Bí Mật Của Cha

Chương 22


Đọc truyện Bí Mật Của Cha – Chương 22

Đột nhiên trở nên thoải mái, người bán hàng hất cằm lên và nở nụ cười đẹp nhất trước máy quay.

– Ông Hazo, ông nghĩ mình nhận ra người đàn ông bị bắt làm con tin phải không?

– Vâng, tôi chắc chắn! Đó chính là anh ta.

Olivier Cholley thở phào nhẹ nhõm. Những lời nịnh hót lúc nào cũng có tác dụng.

– Tuy nhiên, trên băng hình, như tôi đã nói, khuôn mặt anh ta không hiện rõ lắm?

– Không phải tôi nhận ra bởi khuôn mặt. Mà là bởi quần áo. Anh ta mặc chiếc áo vest và chiếc áo sơ mi mà tôi đã cho anh ta cách đây vài tháng. À mà khi tôi đưa cho anh ta mặc, chúng lành lặn hơn, tất nhiên.

Tay phóng viên vui sướng.

– Đó là những chi tiết duy nhất giúp ông tin chắc mình nhận ra người này sao?

– Ừm, cũng không quá ít đúng không? Người bán thuốc lá vặn lại với vẻ ngờ vực.

– Tất nhiên, nhưng ông cũng đã nói với tôi về những dấu vết khác.

– Tôi chắc chắn không nói từ dấu vết bởi vì đó là từ của cảnh sát, không phải của người bán thuốc lá. Nhưng đúng là, có những “chi tiết” khác. Ví dụ như, cách đứng, hơi còng một chút, hình dáng khuôn mặt, độ dài của tóc. Không, nói thực, tất cả đều khớp. Tôi tin vào bản thân mình. Đó chính là Jean.

– Rất tốt. Vậy hãy nói cho chúng tôi về người đàn ông này. Anh ta là ai? Anh ta đến từ đâu? Anh ta có kể cho ông về cuộc đời của anh ta không?

– Không. Đó là một người rất kín đáo, không kể lể gì. Ngược với tất cả những tên nát rượu mà tôi biết, anh ta không bao giờ miêu tả cuộc đời trước đây của mình. Khi không có hơi men, đó là một cậu trai hiền lành, lịch sự, tế nhị. Khi uống rượu, anh ta có ồn ào hơn, anh ta cũng rít lên và gào thét những thứ mà người ta không hiểu. Những điều ngu ngốc, những lời chửi rủa, đại loại thế. Nhưng đó là một gã được. Anh ta tới đây từ vài năm trước. Chúng tôi ngay lập tức được lợi, bời vì anh ta đã đuổi khỏi góc phố một bọn lưu manh khá hung hăng những nhiễu việc buôn bán. Cái anh chàng Jean đó có tính cách đáng quý. Và anh ta biết đánh nhau. Vì thế, để cảm ơn, chúng tôi giúp đỡ anh ta. Một tách cà phê nhỏ, một cái bánh sandwich, vài điếu thuốc và thỉnh thoảng là tiền. Điều duy nhất chúng tôi yêu cầu anh ta là đi gào thét ở nơi khác mỗi khi anh ta lên cơn. Và anh ta đã làm vậy. Một gã hiền lành, tôi khẳng định với anh. Chỉ mới vừa mất tích hoàn toàn.

– Ông không hề biết chút gì về quá khứ của anh ta ư?

– Không gì cả. Hồi đầu, tôi có hỏi anh ta vài câu, nhưng tôi đã hiểu anh ta không thích thế lắm. Vậy nên tôi tôn trọng lựa chọn của anh ta. Loại người đó, họ có quá khứ đau đớn, người ta thường nói vậy.

– Chúng tôi sẽ lấy lại sóng trong ba mươi giây nữa, Isabelle thông báo cho tai nghe.

Thông báo đó khiến Cholley khó chịu. Anh ta vẫn còn đủ thứ để nói trong vòng hai hay ba phút nữa.

Tại trường quay, Éric khẽ gật đầu.


– Đoạn phỏng vấn tuyệt vời! ông nói với nữ tổng biên tập.

– OK, Olivier. Cảm ơn. Éric khen anh, cô này nói lại vào đường dây nối với người phóng viên địa phương.

Olivier vui sướng đón nhận lời khen và kết thúc cuộc phỏng vấn của mình. Tươi tỉnh trở lại, anh ta trả lại sóng với một nụ cười lớn.

– Như quý vị có thể thấy trong phóng sự vừa rồi, hướng tìm kiếm theo Jean, người vô gia cư, là nghiêm túc. Một hướng đi cũng được các lực lượng cảnh sát nhanh chóng điều tra. Vì thế, chúng tôi cũng đã phỏng vấn cảnh sát trưởng Masse, người chịu trách nhiệm về khu vực có khu phố nơi Jean sinh sống. Hãy lắng nghe ông:

“Như với tất cả những người sống lang thang khác, chúng tôi có kiểm tra chứng minh thư của người vô gia cư này ngay khi anh ta đến khu Nhà chọc trời tại Vileurbane. Anh ta tên là Jean Larrive. Anh ta sinh ngày 8 tháng Năm năm 1962 tại Lyon. Anh ta chưa bao giờ gây ra vấn đề gì với người dân quanh đây và vì thế chưa bao giờ làm cho cảnh sát chúng tôi lo lắng. Chúng tôi không có bất cứ thông tin nào khác về người này.”

Suma tiếp lời.

– Quá khứ của người đàn ông này vì thế vẫn còn là một ẩn số. Mà có thể trong câu chuyện cuộc đời anh ta ẩn chứa những lý do khiến anh ta bị bắt cóc. Trừ khi anh ta bị bọn bắt cóc chọn một cách ngẫu nhiên. Ý kiến của ông, thưa ông Jacques Lumbroso?

Một phóng viên xuất hiện trên màn hình.

“Trước tiên, chúng ta cần giữ nguyên tắc thận trọng. Chúng ta không hoàn toàn chắc chắn con tin đó là Jean Larrive. Chúng ta hãy bằng lòng với việc phân tích các lý do khiến một người vô gia cư, dù đó là ai, bị bọn khủng bố Hồi giáo bắt cóc. Một lý do liên quan tới quá khứ của anh ta? Cá nhân tôi thì không tin vào điều đó. Trong trường hợp đó, bọn bắt cóc đáng ra phải cho chúng ta biết động cơ hành động của chúng bởi các động cơ sẽ biện minh cho hành động. Vậy thì, một người vô gia cư bị bắt cóc một cách ngẫu nhiên ư? Tôi cho là như vậy. Nếu không, làm sao hiểu được những bức thông điệp kỳ lạ được bọn bắt cóc gửi tới. Quý vị hãy nhớ lại: “Giá trị của người đàn ông này là gì?” bọn chúng hỏi trong bức thư duy nhất gửi tới kênh của chúng ta ngày hôm đó. Một chút gì đó như là bọn khủng bố muốn thông qua câu hỏi đó để truy vấn chúng ta về đạo đức của nền dân chủ chúng ta đang sống. Đâu thực sự là “giá trị” của một hệ thống chấp nhận việc có một số thành viên phải chìm trong nghèo đói? Bời vì, như quý vị đã biết. đối với những người Hồi giáo, dân chủ là một trò lừa đảo. Trong con mắt của họ, lấy cớ để đảm bảo tự do, tổ chức của chúng ta đã tạo ra những bất công. Các người chỉ trích đức tín của chúng tôi, các người thấy rằng luật Sharia bất công, nhưng các người có thực sự ý thức về sự tự do quá trớn trong xã hội của các người? Đó dường như là những gì bọn bắt cóc muốn giải thích cho chúng ta về kẻ vô gia cư này. Trong trường hợp đó, nếu quý vị công nhận, danh tính và cuộc đời của người đàn ông này không mấy quan trọng.”

Éric Suma cảm ơn phóng viên và tiếp tục mạch của bản tin.

– Hàng trăm người lại muốn nhìn nhận vấn đề này ở mức độ đơn giản, và một điều không thể tin nổi, họ đã gửi cho chúng tôi những tấm séc hoặc đã hứa qua điện thoại hoặc qua trang web của chúng tôi là sẽ gửi tiền. Vì thế, nếu câu hỏi của bọn bắt cóc con tin là muốn biết khoản tiền người dân Pháp sẵn sàng trả cho một người không quen biết, một kẻ không giá trị theo quan điểm của xã hội tiêu thụ, câu trả lời hôm nay là… 200.000 euro! Một câu trả lời ngây lập tức thể hiện ý nghĩa sâu sắc về tình đoàn kết.

Nhà báo dừng lại một chút để số tiền vừa được thông báo in hẳn vào tâm trí người xem.

– Đó là những gì mà chúng tôi có thể nói lúc này, ông kết luận. Chúng tôi sẽ thông tin cho quý vị những diễn biến tiếp theo của vụ việc không thể tin được này trong những bản tin sắp tới. Bây giờ là các tin tức khác.

Trước bàn điều khiển, Charles thở dài.

– Đây là điều mà tôi nghĩ chúng ta đã sai lầm. Khi nói về sự việc theo kiểu này, chúng ta đã xúi bẩy khán giả xem truyền hình gửi tiền cho chúng ta.

– Vâng, và số tiền ấy sẽ không bao giờ sử dụng để trả tiền chuộc, Clara thêm vào. Chính phủ sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện ấy. Nhưng, mục đích của Éric là gây sự chú ý. Trong lúc này, nó có vẻ không diễn biến quá tệ.

– Tất nhiên, nhưng chúng ta đang vượt quá giới hạn nhiệm vụ duy nhất của chúng ta: đưa tin.


– Đó không phải là điều mà chúng ta đã làm từ đầu vụ này hay sao?

Charles chiếu cái nhìn xanh lơ vào người mà ông vẫn chỉ coi như một cô nhóc. Sự thủ đoạn của thế hệ này khiến ông lo lắng. Cô ta biết rõ những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp nhưng thường xuyên thích vi phạm vì những lý do thật chính đáng: khan giả và danh tiếng.

— ———

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra hiệu và Frédéric Lesne tắt tiếng vô tuyến đi.

– Câu chuyện về những khoản tiền quyên góp này không làm tôi thích thú chút nào. Cứ như thể dư luận đang đàm phán với bọn bắt cóc về số tiền chuộc vậy! Chúng ta không có bất cứ đầu mối liên lạc nào, không có hướng đi nào, không gì cả, thế nhưng người ta đã nói về những khoản tiền khổng lồ, điều này không thể chấp nhận được. Liệu bọn bắt cóc có thao túng chúng ta để đẩy chúng ta đến chỗ thương lượng theo ý chúng hay không? Anh nghĩ sao?

Bộ trưởng quan sát Frédéric Lesne.

– Có hay lựa chọn cho chúng ta, viên cố vấn truyền thông lưỡng lự, Thứ nhất: Chúng ta thuyết phục Éric Suma ngăn chặn việc gửi tiền bằng cách giải thích rằng chính phủ không thể sử dụng số tiền ấy dù trong trường hợp, rất hiếm khi xảy ra, chúng ta chấp nhận thương lượng. Thứ hai… cứ để cho phong trào này lan rộng. Dù sao, đây cũng là phong trào quần chúng dựa trên một giá trị mạnh mẽ, tình đoàn kết. Một giá trị mà người ta cứ trách chúng ta không chú ý tới. Nếu chúng ta thành công trong việc giải thoát con tin mà không cần tới sự trao đổi nào, dù là nhỏ nhất, chúng ta sẽ là những anh hùng và hơn nữa là những nhà quản lý xuất sắc bởi vì chúng ta sẽ đề nghị trả lại tiền cho những người gửi tặng hoặc chuyển khoản tiền quyên góp của họ cho một tổ chức hỗ trợ các nạn nhân của khủng bố. Và nếu chúng ta phải thương luợng, chúng ta sẽ nói rằng đó là để đáp lại nguyện vọng của người dân Pháp. Và đó, một mũi tên trúng hai đích: việc chúng ta không thể giải quyết vụ việc khác đi ngoài cách liên hệ với bọn bắt cóc sẽ trở thành dấu hiện cho thấy chúng ta biết lắng nghe những mong mỏi của dân chúng. Tóm lại, chúng ta vẫn thắng.

Bộ trưởng đứng dậy và đi lại trong văn phòng, hai tay chấp sau lưng, cân nhắc hai giả thuyết bằng quan điểm chính trị của ông nhiều hơn là bằng tình cảm cá nhân, hai giả thuyết khiến ông phải chọn lựa.

– Được rồi, cứ để họ làm.

– 300.000 euro! Clara loan báo ầm ĩ khi vào trong văn phòng cùa Charles.

Éric huýt gió một tiếng và Isabelle mở to đôi mắt để thể hiện sự ngạc nhiên của mình.

– Và nó sẽ không dừng lại ở đó. Cứ theo nhịp độ tiến đổ về thế này, chúng ta sẽ đạt được gấp đôi trước cuối tuần.

– Thật không thể tin được…nữ tổng biên tập thì thầm.

Charles nhún vai.

– Chúng ta đang chứng kiến một điều phi lý hoàn toàn. Những tên bắt cóc không danh tính, một con tin vô danh không tài sản, không danh tiếng, một bức thông điệp kỳ bí và dư luận quần chúng hào hứng. Và chúng ta, ở giữa… Tôi nhắc lại với các anh: chúng ta đang chơi một trờ chơi cực kỳ nguy hiểm. Nó có nguy cơ vượt tầm chúng ta trong khi chúng ta chẳng kiểm soát được gì nhiều.

Isabelle đồng ý:


– Tôi đồng ý với anh. Chúng ta đều bị giẳng xé giữa niềm vui được ở trung tâm vụ việc và thu được lợi nhuận về mặt truyền thông và nỗi sợ hãi bị kết tội ngay ngày mai vì đã hành động vô trách nhiệm.

Éric đứng dậy.

– Chúng ta có được lựa chọn không? Các thông tin đến chỗ chúng ta, chúng ta xử lý chúng và gửi chúng cho người nhận. Chúng ta nằm ở trung tâm của hệ thống.

– Ok, Charles khó chịu, nhưng ai là đầu não? Ai chỉ huy?

– Tất nhiên là chúng ta bị điều khiển, Suma đáp, cảm thấy bị chạm tự ái. Nhưng khi chúng ta đọc những bức điện gửi từ điện Elysée[1], khi chúng ta phỏng vấn Tổng thống hay Thủ tướng theo yêu cầu của họ, anh nghĩ chúng ta được tự do hơn sao? Chúng ta đều là những người trung gian đưa tin trong trường hợp đó!

[1. Dinh tổng thống Pháp.]

– Anh thấy đấy, điều khác biệt đó là chúng ta không biết ai là những người gửi thông tin đi, mục đích của họ là gì nhưng chúng ta lại làm nảy sinh ra một hiện tượng không thể kiểm soát nổi.

Isabelle thở dài, hết sức khó chịu.

– Nghe này, chúng ta sẽ không tiếp tục cuộc tranh cãi bất tận về việc ai điều khiển ai. Chúng ta đều ý thức được những nguy cơ và thách thức, và đều đồng ý sẽ tiếp tục, phải không? Tôi cũng đã từng sợ hãi lúc ban đầu, nhưng rồi tôi đã tìm ra một lý do. Nhất là khi chúng ta không phải những người duy nhất bị liên lụy: tất cả các đồng nghiệp đã hùa theo chúng ta. Nếu có chuyện gì, ai có thể ngang nhiên tấn công chúng ta được chứ?

– Đúng thế, Clara công nhận. Một số thậm chí còn đi xa hơn. Hãy nhìn những cái tít này.

Cô nhà báo trẻ chìa ra hai tờ báo. Ở một tờ, trọn một trang là hình ảnh mờ mờ chụp lại từ video về con tin trên nền trắng kèm theo câu: “Theo bạn, giá trị của người đàn ông này là gì?” Ở một tờ khác, một cái tít theo hướng kêu gọi: “Còn bạn, bạn sẵn sàng làm gì để giải thoát người vô gia cư này??”

Và để nói rõ hơn:

– Họ đề nghị thẳng thừng với độc giả hãy gửi tiền tới tòa soạn của họ. Chúng ta không bao giờ thẳng tuột như thế.

– Ít ra thì cũng không bao giờ lộ liễu như thế, Charles chữa lại.

– Và những khoảng tiền quyên góp đó sẽ ra sao? Ai sẽ tiếp nhận nó? Ai sẽ đảm bảo nó được sử dụng đúng mục đích?

Charle làm một động tấc cho thấy ông không có câu trả lời.

– Những tấm séc gửi đến đây được tập trung cho một cái kết của ban giám đốc, Isabelle giải thích.

Đúng lúc đó, một ánh tinh quái xuất hiện trong cái nhìn của Éric.

– Chúng ta có chủ đề cho số sắp tới.

Ba đồng nghiệp nhìn ông, ngạc nhiên.


– Chúng ta sẽ đưa ra vấn đề cất giữ và bảo vệ số tiền này. Khi đặt ra vấn đề nền tảng này, chúng ta có thể có được một ví trí hợp đạo lý hơn.

– Tuyệt vời! Clara kêu lên.

Éric nở nụ cười tươi nhất với cô.

– Chúng ta có thể chỉ định nhân viên của tòa án hay gợi ý lập ra một cơ quan có thẩm quyền kiểm soát, Isabelle lại reo lên. Và cũng có thể phỏng vấn những người quản lý các tổ chức từ thiện và một đại diện của Bộ Kinh tế về chủ đề này.

– Charles, Éric nói xen vào. Ý kiến của anh thế nào?

Người phóng viên lão luyện nhún vai.

DANIEL

Chiếc limousine đen dừng trước quán rượu. Bên trong, Moktar đón chào tôi với một nụ cười giả tạo.

– Đây là một cuộc gặp quan trọng. Tôi đánh cược uy tín của tôi đấy, hắn ta nói để biện bạch cho thái độ của mình.

– Tôi cũng căng thẳng mà, ông thấy đấy.

Tôi thấy tim mình đập dữ dội và hai chân rung lên vì những cơn run không thể kiềm chế được. Một luồng điện chạy dọc cột sống khiến cơ thể tôi nhạy cảm với mọi sự cảm nhận. Tôi có cảm tưởng có thể đếm từng sợi lông, từng sợi tóc của mình, thấy từng lỗ chân lông hút dưỡng khí không thể thiếu để tôi bình tĩnh trở lại. Tôi biết những triệu chứng ấy. Đó là những thứ xâm chiếm tôi trước mỗi vụ trộm, trước mỗi hành động xấu xa, hai mươi năm về trước. Nhưng nếu hồi đó, cái cảm giác kỳ lạ này giống như một niềm thích thú tột độ thì giờ đây nó lại là cảm giác khó chịu khủng khiếp. Một nỗi lo sợ câm lặng xuyên thủng tâm trí tôi và bị tôi đổ lỗi cho tầm quan trọng của cuộc chiến tôi phải tiến hành.

Trên suốt quãng đường, Moktar im lặng, nhìn đám đông hỗn độn qua cửa kính. Điệu bộ của hắn làm tôi bối rối. Thực sự hắn lo sợ điều gì? Tôi chờ đợi hắn trấn an tôi, chuẩn bị cho tôi về cuộc gặp gỡ, cho tôi vài lời khuyên, nhưng sự im lặng của hắn làm tôi lúng túng.

Khi chúng tôi đến trước ngôi nhà, gã tài xế mở cửa xe cho chúng tôi. Khi ra khỏi xe, tôi đã cố quay lại nhìn cửa sổ phòng khách sạn tôi ở, nhưng một vệ sĩ đã tiến tới. Hắn bắt tay Moktar, chào tôi bằng một cái gật đầu và nói vào chiếc micro hắn mang ở cổ điều gì đó với một người đối thoại vô hình.

Cổng hé mở. Chúng tôi bước dọc theo một lối đi. Tôi có cảm giác đã từng đến đây bởi vì tôi biết từng bụi cây, từng đồ vật trang trí do đã từng nhiều lần tưởng tượng chuyến đi này trong đầu.

Hai tên vệ sĩ dẫn chúng tôi vào trong nhà. Ánh mắt dữ tợn của chúng chằm chằm chĩa vào tôi và tôi hy vọng chúng không đọc được điều gì.

Một trong hai tên ra dấu hỏi Moktar.

– Tôi đảm bảo cho anh ta, Moktar tuyên bố.

Tôi đã đoán đúng. Bọn chúng sẽ không lục soát tôi. Và, dù cho có lục soát theo quy định, chúng cũng sẽ có rất ít cơ hội phát hiện ra vũ khí của tôi, đã được ép chặt vào hạ bộ, tôi thở phào.

Một người đàn ông đến gặp Moktar. Họ ôm hôn nhau, trao đổi bằng tiếng Ả Rập và để mặc tôi.

– Tôi để anh lại một lát, Moktar nói với tôi. Tôi có vài việc phải làm với thư ký của thủ lĩnh. Tôi sẽ gặp lại anh sau.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.