Bán Yêu Tư Đằng

Chương:9Quyển 4 -


Đọc truyện Bán Yêu Tư Đằng – Chương 39Quyển 4 –

Trên đường về nhà cũ, Tần Phóng do dự nhiều lần mới nói tin tức của
Thiệu Diễm Khoan cho Tư Đằng biết. Tư Đằng rất bình thản, chỉ hỏi một
câu: “Bà vợ ba?”

“Bà vợ ba.”

“À.”

Tần Phóng nhìn sắc mặt Tư Đằng, dường như rất bình tĩnh, không phải
kiểu giấu đầu hở đuôi, là lòng bỗng chốc chết lặng. Đây là hoàn toàn
tuyệt vọng về Thiệu Diễm Khoan nên xem như người xa lạ sao?

Xe từ từ lái vào trấn nhỏ nơi nhà cũ. Thị trấn này quả thật vài chục
năm rồi cũng không phát triển được. Kế hoạch của chính phủ lúc trước cực kỳ tham vọng, một lòng muốn kiến tạo nơi này trở thành thành phố trung
tâm, đầu rồng kinh tế. Bởi vì thị trấn trì trệ không phát triển và phần
lớn gia đình đều dời đi nơi khác nên vẫn còn lưu giữ được vẻ cổ xưa.
Thật không biết là may mắn hay là bất hạnh nữa.

Năm đó gia đình Tần Phóng xem như là phú hộ, cửa nhà rộng lớn có vẻ
khí thế hơn nhà hàng xóm. Nhưng vừa vào cửa lại thấy mảnh sân rộng cỏ
dại mọc um tùm, bị tiếng mở cửa quấy nhiễu một con mèo hoang cụt đuôi
nhảy ra khỏi bụi cỏ, nhảy vèo lên vách tường, cơ thể gầy còm cảnh giác
quan sát người mới đến.

Tần Phóng nói: “Đã nhiều năm không về rồi, cha mẹ tôi định cư ở Hàng
Châu. Trước kia ông nội bà nội còn sống, lúc lễ tết người trong nhà sẽ
trở về thăm. Sau khi ông bà qua đời, đã…. mười năm rồi tôi không về
đây.”

Hình đều treo trên vách tường đầy bụi bặm ở gian nhà kế bên. Thuộc hạ lúc trước Đơn Chí Cương cử đến làm việc rất tỉ mỉ, sau khi chụp hình
xong đều treo chúng về vị trí cũ, ngay cả khung ảnh cũng lấy khăn lau
sạch sẽ sáng bóng. So sánh với gian phòng cũ kỹ sụp xệ có vẻ vô cùng
tương phản.

Tư Đằng nhìn rất lâu ảnh gia đình chụp trong tiệm hiện đang treo trên tường, cô nói: “Dáng vẻ ông cố cậu thật ra nhìn không giống người Tây
Bắc gì cả.”

Tần Phóng cũng cảm thấy như vậy. Nói theo thế hệ trước, bà cố gả thay cho cô gái bị bệnh chết ở Nang Khiêm Thanh Hải, vậy hẳn ông cố phải là
người Thanh Hải. Lần đó đi đến Thanh Hải với An Mạn, anh tận mắt nhìn
thấy người phương nam đều cao lớn, vạm vỡ, cường tráng. Nhưng ông cố lại tròn trịa, mày nhỏ mắt hí, lúc mặc áo khoác ngoài trường bào giống hệt
tượng Đại A Phúc được nặn từ bùn ở Huệ Sơn, Vô Tích vậy. Từ đầu đến chân hiện rõ vẻ địa chủ giàu có vùng sông nước Giang Nam.

Do lúc trước đã xem hết tất cả hình phục chế nên những tấm hình này
cũng không mang lại cảm giác gì đặc biệt, Tần Phóng lại dẫn Tư Đằng đi
khắp trong nhà. Cha mẹ anh đã thu dọn căn nhà cũ này đương nhiên thứ

đáng giá đã sớm mang đi, chỉ còn lại một vài vật dụng cũ không bán được
và tranh chữ không đáng tiền. Hình cũ chỉ mang theo mấy tấm làm kỷ niệm, phần lớn đều để lại đây. Tần Phóng nhớ khi mình còn bé, mẹ từng đề cập
với anh một lần nói nhà cũ u ám, mấy tấm hình kia treo trên tường nhiều
năm như vậy mang về cảm thấy sợ.

Sợ cái gì? Sợ những người đã chết nhiều năm kia sao? Nhưng mới đó mà mẹ anh cũng đã qua đời rất lâu rồi.

Tần Phóng đẩy cửa phòng ngủ sau nhà ra, tiếng kẽo kẹt vang lên bụi
khẽ rơi xuống đất. Tần Phóng bịt mũi bịt miệng lại lui về sau hai bước,
nói với Tư Đằng: “Đây là phòng ngủ của ông bà cố tôi khi đó.”

Chỉ còn một chiếc giường trống chạm trổ hoa văn, một giá đựng bồn rửa mặt, một chiếc ghế đu, một tủ sách đã mục và một bức tranh treo trên
tường.

Trên kệ tủ sách còn để lại mấy quyển sách rách nát, có “Chú giải Sơn
Hải Kinh”, “Bình luận truyền kỳ Tây Sương Ký”, “Đại học” và “Gia huấn”
đã bị mất vài tờ, không có cất giấu thứ gì giá trị. Nhìn sơ qua trang
giấy đã ố vàng mục nát, vài tờ trên đó còn có chữ viết tay bình luận.
Chữ viết ông cố Tần Phóng ở trước mắt rõ ràng là như gà bới, đang lật
xem thử thì bỗng có một tờ giấy rơi xuống đất. Tư Đằng cúi người xuống
nhặt lên, khi vừa nhìn xuống thì bỗng ồ lên một tiếng.

“Tần Phóng, nơi này còn có đồ đây.”

Tần Phóng cúi đầu nhìn, dưới chân tủ sách đặt sát tường đang đè lên
một quyển sách, hơn phân nửa quyển nằm phía trong, chỉ lộ ra một góc
sách ở chân tủ, không cúi người xuống quả thật không dễ dàng thấy được.
Anh quỳ xuống đưa tay kéo ra, tủ sách đè nặng quá nên không kéo được.

Lại thử nhấc tủ lên, nhưng tủ quá nặng mới chỉ thử một chút đã thở
hổn hễn. Kêu Tư Đằng giúp đỡ có lẽ sẽ khá hơn một chút, nhưng nhìn cô
mặc sườn xám, chân mang giày gót nhọn…

Tần Phóng dựa vào tủ sách: “Tôi chuẩn bị một chút, để lấy tinh thần cái đã, cô tự mình đi xem xung quanh trước đi.”

Có cô ở bên cạnh thật chỉ tăng thêm áp lực. Tuy là cô là yêu quái
nhưng đàn ông phô bày dáng vẻ dốc hết sức lực đến mức đỏ mặt tía tai
trước mặt phụ nữ đằng nào cũng rất mất thể diện. Tư Đằng ừ, quay người
đi ra ngoài. Tần Phóng thở dài một hơi, quay người xoa tay thử nhấc tủ
lên lần nữa. Quả thật là mệt đến mức hai tay đều run rẩy, may là nhanh
tay lẹ mắt dùng cả tay lẫn chân, thừa dịp trong tích tắc tủ sách được
nhấc lên, anh đã dùng chân gạt quyển sách ra.

Cầm lên xem thử, không phải là sách mà là quyển sổ được đóng lại. Anh lật xem nội dung, giống như là nhật ký lại giống như là sổ thu chi. Nào là “hôm nay nấu kén lấy tơ”, nào là “nửa con heo, chia tiền mặt”, nào

là “quê có ăn trộm, nửa đêm trèo tường”… đều là chữ phồn thể, xem đến
đau đầu. Tần Phóng cuộn quyển sổ lại định đi ra ngoài tìm Tư Đằng, vừa
mới quay đầu mới phát hiện Tư Đằng chẳng hề đi ra ngoài.

Cô đứng trước bức tranh treo trên tường, nhìn chằm chằm vào bức tranh với vẻ kỳ lạ.

Tranh này có gì đặc biệt sao?

Bức tranh đó vẽ tháp Lôi Phong ở Tây Hồ vào mùa đông, bút pháp chẳng
cao siêu gì. Trong tranh là khung cảnh xung quanh tháp Lôi Phong trơ
trụi. Một con sông chia bức tranh thành hai nửa, bên trên là tháp Lôi
Phong cô đơn đứng lặng, bên dưới là bóng tháp giống hệt với bên trên,
bên cạnh đề một hàng chữ.

Tuyết trắng mịt mùng, cảnh tàn tiêu điều.

Bóng chiều soi nước, cốt trôi trên đỉnh.

Lại thêm một dòng chữ đỏ: Mùa đông năm 1946, đưa vợ con đi chơi hồ.

Tư Đằng hỏi Tần Phóng: “Nhớ không lầm có một tấm ảnh gia đình của ông cố cậu chụp ở Tây Hồ cũng vào mùa đông năm 1946, đưa vợ con đi chơi hồ
thì phải. Nếu tôi không nhớ sai phía sau còn có một câu: Đi cùng bạn
Bạch Anh, hứng khởi mà đến, tận hứng mà về.”

Trí nhớ của cô thật tốt, Tần Phóng gật đầu.

Tư Đằng nói: “Tận hứng, đi chơi, chắc là tâm trạng rất tốt. Vậy tại
sao lại đề mấy hàng chữ này? Mịt mùng, cảnh tàn, bóng chiều đều không
phải là điềm lành gì. Về phần câu cuối cùng, tại sao là cốt trôi trên
đỉnh? Lẽ nào xương bị người ta đào lên rồi vứt lung tung à?”

Tần Phóng cũng không hiểu, đi chơi hồ là chuyện vui vẻ sao ông cố lại đề mấy câu đáng sợ như vậy. Anh đưa quyển sổ cho Tư Đằng: “Không phải
sách.”

Tư Đằng nhận lấy lật xem, nhìn tờ đầu tiên rồi lật đến tờ cuối cùng:
“Hình như ông cố cậu ghi lại chuyện vặt vãnh trong nhà, ghi chép đứt
quãng, rất nhiều năm.”

Thảo nào có “nửa con heo, chia tiền mặt”, là giết heo giỗ tổ sao? Tần Phóng không có hứng thú, ngược lại Tư Đằng xem rất kỹ. Trong nhà quá
tối, cô xem một lúc rồi di chuyển ra ngoài cửa. Tần Phóng đợi một hồi
thấy cô định đọc hết quyển sổ, anh hỏi cô: “Cô đói bụng không? Cô không
đói bụng nhưng tôi phải ăn gì đó.”


Tư Đằng xua tay, ý là anh cứ làm việc của anh đi.

Tần Phóng đi một vòng trong trấn, không tìm được tiệm cơm chỉ có một
hàng bán quà vặt rất nhỏ. Tần Phóng đi đến mua quả táo ngồi gặm, lúc sắp ăn xong lại thấy con mèo đen kia vẫn còn trốn ở đầu tường, bỗng anh có
hứng trêu đùa ném lõi quả táo qua, kêu lên: “Mời mày ăn táo này!”

Con mèo hoang kia sợ hãi cho rằng Tần Phóng muốn ném lõi táo vào nó, kêu meo meo rồi chạy mất tăm.

Tư Đằng phán: “Trẻ con.”

Tần Phóng nhìn Tư Đằng, chợt nhớ ra gì đó: “Sao cô biết chữ? Khưu Sơn có cho cô đi học à?”

Câu hỏi rất bình thường nhưng Tư Đằng lại bất chợt thoáng sững lại, im lặng thật lâu mới nói: “Thiệu Diễm Khoan dạy.”

Đáp án này quả thật ngoài dự liệu của Tần Phóng: “Là… anh bạn tốt kia của cô à?”

Tư Đằng không trả lời.

***

Lúc mới gặp nhau ở núi Thanh Thành, Thiệu Diễm Khoan hỏi: “Em nói em tên Tư Đằng, vậy em biết viết tên của mình không?”

Lại bẻ nhánh cây viết lên mặt đất cho cô xem: “Bây giờ đã là thời dân quốc, không còn tin vào chuyện phụ nữ không tài mới có đức nữa. Sau này phụ nữ đều được đi học, còn được đi du học trau dồi thêm kiến thức. Nếu như không biết chữ, đôi mắt này cũng sẽ không phát sáng, chỉ là một kẻ
nửa mù thôi.”

Khi đó, đạo trưởng Khưu Sơn cả ngày lải nhải bên tai cô chỉ toàn là
yêu quái, yêu quái, yêu quái. Cô nào nghe thấy những chuyện này chứ?

Cô đi theo Thiệu Diễm Khoan, hai chữ đầu tiên học được là “Tư Đằng”.

Viết rất nhiều nét, xiên xiên vẹo vẹo, xấu hổ đến mức hận không thể
mau bôi đi. Thiệu Diễm Khoan cản cô lại: “Tên một người giống như là bề
ngoài vậy. Viết không đẹp có thể từ từ luyện. Để có thể đứng thẳng làm
người, mỗi bước đi đều phải vững vàng, vững vàng thì mới đứng thẳng
được.”

Khi đó anh ta đang thời đi học niên thiếu khí khái, chỉ trích thói hủ lậu, hướng tới văn minh. Cũng là kiểu thanh niên tiên tiến thường thấy
trong phim, nhiệt huyết sôi trào đòi dân chủ, đòi tự do.

Sau đó đã xảy ra chuyện gì làm anh ta thay đổi? Thành thị tây hóa, dễ dàng bê tha, gặp nhau lần nữa trong mắt anh ta đã không còn vẻ sáng
ngời kia nữa, đôi mắt chỉ còn lại bốn chữ: Tiền tài tửu sắc.

Cô đều nhớ mỗi một câu nói của anh ta, nhưng chính anh ta đã quên rồi.

Tần Phóng vẫy vẫy tay trước mặt cô: “Tư Đằng?”

Tư Đằng hồi phục tinh thần, cô rũ mi xuống, né tránh ánh mắt dò hỏi
của Tần Phóng, đưa quyển sổ lại cho anh: “Bài thơ viết trên bức tranh là ông cố cậu viết, nhưng không phải ông ta làm.”

“Ghi chép của ông cố cậu đều bình dân dễ hiểu. Từ ngữ nhã nhặn chan
chứa tình cảm như vậy giống của phụ nữ hơn. Bà cố cậu cũng biết chữ

sao?”

Tần Phóng lắc đầu: “Bà cố tôi biết ít chữ lắm.”

Anh lại lật quyển sổ kia ra lại, thật ra thì cũng không phải là ghi
chép vu vơ, chẳng qua mấy câu đó không ăn nhằm gì nhau. Có mấy tờ giấy
đã bị xé, anh nhớ rõ ban đầu không có, chắc là Tư Đằng xé ra.

– “Ba tháng liền còn chưa thanh toán, rất lo lắng, già trẻ cả nhà đều chờ cơm ăn. Em vợ đến nhà mượn tiền vài lần, lâm vào tình thế khó xử.
Hi vọng Bạch tiểu thư nói thay mới mong cứu vãn.”

– “Thuốc Bạch Anh đưa giúp thuận khí, lưu thông máu, bác sĩ Thượng Hải đúng là kỳ tài.”

– “Nghe nói có sói hoang vào trấn, ban đầu còn tưởng là lừa gạt. Đêm
qua nhà Lưu thị mất đứa cháu, nghe nói cửa mở rộng, dấu móng vuốt rõ
ràng. Bạch Anh đề nghị mau chóng bảo người làm tối đóng kỹ cửa lại, xây
tường cao thêm.”

– “Nửa con heo, chia tiền mặt. Anh vợ vẫn còn chê ít, đúng là lòng
tham con người mà. Cưới một người chứ đâu phải là cưới cả họ.”

Bạch tiểu thư, Bạch Anh, liên tưởng đến dòng lưu niệm viết lúc đi
chơi hồ, xem ra Bạch tiểu thư này và ông cố qua lại khá thân thiết. Có
điều là hình như trước giờ không nghe người lớn trong nhà nhắc đến cái
tên này.

Tư Đằng hỏi: “Nhìn ra gì không?”

“Cô nói Bạch tiểu thư à?”

“Còn gì nữa không?”

“Bạch tiểu thư là bác sĩ hả? Bác sĩ Thượng Hải… bác sĩ Thượng Hải?”

Tư Đằng lắc đầu, cô đưa tay đến ngón trỏ lướt qua hai hàng chữ “Em vợ đến cửa mượn tiền vài lần” và “Anh vợ còn chê ít, cưới một người chứ
đâu phải là cưới cả họ”, để lại dấu vết hằn sâu trên trang giấy.

Tần Phóng nhất thời không hiểu kịp: “Lúc đó quan hệ của ông cố tôi và nhà bà cố không tốt sao?”

Điều này cũng đâu lạ gì, nhà vợ nhà chồng, đâu phải lúc nào cũng cư
xử công bằng. Chuyện nhà cửa đơn giản là thêm một phần, thiếu một phần
tranh chấp thôi.

Tư Đằng cười lên: “Tần Phóng, cậu là kiểu người trong cuộc u mê à.”

“Dựa theo cách nói của cậu, bà cố cậu là người huyện Tịnh Hóa tỉnh Tứ Xuyên, bởi vì nạn đói mới đến Nang Khiêm, cả nhà chết hết chỉ còn lại
một mình bà, sau đó bà theo chồng đến Giang Chiết làm ăn. Ở đâu ra em vợ và anh vợ hả? Cưới một người chứ đâu phải cưới cả họ, nếu càu nhàu như
vậy đã nói rõ nhà mẹ đẻ của bà cố cậu đúng là cả nhà không ít miệng ăn
đó. Chuyện này đối chiếu với chuyện Nang Khiêm có phần là sai lệch nhiều quá rồi đúng không?”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.