Đọc truyện Báu Vật Của Đời – Chương 8
Tiếng ồn ào trong sân khiến chị Lỗ tỉnh lại. Chị tuyệt vọng nhìn cái bụng vẫn căng phồng như cũ và đám máu tươi thấm đẫm nửa bên giường.
Sọt đất mà mẹ chồng đem về đã biến thành bùn nhão trộn bằng máu. Từ trạng thái mông lung, chị chợt tỉnh. Chị trông thấy một con dợi cánh màu phấn hồng bay lượn giữa các cột kèo. Một khuôn mặt xám ngoét hiện dần ra trên tường. Đó là khuôn mặt một đứa bé trai đã chết. Cơn đau xé ruột xé gan đã dịu đi. Chị sững sờ khi nhìn thấy giữa hai đùi là một bàn chân nhỏ xíu với những móng chân sáng loáng. Thế là hết, chị nghĩ, cuộc đời mình đến đây là kết thúc. Nghĩ đến cái chết, chị cảm thấy vô cùng đau khổ. Chị hốt hoảng thấy mình bị nhét vào quan tài bằng ván mỏng, mẹ chồng cau mày, mặt sa sẩm không nói gì, chỉ có bảy đứa con gái vây quanh quan tài mà khóc…
Giọng như lệnh vỡ của mẹ chồng át cả tiếng kêu khóc của bọn con gái. Chị mở mắt, ảo giác tan đi, cửa sổ trông rõ mồn một, sáng rực. Mùi thơm nồng của hoa hòe từng đợt ùa vào phòng, một con ong mật đập vào giấy dán cửa sổ bồm bộp. Ba Phàn, đừng rửa tay vội! Chị nghe tiếng mẹ chồng nói vậy: – Cô con dâu quí hóa của tôi vẫn chưa đẻ được, và cũng mới ra được một chân.
– Bà chị ơi, chị chỉ nói lung tung, miệng như tép nhảy, Ba Phàn tôi là bác sĩ của lừa, ngựa, làm sao có thể đỡ đẻ cho người?
– Người và vật thì có khác gì nhau!
– Bà chị đừng dài dòng văn tự nữa, cho tôi ít nước rửa tay. Bà chị, đừng ngại mất công, phải mời Tôn Đại Cô đến thôi!
Mẹ chồng gầm lên như sấm:
– Chẳng lẽ anh không biết tôi và Tôn Đại Cô không ưa nhau? Năm ngoái mụ ta bắt trộm của tôi một con gà mái tơ.
Ba Phàn nói:
– Tùy bà chị, con dâu chị đẻ chứ có phải vợ tôi đẻ đâu? Bà nội ơi, vợ tôi còn trong bụng mẹ vợ, chưa chào đời. Bà chị đừng quên rượu và thủ lợn nhé! Tôi đã cứu hai sinh mạng của nhà bà chị đấy!
Bộ mặt mẹ chồng trở nên rầu rĩ:
– Ba Phàn, giúp tôi một tí nào, người xưa có câu, làm ơn nên oán, ai tránh được. Vả lại, súng nổ đùng đùng ngoài kia, lỡ gặp bọn Nhật thì sao?
– Đừng nói nữa! – Ba Phàn nói, bán anh em xa mua láng giềng gần. Hôm nay tôi phá lệ. Nói dại, tuy người và súc vật giống nhau, nhưng rốt cuộc sống chết có số của nó…
Chị nghe có tiếng chân lạo xạo tới gần, xen lẫn là tiếng hắt hơi rõ kêu. Chẳng lẽ bố chồng, chồng và lão Ba Phàn mặt trơ trán bóng vào buồng của người đẻ, mục kích thân thể lõa lồ của mình. Chị cảm thấy uất hận và nhục nhã, mắt mờ đi như phủ một lớp sương mù. Chị định ngồi dậy tìm quần áo che thân, nhưng cơ thể chị như lọt xuống hố, không động cựa được chút nào. Trong thôn vọng lại một tiếng nổ lớn, xen kẽ trong đó là tiếng rào rào quen thuộc và đặc sệt như hằng hà sa số những con thú nhỏ đang bò, như rất nhiều hàm răng đang nhai trèo trẹo… Tiếng gì mà nghe quen thuộc thế nhỉ? Chị vắt óc suy nghĩ. Một tia sáng chợt lóe lên rỏi nở bùng trong đầu. Chị trông thấy đàn châu chấu màu vàng xỉn che khuất cả mặt trời ào tới như nước lũ. Chúng ăn sạch lá cây, gặm cả vỏ cây liễu. Tiếng gặm đáng sợ của đàn châu chấu như khoan vào lỗ tai, vào xương tủy. Chị rụng rời: Lại xảy ra dịch châu chấu rồi! Và chị rơi vào một trạng thái tuyệt vọng. Trời ơi! hãy cho tôi chết đi, tôi chịu đựng hết nổi rồi…. Chúa ơi, Đức Mẹ ơi, hãy tưới nhuần mưa móc, hãy cứu vớt linh hồn chúng con!… Trong cơn tuyệt vọng, chị ra sức cầu nguyện, viện dẫn cả đức tối cao của phương Đông lẫn phương Tây, nỗi đau của tâm linh và nhục thể được vợi nhẹ rất nhiều. Chị nghĩ đến ông mục sư tóc đỏ mắt xanh thân thiết như cha anh.
Tại bãi cỏ xuân lần ấy, ông nói rằng ông Trời của Trung Quốc và Đức Chúa của phương Tây là một, như cánh tay với bàn tay, như sen trăng với sen đỏ, như – chị đỏ mặt – chim của trẻ con với cái ấy của người lớn. Ông đứng trong rừng cây hòe, cái ấy cương lên, ngật ngưỡng… Ông vẫy chị, hoa hòe trắng nở rộ, hoa hòe đỏ nở rộ, hoa hòe vàng nở rộ trên cây, từng cụm, từng cụm, những cánh hoa bay lượn, mùi hương nồng khiến người ta say như say rượu. Chị cảm thấy mình đang bay như một cụm mây, như một chiếc lông. Chị vô cùng xúc động trước khuôn mặt tươi tắn vừa trang nghiêm vừa thánh thiện, vừa thân thiện lại vừa hiền từ của ông mục sư. Chị nhắm mắt lại, nước mắt ứa ra theo vết nhăn rơi xuống lỗ tai. Mẹ chồng gần như thì thầm:
– Mẹ con Lai Đệ này! Mày làm sao thế hả? Con ơi, hãy vững vàng lên, con lừa nhà ta đã đẻ một con la xinh xẻo rồi. Con phải đẻ một thằng cu vậy là thỏa mãn lắm rồi! Con ơi, giấu cha giấu mẹ nhưng không giấu được thầy thuốc, đỡ đẻ thì không phân biệt đàn ông đàn bà, ta đã mời ông Ba Phàn đến cho con…
Những lời từ tốn của mẹ chồng khiến chị rất xúc động. Chị mở mắt, ngó khuôn mặt ngăm đen của mẹ chồng, khẽ gật. Mẹ chồng vẫy ra phòng ngoài gọi: Anh Ba, vào đây. Ba Phàn mặt câng câng, làm ra vẻ trang trọng, bước vào. Mắt lão đảo lia lịa, ra điều trông thấy một chuyện đáng sợ, mặt tái đi, không còn một giọt máu.
– Bà chị ơi… Ba Phàn nói nhỏ – xin chị giơ cao đánh sẽ, có giết chết thì Ba Phàn cũng không làm nổi việc này.
Lão vừa nói vừa đi giật lùi, vừa nhìn thấy thân thề chị Lỗ liền vội vàng đưa mắt nhìn chỗ khác. Bước qua ngưỡng cửa, lão đụng phải Thọ Hỉ đang thò đầu ngó vào trong buồng. Lão ngán ngẩm nhìn khuôn mặt gầy guộc của người chồng và vẻ sợ hãi của anh ta. Bà Lã vội đuổi theo Ba Phàn. Chị nghe tiếng bà gọi to:
– Ba Phàn, đồ chó đẻ!
Nhân lúc chồng lại ló đầu nhìn vào, chị cố giơ tay vẫy một câu nói khô khan buột ra từ miệng chị. Chị không tin là mình lại có thể nói như thế.
– Đồ chó đẻ, lại đây!
Chị đã tới mức dửng dưng đối với chồng, không thù không oán, vậy chị còn chửi để làm gì? Chửi là đồ chó đẻ, thực tế là chửi mẹ chồng, mẹ chồng là chó, con chó già! Chó già, chó già đừng cắn bậy, cắn bậy thì sẽ được ăn gậy? Chị nhớ lại câu chuyện xa xưa về chàng rể ngốc và bà mẹ vợ mà chị được nghe cách đây hai mươi năm.
Đó là cái năm mưa nhiều và nóng như đổ lửa, vùng Cao Mật vừa được khai phá, dân cư thưa thớt, bà dì của chị là người sớm nhất đến lập nghiệp. Ông chú dượng họ Vu thân hình cao lớn, người ta tặng cho chú biệt hiệu Vu Hộ pháp, nắm tay của chú to bằng hai vó ngựa gộp lại, một cú đấm chết tươi con la. Chú mê đánh bạc, đầu ngón tay dính đầy những gỉ đồng… Trong cuộc mít tinh phản đối tục bó chân, chị lọt vào mắt xanh của bà Lã…
– Mình gọi tôi hả? Chị trông thấy Thọ Hỉ đứng ở đầu giường, mắt thì nhìn ra cửa sổ, ngượng ngập.
– Mình gọi tôi có việc gì?
Chị nhìn con người đã chung sống với mình hai mươi năm mà hối hận. Hoa hòe ngút tầm mắt, dập dềnh như sóng biển… Chị nói như một hơi thở:
– Đứa này… không phải con anh!
Thọ Hỉ khóc tấm tức:
– Mẹ nó ơi! Mẹ nó đừng chết! Để tôi đi mời Tôn Đại Cô
– Đừng? – Chị năn nỉ – Anh mời mục sư Malôa hộ tôi!
Ngoài sân, bà Lã lòng như dao cắt lấy ra gói giấy đầu, mở từng lớp để lộ ra đóng bạc trắng. Bà nhón tay cầm đồng tiền lên, khóe miệng run dễ sợ, mắt ngầu đỏ. Nắng dọi trên mái tóc đã bạc trăng. Một làn khói đen từ đâu ùa tới, không khí nóng bỏng. Phía bắc, sông Thuồng Luồng có tiếng ồn ào như chợ vỡ, đạn bay chíu chíu trên trời. Bà Lã nói như khóc:
– Anh Ba, lẽ nào anh thấy người chết mà không cứu? Thật là độc như nọc ong, dã tâm như người tình hụt. Người ta có câu: Có tiền mua tiên cũng được!. Đồng tiền này liền kề da thịt tôi đã hai mươi năm. Tôi biếu nó cho anh, hãy cứu con dâu tôi!
Bà ấn đồng tiền vào tay Ba Phàn. Ba Phàn vội hất ra như đụng phải miếng sắt đỏ. Khuôn mặt bóng nhẫy của lão đẫy mô hôi, má giật giật, mặt méo xệch. Lão vắt túi thuốc lên vai, nói to:
– Bà chị hãy tha cho tôi, tôi van chị đấy!
Ba Phàn chưa chạy ra đến cổng đã thấy Phúc Lộc chạy vào, trên người không mặc áo, giày chỉ còn một chiếc, ngực vấy bẩn đen như đầu bôi trục xe, chẳng khác một vết thương to tướng thối rữa. Lão ở đâu về thế nhỉ? Đồ chết tiệt, bà Lã giận dữ cất tiếng chửi.
– Ông anh, ngoài ấy có chuyện gì thế?
Ba Phàn sốt ruột hỏi. Phúc Lộc không để ý câu chửi của vợ, cũng không trả lời câu hỏi của Ba Phàn. Lão nở một nụ cười rất ngớ ngẩn, trong miệng phát ra những tiếng bập bập chẳng khác gà mổ thóc trong máng. Bà Lã nắm lấy cằm của chồng mà lắc, khiến miệng Phúc Lộc lúc chành ra lúc chúm lại, mép sùi bọt trắng. Lão ho, khạc nhổ rồi cũng trấn tĩnh lại.
– Bố nó, ngoài ấy có chuyện gì hả?
Lão buồn rầu nhìn vợ, nhếch miệng khóc:
– Kỵ binh Nhật đã tràn vào nội đê rồi!
Tiếng vó ngựa nặng nề dội tới người trong sân đứng như trời trồng. Những con chim khách đuôi trắng mình xám bay qua sân. Những tấm kính màu trên lầu chuông nhà thờ vỡ vụn không thành tiếng, những mảnh vỡ lấp lánh. Kính vỡ rồi mới nghe thấy một tiếng nổ đanh, rồi lạo xạo lan xa chẳng khác một cỗ xe chở nặng trên đường. Một luồng khí áp xộc tới, quật ngã Ba Phàn và Phúc Lộc như những cây cao lương gặp bão. Bà Lã bị đẩy lùi dán lưng vào tường. Chiếc ống khói hình nấm trên mái nhà rớt xuống, lăn trên lối đi lát gạch vỡ.
Thọ Hỉ từ trong buồng chạy ra, khóc:
– Mẹ ơi, nó chết mất! Nó sắp chết rồi? Đi mời Tôn Đại Cô chứ mẹ?
Bà Lã nghiêm nghị nhìn con trai:
– Đã chết thì tránh cũng không thoát, không chết thì chết thế nào được?
Nghe bà Lã thuyết giáo, Phúc Lộc tỏ vẻ hiểu mà không hiểu, chỉ nhường cặp mắt mọng nước nhìn vợ. Bà Lã nói:
– Anh Ba Phàn, còn loại thuốc thúc đẻ nào không? Còn thì cho con dâu tôi một lọ, không còn thì lôi thôi to rồi!
Nói rồi, không đợi Ba Phàn trả lời, bà không nhìn một ai, ngẩng cao đầu, ưỡn ngực, oai phong lẫm liệt ra khỏi cổng.