Bao Công xử án

Chương 2


Đọc truyện Bao Công xử án – Chương 2

BAO CÔNG TÌM RA KẺ ĐÃ LÀM Ô NHỤC NÀNG TRÌNH NƯƠNG GIỮA ĐÊM TÂN HÔN KHIẾN NÀNG PHẢI TỰ TỬ
Ngày xưa, dưới đời nhà Tống, tại một làng thuộc huyện Lâm Đĩnh, phủ Hứa Châu, tỉnh Hà Nam, bên Tàu, có một cậu Tú tài, gia đình giàu có, chưa vợ, tên là Tra Di.
Tuy đã đậu Tú tài và đang dọn thi Cử nhân, Tra Di chỉ có một sức học tầm thường mà thôi.
Dân cúng làng này chuộng văn học nên trường làng được xây cất rộng rãi lại có thêm cả chỗ cho học trò tối đến học tập có thể ngủ luôn lại đó.
Tú Di cũng thường hay tới lui đó cùng chúng bạn đọc sách, làm bài tới khuya. Anh em bạn của Di đều đúng đắn, hiền lành ngoại trừ một người tên là Trịnh Chánh. Tuy còn trẻ và đang đuổi học hành, Trịnh Chánh đã tỏ ra vô hạnh và có lắm thủ đoạn không xứng đáng với kẻ theo đòi chữ nghĩa thánh hiền.
Làng bên có một nàng tuổi vừa mười sáu, nhan sắc mặn mà tuy không đến trường nhưng nhờ thông minh và lại được cha chú rèn luyện nên tài học xem ra còn hơn bọn Tra Di gấp bội [Sau này Bao Công cũng phải phục tài nàng Trình Nương]. Đó là Y Trình Nương.
Nàng thường ao ước được một tấm chồng nếu không tài giỏi hơn, thì cũng phải đồng tài đồng sức.
Năm ấy, cha mẹ Tú Di đánh tiếng hỏi Trình Nương cho con. Gia đình Trình Nương nhận lời, thế là ít lâu sau, lễ cưới được cử hành.
Đêm tân hôn, Tra Di vô phòng toan thay áo đi ngủ bỗng nàng Trình Nương cản lại mà thỏ thẻ rằng:
– Chàng ơi, chàng là người ăn học, thiếp đây cũng chẳng phải là kẻ quê mùa dốt nát. Đôi ta xứng đáng nên duyên vợ chồng. Nhưng thiếp nghĩ chúng ta nên có hành động khác kẻ phàm phu tục tử. Đêm nay, thiếp có nghĩ ra một câu đối, chàng mà đối được thiếp xin vui vẻ trao thân nếu chẳng đối được thiếp xin chàng vui lòng gác chuyện động phòng lo học thêm cho khá đã.
Tra Di liền biểu vợ cứ ra câu đối để chàng đáp lại cho vui [chẳng là anh ta chưa biết tài vợ đó thôi].
Trình Nương mặt mày hớn hở đọc liền vế xuất [câu đối gồn có hai vế: vế xuất và vế đối] như sau:
“Điểm đăng đăng các, các công thư”. [Điểm đăng đăng các, các công thư nghĩa như sau: điểm đăng là đốt đèn – Đăng các là lên lầu – các công thư là mọi người cùng chăm học].
Tra Di đứng lặng, suy nghĩ hồi lâu chẳng tìm ra vế đối [Giống như Từ Hải chết đứng. Cả hai đều vào cửa tử]. Mắc cở, chàng bèn rút lui ra khỏi phòng the, mặt đỏ như gấc chín. Đêm đã khuya rồi, chàng không biết tính sao, chẳng lẽ nằm ngoài nhà khách suốt đêm! Rủi người nhà bắt gặp thì ăn nói làm sao. Nàng đã đặt điều kiện rõ ràng: “nếu chưa đối được thì chưa động phòng” [thế ra bài “trăng sáng vườn chè” không phải là đặt mà chơi. Câu này dịch nghĩa là: Chong đèn trên gác cùng đọc sách]. Chưa biết tính sao, chàng chậm chạp đến ngồi trên chiếc ghế bành, mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà. Một đôi mối trách rượt nhau trên xà nhà xuống đến bức vách, phía trên án thư, gần ngọn bạch lạp đang leo lét cháy. Con mối trách chạy sau kêu những tiếng nho nhỏ như âu yếm, như thiết tha… Chắc đấy là con đực. Mỗi lần con đực tới gần thì con cái lại vùng lên chạy. Dường như chán cuộc rượt bắt vô ích ấy, con đực quay đầu lại bỏ đi. Tra Di từ nãy không rời mắt cảnh tượng đó, đến đây bỗng đứng dậy, ngoái nhìn về phía phòng the rồi không biết nghĩ sao chàng quả quyết đi thẳng ra phía cửa, nhẹ nhàng đẩy chốt hãm, hé cửa lách ra ngoài sân rồi băng mình vào đêm tối. Bên ngoài trời tối như mực, gió rét thổi từng cơn.
Tra Di đi đã khá lâu. Cánh cửa nhẹ nhàng đu đưa trước làn gió lạnh… Đến khi Trình Nương hay biết thì đã muộn rồi. Nàng hối hận vô cùng vì thực tình nàng chỉ muốn rỡn chơi cho vui nào ngờ Tra Di quá hổ thẹn mà bỏ ra đi. [dỡn cái mững này, mất mặt kẻ mày râu quá xá].
Trình Nương giờ đây lại lâm vào cảnh đứùng ngồi không yên như chồng nàng lúc trước. Kêu gọi chồng ư? Chắc chàng đi xa rồi còn chi. Vả lại làm thế kỳ quá, hay là gọi nhà chồng dậy đốt đuốc đi kiếm Tra Di về? Nhưng biết đâu mà kiếm? Cuối cùng nàng tự an ủi rằng thế nào Tra Di cũng hiểu là nàng muốn đùa một chút thôi và như vậy chàng sẽ trở lại.
Nghĩ vậy, nàng cứ để cửa khép như lúc chồng nàng ra đi rồi lui vô phòng tắt đèn lên giường nằm. [chủ quan. Coi chừng: Ma vương đưa quỷ tới!].
Nói về Tra Di, sau khi ra khỏi nhà, chàng bèn đi thẳng đến trường làng.
Khi Tra Di bước chân vào trường thì đã gần nửa đêm nhưng trong đám bạn học có vài người còn thức đọc sách. Thấy Tra Di đến trường giữa đêm tân hôn, họ chạy ùa ra và bâu quanh hỏi chuyện. [ngạc nhiên lắm].
Trịnh Chánh cũng lén vô ngồi cạnh Tra Di để nghe cho rõ.
Tra Di thật thà kể rõ nguồn cơn và đọc âu đối của vợ cho chúng bạn nghe [tính phổi bò, ruột ngựa có gì khai ra bằng hết. Hại mình lại hại cả người thân]. Cậu nào lỏng chữ thì xin đầu hàng ngay. Cũng có cậu lại làm ra vẻ suy nghĩ lắm nhưng chung cuộc cũng cịu thua nốt.
Nghe Tra Di nói ngủ lại đêm nay tại trường, các cậu bông đùa thêm một lát rồi tất cả rủ nhau đi ngủ. đèn tắt rồi, ngôi trường chìm trong bóng tối. Gió đêm lành lạnh thổi từng chập. Tiếng thở đều đều nổi lên, các cậu tú đều đã ngủ say. Bỗng một bóng đen từ phía giường học trò choài xuống đất và lén đi ra ngoài cổng nhẹ nhàng không gây một tiếng động nhỏ. [Ai vậy? Đi đâu?].
Bóng đen đi nhanh về phía nhà Tra Di. Gần tới nhà Tra Di bóng đen đứng lại lấy vạt áo lau mồ hôi trán đoạn đưa mắt nhìn chung quanh. Bóng đen lẹ làng đẩy cửa vô nhà và đi thẳng vào phòng Trình Nương.
Nói về nàng Trình Nương vẫn không sao ngủ được từ lúc chồng bỏ ra đi, bỗng nghe có tiếng người lén đi vào cho là chồng về nên cất tiếng êm ái hỏi:
– Phải chàng đấy ư? Chàng đã tìm ra câu đối rồi sao?
Bóng đen không trả lời cứ lùi lũi tiến về giường Trình Nương vén mùng chui đại vô. [Kỳ thiệt]. Trình Nương cũng không muốn hỏi nữa sợ chồng hổ thẹn thêm.
Thế là người bí mật cứ tự nhiên ân ái với Trình Nương…
Khi gà gáy sáng lần đầu lúc trời còn tối và Trình Nương đang ngủ thì người bí mật đã lén dậy trở về trường nằm ngủ mà không ai hay biết.
Sáng ra, Tra Di từ trường về nhà bảo vợ rằng:
– Vì kém tài nên đêm qua ta không tìm được câu đối, nghĩ ra hổ thẹn vô cùng nên bỏ đi suốt đêm giờ này mới về, thật là lỗi phận làm chồng, mong nàng chớ khá lưu tâm. [nói thiệt hay nói đùa vậy?].
Trình Nương cho là chồng chọc mình, thì đôi má ửng hồng và nàng bẽn lẽn nhìn chồng nói:

– Còn ai đêm qua đấy mà chàng bảo không về?
Thấy chồng quả quyết không hề trở về nhà đêm qua. Trình Nương nghe như chết điếng cả người và biết là đã bị kẻ gian làm nhục.
Nàng nhất quyết không chịu tiết lộ cho chồng sự việc đêm qua [nói ra cũng chẳng ích chi. Biết chồng có chịu hiểu cho chăng? Nếu ếm nhẹm đi không nói thiệt thì cũng nguy hại sau này. Kẻ gian đêm trước có thể trở lại một dịp khác và đòi hỏi, dọa sẽ tố cáo cho chồng. Cũng có thể y sẽ khoe khoang rồi đến tai chồng thì cũng rắc rối. Nói ra chẳng tiện, giấu đi cũng chẳng xong. Thật là tiến thoái lưỡng nan] và nàng cố làm ra vẻ bình tĩnh:
– Nếu quả thật đêm qua chàng không về thì đôi ta cách biệt từ đây, xin chàng hãy quên thiếp và chăm chỉ học hành.
Tra Di vô tình không biết đây là câu vĩnh biệt của nàng.
Trình Nương lặng lẽ vô phòng lấy dây thắt cổ tự tử chết.
Đến khi chồng biết tri hô lên, mọi người trong nhà đổ vào cởi dây hạ Trình Nương xuống thì, hỡi ơi, nàng chỉ còn là cái xác không hồn.
Tra Di cho là chàng bất nhẫn bỏ đi biền biệt suốt đêm tân hôn khiến Trình Nương tủi phận, hờn duyên mà tự vẫn nên chàng khóc lóc thảm thiết, rồi vì quá xúc cảm nên chết đi sống lại mấy lần. May được cha mẹ hết lòng cứu chữa, lại an ủi vỗ về. Tra Di mới tạm dẹp mối sầu mà lo ma chay cho người vợ tài hoa mà bạc mệnh. [bạn đọc nhớ kỹ điểm Trình Nương không hề nói cho chồng việc gì đã xảy ra đêm trước].
Ba năm qua, một hôm nhân tiết Trung thu, Bao Công đi tuần sát đến huyện Lâm Đĩnh.
Tối đó trăng rằm sáng tỏ, Bao Công ngồi gần cây ngô đồng trông trăng uống rượu. Đối cảnh sanh tình, Bao Công muốn làm một câu đối để ghi lại cảnh đẹp đêm nay. Ông tìm được câu:
“Dĩ ỷ ỷ đồng, đồng ngoạn nguyệt” [Dĩ ỷ là lấy ghế – Ỷ đồng là ngồi tựa cây ngô đồng. Đồng ngoạn nguyệt là cùng thưởng trăng] ông loay hoay nghĩ mãi không đối được. Mỏi mệt Bao Công tựa lưng vào ghế, thiu thiu ngủ. bỗng ông chiêm bao thấy một người con gái xinh đẹp tuổi độ trăng tròn tiến đến gần ông và quỳ xuống nói:
– Đại nhân nghĩ làm chi cho thêm mệt trí. vế đối là “Điểm đăng đăng các, các công thư”.
Vậy câu dĩ ỷ ỷ đồng đồng ngoạn nguyệt nghĩa là tựa gốc cây ngô đồng thưởng ánh trăng.
Hồn Bao Công chịu là hay [Hai câu xếp lại như sau: Điểm đăng đăng các, các công thư. Dĩ ỷ ỷ đồng, đồng ngoạn nguyệt. Tạm dịch là: Chong đèn trên gác cùng đọc sách. Tựa gốc cây ngô đồng thưởng ánh trăng. (Câu dịch này của một ông bạn làm việc tại một cơ quan thông tấn tặng)] mới hỏi tên họ quê quán nàng kiều nữ thì nàng thưa xin cứ hỏi học trò trong huyện sẽ biết. Nói rồi biến mất.
Bao Công giật mình tỉnh dậy cho là điều lạ.
Sáng hôm sau, Bao Công ra lệnh cho mời các cậu tú trong huyện đến để ông khảo chữ. Tra Di nghe lệnh truyền vội vã cùng chúng bạn rủ nhau đi đến nơi Bao Công làm việc.
Khi mọi người đã tề tụ đông đủ, Bao Công bèn ra bài để thử sức các cậu tú. Bài thi là một bài văn, đề tài là: “Kính quỉ thần nhi viễn chi [nghĩa là đối với quỷ thần nên kính mà xa ra]” một câu rút trong sách Luận ngữ. Ông cũng lại bảo học trò hãy thử đối câu ông ra là “Dĩ ỷ ỷ đồng, đồng ngoạn nguyệt”.
Tra Di thấy câu đối ấy xứng với câu vợ chàng đã ra năm trước nên hạ bút viết liền “Điểm đăng đăng các, các công thư”.
Khi các cậu Tú đã nạp bài xong, Bao Công biểu mọi người ra sân chờ kết quả. Xem đến bài của Tra Di, ông thấy bài văn rất thường nhưng câu đối thì thật hay.
Bao Công liền cho gọi Tra Di vào và hỏi:
– Ta thấy văn chương anh thường lắm, làm sao anh đối nổi câu ta ra. Ai là tác giả câu đối đó, hãy nói thật.
– Thưa đại quan, thựa ra câu ấy của vợ tôi làm ra.
Bao Công nghe đáp mới khen vợ Tra Di là người tài giỏi [lúc này Bao Công chưa biết tí gì về vụ nàng Trình Nương tự vẫn] và hỏi thăm thêm về sự học hành của vợ Tra Di [thấy người đàn bà tài giỏi thì hỏi thăm cho biết].
Tra Di ứa nước mắt rồi thuật lại đầu đuôi câu chuyện với Bao Công.
Khi Tra Di thuật xong Bao Công nhìn Tra Di không chớp mắt và hỏi:
– Anh vừa nói không biết vì lý do vì vợ anh tự tử sau đêm tân hôn, phải vậy không?
– Dạ, thiệt tình tôi không biết và cũng chẳng hiểu vì sao cả.
Bao Công hỏi tiếp:
– Theo lời anh thì sáng hôm anh ở trường về nhà, vợ anh cật vấn anh mãi để biết chắc là đêm tân hôn anh không có về, phải không?
– Dạ phải.
Bao Công suy nghĩ một lát rồi chiếu đôi mắt sáng quắc nhìn tận mặt Tra Di mà nói:

– Ta biết tại sao Trình Nương tự tử. Để ta nói cho mà nghe. Nghe anh nói không có về nhà đêm trước, lúc đầu Trình Nương cho là anh nói chơi để chọc nàng. Nhưng sau thấy anh nói quyết rằng không có về đêm tân hôn, nàng hỏi lại cho chắc đặng quyết định thái độ. Ta đoán ra lý do khiến Trình Nương tự tử rồi.
Nàng tự tử vì quá hổ thẹn: đêm tân hôn nàng đã lầm mà ân ái với một người không phải là chồng nàng. Anh thử nhớ lại coi ngoài chúng bạn ra, có ai biết câu chuyện câu đối vợ anh ra cho anh đêm tân hôn không? [loại dần các giả thuyết để hướng cuộc điều tra vào một giới người nào mà thôi. nếu Tra Di không kể cho ai ngoài chúng bạn thì kẻ gian phải là ở trong đám học trò].
Tra Di quả quyết chàng chỉ thuật chuyện cho chúng bạn ở trường nghe đêm ấy thôi.
Bao Công xác định:
– Vậy thì kẻ gian chính là một trong các bạn của anh thôi. Anh có nghi cho ai không?
Tra Di lắc đầu. Bao Công hỏi rõ:
– Chớ trong đám bạn anh có kẻ nào tính tình xảo quyệt, vô hạnh không? Nghĩ cho kỹ rồi hãy trả lời. [trong chúng bạn của Tra Di, lại phải tìm ra kẻ khả nghi nhất. Trong truyện này, một kẻ có thành tích bất hảo bị nghi đúng. Còn trong truyện “Con nhện đoán án” (đăng trong số 1 P.L.B.N.S) thì nguyên tắc này chút nữa làm bay đầu một kẻ út nữa làm bay đầu một kẻ Trịnh Chánh bèn khai:
– Dạ, có tên Trịnh Chánh không phải là người đàng hoàng. Nhưng tôi không biết có phải hắn đã làm nhục vợ tôi không.
Bao Công cười đáp:
– Thủng thẳng để ta coi xem sao.
Sau khi Tra Di ra về, Bao Công gọi hai người lính vào và ra lệnh đi bắt Trịnh Chánh về tra hỏi.
Mới đầu Trịnh Chánh một mực kêu oan. Bao Công kêu lính dùng cực hình tra tấn, riết một hồi, Trịnh Chánh chịu đau không thấu, phải thú nhận hết tội lỗi.
Bao Công truyền ghi lời khai rồi lên án chém đầu Trịnh Chánh để làm gương cho kẻ khác.
Ai nghe chuyện cũng phục Bao Công là tài.
TIỂU THIẾT DIỆN
LỜI BÀN
Xem truyện nàng Trình Nương trên đây Bao Tử tôi có mấy điều sau đây, xin trình bày cùng bạn đọc. Nếu có chỗ nào sai lầm cứ… làm ngơ dùm cho. Đa tạ.
I.- TẠI SAO NÀNG TRÌNH NƯƠNG LẠI LẦM… CHỒNG ĐẾN THẾ ĐƯỢC.
Mới đọc tới chỗ nàng Trình Nương, giữa đêm tân hôn lại lầm lẫn về… chồng một cách hầu như là “cố ý” ấy, Bao Tử tôi thấy lên ruột cả chùm ngỡ rằng Tiểu Thiết Diện nhân dịp phóng tác đã quá tay, phóng nhầm hỏa tiễn. Bèn hầm hầm đến nhà Tiểu Thiết Diện hạch hỏi cớ sao lại thêm muối tiêu, chanh ớt làm chi.
Tiểu Thiết Diện mặt đang đen bỗng đỏ như Trương Phi rồi vỗ bàn la lại: “Ta căn cứ trên sách Tàu mà viết. Cớ sao dám bảo ta viết bậy”. Đoạn anh ta dẫn chứng một hồi. Bao Tử tôi chịu thua, vội vã xin lỗi rồi rút lui có trật tự.
Về nhà, Bao Tử tôi cố tìm hiểu tại sao nàng Trình Nương lại có thể lầm lẫn đến thế được? Sau cùng Bao Tử tôi phải chịu là sự lầm lẫn ấy có thể xảy ra và nàng Trình Nương lầm thiệt tình chớ không phải là giả bộ lầm, dù rằng nàng đã lầm trong lúc tỉnh ngủ.
1) Sỡ dĩ nàng vẫn để cửa khép và tắt đèn đi nằm, vì tưởng rằng chồng không đi đâu, nếu nàng đóng cửa thì quá hỗn với chồng nhất là sau vụ câu đối (cửa này hẳn là cửa đi ra ngoài sân chớ buồng cô dâu chú rể chắc không có cửa, chỉ có màn vải thay cửa mà thôi). Nàng tắt đèn vì sợ người nhà thấy để đèn có thể hỏi. Hơn nữa sợ chồng ngượng.
2) Tại sao thấy có người vào nàng không đốt đèn lên và không có phản ứng gì khi thấy người vào không trả lời câu hỏi của mình. Vì nàng e ngại rằng nếu đốt đèn lên hay hỏi nữa thì chàng lại hổ thẹn thêm. Đó là điều nàng không muốn, khi nàng đã hối hận sau vụ câu đối rồi.
3) Dù trong bóng tối không trông thấy mặt, không nghe thấy tiếng nói quen thuộc của chồng, nhưng khi đụng phải Trịnh Chánh tại sao nàng không nhận ra được sự lầm lẫn của mình?
Thưa rằng nàng không thể phân biệt được. Vì rằng ngày xưa theo tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, con trai con gái lấy nhau nhiều khi không biết nhau. Nếu chồng nàng Trình Nương và Trịnh Chánh có vó người giống nhau (thí dụ cùng gầy cả hay cùng béo cả) thì nàng Trình Nương nhầm là thường nhưng dù nàng không mê ngủ, nhất là trong buổi ban đầu…
Để tóm lại, ta chỉ có thể nói nàng Trình Nương đã sơ suất hay nói đúng hơn quá chủ quan khi cho rằng thế nào chồng cũng về và không ai biết được chuyện chồng nàng ra đi để kịp thời rắp tâm làm bậy. Xem thế mới hay tên Trịnh Chánh quả thiệt là một tay xảo quyệt có hạng.
II.- VÌ ĐÂU BAO CÔNG TÌM RA KẺ GIAN ĐÃ LÀM NHỤC NÀNG TRÌNH NƯƠNG.
Theo truyện thì đêm Trung thu, Bao Công ngồi uống rượu ngắm trăng rồi cao hứng làm câu đối để ghi lại một cảnh đẹp. Ông tìm ra được một câu nhưng loay hoay mãi chưa tìm ra được câu đối. Rồi trong lúc nằm ngủ, ông chiêm bao thấy một người con gái đọc một câu đối rất hay, đối lại chan chát với câu của ông. Để trả lời câu hỏi của ông về lai lịch nàng, người con gái xin ông cứ hỏi các Tú tài trong vùng sẽ biết.
Nhưng ta cứ thử hỏi nếu không có giấc chiêm bao thì Bao Công có mở cuộc khảo chữ và nhân đó mà biết được vụ nàng Trình Nương rồi tra ra kẻ gian đã làm nhục nàng khiến nàng phải tự tử không?

Bao Tử tôi cho rằng có thể có khảo chữ, dù không có chiêm bao vì hai lẽ:
1) Nhiệm vụ khảo chữ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Bao Công
khi đi thanh tra.
2) Đêm trước Bao Công nghĩ mãi không ra câu đối với vế “Dĩ ỷ ỷ đồng, đồng ngoạn nguyệt”. Sáng sau ông bèn tổ chức cuộc khảo chữ, trước là để làm nhiệm vụ của ông sau là để thử xem biết đâu trong đám thư sinh, lại chẳng có một “hậu sinh khả úy”, đối được câu của Bao Công.
Bởi vậy Bao Công mới ra hai bài thi: một bài văn và một câu đối.
Khi chấm đến bài thi của Tra Di (chồng Trình Nương) ông thấy bài văn rất tầm thường nhưng câu đối thiệt là hay. Ông lấy làm lạ mới gọi Tra Di vào để hỏi xem ai là tác giả câu đối.
Tra Di thuật lại đầu đuôi câu chuyện, lúc đó Bao Công mối biết vụ nàng Trình Nương tự tử và sau đó tìm ra thủ phạm là Trịnh Chánh.
III.- TỘI TRẠNG CỦA TRỊNH CHÁNH
Trong sách không thấy nói rõ là Bao Công khép Trịnh Chánh vào tội gì, chỉ thấy nói sau khi Trịnh Chánh thú nhận có làm ô nhục nàng Trình Nương khiến nàng hổ thẹn quá mà tự tử chết, Bao Công lên án chém đầu Trịnh Chánh để làm gương cho kẻ khác.
Với luật pháp ngày nay, tên Trịnh Chánh tân thời sẽ bị khép vào tội gì? Và hình phạt sẽ ra sao?
Bức tử? Cố sát? Hiếp dâm? Hiếp dâm với trường hợp gia trọng?
Trong bốn tội ấy bạn sẽ buộc Trịnh Chánh vào tội nào?
Bao Tử tôi sẽ khép y vào tội hiếp dâm. Vì sao? Vì các lí lẽ sau đây:
1.- Đành rằng nàng Trình Nương tự tử chết vì quá hổ thẹn khi biết nàng lầm lẫn mà ân ái với một người không phải là chồng nàng. Nhưng không thể vì thế mà khép Trịnh Chánh vào tội cố sát hay tội gây ra cho người ta tự tử được (suicide provoqué).
Trịnh Chánh có làm một hành động tích cực nhưng hành động đó tự nó không có hậu quả làm chết người và cũng không có liên hệ nhân quả giữa hành động đó và cái chết của nạn nhân.
Trường hợp ấy khác với trường hợp kẻ cầm dao, cầm súng đâm hay bắn chết người ta, tức là một hành động tích cực có hậu quả làm chết người và có liên hệ nhân quả giữa hành động đó và cái chết của nạn nhân.
Cũng không thể khép Trịnh Chánh vào tội gây ra cho người ta tự tử (suicide provoqué) vì ở đây Trịnh Chánh không gây cho Trình Nương tự tử bằng cách lạm dụng quyền lực hay bằng cách áp bức, hành hạ.
2.- Vậy chỉ có thể khép Trịnh Chánh vào tội hiếp dâm.
Hiếp dâm là giao cầu với một người đàn bà bằng chách bạo hành hay áp bức, trái với y muốn hay không có sự ưng thuận của người đàn bà ấy.
Trong truyện, nàng Trình Nương trên đây, Trịnh Chánh đã giao cấu với vợ bạn thế là yếu tố thứ nhất đã thành tựu.
Còn yếu tố thứ hai là tội hiếp dâm là sự bạo hành cũng lại thành tựu nốt. Chắc có bạn đọc ngạc nhiên cho là Bao Tử tôi nói bậy. Thường thì người ta chỉ nghe nói có bạo hành vật thể (violence physique) và bạo hành tinh thần (violence morale). Bạo hành vật thể như đánh roi nạn nhân. Bạo hành tinh thần như lấy uy quyền áp bức người thuộc quyền hay ở chỗ vắng người qua lại, dọa nạt nạn nhân bằng võ khí.
Xin thưa rằng đúng đấy là hai hình thức của sự bạo hành nhưng (chết ở cái nhưng này) theo án lệ thì những hình thức sau đây cũng coi là bạo hành: dùng bùa mê, đổ rượu (chuốc rượu) cho nạn nhân say, cho thuốc ngủ vào nước, biết rõ tập quán của chồng đi vằng lẻn vô khiến người đàn bà lầm tưởng là chồng mình.
Vậy thì án lệ coi như là có bạo hành: các sự gian trá, sự bất thình lình, nếu sự gian trá hay sự bất thình lình ấy làm cho nạn nhân mất ý chí để kháng cự hay bị lầm lẫn mà thuận tình.
Trong chuyện trên đây, Trịnh Chánh đã dùng sự gian trá để làm cho nàng Trình Nương lầm lẫn mà thuận tình: y đã nghe rõ hết việc xảy ra, vô không đốt đèn, im lặng không trả lời khi Trình Nương hỏi, cố tình gian trá để Trình Nương tưởng là chồng về.
Bao Tử tôi xin trình bày thêm về tội hiếp dâm để bạn đọc coi chơi cho biết:
IV. TỘI HIẾP DÂM VÀ HÌNH PHẠT
a) Định nghĩa. Phàm nói về luật thì người ta hay bắt mình định nghĩa. Vậy Bao Tử tôi đã kiếm mãi trong các bọ hình luật chẳng thấy có điều nào định nghĩa rõ về tội hiếp dâm cả. Đang thất vọng thì một chiều nghỉ đi chơi may gặp một ông tòa. Vừa thấy mặt, ông bạn đã quát hỏi:
– Đi đâu? Sao trông bộ anh băn khoăn dữ vậy? đau bao tử hả? Bao Tử tôi vội trả lời:
– Đi hỏi thăm về tội hiếp dâm. Đau bao tử thì không có, nhung đau… Bao Công thì có.
Ông bạn quắc mắt lên:
– Nếu lỡ… con nhà người ta thì mau mau dọn mình mà vô Chí Hòa, chớ có lo quanh vô ích. Này, tớ bảo cho mà biết “pháp bất vị thân” thương anh moa để trong lòng việc tù moa cứ thẳng tay cho tì (tù). Nhưng mà tới hỏi thật…
Biết ông bạn hiểu lầm, Bao Tử tôi vội “cúp”:
– Anh lầm rồi. Tôi nghiên cứu về tội hiếp dâm để viết theo một cái án của Bao Công, chớ không phải tôi phạm tội ấy. Tìm mãi trong các bộ luật chẳng thấy các cha nội định nghĩa tội hiếp dâm. Chỉ thấy trong Hình Luật Canh Cải điều 332 đoạn I trừng pah5t tội hiếp dâm: “người nào can tội hiếp dâm sẽ bị phạt khổ sai hữu hạn”. Tôi chán quá thì may gặp anh.
Ông bạn cừơi đáp:
– Cho anh kiếm đến mười năm cũng chẳng ra. Muốn có định nghĩa của tội đó phải xem án lệ chứ. Nghe vậy “Hiếp dâm là giao cấu với người đàn bà bằng cách bạo hành hay áp bức, mà người này không ưng thuận hay trái với y muốn của người ấy. Muốn cho khỏi quên cậu chỉ cần nhớ kỹ hai yếu tố của tội hiếp dâm: bạo hành, giao cấu. Nghe ra chưa?”.
Sau khi nghe ông bạn giải thích cho một hồi, Bao Tử tôi cám ơn ông bạn vàng, rồi trở vế nhà ghi chép kẻo quên mất.

b) Hai yếu tố của tội hiếp dâm: bạo hành và giao cấu.
Đi đường Bao Tử tôi cũng bắt chước suy luận như ông Bao Công đời xưa, bèn bắt đầu với yếu tố bạo hành.
Thấy một đám trẻ đánh nhau, Bao Tử tôi sực nhớ rằng bạo hành vật thể là trực tiếp xâm phạm đến nạn nhân như đánh, trói, nhét giẻ vào mồm.
Đi qua một sạp báo thấy đăng tin chủ hãng bị thưa cưỡng hiếp cô thư ký: có bạo hành tinh thần. Lại trông thấy một tờ báo ngoại quốc có hình ông tây đang rót rượu mời bà đầm, Bao Tử tôi chợt liên tưởng tới sự gian trá đổ rượu hay sự cho nạn nhân uống thuốc ngủ khiến cho nạn nhân mất hết ý chí kháng cự để tiện thỏa mãn tình dục thì cũng gọi là bạo hành (trong đoạn trên Bao Công tôi đã nói rõ về hình thức thứ ba của bạo hành này nên không nhắc lại nữa).
Vậy nếu nói theo sách, bạo hành là tất cả những phương pháp áp dụng để đi đến kết quả là thông dâm với một người đàn bà, nhưng trái với ý muốn hay không có sự ưng thuận của người ấy.
Bao Tử tôi vừa đi vừa trầm ngâm suy nghĩ bỗng có tiếng hét: “Báo ơi! Báo mới ngày mai ơi!” Bao Tử tôi nhớ là đã gần 5 giờ chiều tối (vì theo sự thỏa thuận chung của các nhật báo, báo chỉ được phát hành sau 4 giờ 30 chiều).
Bao Tử tôi bèn gọi mua một tờ mở ra định bụng đưa mắt qua 4 trang rồi về nhà xem kỹ sau. Coi qua thời sự trang nhất, Bao Tử tôi mở một báo kiểm điểm chuyện mình khoái đọc. Yên trí đủ cả. Hôm nay không có văn sĩ nào cáo ốm đẩ gác lại truyện một kỳ nhất là lúc truyện đang hồi gay cấn. Bỗng mắt Bao Tử tôi đụng cái ầm vào một mảnh quản cáo một cặp nam nữ ôm nhau rất chi là khiêu gợi, nói về thuốc liệt dương!
Và Bao Tử tôi chợt nhớ rằng tội hiếp dâm còn một yếu tố nữa là giao cấu, sự giao cấu giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Phạm nhân phải là người đàn ông và nạn nhân phải là đàn bà. Nếu là bạo hành hay áp bức một người đàn ông khác hay một người đàn bà khác để thỏa mãn tình dục, trái với lẽ thường tọa hoá đã đặt ra và không phải giao cấu thì không phải là tội hiếp dâm, mà là tội xâm phạm tiết hạnh (attentat à la pudeur).
Nghĩ tới đây, Bao Tử tôi nghe văng vẳng bên tai tiếng một anh ca sĩ đang rên xiết: “Hoa hoa đợi ai…” Bao Tử tôi thầm cảm ơn ca sĩ đã nhắc khéo nếu không thì quên phứt mất rằng sự giao cấu nói trên phải có tính cách bất hợp pháp. Nếu chồng “uýnh” vợ hay áp bức vợ để thỏa mãn thì chẳng ai dám bảo là chồng phạm tội hiếp dâm cả.
Đi tới một đầu phố, lúc sắp băng qua đường, Bao Tử tôi thấy một cái hòm đỏ choé (quan tài) nằm chình ình trên một cái xe ba gác lù lù tiến tới. Thấy quan tài đậy nắp, Bao Tử tôi giật mình lùi lại thấy thót nơi bao tử.
Liệu có ai nằm ở trong không? Liệu ở trong có chứa đồ quốc cấm không nhỉ? Để mở nắp trông cũng rợn người nhưng đóng nắp lại thì lại rợn người hơn và còn nguy hiểm hơn nữa. Mà thôi, đó là chuyện của mấy “thầy”, can chi mà mình phải lo.
Chắc hòm để đựng người nhưng chắc chưa có người nằm qua khỏi, Bao Tử tôi vội băng qua lộ trong còn bị ám ảnh bởi chiếc quan tài có hay không có tử thi. Hai chữ tử thi khiến Bao Tử tôi nhớ lại vụ án viên đội Bertrand ở Pháp. Viên đội này cắc cớ hết chỗ nói. Hắn ta không giao cấu với người đàn bà còn sống mà lại nhằm các xác đàn bà ở nghĩa địa mà thỏa mãn dục tình. Y bị truy tố trước tòa án Quân sự ở Pháp và bị xử phạt một năm tù ở về tội xâm phạm mồ mả (violation de sépulture). Bao Tử tôi không biết viên đội Bertrand ấy có điên đầu không hay là y biết rằng chỉ khi nào bạo hành một người đàn bà còn sống để giao cấu thì mới phạm tội hiếp dâm và sẽ bị phạt khổ sai hữu hạn.
c) Toan hiếp dâm Hiếp dâm và xâm phạm tiết hạnh Hiếp dâm với trường hợp gia trọng.
Đi bộ mãi mỏi hai cẳng rồi, Bao Tử tôi bèn ghé vào một vườn bông bên đường kiếm chiếc ghế ngồi xả hơi một chút. Chợt nghe phía ghế bên cạnh có một người mặc áo trắng và một người mặc áo xanh nói chuyện với nhau.
Người mặc áo trắng nói:
– Hồi hôm đọc báo thấy nói có tên lưu manh bị bắt về tội xâm phạm tiết hạnh. Không hiểu hiếp dâm và xâm phạm tiết hạnh khác nhau ra sao nhỉ?
Có tiếng người áo xanh đáp lại:
– Trong tội phạm hiếp dâm, sự giao cấu là yếu tố cần thiết nhưng phải là đã được thành tựu (consommé). Kẻ phạm pháp bạo hành hay áp bức đàn bà con gái với ý định rõ rệt là để giao cấu.
Nếu giả chưa mần ăn mà phải bỏ cuộc vì gặp phải trở ngại ngoài ý muốn của y thí dụ như có người hác đi đến, thì y có thể bị khép vào tội toan hiếp dâm còn gọi là hiếp dâm tương hành vi loại (tentative de viol). Còn nếu sau khi bắt đầu thi hành thủ đoạn, y lại tự ý rút lui thì y sẽ bị truy tố về tội xâm phạm tiết hạnh.
Xâm phạm tiết hạnh khác hiếp dâm ở hai điểm sau:
1 – Có xâm phạm tiết hạnh là khi nào làm một hành vi dâm ô hay thương luân bại lý tuy có trực tiếp xâm phạm đến thân thể người khác nhưng không có mục đích thực hiện sự giao cấu.
Thí dụ như: rờ ngực, rờ mông người ta hay như trường hợp phạm nhân tự ý rút lui trong tội hiếp dâm như đã nói trên.
2 – Hễ cứ làm một hành vi nào rồi tức là tội đã thành tựu. Không có tội toan xâm phạm tiết hạnh như tội toan hiếp dâm đâu.
Lại có tiếng hỏi:
– Tòa án khi phạt khổ sai hữu hạn có khi phạt khổ sai chung thân kẻ phạm tội hiếp dâm là tại sao?
Người áo xanh đáp:
– Người ta phân biệt tội hiếp dâm có trường hợp gia trọng hay không? Theo điều 333 Hình Luật Canh Cải có 3 trường hợp gia trọng là:
a) Gia trọng vì tuổi nạn nhân: nếu nạn nhân dưới 15 tuổi hình phạt là khổ sai hữu hạn tối đa (20 năm).
b) Gia trọng vì tư cách nạn nhân đối với nạn nhân.
Thí dụ: phạm nhân là tôn thuộc (ông bà cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ) hay là người có uy quyền với nạn nhân (như chú bác ruột)v.v… thì sẽ bị phạt khổ sai chung thân.
c) Gia trọng vì có một hay người người giúp đỡ trong sự phạm pháp (thí dụ: người giữ chân kẻ giữ tay) thì phạm nhân cũng bị phạt khổ sai chung thân.
Nếu không rơi vào một trong ba trường hợp gia trọng này thì hình phạt là khổ sai hữu hạn (thời hạn tồi thiểu là 5 năm, tối đa là 20 năm) (Điều 332 đoạn I Hình Luật Canh Cải).
Tới đây, Bao Tử tôi thấy chân bớt mỏi bèn đứng dậy thủng thẳng ra về sau cái gật đầu tán thưởng người áo xanh biết rành luật pháp.
Lới bàn hôm nay tới đây chấm dứt. Xin hẹn tái ngộ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.