Bàn có 5 chỗ ngồi

Chương 6


Bạn đang đọc Bàn có 5 chỗ ngồi – Chương 6

Vừa qua, ban giám hiệu và chi đoàn nhà trường liên hệ với nông trường Lê Minh Xuân mua được mấy trăm cây bạch đàn con, chuẩn bị phát động phong trào trồng cây trong nhà trường. Sáng nay, thứ hai đầu tuần, sau khi sinh hoạt lớp mười lăm phút, thầy Dân kêu tổ một và tổ hai lên văn phòng nhận cây về trồng. Các tổ còn lại thì lên nhà kho mượn cuốc về đào lỗ lên miếng đất trống phía sau lớp, chuẩn bị hạ cây xuống.
Chúng tôi vừa hò reo vừa túa ra ngoài, ba chân bốn cẳng chạy đi tim` dì Ba . Dì Ba là người trông kho dụng cụ lao động của trường, trong đó chất đầy những cuốc, xẻng, xà beng, thùng đổ rác, xô xách nước… Dì tính tình cởi mở, dễ gần, sẵn sàng cho chúng tôi mượn bất cứ dụng cụ cần thiết nào vào bất kỳ lúc nào . Nhưng ngược lại, dì rất nghiêm khắc trong chuyện bảo quản. Lớp nào trực quét sân trường mà trả thiếu một cây chổi thôi là đã chết với dì. Dì báo ban giám hiệu, báo giáo viên chủ nhiệm truy ra cho bằng được. Đứa nào làm mất thì phải đền. Không tìm ra kẻ làm mất thì lớp phải trích quỹ ra mua chổi mới . Mượn xẻng, khi trả, xẻng phải sạch. Đứa nào làm biếng, không chịu rửa xẻng trước khi mang tới kho, không bao giờ dì nhận. Tôi từng là nạn nhân của dì, mỗi lần nghĩ lại còn thấy mắc cỡ. Nhưng trong chúng tôi không đứa nào giận dì lâu . Bởi vì, đứa nào cũng thấy nhờ vậy mà kho dụng cụ trường tôi luôn luôn đầy đủ, cần gì có nấy .
Thầy Dân kêu chúng tôi đào mười hàng, mỗi hàng năm lỗ. Tôi đào cái lỗ của tôi ở chính giữa lô đất, hy vọng rằng nếu có gió bão hoặc có gà vịt hay học sinh buổi chiều chạy ngang thì những hàng cây phía ngoài bị gãy, còn cái cây của tôi sẽ chẳng hề gì.
Khi tổ một và tổ hai đem cây con về, thầy Dân hướng dẫn chúng tôi cách rọc bao ni-lông bọc ngoài sao cho khỏi rớt lớp đất bám chung quanh rễ. Tôi giành lấy một trong những cây tốt nhất đem đặt vào lỗ của mình. Thằng Chí bép xép ở tổ hai chạy theo, cự:
– Cây này tao xí phần rồi ! Chính tay tao đem từ văn phòng về !
Tôi gạt phắt:
– Kệ mày ! Đứa nào nhanh tay đứa đó lấy !
Thấy tôi làm dữ, Chí đành phải chạy đi chọn cây khác. Nhưng tôi bị hố to .
Sau khi trồng cây xong, thầy Dân giao ỗi tổ chăm sóc một hàng. Bắt đầu từ hàng ngoài cùng là tổ một, kế đến là tổ hai, cứ vậy mười hàng giao ười tổ. Tréo ngoe làm sao, cái cây “chiến” của tôi lại nằm trong hàng của tổ sáu . Tôi càng đau lòng hơn nữa khi hình lại hàng cây của tổ năm tôi chẳng có cây nào ra hồn cả. Cây thì nhỏ xíu, thấp lè tè, cây thì lơ thơ có hai, ba chiếc lá.
Thằng Đại giao cho tôi cây ngoài rìa . Tôi không chịu . Tôi đòi cây ở giữa, tức là cây của thằng Quang. Quang là nhà sinh vật nhưng nó chỉ mê động vật còn thực vật thì nó không tha thiết lắm, giao cây nào nhận cây nấy, không kỳ kèo lôi thôi như thằng Chí.
Khi các tổ đã chia cây xong, chúng tôi chạy đi tìm cây khô về làm hàng rào . Chúng tôi bẻ cây khô thành từng đoạn ngắn cắm quanh gốc cây .
Đại rào cây của nó xong còn chạy qua rào phụ nhỏ Hiền. Nó cắm cây khô san sát, ken dày như tấm phên, coi rất chắc. Hàng rào của Quang còn “chì” hơn. Nó buộc dây chằng chịt từ dưới lên trên chung quanh các khúc cây khô, trông kiên cố như một pháo đài . Hàng rào của Bảy cũng thuộc loại “chiến”. Chân cẳng nó vậy mà nó cũng cà nhắc đi lượm từng viên gạch về chắn quanh gốc cây . Chỉ có hàng rào của tôi là sơ sài . Tôi nhặt những đoạn cây cong queo do tổ sáu vứt ra, cắm qua loa quanh gốc bạch đàn rồi tót ra trước cửa lớp chơi trò tâng bóng với tụi thằng Tú. Thật ra thì cái tính biếng nhác của tôi độ rày đã giảm bớt nhiều kể từ ngày quê mặt với thằng Tin sau vụ rửa chén không thành công và nhất là sau chuyện đùn cho Bảy trực sinh. Nhưng hôm nay, khi thấy cây bạch đàn “ruột” mà mình o bế ngay từ đầu tới phút chót lại lọt qua tổ sáu, tôi đâm nản và chẳng mặn mà gì với chuyện rào cây nữa .
Tôi đang chơi bóng say sưa thì Đại chạy tới:
– Mày rào gì kỳ vậy ?
– Gì đâu mà kỳ !

– Mày rào vậy gà nó vặt trụi hết lá cho coi !
Chẳng lẽ mình chịu lép vế trước mặt tụi thằng Tú ! Tôi làm mặt lạnh:
– Kệ tao ! Cây tao, tao lo !
Nhưng tôi chưa kịp lo thì sáng hôm sau, lúc tôi đang ngồi ôn bài đầu giờ thì Bảy từ ngoài vườn cây chạy vô báo một tin sét đánh:
– Huy ơi, cây của mày gà ăn trụi hết rồi !
Tôi bàng hoàng phóng ra vườn.
Giữa những cây “còn nguyên” thì cây của tôi “điêu tàn” một cách thảm hại . Hôm qua, so với trong tổ thì cây của tôi không nhất cũng nhì nhưng hôm nay thì nó trụi lủi, không còn lấy một chiếc lá con. Những nhánh cây mỏng manh, khẳng khiu hệt bộ xương khô, ngó phát chán. Thằng Đại nói y như thánh ! Tôi nhớ lại chuyện hôm qua và tự nguyền rủa mình không tiếc lời . Đồng thời một sự lo lắng xâm chiếm lòng tôi . Hôm qua thầy Dân nói đến cuối năm học, ngoài việc tổng kết điểm trực sinh, thầy còn căn cứ vô kết quả chăm sóc cây của từng học sinh để xếp loại lao động. Mới trồng có một ngày mà cây của mình đã tả tơi như vậy, chưa biết có sống nổi không, nói gì đến cuối năm ! Tôi rơi vào trạng thái buồn rầu trong suốt buổi học, không màng gì đến lời thầy giảng, đầu óc loay hoay nghĩ cách “cứu” mình.
Khi tiếng trống tan học vang lên, tôi vẫn xếp hàng đàng hoàng nhưng sau đó, tôi không đi thẳng ra cổng mà nấp đằng sau căn-tin. Dòm qua kẽ hở, tôi thấy Bảy đang dáo dác tìm tôi, mặt mày nó đầy vẻ ngạc nhiên. Tìm một hồi không thấy tôi, nó khập khiễng ra về, vừa đi vừa ngó lại đằng sau .
Đợi cho sân trường vắng ngắt, tôi rời khỏi chổ nấp, lộn lại chổ vườn cây .
Tôi đứng quan sát một hồi, thoạt đầu hơi lưỡng lự nhưng rồi tôi tặc lưỡi ngồi xổm xuống đất lấy tay moi gốc cây của mình lên. Xong tôi lại đào một cây khác trong hàng của tổ chín, rồi đổi chỗ hai cây lẫn nhau . Tôi không đánh tráo cây “ruột” của tôi bên tổ sáu vì hai hàng nằm kế nhau, dễ bị lộ. Còn ở tổ mười, sự gian lận cũng dễ bị phát hiện vì hàng cây tổ mười nằm ngoài rìa . Tôi chọn tổ chín, nhưng cũng đủ ranh mãnh để không đánh tráo cây tốt nhất. Tôi đào cây tốt vừa vừa, hy vọng chủ nhân của nó không để ý, và nếu để ý, cũng không làm to chuyện.
Xong xuôi đâu đó, tôi phủi tay, sung sướng ra về.
Sáng hôm sau, tôi cố ý đi trễ. Đợi cho tiếng trống báo hết giờ ôn bài, tôi mới lò dò vô lớp. Chẳng có sự xôn xao nào cả, mấy đứa bên tổ chín vẫn cười giỡn rần rần như mọi khi . Tôi ôm tập về chổ ngồi, bụng mừng thầm.
Thấy tôi, Bảy hỏi liền:
– Hôm qua lúc ra về mày đi đâu mà tao tìm muốn chết không thấy ?
Tôi đáp, vẻ lơ đãng:

– Tao ở lại tim` cây viết.Tưởng là xong chuyện, ai dè trong giờ chơi, thằng Tấn la toáng lên:
– Đứa nào đổi cây của tao ? Đứa nào chơi xấu vậy ?
Phát hiện động trời đó lập tức gây ồn ào kinh khủng. Cả lớp chen nhau uà ra vườn. Thằng Bảy đi đầu . Nó chân cẳng vậy mà lẹ dễ sợ, thót ba cái là đã ra tới ngoài hè. Mấy cái chuyện ly kỳ này hợp với máu “điệp viên” của nó lắm.
Tôi tính ở lì trong lớp, nhưng nghĩ tới nghĩ lui thấy làm vậy khác chi “lạy ông con ở bụi này” nên lò dò ra theo, có điều tôi đi tụt lại sau lưng tụi bạn, trống ngực đập loạn xà ngầu . Bảy liếc qua một vòng đã biết ngay ai là thủ phạm và đồng thời cũng hiểu tại sao hôm qua tôi mất tích một cách bí mật lúc ra về. Nó ngước nhìn tôi, bằng ánh mắt không biết là thông cảm hay trách móc.
Đại, Quang, Hiền cũng nhanh chóng hiểu ra vấn đề, nhưng tổ tôi chưa ai nói gì thì thằng Hải tổ bốn hét ầm lên:
– Cái cây thằng Huy hôm qua trụi lủi sao bữa nay lá quá trời vậy nè !
Số là cây của tôi nằm kế cây của Hải nên chuyện “kỳ diệu” của tôi không thể nào che mắt được nó. Mọi chuyện thế là lở vỡ.
Trong khi Tấn nhào tới cây của nó thì tôi rút êm vô lớp, giả vờ ngồi đọc sách. Ngoài kia, thằng Đại thay mặt tôi xin lỗi thằng Tấn, và sau đó cây chỗ nào trả về chỗ đó. Tôi tiếp tục làm chủ cây bạch đàn trụi lá.
Nhưng điều đó bây giờ không làm tôi phiền muộn lắm. Cái đáng sợ là sau khi vụ đánh tráo bị khui ra, tụi bạn trong lớp nhìn tôi với ánh mắt chế giễu khiến tôi xấu hổ muốn chết.
Bữa đó, bầu không khí trong tổ tôi lặng lẽ như đưa ma . Bảy và Quang ngồi cạnh tôi im lìm suốt buổi học. Nhỏ Hiền thì cặm cụi chép bài, không hề ngó tôi lấy một cái . Chỉ có Đại bực bội lên tiếng:
– Mày làm xấu mặt cả tổ !
Lần đầu tiên, tôi không cãi lại thằng Đại . Tôi cố tập trung nghe giảng mà sao vẫn thấy hai tai nóng ran.
Hậu quả việc làm của tôi không dừng lại ở đó.
Vì bị đào lên lấp xuống nhiều lần, qua ba bữa sau là hai cây bạch đàn của tôi và thằng Tấn đều chết khô . Cả tổ chín kịch liệt kết tội tôi . Còn thằng Hùng, lớp phó lao động, thì nhanh chóng thông báo cho thầy Dân.

Thầy Dân bắt tôi đóng hai đồng bốn mươi xu để mua lại hai cây bạch đàn, đồng thời kêu tôi viết tự kiểm để đọc trước lớp.
Nghe vậy, tôi buồn kinh khủng. Buồn nhất là thầy Dân đối xử với tôi “cạn tàu ráo máng”, không đếm xỉa gì đến việc tôi là học trò xuất sắc môn văn của thầy .
Đóng tiền mua lại cây con thì tôi không ngán. Tôi chỉ ngán cái màn đọc tự kiểm trước lớp. Nhưng ngán thì ngán, tôi cũng chẳng có cách nào tránh được.
Đứng ra nhận khuyết điểm và hứa sửa chữa trước hàng mấy chục con mắt thật chẳng phải chuyện dễ dàng. Tôi cứ lóng nga lóng ngóng, hai tay bám cứng mép bàn của tổ một, không chịu đứng xích ra giữa lối đi như lời thầy Dân bảo . Mặt đỏ như tôi luộc, đầu cúi gằm xuống đất, tôi ấp a ấp úng đọc từng chữ trong tờ tự kiểm.
Ngắc ngứ mãi một hồi, tôi cũng làm xong “nhiệm vụ” và chạy vụt về chỗ ngồi, nỗi hổ thẹn không để đâu cho hết. Tôi gục mặt trên bàn tự hứa với mình là từ nay đến già cũng không để xảy ra lỗi lầm tương tự nữa .
Có một bàn tay đặt trên vai tôi . Và tiếng nói của Bảy vang lên ấm áp:
– Thôi, đừng buồn nữa, Huy ơi !
Trong buổi họp chi đội sau đó, tôi lại bị đóng góp một trận nữa, mặc dù tôi chưa phải là đội viên. Người lên án tôi mạnh mẽ nhất không phải mấy đứa bên tổ chín mà là thằng Hùng chi đội trưởng kiêm lớp phó lao động.
Không phải nó chỉ phê bình tôi chuyện đánh tráo cây của Tấn mà còn lôi ra chuyện tôi giành cây tốt với Chí, chuyện tôi làm hàng rào cẩu thả.
Năm ngoái cũng chính nó là đứa hung hăng nhất trong ban chỉ huy chi đội không đồng ý kết nạp tôi vô đội, với lý do là tôi thường xuyên bỏ trực lớp, còn những buổi làm vệ sinh sân trường thì tôi chỉ cầm chổi huơ hai, ba cái cho có lệ và không bao giờ có mặt đến phút chót. Chính vì nó mà bây giờ thằng Tin lại vô đội trước tôi . Ba tôi bận rộn suốt ngày it để ý đến chuyện đó, nhưng mỗi lần thấy thằng Tin mang khăn quàng đỏ lượn qua lượn lại trước mắt, thì ông lại rầy tôi:
– Ở trường, mày sinh hoạt ra sao mà đến giờ cũng chưa được kết nạp vô đội, thằng to đầu kia ?
Dĩ nhiên là tôi chẳng sung sướng gì về sự qua mặt của thằng Tin. Ngay từ đầu năm nay tôi định bụng sẽ phấn đấu vô đội . Nhưng tôi chưa kịp phấn đấu thì đã xảy ra chuyện xui xẻo này . Nghe Hùng “phan” tới tấp, tôi giận muốn ứa gan nhưng đành cứng họng. Bởi vì nó nói đâu có đó, chuyện rành rành giữa ban ngày ban mặt, ai chẳng biết.
Nhưng tôi giận Hùng chưa bằng giận Kiến Lửa . Nhân chuyện này, nó lại bò lên bản tin đốt tôi một phát. Vẫn một thứ thơ dỡ ẹc:
Cây mình chẳng lo rào
Để cho gà ăn trụi
Lại đào cây người khác
Đánh tráo cây của mìnhHơn nhau vì sóc vì chămKhông ai hơn nhau vì chôm vì chĩa .

Lần này, Kiến Lửa đặt thơ năm chữ, cũng chẳng có vần điệu gì ra hồn. Đã vậy, phần cuối lại thêm vô hai câu ngang phè. Rõ ràng là nó bắt chước câu tục ngữ “Bà con vì tổ vì tiên, không ai bà con vì tiền vì gạo” trong bài “Tục ngữ, ca dao về gia đìng và xã hội” học hồi đầu năm.
Người ta thì nói “chăm sóc” còn ở đây nó lại viết “vì sóc vì chăm” nghe trái lỗ nhĩ không thể tả. Nhưng tức nhất là nói kêu tôi “chôm chĩa”, làm như tôi là đồ ăn cắp chuyên nghiệp không bằng !
Kỳ này không chỉ mình tôi tức. Bài thơ của Kiến Lửa chạm nọc đến toàn tổ năm. “Cậu ông trời” bênh tôi ra mặt. Bài thơ xuất hiện vào đầu tiết thứ nhất thì đến giờ ra chơi, Đại đã to tiếng phản đối:
– Tờ báo của chúng ta đăng bài này là không đúng. Bạn Huy đã nhận khuyết điểm trước lớp và đã được góp ý kiến trong chi đội rồi, do đó bài thơ của bạn Kiến Lửa là không cần thiết và thiếu tinh thần xây dựng.
Sự công kích bài thơ của “cậu ông trời” khiến tôi hả hê, mặc dù theo tôi đáng lẽ Đại phải “phang” vào hai chữ “chôm chĩa” mà Kiến Lửa đã cố ý dùng một cách bừa bãi để bôi bác tôi . Nhưng thôi, vậy cũng được.
Nhỏ Kim Liên, chủ bút bản tin, lộ vẻ hoang mang khi thấy cả lớp không ai có ý kiến gì khác Đại . Chỉ có thằng Chí bép xép là lên tiếng, nhưng lần này nó bép xép nghe được:
– Tôi đồng ý với bạn Đại ! Kỳ này Kiến Lửa đốt bậy !
Kim Liên càng lúng túng. Nó chưa biết phải đối đáp ra sao thì Hùng bồi luôn một phát:
– Tôi cũng đồng ý với bạn Đại . Đáng lẽ tờ báo không nên đăng bài thơ vừa rồi !
Ý kiến của Hùng kết thúc luôn câu chuyện. Ra chơi vô, tôi không thấy bài thơ đáng ghét đó nằm trên bản tin nữa . Có lẽ Kim Liên xé đi rồi .
Hôm nay, thiệt tôi hên hết biết ! Cả Đại, Chí lẫn Hùng, những “đối thủ” của tôi xưa nay, bỗng dưng đứng về phe tôi khiến tôi ngại nhiên một cách thú vị. Nhưng dù sao đi nữa, điều đó cũng không làm tôi quên được nỗi ấm ức với “kẻ thù giấu mặt” là Kiến Lửa, mày là ai mà mày đốt tao hoài vậy ?
Tôi bỏ công cả tuần lễ để truy tìm tông tích Kiến Lửa nhưng chẳng có kết quả gì. Tôi hỏi dò nhiều đứa nhưng chẳng đứa nào biết Kiến Lửa là ai . Đứa biết thì lại không chịu hé miệng. Kẹt quá, tôi đành hạ mình đi hỏi Kim Liên. Nó sầm mặt vẻ quan trọng:- Đó là bí mật báo chí, tôi không nói được !
Tức thiệt tức !
Cho đến hôm học môn hóa của cô Hết thì bí mật mới tình cờ “bật mí”.
Nhỏ Kim Hà, sau khi lên bản trả bài xong, lúc về chổ ngồi chợt làm rơi một tờ giấy trong tập xuống đất. Nó cúi xuống chưa kịp lượm thì thằng Chí ngồi đầu bàn đối diện đã nhanh tay chộp lấy . Kim Hà đòi cách gì nó cũng không chịu trả. Cũng như tôi, Chí vốn không ưa Kim Hà. Nó có tật bép xép, hay nói chuyện trong lớp, còn Kim Hà là lớp phó trật tự cho nên nó bị Kim Hà “chiếu tướng” luôn.
Đọc xong tờ giấy, Chí vo tròn lại, ném xuống chỗ tôi . Tôi tò mò giở ra coi . Thì ra đó là bản nháp của bài thơ “Nhắn ai”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.