Đọc truyện Bí Thư Tỉnh Ủy – Chương 27Quyển 1 –
Bước vào phòng làm việc ông Kim, bà Thường hỏi với giọng bực bội:
– Có gì mà chú bảo chú Đô cho gọi tôi sang?
– Tôi cho mời chị sang chứ có phải gọi chị sang đâu.
– Vẽ chuyện. Mời hay gọi cũng thế cả.
– Đang có chuyện gì làm chị bực mình phải không?
– Bực cái lão Đình quá thể – Bà Thường nói hắt ra – Tôi đang định sang chú thì tay ấy gọi lại hỏi có phải ở Hồng Vân người ta lấy ruộng đất của Hợp tác xã chia cho xã viên không. Tôi kể cho hắn nghe chuyện ở Hồng Vân. Nghe xong hắn bảo lãnh đạo Vĩnh Hòa và Hồng Vân sai to, rồi hắn thuyết một lô một lốc nào là đường lối tập thể hóa, nào là quá độ đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Nghe mà lộn ruột.
Ông Kim cười:
– Thiếu gì những anh giống như con vẹt học nói tiếng người hả chị. Sự thiển cận, máy móc, giáo điều đôi khi phải trả cái giá bằng máu. Và trong thực tế chúng ta cũng đã nhận được những bài học đau xót rồi chị ạ. Thôi, chị nghĩ đến những chuyện vặt ấy làm gì. Còn bao nhiêu việc cần nghĩ, cần làm hơn. Chị đã tĩnh tâm lại chưa để bàn công việc nào.
Bà Thường thở dài:
– Chú còn khổ nhiều với những kẻ như tay Đình.
– Tôi chỉ sợ tổ chức không tin mình, nhân dân không tin mình. Ngoài ra tôi chẳng sợ gì hết. Tôi cho mời chị qua để hỏi chị có sắp xếp đi xuống Hồng Vân vài hôm được không?
Bà Thường đưa tay với cái điếu cày, hỏi:
– Có việc gì mà chú cử tôi xuống Hồng Vân?
– Tình hình Hợp tác xã trong tỉnh ta như thế nào chắc chị biết rồi đấy. Nếu không mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất thì tình trạng thiếu hụt lương thực sẽ diễn ra triền miên không khi nào dứt được đâu chị ạ. Mấy hôm nay tôi dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ xem nên bắt đầu thay đổi từ đâu.
– Chú định gỡ khâu nào trước?
– Trước mắt có hai việc có thể làm được là tìm một vài phương pháp khoán hợp lí, khoa học, kích thích được niềm hăng say lao động của nông dân, việc khác là hóa giá một số nông cụ bán lại cho xã viên chứ không để cho Hợp tác xã quản lí hết. Làm được hai việc ấy là đã tháo gỡ được một phần bế tắc rồi. Việc này tôi chỉ trao đổi với chị và tay Côn thôi chứ không muốn trao đổi trong tập thể thường vụ vì nói ra thế nào tay Đình cũng phản đối rồi đem ra rêu rao với mấy ông phái viên thêm phiền phức.
– Ý kiến của chú Côn thế nào?
– Tay Côn còn phân vân chuyện hóa giá nông cụ bán cho xã viên.
– Chú Côn phân vân là đúng. Việc tìm phương pháp khoán thì được nhưng việc hóa giá nông cụ để bán cho xã viên thì tôi khuyên chú hẵng từ từ đã. Đây là vấn đề có liên quan đến đường lối tập thể hóa cho nên phải hết sức thận trọng.
– Cấp trên ở xa không nắm được hiện tình của nông dân nên không thay đổi chẳng nói làm gì. Còn chúng ta đã nhận ra những nhược điểm của cơ chế đối với Hợp tác xã quy mô mà không dám mạnh dạn thay đổi thì đến bao giờ nông dân mới thoát cảnh ăn bữa hôm lo bữa mai hả chị?
– Tôi biết cái tâm của chú đối với bà con nông dân nhưng không vì sốt ruột mà hành động không cân nhắc. Tôi nghĩ bây giờ chú như người đang ngồi trước bàn cờ. Chỉ cần đi nhỡ một nước là coi như chẳng còn gì.
Ông Kim ngồi yên lặng một lúc bỗng nói bật ra:
– Làm chui như thằng Hồng Vân thì sao hả chị? Cứ làm chui vài Hợp tác xã xem binh tình ra sao để rút kinh nghiệm rồi sẽ có chủ trương cụ thể.
– Hợp tác xã Hồng Vân làm chui cuối cùng chú và tôi đều biết. Còn chú tưởng chú làm chui thì không ai biết hay sao.
– Nhụt hết ý chí chiến đấu rồi – Nói xong ông Kim vớ lấy cái điếu cày đứng lên bước ra hiên ngồi xổm xuống rít thuốc lào.
Bà Thường lắc đầu nhìn theo. Bà không biết ông Kim nói mình nhụt hết ý chí chiến đấu hay nói bà và ông Côn. Bà bỗng thấy thương ông Kim vô hạn.