Đọc truyện Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13 – Chương 45
Cha Nil thích đi lang thang và mơ mộng trên quảng trường Saint Peter vào sáng sớm, khi khách du lịch còn chưa có mặt. Ông ra khỏi bóng của đài tháp để tận hưởng ánh mặt trời đã trở nên ấm áp. “Người ta nói chính đài tháp này tô điểm cho trung tâm đấu trường của Néron. Ở Roma, thời gian không tồn tại.”
Bàn tay trái của ông không rời khỏi chiếc túi đeo, khi rời khỏi San Girolamo, trong đó ông bỏ vào những ghi chép quý giá nhất tách từ những giấy tờ đã xếp trên giá. Ở đây người ta có thể lục lọi phòng ông cũng dễ dàng như ở tu viện, hơn nữa giờ đây ông biết rằng phải đề phòng tất cả mọi người. “Nhưng không phải là Remby, không bao giờ!” Khi đi, ông đã nhét xuống tận đáy túi cuộn phim âm bản chụp ở Germigny. Một trong bốn hướng nghiên cứu cha Andrei để lại mà ông vẫn chưa biết phải khai thác thế nào.
Trong khi cha Nil vẫn đang mơ màng dưới chân đài tháp dựng trên những đế chế ngày càng được củng cố thêm bởi thời gian, thì vừa đến văn phòng, Leeland đã thấy có lời nhắn ông ngay lập tức đến gặp một thư lại của Cơ quan truyền bá đức tin. Một Đức ông Calfo nào đó mà đôi lúc ông có giáp mặt trong một lối đi dù không biết rõ vị trí của ông ta trong cơ cấu tổ chức của Vatican.
Đi xuống hai tầng nhà và vô số những hành lang quanh co, ông ngạc nhiên thấy vị giáo sĩ cấp cao an tọa trong một văn phòng gần như xa hoa, chỉ có một cửa sổ duy nhất nhìn thẳng ra quảng trường Saint Peter. Một người đàn ông nhỏ bé, đẫy đà, có dáng vẻ vừa tự tin vừa giả dối. “Một cư dân trong thiên hà Vatican,” tu sĩ người Mỹ nghĩ.
Calfo không mời ông ngồi.
– Đức ông, Hồng y đã yêu cầu tôi báo cáo với ngài các cuộc chuyện trò giữa ông và cha Nil, người vừa đến giúp việc cho ông. Đức Hồng y quan tâm sát sao- mà nếu không thế mới đáng ngạc nhiên- đến công việc nghiên cứu của các chuyên gia.
Trên bàn của ông ta, đập ngay vào mắt là tờ ghi chép mà hôm qua Leeland đã gửi cho Catzinger, trong đó có tóm tắt cuộc nói chuyện đầu tiên của ông với cha Nil, nhưng hoàn toàn không đả động gì đến tâm sự thầm kín của bạn ông liên quan đến những nghiên cứu về kinh Phúc âm theo Thánh Jean.
– Đức Hồng y đã gửi cho tôi báo cáo đầu tiên của ông, nó chứng tỏ rằng giữa ông và người Pháp này có một mối quan hệ bạn bè tâm giao. Nhưng thế là không đầy đủ, Đức ông ạ, hoàn toàn không đầy đủ! Tôi không thể tin được rằng ông ấy không nói gì thêm với ông về bản chất công việc mà ông ấy tiến hành một cách tài năng, và từ lâu rồi!
– Tôi không nghĩ những chi tiết của một cuộc nói chuyện không ra đầu ra đũa lại có thể khiến Hồng y quan tâm đến thế.
– Tất cả các chi tiết, thưa Đức ông. Ông phải cụ thể hơn, và bớt e dè hơn trong các báo cáo của mình. Điều này sẽ đỡ cho Hồng y một khoảng thời gian quý báu, vì ngài muốn theo sát từng bước tiến khoa học- đó chính là nghĩa vụ của ông ấy với tư cách là người đứng đầu Cơ quan truyền bá đức tin. Chúng tôi chờ đợi sự hợp tác của ông, Đức ông ạ, và ông biết tại sao… đúng không?
Một cảm giác mà Leeland không thể chế ngự, một cơn căm thù ngấm ngầm xâm chiếm ông. Ông mím môi, không trả lời.
– Ông có thấy chiếc nhẫn Giám mục này không? – Calfo chìa tay ra. – Một tuyệt tác, được chế tác vào thời kỳ người ta còn hiểu được ngôn ngữ của đá. Thạch anh tím, thứ đá được đa số các giáo sĩ Công giáo cao cấp lựa chọn, là tấm gương cho sự nhún mình và nhắc nhở chúng ta về sự chất phác của Thánh Matthieu. Nhưng đây là một viên ngọc thạch anh, là sự phản chiếu của đức tin, được gắn với Thánh Peter. Nó luôn đặt tôi đối diện với cuộc chiến của đời mình: đức tin Công giáo. Chính đức tin này, Đức ông ạ, đang bị liên lụy bởi các nghiên cứu của cha Nil. Ông không nên che giấu bất kỳ điều gì trong những điều ông ấy nói với ông, như ông đã làm.
Calfo im lặng đuổi ông ra, rồi ngồi lại vào bàn. Mở ngăn kéo, lấy ra một xấp giấy xé ra từ một cuốn sổ: bản tốc ký ghi lại cuộc nói chuyện hôm trước. “ Ta vẫn là người duy nhất biết rằng Leeland không tham gia cuộc chơi. Antonio đã làm tốt công việc.”
Về đến văn phòng của mình sau khi đi qua các hành lang, Leeland cố nén cơn giận dữ. Viên thư lại này biết ông đã giấu cả một phần cuộc nói chuyện giữa ông và cha Nil. Làm sao ông lại biết?
“Chúng ta đã bị nghe trộm! Mình bị đặt máy nghe trộm, ở đây, ở Vatican này.”
Một lần nữa, lòng căm thù lại trỗi dậy trong ông. Họ đã khiến ông phải chịu đựng quá nhiều, họ đã phá hủy cuộc đời ông.
Vừa bước vào căn phòng bé xíu của Leeland, cha Nil vừa xin lỗi vì đến muộn:
– Xin lỗi cậu, tớ vừa lang thang trên quảng trường…
Ông ngồi xuống, đặt chiếc túi cạnh chân ghế và mỉm cười.
– Tớ đã tập hợp trong này tất cả những ghi chép quý giá nhất. Tớ phải nói cho cậu nghe những kết luận của tớ – mới là tạm thời thôi, nhưng cậu sẽ bắt đầu hiểu…
Phác một cử chỉ cắt lời ông, Leeland viết nguệch ngoạc mấy chữ lên một mẩu giấy, rồi đưa cho cha Nil, đồng thời đặt ngón trỏ lên môi. Ngạc nhiên, tu sĩ người Pháp đón lấy mẩu giấy và đưa mắt đọc: “Chúng ta bị nghe trộm. Đừng nói gì cả, tớ sẽ giải thích sau. Không phải ở đây.”
Ông ngước đôi mắt ngạc nhiên nhìn Leeland. Bằng giọng liến thắng, ông này tiếp luôn:
– Thế nào, cậu ở San Girolamo tốt chứ? Hôm qua đã có một trận gió sirocco, cậu không bị ảnh hưởng nhiều chứ?
– Ờ… có, tớ đau đầu suốt cả tối. Có chuyện gì…
– Hôm nay chúng ta có quay lại kho sách của Vatican cũng vô ích thôi, tớ muốn cho cậu xem tớ có gì trong máy tính, cậu sẽ thấy phần việc đã hoàn thành. Mọi thứ đó đều ở nhà tớ. Cậu có muốn đi cùng tớ bây giờ không? Cách đây khoảng mười phút, đường Aurelia.
Ông gật đầu khẩn thiết ra hiệu với cha Nil đang sửng sốt, và đứng dậy không chờ ông này trả lời.
Khi họ rời khỏi hành lang để đến cầu thang, Leeland để cha Nil đi trước và quay lại. Ông nhìn thấy một thư lại mà ông không quen đi ra từ văn phòng bên cạnh phòng ông, đang bình thản khóa cửa và tiến về phía họ. Anh ta mặc một chiếc áo tu sĩ thanh lịch, và trong bóng tối của hành lang, Leeland chỉ thoáng thấy ánh mắt đen của anh ta, vừa buồn rầu vừa lo lắng.
Ông nhanh nhẹn đến bên cha Nil đang đợi mình trên những bậc thang đầu tiên, vẫn với vẻ ngạc nhiên lúc trước.
– Xuống thôi. Nhanh lên.