Đọc truyện Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13 – Chương 5
Tiếng chuông cửa vang lên lần thứ hai. Trong ánh bình minh lờ mờ, tu viện Saint-Martin là nơi duy nhất trong làng có ánh sáng đèn. Trong những đêm mùa đông như đêm nay, tiếng gió rít dọc bờ sông hoang vắng khiến vùng Val-de-Loire mang chút dáng vẻ của hoang mạc Siberia.
Tiếng chuông vẫn còn vang dội trong mái vòm của tu viện khi cha Nil bước vào, sau khi đã cởi bộ lễ phục lụng thụng ra: ông vừa kết thúc buổi lễ sớm. Mọi người dân quanh đây đều biết rằng các thầy tu luôn giữ im lặng tuyệt đối cho đến lễ cầu kinh nửa buổi, nên không bao giờ đến bấm chuông tu viện trước tám giờ.
Tiếng chuông lại khẩn thiết vang lên lần thứ ba.
“Thầy dòng gác cửa hẳn sẽ không ra mở vì đây là quy định. Thôi được, mình ra xem sao.”
Từ khi làm sáng rõ được những chi tiết vẫn còn bị che giấu liên quan đến cái chết của Jesus, cha Nil càng ngày càng cảm thấy khó chịu. Ông không thích sự vắng mặt hiếm hoi của cha Andrei: viên thủ thư này đã trở thành người tin cẩn duy nhất của ông sau Chúa. Các tu sĩ sống cùng nhưng không giao tiếp với nhau, trong khi đó cha Nil lại cần phải nói với ai đó về những nghiên cứu của mình. Đáng lẽ phải quay vào phòng riêng, nơi công việc tìm hiểu về các biến cố xảy ra khi Jesus bị bắt đang chờ đợi, thì ông lại đi ra phía phòng của người gác cửa và mở cánh cửa nặng nề ngăn cách tu viện với toàn bộ thế giới bên ngoài.
Trong ánh sáng đèn pha, một viên cảnh sát đứng nghiêm chào ông.
– Thưa cha, có phải đây là nơi cư trú của người này không?
Anh ta đưa ra một cái chứng minh thư. Không nói một lời, cha Nil cầm lấy mảnh giấy ép plastic và đưa lên đọc: Andrei Sokolwski. Tuổi: 67. Nơi ở: tu viện Saint-Martin…
Cha Andrei!
Máu trong người ông bỗng chảy dồn dập:
– Vâng…tất nhiên, ông ấy là thủ thư của tu viện. Có chuyện gì…
Viên cảnh sát đã quen với những công việc khó chịu này.
– Tối qua, có hai công nhân nông nghiệp đến báo với chúng tôi rằng trên đường về nhà, họ đã phát hiện thi thể của ông ấy trên mép đường ray đoạn giữa Lamotte-Beuvron và La Ferté-Saint-Aubin. Ông ấy đã chết. Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng phải có một người trong số các cha đến nhận diện thi thể… Để điều tra ấy mà, thưa cha.
– Cha Andrei chết rồi ư?
Cha Nil cảm thấy đất dưới chân như đang chao đảo.
– Nhưng… đó phải là đức Cha tu viện trưởng…
Phía sau họ, có tiếng bước chân khẽ khàng đặc trưng của một người đi giày tu sĩ. Chính là đức Cha tu viện trưởng. Cha bị những tiếng chuông cửa đánh động, hay bị thúc đẩy bởi một linh cảm bí ẩn nào đó?
Viên cảnh sát cúi chào. Trong đội cảnh sát Orléans, mọi người đều biết rằng ở tu viện, người mang nhẫn và đeo thánh giá trước ngực có vị thế Giám mục. Nhà nước Cộng hòa tôn trọng những điều này.
– Thưa đức Cha, một trong các tu sĩ của Ngài, cha Andrei, đã được phát hiện trên mép đường ray tuyến Roma Express, cách đây không xa. Ông ấy không có cơ may sống sót nào sau cú ngã: đốt sống cổ bị gãy, hẳn là ông ấy đã chết ngay lập tức. Chúng tôi sẽ chỉ mang xác ông ấy đến Paris để khám nghiệm sau khi đã làm xong thủ tục nhận diện. Không biết cha có thể lên xe của tôi, và hoàn thành thủ tục… nặng nề, nhưng cần thiết này không?
Từ khi được bầu lên vị trí danh giá này, đức Cha tu viện trưởng tu viện Saint-Martin chưa bao giờ để lộ bất kỳ biểu hiện tình cảm nào. Đương nhiên là cha được các tu sĩ bầu lên theo đúng Quy định của tu viện. Tuy nhiên, ngược với quy định này, đã có rất nhiều cuộc điện thoại trao đổi giữa Val-de-Loire và Roma. Sau đó, ngay trước kỳ bầu tu viện trưởng, lại có một giáo sĩ cấp bậc khá cao về nghỉ dưỡng hàng năm tại tu viện, và kín đáo thuyết phục những người ương ngạnh rằng Dom Gérard chính là người cần phải lựa chọn.
Chỉ có thể trao quyền điều hành tu viện, học viện rất đặc biệt ở đây cũng như ba thư viện trực thuộc vào tay một người vững vàng. Không một thớ thịt trên mặt đức Cha tu viện trưởng để lộ bất kỳ cảm xúc nào trước mặt viên cảnh sát, người vẫn đang giữ tư thế đứng nghiêm.
– Cha Andrei! Lạy Chúa tôi, thật là một thảm họa! Chúng tôi đang chờ ông ấy từ Roma quay về đây sáng nay. Làm sao lại có thể xảy ra tai nạn như vậy được?
-Tai nạn? Vẫn còn quá sớm để dùng từ này, thưa đức Cha. Một vài chi tiết có được khiến chúng tôi thiên về một giả thiết khác. Toàn bộ các toa tàu trên chuyến Roma Express đều làm theo kiểu cũ, tất cả cửa ra vào đều được khóa chặt ngay khi tàu khởi hành, và vẫn khóa như thế trong suốt chuyến đi. Đạo hữu của các cha chỉ có thể ra ngoài qua đường cửa sổ từ chính khoang của ông ấy. Khi đi kiểm tra lần cuối trước khi tàu đến ga cuối cùng, nhân viên soát vé nhận thấy khoang đó trống không: không chỉ có cha Andrei vắng mặt, mặc dù va li của ông ấy vẫn còn ở đó, mà cả hai hành khách trong khoang cũng đã biến mất không để lại hành lý gì. Ba chỗ ngồi khác trong khoang đều đã được đặt trước, nhưng không có ai ngồi ngay từ khi tàu rời Roma. Thế nghĩa là không có một nhân chứng nào. Việc điều tra đã bắt đầu được tiến hành, nhưng giả thiết ban đầu của chúng tôi loại trừ bất cứ khả năng tai nạn nào: vụ này giống như một vụ giết người thì đúng hơn. Chắc chắn cha Andrei đã bị hai hành khách đi cùng ném ra ngoài cửa sổ khi tàu đang chạy nhanh. Cha có thể đi cùng tôi để làm thủ tục nhận diện được không?
Cha Nil đã kín đáo lùi ra phía sau một chút, nhưng ông vẫn có cảm giác một làn sóng cảm xúc đang trào lên và sắp sửa tràn qua bức màn bình thản che chắn trên khuôn mặt cấp trên của ông.
Đức Cha tu viện trưởng lặp lại ngay lời của viên cảnh sát:
– Đi cùng ông? Bây giờ ư? Không thể được, vì sáng nay tôi phải tiếp các Giám mục của miền Trung, tôi không thể vắng mặt được.
Ông quay sang phía cha Nil, thở dài.
– Cha Nil, liệu cha có thể đi cùng ông đây để hoàn tất thủ tục nặng nề này không?
Cha Nil cúi đầu vâng lệnh. Công việc nghiên cứu về những âm mưu đặt ra xung quanh Jesus đang chờ ông. Hôm nay, chính cha Andrei vừa bị đóng đinh câu rút.
– Tất nhiên, thưa Cha: tôi đi lấy áo khoác của chúng ta, vì trời có vẻ lạnh – thưa ông, xin ông chờ cho một lát, tôi sẽ quay ra ngay…
Tu viện vốn nghèo khó nên các tu sĩ bị cấm phát ngôn những từ ngữ thể hiện sự sở hữu cá nhân đối với bất kỳ vật gì, dù là nhỏ nhất: áo khoác của chúng ta chỉ do một mình cha Nil sử dụng từ nhiều năm nay, nhưng điều đó không có nghĩa là ông có thể nói áo khoác của tôi.
Đức Cha tu viện trưởng dẫn viên cảnh sát vào trong căn phòng vắng vẻ của người gác cổng, và thân mật nắm lấy cánh tay anh ta.
– Tôi không vội phán đoán kết quả điều tra cuối cùng. Nhưng một vụ giết người thì hoàn toàn không thể xảy ra được! Ông cứ tưởng tượng cảnh báo chí, truyền hình, phóng viên khi biết thông tin này. Dù thế nào, Giáo hội Công giáo cũng sẽ bị bôi nhọ, và nhà nước Cộng hòa cũng rất khó xử. Tôi chắc đó là một vụ tự tử. Cha Andrei khốn khổ…ông hiểu không?
Viên cảnh sát rút cánh tay ra khỏi tay ông: anh quá hiểu điều đó, nhưng điều tra là điều tra, không thể dễ dàng chui ra ngoài cửa sổ của một đoàn tàu đang chạy hết tốc độ. Và anh cũng không thích bị một người ngoại đạo chỉ dẫn cho anh biết điều anh phải làm – dù người đó có đeo thánh giá và nhẫn Giám mục đi chăng nữa.
– Thưa Cha, việc điều tra vẫn đang được tiến hành. Cha Andrei không thể tự mình rơi ra ngoài cửa sổ tàu được: Paris sẽ xác định vấn đề này. Nhưng ngay lúc này, tôi xin nói với cha một điều, rằng tất cả mọi dấu vết đều cho thấy đây là một vụ giết người.
– Xem nào, một vụ tự tử…
– Một tu sĩ, lại đã ngần ấy tuổi đời, mà tự tử ư? Rất ít khả năng.
Anh đưa tay xoa cằm: dù sao, đức Cha tu viện trưởng cũng có lý, vụ việc này rất có thể làm nảy sinh những rắc rối lộn xộn, và rắc rối có thể lên đến những cấp cao…
– Thưa Cha, hãy cho tôi biết cha Andrei có biểu hiện… rối loạn tâm thần nào không?
Cha tu viện trưởng có vẻ nhẹ nhõm hẳn: hình như viên cảnh sát đã hiểu ra vấn đề.
– Đương nhiên là có! Ông ấy đang phải điều trị, tôi khẳng định với ông rằng ông ấy đang trong tình trạng tổn thương rất nặng nề về mặt tinh thần.
Thật ra, tất cả các đạo hữu của cha Andrei đều biết rằng cha có thần kinh và tâm lý hết sức cân bằng, và suốt bốn mươi năm sống trong tu viện, ông chưa lần nào phải đến bệnh xá. Ông là một nhà nghiên cứu chuyên làm việc với các bản thảo viết tay, một học giả mà nhịp tim chưa bao giờ vượt quá sáu mươi lần một phút. Cha tu viện trưởng mỉm cười với viên cảnh sát.
– Tự tử là tội lỗi đáng sợ đối với một nhà tu hành, nhưng bất kỳ tội lỗi nào cũng đáng được tha thứ. Trong khi một vụ giết người…
Ánh nhợt nhạt của buổi bình minh chiếu lên cảnh tượng. Người ta đã kéo cái xác ra xa đường ray để tàu có thể chạy bình thường, nhưng do đã cứng đờ lại nên nó vẫn giữ nguyên tư thế: cẳng tay trái của cha Andrei vẫn chỉ lên trời, bàn tay nắm chặt. Trên đường đi, cha Nil đã có thời gian để chuẩn bị tinh thần đối mặt với cú sốc. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy hết sức khó khăn khi phải đến gần, quỳ xuống và kéo tấm vải che mặt ra khỏi cái đầu người nát bấy.
– Đúng rồi, ông thì thầm trong hơi thở. Đúng là cha Andrei. Ông bạn tội nghiệp của tôi…
Ông im lặng một lúc, và viên cảnh sát tôn trọng sự im lặng của ông. Rồi, anh ta chạm vào vai cha Nil:
– Cha hãy ở lại với ông ấy, tôi sẽ lập biên bản nhận dạng trong xe, cha chỉ cần ký tên là xong, sau đó tôi sẽ đưa cha về tu viện ngay.
Cha Nil đưa tay lau dòng nước mắt đang lăn dài trên má. Rồi ông nhận thấy bàn tay nắm chặt của thi thể, như đang nguyền rủa bầu trời trong một cử chỉ tuyệt vọng cuối cùng. Khó khăn lắm ông mới kéo được các ngón tay đã lạnh giá của người chết ra: trong lòng bàn tay, ông nhìn thấy có một mảnh giấy hình vuông nhàu nát.
Cha Nil quay nhìn về phía viên cảnh sát: anh ta đang cúi lom khom lên mui xe. Ông liền gỡ mảnh giấy ra khỏi bàn tay ông bạn quá cố, và nhìn thấy trên đó vài dòng chữ viết vội bằng bút chì.
Không ai để ý đến ông: ông nhanh nhẹn đút mảnh giấy vào túi áo khoác.