Đọc truyện Bí mật của Tóc Tiên – Chương 1
Xét về thảo mộc học, Tóc Tiên là một loại dây leo, thân mảnh, lá đẹp như lá rong nhưng không con cá nào đớp được, bởi vì Tóc Tiên không chơi với nước, Tóc Tiên mọc lơ lửng giữa trời và đất. Chưa kể đến hoa, hoa của cây Tóc Tiên từ lúc hàm tiếu cho đến lúc dậy thì đều đỏ hồng như son môi. Mà nhắc đến son môi, bất giác người ta lại nhớ đến đó là vũ khí của con gái.
Thật vậy, xét về sinh vật học, con gái mang tên Tóc Tiên môi không cần thoa son vẫn đỏ, lại mang đặc tính thích leo trèo vì nguồn gốc bẩm sinh của mình, thí dụ như trèo lên cây mận cây ổi bất cứ lúc nào thèm ngọt thèm chua thèm muối ớt, chưa kể có thể bơi dưới nước được và thậm chí có thể vừa bơi vừa cười.
Xin phép được giới thiệu đôi lời về cây Tóc Tiên và cô Tóc Tiên như thế. Nếu các bạn cho đây là sự cường điệu của người viết thì mời ghé thăm hẻm cô Nương, ở đó có một căn nhà gác suốt mà dọc hàng rào, chúng ta chỉ thấy toàn một màu xanh của dây Tóc Tiên. Đến đây, chắc các bạn lại thắc mắc: nguyên nhân nào lại gọi là hẻm cô Nương? Vô cùng đơn giản như ăn chè đậu đen nấu đường cát trắng, cô Nương là tên một cô giáo đứng tuổi cư ngụ lâu đời nhất trong con hẻm này, ngoài ra “cô nương” còn là tên gọi chung các tiểu muội dễ thương trong con hẻm, làm sao có thể gọi khác hơn được chứ khi tất cả mọi con trai trên đời đều biết luống cuống vì hai chữ “cô nương”?
Sinh nhật Tóc Tiên có ba sự kiện đáng chú ý. Cô phân loại nó sau khi ba nhân vật gây nên ba sự kiện trên biến mất.
Nhân vật đầu tiên mệnh danh là Thổ Phỉ, hắn xuất hiện vào lúc bốn giờ chiều, cùng với sự xuất hiện của hắn là một viên pháo đại nổ tung trước cửa, màu xanh của hàng rào dây leo trong chớp nhoáng phủ đầy sương mù. Má của cô đã bịt hai tai lại vì sợ hãi, nhưng hắn, tên Thổ Phỉ, hắn đã tỉnh bơ bước vào nhà kéo ghế ngồi xuống một cách đĩnh đạc sau khi hét lớn:
– Tóc Tiên ơi!
Sẵn bình trà và những chiếc ly trên bàn, hắn ung dung rót nước bất chấp dung nhan mùa giáp tết của Tóc Tiên.
– Ông toàn làm những chuyện dị hợm.
– Tôi là “phỉ” mà, à…
Hắn quay qua tìm kiếm người phụ nữ đứng tuổi trong nhà:
– À… cháu xin lỗi bác.
Nhưng người phụ nữ đã chạy qua bên hàng xóm từ hồi nào, bà chỉ có thể tâm sự với cô giáo Nương về hậu quả của nền giáo dục bây giờ.
– Ông phải ân hận về viên pháo vừa rồi.
– Sao tôi lại ân hận hả cô bé, cách chúc mừng của tôi là như vậy, vả lại lúc này Tết nhứt đến nơi, Tóc Tiên quên rồi sao?
– Quên.
– Dám phá là không bao giờ phải nói dám tiếc.
– Tiếc.
– Phá là một phép lạ của hồn nhiên.
– Cái gì? Tóc Tiên hất hất mái tóc. Thổ Phỉ mà cũng tin vào phép lạ ư?
– Ông còn phép lạ nào dịu dàng hơn không?
– Còn chứ.
Thổ Phỉ cười thích thú, có lẽ do hắn cao lớn nên tiếng cười hắn âm vực rộng, tiếng cười hắn phóng khoáng như trẻ con.
– Tôi phải về sửa xe Tóc Tiên ơi, còn đây là quà của cô bé…
Hắn móc trong túi quần jean bạc phếch ra một cái hộp nhỏ xinh xắn, chỉ lớn hơn hộp diêm quẹt một chút và đặt trên bàn. Tóc Tiên không cần phải cầu viện Thượng Đế, hắn biến mất nhanh chóng như khi hắn đến. Cô chỉ có nước lắc đầu. Mở ra xem thì… trời đất, trong gói giấy là mười bảy viên pháo chuột xếp hàng ngay ngắn. Bộ muốn cô phải tan tành như xác pháo hay sao?
Cô lập tức lục nhật ký riêng để tìm hiểu lý lịch Thổ Phỉ, té ra hắn là gã sửa xe bụi đời trước ký túc xá sinh viên, đang học lớp 12 và thông minh khỏe mạnh, vá xe cho Tóc Tiên và Con Mèo cả thảy tám lần không lấy tiền, chỉ đòi lấy nụ cười để không còn bị thiên hạ gọi là “Thổ Phỉ” nữa.
Nhật ký của cô đã ghi vỏn vẹn như vậy, rõ ràng đây không phải là nhân vật hoàng tử trong cổ tích, đây là biến tướng của “thảo khấu, cường sơn”.
Nhân vật thứ hai mệnh danh là Con Thỏ, cô là một trong nhiều “con thú” xinh đẹp của Thảo Cầm Viên lớp mười hạ. Trong lớp, nhỏ Hường ù bị gọi là Con Voi, nhỏ Tâm liến thoắng bị gọi là Con Khỉ, nhỏ Đào hay ăn vụng bị gọi là Con Mèo… thành thử đôi mắt bồ câu mơ mộng của Thu bị gán là Con Thỏ cũng hợp lý thôi.
Con Thỏ lịch sự hơn tên Thổ Phỉ nhiều, cô đến vào lúc năm giờ chiều.
– Bác đi đâu rồi Tóc Tiên?
– Má trốn qua nhà cô Nương cho tụi mình được tự do.
– Bất hiếu nhỉ.
– Đừng lộn xộn, nhỏ đến một mình à?
– Tao định rủ Con Mèo, nhưng thấy không cần thiết.
– Sao vậy?
– Vì trước sau gì nó cũng đến, nhóm Tam Cô Nương đi đâu cũng có nhau cơ mà.
Tóc Tiên hôm nay rất điệu, cô mặc bộ đồ đầm công chúa thay cho tà áo dài nữ sinh mỗi ngày, và công chúa trố mắt ngó món quà sinh nhật của Con Thỏ trên bàn: đúng mười bảy cây đèn cầy đủ màu sặc sỡ.
– Phép lạ là đó hả nhỏ.
– Thêm một yếu tố thần thoại trong ngày hăm ba Tết.
– Lúc nhỏ chưa đến, Thổ Phỉ đã đốt tao bằng mười bảy viên pháo chuột.
– Nói khe khẽ chứ, tất cả đều có liên quan hết.
– Trời ơi, nhỏ nỡ nhại ngôn ngữ của ta sao?
– Thực mà, tất cả đều không nằm ngoài phép lạ, rồi nhỏ coi…
– o O o –
Nhân vật thứ ba mệnh danh là Con Mèo. Cô dừng chiếc xe đạp ngay con hẻm dây leo xanh vào lúc năm giờ năm mươi chín phút, sớm đúng một giây đủ để Tóc Tiên thành thiếu nữ.
– Con Mèo đã đến! (tiếng Con Thỏ reo lên).
– Ừ, tao đến cho đủ bộ ba người mẫu lớp mười hai.
Tóc Tiên cong cớn môi lôi bạn vào nhà.
– Người mẫu thời trang hay người mẫu “than trời”?
– Cả hai thứ, ơ kìa, bác đâu Tóc Tiên?
– Má trốn qua nhà cô Nương vì một viên pháo đại của Thổ Phỉ.
Con Mèo ngao ngán lắc đầu, nhưng nếu để ý kỹ thì đó là cái lắc đầu hâm mộ.
– Hắn là vua “quậy” mà, ông Trời hắn còn chưa ngán, nhưng không có hắn thì buồn chết.
Tiếng Con Thỏ:
– Trường tương tư.
Tiếng Tóc Tiên:
– Mắt anh là bể oan cừu.
Tiếng con Mèo:
– Toàn là tuồng cải lương cả, sao tụi bay không gào lên là hắn đã Thuyền ra cửa biển?
Cô rút ra một phong thư màu hồng, rút rón rén từ phong thư ra một tờ giấy, rút từ tờ giấy ra một bài thơ dễ thương.
– Thơ mừng sinh nhật Tóc Tiên à?
– Chứ sao, nhưng tao nghi lắm.
– Nghi cái gì?
– Để tao đọc cho chủ nhà thưởng thức đã.
Thế là ngoài mười bảy viên pháo chuột, mười bảy cây đèn cầy, món quà mới lại là một bài thơ.
Tôi mạn phép chép bài thơ ra đây cho các bạn tham khảo:
Quả tình em như một con mèo nguy hiểm
Vừa đanh đá lại vừa dễ thương
Vừa thông minh lại vừa láu cá
Tiếng “meo meo” hết sức bất thường.
Một con mèo biết thèm tiếng rung chuông
Mà anh: gã bán cà rem dạo
Như ly da ua thiếu đá đường
Em vọc mõm khuấy đời anh nhão.
Quả tình đôi khi em dễ bảo
Cũng rụt rè e ấp rất tiểu thư
Cũng nhí nhảnh và giả vờ lãng mạn
Ấy là khi anh nheo mắt có ý đồ.
Anh vốn như con gấu xô bồ
Đi lầm lũi suốt mùa đông cô độc
Đem trái tim quá đỗi giang hồ
Chở vần điệu thơ ca khó nhọc.
Em vốn như một con mèo lấc xấc
Khoái trò chơi bịt mắt bắt dê
Bao nhiêu gã đàn ông trúng gió
Bị chấn thương manh bệnh não nề.
Nhưng với anh nào có hề gì
Trong tử vi anh cầm tinh con gấu
Cho dù em có kêu “meo meo”
Anh cứ tỉnh bơ và kiêu ngạo.
Nếu em là mật ong anh nhậu
Còn em là bông vụ anh quay
Đừng nên làm con mèo thế nữa
Anh đuổi theo hoài hụt hết hơi.
Hai cô bé ngẩn ngơ khi Con Mèo đọc xong.
Tiếng Con Thỏ:
– Vậy mới là thần thoại.
Tiếng Tóc Tiên:
– Phép lạ chứ, cực kỳ thơ mộng.
Tiếng Con Mèo:
– Tụi bay ngớ ngẩn quá, tao chưa biết mặt tác giả.
– Ủa!
– Tao gặp phong thư này trong nhà.
– Trời đất!
– Nhưng tao nghi…
-…
– Tao nghi là bài thơ đó do Thổ Phỉ làm, hai nhỏ không thấy có vết dầu mỡ trên tờ giấy sao?
Ba cái đầu chụm lại quan sát, cũng có thể là vết dầu mỡ, cũng có thể không, biết đâu một anh chàng thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp nào đó sáng tác trong khi vừa châm thêm xăng nhớt vào xe gắn máy. Biết đâu được, làm gì tác phẩm ngọt ngào kia do Thổ Phỉ hạ bút, còn khuya. Cái thứ ranh mãnh ngang ngược như hắn chỉ quen xài ngôn ngữ thô bạo thôi. Tóc Tiên vừa tự hỏi vừa tự trả lời mình: “Còn khuya ông mới có trái tim thi sĩ nghe chưa Thổ Phỉ”.
– o O o –
Cô bé đi chợ Tết vào sáng ba mươi. Má dặn sáng ba mươi mua cái gì cũng rẻ, bởi vì buổi trưa thì chợ giải tán ai về nhà nấy chuẩn bị lo đón Giao Thừa. Tóc Tiên lấy làm hài lòng về nhánh mai mình lựa, cô đặt vào giỏ và đạp xe về nhà. Nhưng chưa đến nhà thì nhánh mai vàng đã bị một bàn tay nhấc bổng, phía trên bàn tay là khuôn mặt của hai tên hippy măng sữa đang ngồi trên chiếc Dream êm ru. Tóc Tiên la lên:
– Mấy anh làm gì vậy?
Gã thiếu niên mới lớn miệng còn sặc hơi rượu cười to:
– Lộc tình yêu mà người đẹp.
Tiếng của tên ngồi phía sau phụ họa:
– Em thử cầu cứu đi!
Tóc Tiên không cần hét lên cầu cứu, phép lạ đã xuất hiện kịp thời. Phép lạ chạy bộ băng qua đường chận đầu xe hai tên công tử lại. Một cái tát tai vào mặt gã ngồi sau làm hắn té chúi nhủi xuống lòng đường, một cái khóa tay võ thuật nhà nghề bẻ tréo tên ngồi trước, tước nhánh mai vàng đưa cho Tóc Tiên. Mọi động tác của phép lạ diễn ra chưa tới ba mươi giây. Tóc Tiên mở lớn hai mắt:
– Trời ơi, anh… Thổ Phỉ.
Đúng là Thổ Phỉ (hắn đã được Tóc Tiên gọi bằng anh), anh rút ngay chiếc chìa khóa xe Dream trong khi hai tên công tử măng sữa chưa kịp hoàn hồn.
– Tụi bay có miệng không?
Hai gã hippy lí nhí trước phép lạ khổng lồ:
– Dạ…
– Mở miệng xin lỗi cô bé mau!
– Dạ, tụi em xin lỗi.
– Rồi, cút ngay, về nhà lo học hành, còn muốn trả thù thì gặp tao ở bãi sửa xe trước ký túc xá, tao là Thổ Phỉ biết chưa.
– Dạ, cho tụi em xin chìa khóa.
Chiếc xe Dream biến mất êm ru, thậm chí không một chút khói, đến chiếc xe cũng biết thế nào là lễ độ.
Trong quán sinh tố chỉ có hai người. Tóc Tiên lặng người không nói được, cô soi mặt mình trong ly, ly mãng cầu ngọt ngào trong trắng như tâm hồn cô.
– Cô bé đầy bí mật.
– Dạ, ông cũng đầy bí mật.
– Bí mật của tôi ở đâu?
– Vết dầu mỡ trên bài thơ Con Mèo?
– Thật vậy không? Tôi chưa bao giờ làm thơ cả, để tôi nhớ thử xem…
Và anh rung đùi đọc hết bài thơ mà Con Mèo đem đến trong ngày sinh nhật Tóc Tiên không sót một chữ.
– Ông nghĩ gì về Con Mèo?
– Bạn nhỏ.
– Còn em?
– Tiểu muội.
– Tiểu muội là “em nhỏ” mà.
– Ừ, em nhỏ khác với bạn nhỏ chứ, em… nghe lọt lỗ tai hơn.
– Ông đã có bài thơ nào về “em nhỏ” chưa?
– Có, nhưng tôi sợ em lại mắng tôi là “tên Thổ Phỉ”.
– Em hết sợ rồi, ông đọc đi.
Tôi khoan chép bài thơ ra đây, bởi vì sau đó phép lạ đưa Tóc Tiên về nhà, phép lạ còn trèo lên cây mận hái xuống một chùm đỏ au to tướng, và chỉ chịu trốn mất khi má của cô bé trở về bất ngờ, mặc kệ Tóc Tiên ngẩn ngơ khi bước sang mười bảy tuổi.
Mười bảy tuổi có gì lạ đối với một cô gái? Có quá đi chứ, thứ nhất: con người ta tâm hồn không mọc ở bên ngoài quần áo. Thứ hai: trái tim thi sĩ thường lang thang ở các lề đường. Thứ ba: trên đời này chuyện đời xưa đều có thật. Chỉ có một điều mà Tóc Tiên thấy vẫn còn ấm ức, tại sao anh lại cạnh tranh với nghề trèo cây của em hỡi anh Thổ Phỉ, anh không biết rằng “xét về sinh vật học, con gái mang tên Tóc Tiên môi không cần thoa son vẫn đỏ, lại mang đặc tính thích leo trèo vì nguồn gốc bẩm sinh của mình, thí dụ như trèo lên cây mận, cây ổi bất cứ lúc nào thèm ngọt, thèm chua, thèm muối ớt… “.
Còn bài thơ thì sao? Tôi đành đọc lén nhật ký của Tóc Tiên lúc cô bổ sung nó vào lý lịch của anh chàng Thổ Phỉ vậy:
Cũng có thể vì anh ba gai
Và nheo mắt trái được mười lăm phút
Nên em vẫn thường hất mặt nhún vai
Trước khi nói: Ê, tên “cô dắc”.
Tên “cô dắc” từng làm em khóc ngất
Hắn thảy con sâu vào chiếc ghế em ngồi
Tên “cô dắc” còn làm em cười khúc khích
Hắn nhảy hàng rào lặng lẽ đi chơi.
Cũng có thể vì anh đen thui
Quậy phá, đánh nhau nhiều hơn suy nghĩ
Nên em vẫn thường chớp mắt cong môi
Trước khi nói: Ê, tên Thổ Phỉ.
Tên Thổ Phỉ từng làm em say lúy túy
Hắn đổ chai bia lên mái tóc em mà
Tên Thổ Phỉ còn làm em thành bác sĩ
Hắn rên “hừ hừ” dù sốt rét sơ sơ.
Thợ Săn nhả khói thuốc ra thành một vòng tròn nhưng không thành công, cái vòng tròn mà hắn mơ ước vẫn còn méo xẹo. Ngày đầu tiên hắn tập hút thuốc: ho sặc sụa. Ngày đầu tiên hắn tập làm người lớn: cái vòng khói không chịu tròn. Để tiết kiệm tiền bạc mà có thể được làm người lớn một cách nhanh chóng, Thợ Săn có một thời khắc biểu cho công việc hút thuốc: ba điếu đầu lọc một ngày. Buổi sáng hút một điếu trong quán cà phê cạnh trường trước khi bước vào lớp học. Giờ ra chơi nếu cần thiết thì hút thêm một điếu nhằm khiêu khích một “con mồi” răng khểnh nào đó, tất nhiên là phải tránh cặp mắt bà giám thị theo dõi. Còn buổi tối tuyệt vời à? Không có gì thú vị bằng sau một “cơ” bi da, nằm dài trên chiếc ghế bố của ba và nghe nhạc trong mùi thuốc lá tưởng tượng của tài tử Jean Paul Belemondọ Phải như vậy mới “chịu chơi”.
Thợ Săn bóp bóp các cơ thịt trên cánh tay, máu rạo rực chảy khỏe mạnh đầy cơ thể hắn. Đai đen Taekwondo chứ đâu phải xoàng. Hắn cười lớn, tiếng cười thơ ngây của một cậu bé bắt đầu có râu mép.
– Ê, Thợ Săn!
– Ai?
Thợ Săn ngồi trên chiếc rễ cây lộ thiên của gốc me sân trường không cần quay lưng lại, phải tập thêm sự lạnh lùng nữa, làm “đàn ông” khó lắm, đâu phải giỡn.
– Con gái…
– Biết.
– Hay chắt lưỡi ban đêm.
– Á à, Thằn Lằn.
Đến bây giờ thì phải quay lưng lại ngay, đối với một cô ả hay xuýt xoa như con Thằn Lằn thì chớ nên khoe sức mạnh của cái nỏ thần cơ bắp, liệu hồn mà nhìn y thị khóc.
– Chuyện gì vậy?
– Bản báo cáo nội bộ trước, trong và sau Tết.
Thợ Săn lịch sự nhường chỗ rễ cây có lót sẵn cuốn tập để Thằn Lằn ngồi xuống, còn hắn, hắn ung dung ngồi bệt xuống cỏ, điếu thuốc dụi vội vã thở hắt ra vài sợi khói mong manh.
Thằn Lằn phát biểu liền:
– Biết chuyện sinh nhật hăm ba Tết của Tóc Tiên không?
– Biết.
– Nó không mời Thợ Săn sao?
– Đừng nói chuyện đó nữa, y thị không phải là mục tiêu của tôi.
– Vậy chớ kẻ nào là con mồi của bạn?
Thợ Săn có vẻ khó chịu, hắn nhún vai:
– Cấm không nhắc đến kẻ đứng đầu trong nhóm Tam Cô Nương, bằng không thì…
Thằn Lằn chặc chặc lưỡi, cô bé cong cớn môi như cắn phải miếng cóc chua:
– Thôi, cho qua chuyện đó.
Cô bé đủng đỉnh móc trong cuốn sách Anh văn ra một tờ giấy – nào, đọc đi “người hùng”.
Người hùng lớp mười hai cầm báo cáo đọc chăm chú. Trong lớp Thợ Săn rất có uy, hắn phụ trách trật tự, cao lớn, có võ, có xe cúp và là cận vệ trưởng của nhóm Ngũ Long Công Chúa gồm Con Muỗi, Con Thằn Lằn, Mười Giờ, Con Phù Du, Ớt Hiểm. Chưa kể hắn còn là ông chủ của Thảo Cầm Viên niên học cuối cùng này. Hắn đặt tên cho các cô và phối hợp với các cô đặt tên cho các… cậu, riêng hắn thì phải mang biệt danh Thợ Săn cho ra vẻ thủ lãnh, chẳng phải vậy sao, nếu cần thiết hắn sẽ sử dụng những “mũi tên” từ chiếc nỏ thần, vũ khí kinh khủng của hắn. Nhưng… Bụt ạ, cái nỏ thần ấy chẳng bao giờ có tác dụng đối với Tóc Tiên, cô cứ lơ lửng giữa trời và đất.
Sau đây là nguyên văn bản báo cáo do Thằn Lằn đưa:
1. Tóc Tiên phát hiện cô Loan dạy chính trị đi xin xăm ở Lăng Ông, tại sao?
2. Con Mèo đi lễ nhà thờ để làm gì?
3. Phù Du định tự tử vì chuyện gia đình, đã tìm thấy một lọ ký ninh trong cặp của nó, tang vật hiện do Ớt Hiểm giữ. Tìm hiểu nguyên nhân?
4. Con Muỗi sắp đi xuất cảnh diện bảo lãnh, phải làm sao?
5. Nhóm “Tứ quái Đăng-Tông” cả gan ăn thịt chó ở chợ Ông Tạ, cách xử lý?
6. Thằn Lằn định sau khi xong cấp ba sẽ vào ngành y khoa, cho biết ý kiến?”
Riêng câu hỏi thứ bảy thì vừa bị Thằn Lằn xóa sạch, đó chính là câu hỏi mà cô bé vừa mới tham khảo với Thợ Săn đã bị hắn gạt phăng. Hắn mà lại sợ Tóc Tiên kìa, có trời mới biết.
Thực đúng với phong độ của một “đại ca” trong lớp, chưa hết mười phút, Thằn Lằn đã nhận được một miếng giấy chi chít những chữ. Cô bé hấp háy đôi mắt thán phục sau cặp kính cận thị trong veo. Bản trả lời của Thợ Săn phải nói là… cực kỳ:
1. Tại sao cô Loan đi xin xăm ở Lăng Ông ư? Tại vì cô chưa có chồng, ở đó giống như “Sớm mai đi chùa Hương” vậy.
2. Con Mèo đi lễ nhà thờ vì nhạc Thánh ca rất hay, không tin cứ nghe thử bài “Silent Night” vào đêm Noel là khắc biết.
3. Phải khuyên Phù Du ba điều: ngưng nhảy đầm ở Star Hill tối thứ bảy, không được xem phim ma và tiểu thuyết viết về tội ác, phải thương má của mình vì ba của Phù Du đã có vợ bé (chuyện này ba tôi có kể cho tôi nghe do cùng làm ăn chung ngày trước).
4. Nói Con Muỗi hát bài “Quê hương” 1001 lần cho gia đình nghe.
5. Nhóm Tứ quái Đăng Tông ăn thịt chó thì cũng như Thợ Săn này hút thuốc, đánh bi da vậy, đó là chuyện của cánh đàn ông, miễn bàn.
6. Không được, bởi vì tiếng chắt lưỡi của bạn sẽ làm bệnh nhân mau qua đời.”