Bắt Trẻ Đồng Xanh

Chương 10


Đọc truyện Bắt Trẻ Đồng Xanh – Chương 10

Vẫn còn khá sớm. Tôi chẳng biết đích xác mấy giờ, nhưng đại để vẫn chưa khuya mấy. Tôi chúa ghét phải đi ngủ lúc chưa thấy mệt. Tôi mở va li, lôi ra một chiếc sơmi sạch rồi vào buồng tắm, rửa ráy và thay áo quần. Định bụng xuống dưới nhà, xem thiên hạ đang làm gì dưới “Phòng tử đinh hương” – Tầng dưới khách sạn này có một hộp đêm tên là như vậy.

Lúc đang thay áo, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ: hay là cứ gọi điện cho Phoebe, em gái tôi. Tôi muốn nói chuyện với nó kinh khủng. Nó sẽ hiểu hết. Nhưng gọi về nhà thì hơi liều. Bởi dẫu sao Phoebe cũng còn bé,. nên chắc giờ này nó đang ngủ say, không thể ra trả lời ông anh. Có thể đặt ngay máy xuống nếu bố mẹ tôi chạy ra, thế thà đừng gọi cho rồi. Vì bố mẹ sẽ nhận ra mất. Nhất là mẹ. Mẹ giỏi đoán lắm. Bởi mẹ nhạy cảm kinh khủng. Nhưng dẫu sao tôi cũng vẫn muốn được bốc phét dăm câu với Phoebe ngay bây giờ.

Ồ, giá các bạn được nhìn thấy con bé. Kháu khỉnh và thông minh như nó thì tôi chắc các bạn chưa từng gặp bao giờ. Các bạn biết không, từ ngày cắp sách đi học tới giờ, nó toàn được điểm cao, chưa hề bị một điểm kém nào đâu. Nói thực, cả nhà chỉ mỗi tôi là dốt. Anh tôi, anh D.B. đang viết văn, còn em tôi, thằng Allie đã chết thì thần đồng chả chắc đã sánh nổi. Chỉ mỗi tôi là đần. Chà, phải chi các bạn được gặp Phoebe. Tóc nó cũng đỏ rực như tóc Allie vậy. Hè nào nó cũng cắt ngắn, rồi chải tém ra sau mép tai. Hai tai nó vừa nhỏ, vừa xinh. Còn mùa đông thì bỏ tóc xoã. Nhiều bữa, mẹ tôi cũng tết tóc cho nó. Nhưng lắm hôm vẫn cứ để xoã sau lưng. Thế mà vẫn đẹp. Nó mới lên mười, gầy như tôi, nhưng không khẳng khiu. Gầy kiểu các đối thủ trượt tuyết. Một hôm, tôi nhìn qua cửa sổ thì nhác thấy bóng nó băng qua đường phố, chạy ra vườn hoa. Lúc ấy tôi vụt có ý nghĩ, nó được trời sinh để trượt tuyết – mảnh dẻ, hoạt bát. Tôi biết thế nào các bạn cũng sẽ thích Phoebe. Nghe ai nói câu gì, dù rất mơ hồ, nó cũng hiểu ngay. Thậm chí có thể lôi nó đến bất cứ đâu chẳng hề sợ bẽ mặt. Chẳng hạn, nếu bạn đưa nó đến xem một cuốn phim nó sẽ biết ngay cuốn phim ấy hay hoặc dở. Một hôm, tôi nói với anh D.B. có dắt nó đi xem phim Pháp, mang tựa đề Vợ bác thợ nướng bánh mì, do diễn viên Raimu đóng. Nó thích mê mẩn. Nhưng Phoebe thích nhất là Băm chín bước chân, có Robert Donat đóng. Nó gần như thuộc lòng cả cuốn phim, hai anh em phải xem tới xem lui đến cả chục bận còn gì? Chẳng hạn, khi chàng Donat bị cảnh sát lùng bắt, phải đến nương náu tại một nông trại, Phoebe đã nói ầm lên giữa rạp cùng lúc với ông chủ trại người Scotland: “Anh ăn được cá trích chứ nhỉ?” vì thuộc lòng tất cả các câu đối thoại. Còn khi lão giáo sư, nhưng thực ra là một gián điệp Đức, giơ ngón út bị cụt mất một đốt lên chỉ chỏ Robert Donat, thì Phoebe đã giơ ngón tay lên trước cả lão ta và chỉ thẳng vào mặt tôi. Nhất định các bạn sẽ thích nó. Nói của đáng tội, nó cũng hay bắt bẻ. Hiểu được mọi thứ đến nơi đến chốn, chẳng trẻ con chút nào, cứ cắm cúi viết sách suốt. Có điều chẳng chịu viết cái gì cho đến nơi đến chốn. Truyện nào cũng kể về một con bé, tên là Hazle Weatherfield. Có điều Phoebe không viết là Hazle, mà viết thành “Cazle”, thế có lạ không? Chính con bé ấy là một gián điệp lợi hại. Mới đầu, cứ tưởng ả mồ côi cha mẹ, nhưng sau chẳng biết bố ả ở đâu tự dưng lại mò ra, “một trang thanh niên hai mươi cao lớn, lịch sự rất hấp dẫn”. Ngộ nghĩnh không thể tưởng được! Thế nào các bạn cũng sẽ thích nó. Hồi nó còn nhỏ, chủ nhật nào tôi với Allie cũng dắt nó ra công viên đi dạo, Allie hồi đó có một chiếc thuyền buồm. Nó thích thả thuyền vào chủ nhật, nên lần nào hai anh em cũng dắt con bé theo. Nó diện đôi găng tay trắng đi giữa hai anh, em tôi, trông hệt như một tiểu thư đài các. Hễ thấy tôi với Allie trò truyện là nó dỏng tai lên xem cả hai nói gì. Lắm lúc bọn tôi quên mất Phoebe, vì dẫu sao nó cũng còn nhỏ, nhưng nó nhất định không chịu thế và cứ góp chuyện suốt dọc đường. Thúc tôi hoặc Allie, rồi hỏi to: “Nhưng ai bảo thế? Ai cơ? Bobby hay là cô kia?”. Đến lúc nghe được câu trả lời nó liền đáp:”À, em hiểu!” rồi lại lắng tai nghe tiếp hệt như người lớn. Allie cũng rất thích nó. Tôi muốn nói, Allie cũng rất quý Phoebe. Năm nay, nó đã lên mười, chẳng còn bé như độ trước, nhưng vẫn rất ngộ khiến ai cũng thích – dĩ nhiên là nếu hiểu được tính nết nó.

Dẫu sao tôi cũng muốn gọi cho Phoebe quá. Có điều tôi sợ bố mẹ lại nhấc máy, biết ngay tôi đang ở New York, và cả chuyện tôi bị đuổi học lần nữa. Bởi thế, tôi chỉ thay chiếc sơmi, rồi bước ngay vào thang máy, xuống phòng lớn, xem dưới ấy có gì.

Nhưng dưới đó chẳng có ai, ngoài mấy gã trông như ma cô với vài ba ả tóc sẫm, tựa như gái ăn sương. Từ “Phòng tử đinh hương” vọng ra tiếng nhạc, tôi rẽ ngay vào. Khách vắng ngơ vắng ngắt, nhưng người ta lại chỉ cho tôi một chiếc bàn ọp ẹp, kê tít trong góc xa nhất. Phải chi cứ dúi cho gã bồi bàn một đôla thì đâu đến nỗi. Ở New York này cứ có tiền là muốn gì được nấy, tôi chẳng lạ.

Ban nhạc Buddy Singer chơi dở thậm tệ. Họ chơi ầm ĩ khủng khiếp, nhưng ầm đến mức quái đản, chứ không phải một cách điệu nghệ, như các ban nhạc danh tiếng. Nói trắng ra là chẳng có ai, – bởi phần đông đều là những lão già hợm hĩnh ngồi với bồ. Trừ chiếc bàn bên cạnh đang có ba cô gái tuổi suýt soát ba mươi. Cả ba đều khá xấu xí, và nhìn mấy chiếc mũ họ đội, khắc biết họ là dân ở xa tới. Nhưng trong đám ấy có một cô, cô tóc sẫm, trông cũng chẳng đến nỗi khó coi. Gương mặt cô có một vẻ gì ngồ ngộ rất khó tả, nhưng khi tôi bắt đầu thử phân tích, thì gã bồi bàn lại xuất hiện. Tôi gọi một ly Whisky soda, nhưng dặn đừng pha thêm gì hết. – Tôi cố nói thật nhanh, nếu trù trừ, gã nọ sẽ biết ngay bạn chưa tới tuổi, và bạn đừng hòng được uống một giọt rượu nào. Tuy thế, gã vẫn hạch ngay:

– Rất tiếc, thưa ông, nếu ông không đem theo giấy tờ xác nhận đã đủ tuổi.

Chắc ông có mang theo trong túi bằng lái xe chứ ạ?

Tôi ném về phía gã một cái nhìn lạnh như băng, như thể gã vừa sỉ nhục tôi không bằng, rồi nói lớn:

– Tôi thế này mà anh thấy chưa đến tuổi trưởng thành, hả?

– Rất tiếc, thưa ông, nhưng chúng tôi có lệnh.

– Được rồi, được rồi, – tôi nói vậy, nhưng thầm nghĩ: “Quỉ bắt anh đi!” – Cho tôi một chai côcacôla vậy. Gã bắt đầu trở gót, thì tôi gọi giật lại:


– Anh làm ơn cho thêm vài giọt rum, được không? – Tôi nói bằng một giọng hết sức lịch duyệt và mềm mỏng. – Không lẽ đã vào đây ngồi mà vẫn tỉnh táo được à? Thêm có vài giọt, chẳng lẽ cũng bị cấm?

– Rất tiếc, thưa ông, tôi không được phép! – Rồi gã quay đi. Nhưng lỗi đâu phải ở gã? Gã có thể mất việc tức khắc, nếu mang rượu lên cho những khách khứa chưa đến tuổi trưởng thành. Mà tôi, rủi thay lại đúng là loại khách đang ở độ tuổi vị thành niên.

Tôi lại quay về ngắm mấy ả phù thuỷ ngồi bàn bên kia. Đúng hơn là cô có mái tóc khá đen. Chứ hai ả kia thì khác nào loại ma chê quỉ hờn. Nhưng tôi không ngây ra như một tên ngốc. Trái lại, tôi ngắm họ hết sức lạnh nhạt. Thế mà các bạn biết họ đã làm gì không? Bắt đầu khúc khích cười, như ba mụ dở hơi chính cống! Chắc họ đinh ninh tôi chưa đủ tuổi để làm cái trò ngắm nghía đàn bà, con gái. Tôi đâm điên tiết, họ làm như tôi đang muốn cưới họ làm vợ không bằng. Lẽ ra tôi phải làm ra bộ khinh thường cho họ biết thân, nhưng ác cái tôi đang muốn nhảy kinh khủng. Thỉnh thoảng, tôi thường thèm nhảy kinh khủng, như lúc này, chẳng hạn. Tôi chồm qua phía họ, mời:

– Các bạn, các bạn có thích nhảy chút đỉnh cho vui không? – Tôi nói rất lịch duyệt, giọng đặc quí phái. Thế mà cả ba ả ngốc lại đâm hoảng. Lại khúc khích cười. – Nào ta nhảy cho vui đi. – tôi tiếp. – Tôi sẽ lần lượt mời từng cô một. Thế nào? Các cô vui lòng chứ? – Tôi thích nhảy kinh khủng.

Mãi sau cô tóc sẫm mới chịu đứng lên. Trông cũng biết cô ta thừa hiểu tôi mời ai. Chúng tôi dìu nhau ra sàn nhảy. Còn hai ả nọ thì cười ngặt nghẽo như đang lên cơn động kinh. Quả tình, chỉ vì buồn nên tôi mới dây với lũ nỡm kia. Chứ vào lúc khác, dẫu có các vàng tôi cũng mặc xác họ.

Nhưng kể cũng chẳng hoài công lắm, cô tóc sẫm nhảy đẹp lạ lùng! Tôi chưa từng gặp trong đời một vũ nữ tuyệt hơn thế. Các bạn biết đấy: lắm ả rất ngốc, nhưng nhảy thì hết chê. Còn những cô thông minh thì hoặc là bạn phải miễn cưỡng dắt họ đi, hoặc là nhảy tồi tới mức thà cứ ngồi mọc rễ ở bàn mà nốc rượu cho bí tỉ với họ, còn hơn là lôi nhau ra sàn nhảy.

– Cô nhảy chúa thật! – tôi khen cô tóc sẫm. – Cô nên làm một vũ nữ chuyên nghiệp mới xứng tài. Thật đấy! Tôi đã từng nhảy với một cô gái nhà nghề, nhưng còn mệt mới theo kịp cô. Chắc cô có nghe nói về đôi vũ Marco và Miranda chứ?

– Cái gì? – Thậm chí ả cũng chẳng buồn nghe tôi nói, mà cứ đảo mắt nhìn quanh thực khách trong phòng.

– Tôi hỏi, cô đã từng nghe nói tới Marco và Miranda bao giờ chưa?

– Chưa. Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ nghe hai cái tên ấy.

– Họ là một đôi vũ chuyên nghiệp. Cô ấy là một nữ nhà nghề. Nhưng nhảy rất xoàng. Nghĩa là tuy vẫn hành nghề đấy, nhưng nhảy chẳng giỏi mấy. Chắc cô biết tâm trạng của cánh nam giới khi được khiêu vũ với một bạn nhảy tuyệt vời?


– Anh bảo gì? – Ả hỏi lại, bỏ ngoài tai chẳng buồn để ý những gì tôi nói.

– Tôi hỏi, cô có biết tâm trạng của cánh đàn ông chúng tôi, khi được nhảy với một bạn nhảy xuất chúng không?

– À, ra vậy…

– Cô thấy đấy, tuy đang ôm cô trong tay, nhưng nếu tôi lại có cảm giác như mình hoàn toàn chẳng còn giữ được thứ gì và chẳng còn biết chân tay lúc này đang ở đâu, thì đó mới đích thị là một bạn nhảy chúa tể.

Ả lại có vẻ không nghe thấy. Tôi quyết định nín thinh một lúc. Chỉ nhảy, thế thôi. Ngậm tăm. Buddy Singer đang chơi bài Chỉ có mỗi một điều… Bản nhạc tuyệt vời. Đến mức cả cái dàn nhạc thổ tả ấy cũng không thể làm nó dở đi nổi. Tôi chỉ nhảy chứ không hề giở những trò quỉ quái, tôi chúa ghét những gã làm vậy. Tuy rằng tôi quay ả như chong chóng, khéo hoa cả mắt, nhưng ả vẫn ngoan ngoãn vâng theo, Tôi ngốc nghếch, đinh ninh rằng ả cũng thích nhảy, thì thình lình ả phun ra một điều khiến tôi ngao ngán quá:

– Tối qua, tôi với bọn bạn vừa được nhìn thấy Peter Lorrer xong. Một tài tử điện ảnh. Bằng xương bằng thịt nhé! Anh ấy đang mua một tờ báo. Bảnh trai khiếp lên được!

– Cô thật may mắn, – tôi nói, – phải, hết sức may mắn. Cô hiểu điều tôi nói chứ? – Một ả thộn đích danh. Nhưng nhảy thì tuyệt vô cùng! Tôi không kìm được, bèn cúi xuống đặt một nụ hôn lên đỉnh đẩu ả, ngay chính giữa đường ngôi của mái tóc đen. Khiếp, ả tức lồng lên, nhấm nhẳng:

– Lại còn trò gì nữa đây?

– Chẳng có gì. Tôi chỉ thán phục cô, thế thôi. – Tôi nói. – Tôi có một đứa em gái khiêu vũ rất tuyệt. Nó chỉ mới học lớp bốn thôi và cô nhảy chẳng kém nó chút nào.

– Xin lỗi, cậu đừng có khoác loác quá thế!


Một tiểu thư chính tông! Ồ, không, một nữ hoàng, trời ạ!

– Cô từ đâu đến vậy? – Tôi hỏi. Nhưng ả không đáp lời. Cứ mắt trước mắt sau, trông cũng thừa biết ả đang mong Peter Lorrer hiện ra.

– Cô từ đâu đến thế? – Tôi lặp lại.

– Cái gì?

– Các cô từ đâu đến thế? Cô chẳng cần trả lời, nếu cảm thấy không thích lộ bí mật. Không việc gì phải cố cả, tôi van cô!

– Từ Seattle, bang Washington, – ả đáp. Giọng như thể hạ cố ban cho tôi một ân huệ lớn!

– Cô quả là một người trò chuyện có duyên – tôi bảo. – Cô biết thế chứ?

– Cái gì?

Tôi không nhắc lại, bởi có nhắc cũng chả chắc ả đã buồn để ý.

– Cô có thích đi vài vũ hình Jitterbug không, khi ban nhạc chơi một bài gì đó nhanh hơn? Nhảy Jitterbug mới đáng gọi là khiêu vũ. Hễ ban nhạc tấu một bản nhanh, thì ta sẽ tha hồ rộng chỗ mà quay, bởi ai nấy đều ngồi xuống cả, trừ mấy lão già dở hơi với lũ con gái béo ị. Cô hẳn vui lòng chứ?

– Tôi thì sao cũng được. – ả nói. – Này, anh mấy tuổi rồi, anh bạn?

Tôi bỗng thấy ấm ức kinh khủng.

– Quỉ thật, cô gặng hỏi chuyện đó làm gì cho mất vui đi? -Tôi bảo – Tôi mới mười hai. Chỉ được cái rất lớn xác.


– Mong anh đừng cáu. Nếu anh nổi cáu, tôi sẽ trở lại với mấy cô bạn kia ngay, anh hiểu không?

Tôi liền rối rít xin lỗi như một gã dở hơi, vì ban nhạc bắt đầu chơi một điệu nhanh kinh khủng. Ả cuốn tôi ngay vào điệu Jitterbug – rất thanh thoát, nhịp nhàng. Ả nhảy tuyệt quá, thật đấy. Bạn chỉ cần đẩy khẽ là ả đã ngoan ngoãn lượn theo ngay, Còn khi quay, cặp mông ả cũng uyển chuyển quay theo, tuyệt vời. Nhảy thế mới đáng gọi là nhảy. Tôi hay dễ xiêu lòng với những thiếu nữ kiểu cô ta. Lắm lúc, đến liếc nhìn bạn cũng chả thiết, vì thấy chúng quá ngốc nghếch; nhưng hễ thấy chúng làm một trò gì đó đẹp mắt, là bạn chết mê chết mệt liền. Cầu mong quỉ sẽ lôi hết những cô ả kiểu ấy đi. Ai chứ bọn chúng thì thừa sức khiến bạn thất điên bát đảo.

Mấy ả nọ không mời tôi đến ngồi cùng bàn – vì thiếu giáo dục, dĩ nhiên – nhưng tôi chả trách, cứ sà xuống ngay. Cô tóc sẫm nhảy với tôi tên là Bernice Crabs hay Krebs gì đó. Còn hai ả xấu xí, thì tên là Marty và Laverne. Tôi tự xưng với họ là Jim Steele – tôi cố ý đánh lừa. Tôi cố khai mào một cuộc trò chuyện thật thông minh, thú vị nhưng bất lực. Không lẽ phải dùng vũ lực bắt họ mở mồm? Tôi tưởng Bernice đã ngốc lắm, nào ngờ còn thông thái hơn cả hai ả kia. Cả ba cứ mắt trước mắt sau, dáo dác nhìn quanh phòng, như thể đang chờ một lô một lốc minh tinh màn bạc. Khéo họ tưởng đã mò được tới New York, thì gã minh tinh nào cũng vác mặt lại “Phòng tử đinh hương”, chứ chẳng phải “El Marcocco” hay “Stork – club”. Mãi tôi mới dò biết được nghề nghiệp của họ trên Seattle. Hoá ra cả ba đều làm tại một hội bảo hiểm ở đấy. Tôi tính hỏi công việc họ đang làm hẳn thú vị lắm, nhưng vị tất đã dò hỏi được chuyện đó ở mấy ả ngốc nghếch này? Tôi tưởng hai cô xấu xí, Marty và Laverne, là hai chị em, nhưng họ cáu kinh khủng, khi nghe tôi hỏi câu đó. Tôi biết cô này cũng chẳng muốn mình giống với cô kia – kể cũng phải thôi – nhưng dẫu sao tôi vẫn thấy chết cười.

Tôi lần lượt nhảy với cả ba, cho họ khỏi ganh tỵ. Một trong hai cô xấu xí – cô Laverne – nhảy cũng chẳng tệ lắm; nhưng còn Marty thì chán không còn gì sánh bằng. Nhảy với ả thì thà cứ lôi quách Nữ thần Tự Do trên bệ xuống, kéo mụ già ấy đi quanh sàn nhảy còn hơn. Đành phải kiếm chuyện gì đó lừa ả, nếu không muốn chết gục vì buồn tẻ. Thế nên tôi bèn bịa: Tài tử Gary Cooper đang đến kia kìa!

– Đâu, đâu? – Ả xúc động kinh khủng. – Anh ấy đâu?

– Chết thật, cô không mê ngủ đấy chứ? Ông ấy lại vừa ra xong. Sao cô không nhìn ngay lúc tôi bảo?

Ả, thậm chí còn dừng phắt lại, nhón gót nhìn qua đầu mọi người, có lẽ hy vọng còn được thấy phía lưng lão tài tử nọ.

– Anh ấy vừa ở đây bước ra thật chứ? – Ả suýt phát khóc, nên tôi đâm ân hận vô cùng. Tôi thấy thương hại ả kinh khủng, vì đã lừa ả. Có những kẻ chẳng nên lừa gạt họ, dù họ rất đáng được hưởng cái ân huệ đó.

Nhưng buồn cười nhất là lúc tôi đưa ả về bàn. Marty bảo với mấy ả kia là Gary Cooper vừa mới ở đây xong. Hai cô bạn Laverne và Bernice suýt tự tử khi nghe tin đó. Họ rầu rĩ, hỏi Marty có trông rõ gã diễn viên ấy không. Marty đáp có, nhưng chỉ trong thoáng chốc thôi. Đúng là một ả ngốc.

Quầy rượu sắp đóng cửa, nên tôi vội vã gọi hai suất Whitsky cho “anh tôi” với hai chai coca-cola cho “chính tôi”. Trên bàn họ vốn đã đầy ly tách. Ả Laverne cứ giễu tôi suốt, vì tôi chỉ uống độc côca. Đến là khôi hài. Ả với Marty thì uống toàn Tom Collinses ướp lạnh trong khi đang sắp hết tháng Chạp, trời ạ! Họ chẳng hiểu quái gì. Còn Bernice thì uống Bourbon pha sôda. Ả uống rượu cứ như ngựa uống nước ao. Cả ba chốc chốc lại mắt trước mắt sau trông chừng đám tài tử. Thậm chí đến trò chuyện với nhau cũng chẳng dám, chỉ sợ bị lỡ mất dịp may. Marty nói nhiều nhất, nhưng toàn những chuyện chẳng đâu vào đâu và lời lẽ rất vô duyên, đại để như gọi hố xí là “chuồng tiêu”, còn ông già hói đầu chơi clarinette trong ban nhạc là “bố trẻ”, nhất là khi ông nọ đứng dậy, léo nhéo mấy câu gì đó rất chối tai. Còn kèn “cla”, ả cứ một hai gọi là “sáo gỗ”. Thật vô duyên kinh người! Laverne – Ả xấu xí thì cứ tưởng mình hết sức khôn ngoan. Cứ luôn mồm bảo tôi thử gọi dây nói cho bố, hỏi xem tối nay ông có rảnh không. Ả lải nhải hỏi rằng bố tôi có hay bỏ nhà, đi gặp đám nhân tình? Có mỗi câu ấy mà hỏi tới bốn bận, khôn ngoan thế đấy! Còn Bernice, cô tóc sẫm, thì lại câm như thóc. Hỏi gì ả cũng hạch lại: “Cái gì?”. Trò chuyện kiểu ấy chỉ tổ thêm bực, chứ chẳng đi đến đâu.

Rồi thình lình cả ba vội vàng uống nốt chỗ rượu cặn, đứng ngay dậy, bảo: phải về đi ngủ. Họ bảo mai còn phải dậy sớm, để đến xem suất diễn đầu tại một phòng hoà nhạc ở đằng Radio city. Tôi nài họ ngồi thêm chút nữa, nhưng họ khăng khăng từ chối. Đành phải chia tay họ. Tôi hứa nếu có dịp lên Seattle, tôi sẽ tìm gặp họ ngay. Hứa hão hứa huyền! Chứ gặp lại làm gì mấy cô nỡm ấy?

Mọi khoản mất gần 13 ” đô”, kể cả thuốc thơm. Theo tôi, lẽ ra họ nên tự trả lấy những gì họ đã uống trước lúc tôi sà vào. Dĩ nhiên, tôi chẳng đời nào chịu để vậy, nhưng đáng lý họ phải xử sự thế mới đúng. Vả lại, đó chỉ là chuyện vặt. Bởi lẽ họ đều ngốc nghếch, lại đội mấy chiếc mũ quê kệch thảm hại, thế thì chấp mà làm gì. Tôi ngao ngán quá, khi nghĩ họ muốn dậy sớm để đến xem buổi phát thứ nhất đằng Radio City. Chỉ cần hình dung môt ả diện chiếc mũ kinh tởm thế, ở mãi tận đẩu tận đâu trên Seattle lại lặn lội mà xuống New York chỉ để dậy thật sớm, cốt đến xem một chương trình phát thanh thổ tả là đủ nẫu ruột nẫu gan rồi. Giá họ đừng nói với tôi chuyện đó, tôi xin vui lòng biếu không mỗi ả một trăm cốc rượu ngay!

Họ ra về được một lúc thì tôi cũng rời “Phòng tử đinh hương”. Dẫu sao, quầy rượu cũng đang dọn dẹp để đóng cửa, và ban nhạc đã ngừng trình tấu lâu rồi. Trước hết, đó là chỗ rất buồn tẻ, nếu chẳng có ai để nhảy vài vòng. Kế đến, gã bồi bàn chẳng chịu dọn ra một thứ đồ uống nào khác, ngoài thứ nhạt hoét là côca. Đố ai ngồi lâu được trong một quán rượu, nếu chẳng gọi được rượu để uống cho say bí tỉ. Hoặc nếu không có một đứa bạn gái mà mình thực sự chết mệt chết mê.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.