Đọc truyện Bí mật của Tóc Tiên – Chương 6- Phần 01
Mặt Tóc Tiên nhăn như khỉ nhưng Thổ Phỉ thấy tươi tắn lạ lùng. Lần đầu tiên, cô ấy nhăn vì một viên pháo đại, còn lần này tế nhị hơn: vì một thiếu nữ hàng xóm của anh. Bây giờ mà có phải chiến đấu với một trăm cái cối xay gió, chàng hiệp sĩ Donquichotte trong anh cũng sẵn sàng nhào đến để bảo vệ cô bé thơ ngây đang ngồi trước mặt. Hôm qua, lúc vừa vá xong một chiếc xe cho khách đi đường, tự nhiên anh hốt hoảng thực sự, anh đậy kín hộp keo lại và dọn dẹp đồ nghề. Nhỏ Hoa ngạc nhiên thấy rõ: “Sao dẹp sớm vậy ông Phỉ?” “Ơ ờ… để dành keo dán chỗ vỡ của một con búp bê”. Nhỏ Hoa ngớ ra, làm sao con bé hiểu được có một bài hát đáng cảnh giác: “Em như con búp bê bằng nhựa, một thứ búp bê thật xinh xắn… “.
Tóc Tiên đặt trên bàn nước một cuốn sổ nhỏ, trong cuốn sổ có một cây viết bic. Mặc kệ Thổ Phỉ ngơ ngẩn, cô hạ giọng:
– Em muốn biết được tâm tư ông.
– Bằng cách ghi chép vào cuốn sổ này à?
– Chứ sao, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc bút đàm.
– Trò chuyện trên giấy?
– Đúng vậy, lời nói có thể theo gió bay đi nhưng chữ nghĩa thì ngược lại.
– Ai dạy em trò chơi “bút sa gà chết” này?
– Chính em tự nghĩ ra cách đây nửa tiếng, thôi mình bắt đầu nghe…
Và Tóc Tiên bắt đầu thật, cô trổ tài bằng một bài thơ ngắn mới dễ sợ:
“Ông suốt đời không sắm nổi xe đạp.
Làm sao đi bộ lên Đại Học nổi bây giờ?
Thời buổi bây giờ người ta đậu Trạng nguyên bằng xe Cub
Không lẽ ông trở thành một ông Tú làm thở”
Thổ Phỉ nhận lại cuốn sổ trên tay Tóc Tiên mà hết hồn. Trời ạ, “nàng” thông minh đến mức độ đó sao, chỉ mới cách đây nửa tiếng theo lời “nàng”. Thượng đế đã ban ân huệ cho nàng cạnh tranh với nghề nghiệp của anh một cách ngon lành, thậm chí điêu luyện nữa là khác. Nhưng… đừng hòng, làm… thi sĩ đâu phải giỡn chơi, phải lên tận Daknông chứ không phải ỷ y ba mớ kiến thức học đường là đủ. Thổ Phỉ trả đũa ngay:
“Người xưa nói: Tài tử đa cùng phú.
Càng tài hoa càng lận đận vì nghèo.
Còn anh thì… Thổ Phỉ đa năng chứ.
Lúc hết tiền ghé lại hẻm… dây leo!”.
Xong, Thổ Phỉ rung đùi định chờ sự ngưỡng mộ của Tóc Tiên, tuy nhiên anh chớ nên tưởng bở:
“Nếu ở trên đời còn nhiều bất công như vậy
Người giàu cứ giàu hơn, kẻ khổ cứ khổ hoài
Thì thái độ của ông thật là đáng trách
Không có em thì ông sẽ ghé ai?
Em tiếc không làm được như Bà Trưng, Bà Triệu
Sóng dữ đạp lên, chém cá tràng Kình
Em chỉ là một con búp bê nhỏ xíu
Chưa đủ phép màu nên mới chịu làm thinh…?”
Lạy Chúa, “nàng” chưa đủ phép màu nên mới chịu làm thinh để khiêm tốn làm cô Tóc Tiên thùy mị, vái trời từ nay đến khi anh chết, “nàng” không bao giờ có được phép màu. Thổ Phỉ thấy hứng chưa từng thấy, giọt nước đầy đã làm tràn miệng lỵ Anh viết ào ạt:
“Hôm sửa xe em lần đầu
Vá luôn cả kiếp tôi cầu nguyện luôn
Đời tôi như nước trong mương
Chảy ra hè phố làm buồn ngã tư
May trời cho gặp tiểu thư
Trái tim du đãng ngất ngư mới kỳ
Một mai Chúa mở khoa thi
Nếu tôi có rớt chỉ vì ngó em
Cuộc đời như tấm bảng đen
Em là viên phấn trắng mềm lòng tôi”.
– Ông là một con đỉa!
Tóc Tiên hết ý kiến, cô đến phải đầu hàng sự lém lỉnh của anh chàng sửa xe này mất. Cô nói:
– Thôi, nghỉ trò chơi bút đàm đi, ông bắt chước Nguyễn Bính hồi nào vậy?
Anh chàng sửa xe không thèm trả lời, ai có thể cản được cơn hứng thú của hắn nữa. Đối với Thổ Phỉ, lúc này chỉ còn cuốn sổ tay, anh tiếp tục thả linh hồn mình xuống những trang giấy trắng:
“Ngày tết thì anh nhớ Mai,
Sau tết anh biết nhớ ai bây giờ?
Hôm nay nhớ đại một cô,
Cho ông Nguyễn Bính ghen hờn mới thôi”.
Trời đất, Tóc Tiên la lên:
– Ông làm hư cuốn sổ của em.
– Không hư.
– Ông quên câu nói của Pascal rồi.
– Lão ta nói gì?
– “Con người chỉ là một cây lau cây sậy, nhưng lại là một cây lau cây sậy biết suy nghĩ”.
– Thì tôi viết ra đầy… suy nghĩ.
– Ông tưởng vậy là suy nghĩ chân chính sao?
– Không lẽ em cho tôi là bất chính?
Tóc Tiên cầm lấy cây viết Bic. Cô kết thúc gọn ghẽ:
“Ông Pascal không muốn con người giống như lau sậy
Lau sậy quanh năm chỉ biết có cánh đồng
Còn ông: biển cả, núi non gì cũng quậy
Ông có dám giao kèo thi đậu với em không?”
Thế là… cụt hứng. Đến phiên Thổ Phỉ chọn biện pháp đầu hàng, anh cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của cô:
– Tôi đồng ý. Chẳng những chúng ta cùng tốt nghiệp cấp ba trước mùa hè này mà còn phải thi đậu Đại Học nữa.
– Nhưng… Ông bỏ tình yêu em ra.
– Tóc Tiên biết ông Goocbachốp bắt tay ông Bush kiểu nào không?
– Ơ… em không biết.
– Họ cụng đầu nhau kia đấy, mình chọn kiểu này là phong kiến lắm rồi.
– Chúa ơi, đồ… Phỉ!
– Đồ… Thợ Săn!
Phù du phản ứng hét lên khi Thợ Săn hất tay cô, phóng lên chiếc Cub rất sỗ sàng không thèm liếc ngược nửa con mắt. Cô bé nhanh nhẹn tước ngay chiếc chìa khóa xe của hắn và cười trừ.
– Khổ sở đi tìm nhau mà bỏ về đơn giản vậy sao?
– Ai nói tôi đi tìm bồ?
– Chính đôi chân của bồ nói, chứ ai hớt hải vào Star Hill tối nay.
– Ừ, thì sao?
– Thì mình thay đổi tiết mục khác. Du chán về nhà lắm rồi.
Thợ Săn chưng hửng, thực ra hắn đến đây vì mục đích khác hẳn:
– Tôi thấy bồ dạo này tinh thần sa sút ghê gớm.
Phù Du tỉnh bơ:
– Tình trạng gia đình Du không phù hợp với việc học hành.
– Cho nên bồ mới dám hỗn với thầy Khoa chứ gì?
– Bỏ về Sài Gòn không phải là hỗn. Đó là thái độ tự trọng.
– Đúng là “Sự tráo trở của phương pháp”.
– Đừng đem cuốn tiểu thuyết bán lề đường ra hù dọa Du uổng công.
Thợ Săn nhảy xuống xe, hắn từ bỏ ngay ý định chia tay, khuôn mặt hắn hầm hầm:
– Bồ điên đến nơi rồi. Tại sao Tóc Tiên, Mèo, Thỏ và ba nhỏ Ngũ Long vui vẻ ở lại với lớp để hoạt động xã hội, còn bồ với Mười Giờ…
– À ra thế, Thợ Săn định đổi không khí qua làm cận vệ cho nhóm Tam Cô Nương phải không?
Thợ Săn điên tiết:
– Chẳng nhóm nữ quái nào áp đặt được tôi hết, tôi chỉ làm nhiệm vụ giữ trật tự lớp học.
Phù Du lẳng lặng đưa chiếc chìa khóa cho Thợ Săn, cô đưa hai tay lên trời:
– Thật thất vọng, cuối cùng kẻ đáng tin cậy nhất lại đáng đề phòng nhất. Bồ muốn tôi một lần nữa phải tự giải quyết đời mình sao?
Mắt Thợ Săn đột ngột hiện lên hình ảnh lạnh lùng cũa những viên thuốc ký ninh trong chiếc cặp của Phù Du, những viên thuốc chỉ chờ cơ hội là lọt thỏm vào đôi môi xinh đẹp chán chường kia, hắn sực nhớ đến bản báo cáo đáng sợ của Thằn Lằn:
– Phù Du không thể nào muốn làm gì thì làm, tuổi trẻ chúng ta phải có lối thoát…
– Tuổi trẻ, lối thoát?
Phù Du cười như muốn sặc:
– Lối thoát ở đâu?
– Quán nước!
Thợ Săn khoát tay ra dấu, hai chiếc Cub lặng lẽ rồ máy. Phía trước mặt đầy bóng tối: đường Đinh Tiên Hoàng mười một giờ đêm dù sao vẫn còn một quán nước mía, tất nhiên không phải quán nước mía mà Tóc Tiên và Thổ Phỉ vừa ngồi.
– Du thích uống không có đá.
– Được rồi, chủ quán làm ơn cho tụi này một ly không bỏ đá.
Nước da Phù Du trắng bệch một cách bệnh hoạn, không phải vì lớp phấn cô đánh hờ hững trên má hay vì ngọn đèn đêm khá liêu trai mà chính là vì cô cực kỳ bồn chồn. Phải chăng đó là dự báo của một điềm gở, cô gái nhìn thẳng vào đôi mắt Thợ Săn.
– Công ty của ba Du vừa bị Nhà nước thanh tra tuần qua.
– Cái gì sẽ đến phải đến.
– Sao?
– Ba của tôi đã nói trước chuyện này.
– Ông già mà lại đi tâm sự với thằng con nghịch tử, bồ đừng đùa.
– Không đùa đâu, tôi với ba tôi như hai người bạn.
– Cũng hút thuốc, đi đánh bi da với nhau nữa chắc?
– Chứ sao, nếu ổng rãnh, có điều…
– Gì hả Thợ Săn?
Thợ Săn mở miệng thật khó khăn, hắn thấy quai hàm cứng ngắc:
– Ba tôi nằm trong phái đoàn thanh tra cái Công ty du lịch của ba Phù Du.
– Trời ơi!
– Đừng than trời, bồ không bao giờ tin tưởng thần quyền mà.
-…
– Sự thua lỗ của Công ty không chỉ dừng lại ở chuyện huy động vốn…
– Hãy tiếp tục kể thêm: những bà vợ nhỏ của ba tôi…
Phù du gục đầu xuống bàn, tuy nhiên cô ngẩng lên nhanh chóng:
– Đổi chuyện khác đi, bồ nên nói về tụi mình, người lớn cực kỳ đáng ghét.
Thợ Săn rùng mình trong một giây, điều hắn đã từng khuyên Thằn Lằn an ủi Phù Du được hắn phát ngôn bất ngờ:
– Bồ không thương má sao?
– Bả là chuyên gia đánh tứ sắc.
Thợ Săn không chờ đợi ở câu nói đó, rằng hắn muốn biết thái độ của cô thế nào trước ông chồng có trong tay một tá bồ bịch, rằng hắn muốn biết thái độ cô thế nào trước người mẹ bất hạnh trong đống của cải vô nghĩa kiả Cô đã làm hắn tê tái: Phù Du không cần một chút tình cảm với hai kẻ sinh ra mình, cô trả lời lạnh tanh. Này nhé, nếu cần thiết thì cô sẵn sàng bỏ ra 50 ngàn đồng cho một xuất khiêu vũ, 20 ngàn đồng cho một bộ phim ma quái có đồ nguội và trái cây ướp lạnh kèm theo, từng đống ô mai xí muội làm phần thưởng cho những cái tên ghép đôi trong lớp được viết to tướng trên bảng giờ đến trường, sự phá phách của kẻ đứng đầu nhóm Ngũ Long Công Chúa tuyệt vọng như vậy.
– Tôi có cảm tưởng bồ 71 tuổi hơn là 17 tuổi. Chững chạc già nua đến phát sợ.
– Ai? Du hay bồ? Tụi mình đều mang tiếng là con cái ông lớn bà lớn mà làm gì có thơ phú hoặc thơ mộng gì ở đây hở Thợ Săn, cái gì liên quan đến thơ đều là thứ tiền bạc không xài được.
Phù Du hỏi một câu quyết định:
– Cái chết nào được đánh giá cao nhất?
Thợ Săn làm một hơi cạn sạch ly nước mía, hắn muốn biến mất ngay lập tức, cái răng khểnh và mái tóc không được… quăn của “Hoa điệu” đang chập chờn.
– Đừng nói bậy Phù Du.
Mắt Phù Du rực lửa:
– Chỉ có cái chết của Juliette tuyệt vời nhất. Bồ tưởng mình định tự tử chứ gì, còn lâu, đêm nay Juliette Phù Du sẽ đi cùng Roméo Thợ Săn suốt đêm.
“Suốt đêm?” Thợ Săn đứng bật dậy, hắn vẫy tay gọi chủ quán:
– Tính tiền gấp.
Móc hết tiền bạc trong túi nhét vội vã vào tay người đàn ông trung niên đang há hốc miệng, hắn đá tung chống xe: Phù Du đứng dậy theo, cô nói như kẻ mộng du:
– Lên… nhà hàng nổi “năm sao” nghe…
– Lên “con khỉ mốc”, tôi phải về ôn bài, bồ điên thật rồi.
Cái dáng cao lớn của Thợ Săn cùng chiếc xe khuất chớp nhoáng sau khúc cua quẹo trái. Phù Du buông thõng hai tay như con thiêu thân bị tước đoạt ánh sáng. Mặc kệ chiếc Cub nữ hoàng đổ ầm xuống đường, mặc kệ Ông chủ quán chưa rành rõi câu chuyện không ngớt nguyền rủa gã thanh niên trẻ tuổi. Phù Du khóc òa, cô khóc thản nhiên như đề nghị “impossible” của mình.
Định mệnh. Tiếng xe máy ở đâu nổ rền vang quanh cô hoa hậu cô đơn lớp 12. Quán nước mía đón một lúc hai mươi xe gắn máy đời mới đủ loại. Tai Phù Du ù đi, cô nghe loáng thoáng tiếng người gọi:
– Phù Du, Phù Du… Mày sao vậy?
Tiếng nói quen kinh khủng. Phù Du mở mắt ra, cô lấy lại bản lãnh nhanh chóng:
– Ủa… Mười Giờ hả?
Con thú xinh đẹp thứ hai trong nhóm Ngũ Long Công Chúa đang ngồi sau chiếc Dream của anh chàng sinh viên Bách Khoa tình tứ như xinệ Tiếng máy xe gầm gừ làm Phù Du kích thích, cô quay đầu điểm danh đám choai choai đang quây vòng tròn đợi mình, băng đua xe “Play Students” nổi tiếng thành phố này, mỗi tên công tử đều có một “em bé” tiểu thư đeo dính. Phù Du nghiêm sắc mặt, cô nói như truyền lệnh:
– Tôi nhập cuộc được không?
Đám con trai huýt sáo muốn bể quán:
– Hoan hô người đẹp!
– Phù Du muôn năm!
Phù Du cong môi tặng chủ quán một cái hôn gió, cô hất đầu về phía Mười Giờ:
– Nhảy nhót xong là đổi tiết mục này sao?
– Ơ… mà Thợ Săn đâu?
– Thợ Săn hả? Hắn là một tên… lại cái.
– Trời đất.
Hơn hai mươi chiếc xe gắn máy đời mới chồm lên xả hết tốc lực trên con đường vắng ngắt. Gió xé như dao cắt, đêm hấp dẫn và rùng rợn, những ánh đèn ngã tư xanh đỏ chạy ngược vào mắt băng “Play Students” đầy khiêu khích, tiếng còi cảnh sát nhỏ như tiếng dế mèn kêu. Phía sau là “em”, phía trước là… không có gì hết.
Ngay khúc quanh Võ thị Sáu – Nguyễn Thị Minh Khai, do không ghìm nổi tay lái. Phù Du bị ép bật vào lề đường, đầu cô bé đập vào gốc cây gần đó, chiếc Cub Nữ hoàng còn ga nên đủ sức bay lên trời và rớt xuống lần nữa vào giữa đoàn đuạ Trong sự cố này, luật chơi thật giản dị: thằng nào còn chạy được là… a lê hấp: biến.
Biến cố xảy đến dồn dập trước lúc chuẩn bị thi học kỳ hai ở Thảo Cầm Viên. Phù Du nằm bệnh viện Sài Gòn trong tình trạng mê man liên tiếp một tuần lễ, cuộc phẫu thuật sau cùng cũng không giúp cho cô khôi phục được trí nhớ. “Cô bé xinh đẹp này phải điều trị tối thiểu là sáu tháng”. Bác sĩ trưởng khoa kết luận gọn ghẽ như vậy. Còn gia đình Phù Du thì sao?. “Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố ông Vương Hoàn Cầu, Tổng giám đốc Công ty du lịch… về tội tham nhũng và hủ hóa theo điều… bộ luật hình sự nước Việt Nam sau khi có kết luận của đoàn thanh tra liên ngành”. Báo chí thành phố đã đưa tin lạnh lùng như vậy.
Cùng với tai họa sau cuộc đua xe thảm khốc của Vương Thị Phù Du, cô nữ sinh nổi tiếng thứ hai trong nhóm Ngũ Long Công Chúa là Mười Giờ bị đưa ra Hội Đồng kỷ luật nhà trường vì hai lý do: đạo đức kém và vô kỷ luật. Mười Giờ cười khẩy: “Trong học tập có từ đạo đức kém và vô kỷ luật, còn trong ái tình thì đó là ưu điểm, nó chứng minh nhịp đập của trái tim tự do”.
Chưa hết, cô nữ sinh thứ ba trong nhóm Ngũ Long không có cánh để bay khỏi một quyết định trên mặt đất của gia đình: Con Muỗi bị buộc phải xuất cảnh ngay trong tháng ba này. Hồ sơ đã được phỏng vấn từ lâu, mọi thủ tục đều hoàn tất. Sách “Nhị thập tứ hiếu” dạy điều thiêng liêng nhất là phải biết vâng lời cha mẹ. Con Muỗi ôm mặt khóc ròng.
Nhóm Tam Cô Nương đến bệnh viện Sài Gòn ngày thứ tư lúc chấm dứt tiết dạy Văn. Ba cô bé đứng lóng ngóng trước cửa Phòng hồi sức. Theo lời người y tá trực thì “cô ấy đã trải qua một ca phẫu thuật nghiêm trọng”.
Cánh cửa phòng mở ra, người đầu tiên ngồi ở đầu giường Phù Du là bà mẹ của cô và Thợ Săn. Ba cô lí nhí trong cổ họng:
– Dạ, chúng con kính chào bác.