Đọc truyện Bí Thư Tỉnh Ủy – Chương 129Quyển 4 –
Trên các cánh đồng của Hợp tác xã Gia Đạo lúa chín trải một màu vàng ngút mắt. Những bông lúa mẩy hạt nằm chồng lên nhau từng lớp, từng lớp. Nâng bông lúa lên tay đã thấy no ấm ùa vào lòng. Vụ chiêm năm ngoái nhờ mạnh dạn thực hiện lối khoán mới của bản dự thảo hướng dẫn, Gia Đạo đã thu được một vụ lúa chiêm không ngờ. Bình quân các cánh đồng đạt trên ba tấn một héc-ta. Niềm vui được mùa chưa phai thì Nghị quyết 68 lại về. Đảng viên học xong đến lượt bà con xã viên học. Khắp các đường thôn ngõ xóm đâu đâu cũng nói đến Nghị quyết 68. Mọi người đang nhìn thấy cảnh trù phú của làng xóm hiện ra trước mắt mình. Trước khi bước vào làm vụ mùa, Ban quản trị tổ chức họp xã viên đưa ra cho bà con bàn bạc phương thức khoán. Bàn hết nhẽ cuối cùng bà con chọn lấy phương án khoán trắng vừa dễ thực hiện mà xem ra sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Tuy trong Nghị quyết 68 cũng như bản hướng dẫn của Ban nông nghiệp tỉnh ủy có đề ra phương pháp khoán trắng nhưng do chưa quen với việc giao hẳn ruộng đất cho xã viên tự quản từ đầu vụ đến cuối vụ, vả lại lo xã viên nhận được ruộng khoán rồi giữ luôn cho mình, không giao lại cho tập thể nên Dậu lên xin ý kiến của thường vụ huyện ủy. Nghe Dậu trình bày, Chi cười và chê Dậu chỉ sợ bóng sợ gió. Thực ra chẳng riêng gì Dậu mà tất cả Ban quản trị đều có nỗi lo giống Dậu. Được Chi bật đèn xanh, Ban quản trị Gia Đạo cho khoán trắng toàn bộ diện tích cho hộ xã viên. Không khí lao động trên đồng ruộng chẳng khác gì ngày hội. Từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối nhọ mặt người không lúc nào vắng bóng người ở trên cánh đồng. Lúa có hơi người mở cờ mà lên.
Tế đi xem một lượt khắp các cánh đồng. Trên đường trở về anh ghé vào nhà Ngọ. Ngọ đang hí húi nào cưa, nào đục chữa xe cải tiến thì Tế đi vào. Ngọ ngừng tay:
– Chào ông phó chủ nhiệm. Đi đâu mà lạc vào đây thế?
– Vừa đi lướt qua xem đồng một lượt xem lúa đã gặt được chưa để báo cho bà con đi gặt.
– Ruộng nhà ai nhà nấy làm chứ có còn làm tổ làm nhóm gì nữa đâu mà mà phải gặt đồng loạt.
– Không còn làm tổ, làm nhóm nhưng vẫn phải quản lí thống nhất ông ạ. Lúa phải gặt vào đúng thời điểm của nó mới đạt được năng suất vì thế phải đi kiểm tra. Nếu lúa chưa chín đều mà để cho bà con tự động ra gặt sẽ ảnh hưởng đến năng suất ngay.
Ngọ bê cái chõng tre đặt xuống mời Tế ngồi:
– Tôi hiểu ý các ông rồi. Nhà tôi nhận khoán một mẫu hai nên ruộng cấy trước, ruộng cấy sau cách nhau cả mười ngày. Hôm qua tôi đi xem một lượt thấy lúa vẫn chưa chín đều nhưng con vợ tôi nó cứ giục ra gặt để làm xen canh cho sớm sủa. Tôi đang cố chữa cái xe cải tiến hôm nay cho xong để sáng mai bắt tay vào gặt đây.
Tế khuyên:
– Ông bảo với cô ấy đợi dăm ba hôm nữa cho lúa chín rộ hẵng gặt ông ạ. Gặt sớm một ngày là thiệt mấy cân thóc đấy. Xe cải tiến đâu mà nát thế?
Ngọ cười hề hề:
– Mua của Hợp tác hôm hóa giá chứ đâu nữa. Nhiều người lật đi lật lại chê ỏng chê eo, thế là tôi chộp luôn. Vào tay tôi là ngon tất. Mấy hôm nữa thấy tôi chở lúa bằng cái xe này ối anh tiếc.
Tế cười nói đùa:
– Cái xe này là hình ảnh của các ông quản lí Hợp tác xã trước đây đấy.
– Nhắc chó gì cái chuyện ngày xưa ấy cho thêm buồn. Ông vào chơi hay có việc gì không?
Tế cầm thanh gỗ đưa lên ngắm nghía rồi trả lời Ngọ:
– Hợp tác đang định sau khi thu hoạch xong tranh thủ sửa cái nhà làm việc của Ban quản trị lại cho khang trang đôi chút ông ạ. Bộ mặt Hợp tác xã đang thay đổi mà để cái nhà làm việc tồi tàn như nhà bần cố nông ngày xưa trông chẳng ra sao. Ban quản trị đang định giao việc này cho ông. Ông có tay nghề mộc giỏi nhất Hợp tác. Tính toán và điều quân khiển tướng thế nào đều giao cho ông tất.
Ngọ cười vui vẻ xưng em với Tế:
– Lãnh đạo tin tưởng giao việc cho em thì em xin nhận thôi. Nhưng theo em chẳng cần sửa chữa làm gì cho thêm tốn công tốn của mà nhà cũ vẫn hoàn nhà cũ, chi bằng làm quách một cái nhà mới ngồi làm việc cho oai. Chẳng tốn kém hơn sửa chữa bao nhiêu đâu.
– Ban quản trị lúc đầu cũng định làm như vậy, nhưng gặt xong vụ mùa chỉ một tháng sau là bắt tay vào làm vụ xen canh ngay, sợ làm không kịp đâm ra dở dang.
– Không kịp thì chắc chắn rồi. Tôi tính nhanh lắm cũng phải mất hơn ba tháng. Nhưng ai làm vụ xen canh cứ làm, ai làm nhà cho Ban quản trị thì làm. Vào nhà làm ly rượu rồi ta bàn cụ thể.
– Ông có thấy tôi uống rượu bao giờ. Ông bận sửa xe thì cứ sửa đi cho xong. Có gì ta bàn sau.
– Tôi chữa gần xong rồi, lát nữa chữa tiếp. Ông vào nhà đi.
Tế theo Ngọ vào nhà. Ngọ lấy chai rượu rót ra hai chén vừa cười vừa nói:
– Tính tôi quen rồi. Bàn chuyện gì mà không có tí rượu vào mồm là đầu óc cứ bí rì rì. Ông nhấp với tôi mấy giọt cho vui.
Tế hỏi:
– Ông vẫn mua rượu của cô Hoang đấy à?
Ngọ lại cười hề hề:
– Không mua của con mẹ Hoang thì biết mua đâu. Nào, ông nhấp mấy giọt cũng được rồi tôi nói cái chuyện làm nhà của Ban quản trị cho mà nghe.
Ngọ đưa ly rượu lên uống ực một cái rồi khà ra vẻ khoái trá.
Tế cũng cầm ly rượu đưa lên nhấp một miếng rồi nhăn mặt nhăn mũi:
– Vừa cay vừa nóng thế này mà các ông nốc hết chai này sang chai khác thì giỏi thật.
– Uống quen mới thấy ngon ông ạ. Bây giờ tôi tính cho ông nghe việc làm lại nhà của Ban quản trị nhé. Trước hết ông có đồng ý làm nhà mới không?
Tế thấy Ngọ tỏ ra nhiệt tình nên bảo Ngọ:
– Được rồi. Ông nói kế hoạch rồi tôi về bàn trong lãnh đạo sau.
Ngọ nhấp thêm một hơi rượu mới thủng thẳng:
– Thế thì thế này. Hiện tại có bốn gian nhà kho để nông cụ trước đây, bây giờ nông cụ bán hết rồi nên chẳng còn để gì trong đó. Nhà làm việc hiện tại có ba gian. Cộng cả nhà kho và nhà Ban quản trị là bảy gian cả thẩy. Phá toàn bộ những bức tường ngăn, sửa sang lại làm cái hội trường cho xã viên ngồi họp.
Tế kêu lên:
– Ông điên à. Thế Ban quản trị đi đâu. Ra bờ tre ngồi làm việc à?
– Ban quản trị làm cái nhà khác để làm việc chứ việc gì mà phải đi ra bờ tre.
Tế tưởng Ngọ nói đùa nên bảo:
– Tôi tưởng ông bàn phá nhà cũ lấy vật liệu để làm nhà mới nên mới bàn với ông chứ.
Ngọ vờ dỗi:
– Thế thì ông đi nhờ người khác làm. Tôi chẳng đi làm cái việc vô công rồi nghề ấy.
Tế cười:
– Mới có thế mà tự ái. Thôi được rồi, tôi nghe ông nói kế hoạch của ông đây.
– Vậy thì tôi xin hỏi ông. Nếu ông đến tham quan một cái Hợp tác xã nào đó, ông thấy xã viên có cái hội trường để ngồi họp hành, không phải ngồi ngoài sân đội mưa đội gió và một cái nhà làm việc của Ban quản trị cao ráo, khang trang, ông có thích không?
– Thích quá đi chứ.
Ngọ trở lại giọng đứng đắn:
– Thực ra làm cái nhà mới cho Ban quản trị không tốn kém bao nhiêu đâu. Tôi ngẫm trong đầu chỉ cần làm năm gian thôi. Hai gian thông cho Ban lãnh đạo làm việc, họp hành, tiếp khách. Ba gian còn lại ngăn thành ba phòng cho các bộ phận khác làm việc. Vô lẽ một Hợp tác xã như Gia Đạo mà không làm nổi cái nhà năm gian cho Ban quản trị làm việc thì đừng có huênh hoang nói với thiên hạ là Hợp tác xã chúng tôi đang trên đường tiến lên.
Tế nói vui:
– Bây giờ thì tôi nghĩ đúng là ông nói chứ không phải rượu nói. Tôi sẽ về trao đổi lại với ông Dậu. Nếu nhất trí thì giao cho ông chỉ huy công trường, ông có chịu không?
– Phải cử một phó chủ nhiệm làm đầu trò mới được.
Tế hỏi luôn:
– Cử cô Bích liệu ông có phục tùng không?
– Tôi tán thành cả hai tay. Này, con bé trông thế mà được việc ra phết. Thấy các ông các bà làm việc, nghĩ đến chuyện mình làm cán bộ chủ nhiệm ngày trước thấy xấu hổ quá ông ạ.
Tế nói để Ngọ yên tâm:
– Chúng tôi cũng như bà con chẳng còn ai nhắc đến chuyện ngày ấy của các ông đâu. Nói cho cùng mỗi thời một khác. Nhiều nơi như thế chứ có riêng gì Hợp tác xã Gia Đạo đâu mà ông phải suy nghĩ cho mệt óc. Thống nhất như thế nhé. Chiều nay tôi bàn với tập thể xem sao rồi nói lại với ông. Tôi tin mọi người sẽ tán thành thôi. Nói như ông cũng phải. Nước lên thuyền lên. Dân no ấm mà nhà làm việc của Ban quản trị xập xệ quá cũng khó coi. Tôi về đây. Ông uống nốt cho tôi chỗ này.
Tế cầm ly rượu của mình đưa cho Ngọ.