Đọc truyện Bí Thư Tỉnh Ủy – Chương 19Quyển 1 –
Đúng với tính cách của ông Hoàng Kim – đã nghĩ là làm, đã nói thì phải làm – sáng hôm sau ông cùng với bà Thường và ông Côn xuống huyện Vĩnh Hòa rất sớm, vừa lúc cán bộ, nhân viên của huyện cũng vừa có mặt tại cơ quan. Chiếc com-măng-ca phủ kín lá ngụy trang dừng lại trước sân. Bằng, bí thư huyện ủy và Mích, chủ tịch huyện từ trong nhà chạy ra đón. Bằng vồn vã bắt tay ông Kim:
– Không biết có chuyện vui hay chuyện buồn đến với chúng em đây mà bí thư và anh Côn, chị Thường xuống hỏi thăm sớm thế.
– Nghe ông Côn về báo cáo việc làm ăn vô nguyên tắc của các cậu nên hôm nay tớ và chị Thường trưởng ban thanh tra tỉnh ủy xuống xem xét mức độ vi phạm chủ trương đường lối của các cậu đến mức nào để có hình thức kỷ luật cho thích đáng.
– Bí thư nói xuống xem xét kỷ luật chúng em mà không thấy la hét như mọi lần, ngược lại mặt tươi roi rói kia chắc là không phải rồi.
– Thế cậu bảo tớ nên có bộ mặt như thế nào. Phải khóc à?
– Em biết tính của bí thư mỗi khi có chuyện gì không vừa ý là quát um lên, sau đó ngồi xổm rít thuốc lào liên tục rồi ngửa mặt nhìn trời. Hôm nay không thấy làm thế nên chắc là xuống để khen chúng em đây.
– Tay này láu cá thật. Nó phê bình khéo mình mà chẳng mắng trả lại nó được.
Vừa ngồi xuống ghế, ông Kim vừa nói thong thả:
– Vừa rồi ông Côn về có báo cáo việc các cậu chủ trương để cho các hộ có ao tự thả cá và chia đất cho bà con làm vụ ngô xen canh. Tớ và chị Thường trong Ban thường vụ hôm nay xuống để nghe các cậu báo cáo cụ thể về việc này.
Mích thanh minh ngay:
– Báo cáo bí thư, thực ra đó không phải là chủ trương của huyện ủy mà là tự phát của bà con xã viên…
Ông Kim ngắt lời:
– Sợ bị quy trách nhiệm phải không?
– Báo cáo bí thư, anh Mích nói đúng đấy chứ chẳng phải sợ quy trách nhiệm đâu – Bằng bào chữa – Việc Hợp tác xã Hồng Vân cho những hộ có ao trong vườn nhà mình thả cá và xen canh vụ ngô là do xã viên nghĩ ra. Lúc đầu ban quản trị Hợp tác xã không dám làm, thậm chí còn tịch thu cá của những hộ có ao nuôi trộm nhưng rồi người ta vẫn nuôi. Một hộ làm được, các hộ thấy thế làm theo giống như nước vỡ bờ. Ban quản trị Hợp tác xã và đảng ủy Hồng Vân thấy tình hình phát triển như vậy liền họp bàn khoán ao cho dân nhưng không dám báo cáo với huyện về việc làm của mình. Việc đó đến tai một số đồng chí huyện ủy viên. Có người phân vân cách làm trên nhưng cũng có người phản ứng dữ dội. Họ cho rằng đảng ủy Hồng Vân đang trả tài sản của tập thể cho nông dân làm ăn cá thể. Em đã xuống Hồng Vân trực tiếp kiểm tra. Gặp những bà con có ao người ta bảo: Ao góp vào Hợp tác xã, Hợp tác bỏ hoang cho bèo phát triển. Bây giờ Hợp tác xã khoán cho chúng tôi nuôi cá vừa có cái ăn vừa có cái bán, Hợp tác xã cũng được hưởng một phần đem bán rẻ cho những người không có ao. Thịt lợn, cá to Nhà nước cấm bán ở chợ. Quanh năm chúng tôi chỉ ăn cá vụn, tép riu. Giờ cả xã được ăn cá to do chúng tôi nuôi hỏi sai ở chỗ nào. Để dân đói thì cho là đúng, làm ra để ăn no thì bảo là sai. Chúng tôi hỏi ông bí thư huyện ủy vì sao lại có chuyện lạ đời thế. Thú thực em không biết trả lời mọi người thế nào nên nói bừa: Vậy thì bà con làm sao được no thì làm. Nhưng nhớ không được phạm pháp luật và chủ trương đường lối của Đảng.
– Vậy chuyện phát triển vụ ngô xen canh?
– Báo cáo bí thư, con đường dẫn đến vụ ngô xen canh êm ái hơn – Bằng báo cáo tiếp – Ở Hồng Vân người ta làm vụ ngô xen canh trên ruộng phần trăm từ mấy năm trước. Người đi đầu phong trào này là cụ Rau, người thôn Hạ Hòa…
– Ai chứ cụ Rau tớ biết. Trong kháng chiến chống Pháp, có một thời gian cụ làm giao thông cho tỉnh ủy. Ngày ấy gọi công việc đưa thư từ, công văn là giao thông. Năm ngoái tớ có về thăm cụ, sao không nghe cụ nói gì nhỉ. Cụ có khoẻ không?
– Trên sáu mươi mà cày bừa làm ruộng phần trăm các xã viên trẻ còn chạy xa. Khi nghĩ ra việc làm ngô xen canh, cụ Rau thực hiện ngay trên ruộng phần trăm của mình. Cụ tự tìm lấy giống má. Thấy cụ Rau làm, nhiều người làm theo. Năm ngoái tay An, chủ nhiệm Hợp tác xã Hồng Vân mạnh dạn chia đất sau vụ mùa cho xã viên làm. Ai có sức bao nhiêu cho nhận diện tích bấy nhiêu không hạn chế. Hợp tác xã chịu công cày, giống, phân, nước tưới. Mỗi sào ngô Hợp tác xã thu hai mươi lăm cân ngô khô, còn lại xã viên hưởng tất. Vụ ngô xen canh đầu tiên, sau khi nộp cho Hợp tác xã rồi có nhà thu hoạch được gần một tấn ngô khô.
Bà Thường ngạc nhiên:
– Gần một tấn ngô?
– Vâng – Mích đáp – Đất Hồng Vân rất hợp với cây ngô. Thả hạt giống xuống là cứ thế lên nhanh như thổi.
– Vụ ngô xen canh đầu tiên Hợp tác xã Hồng Vân thu được bao nhiêu tấn?
– Báo cáo Bí thư, huyện chưa nắm được ạ. Nhưng chắc chắn là không dưới năm mươi tấn ngô khô.
– Nếu đúng như cậu nói thì to chuyện đấy. Bây giờ tớ muốn nghe những ý kiến thuận chiều và ngược chiều của các huyện ủy viên cũng như đảng viên trong đảng bộ Vĩnh Hòa? Trước hết là nói đến ý kiến của những người phản đối.
– Báo cáo bí thư có hơn một nửa huyện ủy viên, trong đó có mấy đồng chí giữ cương vị bí thư đảng ủy xã và chủ nhiệm Hợp tác cho rằng việc giao ao cho các hộ tự thả cá cũng như chia đất cho xã viên làm vụ ngô xen canh là làm trái chủ trương tập thể hóa Xã hội Chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước, đưa nông dân trở về con đường làm ăn riêng lẻ. Thú thực với bí thư thấy lực lượng phản đối đông quá, bản thân em và anh Mích cũng rất hoang mang.
Bà Thường nghe Mích nói vậy, bảo:
– Các chú lo là phải. Lập trường tư tưởng giống như cột sống giúp cho con người đứng vững. Nhưng phải hiểu cho đúng nghĩa mấy chữ lập trường tư tưởng. Đó là tính kiên định của con người khi mình cho việc làm của mình là đúng đắn, đưa lại lợi ích cho dân, cho nước.
– Theo các cậu có nên đưa việc này ra thảo luận trong huyện ủy không? – Ông Kim hỏi.
– Hôm trước tôi cũng đã nói với các cậu ấy rồi – Ông Côn nói chen ngang – Nếu như có ai đó phản đối việc làm của Hợp tác xã Hồng Vân thì phải nói với họ là việc làm của Hồng Vân không có gì sai. Ao vẫn là ao của Hợp tác. Ruộng đất làm vụ ngô xen canh xong vẫn trả lại cho Hợp tác làm vụ chiêm. Trong khi đó cả nông dân lẫn Hợp tác thu thêm một nguồn lợi không nhỏ. Nhưng các cậu ấy vẫn phân vân việc làm của Hồng Vân có đi chệch con đường Xã hội Chủ nghĩa hay không nên chưa dám công khai ủng hộ.
– Chủ trương đường lối của Đảng lúc nào cũng là màu xanh đầy sức sống. Nhưng do nhận thức hoặc máy móc, giáo điều đã biến chủ trương đường lối của Đảng thành màu xám.
Bằng cười:
– Bí thư nói những lời ấy còn được chứ chúng em mà nói ra những lời lẽ như bí thư vừa rồi chắc sớm cuốn gói rời khỏi cương vị bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện.
Ông Kim:
– Cây ngay sợ gì chết đứng.
Mích cười:
– Chặt phăng một lát cho ngã kềnh ra thì chỉ có chết nằm chứ làm gì có chết đứng mà chúng em sợ.
– Sắp tới tỉnh ủy soạn tài liệu để mở một đợt sinh hoạt chính trị cho đảng viên toàn tỉnh đảng bộ. Nhân đợt sinh hoạt chính trị này, các cậu cứ mạnh dạn trình bày quan điểm của mình về việc làm của Hợp tác xã Hồng Vân. Khẳng định việc làm của Hồng Vân không sai. Vẫn nằm trong chủ trương đường lối của Đảng là đưa lại no ấm cho nông dân. Tớ sẽ về dự và làm súng đại liên để yểm hộ cho các cậu xung phong. Bây giờ tớ muốn xuống gặp trực tiếp đảng ủy và Ban quản trị Hồng Vân, tiện thể ghé vào thăm cụ Rau luôn. Cậu Bằng hay cậu Mích cùng đi với chúng tớ.
– Em đi – Bằng hào hứng nhận lời – Xuống Hồng Vân làm việc xong, trưa nay huyện ủy và ủy ban mời bí thư, chị Thường và anh Côn quay về đây ăn cơm.
– Xuống Hồng Vân làm việc xong tớ về luôn. Chiều nay còn làm việc với tỉnh đội về kế hoạch tuyển quân.
– Huyện đã làm cơm nhỡ rồi, không ăn chúng em vẫn thanh toán với tỉnh ủy.
– Vậy thì ăn chứ dại gì bỏ bữa cơm chiêu đãi. Hơn nữa ăn để mừng huyện các cậu đã làm hé ra chút ánh sáng ở cái hũ nút Hợp tác xã.
Trong khi mọi người lên xe, Bằng chạy đến nói nhỏ với Mích:
– Ông ở nhà cho mấy cậu vào trong làng xem nhà ai còn cam mua vài chục cân về biếu tỉnh ủy. Nhớ dặn chúng nó thật bí mật. Trong khi ông Kim ngồi ăn cơm thì đưa cam giấu thật kín trong xe. Tính ông ấy không thích ai biếu quà. Phải đưa ông ấy vào cái thế đã rồi.
– Được rồi, ông cứ đi với bí thư. Mọi việc ở nhà tớ lo chu tất.
Xe của ông Kim vào trụ sở ủy ban xã Hồng Vân, một khu nhà cấp bốn cũ kỹ. Kỳ, bí thư đảng ủy ngồi trong nhà nhìn ra:
– Hình như xe của bí thư tỉnh ủy xuống hay sao các ông ạ.
– Đúng là xe của bí thư tỉnh ủy rồi – Năng, chủ tịch xã nhìn rồi lo lắng bảo – Chắc có chuyện rồi đây.
Trong khi những người ra đón cùng ông Kim đi vào trụ sở thì Kỳ kéo Bằng lùi lại hỏi nhỏ:
– Có phải tỉnh ủy xuống kiểm tra việc làm của Hợp tác xã Hồng Vân không?
– Không phải kiểm tra mà muốn hỏi cho rõ cách thức làm ăn thôi. Cậu nhớ chuẩn bị báo cáo cho cụ thể. Ở trên huyện tớ đã báo cáo sơ qua rồi. Này, làm sao thông báo cho chủ nhiệm Hợp tác xã lên gặp được ông Kim nhỉ?
– Tôi cho người đi gọi. Nhiều lắm nửa tiếng tay An chủ nhiệm có mặt.
– Cậu cho người đi gọi đi.
Thấy Bằng và Kỳ vào sau, ông Kim hỏi đùa:
– Có phải bí thư đảng ủy đang bàn với bí thư huyện ủy cách đối phó đấy phải không?
Kỳ cười gượng:
– Quả có thế thật. Thấy bí thư và trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy xuống em lo quá.
Ông Kim cười:
– Thảo nào khi bước vào đây tớ nhìn thấy quân, tướng của xã mặt tay nào cũng tái xanh như đít nhái.
Mọi người đang nói chuyện vui thì An, chủ nhiệm Hợp tác xã Hồng Vân bước vào. Cũng như Kỳ và Năng, thái độ của An tỏ ra lo lắng. Năng giới thiệu An với ông Kim:
– Báo cáo bí thư, đây là đồng chí An, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hồng Vân.
An lúng túng:
– Chào bí thư, chào chị, chào anh Côn.
Ông Kim chỉ vào bà Thường giới thiệu:
– Đây là chị Thường, trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy.
Mặt An biến sắc:
– Dạ… dạ… chào chị.
Thấy thái độ lo lắng, sợ sệt của An, ông Kim làm bộ mặt nghiêm nghị:
– Đừng quá lo lắng như vậy. Hôm nay tôi và chị Thường về đây để làm cho rõ ai cho phép cậu giao ao cho xã viên thả cá và chia đất cho xã viên trồng ngô xen vụ. Các cậu to gan thật. Dám chia ruộng cho nông dân làm ăn riêng lẻ.
An run thật sự, nói lập bập:
– Báo cáo bí thư, bí quá làm liều. Mong bí thư và trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy thông cảm.
Ông Kim vẫn chưa tha:
– Cứ làm bậy rồi bảo cấp trên thông cảm. Theo cậu thì tớ phải thông cảm với cậu như thế nào đây?
– Đã nhỡ ra rồi thì chỉ mong bí thư và trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy giơ cao đánh khẽ chứ biết sao bây giờ. Em cũng chỉ mong cho dân trong Hợp tác no nên mới làm liều.
Bà Thường nhìn thấy người An co rúm lại thương quá liền bảo:
– Lão Kim trêu cậu đấy đừng lo.
– Thế mà em tưởng – Nói rồi An cười và thở phào.
– Tưởng phen này thì chết đến nơi rồi có phải không?
– Vâng. Đúng như thế đấy ạ.
Ông Kim vui vẻ lấy điếu cày thong thả cho thuốc vào rít một hơi rồi bảo:
– Cậu thử nói cho tớ nghe cậu nghĩ gì khi khoán cho xã viên nuôi cá và làm vụ xen canh?
– Báo cáo với bí thư, quyết định cho xã viên tự thả cá và làm cây ngô xen canh cũng không phải dễ dàng gì. Phải đấu tranh đến sứt đầu mẻ trán với một số đảng viên trong chi bộ, chịu nhận mọi lời quy kết, buộc tội. Có đồng chí đảng viên nói thẳng vào mặt em: Hễ cứ thấy dân đói là nhắm mắt phản Đảng hay sao…
Ông Kim ngắt lời:
– Những người như thế không đáng trách vì do trình độ nên hiểu hai tiếng trung thành quá đơn giản đi đến mù quáng. Nhưng cũng phải hết sức trân trọng tấm lòng của họ đối với Đảng. Họ là những người dám xả thân khi Đảng cần. Họ nói chẳng qua là họ muốn bảo vệ Đảng mà thôi.
– Vâng, chúng em hiểu. Đấu tranh thì đấu tranh nhưng hàng ngày chúng em vẫn quý trọng lẫn nhau. Em xin báo cáo tiếp về những việc làm của Hợp tác Hồng Vân để bí thư, chị Thường và anh Côn nắm được. Trước hết là về vấn đề cho xã viên tự thả cá tại ao nhà mình. Sau khi đưa Hợp tác xã lên quy mô, ao chuôm của các gia đình đều trở thành công sản. Nhưng trong thực tế Hợp tác xã chỉ ôm được những ao đầm ở ngoài đồng chứ không đủ sức quản hàng trăm cái ao ở trong vườn nhà của xã viên, thành ra mấy năm nay hàng trăm cái ao có hàng chục héc-ta mặt nước đành bỏ hoang cho bèo phát triển. Một vài gia đình thấy tiếc nên mua cá giống về thả trộm. Một số người trong ban quản trị biết nhưng lờ đi. Nhưng một số người yêu cầu kiên quyết tịch thu số cá họ nuôi được đem thả vào ao Hợp tác.
Ông Kim:
– Cậu thuộc nhóm những người lờ đi hay kiên quyết tịch thu?
An tỏ ra ngượng ngập:
– Chẳng giấu gì bí thư, nhà em có cái ao rộng hơn nửa sào, thấy bị bỏ hoang tiếc quá nên cũng mua cá giống Hợp tác về thả trộm.
Mọi người cười ồ.
Bà Thường:
– Hóa ra thế. Bây giờ cháy nhà mới ra mặt chuột. Có ai biết chú thả cá trộm không?
– Nhiều người biết vì em nhỡ dại đi xin cá giống của Hợp tác.
– Đúng là cái đồ ăn vụng mà không biết chùi mép. Thế xã viên có ai biết cậu nuôi cá trộm không?
– Chắc là nhiều người biết cho nên mọi người cho rằng Chủ nhiệm hợp tác còn thả cá trộm, mình dại gì không thả. Thế là mọi nhà đua nhau mua cá giống về thả, Hợp tác không làm sao cản được.
Ông Kim cười rất to:
– Đúng là đảng viên đi trước, làng nước theo sau.
– Cũng nhờ thế mà em nghĩ ra việc cần sử dụng ao và lao động tại chỗ làm lợi cho Hợp tác. Em đưa việc ấy lên báo cáo với anh Kỳ và anh Năng, may sao anh Kỳ và anh Năng hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của em.
– Mỗi năm Hợp tác xã thu được bao tấn cá từ các ao của xã viên?
– Báo cáo bí thư. Hợp tác xã cấp giống, các gia đình tự chăm sóc. Tùy theo mặt nước ao mà Hợp tác thu. Lúc đầu định tính chia ba. Người nuôi hai phần, Hợp tác xã một phần. Nhưng sau thấy làm như vậy thì những nhà có ao diện tích mặt nước bé chẳng có bao nhiêu cá nên làm theo phương án do dân đề xuất. Ao có diện tích trên hai trăm mét vuông, nộp cho Hợp tác hai mươi lăm cân. Ao dưới hai trăm mét vuông, Hợp tác thu hai mươi cân. Ao dưới một trăm mét vuông thu mười cân. Có nhà chỉ thu năm cân vì ao quá bé. Tính chung mỗi vụ cá Hợp tác thu được trên dưới năm tấn cá. Số cá Hợp tác thu được không phải bán cho Nhà nước mà bán rẻ gần như giá cung cấp cho những gia đình không có ao. Còn những nhà có ao thì cho bán tự do ngoài thị trường.
Ông Kim thấy lòng mình phơi phới. Trước mắt ông đang hiện dần những viễn cảnh tươi sáng có thể thoát ra khỏi sự bế tắc hiện tại. Ông hết nhìn An, nhìn Kỳ lại quay sang nhìn Bằng. Những người phá vỡ bức tường của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp không ai khác ngoài những con người suốt ngày bám lấy đồng ruộng, lắng nghe từng hơi thở nhọc nhằn của người nông dân, nhìn thấu tận nồi cơm lúc vơi lúc đầy của họ. Ông nói như một lời tâm sự:
– Hợp tác xã biết chăm lo cho dân như vậy là rất tốt. Giá như Hợp tác xã nào trong tỉnh cũng được như vậy.
Bà Thường hỏi:
– Dư luận của xã viên qua những việc làm vừa rồi của Hợp tác ra sao?
– Báo cáo chị, xã viên rất phấn khởi. Họ ước gì cây lúa cũng được khoán thẳng cho hộ gia đình như làm ngô xen canh thì Hợp tác sẽ giàu to.
Đang trầm ngâm suy nghĩ, nghe An bảo dân muốn khoán thẳng cây lúa, ông Kim như chợt tỉnh:
– Cậu vừa nói cái gì. Xã viên muốn khoán thẳng cây lúa như làm xen canh cây ngô à?
An nghĩ mình nói nhỡ lời nên vội thanh minh:
– Dân người ta nghĩ vậy chứ đời nào chúng em cho làm ạ.
– Sao không cho làm? – Ông Kim hỏi dồn.
– Dạ, cây ngô chỉ làm mấy tháng, thu hoạch xong trả lại đất cho Hợp tác. Còn nếu giao đất cho xã viên làm lúa thì có khác gì mở đường cho nông dân trở về thời kỳ làm ăn riêng lẻ ạ.
Ông Kim nói giọng nửa đùa, nửa châm biếm:
– Khó đấy nhỉ. Đưa nông dân trở về con đường làm ăn tư bản thì chết cả nút. Ông chết, tay Kỳ chết, tay Bằng chết và tớ cũng chết – Ông Kim nói tiếp – Tớ hỏi thật, cậu cứ thẳng thắn trả lời những suy nghĩ của mình. Theo cậu có thể áp dụng kiểu khoán cây lúa như làm cây ngô xen canh được không?
– Báo cáo với bí thư, em chưa dám nghĩ đến chuyện này nên không biết trả lời bí thư thế nào. Thú thật khi làm vụ ngô xen canh, lúc đầu cũng run khi quyết định chia đất cho xã viên. Mình nói làm xong vụ ngô thì trả lại đất, nhỡ xã viên thấy làm ăn riêng lẻ năng suất cao rồi không trả lại đất thì sao? Bàn đi tính lại cuối cùng phải bắt xã viên viết giấy cam kết bấy giờ mới dám chia đất, không ngờ mọi việc đều suôn sẻ. Làm vụ ngô xen canh có ba cái lợi lớn. Thứ nhất là xã viên thu được một khối lượng lương thực không nhỏ. Thứ hai là tận dụng được lao động nhàn rỗi sau khi gặt vụ mùa xong. Thứ ba là nông dân có cái đun. Nhưng đưa việc khoán vụ xen canh ngô ra làm với vụ lúa, em nghĩ không đơn giản.
– Đúng vậy, không đơn giản. Dám nghĩ, dám làm là tốt, nhưng cũng phải hết sức thận trọng. Làm đến đâu chắc đến đấy. Các cậu phải tâm niệm điều sau đây. Bất luận làm gì cũng không được phá vỡ Hợp tác xã. Phá vỡ Hợp tác xã là có tội với Đảng, với vong linh của những người đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Chúng ta chỉ được phép làm sao Hợp tác xã trở thành một mô hình kinh tế tập thể Xã hội Chủ nghĩa, không những chỉ đưa lại no ấm mà còn làm cho nông dân giàu có.
– Chúng em hiểu điều đó. Nhưng quá thận trọng đôi khi chẳng làm được việc gì hết bí thư ạ. Hay bí thư cho phép chúng em làm liều một chuyến thử xem sao bí thư? – An mạnh dạn đề nghị.
– Đã làm thì phải có kết quả và có sức thuyết phục với cấp trên nếu như cấp trên có hỏi chứ không thể làm liều được. Các cậu phải dựa vào dân, dựa vào những người như cụ Rau thì thế nào cũng tìm được cách làm tốt nhất mà chẳng khi nào bị sai phạm. Chết chửa, nhắc đến cụ Rau mới nhớ. Định xuống thăm cụ mà hết giờ rồi. Chiều nay tớ còn làm việc với tỉnh đội. Có khi tớ nhờ cậu An nói giùm với cụ Rau là tớ về xã làm việc nhưng muộn quá không xuống thăm cụ được. Nhớ nhé. Không thì cụ lại bảo về đến xã mà không thèm đến thăm cụ.
– Bí thư yên tâm. Cụ Rau cũng là người dễ tính không chấp vặt ai bao giờ.
– Việc các cậu cho xã viên thả cá tại ao nhà mình và làm vụ xen canh thì cứ yên tâm. Ai có nói gì thì cứ nói thẳng là bí thư tỉnh ủy đã biết việc này rồi. Ai thắc mắc thì lên gặp tớ.
– Bí thư đã nói thế thì chúng em yên tâm – Kỳ nói với thái độ phấn chấn.
– Nói vậy thôi chứ rồi đây sẽ rắc rối đấy. Nhưng mọi việc để tớ giải quyết. Mình làm cho dân no, không trộm cắp, không tư túi chẳng có gì mà sợ. Tâm niệm được điều này thì chẳng có gì phải lo.
Buổi chiều khi xe về đến cơ quan tỉnh ủy, bước xuống xe nhìn thấy hai cái bao chật căng để ở sau hàng ghế, ông Kim hỏi Hành:
– Bao gì thế cậu?
– Dạ cam của huyện Vĩnh Hòa gửi biếu tỉnh ủy.
– Ai nhận?
– Họ đem ra bỏ lên xe chứ không ai nhận hết ạ.
– Không nhận sao biết cam của huyện Vĩnh Hòa gửi biếu tỉnh ủy?
– Họ nói rồi bỏ đi, không kịp để em nói gì.
Ông Kim nổi cáu:
– Sao khi lên xe cậu không báo cáo với tớ? Cậu đã biết tính tớ rồi. Đi xuống cơ sở không khi nào nhận quà cáp của ai. Bây giờ cậu cho hai bao cam kia xuống rồi xuống nhà bếp mượn cái cân, cân xem bao nhiêu cân. Sau đó bảo tay Đô thông báo cho cơ quan ai mua thì cân lên bán cho người ta theo giá mậu dịch. Được bao nhiêu gửi tiền trả lại cho huyện Vĩnh Hòa.
Bà Thường nói nhẹ nhàng:
– Chú phải phân biệt người biếu xén vì tình cảm, kẻ biếu xén vì cầu lợi. Tôi nghĩ mấy đồng chí ở Vĩnh Hòa vì tình cảm mà gửi biếu cam chứ không vì cầu lợi. Chú làm căng thế đâm ra phụ lòng tốt của anh em.
Ông Kim chưa kịp nói gì thì tiếng còi báo động phòng không rú lên khẩn thiết. Chưa đầy năm phút sau có tiếng bom dội lại. Còn nghe rõ cả tiếng máy bay phản lực chứng tỏ Mỹ ném bom không xa thị xã là mấy – Không khéo nó ném bom mấy cái cầu và nhà ga thuộc địa phận Tam Bình rồi – ông Kim lo lắng nói một mình.
– Anh để tôi vào gọi điện hỏi bên tỉnh đội xem nó ném bom ở đâu – Ông Côn bảo.
– Ông để tớ hỏi rồi còn lo việc chỉ đạo.
Ông Kim chạy vào phòng làm việc của mình. Lát sau ông Kim đi ra bảo với mọi người:
– Máy bay địch đánh trạm ra-đa Phú Bình, chưa nắm được thiệt hại. Tuần này chúng đánh vào địa phận của tỉnh ta hai lần rồi. Tình hình có vẻ căng đây.