Đọc truyện Bí Thư Tỉnh Ủy – Chương 17Quyển 1 –
Suốt chặng đường từ Gia Đạo về huyện ủy Tam Bình, ông Kim ngồi yên như pho tượng. Những gì ông nghe, ông thấy lâu nay về sản xuất của các Hợp tác xã nông nghiệp và đời sống của người nông dân trong tỉnh khiến ông thực sự bất an. Một loạt câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu ông: Làm sao đưa Hợp tác xã trở về đúng với vị trí vai trò của nó là một đơn vị kinh tế tập thể Xã hội Chủ nghĩa? Ở đó lợi ích của nông dân và lợi ích của Nhà nước phải được coi trọng như nhau, theo phương châm nước nổi, thuyền nổi. Muốn thế thì phải đưa kinh tế hộ trở thành chủ thể song song với vai trò của Hợp tác xã. Nhưng chủ trương khi đưa Hợp tác xã lên quy mô đã tập trung toàn bộ tư liệu sản xuất vào trong tay Hợp tác, làm sao mà gỡ được cái khâu này đây? Nghĩ vẩn vơ, ông Kim bỗng nhớ đến những năm tháng đi làm thuê cho địa chủ Trần Đình. Một mình ông ta có trong tay hàng trăm mẫu ruộng, năm bảy chục kẻ ăn người làm mà công việc đâu vào đó. Một tháng đôi lần cưỡi ngựa đi thăm ruộng, còn lại mọi việc đều giao cho người quản lí. Không kẻng, không còi mà người nào việc nấy. Sáng tinh mơ vác cày dắt trâu ra đồng, tối nhọ mặt người mới nghỉ. Người làm thuê khổ thì có khổ nhưng cái bụng lúc nào cũng no. Vẫn biết rằng ăn một thì phải làm trả mười. Vậy mà giờ đây mình làm cho mình, cho tập thể mà vì sao lại ăn dối làm giả? Là nông dân nhưng chẳng tha thiết với ruộng đồng. Sao vậy? Câu hỏi tưởng giản đơn nhưng khó trả lời.
Thấy ông Kim cứ ngồi trầm tư không vui vẻ tán chuyện như mọi lần, Chi hỏi:
– Anh đang nghĩ gì thế?
– Đi xuống Hợp tác xã thì ngoài việc nghĩ về Hợp tác ra còn nghĩ gì nữa. Cô và tay Đô thử giải thích cho tớ nghe vì sao nông dân lại không muốn làm ruộng?
– Đây cũng là câu hỏi thường xuyên em nghĩ tới. Theo em bây giờ nông dân tự dưng sinh ra đổ đốn như thế là do cái cơ chế của ta còn quá lỏng lẻo trong khâu quản lí. Cây hỏng là do cái gốc. Muốn nông dân trở lại đúng với bản chất cần cù của mình thì phải thay đổi một cái gì đó.
– Theo cô ta bắt đầu thay đổi từ đâu?
– Sai ở đâu thì sửa ở đó.
Đô tham gia:
– Khó lắm chị ơi. Tất cả đều nằm trong đường lối chính sách, chị đừng có dại mà đụng vào.
– Chú bảo không dám đụng vào để ôm nhau chết đói à?
– Thì chị thử đụng vào đi. Rơi cái chức bí thư huyện ủy như chơi.
Ông Kim chuyển qua giọng hào hứng:
– Vừa rồi tự nhiên tớ nghĩ đến chuyện ngày còn đi làm thuê cho địa chủ Trần Đình. Càng nghĩ, tớ càng phục nó sát đất…
– Bí thư tỉnh ủy mà phục địa chủ sát đất, anh không sợ quy tội mất lập trường à? – Hỏi xong Chi cười.
– Cái chết của mình là ở chỗ đó đấy. Cái gì dù hay đến mấy mà đã là của giai cấp tư sản, địa chủ phong kiến thì đều coi là dở, là thủ đoạn mị dân, là phồn hoa giả tạo. Vừa rồi tớ bảo tớ phục sát đất địa chủ Đình là phục cái tài quản lí lao động của ông ta. Trong tay có hàng trăm mẫu ruộng đất mà lại rải ra hai, ba nơi. Có nơi cách nhau đến cả chục cây số. Ngày thời vụ cấy, gặt thì thuê thêm người, còn lại trong nhà lúc nào cũng có hàng chục người ở làm thuê thường xuyên. Chẳng có chi bộ cũng chẳng có Ban quản trị lãnh đạo, chỉ đạo gì, cũng không kẻng, không còi, chỉ có vài anh quản lí, thế mà người nào việc nấy cứ thế mà làm. Chẳng roi chẳng vọt, phạt công, phạt điểm vậy mà cày ra cày, bừa ra bừa, cấy ra cấy. Giữa buổi cày, buổi cấy bao giờ cũng có gánh khoai, gánh sắn và nồi chè xanh đưa ra cho người làm thuê ăn giữa buổi để có sức làm tiếp. Làm gì có phân hóa học, có thuốc trừ sâu như bây giờ, chỉ có phân chuồng, nhưng nhờ làm đất kỹ nên năm nào lúa cũng chất đầy bồ đầy kho. Tất cả đều do công tác quản lí lao động chặt chẽ và khoa học. Tất nhiên cũng có cả bóc lột sức lao động của người làm thuê nữa.
Chi đùa:
– Hay là ta cho các Hợp tác xã học tập cách làm ăn của địa chủ Đình xem sao.
Ông Kim không để ý đến câu nói đùa của Chi. Tâm trí ông trở về với những ưu tư nặng trĩu khi nghĩ đến con đường gập ghềnh của các Hợp tác xã nông nghiệp và những hồi ức xa xăm… Trừ những năm ông được điều vào công tác trong quân đội, thời gian còn lại hầu như ông gắn bó với người nông dân. Làm bí thư huyện ủy Tam Bình ngay trong những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó là bí thư huyện ủy Linh Sơn rồi được cử phụ trách công tác kiểm tra và bí thư Nông hội tỉnh. Năm 1950, Trung ương lại điều ông sang Bắc Giang tham gia Thường vụ rồi Phó bí thư Tỉnh ủy. Đầu năm 1952 trở về làm Bí thư Tỉnh ủy Phước Vĩnh cho đến ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm, nhiều huyện, nhiều xã của Phước Vĩnh trở thành vùng trắng. Ruộng đồng bỏ hoang, hệ thống tưới tiêu trở nên hoang phế. Hòa bình lập lại, hàng ngàn gia đình tản cư trở về quê cũ trong cái đói lay lắt. Trong khi đó hàng ngàn gia đình công giáo rục rịch di cư vào Nam. Một núi công việc ụp lên đầu ông. Vừa phải khôi phục lại sản xuất để cứu đói, vừa chống lại âm mưu của Mỹ và Ngô Đình Diệm đang ra sức dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào công giáo di cư. Ông tung toàn bộ tỉnh ủy viên, huyện ủy viên xuống cơ sở để trực tiếp chỉ đạo. Còn ông với chiếc xe đạp Mercier cũ kỹ hôm nay huyện này, ngày mai lại có mặt huyện khác để đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo. Có ngày ông đạp xe đến bảy, tám chục cây số. Bệnh dạ dày của ông cũng bắt đầu đau từ đó. Khó khăn vất vả trong gần hai năm, cuộc sống trong tỉnh mới ổn định. Ông nhớ lại thời ấy tuy khó khăn vất vả là vậy nhưng khí thế lao động của nông dân hừng hực, hết phong trào thi đua này lại phát động tiếp phong trào thi đua khác. Còn giờ đây đang có một trở lực vô hình nào đó lúc nào cũng chen vào trong cái nghĩ cái làm của ông. Muốn gỡ ra mà chưa biết gỡ bằng cách nào…
– Anh đói bụng rồi hay sao mà trông thiểu não thế? – Chi lại hỏi đùa.
– Tớ đang nghĩ có nên cho các Hợp tác xã học tập cách làm ăn của địa chủ Đình theo như đề nghị của cô không – Ông Kim đùa lại.
Chiếc xe com-măng-ca tung bụi mù mịt trên con đường chạy vào phố huyện.