Đọc truyện Bí Thư Tỉnh Ủy – Chương 104Quyển 3 –
Buổi chiều. Noãn đang ngồi thơ thẩn uống nước chè ở trước hiên nhà thì Lịch đạp xe vào. Noãn hỏi giọng thân mật:
– Ông đi đâu mất mặt mấy tuần nay không thấy lên nhà tớ chơi?
Lịch dựng xe đạp trả lời:
– Chán đời nên chẳng muốn đi đâu cả.
– Có việc gì mà chán đời?
Lịch vứt cái mũ lá xuống chiếu đáp:
– Chán tất.
Noãn rót nước đưa cho Lịch.
– Đi lên phố huyện chén thịt cầy là hết chán đời ngay. Đi không? Tôi mời ông chứ không bắt ông chi đâu mà ngại.
Lịch hớp một ngụm nước súc sùng sục trong mồm nhổ ra sân rồi mới bảo Noãn:
– Ông chi hay tôi chi cũng thế cả, nhưng hôm nay không đi được.
– Sao thế?
– Hai hôm nay bị Tào Tháo đuổi, kiêng mắm tôm.
– Vậy thì uống rượu suông nhé. Ông ngồi đây, tớ ra vườn vặt quả ổi xanh và hái mấy quả ớt, thế là xong.
Lịch lấy gói thuốc lá Trường Sơn của Noãn để ở hiên rút một điếu châm lửa hút. Lát sau Noãn trở lại với cái đĩa muối và mấy quả ổi xanh và ớt.
– Trông ông dạo này xuống sắc quá – Noãn nói và rót rượu để xuống trước mặt Lịch.
Lịch thở dài:
– Lo lắm ông ạ.
– Lo chuyện gì?
Lịch không trả lời vào câu hỏi của Noãn mà hỏi lại:
– Ông sinh hoạt trong thường vụ đảng ủy, có nghe ai nói gì về lá đơn tớ gửi cho mấy ông phái viên Trung ương không?
Noãn cười:
– Thì ra ông lo chuyện ấy à? Thế thì ông không phải lo. Trong thường vụ chẳng hề ai nhắc tới chuyện ấy cả. Với lại chuyện ấy đã qua lâu rồi, chẳng ai nhớ đến đâu.
– Không hiểu sao tớ có cảm giác là mọi người đang nghi ngờ tớ ông ạ.
– Sao ông lại nghĩ thế?
– Tớ thấy bà con xã viên ở Gia Đạo thường nhìn tớ với đôi mắt khinh bỉ thì phải.
– Ông chỉ sợ bóng sợ gió thôi. Làm sao người ta biết ông là người viết đơn tố cáo mà khinh bỉ.
– Thỉnh thoảng có người nói xa nói gần chó sủa cứ sủa, việc mình làm cứ làm. Sủa chẳng ai sợ thì chỉ có rã họng mà thôi.
Noãn nói để Lịch yên tâm:
– Ông thuộc vào loại người thần hồn nát thần tính. Có tật giật mình. Ai nói gì đâu đâu cũng nghĩ người ta nói mình.
Lịch thổ lộ:
– Lo chứ ông. Lộ ra, tôi bị khai trừ khỏi Đảng là cái chắc, còn mặt mũi đâu mà nhìn làng nhìn xóm nữa. Con cái lại chịu cái nhục suốt đời, ông bảo tôi không lo sao được.
– Tôi nhớ không nhầm thì chính ông nói với tôi là cái ông gì đó nhận đơn tố cáo của ông hứa là không nói cho ai biết kia mà?
– Tin sao được miệng quan hả ông. Hứa là thế nhưng chắc gì đã làm thế. Khi thấy có lãi là bán mình ngay. Đúng là chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Được thì mọi người hưởng, tội thì mình chịu. Giá như ngày ấy ông cho tôi một lời khuyên khôn ngoan thì tôi đã không làm cái việc tồi tệ ấy.
Noãn phật ý:
– Ông trách tôi đấy à?
– Tôi nói mà nghe vậy thôi. Dại thì chịu chứ có trách móc cũng chẳng được gì.
Noãn rót rượu ra chén nói với Lịch:
– Đôi khi ngồi nghĩ lại tôi cũng thấy ân hận là chỉ vì ghen ghét bà Luận hay lên mặt dạy đời nên muốn cho bà ấy nếm mùi cay đắng, vì thế đã không khuyên ông đừng có làm đơn tố cáo tố khổ làm gì cho thêm rắc rối. Bây giờ chuyện đã rồi, ông đừng có suy nghĩ gì cho thêm mệt óc. Uống vài ly rượu suông là quên hết. Uống đi.
Noãn đưa cho Lịch một quả ổi xanh.
– Ông có đưa chuyện lo lắng của ông ra chia sẻ với tay Doanh không? – Noãn hỏi.
Lịch nói giọng buồn:
– Người hiểu tâm trạng tôi bây giờ chỉ còn tay Lấu. Tuy tật nguyền nhưng hắn ăn ở có trước có sau. Còn tay Doanh từ khi không còn gì đưa về cho vợ như hồi còn làm phó chủ nhiệm nên vợ hắn coi thường ra mặt. Hắn co vòi lại như một kẻ yếm thế. Tay Ngọ thì giả vờ tiến bộ để lấy lòng Ban quản trị mới. Chán lắm ông ạ.
Noãn hỏi:
– Không biết bọn tay Dậu làm ăn thế nào mà nghe bà Luận khen không tiếc lời.
– Khách quan công bằng mà nói, chúng nó làm ăn bài bản lắm. Hết chuyển trại lợn tập thể về khoán cho đội, đến việc khoán lợn trực tiếp cho hộ xã viên. Nghe đâu vụ chiêm này chúng nó hủy bỏ cách khoán cũ và thay vào đó các tiêu chuẩn khoán mới.
– Khoán lợn thì tôi cũng nắm được rồi. Nhưng cách khoán mới thì tôi chưa nghe báo cáo. Ông có nắm được cụ thể tiêu chuẩn khoán như thế nào không?
– Nghe nói sắp tới sẽ đưa ra bàn trong hội nghị đại biểu xã viên, còn khoán kiểu nào ông bảo tôi còn tâm trạng nào mà tìm hiểu. À này. Ông có nghe nói đến bản dự thảo về quản lí lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp không? Nghe nói tỉnh ủy vừa gửi xuống cho các bí thư đảng ủy và Chủ nhiệm Hợp tác xã nghiên cứu để góp ý kiến.
Noãn nhìn Lịch, cười cười vẻ bí mật:
– Bà Luận có nói cho tôi biết nhưng tôi chưa đọc.
Lịch cười rồi nói khích:
– Bản dự thảo chỉ gửi cho bí thư đảng ủy, ông là chủ tịch xã đọc sao được.
– Càng khỏe.
– Chẳng biết bản dự thảo ấy nói những gì mà thấy mấy tay trong Ban quản trị phởn chí lắm.
– Vừa rồi tôi đùa với ông cho vui thôi chứ bà Luận đã đưa cho tôi đọc bản dự thảo ấy rồi. Tôi nghĩ mấy tay trong Ban quản trị Gia Đạo phởn chí là phải. Vì bản dự thảo đã mở ra một con đường làm ăn có thể nói là rất cởi mở đối với các Hợp tác xã nông nghiệp.
– Thảo nào.
Không ai hiểu Lịch nói hai tiếng thảo nào với nghĩa gì. Vui mừng hay ghen tị?