Đọc truyện Bí Thư Tỉnh Ủy – Chương 135Quyển 4 –
Bà Lê đi làm về phải ghé qua cửa hàng bách hóa mua số phiếu đường sắp hết hạn nên về nhà muộn hơn mọi ngày. Vừa nhìn thấy bà đạp xe về, chị Thu từ trong bếp ăn tập thể cầm đôi đũa cả trong tay chạy tới chặn xe bà Lê lại:
– Bác Lê. Bác cho em hỏi chuyện này.
Bà Lê thấy thái độ lo lắng của chị Thu hỏi vội vàng:
– Có chuyện gì mà trông cô hớt ha hớt hải thế?
Chị Thu nói giọng run run:
– Em nghe nói Trung ương đang về kiểm điểm bác trai phải không bác?
– Ai nói với cô thế?
– Bác không biết đấy thôi. Cả cơ quan đang lo cuống lo cuồng lên kia kìa.
Bà Lê bảo chị Thu:
– Ông Kim có chuyện gì mà Trung ương kiểm điểm? Cô đừng nghe mọi người đoán mò.
– Em cũng đoán thế. Cả đời bác Kim chỉ biết lo cho mọi người chứ có làm hại ai bao giờ đâu mà phải kiểm điểm. Ấy, như cái Hợp tác xã quê em mấy năm trước đây đến hạt thóc cũng không đủ để nấu cháo. Thế mà nay nhờ có khoán hộ nên chẳng còn lo đói nữa. Bà con bảo tất cả là do công của bác Kim.
– Công của tập thể tỉnh ủy chứ công gì riêng ông Kim nhà tôi. Khách chiều nay có ăn cơm bếp nhà ta không?
Chị Thu đáp nhanh nhẩu:
– Có đấy bác ạ. Gớm, chưa khi nào nhà bếp nấu cơm mà mấy anh công an lại nhìn từng li từng tí làm như sợ nhà bếp ăn bớt tiêu chuẩn không bằng.
– Chẳng phải sợ ăn bớt mà người ta bảo vệ đấy cô ạ.
– Ai bỏ thuốc độc đâu mà phải bảo vệ hả bác?
Bà Lê cười:
– Chẳng phải sợ bỏ thuốc độc nhưng nhỡ ra các cô làm ăn không cẩn thận, mất vệ sinh để các ông ấy đau bụng thì gay.
Bà Lê dắt xe về nhà. Thấy Đô đang đứng dưới gốc cây sưa với thái độ bồn chồn, bà Lê biết có chuyện chẳng lành nên hỏi Đô:
– Chú có nắm được tình hình làm việc giữa anh Trung Chính và Ban thường vụ như thế nào không?
– Công an đứng vòng trong vòng ngoài làm sao em đến gần để biết được. Nhưng chắc chắn là căng thẳng lắm. Vừa rồi giờ nghỉ giải lao, em ngồi trong nhà nhìn ra thấy anh Kim xách cái điếu cày ra ngồi một mình dưới gốc cây thị nhưng chỉ thấy cầm điếu thôi chứ không hút. Trông dáng vẻ anh ấy buồn lắm.
Bà Lê than:
– Khổ thân anh ấy. Tất cả sức lực trí tuệ đều dành cho cuộc sống no ấm của người nông dân thế mà cũng chẳng được yên. Lần này nếu có chuyện gì thì anh ấy suy sụp mất.
– Anh Kim không phải là người dễ đầu hàng đâu chị ạ. Anh ấy sẽ bảo vệ Nghị quyết của tỉnh ủy đến cùng cho chị xem.
– Trứng chọi với đá làm sao mà chịu nổi hả chú. Theo chú thì tình hình sẽ đi đến đâu?
– Em đang lo mọi việc sẽ bị đình lại và trở về làm ăn như cũ.
– Làm gì có cái chuyện ấy. Mà nếu có đi chăng nữa thì chắc gì nông dân lại chịu quay về đường cũ.
Hoàng hôn buông xuống đã lâu mà không thấy ông Kim về nhà. Bà Lê sốt ruột chạy qua hỏi Đô:
– Làm việc xong lâu lắm rồi, chú có biết anh chú và chị Thường đi đâu mà chưa thấy về ăn cơm?
– Em đang định xuống bảo với chị đây. Không biết có chuyện gì không mà em thấy anh ấy vẫn còn một mình ở trên phòng họp.
Bà Lê hốt hoảng:
– Chết chửa. Sao chú không vào hỏi xem anh ấy có sao không?
– Em sợ anh ấy đang suy nghĩ chuyện gì đó, em vào làm cắt đoạn suy nghĩ của anh ấy, anh ấy mắng nên em không dám vào.
– Chú chẳng ra sao. Nhỡ anh ấy căng thẳng quá đang lên cơn đau dạ dày thì sao? Chú đi với tôi lên đấy xem sao.
Bà Lê đi trước, Đô theo sau.
Trong bóng tối nhập nhoạng có tiếng quát khẽ:
– Ai? Đứng lại!
Bà Lê giật mình:
– Tôi là Lê, vợ của bí thư tỉnh ủy đây.
Anh công an đến gần nhận ra bà Lê:
– Xin lỗi chị, trời nhập nhoạng em nhìn không rõ. Chị đi đâu mà tối thế?
Bà Lê nhận ra người vừa hỏi mình là Thỉnh, công an tỉnh. Bà hỏi:
– Chú có thấy anh Kim còn ngồi trong phòng họp không?
Thỉnh đáp:
– Lúc họp xong em đi qua thấy còn ngồi ở đó, bây giờ không biết còn ở đó hay không.
Bà Lê và Đô vào phòng họp. Đô đưa tay bật đèn. Trong ánh sáng vàng vọt, ông Kim ngồi như bất động. Bà Lê hốt hoảng chạy tới:
– Anh có sao không?
Ông Kim vội vàng đáp:
– Không sao, không sao.
– Không sao, sao họp xong ngồi lì ở đây không về nhà ăn cơm?
Ông Kim chống chế:
– Có nhiều việc cần suy nghĩ nên ngồi một mình ở đây cho yên tĩnh.
Bà Lê than vãn:
– Chẳng biết họp hành kiểu gì mà trông anh thảm hại quá đi mất. Chú Đô dìu anh chú về nhà hộ chị.
Ông Kim cáu:
– Ơ hay cái cô này. Người ta chẳng đau chẳng ốm gì bỗng dưng nhờ người dìu là thế nào.
Nói xong ông Kim uể oải đứng lên đi ra khỏi phòng.
Tối ấy ông Kim định bỏ cơm. Bà Lê dỗ mãi ông mới nhai trệu trạo vài miếng rồi xách cái ghế ra ngồi ở sân. Bà Thường cũng không thấy về nhà ông Kim ăn cơm như mọi ngày. Đêm nặng nề bao trùm lấy khuôn viên khu vực tỉnh ủy. Tiếng ếch nhái kêu râm ran. Thỉnh thoảng tiếng điếu cày rít lên sòng sọc. Bà Lê dọn bát đĩa xong xách một cái ghế từ trong nhà ra ngồi cạnh ông Kim. Hơn hai mươi năm làm vợ, bà rất hiểu tính tình của chồng. Vui buồn nóng giận chẳng khi nào giấu được. Nhìn thái độ ông Kim từ tối đến giờ, bà biết đang có điều gì đó làm cho ông vô cùng khổ tâm. Bà nói như vỗ về:
– Anh đừng có lấy thuốc lào để chữa cơn buồn bực của mình. Rít lắm đứt ruột mà chết đấy. Họp hành có chuyện gì bình tĩnh nói cho em nghe nào, xem em có giúp được gì không.
– Không có chuyện gì đâu.
– Không có chuyện gì sao định bỏ cả cơm tối để ngồi thở vắn than dài.
Ông Kim buột miệng:
– Không khéo công lao của tập thể tỉnh ủy mấy năm nay biến thành công cốc mất.
– Sao lại thế được? – Bà Lê không hiểu hỏi.
Ông Kim nói chậm rãi và buồn:
– Chiều hôm nay anh Trung Chính phê phán hết sức gay gắt Nghị quyết 68 và yêu cầu tỉnh ủy phải chấn chỉnh lại. Anh ấy còn yêu cầu tôi viết bản kiểm điểm về những sai lầm của mình trước Ban bí thư Trung ương và viết bài tự phê bình về việc cho nông dân khoán hộ để đăng trên Tạp chí Học tập.
– Đến thế kia à. Sao lại có chuyện vô lí như vậy được chứ. Thế cả Ban thường vụ không ai có ý kiến gì?
– Có. Còn gay gắt nữa là đằng khác. Nhưng chẳng làm gì lay chuyển được tính tình rắn như thép của anh ấy.
Bà Lê thở ra:
– Hoá ra uy quyền của cá nhân thời nào cũng mạnh hơn lẽ phải. Hiệu quả của Nghị quyết 68 sờ sờ ra đó sao mà anh ấy cố tình nhắm mắt làm ngơ được chứ? Thế anh có định viết kiểm điểm không?
– Anh Trung Chính thay mặt Ban bí thư Trung ương ra lệnh làm sao mà không viết được. Anh ấy bảo sai, mình không sai nên chả sợ. Kiểm điểm, phê bình, thậm chí kỷ luật hay tù tội cũng không sợ. Chỉ sợ dân, sợ Đảng hiểu lầm mình mà thôi.
– Hiểu lầm thì phải tìm cách thanh minh, phải tường trình, phải bảo vệ những gì mình cho là đúng để Đảng hiểu, dân hiểu chứ lo gì bị hiểu lầm.
Ông Kim thở dài:
– Với đảng bộ và nhân dân tỉnh Phước Vĩnh, mình chẳng cần thanh minh thì người ta cũng biết mình là người thế nào. Nhưng làm sao thanh minh với Trung ương Đảng, với đảng viên và nhân dân toàn miền Bắc rằng, bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh không chống lại đường lối tập thể hóa của Đảng và Nhà nước. Không mở đường cho nông dân trở lại con đường làm ăn cá thể, khi anh Trung Chính đã thay mặt Ban bí thư kết luận như vậy. Không những thế, tôi phải viết một bài công khai nhận sai lầm của mình trên tờ Tạp chí Học tập, cơ quan ngôn luận của Đảng.
Bà Lê nói giọng tức tối:
– Anh không viết thì đã sao. Ông ấy có cất cái chức bí thư tỉnh ủy của anh cũng chẳng sao. Việc gì dằn vặt cho khổ cái đời.
– Đâu phải anh lo lắng vì cái chức bí thư tỉnh ủy của mình bị lung lay. Anh chỉ lo tình hình này không khéo rồi dẫn đến cấm các phương thức khoán của Nghị quyết 68 thì không biết mọi việc sẽ đi về đâu. Nông dân lại trở về với cảnh đói cơm rách áo thì tội lắm. Thôi, em vào đi ngủ đi để cho anh ngồi một mình một lát.
Bà Lê nói dịu dàng:
– Anh như thế này làm sao mà em ngủ yên được.
– Không phải lo cho anh, anh đã bình tĩnh trở lại rồi. Anh rất cần ngồi một mình.
– Em lo cho bệnh dạ dày của anh quá. Con cái đứa thì đi học nước ngoài, đứa đang ở nơi sơ tán. Anh mà nằm lăn ra đấy chỉ có mình em xoay xở làm sao được.
Ông Kim cáu:
– Đã bảo vào ngủ đi. Cứ ngồi đấy mà nói lảm nhảm nhức đầu quá.
– Ơ hay. Sao tự nhiên nổi cáu với em. Đã thế thì em vào đây.
Bà Lê giận dỗi đứng dậy xách ghế đi vào nhà.
Ông Kim rít một điếu thuốc lào rồi theo thói quen tựa đầu vào thành ghế ngước nhìn vào bầu trời đêm sâu thẳm đầy sao. Gió lặng. Cây cối đứng im phăng phắc. Không khí oi nồng. Sao nhấp nháy và thay đổi màu sắc lúc xanh lúc vàng liên tục báo hiệu những cơn mưa to trong những ngày sắp tới. Ông Kim nhắm mắt muốn lấy lại sự thư thái qua một một chiều quá căng thẳng đối với mình. Nhưng mắt vừa nhắm, bỗng dưng hình ảnh ông Trung Chính hiện lên trong óc và những lời nói của ông văng vẳng bên tai. “Đồng chí là bí thư tỉnh ủy nên phải chịu trách nhiệm với những sai lầm trong việc ra Nghị quyết cũng như chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 68. Tôi thay mặt Ban bí thư yêu cầu đồng chí thành khẩn kiểm điểm sai lầm của mình với Ban bí thư… Vì nhận thức còn mơ hồ hay do động cơ cá nhân, muốn nông dân tôn vinh mình như một vị cứu tinh của họ. Ngoài ra đồng chí phải viết một bài tự phê bình sai lầm trong việc tổ chức khoán hộ đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là phá vỡ mối quan hệ sản xuất Xã hội chủ nghĩa của Hợp tác xã nông nghiệp, gửi đăng trên Tạp chí Học tập để các nơi rút kinh nghiệm, không lặp lại sai lầm của đồng chí…”
Khuôn mặt với đôi mắt sắc lạnh ấy đã có một thời thân thương với ông biết nhường nào. Một lần ông không còn nhớ là năm nào, chỉ nhớ đó là thời còn ở chiến khu Việt Bắc. Một hôm ông đang ngồi gỡ những mẩu tàn thuốc lá bỏ vào một cuốn sổ tay để trước mặt thì ông Trung Chính từ xa đi lại. Ông Trung Chính hỏi:
– Chú đang làm gì đấy?
– Em gỡ mấy mẩu tàn thuốc lá để hút. Em hết thuốc lào đã năm hôm này rồi.
– Chú bỏ thuốc lào đi có phải đỡ khổ sở như vậy không?
– Em hút thuốc lào từ ngày còn đi cày thuê cho địa chủ Đình nên nhựa thuốc đã lẫn vào trong máu của em rồi, khó bỏ lắm.
– Có quyết tâm là bỏ được hết.
– Em cũng đã quyết tâm mấy lần rồi. Nhưng cũng chỉ quyết tâm được đến ba ngày là cùng. Chị Thường vào vùng địch hậu sao hôm nay vẫn chưa ra hả anh? Đáng ra ngày hôm qua có mặt ở cơ quan theo như quy định nhưng không biết sao hôm nay vẫn chưa thấy có mặt. Không biết có gặp chuyện gì không. Em mong chị Thường về còn quá trẻ con mong mẹ đi chợ về.
– Có việc gì mà mong cô Thường về?
– Chị Thường cũng nghiện thuốc lào như em nên lần nào vào địch hậu ra chị ấy cũng đưa thuốc lào ra. Có đợt đem ra cả cân. Hai chị em hút đến nửa năm mới hết.
Ông Trung Chính cười:
– Tưởng mong để làm gì hóa ra mong có thuốc lào. Anh có việc này định bàn với chú đây. Tổ chức định bố trí chú về bổ sung cho Ban thường vụ huyện ủy Linh Sơn tỉnh Phước Vĩnh. Chú có đồng ý sự phân công của tổ chức không?
– Em đã làm lãnh đạo bao giờ đâu mà cử em làm thường vụ huyện ủy?
– Chẳng ai sinh ra để làm lãnh đạo cả. Cứ làm khắc quen. Hơn nữa anh sống với chú từ ngày chú còn làm liên lạc cho xứ ủy Bắc Kỳ nên anh rất hiểu chú. Chú không những trung thành tuyệt đối đối với Đảng mà còn biểu hiện phẩm chất của một người rất thông minh. Huyện Linh Sơn là một huyện miền núi nằm giáp ranh giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm. Để ngăn chặn chúng ta từ vùng tự do tràn xuống, địch đã bố trí một hệ thống đồn bốt dày đặc khiến phong trào của huyện gặp nhiều khó khăn. Nguồn cán bộ cấp huyện của tỉnh Phước Vĩnh còn thiếu nên Tỉnh ủy Phước Vĩnh đề nghị với Trung ương tăng cường lãnh đạo cho huyện Linh Sơn. Anh thấy chú có thể đảm đương được việc này nên đã đề nghị cử chú đi.
Ông vui vẻ nhận lời. Ông Trung Chính bảo:
– Anh rất hoan nghênh tinh thần của chú. Hoạt động trong vùng địch tạm chiếm hết sức gian khổ và nguy hiểm nên chú phải hết sức thận trọng. Phải dựa vào dân, tin tưởng dân thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Ngày ấy thật gian khổ nhưng con người ta lại thương yêu nhau như anh em một nhà. Tất cả chỉ có chung một lí tưởng duy nhất là kháng chiến thắng lợi để xây dựng một nước Việt Nam độc lập và giàu mạnh. Nhưng kháng chiến thắng lợi rồi mọi việc lại không giản đơn như mọi người nghĩ. Bao nhiêu xáo trộn diễn ra trong một giai đoạn lịch sử chỉ trên dưới mười năm. Cải tạo tư sản, cải cách ruộng đất, chống cưỡng ép di cư rồi cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra trên phạm vi cả nước. Tình hình phe Xã hội chủ nghĩa cũng phát sinh ra nhiều quan điểm đường lối và khuynh hướng chính trị khác nhau. Phản đối ai, ủng hộ ai cũng trở thành cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng. Chẳng nói gì đâu xa. Nguyên cái việc làm cho dân giàu thôi mà không biết bao nhiêu khuynh hướng, quan điểm đối chọi nhau chan chát. Người thì muốn cào bằng tất cả rồi dàn hàng ngang tiến lên, ai cũng như ai. Kẻ thì muốn để cho dân tự do làm ra của cải rồi đưa dần vào khuôn khổ. Người thì muốn xây dựng xã hội bằng sức mạnh vật chất. Kẻ thì muốn xây dựng xã hội bằng khẩu hiệu lấy chính trị làm gốc tư tưởng dẫn đầu. Có tư tưởng tốt là có tất cả v.v… Càng nghĩ ông Kim càng thấy buồn đến não lòng. Người khác không hiểu ông là một nhẽ. Đường này người không hiểu ông và phê phán việc làm của ông lại là ông Trung Chính, người đã dìu dắt ông đi làm cách mạng, người mà ông vô cùng kính trọng và coi như người thầy, người anh cả của mình. Hình ảnh và những lời nói của ông Trung Chính gieo vào lòng ông Kim một tâm lí nặng nề mà suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, ông chưa gặp phải bao giờ.
Ông Kim nặng nề đứng lên đi vào nhà. Ông đi đến cái tủ gỗ cũ kỹ lôi từ trong đó ra một cái xắc cốt bằng da đã sờn mép đem đến đổ dốc ra bàn. Những tấm ảnh đen trắng, nhiều chiếc đã ố vàng rơi ngổn ngang xuống mặt bàn. Đêm mất điện, chỉ có cây đèn dầu cháy leo lét. Ông Kim cầm từng tấm ảnh đưa lên xem. Có tấm ông chỉ xem lướt qua rồi bỏ sang một bên. Có chiếc ông dừng lại khá lâu, nhìn vào từng khuôn mặt trong ảnh. Đó là những tấm ảnh thời ông còn rất trẻ chụp ở chiến khu Việt Bắc. Những người trong ảnh người thì mặc áo quần bà ba màu nâu, người thì quần âu, áo cổ vuông, có người mặc quân phục đội mũ lưới trên đầu. Bà Lê thấy chồng có thái độ khang khác đi đến ngồi cạnh. Ông Kim cầm lên một tấm ảnh chỉ có hai người. Đó là ông Trung Chính chụp chung với ông ở chiến khu Việt Bắc. Ông Trung Chính đôi mắt sáng và nụ cười rất tươi, mặc chiếc áo sơ mi cộc tay cổ bẻ, quần âu. Còn ông Kim thì mặc bộ bà ba. Lúc đó ông hai mươi tám tuổi. Người gầy và đen. Đôi mắt to và sáng. Ông Trung Chính tay quàng lên vai ông Kim với dáng vẻ hết sức thân mật. Hai người đứng dưới cầu thang một nhà sàn. Bức ảnh đã ố vàng nhiều chỗ. Ông Kim ngắm bức ảnh một cách chăm chú. Tấm ảnh gợi lại trong ông một thời quá khứ. Tất cả đã qua rồi. Ông Kim nghĩ rồi đưa tay nhấc bóng đèn ra cầm tấm ảnh cho vào ngọn lửa đèn để đốt. Bà Lê nhanh tay giật chiếc ảnh trong tay ông Kim:
– Tấm ảnh kỷ niệm thì có tội tình gì mà anh đốt nó đi.
Ông Kim chợt nhận ra sự vô lí của mình:
– Anh sai rồi. Sai rồi.
Nói xong ông ngồi thừ ra.