Đọc truyện Bẻ Kiếm Bên Trời – Chương 47: Núi Cực Lạc Phi Yên tìm chị
Đạo nhân thấy Triển Phi Yên hỏi mình đường đi lên núi Cực Lạc thì lão chỉ giương mắt lên nhìn nàng ra chiều băn khoăn chứ không trả lời.
Triển Phi Yên thấy vậy không khỏi xao xuyến trong lòng. Nàng không chờ được nữa, hỏi lại :
– Ta hỏi đạo trưởng về đường lên núi Cực Lạc, sao đạo trưởng lại không trả lời?
Đạo nhân lạnh lùng hỏi lại :
– Ngươi định lên núi Cực Lạc ư? Mấy bữa nay trên đó xảy ra nhiều chuyện lôi thôi. Ngươi đến đấy làm gì?
Triển Phi Yên trong lòng tuy hoang mang, nhưng nàng làm mặt giận hỏi :
– Ta đã lên đây thì hẳn là có việc. Chỉ cần đạo trưởng chỉ đường cho, còn ngoài ra, đạo trưởng bất tất phải bận tâm.
Đạo nhân bật lên mấy tiếng cười quái gở. Không hiểu tiếng cười của lão để tỏ ý khinh rẻ hay ra chiều bí mất. Đạo nhân bỗng dừng tiếng cười lại, rồi đáp :
– Ngươi đã muốn ta trỏ cho “con đường chết” thì có khó gì? Từ đây, ngươi cứ nhắm về hướng đông mà đi. Từ giờ đến tối sẽ đến chỗ hồ nước rộng mênh mông. Đó là Thái Hồ. Ngươi hỏi người ta sẽ trỏ nẻo lên núi Cực Lạc cho. Ngươi tới bờ hồ thì thủ hạ Bạch lão tự nhiên chở thuyền ra đón ngươi đó.
Triển Phi Yên nghe đạo nhân nói rõ đầu đuôi và còn cho biết thêm núi Cực Lạc là quản hạt của Thúy Hoa Bách lão bà đúng như lời lão ốm o đã bảo mình trước thì biết chắc là mình sẽ tới nơi được mau chóng.
Có điều nàng vẫn băn khoăn về câu đạo nhân bảo mình đi tới “con đường chết” thì nàng không hiểu ý tứ của lão ra sao.
Nàng tự hỏi :
– Đạo nhân này là ai? Y là nhân vật thế nào?
Nhưng nàng lại nghĩ rằng :
– Bất luận lão là hạng người nào nhưng xem tình hình đường lối lão vạch cho mình không có điều gì đáng nghi nữa. Âu là ta hãy đi tới núi Cực Lạc rồi sau sẽ liệu.
Triển Phi Yên quyết định chủ ý xong, không muốn chần chờ nữa, liền chấp tay nói :
– Cảm ơn đạo trưởng đã có lời chỉ bảo cặn kẽ, vãn bối xin cáo từ để khởi hành cho kịp tới nơi trong ngày hôm nay.
Đạo nhân cười lạt nói :
– Con nhỏ kia! Từ nay trở đi, ngươi đừng bắt chước tiếng chim kêu, chim hót gì nữa nghe!
Triển Phi Yên đã toan cất bước thì đạo nhân lại nói tiếp :
– Nếu ngươi muốn học tiếng chim thì đến lạy ta làm sư phụ, ta sẽ chỉ bảo cho.
Đạo nhân vừa nói vừa giương mắt lên nhìn Triển Phi Yên chằm chặp.
Triển Phi Yên vốn đã muốn biết lai lịch đạo nhân, bây giờ được lão hỏi vậy, nàng đứng ngẩn người ra bới ký ức để nhớ lại trong võ lâm có những dị nhân nào ưa nuôi chim và học tiếng chim.
Nàng chợt nhớ tới một nhân vật võ công cao cường đặc biệt khác người. Ngoài ra dị nhân này còn thông hiểu tiếng chim. Y chính là con cháu Công Dã Trường [1] ngày trước. Y tự xưng là Bách Cầm chân nhân Công Dã Huỳnh.
Nàng còn nghe người ta đồn Công Dã Huỳnh tuy tính tình cổ quái. Nhưng bất luận tính nết lão thế nào, nàng hỏi lão đã chịu trả lời và hơn nữa, lão còn bảo nàng có muốn học tiếng chim thì đến xin làm môn hạ. Vậy chắc lão có cảm tình với nàng.
Nghĩ vậy nàng tự nhủ :
– Lão này thần thông quảng đại mà ta lên núi Cực Lạc một mình, e rằng còn có nhiều điều trở ngại. Chi bằng ta thử năn nỉ xem lão có chịu giúp ta điều gì chăng?
Quyết định chủ ý rồi, nàng toan cất tiếng đáp bỗng nghe tiếng chim én kêu ra chiều cấp bách.
Công Dã Trường người nước Tề, cũng có thuyết nói là người nước Sở vào thời Chiến Quốc. Ông là môn đồ Đức Khổng Tử. Ngài thấy ông là người hiền nên gả con gái cho.
Hai con chim én này lướt tới đến trước mặt đạo nhân, rồi vừa bay liệng vừa kêu réo không ngớt.
Đạo nhân dường như hiểu tiếng chim, gọi chúng xuống rồi lão cùng cặp chim én líu lo với nhau một hồi tựa hồ một cuộc đối thoại. Vẻ mặt đạo nhân mỗi lúc một nghiêm trọng hơn.
Sau một lúc lâu, đạo nhân bỗng buông một tiếng thở dài. Đôi én cũng vỗ cánh bay đi.
Tiếng én líu lo, Triển Phi Yên tuy bắt chước được rất giống, nhưng nó nói gì thì nàng không tài nào hiểu được. nàng đứng ngẩn người ra nhìn đạo nhân.
Đạo nhân hắng giọng nói :
– Ngươi muốn đi dấn thân vào chỗ chết thì đi đi, còn chờ gì nữa?
Triển Phi Yên liền nở một nụ cười cầu tài hỏi :
– Phải chăng tiền bối là Bách Cầm chân nhân Công Dã đạo trưởng?
Đạo nhân trợn mắt lên hỏi :
– Phải thì sao mà không phải thì làm sao? Ta có xin tiền ngươi đâu. Cần gì ta phải tỏ họ nêu tên ra với ngươi?
Triển Phi Yên cười nói :
– Công Dã tiền bối! Vãn bối phải lên núi Cực Lạc là vì có một việc rất trọng yếu. Vừa rồi đạo trưởng lại bảo “Đến núi Cực Lạc là đi vào đường chết”. Vãn bối không hiểu ý tiền bối ra sao. Xin tiền bối chỉ thị rõ cho.
Công Dã Huỳnh quay phắt đi đáp :
– Ta không biết! Ta không biết! Ngươi đừng hỏi ta nữa.
Triển Phi Yên đứng đằng sau đạo nhân đưa bộ mặt ngáo ộp ra nói :
– Công Dã tiền bối! Tiền bối đừng giấu fiếm vãn bối nữa. Vừa rồi hai con én nói gì vãn bối đã nghe hết cả rồi.
Nàng nói nhăng như vậy tưởng là để cho đối phương không nhịn được, phát cáu lên sẽ nói toạc ra.
Ngờ đâu Công Dã Huỳnh đột nhiên quay phắt lại, giơ năm ngón tay khoằm khoằm như móc câu chụp xuống vai Triển Phi Yên một cách đột ngột. Tuy chiêu này vừa mau lẹ vừa phóng ra một cách bất ngờ, song thân pháp Triển Phi Yên cũng vô cùng linh hoạt. Nàng vừa thấy động tác khác lạ của đạo nhân biết là nguy đến nơi. Nàng vừa hít chân khí vận động nội lực, vừa né vai đi một chút.
Chiêu trảo của đạo nhân chụp xuống chỉ đánh rách vai áo nàng vài vệt.
Công Dã Huỳnh bất giác thộn mặt ra. Lão không động thủ nữa, hững hờ nói :
– Hà! Té ra ta nhận lầm người. Thân pháp ngươi khá đấy. Bản lãnh này đủ để đi nộp mạng rồi đó!
Triển Phi Yên lễ phép hỏi :
– Công Dã tiền bối! Vãn bối đang muốn thỉnh giáo tiền bối cho biết chân núi Cực Lạc đã có những việc rắc rối gì xảy ra. Vãn bối lên đó liệu có nguy hiểm gì không?
Công Dã Huỳnh lờ đi như không nghe tiếng, rồi tiếp tục đùa rỡn với mấy con chim trên vai lão.
Triển Phi Yên gặng hỏi đến bảy tám lượt mà Công Dã Huỳnh cũng chẳng thèm để ý đến.
Triển Phi Yên tức mình lẩm bẩm :
– Mình đối với lão hết sức dè dặt, ăn nói cực kỳ cung kính, gọi lão đến mười bảy, mười tám lần bằng “tiền bối” mà chẳng được một chút gì. Trái lại phải rước lấy cái bực mình vào người. Bản cô nương khi nào chịu để cho ai coi thường mình đến thế.
Nàng càng nghĩ càng không thể dằn lòng được, bèn hắng giọng một tiếng, rồi xẵng giọng :
– Đạo trưởng không nói thì mặc đạo trưởng. Vãn bối đâu có sợ gì mà không dám lên núi Cực Lạc.
Dù sao Triển Phi Yên cũng biết Công Dã Huỳnh không phải tay vừa, nên nàng không dám buông lời hỗn xược. Có điều nàng vừa nói xẵng giọng vừa trợn mắt trợn mũi nhìn Công Dã Huỳnh để chế giễu lão một cách kín đáo và có ý báo cho đạo nhân biết :
– Dù lão muốn hăm dọa thế nào, ta đây cũng chẳng sợ đâu.
Rồi nàng trở gót lướt mình đi. Người nàng vừa băng đi chừng ba bốn thước, nàng còn nghe tiếng Công Dã Huỳnh cười khẩy ở sau lưng.
Tuy nhiên Triển Phi Yên cũng không quay lại, nàng chỉ nói vọng lại mấy câu để trêu tức lão chơi :
– Mình đã không dám đi rồi tưởng tất cả mọi người thiên hạ cũng nhát gan như mình không dám đi. Như vậy thiệt đáng tức cười.
Lúc Triển Phi Yên nói câu này, nàng yên trí Công Dã Huỳnh sẽ tức mình rượt theo, nên nàng chí đầu ngón chân băng mình lướt về phía trước thật nhanh.
Nhưng Triển Phi Yên đã đoán sai. Chẳng những Công Dã Huỳnh chẳng thèm đuổi theo mà chỉ trả lời bằng tràng cười lạt lẽo mà thôi.
Triển Phi Yên băng băng lao về phía trước. Nàng nhiệt tâm lo lắng cho Cần Quân Hiệp, tự hỏi :
– Lão già ốm o sao lại đem giao Cần Quân Hiệp cho con người tâm địa bất trắc là Quản Tam Dương? Dù lão nói không đến nỗi xảy ra việc gì nguy hại cho chàng, nhưng đưa dê vào miệng cọp thì mình yên tâm thế nào được.
Càng nghĩ tới Cần Quân Hiệp bao nhiêu, lòng nàng càng xao xuyến nóng nảy bấy nhiêu. Dù nàng suy tính hoài mà cũng không có cách nào giải được mối lo âu. Nàng không biết làm thế nào được, chỉ còn cách đi mau đến núi Cực Lạc tìm nhị thư đòi con ngựa sắt về rồi sẽ liệu.
Triển Phi Yên thi triển khinh công đến tột độ, chạy cho tới lúc hoàng hôn thì trước mắt ở phía xa xa đã hiện ra một hồ nước rộng.
Ánh hoàng hôn chiếu xuống mặt hồ làm cho làn nước mông mênh biến ảo ra không biết bao nhiêu màu sắc rực rỡ thiệt là đẹp tuyệt.
Những ngọn núi cao ngất trời bên bờ hồ dường như để thêu dệt thêm một phong cảnh hùng vĩ thiên nhiên.
Trước phong cảnh này, Triển Phi Yên thoáng tấm lòng xao xuyến. Nàng cất tiếng hát rồi xăm xăm chạy tới bờ hồ.
Đột nhiên trong đám bụi lau có tiếng mái chèo sột soạt rồi một chiếc thuyền bơi lại.
Triển Phi Yên đứng trên bờ hồ để ý nhìn thì người bơi thuyền là một thiếu phụ đứng tuổi, mình mặc áo ngắn màu lam thẩm có hơi trắng, tỏ ra một mụ quê mùa chất phác.
Nàng vội lên tiếng gọi :
– Đại tẩu ơi! Tiểu muội muốn tới núi Cực Lạc. Chẳng hiểu đại tẩu có cho tiểu muội đi cùng được không?
Người đàn bà gật đầu đáp :
– Mời cô nương xuống thuyền đi!
Triển Phi Yên biết ngay thiếu phụ kia đúng là thủ hạ Bách lão bà, quả như lời Công Dã Huỳnh đã báo trước. Nàng càng nghĩ càng khâm phục. Công Dã Huỳnh là tay rất từng trải biết hết mọi chỗ trong khu vực Thái Hồ bát ngát này. Nhưng nàng không khỏi băn khoăn về câu lão bảo mình vào “đường chết”. Nàng tự hỏi :
– Bách lão bà bố trí thuyền bè chở người lên núi để làm chi? Liệu bà ta có ác ý gì không? Sao người chở thuyền lại không hỏi đến lai lịch mình đã mời xuống thuyền ngay.
Tuy trong lòng Triển Phi Yên vẫn hoang mang lo nghĩ, nhưng chân nàng đã nhảy xuống thuyền rồi.
Mụ lái quay mũi trở ra, buông mái chèo, chèo luôn hai cái. Con thuyền nhỏ vun vút lao đi như tên bắn.
Thuyền đi mau quá khiến cho Triển Phi Yên xiêu người đi muốn té,.
Nàng đứng vững lại rồi ngoảnh đầu nhìn vào bờ thì không khỏi kinh hãi vì mới chớp mắt mà chiếc thuyền đã ra xa bờ đến hai chục trượng.
Nàng lại ngoảnh nhìn ra bốn mặt thì quãng hồ này toàn là hồng lăng bát ngát, ngoài tiếng thuyền chạm vào lá lăng sột soạt, tuyệt không thấy động tĩnh gì nữa.
Mùi hoa thơm mỗi lúc một ngào ngạt thêm. So với hoa mai thì mùi thơm này không nồng nàn bằng, nhưng so với hoa quế thì lại kém bề êm dịu. Thật là một mùi hương khó tả.
Triển Phi Yên nghe tiếng con thuyền nhỏ chạm vào lá lăng bật lên những tiếng sột soạt thì kinh hãi nói :
– Đại tẩu! Cánh tay đại tẩu mạnh quá!
Mụ đàn bà cười lạt nói :
– Ta sinh nhai ở trên đảo, lâu ngày bơi thuyền quen rồi, cho nên chèo thuyền rất lẹ.
Triển Phi Yên đang nghi hoặc thì mụ lái thuyền bắt đầu hỏi chuyện :
– Cô nương! Cô đến núi Cực Lạc là chỗ ở của Thúy Y lão bà làm chi vậy?
Triển Phi Yên ngẫm nghĩ một chút thì nói thật :
– Tiểu muội đến đó kiếm thư thư.
Thiếu phụ ngẩng đầu lên nhìn Triển Phi Yên ra vẻ không tin lời nàng. Hồi lâu mụ nói tiếp :
– Thư thư cô đến hầu hạ Bách lão bà hay đến làm gì?
Triển Phi Yên tuy đối với nhị thư không có chút tình cảm gì tốt đẹp, nhưng dù sao Triển Phi Ngọc cũng là chị ruột nàng. Nàng nghe thiếu phụ có vẻ coi thường Triển Phi Ngọc thì không khỏi tức giận nói :
– Bách lão bà thì đã là cái thá gì mà thư thư ta phải làm thủ hạ mụ?
Thiếu phụ nghe Triển Phi Yên nói vậy lập tức dừng chèo. Con thuyền đang đà chạy vun vút nên vừa dừng chèo, nó quay tít đi.
Triển Phi Yên xẵng giọng hỏi :
– Ô hay! Sao ngươi không chèo thuyền đi?
Thiếu phụ giơ tay lên đáp :
– Ngươi muốn đến chóng thì lại mà chèo lấy!
Triển Phi Yên cười gằn một tiếng, sấn lại trước mặt thiếu phụ, nắm lấy tay mụ giật mạnh một cái, nói :
– Nếu vậy thì tránh ra để ta chèo cũng được.
Tuy nàng giật tay mụ nhưng cũng chưa vận hết nội lực. Nàng chắc rằng mình chỉ giật khẽ một cái là đối phương đã ngã quay.
Không ngờ thiếu phụ bị nàng giật liền theo đà né tránh sang bên. Chẳng những mụ không ngã mà lại còn rung tay một cái, hất chân đá vào lưng Triển Phi Yên.
Phát đá này cực kỳ đột ngột và rất lợi hại. Bỗng nghe đánh “chát” một tiếng.
Triển Phi Yên bị đá trúng lưng. Người nàng không tự chủ được, bị hất tung lên.
Triển Phi Yên còn đang lơ lửng trên không, nàng đứng thẳng người lên để từ từ hạ xuống. Nhưng nàng trông thấy mình sắp rơi tõm xuống hồ, trong lòng vừa căm hận vừa nóng nảy.
Bỗng thấy thiếu phụ cầm mái chèo gạt thuyền lảng ra xa đến hơn một trượng. Rõ ràng mụ muốn cho Triển Phi Yên ngã xuống nước, làm cho nàng phải một phen bở vía.
Triển Phi Yên vội la lên :
– Mau mau bơi thuyền lại đây!
Người nàng đang từ trên không lướt mau xuống thì nghe mái chèo bì bõm khua động hồ nước. Đồng thời mặt nước bắn tóe lên một con cá lớn dài hơn một thước quẫy mạnh rồi nhảy vọt lên mặt nước.
Triển Phi Yên cả mừng, trầm khí cho người rớt mau xuống. Chân nàng đạp trúng mình cá lấy đà, rồi nhảy vọt đi như tên bắn, người nàng vừa rớt xuống đúng mạn thuyền.
Thiếu phụ lún người xuống, hai tay mụ cầm mái chèo dùng hết sức quét ngang Triển Phi Yên.
Triển Phi Yên vươn tay ra nắm được mái chèo rồi theo đà, lộn mình đi một cái, buông tay ra cho người rớt vào thuyền.
Giữa lúc nàng buông hai tay, vì dùng sức quá mạnh, mái chèo hất ngược lại đập vào thiếu phụ đánh chát một cái. Mái chèo gãy làm đôi.
Thiếu phụ bị mái chèo đập phải, người mụ loạng choạng suýt nữa ngã xuống nước.
Triển Phi Yên nhảy về phía trước hai bước quát lên :
– Chèo thuyền cho mau! Nếu mi còn trùng trình, không đưa ta đến núi Cực Lạc ngay thì ta sẽ cho mi nếm mùi đau khổ.
Thiếu phụ sắc mặt xám xanh, cúi xuống như để lượm mái chèo. Ngờ đâu động tác này chỉ là giả vờ. Mụ cong người đi, khuỷu tay phải chống xuống mạn thuyền, tay trái vung chưởng đánh ngược lên.
Triển Phi Yên ứng biến rất mau lẹ. Nàng đã coi chừng từ lúc thiếu phụ đảo cặp mắt trắng dã lên nhìn mình. Nàng biết là mụ sắp giở trò nên nàng phải chuẩn bị sẵn.
Thiếu phụ vừa phóng chưởng ra, người nàng hơi né đi một chút, rồi xoay tay lại, giơ năm ngón tay khoằm khoằm như móc câu chụp xuống cổ tay đối phương một cách thần tốc phi thường.
Triển Phi Yên nắm được cổ tay thiếu phụ rồi, lập tức phóng nội lực xô ra thật mạnh.
Thiếu phụ đau quá, mồ hôi trán toát ra đầm đìa. Mụ không tự chủ được nữa, quỳ ngay hai chân xuống năn nỉ :
– Xin cô nương tha mạng cho!
Triển Phi Yên hắng giọng một tiếng rồi quát hỏi :
– Bây giờ mi đã biết thân chưa? Thư thư ta hiện có ở trên núi Cực Lạc không?
Thiếu phụ hỏi lại :
– Lệnh thư là ai? Tại hạ không được biết.
Triển Phi Yên gắt lên :
– Thư thư ta là Triển Phi Ngọc.
Nguyên tướng mạo thiếu phụ đã rất khó coi. Bây giờ mụ nghe nói đến ba chữ “Triển Phi Ngọc” thì mặt mụ xám xanh, cắt không còn hạt máu, chẳng khác gì xác chết. Mụ đập đầu xuống thuyền binh binh, kêu van :
– Tiện phụ có mắt mà chẳng khác chi kẻ đui mù, quả không biết cô nương là Triệu tam tiểu thư. Xin cô nương tha tội cho, tiện phụ không dám hỗn láo nữa.
Triển Phi Yên nguyên là người ưa mềm dẻo và rất ghét kẻ bướng bỉnh. Nàng nghe mụ kêu van không khỏi động lòng, liền buông tay ra. Nàng thấy thiếu phụ vẫn đập đầu hì hục lạy như tế sao, bất giác bật cười nói :
– Thôi được rồi! Ta tha chết cho ngươi, nhưng phải chèo thuyền mau lên! Nếu còn bướng bỉnh thì đừng trách ta tàn nhẫn.
Lúc này trời đã tối mịt. Trên núi có một dãy đèn lồng từ chân núi lên đến đỉnh. Đứng đằng xa nhìn, dãy đèn lồng này tưởng chừng trên núi có con hỏa long ngự trị.
Chẳng bao lâu chiếc thuyền ghé vào bờ. Trên bờ đã có mấy gã hán tử đứng đó từ trước. Mỗi tên trong tay đều cầm một chiếc đèn lồng. Chiếc đèn nào cũng màu xanh thẫm. Ánh sáng bên trong tỏa ra huyền ảo lờ mờ càng thêm vẻ thần bí ghê rợn.
Thiếu phụ lớn tiếng hô :
– Triển tam tiểu thư đã đến! Sao các ngươi không quỳ xuống nghênh tiếp?
Bốn gã hán tử nghe thiếu phụ hô mà rùng mình. Quả nhiên chúng quỳ cả xuống.
Triển Phi Yên biết mình lúc này oai lắm. Nàng đường hoàng bước lên bờ, cất tiếng oanh thỏ thẻ nói :
– Các ngươi đứng lên đi! Bất tất phải đa lễ.
Nàng nói vậy nhưng vẫn nhìn thẳng không thèm để mắt ngó bốn gã hán tử.
Thiếu phụ đi bên mình Triển Phi Yên để trỏ đường cho nàng.
Dọc đường nàng gặp rất nhiều người và đa số trong tay đều cầm đèn lồng với ánh sáng huyền ảo âm u.
Mỗi khi gặp người, thiếu phụ hoặc bảo họ quỳ xuống thi hành đại lễ, hoặc bảo chúng thõng tay thị lập.
Triển Phi Yên biết thiếu phụ cũng là một tay anh chị quyền thế rộng lớn trên núi Cực Lạc. Mụ đã nói câu gì, không một tên nào dám trái lệnh.
Thiếu phụ đưa Triển Phi Yên đi chừng nửa dặm thì đến một tòa nhà rộng lớn.
Trước cổng tòa nhà này có treo bốn chiếc đèn lồng sáng rực. Nhưng đèn cũng phất giấy màu lục. Ánh sáng chiếu vào mặt những người đứng trước cửa, thành ra sắc mặt xanh lè, coi gớm khiếp.
Thiếu phụ chưa lên tiếng gọi, mấy gã hán tử cũng chưa chạy vào, mà phía trong đã có thanh âm Triển Phi Ngọc vọng ra :
– Chị em ta cả thảy ba người thì đại tỷ và tam muội đều mất mạng cả rồi. Thế mà người mới đến lại tự xưng là em gái ta thì chắc thị mượn danh để lừa gạt đó.
Tiếp theo là thanh âm một bà già rất chói tai :
– Sao? Có việc ấy ư?
Câu chuyện đối thoại giữa hai người trong nhà, chẳng những Triển Phi Yên nghe rõ, mà cả thiếu phụ cũng nghe thấy. Mụ quay lại nhìn nàng vẻ mặt hằm hằm tức giận.
Triển Phi Yên nghe Triển Phi Ngọc nói vậy cũng nổi giận đùng đùng, đẩy thiếu phụ ra, xồng xộc tiến vào. nàng tưởng Triển Phi Ngọc ở ngay bên trong cổng, ngờ đâu cổng mở rồi, thì bên trong là một tòa nhà tối om, chẳng biết Triển Phi Ngọc ở chỗ nào.
Triển Phi Yên liền đề tụ chân khí vào huyệt đan điền, buông một tiếng cười lạt nói :
– Nhị thư! Chúng ta là chị em ruột thịt mà bây giờ thốt nhiên thành ra giả mạo được ư? Chẳng lẽ trên đời lại có chuyện buồn cười đến thế?
Thanh âm nàng vang đi rất xa và liên miên không ngớt.
Bỗng nghe thanh âm Triển Phi Ngọc vọng ra nói :
– Trời ơi! Tam muội thật đấy ư?
Thanh âm nàng rất đỗi hân hoan khiến cho Triển Phi Yên không khỏi thộn mặt ra.
Tuy nàng là một cô gái tinh nghịch nhưng không có tâm địa thâm độc. Những hành vi của Triển Phi Ngọc nàng đã biết hết, tưởng chừng như giận đến bầm gan tím ruột, vĩnh viễn không bao giờ quên được. Thế mà nàng vừa nghe thanh âm Triển Phi Ngọc ra chiều hoan hỉ mình thì lòng căm giận bấy lâu nay cũng đã giảm đi một vài phần.
Nàng đứng thộn mặt ra tự hỏi :
– Ô hay! Sao nhị thư ta thấy ta đến mà vui mừng như vậy?
Triển Phi Yên còn đang nghi hoặc thì lại nghe tiếng Triển Phi Ngọc tiếp tục vọng ra :
– Tam muội ơi! Tam muội ở chỗ nào? Tam muội…
Bóng người thấp thoáng, Triển Phi Ngọc đã xuất hiện. Phía sau nàng có bốn người đi theo, trong tay mỗi người đều cầm một chiếc đèn lồng.
Triển Phi Ngọc vừa nhìn thấy Triển Phi Yên đã châu lệ tầm tã run run nói :
– Tam muội ơi! Không ngờ chị em ta bữa nay còn được gặp mặt.
Nàng nói bằng một thanh âm rất cảm động, tiếng nói nghẹn ngào tưởng chừng như thấy cô em quí báu mà nàng nghĩ là bị chết từ lâu rồi là một sung sướng bất ngờ.
Triển Phi Yên cũng không khỏi xúc động trong lòng. Nàng tiến lại một bước cầm lấy tay Triển Phi Ngọc.
——————————————————————————–
[1] Công Dã Trường người nước Tề, cũng có thuyết nói là người nước Sở vào thời Chiến Quốc. Ông là môn đồ Đức Khổng Tử. Ngài thấy ông là người hiền nên gả con gái cho.