng trên bảy mươi cân.

Dậu cố cười:

– Mỗi lần gánh lúa cho Hợp tác may ra mình gánh được ba mươi cân trên vai mà còn bước đi uể oải. Bây giờ gánh nặng gấp đôi mà vẫn chuyện trò rôm rả. Thế mới biết làm cho mình có một sức mạnh ghê gớm.


Đến gần nhà ga Dậu hỏi:

– Nghỉ ở đây hay vào trong ga?

– Vào trong ga nghỉ chuyện trò với mấy ông nhân viên nhà ga cho vui. Lại có nước non tử tế.

– Thế cũng được.

Dậu và Tế sắp đến cửa vào ga thì có mấy người mang băng đỏ trên tay đi tới. Có lẽ họ là những nhân viên kiểm soát thị trường. Một người bảo:

– Đề nghị hai anh bỏ gánh sắn xuống cho chúng tôi kiểm tra.

Dậu vẫn để gánh sắn trên vai vừa thở vừa nói:

– Gánh chúng tôi chỉ có sắn củ thôi chứ có gì mà kiểm tra?

– Ai chẳng biết các anh đang gánh sắn. Hai anh bỏ gánh sắn xuống đi.

Dậu và Tế bỏ gánh sắn xuống đất. Tế nói giọng bực tức:

– Các anh kiểm tra gì thì kiểm tra đi để chúng tôi còn vào trong ga nghỉ ngơi chứ gánh bảy mươi cân đi hơn hai mươi cây số mệt muốn đứt hơi rồi.

– Mệt là do các các anh chứ có phải chúng tôi gây ra đâu mà anh kêu ca. Hai anh mua sắn ở đâu?

Biết là gặp rắc rối nên Dậu nói mềm mỏng:

– Chúng tôi ở tỉnh Phước Vĩnh nghe nói vùng này trồng nhiều sắn nên nhảy tàu lên mua một ít về thái phơi khô để chống đói. Chúng tôi cứ nhìn thấy chỗ nào trồng sắn thì tìm đến hỏi mua chứ chẳng biết tên làng, tên xóm nơi trồng sắn là gì.

Anh nhân viên kiểm soát bước đến sờ vào gánh sắn của Dậu như muốn lượng xem gánh sắn nặng bao nhiêu cân rồi quay sang nói với Dậu và Tế:

– Hai anh có biết quy định của Chính phủ là không được di chuyển lương thực, thực phẩm và các sản phẩm khác như chè, vừng, lạc, đỗ từ địa phương này sang địa phương khác hay không?

– Chúng tôi có biết.

– Biết sao từ Phước Vĩnh lên đây mua sắn đem về?


– Chúng tôi cứ nghĩ sắn là lương thực phụ nên không bị cấm.

– Phụ chính gì đều cấm tất. Bây giờ chúng tôi lập biên bản phạt hai anh đã vi phạm chính sách lương thực của Chính phủ bằng cách tịch thu hai gánh sắn này nộp vào công quỹ.

Dậu và Tế đưa mắt nhìn nhau. Hai người không ngờ lại gặp rắc rối như vậy. Dậu nài nỉ:

– Chúng tôi biết lỗi rồi, mong các anh thông cảm và tha cho chúng tôi lần này.

Anh nhân viên kiểm soát mặt lạnh bơ:

– Chúng tôi thông cảm cho các anh, vậy liệu cấp trên có thông cảm với chúng tôi hay không?

Tế bảo:

– Các anh không báo cáo thì ai biết.

Nghe Tế nói vậy anh nhân viên quản lí thị trường nổi cáu:

– Anh đã vi phạm pháp luật lại còn xui chúng tôi giấu cấp trên nữa à? Không nói lôi thôi. Chúng tôi lập biên bản và hai anh ký vào rồi để hai gánh sắn lại đấy.

Nói xong, anh nhân viên quản lí thị trường mở xắc cốt lấy ra một cuốn sổ kê lên xắc cốt hí hoáy viết.

Dậu lại van vỉ:

– Đồng chí ơi, đồng chí thông cảm tha cho chúng tôi. Quê tôi vụ vừa rồi mất mùa. Còn mấy tháng nữa mới đến gặt vụ lúa sau. Từ đây đến đó chúng tôi chẳng còn gì để ăn nên mới vét sạch tiền nong, băng đèo vượt núi lên đây mua mấy cân sắn về cứu đói vụ giáp hạt. Các anh mà tịch thu thì chúng tôi trắng tay, chẳng biết lấy gì cho vào miệng mấy tháng tới.

Anh nhân viên vừa viết vừa nói:

– Anh nói rặt cái giọng phản động, chẳng ai nghe được. Đã làm ăn tập thể thì làm gì có chuyện đói kém. Tôi viết giấy biên nhận nộp phạt xong rồi. Hai anh ký vào đây.

Nói xong anh nhân viên xé tờ biên lai cái rẹt đưa cho Tế. Dù cơn tức bực đang trào lên tận cổ nhưng Tế vẫn cố dằn xuống:

– Chúng tôi ngỡ gạo, ngô, vừng lạc mới cấm chứ không biết cấm cả sắn tươi. Tôi van các anh tha cho lần này. Hai anh em tôi từ đêm qua đến giờ chỉ có hai nắm cơm với muối vừng cho vào bụng nhưng không thấy đói vì mừng đã mua được sắn. Giờ mà các anh tịch thu thì chúng tôi chỉ có nước chết.


– Chết sống gì là việc của anh. Còn tôi phải làm nhiệm vụ của mình.

Nhìn bộ mặt bềnh bệch với đôi mắt trắng dã và giọng nói đều đều vô cảm của anh nhân viên kiểm soát, máu trong người Dậu như sôi lên. Anh hỏi giọng bực tức:

– Tôi hỏi các anh có gia đình không?

– Ai mà chẳng có gia đình.

– Giả thử bố mẹ, vợ con anh ở nhà đang mong anh mua được sắn mang về để có cái ăn chờ giáp vụ. Nhưng anh trở về không những không mua được sắn mà tiền mang theo chẳng còn xu nào thì anh nghĩ sao?

Anh nhân viên kiểm soát bẻ lại:

– Vậy tôi hỏi lại anh. Nếu anh làm công việc như tôi, anh có làm hết trách nhiệm của mình không hay để cho ai muốn mua gì, đem đi đâu mặc sức? Chúng tôi không làm cương quyết thì để cho xã hội này loạn à.

– Loạn thì không biết nhưng vô lí thì rành rành ra trước mắt rồi. Người trồng cần bán, người đói cần mua, việc gì đi cấm đoán người ta.

– Anh thắc mắc thì lên gặp Chính phủ mà hỏi. Việc của chúng tôi là ngăn chặn mọi luân chuyển hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác theo quy định của trên. Hai anh có ký vào giấy biên nhận rồi gánh sắn vào trong trạm cho chúng tôi hay không?

Dậu đáp:

– Tôi không ký.

Anh nhân viên quay sang hỏi Tế:

– Anh kia có chịu ký không?

Tế căng giọng trả lời:

– Tôi ký để cho vợ con tôi chết đói à.

– Hai anh nhất định không ký?

– Tôi đã nói với anh rồi. Tôi ký để cho vợ con tôi chết đói hay sao.

-Tôi nói để hai anh biết. Ký hay không tùy các anh. Nhưng hai gánh sắn này không được đưa ra khỏi khu vực do chúng tôi kiểm soát. Nếu các anh chống đối tôi sẽ yêu cầu dân quân ra gô cổ các anh dẫn về xã đấy.

Máu trong người Tế dồn lên mặt. Hai mắt Tế như muốn nổ bung ra. Anh thách thức:

– Muốn gô, muốn trói gì tùy các anh. Nhưng tôi nói để các anh biết, không ai được đụng đến gánh sắn của chúng tôi đâu.


– Anh thách à?

– Tôi chẳng thách. Nhưng gánh sắn là tiền của, sức lực của tôi bỏ ra, tôi bảo vệ nó đến cùng.

Dậu sợ mất gánh sắn nên đấu dịu:

– Anh bạn tôi phần tiếc công tiếc của, phần lo cái đói của vợ con ở nhà nên nói nặng lời với các anh, mong các anh thông cảm. Thực tình là chúng tôi không biết việc lên đây mua sắn lại gặp phải chuyện rắc rối như thế này. Mong các anh chiếu cố tha cho chúng tôi lần này. Chắc các anh cũng con nhà nông dân mà ra nên các anh biết thế nào là cái khổ của đói giáp hạt. Cực chẳng đã hai anh em tôi mới cơm đùm cơm nắm lên đây chứ ai muốn mua cái khổ vào thân làm gì.

Mấy anh nhân viên kiểm soát thị trường đưa mắt nhìn nhau. Anh tổ trưởng giọng đã dịu đi phần nào:

– Anh nói thế chúng tôi còn nghe được. Bây giờ hai anh đứng chờ ở đây để chúng tôi hội ý với nhau rồi ra trả lời hai anh sau.

Mấy người kiểm soát kéo nhau vào trong trạm. Còn lại Dậu và Tế.

Dậu trách Tế:

– Ông làm căng quá.

– Vô lí như thế ai mà chịu được.

– Các lão ấy cũng làm nhiệm vụ theo lệnh của cấp trên thôi.

– Lệnh lạc cái gì. Chúng nó tịch thu của người ta rồi đem về nhà hoặc bán lại cho người khác để đút tiền vào túi với nhau, tôi còn lạ gì lũ chúng nó.

Mấy người kiểm soát lại ra. Anh tổ trưởng nói:

– Chúng tôi đã hội ý với nhau và thống nhất giải quyết như thế này. Chiếu cố các anh thiếu hiểu biết và đã bỏ tiền bỏ sức từ Phước Vĩnh lên đây mua sắn. Đáng ra chúng tôi tịch thu toàn bộ số sắn các anh mua được. Nhưng để thể hiện sự nghiêm túc của luật pháp, đồng thời cũng thông cảm cho các anh, chúng tôi quyết định sẽ tịch thu một nửa số sắn của các anh mua được. Nếu các anh đồng ý thì ký vào biên bản và đưa sắn vào trong trạm để cân.

Dậu van nài:

– Các anh đã thương thì thương cho trót. Mỗi gánh sắn của chúng tôi các anh tịch thu mười cân lấy lệ, còn lại cho chúng tôi gánh về giúp đỡ gia đình.

Anh tổ trưởng nói kiên quyết:

– Đã chiếu cố đến nước ấy mà các anh còn chưa chịu thì chúng tôi đành làm thẳng tay vậy.

– Thôi không phải xin xỏ gì cho nhọc sức. Gánh vào cho họ muốn lấy bao nhiêu thì lấy để ra ngoài ga kiếm ngụm nước chứ tôi khát đến khô cả họng rồi.

Nói xong, Tế không gánh mà dùng hai tay kéo lê hai sọt sắn đi vào trạm kiểm soát khiến những củ sắn từ trong sọt rơi ra rải khắp mặt đường.

Một giờ sáng có chuyến tàu chở hàng viện trợ từ phía bắc chạy về. Dậu và Tế xin mấy anh bộ đội áp tải đi nhờ. Hai người dồn sắn lại thành một sọt cho gọn, ba chiếc sọt không vứt lại nằm lăn lóc ở sân ga.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.