Đọc truyện Bảo Kiếm Kỳ Thư – Chương 1: Ôm hận thù mai danh ẩn tích – Chí báo phục mộng tìm ân sư
Lưng tựa vào một cánh rừng nhỏ, mặt quay về Liễu gia thôn, chủ nhân của nếp thảo lư đơn sơ vừa tồi tàn này chắc hẳn phải có ẩn tình thầm kín mới cố tình chọn một nơi có địa hình không mấy lộ liễu như vậy để lưu ngụ, thay vì cùng quây quần trong Liễu gia thôn như bao người.
Lời nhận định này của những ai đang sinh sống trong Liễu gia thôn, dù là có căn cứ hoặc không có, khi đến được tai Liễu Tam, là chủ nhân của nếp thảo lư biệt lập nọ, y chỉ mỉm cười và bỏ qua, không có đến nửa lời biện bạch. Liễu Tam vốn là một nhân vật như vậy, kín đáo, ít nói, ngày ngày chỉ biết vào rừng hái củi khô rồi bền bỉ gánh vào khu thị tứ đông dân cách Liễu gia thôn có đến mười dặm để đổi chút vật thực đem về.
Tảng sáng y đã vào rừng và đến mờ tối y mới về đến nhà. Nắng hoặc mưa, tiết trời khô hanh hoặc đông giá, nếp sinh hoạt của Liễu Tam cứ như thế đều đặn trôi đi, không một lần thay đổi.
Sự đều đặn này cộng với thái độ kín đáo và ít nói của Liễu Tam cuối cùng cũng xua tan lời nhận định có tính cách hoài nghi của bao người đang sinh sống ở Liễu gia thôn.
Nhưng, chí ít vẫn còn một người cho đến tận lúc này vẫn luôn hoài nghi về cách chọn nơi lưu ngụ có tính biệt lập của Liễu Tam.
Và đêm nay, khi Liễu Tam quay về nhà như bao ngày qua, người hoài nghi đó sau bao lần phân vân lưỡng lự, buộc phải lên tiếng hỏi Liễu Tam :
– Tam thúc thúc không hề chán cảnh cứ phải sống cô lập với mọi người sao?
Đã vất v suốt một ngày, bây giờ mới được thư thái ngồi bên mâm cơm dù là đạm bạc, Liễu Tam cứ thản nhiên dùng cơm, vờ như không hề nghe câu cật vấn kia.
Đứa bé – phải, kẻ hoài nghi về cách sống dị biệt của Liễu Tam chính là đứa bé có niên kỷ độ mười ba, mười bốn, và cũng chính là thành viên duy nhất cùng sinh sống với Liễu Tam dưới một nếp thảo lư – liếc nhìn Liễu Tam với tâm trạng oán trách :
– Tam thúc thúc không thể giải thích hay vì xem tiểu điệt như là một đứa bé mới lên ba nên không muốn giải thích?
Thong thả đưa bát cơm vừa lùa một hơi cạn chén cho đứa bé, Liễu Tam bảo :
– Ta tảo tần kiếm từng bữa cơm cho ngươi, đúng không? Vậy chớ phí lời nữa, ta bảo thế nào làm thế ấy! Đơm cho ta một bát nữa.
Hậm hực, đứa bé thay vì đưa bát cơm vừa đơm đầy cho Liễu Tam thì lại giận dỗi dằn mạnh bát cơm xuống trước mặt Liễu Tam. Đứa bé còn nói :
– Tiểu điệt đã mười bốn tuổi rồi, việc tự kiếm một bữa cơm nào phải khó với tiểu điệt. Tam thúc thúc đừng viện vào lý lẽ đó bắt tiểu điệt cái gì cũng nhất nhất làm theo lời Tam thúc thúc.
Đưa bát cơm lên miệng nhưng chưa kịp lùa, Liễu Tam vội đặt bát cơm xuống và nhìn đứa bé :
– Ngươi đoán chắc ngươi có thể tự kiếm được cho ngươi một bữa ăn?
Đang giận dỗi, đứa bé nói mà không hề suy nghĩ :
– Hái củi như Tam thúc thúc, thiết nghĩ nào phải chỉ có Tam thúc thúc là người duy nhất có thể làm được?
Gật đầu, Liễu Tam bảo :
– Tốt!
Chờ nghe và không nghe Liễu Tam nói thêm lời nào nữa, ngoài duy nhất mỗi một từ cộc lốc ngắn ngủi nọ, đứa bé hoang mang :
– Tốt là sao?
Phải đợi Liễu Tam ăn hết bát cơm và trong lúc đứa bé đơm cơm thêm vào bát, nó mới nghe Liễu Tam giải thích :
– Nghĩa là, kể từ mai trở đi, ngươi phải cùng ta vào rừng hái củi, cùng đưa vào trấn rồi cùng về nhà.
Đứa bé tiu nghỉu :
– Không còn biện pháp nào khác sao, Tam thúc thúc?
Vốn là người ít lời, Liễu Tam đáp gọn :
– Vẫn còn!
Đứa bé chớp mắt :
– Là biện pháp gì?
– Theo cung cách của bao nhiêu ngày đã qua. Ta bảo thế nào, ngươi làm thế ấy.
Đứa bé lắc đầu quầy quậy :
– Tưởng là thế nào, nếu là vậy, chẳng thà tiểu điệt cùng vào rừng hái củi với Tam thúc thúc còn hơn.
Không phiền muộn, Liễu Tam gật đầu :
– Được, chúng ta sẽ làm như vậy! Ngươi ngủ đi, vì mai sớm khoảng giữa canh tư, chúng ta phải thức dậy rồi.
Có phần háo hức vì ngày mai nhịp điệu buồn tẻ của cuộc sống sẽ thay đổi, đứa bé chợt quên rằng việc thức dậy vào khoảng giữa canh tư như Liễu Tam vừa nói, đối với nó là việc vô cùng khó khăn.
Và nó chỉ nhận ra điều đó khi nó đang ngon giấc bỗng bị Liễu Tam dựng dậy :
– Đến lúc phải vào rừng rồi! Ngươi đừng quên những gì ngươi nói với ta đêm qua!
Mắt nhắm mắt mở, đứa bé lầu bầu :
– Không thể đi muộn hơn một lúc nữa sao, Tam thúc thúc?
Liễu Tam dằn giọng :
– Nếu muốn đi thì đi ngay bây giờ! Ngược lại ngươi cứ ở nhà và phải thực hiện đúng những gì ta đã căn dặn.
Đứa bé choàng tỉnh :
– Luyện kiếm ư? Không được đâu! Để tiểu điệt đi cùng với Tam thúc thúc vậy.
Cố giấu tiếng thở dài chán nản, Liễu Tam buông nhẹ một câu :
– Vậy thì đi!
Dậy vào lúc trời chưa sáng, rồi lại phải chịu cái rét căm căm do sương mai thấm lạnh, đứa bé càng nghĩ càng ân hận về quyết định thiếu suy nghĩ của chính nó.
Nhưng như nó vẫn nghĩ, bắt nó làm cái gì cũng được, miễn Tam thúc thúc đừng bắt nó luyện đi luyện lại mãi những chiêu kiếm không có tích sự gì, vào rừng hái củi dẫu sao cũng là điều hay.
Nhờ nhà ở cạnh rừng nên đoạn đường phải di chuyển vẫn không quá sức chịu đựng của đứa bé.
Nó còn chịu đựng được huống hồ chi Liễu Tam vừa là người lớn vừa là người có nhiều sức vóc hơn.
Do vậy, nó thật sự ngạc nhiên khi nhìn thấy Liễu Tam vừa vào đến rừng đã vội tìm chỗ ngồi nghỉ :
– Tam thúc thúc chưa gì đã thấm mệt ư?
Ngồi xếp bằng, hai lòng bàn tay và hai lòng bàn chân đều ngửa cả lên trên, một tư thế không hề thỏa mãn nếu Liễu Tam thật sự muốn nghỉ mệt, Liễu Tam chợt hỏi nó :
– Ngươi không cảm thấy lạnh sao?
Nó kinh ngạc :
– Đương nhiên là lạnh! Còn Tam thúc thúc thì sao?
Liễu Tam cố tránh ánh mắt dò xét của đứa bé :
– Ta cũng vậy, nào khác gì ngươi!
Nhưng đứa bé vẫn không thôi dò xét :
– Nếu Tam thúc thúc cũng ngại lạnh hà cớ gì phải vào rừng sớm như thế này?
Liễu Tam tránh câu trả lời :
– Ta có việc của ta! Ngươi đừng hỏi nữa, có được không?
Không cho hỏi thì đứa bé nhìn. Và càng nhìn nó càng ngạc nhiên. Vì Liễu Tam không những có thể ngồi yên mãi với tư thế bất tiện kia mà xem ra dựa vào hơi thở đều đều, Liễu Tam còn có thể dễ dàng chợp mắt dưới cái lạnh do sương mai càng lúc càng dày đặc.
Nó không thể nghĩ có ai đó có thể chợp mắt trong một tư thế bất tiện như Liễu Tam. Nhưng do đó là điều đứa bé đang tận mắt mục kích nên nó đành phải tin là có.
Đến lúc trời thật sự tảng sáng, Liễu Tam mới chịu mở mắt nhìn nó :
– Ngươi có lạnh không?
Đứa bé hậm hực :
– Tam thúc thúc hay thật đấy! Không cho tiểu điệt ngủ đẫy giấc, còn Tam thúc thúc khi vào rừng lại tha hồ chợp mắt.
Liễu Tam cười thật gượng :
– Ta không hề chợp mắt như ngươi nghĩ! Đó chỉ là cách để giúp ta chống chọi với cái lạnh mà thôi.
Đứa bé những muốn hỏi thêm nhưng vì đã biết Liễu Tam là dạng ít nói, có hỏi vị tất được câu trả lời tận tường, nên nó đành im lặng chịu đựng.
Liễu Tam đứng lên, tay cầm theo một cây dài thường được Liễu Tam dùng làm đòn gánh để gánh củi.
Liễu Tam bảo :
– Ta sẽ chặt củi thành từng đoạn ngắn, ngươi nhặt và xếp chúng lại, được chứ?
Không đợi đứa bé gật đầu ưng thuận, Liễu Tam bất ngờ lấy từ cây đòn dùng để gánh ra một thanh trường kiếm.
Liễu Tam khoa kiếm :
– “Du Mộc Điểm Châu”!
Véo…
Kiếm pháp được Liễu Tam điều động khẽ lướt qua một nhánh củi khô và bất ngờ thích nhẹ và phần tiếp giáp giữa nhánh củi khô với thân cây rừng còn tươi tốt.
Cạch!
Rào… rào…
Bị mũi kiếm thích vào, nhánh củi khô phải rời khỏi thân cây là chỗ bấu víu cuối cùng và từ từ rơi xuống.
Liễu Tam ung dung chờ nhánh củi rơi xuống đúng tầm :
– “Tam Giang Đột Khẩu”!
Với tiếng nạt đanh gọn Liễu Tam lại khoa kiếm và nhanh lẹ đoạn nhánh củi khô nọ thành bốn đoạn ngắn nhờ một chiêu kiếm với ba thức biến.
Và với bốn đoạn ngắn rơi xuống cùng lúc, việc chặt củi thành từng đoạn ngắn của Liễu Tam kể như vừa hoàn thành.
Liễu Tam liếc mắt nhìn đứa bé, hy vọng sẽ nhận ra sự thần phục của đứa bé. Và Liễu Tam phải thất vọng vì trên sắc mặt của đứa bé vẫn lộ vẻ chán chường như thuở nào nó luôn chán chường việc luyện kiếm.
Nó đang thản nhiên khom người nhặt từng đoạn củi vừa được Liễu Tam dùng kiếm pháp tuyệt luân chặt nhỏ ra.
Tâm trạng chán chường thường dễ lây lan, Liễu Tam kể từ đó chỉ mải mê với việc chặt củi, hết cả hứng thú với việc phô diễn kiếm pháp.
Khi được hai gánh củi đầy, Liễu Tam gần như là cố ý phân củi thành hai gánh có trọng lượng tương đương.
Nhìn đứa bé bước đi thật khó khăn dưới gánh củi nặng quá sức, Liễu Tam chờ nghe một tiếng than nào đó trước sau gì đứa bé cũng phải thốt ra!
Nhưng lần thứ hai Liễu Tam phải thất vọng vì điều đó không hề xảy ra!
Mười dặm đường với gánh củi nặng trên vai, đứa bé phải ngừng nghỉ không biết bao nhiêu lần mà kể! Nhưng để có một câu than van thì không hề.
Đêm đó kẻ mất nhẫn nại chính là Liễu Tam :
– Ngươi chịu khổ như thế nào cũng được và quyết không luyện kiếm?
Đứa bé dù mệt bơ phờ, chỉ muốn nằm lăn xuống và được ngủ ngay, nhưng vẫn cố đáp :
– Tiểu điệt không luyện kiếm!
Liễu Tam biến sắc :
– Tại sao? Ngoài việc luyện kiếm ngươi còn cách nào khác để giết kẻ thù nếu ngươi vẫn muốn báo thù cho song thân?
Đứa bé quay đầu như không muốn nhắc đi nhắc lại mãi điều mà nó đã từng giải thích, mỗi khi Tam thúc thúc hỏi những câu tương tự.
Chán nản, Liễu Tam thở dài thườn thượt :
– Phụ thân ngươi thành danh là nhờ kiếm pháp. Ngươi không luyện kiếm, phải chăng ngươi không muốn phát dương quang đại kiếm pháp truyền gia của phụ thân ngươi?
– …
Đứa bé vẫn không đáp, khiến Liễu Tam phải phát giận :
– Kẻ thù chỉ một chưởng hạ sát luôn song thân ngươi, ngươi muốn dùng chưởng để giết kẻ thù, một ý nghĩ vừa ấu trĩ vừa bất trí!
– …
Liễu Tam tuyệt vọng :
– Dùng sở đoản để chống lại sở trường của thù nhân, ngươi làm ta thật sự thất vọng!
Đứa bé quay đầu nhìn lại :
– Tam thúc thúc sẽ phải thất vọng hơn nếu buộc tiểu điệt luyện loại kiếm pháp đã từng bị thù nhân đả bại một cách dễ dàng.
Liễu Tam dằn giọng :
– Đó là do song thân ngươi hãy còn ba chiêu kiếm cuối cùng chưa luyện!
Đứa bé nhìn tận mắt Liễu Tam :
– Kiếm quyết của cả ba chiêu kiếm đó, như Tam thúc thúc đã từng nói, đã thất truyền từ lâu. Tiểu điệt dù có tận tâm nhưng với sự khiếm khuyết này rồi cũng đến lượt tiểu điệt phải mất mạng!
– Và ta cũng nói ba chiêu kiếm đó sẽ có nếu ngươi chịu chiêm niệm từ pho kiếm pháp sẵn có. Ngươi không quên chứ?
Đứa bé lắc đầu :
– Tiểu điệt không những không quên mà còn biết rằng đó chỉ là điều vọng tưởng.
– Vọng tưởng?
Đứa bé gật đầu :
– Không sai! Hơn hai mươi năm thành danh nhờ kiếm và cũng hơn hai mươi năm chiêm niệm, song thân của tiểu điệt cũng không thể tự thấu triệt ba chiêu kiếm thật sự đã thất truyền. Tiểu điệt nhất định không đi vào vết xe đổ của song thân!
– Vậy ngươi muốn làm gì? Mãi mãi không báo thù cho song thân ngươi ư?
Đôi mắt của đứa bé vụt sáng lên :
– Tiểu điệt nhất quyết phải luyện chưởng!
Liễu Tam cười buồn :
– Ai sẽ truyền thụ chưởng pháp cho ngươi? Trong khi ta đã đưa ngươi đến trước sau là ba nhân vật, hy vọng ngươi sẽ được họ thu nhận làm truyền nhân, và chính ngươi sau đó đã làm ta bẽ mặt.
Đứa bé bĩu môi :
– Khi biết thù nhân của tiểu điệt là ai, đến họ cũng phải kinh hoàng! Tiểu điệt đâu thể bái những kẻ có bản lãnh non kém hơn thù nhân làm sư phụ?
Liễu Tam sa sầm nét mặt :
– Vậy ngươi muốn thế nào?
Đứa bé quả quyết :
– Kỳ nhân dị sĩ ở thế gian này không phải không có, tiểu điệt chỉ muốn bái những nhân vật như thế làm minh sư.
Liễu Tam phì cười :
– So với ta, ước muốn của ngươi mới là điều vọng tưởng.
– Tam thúc thúc muốn nói trên đời này không hề tồn tại những kỳ nhân dị sĩ?
Liễu Tam lạnh giọng :
– Không phải là không có. Nhưng đã là kỳ nhân dị sĩ nào phải bất kỳ ai muốn tìm là gặp? Ngươi chớ quá cưỡng cầu, bỏ cái gần lo tìm cái xa, là những cái không thể nào chỉ với tay lấy được.
Đứa bé không chút thất vọng :
– Tận nhân lực mới tri thiên mạng! Tiểu điệt quyết không thay đổi ý định.
Liễu Tam gật đầu :
– Được, nhưng ta hỏi ngươi, giá như ngươi có đi tìm và đi tìm suốt một đời nhưng vẫn không có cơ may hội diện kỳ nhân, mối thù kia của song thân ngươi đến bao giờ mới báo?
Đứa bé chưa kịp đáp, Liễu Tam bồi thêm :
– Huống chi, kẻ thù liệu có sống mãi để chờ đợi ngươi đến ngày đó không? Vậy ngươi tìm bái minh sư để làm gì nếu việc báo thù bất thành? Song thân ngươi liệu có ngậm cười dưới chín suối không?
Bị Liễu Tam hỏi dồn, đứa bé lúng túng, nhưng nó vẫn khăng khăng :
– Dẫu sao, tiểu điệt vẫn sẽ luyện chưởng.
Thở ra một hơi dài u uất, Liễu Tam bảo :
– Hà…! Ngươi muốn luyện chưởng? Được! Vậy ngươi đã biết gì về việc luyện chưởng? Và để luyện chưởng đến mức đại thành, ngươi có lường hết những gian nan khổ ải cần vượt qua không?
Đứa bé giương mắt nhìn Liễu Tam :
– Những gian nan như thế nào?
Liễu Tam buông nhẹ :
– Nội công! Không như kiếm pháp lấy tâm và lấy chiêu thức làm chủ, muốn luyện chưởng đến mức thập phần lợi hại thì đòi hỏi tiên quyết là ngươi phải có nội công thâm hậu. Không có đủ nội lực, khiếm khuyết về phần hỏa hầu, ngươi sẽ mất mạng nếu gặp địch thủ có bản lãnh hơn ngươi. Đến lúc đó dù ngươi có ân hận cũng đã muộn.
Đứa bé dao động :
– Tam thúc thúc không định làm cho tiểu điệt nhụt hết nhuệ khí chứ?
Liễu Tam lắc đầu :
– Ta là thúc thúc của ngươi, giúp ngươi có nhận định minh bạch thì có, không có chuyện làm nhuệ khí của ngươi phải nhụt đi.
Không nghe đứa bé nói gì, Liễu Tam ngỡ đã thuyết phục được nó bèn nói thêm :
– Chưởng và kiếm, mỗi môn công phu đều có những lợi hại khác biệt. Chưởng không thể hơn kiếm nếu kiếm luyện đến mức tinh kỳ ảo diệu. Và ngươi sẽ không đạt được điều đó nếu ngay bây giờ không bắt đầu khổ luyện.
Và Liễu Tam hoàn toàn bất ngờ khi y vừa dứt lời, đứa bé chợt hỏi :
– Muốn có nội công thâm hậu phải như thế nào?
Chán nản vì xem ra đứa bé vẫn quyết ý luyện chưởng, và không một chút lưu tâm đến việc luyện kiếm, Liễu Tam đành đáp :
– Cần phải có tâm pháp thượng thừa. Và điều này thì ngươi đừng trông mong vào ta!
Đứa bé có vẻ ngạc nhiên :
– Ý Tam thúc thúc muốn nói về tâm pháp thượng thừa thì Tam thúc thúc không có, nhưng lại có tâm pháp bình thường?
Liễu Tam ngớ người một lúc mới nói được nên lời :
– Nghiệm được điều này, ngươi đâu phải không thông tuệ? Chỉ tiếc rằng ngươi không biết vận dụng sự thông tuệ của ngươi vào việc luyện kiếm! Bằng không, ngươi lo gì không báo được thù.
Đứa bé nhũn nhặn nài nỉ :
– Tam thúc thúc biết tâm pháp luyện nội công sao không truyền thụ cho tiểu điệt?
Khuôn mặt Liễu Tam nặng chịch :
– Không được.
Đứa bé thất vọng :
– Tại sao, Tam thúc thúc? Hay tiểu tử sợ tiểu điệt sẽ biếng nhác việc luyện công như khi luyện kiếm?
Thích hại, Liễu Tam nói mà không hề che giấu :
– Không phải như ngươi nghĩ! Ta không truyền thụ vì với tâm pháp không lấy gì làm cao minh ngươi dù khổ luyện một đời cũng không thể nào đạt mức thâm hậu hơn người. Và với bản lãnh non kém như vậy, ngươi chưa đi tìm thù nhân ta cũng nhìn thấy trước kết quả thảm bại cho ngươi! Đi báo thù mà nắm chắc phần bại, ngươi đừng đi báo thù còn hơn.
Đứa bé tuyệt vọng :
– Tam thúc thúc nhất quyết không truyền thụ cho tiểu điệt?
Xua tay, Liễu Tam bảo :
– Ngươi đi ngủ đi, chuyện này bất tất phải nhắc đến nữa!
Tánh khí của Liễu Tam như thế nào, đứa bé do đã biết nên không dám nài ép.
Nhưng trước khi đi ngủ, đứa bé cố hỏi thêm :
– Song thân của tiểu điệt là ai và thù nhân là ai, Tam thúc thúc?
Liễu Tam cười lạt :
– Ngươi không luyện kiếm, tất không nghĩ đến việc báo thù! Đã không báo thù ngươi cần gì phải hỏi đến những điều khiến ngươi phiền lòng.
Đứa bé uất ức :
– Làm người ai cũng có thân sinh phụ mẫu và có danh tánh để xưng hộ. Tiểu điệt sao lại ngoại lệ?
Liễu Tam cũng giận dữ :
– Ai bảo ngươi chưa có tính danh để xưng hô? Ngươi họ Liễu tên Hận chưa đủ sao?
Đứa bé ngúng nguẩy :
– Liễu Hận? Đó nào phải tính danh thật sự? Tiểu điệt cũng biết tính danh của Tam thúc thúc không phải là Liễu Tam! Sao đến lúc này Tam thúc thúc vẫn muốn giấu tiểu điệt?
Liễu Tam lặng người một lúc lâu. Sau đó vì muốn đứa bé phải kịp thời thay đổi ý định, Liễu Tam bảo :
– Ta có phát thệ trước di thể của song thân ngươi. Khi nào ngươi chưa luyện thuần thục bộ kiếm pháp truyền gia của song thân ngươi, ta không thể để cho ngươi biết thân thế! Ngươi liệu đó mà xử sự.
Như đó là câu cuối cùng, không còn gì để thay đổi hoặc để nói thêm, Liễu Tam lập tức buông người nằm xuống và nhắm chặt hai mắt.
Đêm đó, Liễu Tam không sao chợp mắt được và y cũng biết đứa bé cũng có cùng tâm trạng.
Vì thế cho dù Liễu Tam nghe có tiếng chân đứa bé nh nhàng bỏ ra ngoài nhưng do nghĩ đó là sự hoang mang trước khi đi đến một quyết định của đứa bé, Liễu Tam vẫn nằm yên và không một lần lên tiếng.
Chỉ khi trời sáng bạch, Liễu Tam giật mình tỉnh giấc và mới biết rằng đứa bé đã lẳng lặng bỏ đi, không một lời giã biệt.
Hốt hoảng, lần đầu tiên Liễu Tam không còn nghĩ đến việc đi hái củi, y tung người lao đi thật nhanh, quyết tìm cho bằng được đứa bé.