Đọc truyện Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13 – Chương 63
Cha Breczinsky đón họ với một nụ cười nhợt nhạt, rồi dẫn họ đến bàn làm việc mà không nói lời nào. Sau khi gật đầu ra hiệu, ông vào văn phòng mình và để cửa mở hé.
Chìm đắm trong phát hiện mới của mình, cha Nil không để ý đến thái độ dè dặt của ông. “S.C.V., một mã số của Vatican. Đây là một trong những thư viện lớn nhất thế giới! Tìm một cuốn sách trong đó: quả nhiệm vụ bất khả thi.”
Ông làm việc như một cái máy trong vài phút, rồi bỗng thở mạnh và quay sang Leeland.
– Rembert, cậu có thể làm việc một mình một lát được không ? Breczinsky là người duy nhất có thể giúp tớ tìm xem mã số S.C.V. mà cha Andrei để lại trong sổ tay của ông ấy ứng với cái gì. Tớ sẽ đi hỏi ông ấy.
Một bóng đen lướt qua khuôn mặt tu sĩ người Mỹ, ông thầm thì :
– Tớ xin cậu, hãy nhớ lại điều tớ đã nói với cậu: ở đây, cậu đừng tin tưởng bất cứ ai.
Cha Nil không nói gì: “Tớ biết những điều mà cậu không biết.” Ông tháo găng và gõ vào cánh cửa văn phòng của viên thủ thư.
Breczinsky ngồi bất động trước màn hình vi tính đã tắt, hai tay đặt nằm trên bàn.
– Cha ạ, hôm trước cha đã nói là cha sẵn sàng giúp tôi. Tôi có thể nhờ cha một việc không ?
Tu sĩ người Ba Lan nhìn ông không nói gì, nét mặt hoảng hốt. Rồi ông cúi xuống nhìn vào đôi bàn tay, và nói bằng giọng trầm đục, như nói với chính mình, như thể cha Nil không có ở đó :
– Cha tôi bị giết chết vào cuối năm 1940, tôi không biết mặt ông. Mẹ tôi kể lại: một buổi sáng, một sĩ quan cao cấp thuộc quân đội Wehrmacht đã đến tìm tất cả đàn ông trong làng, nói là để làm một công việc trong rừng. Cha tôi không bao giờ quay trở lại, còn mẹ tôi chết khi tôi sáu tuổi. Một người anh họ ở Cracovie đã đón tôi về nhà, tôi là một đứa trẻ bơ vơ sau chiến tranh và tôi không thể nói được nữa. Cha xứ trẻ của xứ đạo bên cạnh đã thương xót đứa trẻ câm: ông đón tôi về ở cùng ông, giúp tôi lấy lại niềm vui sống. Rồi một ngày, ông ấy làm dấu thánh lên trán, lên môi và lên tim tôi. Ngày hôm sau, lần đầu tiên trong nhiều năm, tôi đã nói. Sau đó ông ấy cho tôi vào trường dòng trong địa phận Cracovie nơi ông làm Giám mục. Tôi nợ ông mọi thứ, ông là cha của tâm hồn tôi.
– Thế ông ấy tên là gì ?
– Karol Wojtyla. Ông là Giáo hoàng hiện nay. Vị Giáo hoàng mà tôi phụng sự với tất cả sức lực của mình.
Cuối cùng ông ngước mắt lên và nhìn chăm chăm vào mắt cha Nil.
– Cha là một tu sĩ chân chính, cha Nil ạ, giống như cha Andrei: các cha sống trong một thế giới khác. Tại Vatican, có một mạng lưới được dệt nên xung quanh Giáo hoàng, bởi những kẻ trục lợi từ việc ngài không biết được tất cả những điều chúng làm nhân danh ngài. Tại Ba Lan, Karol Wojityla chưa bao giờ biết đến chuyện gì tương tự thế: ở đó, giới tăng lữ hoàn toàn đoàn kết, chống lại kẻ thù Xô Viết chung. Mỗi người đều đặt vào người khác một niềm tin mù quáng, Giáo hội Ba Lan có lẽ sẽ không tồn tại được nếu có những thủ đoạn trong nội bộ. Chính với tinh thần này mà Giáo hoàng đã giao phó các trách nhiệm của ngài cho những người như Hồng y Catzinger. Và tôi, tôi là nhân chứng thầm lặng của rất nhiều điều.
Ông cố gắng đứng lên.
– Tôi sẽ giúp cha, giống như tôi đã giúp cha Andrei. Nhưng tôi đang làm một việc rất mạo hiểm: hãy thề với tôi là cha sẽ không tìm cách hại Giáo hoàng.
Cha Nil trả lời nhẹ nhàng :
– Tôi chỉ là một tu sĩ, cha ạ, không gì khiến tôi quan tâm ngoài khuôn mặt và nhân thân của Jesus. Chính trị và các phong tục của Vatican hoàn toàn xa lạ đối với tôi, tôi không liên quan gì đến Hồng y Catzinger, ông ta không biết gì về công việc của tôi. Cũng như cha Andrei, tôi là con người của sự thật.
– Tôi tin cha: Giáo hoàng cũng vậy, ngài là con người của sự thật. Tôi có thể làm gì cho cha ?
Cha Nil đưa ra cuốn sổ tay của cha Andrei.
– Trong thời gian ở Roma, cha Andrei đã tra cứu một cuốn sách mà ông ấy ghi lại mã số ở đây: nó có nói lên điều gì với cha không ?
Breczinsky chăm chú xem xét trang giấy trong cuốn sổ, rồi ngẩng đầu lên.
– Tất nhiên, đây là mã số thuộc kho sách này. Nó chỉ toàn bộ kệ sách nơi cất giữ biên bản thẩm tra các Hiệp sĩ dòng Đền. Khi đến đây, cha Andrei đã hỏi tôi xem có thể xem được không, mặc dù ông ấy không có giấy phép. Cha đi theo tôi.
Họ im lặng đi qua phía trước chiếc bàn nơi Leeland đang cúi người trên một bản thảo và không thèm ngẩng lên. Đến căn phòng thứ ba, Breczisky ngoặt sang trái và dẫn cha Nil đến trước một kệ sách đặt trong khu đã được gia cố.
– Ở đây – Ông chỉ vào những giá sách đặt dọc theo tường – cha sẽ thấy các văn bản của Tòa án dị giáo liên quan đến vụ các Hiệp sĩ dòng Đền, các văn bản gốc. Tôi có thể nói với cha rằng cha Andrei đã dừng rất lâu trên các biên bản thẩm tra Hiệp sĩ Esquieu de Floyran do Guillaume de Nogaret thực hiện, và thư từ trao đổi của Philippe le Bel, chính tôi đã xếp lại chúng vào đúng chỗ sau khi ông ấy đi. Tôi hy vọng cha sẽ làm việc nhanh như ông ấy: tôi để cha ở đây trong vòng hai giờ. Và cha nhớ cho: cha chưa bao giờ đến khu vực này của kho sách.
Ông tránh đi như một cái bóng. Trong cái xó vắng vẻ này, chỉ còn nghe thấy tiếng máy điều hòa nhiệt độ kêu ro ro. Khoảng mười chiếc hộp giấy xếp thành hàng, được đánh số thứ tự. Trong một hộp, trên một trang giấy mà cha Andrei tìm thấy do chứng thực viên của Tòa án dị giáo ghi lại trước mặt tù nhân bị tra tấn đến kiệt sức, có lẽ có dấu vết của tông đồ thứ mười ba.
Ông cả quyết kéo chiếc hộp đầu tiên: Lời thú nhận của đạo hữu Esquieu de Floyran, Hiệp sĩ vùng Béziers, do tôi, Guillaume de Paris, đại diện cho vua Phillippe le Bel và Quan tòa Tòa án dị giáo Pháp, ghi lại với sự hiện diện của Đức ông Guillaume de Nogaret