Bàn Long Đao

Chương 19: Hoàng Long Bán Dạ Quan Âm Giáng-đao Hạ Vô Hình, Nhân Hữu Hình


Bạn đang đọc Bàn Long Đao – Chương 19: Hoàng Long Bán Dạ Quan Âm Giáng-đao Hạ Vô Hình, Nhân Hữu Hình

Nhắc lại Vô Hối về đến Khai Phong vào chiều ngày cuối tháng ba. Mọi người mừng rỡ hỏi han. Chàng cười bảo :
– Rất tiếc là chỉ giết được một mình Hải Nam đảo chủ.
Tam Tuyệt Thiên Tôn hân hoan :
– Như vậy cũng là tốt lắm rồi. Bọn ta chỉ sợ Hối nhi bị giáp công không thoát thân được.
Quỷ Địch Tú Sĩ thở dài :
– Sau trận tập kích, phe ta cũng bị thương khá nhiều, nếu không đã chặn đường bọn Thần Trùng đánh trận cuối cùng.
Độc mỹ nhân rùng mình nhớ lại :
– Khấp Huyết Lang Nhân quả là đáng sợ, chỉ còn một tay mà vẫn đủ sức cự với bốn lão ma.
Vô Hối điềm nhiên nói với nàng :
– Thú thực, xét về mặt bản lãnh, ta chỉ ngang ngửa với Vạn Độc Thần Trùng, hoặc Hải Nam đảo chủ. Nhưng mấy lần nhờ yếu tố bất ngờ nên chiếm được ưu thế.
Như lần này chẳng hạn, nếu linh xà không quấn chặt lấy kiếm của đảo chủ thì ta khó mà giết lão được.
Thiên Tôn quay sang hỏi Tú sĩ :
– Mã lão huynh, chẳng lẽ đúng năm năm, diệu dụng của viên nội đan giao long trong cơ thể Hối nhi mới phát huy được sao?
Tú sĩ buồn rầu đáp :
– Ngày ấy vì không biết Lỗ Tuấn là do Hối nhi cải trang, nên ta mới cho hắn uống nội đan. Nay Hối nhi luyện Thái Âm Khí Công đã được tám thành. Nếu nội đan vỡ ra, luồng chân khí chí dương sẽ tương tranh với nội lực Thái Âm. Đó là họa chứ không phải là phúc đâu. Vì vậy, Hối nhi không nên luyện tiếp đoạn khẩu quyết Vô Tướng Bát Nhã nữa. Cứ coi như chưa hề uống nội đan.
Vô Hối đã luyện được hơn hai năm nên chàng tiếc rẻ :
– Giá mà dung hợp được cả hai luồng chân khí tương phản ấy thì hay biết mấy?
Thiên Tôn gạt ngay :
– Đừng vọng tưởng vô ích, về mặt y đạo thì hoàn toàn không được.
Tối hôm sau, Cửu Môn Đề Đốc Triệu Hòa đến chơi. Gương mặt lão lộ vẻ buồn rầu, phẫn hận.
Mã viên ngoại lựa lời dọ hỏi thì lão thố lộ ngay :
– Trong buổi chầu sáng nay, Thượng Thư bộ Công và bộ Lễ đã dâng biểu tán tụng công đức Thánh thượng. Họ xúi giục ngài mở quốc khố xuất ra trăm vạn lượng vàng để xây lại U Châu Đài ở Yên Kinh làm nơi vui chơi hưởng lạc. Năm ngoái, các tỉnh Tây Thục hạn hán nặng nề, mùa màng thất bát. Vậy mà bọn gian thần này chỉ mưu lợi cho riêng mình, thật đáng căm hận.
– Thế Thánh thượng có chuẩn tấu không?
– Cũng may Hữu Thừa Tướng và vài đại thần can gián nên chưa ngã ngũ. Nếu sáng mai, hai lão siểm thần này lại tấu nữa, e rằng Thánh thượng sẽ xiêu lòng.
Tú sĩ an ủi lão :
– Đề Đốc chớ lo, trời cao có mắt, tất không để bọn gian thần mở miệng sàm tấu đâu.
Khi Triệu Hòa cáo từ, Tú sĩ bàn bạc cùng mọi người. Lát sau, Vô Hối và Như Sương mặc áo dạ hành, lao vào bóng đêm.
Ngay trưa ngày mai, Triệu đề đốc vừa tan chầu đã hối hả chạy đến báo tin vui :
– Mã viên ngoại quả có tài tiên đoán. Hai lão kia đêm qua đã trúng gió độc, á khẩu, nằm liệt giường nên không dự chầu. Nhờ vậy việc xây lại U Châu Đài được bỏ qua.
Ba ngày trôi qua, Triệu đề đốc lại đến than phiền :
– Thánh thượng thân thể bạc nhược mà lão Tả Thừa Tướng Lưu Hải còn khải tấu xin ngài giáng chỉ tiến cung, thu nạp mỹ nữ trong thiên hạ. Thánh thượng đã chuẩn y, ngày mai sẽ tuyên đọc thánh chỉ.
Mã viên ngoại chỉ mỉm cười. Nhưng sáng hôm sau, Thiên Tử lâm triều với nét mặt thanh tịnh, trên cổ đeo một chuỗi niệm châu, miệng lẩm bẩm phật hiệu.
Khi tả Thừa Tướng nhắc đến việc tiến cung, long nhan vỗ án mắng rằng :
– Đêm qua, Quan Thế Âm Bồ Tát đã giáng hạ, dạy rằng Trẫm ham mê sắc dục sẽ chỉ thọ được ba năm nữa. Nên chịu khó tu hành mới mong trường thọ. Lưu khanh muốn hại Trẫm hay sao mà bày ra việc tiến cung?
Tả Thừa Tướng Lưu Hải sợ hãi dập đầu, từ đó không còn được nhà vua sủng ái nữa. Ngài say sưa kể lại :
– Cuối canh ba, Trẫm đang mơ màng bỗng nghe bên tai có tiếng gọi :
“Xin mời Thánh thượng di giá đến bên cửa sổ, Bồ Tát ta có chuyện muốn nói.” Hoàng Hậu nằm cạnh bên mà vẫn không nghe thấy. Trẫm bèn bước đến, nhìn qua song cửa, thấy đức phật Quan Âm Bạch Y Đại Sĩ đang lơ lửng giữa vườn hoa. Quanh thân ngài tỏa hào quang ngũ sắc, pháp tướng trang nghiêm nhưng cực kỳ diễm lệ. Ngài dạy bảo Trẫm xong rồi biến mất. Trẫm truyền chỉ xây một ngôi chùa thờ đức Phật Bà ngay trong đế đô để thần dân thờ phụng.
Cửu Môn Đề Đốc nghe xong, sinh lòng nghi hoặc. Tại sao mỗi lần lão thổ lộ ưu tư với Mã viên ngoại là mọi việc trở nên suông sẽ? Đề Đốc cũng là người giỏi võ, tất biết rằng những đại cao thủ trong võ lâm thường có khinh công xuất chúng, dễ dàng qua mắt nhà vua.
Triệu Hòa chờ cơ hội kiểm chứng lại nghi vấn của mình, về lai lịch của Mã gia trang. Chẳng lâu lắc gì, tai họa đã đổ ngay lên đầu Đề Đốc.

Một vương tử Mông Cổ đến Khai Phong dâng cống vật, xong việc gã ở lại đế đô vui chơi. Không ngờ, đêm rằm tháng tư bị thần thâu sờ túi. Ngoài hai ngàn lượng ngân phiếu, còn có Ngọc bài Vương tử. Nếu để mất, gã sẽ mang tội khi trở về đất Mông. Vì vậy, sáng ra gã đã dập đầu khóc lóc, xin thiên tử cho cấm quân và bộ đầu phủ Khai Phong tìm giúp.
Việc này liên quan đến quốc thể nên Long nhan đã nổi cơn thịnh nộ, ra kỳ hạn trong năm ngày phải tìm cho được Ngọc bài kia. Nếu không thì cả Đề Đốc lẫn Tuần Phủ đều bị cách chức và mất đầu. Triệu Hòa xanh mặt, cho quân giữ chặt bốn cổng thành rồi hộc tốc chạy về Mã gia trang. Lão kể lại sự việc rồi khẩn cầu viên ngoại :
– Mã lão gia! Bổn chức biết ngài là bậc thần tiên, xin hãy vì mối thâm tình mà giải giùm cái đại hạn này. Bổn chức xin suốt đời tạc dạ.
Mã viên ngoại cười xòa :
– Lão phu đã qui ẩn, không còn dính líu đến giang hồ. Nhưng xin Đề Đốc yên tâm, Ngọc bài sẽ trở về đúng hạn, nếu tên đạo tặc kia còn trong phủ Khai Phong.
Đề Đốc vừa lui ra thì Vô Hối đã Côn Linh cũng xuất trang. Họ tìm đến phân đà Cái bang trong thành. Thấy trúc phù trong tay chàng công tử, phân đà chủ – Thiết Quái Cái Lý Tiến – vui mừng khôn xiết. Gã biết chỉ mình Công Tôn Vô Hối là có vật này.
Năm trăm khất cái trong thành tiến hành dò xét. Đến chiều, họ đã báo về rằng thủ phạm có lẽ là tên Tiểu Hồ, thuộc hạ Bá Vương Quyền Ngô Thận, lão đại của bọn lân quang trong thành.
Thế lực của họ Ngô bao trùm mặt trái Đề Đốc. Gã thu thuế các kỹ viện, đổ trường, tửu điếm, thuộc hạ có đến gần ngàn. Tính gã trọng nghĩa khinh tài, quyền pháp lại cao cường nên được thủ hạ tôn sùng.
Vô Hối và Côn Linh đi theo gã tiểu cái. Đến một hẻm rộng, gã hóa tử chỉ vào trong :
– Công tử cứ đi theo lối này. Ngô Trận đang ngồi uống rượu với sáu đàn em, ca hát om sòm. Người nào mặc y phục xanh nhàu nát, hở ngực thì chính là họ Ngô.
Vô Hối ung dung bước vào. Chỉ chừng vài trượng đã thấy bẩy gã lân quang đang bày tiệc giữa đường ăn nhậu. Người ngồi giữa có dáng vẻ đúng như lời mô tả. Gã tuổi trạc tam tuần, râu bó cằm, mũi thẳng, miệng rộng, mắt hổ tròn xoe, da mặt đen sạm.
Chiếc áo xanh xốc xếch, đệ lộ bộ ngực đầy lông.
Gã nhìn chàng với vẻ dò xét, hất hàm hỏi :
– Công tử muốn đi ngang đường này chăng?
Vô Hối lạnh lùng đáp :
– Không phải! Tại hạ đến đây để nhận lại mảnh Ngọc bài mà Tiểu Hổ đã lấy được đêm rằm vừa rồi.
Gã cười ha hả, móc lưng lấy thẻ ngọc ra, tung hứng trên lòng bàn tay hữu, gật gù :
– Xem ra tài nghệ truy phong của công tử cũng thật phi thường. Tại hạ cũng chẳng thích thú gì vật này, nhưng nếu trả lại quá dễ dàng thì còn gì mặt mũi lão đại Khai Phong nữa?
Sáu gã lân quang đồng thanh khen phải. Vô Hối hỏi lại :
– Vậy các hạ tính sao? Hay là cho ta chuộc lại vậy?
Ngô Trận nheo mắt :
– Phong thái của công tử quả không giống bọn quan lại hống hách hay bọn con cháu thế gia, chắc là bậc cao nhân trên giang hồ? Ngô mỗ muốn thử vài đường quyền xem sao. Nếu công tử thắng, sẽ có được Ngọc bài này.
Vô Hối gật đầu, đồng ý. Bá Vương Quyền đứng dậy vươn vai, bước khỏi chiếu rượu. Gã xoay tay rồi bất ngờ xuất thủ để chiếm tiên cơ. Tay chân gã vô cùng linh hoạt, mỗi đường quyền cước đều uy mãnh tuyệt luân. Cuồng phong vù vù xé gió. Gã dùng phép đánh liên hoàn, chiêu này nối chiêu nọ, chẳng hề ngưng nghỉ.
Vô Hối không khỏi sinh lòng thán phục quyền pháp họ Ngô. Chàng đem pho Phất Huyệt thủ pháp của nghĩa phụ ra thi thố. Chàng như mảnh lụa trắng phất phơ giữa trận cuồng phong. Mười ngón tay ve vẩy, tuy nhẹ nhàng nhưng chiêu nào cũng có thể đưa đối phương vào tử địa.
Bá Vương Quyền sôi sục hào khí, vận toàn lực quyết tranh tài với chàng công tử nho nhã này. Quyền ảnh trùng trùng, nổ ì ầm như sấm vọng. Hai trăm chiêu trôi qua, họ Ngô đã đem hết sở học ra thi triển là không hề chạm được vạt áo đối phương. Gã gầm lên như hổ rống, xuất chiêu tối hậu, quyền phong như cơn lốc xoáy ập đến, bao phủ thân hình Vô Hối.
Chàng cười nhạt, xuất một trong ba chiêu tuyệt kỹ của pho Huyết Ảnh đại bát thức. Song trảo như mười thanh lợi dao xé toang màn quyền ảnh, chụp vào ngực họ Ngô. Gã kinh hãi trước chiêu thức quỷ dị và thần tốc này, xuôi tay chờ chết. Nhưng Vô Hối chỉ nắm lấy hai vạt áo của gã khép lại rồi hòa nhã nói :
– Cám ơn các hạ đã nương tay.
Nói xong chàng quay lưng bỏ đi. Ngô trận bừng tỉnh gọi ơi ới :
– Này! Sao công tử đã thắng ta mà không lấy lại Ngọc bài?
Gã thò tay định lấy ra trả, nào ngờ Ngọc bài đã biến mất. Ngô Thận chết điếng người, không nói nên lời.
Bọn lân quang cười nịnh :
– Chắc hắn ta nhận ra đại ca đã nhẹ đòn nên xấu hổ, không dám đòi bảo vật nữa.
Bá Vương Quyền điên tiết chửi vang :
– Nhẹ tay cái mả cha các ngươi. Nếu hắn không hạ thủ lưu tình thì ta đã toi mạng rồi. Ngọc bài cũng đã bị hắn lấy từ lúc nào không biết nữa? Ngô mỗ thật lòng bái phục chàng công tử mặt lạnh này. Ta ra kỳ hạn cho các ngươi, trong ba ngày phải tìm ra nơi cư ngụ của hắn.
Sáu gã lân quang sợ hãi, chạy theo Vô Hối và Côn Linh.
Họ Côn dơ ngón cái khen ngợi :
– Không ngờ thủ pháp móc túi của Môn chủ cũng lợi hại phi thường.
Vô Hối cười mát :
– Được đệ nhất thần thâu truyền nghề, lẽ nào lại không xuất sắc?

Đường phố đông người nên họ không dám dùng khinh công, chỉ đi chậm rãi. Vì vậy, bọn lân quang đã theo kịp và thấy hai người rẽ vào Mã gia trang.
Trước kỳ hạn vua ban một ngày, Triệu đề đốc bối rối phi ngựa đến Mã gia trang.
Lão hỏi bằng giọng như sắp khóc :
– Mã lão gia, sáng mai đã là ngày phải dâng ngọc bài, chẳng hay đã có chưa?
Viên ngoại vuốt râu tươi cười :
– May mà anh em trên giang hồ còn nể mặt, nên lão phu không đến nỗi nhục mạng. Nhưng Đề Đốc phải lựa lời mà tấu sao cho Thiên tử bỏ qua không truy sát hung thủ. Lão phu vì đạo nghĩa, tất không thể nói ra danh tính người ấy.
Triệu Hòa mừng như sống lại, run rẩy nhận lấy Ngọc bài, xem kỹ lại rồi hớn hở vòng tay vái dài :
– Mã lão gia yên tâm, chỉ cần thu hồi được bảo vật là Thánh thượng đã hoan hỉ rồi. Cái đầu của bổn chức xem ra đã cứu được. Ơn này bổn chức dẫu chết cũng chẳng dám quên.
Trong buổi chầu sáng ngày thứ năm, Thánh thượng nhíu mày hỏi :
– Triệu khanh chẳng hay đã tìm ra Ngọc bài chưa?
Triệu Hòa hiên ngang bước đến trước bệ rồng tấu rằng :
– Nhờ long oai của Thánh thượng, nên đạo tặc đã hoàn lại Ngọc bài và tấm ngân phiếu hai ngàn lượng bạc.
Vương tử Mông Cổ hân hoan nhận lại Ngọc bài, còn tấm ngân phiếu thì không.
Gã ôn tồn nói :
– Hai ngàn lượng này là để thưởng công cho anh em thị vệ đã hết lòng tìm kiếm.
Triệu Hòa mừng thầm, vì đây chính là tiền mồ hôi nước mắt của lão, chớ nào phải tiền tang vật.
Ít hôm sau, Triệu đề đốc lại đến Mã gia trang nhăn nhó :
– Thánh Hoàng đã bắt bổn chức phải tìm bọn họa sư để vẽ dung mạo của Quan Âm Bồ Tát đúng như trong giấc mộng, nhưng đã mười mấy người bị đuổi ra, Long nhan nổi lôi đình mắng bổn chức là kẻ bất tài. Xin Mã lão gia thương tình giúp đỡ.
Mã viên ngoại trấn an :
– May thay, đêm qua lão phu cũng nằm mộng thấy Bồ Tát giáng hạ. Để lão phu vẽ lại rồi đưa cho đại nhân đem vào cung thỉnh ý Long nhan.
Triệu Hòa biết ngay người giả Bồ Tát đêm ấy hiện ở trong trang. Nhưng lão đã từng diện kiến năm vị thiếu phu nhân, đâu có ai đáng gọi là cực kỳ xinh đẹp như lời Thiên tử kể.
Trưa hôm đó, Tú sĩ lấy giấy bút rồi gọi Bích Vân ra làm mẫu. Nàng thẹn thùng bảo :
– Can gia bày diệu kế thức tỉnh Thánh Hoàng là rất phải, nhưng đem dung mạo tức nữ ra nặn tượng Quan Âm thì khó coi lắm.
Vô Hối mỉm cười :
– Đúng vậy! Vì đức Bồ Tát đâu kiều diễm bằng nàng.
Tú sĩ là bậc thầy trong họa đạo nên đã miêu tả được hết vẻ đẹp của gương mặt Bích Vân. Bức tranh trông thật sống động và có thần.
Hôm sau, Triệu Hòa đến thăm thì bức họa đã hoàn tất. Lão mở ra xem thử, lòng bàng hoàng ngơ ngẩn.
Lão không ngờ trên thế gian lại có mỹ nhân diễm lệ đến dường này. Đó là Tú sĩ đã trang điểm cho Bích Vân vẻ mặt tôn nghiêm, nếu không còn đẹp hơn nhiều.
Triệu đề đốc hân hoan đem bức họa vào trong triều. Thiên tử mừng rỡ phán :
– Đúng là dung mạo này, chẳng sai một nét. Nhưng sao khanh lại có được?
– Muôn tâu Thánh thượng, hạ thần có quen một lão trượng họ Mã, ông ta cũng được Bồ Tát báo mộng nên vẽ lại.
– – O o – – Sau gần tháng nghỉ ngơi, chữa trị, đám cao thủ Mã gia trang đã hồi phục, sẵn sàng cho trận chiến mới.
Nhưng Hồ Lô Cái đến thăm và báo một tin không vui. Một hiệp khách tuổi tam tuần đã xuất hiện, tự xưng là truyền nhân của Phi Long thư sinh. Gã tuyên bố rằng sư phụ gã đã qua đời hơn mười năm nay, và lão già đã từng giết Hải Nam đảo chủ ở Thương Sơn hôm trước chỉ là kẻ giả mạo. Gã nhờ Cái bang loan báo lời khiêu chiến ra khắp giang hồ. Nếu kẻ giả mạo không chịu lộ diện, gã sẽ gia nhập Vô Địch bang khuấy đảo võ lâm. Hiện nay, gã đang ở Vũ Hán vui say, chờ tin tức.
Vô Hối mỉm cười :
– Đúng là xảo hợp, không ngờ Phi Long thư sinh Lạn Như Vân lại có truyền nhân.
Nhưng gã này tên họ là gì và bản lãnh thế nào?
Hồ Lô Cái nhăn nhó :

– Gã tên là Lệnh Hồ Tuyết, phong thái cao ngạo, lạnh lùng hệt như thư sinh hồi trai trẻ. Đao pháp của gã nhanh như thiểm điện, đã có sáu đại cao thủ vùng Hồ Bắc mất mạng, chỉ với một chiêu đao.
Vô Hối sinh lòng hứng thú với cao thủ này. Chàng muốn thử xem Công Tôn đao pháp gia truyền có địch lại tuyệt học lừng danh của Phi Long thư sinh hay không? Hơn nữa, chàng đã trót mạo nhận thư sinh nên không thể trốn tránh trách nhiệm để Lệnh Hồ Tuyết đi vào đường ma đạo.
Lúc này, Lệnh Hồ Tuyết đang uống rượu trên Phong Lưu các ở thành Vũ Xương, tửu lâu này nổi tiếng thiên hạ vì có đám tiểu nhị toàn là mỹ nữ. Các cô nương ở đây không buôn bán xác thịt mà chỉ ngồi bên hầu rượu, chuyện trò hay đàn hát.
Dẫu say cách mấy, tửu khách cũng chỉ nhìn mà nuốt nước miếng chứ không dám buông lung. Đã có vài tay hảo hán bị quăng xuống hồ nước quanh Phong Lưu các, do bàn tay của chính những giai nhân.
Chưởng quầy là một người đàn bà tam tuần không chồng. Nàng rất xinh đẹp nhưng lại phòng không chiếc bóng, vì cái danh hiệu Tiếu Thượng Du Hồn của mình.
Ngụy Ngọc Trâm được trời phú cho dung mạo tươi như hoa nở, nụ cười mê hoặc lúc nào cũng nở trên môi. Ngay cả khi nàng giết người cũng vậy. Đã có nhiều cao thủ chết đi mà không hiểu nàng xuất thủ lúc nào.
Đến năm ba mươi tuổi, nàng chán cảnh ăn quán ngủ đình, suốt ngày lang bạt nơi gió cát giang hồ, nên gom góp vốn liếng mở Phong Lưu các này.
Lệnh Hồ Tuyết đến đây đã nửa tháng nay. Gã trọ trong khách điếm gần đấy, nhưng cả ngày có mặt trên tầng hai Phong Lưu các. Quanh gã lúc nào cũng có hai, ba tiểu cô nương xinh đẹp nhất. Nhưng gương mặt anh tuấn, lạnh lẽo như sương không hề xao xuyến. Đôi mắt hắc bạch phân sinh luôn nhìn xuống mặt nước sông Hán, hay vầng mây bàng bạc cuối trời xa. Tửu lượng của Lệnh Hồ Tuyết thật kinh khủng, gã uống cạn tất cả những chung rượu mà các giai nhân dâng lên, da mặt vẫn tái xanh, thần sắc vẫn bình thản.
Ngụy Ngọc Trâm hơi cảm thấy tự ái bị tổn thương, vì hắn chẳng bao giờ chịu nhìn về phía nàng.
Trong bộ trường bào trắng tinh, trông Lệnh Hồ Tuyết như pho tượng bạch ngọc lạnh lùng nhưng quyến rũ.
Bàn tay hắn chỉ làm có hai động tác, đó là nâng chén và vuốt ve thanh bảo đao trên đùi. Thanh đao này có vỏ bằng đồng xanh cũ kỹ, rỉ sét, chạm trổ những hoa văn kỳ lạ. Chuôi đao bằng sừng đen bóng vì năm tháng.
Đã ba lần Lệnh Hồ Tuyết rút đao tại đây. Chưa ai nhìn rõ lưỡi đao thì nó đã chui vào vỏ. Chỉ thấy một luồng đao quang xanh nhạt lóe lên và địch thủ ngã gục.
Lệnh Hồ Tuyết chưa bao giờ động thủ trước, nhưng khi đối phương ra tay thì đao của gã nhanh hơn.
Gã rất ít nói, hoặc giả, có cho rằng gã không biết nói cũng chẳng sai.
Sáng nay cũng vậy, Lệnh Hồ Tuyết đến rất sớm. Ngồi quay về hướng Đông để xem cảnh bình minh trên sông Hán.
Gã ăn tất cả những gì Ngụy nương cho bưng lên, không hề khen chê.
Đầu giờ Tỵ, có hai thực khách bước lên lầu. Đó là một chàng công tử mặc lam bào và một nữ lang. Lệnh Hồ Tuyết khẽ chấn động, nhưng Tiếu Thượng Du Hồn thì rất xao xuyến.
Nữ lang này đẹp lạ kỳ, gương mặt nàng phảng phất vẻ buồn man mác, khi nói cười với phu tướng lại rạng rỡ như mặt trời xuân.
Còn chàng công tử thì đúng là cây ngọc trước gió, dáng người mảnh khảnh nhưng đôi mày kiếm xếch ngược uy nghiêm, hàng râu mép xanh rì, càng tăng phần lịch lãm.
Hai người ngồi xuống bàn cạnh cửa Nam, gọi vài món ăn và vò rượu. Ngụy nương không dằn được lòng hâm mộ, đích thân bưng vò rượu đến. Nàng tươi cười với khách :
– Công tử và phu nhân đây cốt cách thanh kỳ, tôn quý, như rồng phượng chốn nhân gian. Ngụy Ngọc Trâm tôi mạo muội muốn được làm quen.
Chàng công tử chỉ cười bằng mắt, còn nữ lang khúc khích đáp :
– Ngụy thư thư đừng quá lời khiến tiểu muội thêm hổ thẹn. Tiểu muội là người xấu xí nhất trong năm chị em chung thuyền.
Ngụy nương giật mình, gượng cười :
– Nếu quả đúng thế, thì công tử đây quả là người diễm phúc nhất đời.
Trước đây, nàng tưởng rằng Lệnh Hồ Tuyết là mỹ nam tử số một. Nay gặp chàng trai lạ mặt này mới biết kiến văn mình còn nhỏ hẹp.
Nhưng nàng tự an ủi rằng Lệnh Hồ Tuyết võ công quán thế, chứ đâu yếu đuối như bọn công tử thế gia.
Nghĩ đến đây, nàng cảm thấy tự hào về ý trung nhân của mình. Nàng trở lại quầy, bưng một vò rượu quý đến bàn Lệnh Hồ Tuyết :
– Lệnh Hồ đại hiệp, sáng nay quán vắng, thiếp muốn hầu rượu đại hiệp.
Nàng đâu biết rằng lòng gã đang nổi sóng, dung mạo và khí chất của chàng công tử kia khiến gã bị tổn thương. Còn nhan sắc của nữ lang đã làm gã tủi phận. Nàng đẹp hơn Ngọc Trâm bội phần.
Dù hai bên chưa nói gì với nhau, nhưng gã biết nàng ngưỡng mộ mình. Và trong thâm tâm của gã cũng thầm yêu mến Ngụy nương.
Lệnh Hồ Tuyết nhận lấy chung rượu trong tay Ngọc Trâm, uống cạn rồi lại chìa ra.
Gã uống liền mười chung như muốn vá víu tâm hồn mình.
Bàn bên kia vọng lại tiếng cười như ngọc vỡ :
– Hối ca! Lâu lắm thiếp mới được cùng chàng đồng hành.
Ngụy nương giật mình, nàng đã biết chàng công tử mặt ngọc ấy là ai.
Thanh danh của Công Tôn Vô Hối lẫy lừng thiên hạ mấy năm nay. Chàng là người duy nhất liên tiếp chống lại những đại ma đầu lợi hại nhất võ lâm. Không những thế, chàng ta còn cảm hóa được cả ba lão ma vương.
Ngọc Trâm không dằn được lòng ngưỡng mộ, quay sang nhìn Vô Hối.
Lệnh Hồ Tuyết bỗng đứng dậy, thanh đao đã nằm trong tay. Gã lạnh lùng hỏi :
– Vô Hối! Phải chăng ngươi là người đã mạo nhận gia sư?
Vô Hối thản nhiên gật đầu và hỏi lại :
– Còn các hạ, lấy gì để chứng minh là truyền nhân của Phi Long thư sinh?
Lệnh Hồ Tuyết trầm giọng :
– Năm mươi năm trước, tiên sư làm khách nhà Cao Tài Thần, nghe nói Quảng Tây và Hồ Nam bị hạn hán nặng nề. Người bèn khuyên họ Cao bỏ tiền cứu giúp. Họ Cao đồng ý với điều kiện tiên sư phải trao tặng lão ta tấm trường bào và con Hồng Dực Thanh Xà. Lão muốn nhờ bảo y lưu giữ thi hài, và qua đời bằng độc của linh xà. Tiên sư vì thương bách tính nơi cố quận nên đồng ý. Sau đó, người về Tần Lĩnh ẩn cư. Cách đây hai mươi năm, người thu ta làm đồ đệ và chỉ tám năm sau đã quy tiên. Thanh Nhị Long Đao này và đao pháp sẽ chứng minh cho ngươi thấy.
Ngọc Trâm rúng động, hiểu rằng Vô Hối đã lấy được kho tàng khổng lồ của Cao Tài Thần nên mới có bảo y và linh xà. Giờ đây, chàng là người giầu có nhất Trung Hoa.

Vô Hối nghiêm giọng :
– Qua lời nói, tại hạ biết rằng các hạ không hề ngoa ngôn. Hối này xin tạ lỗi và trả lại hai bảo vật của Cao tiền bối cho các hạ.
Lệnh Hồ Tuyết ngửa cổ cười cao ngạo :
– Đâu dễ dàng như vậy! Ta sẽ lấy máu ngươi để rửa nhục cho tiên sư.
Vô Hối cười nhạt :
– Tại hạ dùng thân phận của lệnh sư để diệt trừ tà ma, sao gọi là nhục?
Lệnh Hồ Tuyết quắc mắt :
– Ngươi là cái thá gì mà dám nhận là sư phụ của ta? Nếu sợ chết thì hãy lạy ta ba lạy tạ lỗi.
Uyển Cơ phẫn nộ, mắt phượng long lanh bảo :
– Các hạ tướng mạo đường chính mà xem ra tâm địa nhỏ nhen. Hối ca danh lừng bốn bể nào sợ gì ai? Chẳng qua chàng tâm địa quang minh chính đại nên mới nhẫn nhục đấy thôi.
Lệnh Hồ Tuyết bị nữ nhân chê trách, gã cực kỳ hổ thẹn, mặt thoáng hồng, nghiến răng quát :
– Câm ngay! Ngươi biết gì dám xen vào?
Vô Hối sa sầm nét mặt :
– Dẫu tiện thê có quá lời, các hạ cũng không nên thô lỗ như vậy. Nếu lòng các hạ đã quyết thấy máu thì tại hạ cũng xin phụng ý.
Đám tiểu cô nương trong Phong Lưu các đã ba lần chứng kiến cảnh Lệnh Hồ Tuyết tử đấu, nên mau mắn dẹp gọn bàn ghế, chừa khoảng trống ở giữa làm đấu trường.
Lần này, Lệnh Hồ Tuyết không dám coi thường, rút đao thủ thế. Vô Hối cũng vuốt lưng, lấy Bàn Long đao ra.
Hai người đứng cách nhau trượng rưỡi, quán chú công lực chờ đợi. Không ai muốn xuất thủ trước, vì kẻ động thủ trước bao giờ cũng có sơ hở.
Vô Hối biết đối thủ đã được chân truyền thuật ngự đao của Phi Long thư sinh, chiêu nào cũng dồn toàn lực, khí thế như chẻ núi. Vì vậy, chàng không dám coi thường, dựng Bàn Long đao trước mặt. Đây là thế đầu tiên trong chiêu Đao Phát Như Lôi của Công Tôn đao pháp. Chiêu này chỉ có công mà không thủ, chuyên dùng để khắc chế các loại đao phong trên đời.
Đã hơn khắc trôi qua, hai người vẫn lặng im như tượng đá. Sát khí từ thanh đao của Lệnh Hồ Tuyết tỏa ra ngày càng giàn giụa, lạnh lẽo.
Uyển Cơ bỗng che miệng ngáp dài, đêm qua hai người ân ái mặn nồng nên nàng mệt mỏi.
Tâm Vô Hối thoáng xao động, Lệnh Hồ Tuyết không bỏ lỡ cơ hội, ập đến như tia chớp. Thanh đao trong tay gã hóa thành muôn ngàn đao ảnh, thực hư lẫn lộn và uy mãnh như cuồng phong.
Vô Hối vung đao, điểm nhanh vào màn đao quang. Tiếng thép ngân nga, tình tang không dứt, hai bóng ảnh xáp vào rồi lại văng ra.
Ngực Vô Hối rách một đường dài hơn gang tay, máu rỉ ra ướt đẫm lam bào. Lệnh Hồ Tuyết vẫn không hề đắc ý, mặt lạnh như sương, chuẩn bị cho chiêu thứ hai.
Uyển Cơ biết trượng phu vì mình mà phân tâm nên thất thế, nàng sa lệ thỏ thẻ :
– Xin tướng công tha lỗi.
Vô Hối mỉm cười, vung đao đánh trước. Chiêu thứ bẩy của pho Công Tôn đao pháp chàng chưa thi triển lần nào. Nó có cái tên hơi khắc bạc – Đao Hạ Vô Tình.
Bàn Long đao như chiếc muỗng bạc bay vào ngực đối phương. Mọi người bên ngoài đều thấy rõ đường đi của thanh đao. Lệnh Hồ Tuyết cũng vậy, nhưng gã không cách nào chặn lại. Chiêu tuyệt đao của gã như đánh vào khoảng không và đao của Vô Hối như không hề có thực.
Mũi Bàn Long đao đâm vào tâm thất đối phương, vạch nhẹ một đường rồi dừng lại. Vô Hối nghiêm giọng :
– Tại hạ vô tình lấy được di vật của Cao tiền bối, nên không muốn giết đệ tử của người. Mong các hạ đừng ỷ tài mà đi vào ma đạo, tủi hổ anh linh của Phi Long thư sinh.
Lệnh Hồ Tuyết xua tay, da mặt trắng bệch, nỗi tủi nhục trong lòng trào lên. Gã rất tôn thờ bản thân mình nên không chịu nổi cảnh thảm bại này.
Vô Hối thu đao rồi nói :
– Tại hạ sẽ hoàn lại hai bảo vật cho các hạ.
Lệnh Hồ Tuyết nghiến răng nói :
– Không cần! Ta sẽ giết ngươi để đoạt lại di vật của tiên sư.
Gã quay lưng đi thẳng xuống lầu, không hề để ý đến ánh mắt xót thương của Ngụy nương.
Vô Hối thở dài :
– Người này cũng là bậc kỳ tài trong võ đạo, nhưng tâm địa hẹp hòi, kiêu ngạo, trước sau gì cũng sa vào ma lộ.
Uyển Cơ vội chạy đến xem xét vết thương, cũng may chỉ rách da.
Ngụy Ngọc Trâm nghiêng mình nói :
– Tiện thiếp từ lâu đã ngưỡng mộ hiệp danh của công tử. Nay được hội kiến mới biết lời đồn chẳng sai. Xin đội ơn công tử đã nương tay.
Vô Hối đoán rằng nàng đã nặng tình với Lệnh Hồ Tuyết, chàng dịu giọng bảo :
– Bản tính của Lệnh Hồ Tuyết có lẽ xuất phát từ cuộc sống cô tịch. Nếu muốn cảm hóa, chỉ có mối thâm tình của Ngụy cô nương là làm được. Tại hạ có bấy nhiêu lời, mong cô nương suy xét.
Chàng đặt nén bạc lên bàn rồi cùng Uyển Cơ rời Phong Lưu các. Hai người lấy nón rộng vành treo nơi lưng ngựa, chụp vào rồi lên đường.
Tiếu Thượng Du Hồn suy nghĩ một lúc lâu, giao sự vụ Phong Lưu các cho người thân tín, khăn gói đi tìm Lệnh Hồ Tuyết.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.