Đọc truyện Bàn Tay Thần – Chương 4: Thôn Hai Bãi Rác Điện Tử
Ra khỏi quảng trường LX, Lê nhanh chóng vào một trạm y tế công cộng, thay đổi trang phục và gỡ bỏ một thiết bị điện tử gắn dưới hàm. Thiết bị điện tử này thực tế chỉ có một tác dụng là làm các bó cơ mặt thay đổi. Với trình độ kỹ thuật gen bậc nhất thế giới của Việt Nam như hiện tại, một thiết bị nho nhỏ thay đổi khuôn mặt như vậy là cực kỳ bình thường.
Sở dĩ Lê chọn trạm y tế công cộng để phục hồi khuôn mặt là bởi ở nơi này có nhiều cánh cổng điện tử có thể rà quét toàn bộ thân thể lẫn trang phục của người đi vào. Nếu có thiết bị điện tử hay dịch bệnh nào đó, tất cả sẽ hiện lên màn hình rộng lớn như chiếc gương tường ở ngay đại sảnh. Giống như Lê vừa bước qua cánh cửa điện tử, tất cả các thông số về cơ thể đều hiện ra, ngay cả thiết bị nhỏ xíu giống một cái răng giấu dưới hàm cũng bị nhận dạng và đưa lên màn hình. Đây là một khuôn mặt trẻ măng, nhưng làn da có chút xạm đen, chiếc mũi ưng và cặp mắt đen láy lôi cuốn, cùng mái tóc dựng ngược đầy cuồng ngạo.
Chỉ khi nào phát hiện vũ khí nguy hiểm hoặc dịch bệnh cao cấp thì thông tin mới được truyền về trung tâm y tế. Còn bình thường thì những thông tin nhỏ nhặt như bệnh nhỏ hay một thiết bị điện tử như điện thoại di động hay cái “răng giả” của Lê thì không bao giờ được đưa về trung tâm. Điều này giúp Lê cẩn thận hơn trong việc bị người gắn máy theo dõi mà không biết. Dù sao tiền tài đều là nguồn gốc của mọi tội lỗi, một người trẻ tuổi không thế lực mang một số tiền lớn, giống như đứa trẻ cầm viên kim cương khổng lồ ra đường, mắt ai cũng phải “co giật”…
….
Tại một vùng quê nhỏ bao quanh bãi phế thải điện tử ở ngoại thành phía tây bắc đất nước, bầu trời bắt đầu ngả về chiều. Khu nghèo thường thường vào giờ này đều rất im ắng. Mặc dù đã không còn là những năm 200x, khoa học cũng đã phát triển tuy nhiên dù là thời đại nào thì vẫn có người giàu kẻ nghèo. Đây là điều mà xã hội nào cũng không thể tránh khỏi.
Cứ theo thông lệ, sáng ra sẽ có nhiều chuyến xe vận tải bay tới đổ các đống phế liệu ở nơi này. Người dân nghèo xung quanh sẽ tự động chia ra các khu vực rồi gom nhặt, phân loại rác thải điện tử để tái sử dụng. Còn những đồ vật không thể tái sử dụng thì đều bị nghiền nhỏ để đóng thành chế tạo thành vật liệu xây dựng. Nói là “tự động phân chia” nhưng thực tế là tranh đấu sứt đầu mẻ trán cả trong tối lẫn ngoài sáng.
Lượng giác thải điện tử cực lớn, tuy nhiên số lượng người nghèo tham gia phân loại còn lớn hơn, cho nên nhiều khi số lượng công việc không đủ cho người làm. Công việc chỉ kéo dài tới hơn một hai giờ chiều là đã hết. Lúc đó mọi người đều bán đồ cho các thương lái tại ngoài bãi và đi về nghỉ ngơi.
Bãi giác điện tử rộng lớn chia làm bảy khu vực. Mỗi khu vực đều có một “thế lực” chiếm đóng. Thường thường thì bảy thế lực này vẫn rất ổn định và tận lực hạn chế gây xích mích với các thế lực khác, có đánh cũng chỉ là những trận đánh hoặc thi đấu đua xe bay lẻ tẻ. Bởi lẽ ai cũng hiểu mình đã không có khả năng nuốt trọn cả bãi rác điện tử này thì nên an an ổn ổn mà kiếm tiền. Hơn thế nữa các thương gia thu mua phế liệu giàu có sẽ rất không hài lòng khi cả bãi giác quy về một mối. Bởi lẽ như vậy thì đồng nghĩa với việc họ phải mua đồ phế liệu điện tử với giá cả cao hơn gấp… bảy lần hoặc cao hơn nữa. Khi đó đừng nói tới việc có lãi, chỉ riêng việc bán ra không lỗ vốn đã nên tổ chức ăn mừng rồi.
Mỗi một thế lực, lại có móc nối với một thương nhân nhất định, và tình trạng ổn định sẽ mãi duy trì nếu không có một thế lực nổi điên vùng lên hoặc một thương nhân mới nhảy vào đem theo “quân” của họ.
Bảy thế lực quanh bãi rác điện tử mang tên theo thứ tự lần lượt là thôn một, thôn hai… cho tới thôn bảy. Việc đánh dấu và ghi tên lên cổng của thôn cũng là một vấn đề khiến tất cả những người quanh bãi rác rộng trên mười km này phải đặc biệt quan tâm. Hàng năm, cứ sau rằm tháng giêng, các thôn lại phải tổ chức thi đấu để giành số thứ tự tốt về cho thôn mình. Việc thi đấu cũng cực kỳ thú vị. Các thôn phải chọn từ các phế liệu điện tử có trong bãi rác mà chế tạo thành một chiếc xe bay. Và mỗi thôn cử ra hai thanh niên cường tráng thiện nghệ để tham dự đường đua mười bốn người. Cũng bởi tính cạch tranh khốc liệt và vì lợi ích của toàn thôn như vậy cho nên những thanh niên ra đời ở đây hầu hết đều rất cuồng nhiệt với môn thể thao đua xe bay đầy mạo hiểm.
………
Góc phía tây bắc bãi rác, thôn nghèo nằm im lìm dưới thung lũng như một con rùa núi nấp mình. Thôn nghèo này gọi là “Thôn Hai” và người giành lại vinh quang cho thôn không ai khác chính là người có biệt danh SS vừa tham dự đường đua tử thần số ba.
Hàng năm, Thôn Hai luôn luôn phải xếp thứ sáu hoặc thứ bảy, năm nào may mắn lắm thì nhảy lên thứ tư hoặc thứ năm ngồi. Chưa bao giờ xếp hạng ba trở lên, cho nên “địa bàn hoạt động” cũng luôn là nhỏ nhất, bởi vậy tài nguyên thu được từ bãi phế liệu lại càng nhỏ, muốn chế tạo một chiếc xe bay là vô cùng khó khăn chứ chưa nói tới việc trang bị cho nó trở nên mạnh mẽ trong các cuộc đua.
Trở về thôn, Lê không khỏi mỉm cười. Chuyển đi vừa rồi mặc dù là trốn cả gia đình đi mạo hiểm tính mạng, nhưng hết thảy đều đáng giá.
Vừa thò đầu qua cổng, một tiếng thét bất ngờ khiến Lê giật nảy mình.
– Oa! Anh Lê đã về!
– Anh Lê đã về mọi người ơi.
– Tao thấy trước.
– Không, là tao thấy trước.
Một nhóm đứa con nít đang nghịch ngợm ở dưới một cây cổ thụ đầu thôn vừa nhác thấy bóng dáng của Lê liền la toáng lên rồi nối đuôi nhau ù té chạy vào trong thôn.
Lê nhìn thấy thoáng chốc không còn đứa trẻ nào bên cạnh thì ngẩn người. Bình thường, chúng đều quấn quýt lấy mình, như thế nào hôm nay lại chạy như chạy tà vậy.
Rảo bước vào thôn, tình cảnh trước mắt khiến Lê khóc dở cười dở. Chỉ thấy mấy đứa trẻ đang loi choi cố gắng đứng trước bố của Lê, người đang cởi trần mặc quần sóc ngắn mà phân bua chứng tỏ là mình nhìn thấy Lê trước. Bố của Lê, giống như một cụ già hom hem ốm yếu, da xạm đen và chân tay gầy còm, thậm chí chân phải còn bị một vết sẹo dài chạy dọc từ trên đùi xuống dưới bắp chân khiến ông đi đứng có phần cà nhắc.
Thực tế ông chỉ có hơn bốn mươi tuổi, tuy nhiên trong một lần đua xe bay cho thôn, ông bị đối thủ chơi xấu khiến cho xe bị rơi. Cũng may lúc đó bay gần mặt đất, nếu không hậu quả thật khó tưởng tượng. Dù vậy, mảnh vụn của chiếc xe bay vẫn khiến chân ông bị thương tật. Tinh thần và thể xác bị đả kích khiến ông già đi nhanh chóng.
Nhìn đám trẻ lao nhao phân bua công lao của mình, ông hòa ái mỉm cười nói:
– Được rồi! Đứa nào rồi cũng có phần. Tám đứa phải không, mỗi đứa một mô hình xe bay hình tàu con thoi thế nào?
– Cháu muốn xe bay mô phỏng thuyền rồng cơ…
– Được rồi thì thuyền rồng.
– Cháu muốn xe bay mô phỏng phi thuyền vũ trụ FXL đời thứ 56…
– Rồi, thì đời 56…
….
Vừa nói, vừa nhìn ra ngoài cổng, bắt gặp Lê đang đứng đó, ông quát lớn:
– Còn không cút đi nữa đi?
– Bố!
– Hừ! Giờ anh đủ lông đủ cánh rồi, không có coi ai ra cái gì phải không? Anh có biết là cả thôn đã phải lo lắng đi tìm anh mất cả tháng trời không?
– Con xin lỗi! Con sai rồi thưa bố!
Bề ngoài vẫn làm ra vẻ giận dữ, nhưng hai mắt ông đã rưng rưng. Lại nhìn cái chân tật nguyền, ông như già thêm vài tuổi:
– Là bố không tốt, không chăm sóc được mẹ con các con mạnh khỏe. Là bố không tốt…
Nói rồi nghẹn ngào bước vào nhà, miệng lẩm bẩm:
– Còn sống về là tốt rồi… về được là tốt rồi….
Đám trẻ cũng dường như rất hiểu truyện, tản đi các nhà xung quanh báo tin. Trong căn nhà sập xệ, hai bố con lặng ngồi trước cái giường nhỏ ánh mắt nhu hòa nhìn một cô bé tuổi chừng mười một mười hai tuổi đang thiu thiu ngủ. Hương, em gái của Lê từ lúc sinh ra vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng hai năm trước trong lúc tham gia thu lượm phế phẩm điện tử chẳng may bị một thiết bị điện tử y tế sản xuất từ Trung Quốc cắt phải tay.
Tối về, cô bé lăn ra co giật khiến cả nhà cuống cuồng. Khi tới trung tâm y tế, các bác sĩ đã chuẩn đoán cô bé bị nhiễm chất độc P7x. Chất độc này khiến các tế bào của Hương bị suy yếu. Theo y khoa, thì căn bệnh này gọi là “suy tế bào mãn tính”. Nó sẽ khiến các tế bào không ngừng suy yếu và tỉ lệ sinh ra tế bào mới cũng giảm dần. Dự tính thì cô bé chỉ sống được tới mười tám đến hai mươi tuổi. Hơn nữa, hàng tháng buộc phải “chạy dịch thuốc” để làm khỏe cũng như kích thích tế bào sinh ra.
Số tiền để chu cấp ỗi lần chạy thuốc ước tính vào một triệu HC, mỗi năm là mười hai triệu và mười năm là một trăm hai mươi triệu, đủ để ột gia đình giàu có táng gia bại sản chứ chưa nói gì tới gia đình nghèo khó như gia đình Lê.
– Bao giờ con đi?
Không khí trầm ngâm được bố của Lê phá vỡ. Lê vẫn nhìn Hương nằm trên giường, nói khẽ:
– Dạ! Giờ là cuối tháng tám, mồng hai tháng sau học viện Bàn Tay Thần tuyển nghiên cứu sinh, con sẽ đăng ký tham gia.
– Bố biết con ước mơ trở thành một tay đua kiệt xuất.
Lê lắc đầu:
– Vì em gái, con nhất định cũng sẽ giỏi trong lĩnh vực nghiên cứu gen. Con sẽ tự tay sắp xếp lại gen cho em, đưa nó về trạng thái tốt nhất.
Bố của Lê cúi đầu:
– Đều là bố mẹ vô dụng…
– Không! Bố luôn là người con kính trọng. Vào trường hợp của bố, làm được như vậy đã là tốt nhất. Mọi việc sau này con sẽ đỡ đần giúp bố.
Vươn tay vỗ vỗ vai Lê, ông nói:
– Được rồi! Số tiền thưởng con kiếm được lần này, hãy cố dành dụm để lo việc học cho con. Việc chữa bệnh cho Hương cứ để bố mẹ lo.
Nói đoạn ông đứng dậy bước ra ngoài, Lê cười gọi:
– Bố…
– Có việc gì?
– Lần này con được thưởng mười tỉ HC.
– Nga… mười tỉ thì mười tỉ… gì cơ? Con nói lại xem nào?
– Dạ! Là mười tỉ.
– Con… con… hồ đồ…
Giận giữ và hoảng hốt, bố của lê thừa trí tuệ để biết cái giá của mười tỉ HC to lớn nhường nào. Đó là đặt cược cả tính mạng của con mình vào đó, chỉ cần một sơ suất nhỏ, tất cả đều trở về cát bụi. Cho nên ông không thể nào vui mừng khi nghe số tiền đó cho được. Một hồi, ông buồn bã buông cánh tay đang chỉ vào Lê xuống:
– Ài! Đều là bố mẹ vô dụng.
Ông quay người, để lại bóng lưng gầy yếu, ánh mắt nhòe nhòe, miệng run run nói:
– Tiền nhiều cũng tốt, nhưng bố mẹ cần con hơn. Nếu đổi 1000 tỉ với con, bố mẹ sẽ không chọn một ngàn đó. Sau này, con làm gì cũng nên nghĩ đến tính mạng của mình giùm cho bố…
……..