Đọc truyện Bạch Cốt Đạo Cung – Chương 47: Chẳng hay chẳng biết (Phần Hạ)
Dịch: Hoa Gia Thất Đồng
Thanh Dương muốn hợp nhất oán ma pháp châu với pháp trụ một cách triệt để. Thần thức của y bấy giờ đã chìm sâu vào trong oán ma pháp châu và pháp trụ, ấn phù chưởng môn cũng được y khắc vào bên trong pháp châu.
Bên trong vùng không gian mờ mịt của oán ma pháp châu, một vệt ấn phù sắc trắng lan tỏa hào quang từng đợt. Cùng với sự xuất hiện của ấn phù, linh khí vàng rực trong lòng oán ma pháp châu bỗng phát sinh biến hóa, dần dần chuyển thành màu bạc.
Thần thức của Thanh Dương bấy giờ đã hoàn toàn chìm đắm vào trong quá trình luyện hóa linh lực này.
Trong núi bấy giờ, sau khi được cho uống kim đan, Tung Dương và Trầm Dương đã tỉnh lại, thương thế cũng dần trở nên tốt hơn. Sau khi hồi tỉnh, hai người chỉ chú tâm đả tọa tu luyện, một lòng muốn khôi phục linh lực của Thiên Diễn Đạo Phái.
Ở yên bên trong tòa Thiên Diễn Đạo Cung ngưng kết thành từ linh lực của ngọn núi này, mấy người bọn họ tập trung khai thông thần thức, tồn tưởng dưỡng thần, nhả nuốt linh lực (1). Những phương pháp này có thể giúp nâng cao tu vi của mỗi người, cũng có thể nâng cao linh lực của toàn môn phái.
Linh lực của ngọn núi này tuy đã bị Thanh Dương bó buộc, ngưng kết thành tòa đạo cung; song linh lực ấy vẫn là linh lực của núi non, chứ chẳng thể trở thành linh lực của Thiên Diễn Đạo Phái. Thanh Dương hiện đang luyện hóa linh lực trong lòng oán ma pháp châu; những người khác thì đang bắt đầu luyện hóa linh lực của ngọn núi, bằng việc hấp thu linh lực trong núi, sau đó thì luyện hóa và nhả linh lực trở ra. Bọn họ là đệ tử Thiên Diễn, trong cơ thể đương nhiên có ấn phù của Thiên Diễn Đạo Phái. Cứ việc tiến hành hấp thu và nhả linh lực như thế, linh lực trong núi ắt sẽ phát sinh biến hóa: Linh lực vốn có của thiên địa nay đã trở thành linh lực của Thiên Diễn Đạo Phái. Linh lực ấy lại quấn quanh pháp trụ rồi hợp nhất với pháp trụ.
Pháp trụ của Thiên Diễn Đạo Phái đâu chỉ ràng buộc pháp ý, mà cũng chứa đựng cả linh lực.
Mà bất luận là lực lượng nào, cũng đều vô hình vô chất, chỉ có thể cảm nhận, chứ chẳng thể trông thấy; hay nói đúng hơn, phàm nhân sẽ không nhìn thấy được. Một khi linh lực đã quấn vào pháp trụ thì sẽ trở thành linh lực của Thiên Diễn Đạo Phái. Đệ tử mới nhập môn chỉ cần đem thần hồn của mình ký thác vào bên trong pháp trụ, thì theo quá trình tu luyện, ắt sẽ đạt được pháp thuật cùng với linh lực.
Bất luận đệ tử ấy đi đến đâu, chỉ cần người đó không chết, hoặc pháp trụ của sư môn không diệt, thì linh lực trên người đệ tử này sẽ không thất tán. Mà việc thi triển pháp thuật thông qua linh lực của sư môn cũng nhẹ nhàng hơn nhiều: Khi lượng linh lực đã hòa vào trong pháp trụ quay trở lại nhục thân của kẻ tu hành, linh lực ấy đã có thêm sự thần diệu khác. Ví như, linh lực của Thiên Diễn Đạo Phái hàm chứa pháp ý thiên lôi, có thể đề phòng thiên ma hay tà ma ngoại đạo thâm nhập vào tâm. Đây là linh lực hộ thân, đại đa số các môn phái đều có.
Nhưng trong số các đệ tử lại có một người chẳng hề tu luyện chi, hay nói đúng hơn, phương thức tu luyện của người này không như các đệ tử khác. Ngày quay ngày, nàng ta chỉ ôm kiếm ngồi trên nóc đạo quán mà ngắm nhìn nhật nguyệt trên cao.
Linh lực của nàng đến từ thanh kiếm trong tay mình, thần ý của nàng cũng đã bện chặt với thanh kiếm này từ lâu. Thanh Dương nào biết, kỳ thực, thanh kiếm ấy đã được nàng cầm theo ngay từ lúc lọt lòng mẹ.
Trong tâm khảm nàng lúc nào cũng có một ý nghĩ cùng lòng tin, rằng mình chẳng phải là một kẻ tầm thường; rồi sẽ có một ngày, nàng ắt có thể tung hoành thiên hạ.
Một người hiện ra bên cạnh nàng – người này chính là Trầm Dương.
Thiên Diễn đạo quyết bao hàm vạn tượng, nên không phải ai cũng có thể thấu triệt được hết. Trong số các sư huynh sư đệ, Thanh Dương là người am hiểu Thiên Diễn đạo quyết đến chỗ thâm sâu nhất. Còn Tung Dương lại chỉ tu luyện một môn đạo quyết duy nhất trong số các môn đạo quyết của Thiên Diễn, gọi là “Lôi đình bào hao” (Sấm chớp gầm vang). Đây là pháp môn cận chiến, có thể giúp người thi triển hóa thân thành gấu lớn thời viễn cổ, hô sấm gọi chớp.
Trầm Dương lại tu luyện “Thiên lôi kiếm chú”, một môn đạo quyết hợp nhất kiếm thuật cùng lôi chú lại làm một. Tương tự đạo quyết mà Tung Dương tu luyện, đây cũng là một pháp môn cận chiến, cũng có thể một kiếm hóa thiên lôi, truy sát địch nhân ngoài vạn dặm.
Gã xuất hiện bên cạnh Phong Lăng. Từ sau khi tỉnh lại, được biết nàng là đệ tử của Thanh Dương, lại yêu kiếm, Trầm Dương bèn chủ động gánh vác trách nhiệm dạy dỗ, dẫn dắt nàng. Gã đồng thời biết được Phong Lăng là đệ tử hộ phái. Phàm là đệ tử hộ phái của một môn phái, đa phần đều là kẻ trời sinh đã có tài năng đặc biệt, chẳng hạn như Phong Lăng.
“Sư thúc, có một câu hỏi trước giờ vẫn luôn lởn vởn trong đầu điệt nhi, nay muốn xin sư thúc giải đáp giúp.”
Mấy ngày nay, lời ăn tiếng nói của Phong Lăng cũng trở nên lễ độ hơn mấy phần, đã chẳng còn như trước, hễ nghĩ đến chuyện gì liền mở miệng hỏi thẳng thừng.
“Khi trong lòng có điều nghi vấn, có người sẽ tự mình đi tìm lời giải. Những người này hoặc là ngộ tính tuyệt vời, chẳng hạn như sư huynh; hoặc là tâm địa nhỏ hẹp, e sợ khi cất lời hỏi, người khác sẽ chẳng trả lời. Hai kiểu người này tuy biểu hiện thì giống nhau, song bản chất lại bất đồng. Nay sư điệt có thể hỏi ra chuyện trong lòng mình nghi vấn, quả thật rất tốt.”
Trầm Dương là một người thoạt trông thì có vẻ điềm tĩnh, thanh tịnh, tướng mạo bình thường không có chi đặc biệt; người khác cũng chẳng thể nhìn ra được tuổi tác của gã. Song, con người bình thường ấy lại tu luyện “Thiên lôi kiếm chú”; trước khi Thiên Diễn Đạo Cung sụp đổ, chính gã là người đã độn trong roi chớp của Linh Thông Tử, tay vung pháp kiếm, sát ý đằng đằng. (2)
“Khi còn ở nhân gian, điệt nhi vẫn thường nghe, kẻ tu hành không được để tâm đến ngoại vật, tu hành là việc riêng của mỗi cá nhân. Nhưng khi lên đến cửu thiên này, điệt nhi lại trông thấy mỗi môn phái đều phải ngưng tụ linh lực cùng pháp ý, mỗi đệ tử mới nhập môn đều có thể đạt được linh lực và pháp thuật một cách dễ dàng. Như thế này, thật sự có lợi cho chuyện tu hành hay sao?”
Nghe được lời ấy, Trầm Dương lập tức đáp:
“Tu hành quả thực là chuyện riêng của mỗi người, thế nên mới có sự tồn tại của môn phái. Chỉ khi gia nhập môn phái, người ta mới có thể không lãng phí thời gian luyện hóa linh lực trong trời đất để dùng cho chính mình, cũng không cần vắt óc suy ngẫm pháp thuật.
Kẻ tu hành chỉ cần tu luyện chính mình là được, còn pháp thuật, linh lực, hết thảy những thứ này sư môn đều có sẵn. Đó đều là ngoại vật, chúng ta cần thì lấy, không cần nữa thì buông xuống; tuy nhiên, những thứ này lại không thể không có. Vậy nên các môn phái hiện tại đều y như vậy.”
“Vậy rốt cuộc chúng ta đang tu hành cái gì?” Phong Lăng hỏi tiếp.
“Thứ mà mỗi người tu luyện không giống nhau, như sư thúc tu luyện ‘Thiên lôi kiếm chú’ vậy.”
Lời đáp này của Trầm Dương lại chẳng phải câu trả lời mà Phong Lăng mong muốn. Nàng không tin Trầm Dương không nghe ra được ý tứ của mình, song Trầm Dương lại đáp một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng như thế, khiến Phong Lăng bất giác phải đưa mắt nhìn sư thúc. Bấy giờ nàng mới nhận ra ánh mắt của Trầm Dương lại trong trẻo như thế.
Bấy giờ, Trầm Dương lại nói tiếp:
“Năm đó, sư phụ hỏi ta muốn trường sinh hay muốn tiêu dao tự tại, ta đã trả lời rằng, nếu trong lòng không khoái chí, thì dẫu có thọ ngang trời đất cũng chẳng có nghĩa lý gì. Người ta sống trên đời, nhất định phải vui vẻ. Sau đó sư phụ đã cho ta “Thiên lôi kiếm chú” để tu luyện. Người nói, kiếm có thể trảm yêu diệt ma, lôi chú có thể thanh tẩy tâm hồn; gặp phải chuyện không vui thú hoặc kẻ phiền phức, thì cứ ngự kiếm hóa thiên lôi, sảng khoái không gì bằng.”
Trước nay Trầm Dương tu hành một cách đơn thuần như thế, không có đại đạo lí thế này thế kia, cũng chẳng có lấy những lời huyền ngôn diệu ngữ, “huyền chi hựu huyền” này nọ; có chăng gã chỉ mong, sau khi công phu thành tựu rồi, mình có thể du ngoạn khắp thế gian. Việc tu hành của gã đơn giản, mà tâm hồn của gã cũng vậy, trong trẻo thuần khiết, chẳng mang gánh nặng, cũng chẳng câu nệ, chấp nhất điều gì.
Phong Lăng phát hiện ra, dường như cảnh giới của vị sư thúc Trầm Dương này đã rất cao.
“Người luyện kiếm chẳng phải nên như thế sao?” Phong Lăng thầm nghĩ trong lòng.
“Nếu nói về thiên tư tu hành, thì trong số các sư huynh đệ hàng chữ Thanh bọn ta, Thanh Dương sư huynh là người giỏi nhất. Thậm chí trong các vị tiền bối thuộc các hàng chữ trước, cũng không có người so được với sư huynh. Thanh Dương sư huynh chỉ có thể tu Đạo; nhưng ta thì không được, thiên tư ta tầm thường, cái gì cũng tầm thường, thế nên bất tất phải nghĩ ngợi cái gì tu trì đại Đạo, cái chi tu tâm tu pháp… Chỉ việc tu luyện pháp môn của mình là được, có thể tu luyện được mấy phần thì hay mấy phần.” Trầm Dương nói.
Phong Lăng giật mình, bèn nói:
“Biết đâu chừng sư thúc đã bước lên đại Đạo.”
“Ta không biết cái gì mới gọi là tu Đạo, ta cũng chưa từng nghĩ mình đang tu Đạo.”
Có lắm khi, kẻ ôm khư khư mục đích khi làm việc gì, lại thường khó có thể đạt đến mục đích của mình. Như việc tu Đạo, nếu cứ cho mình đang tu Đạo, thì thông thường lại còn cách đại Đạo xa lắm…
– —————————————————–
Chú thích của người dịch:(1) “Khai thông thần thức”: nguyên văn Hán Việt là “câu thông long hổ”. Theo cách nói của Đạo gia, “long hổ” có thể dùng chỉ hai thành tố nước và lửa, tương ứng với nguyên thần và nguyên khí, cũng có thể dùng chỉ tâm thức, thần thức của con người.
“Tồn tưởng dưỡng thần”: (Xem lại phần Thượng chương 45)
(2) Đoạn Trầm Dương độn trong roi chớp của Linh Thông Tử cũng là một đoạn đặc sắc, các đạo hữu nếu muốn xem lại có thể tìm trong chương 31 (chương 5 quyển 2), “Lửa tàn gượng cháy, vẫn rực phong quang”.