Đọc truyện Bạch Cốt Đạo Cung – Chương 22: Bình Tứ Hải
Dịch: Hoa Gia Thất Đồng
***
“Thanh Dương đạo huynh, xin huynh giải trừ pháp chú trên người Lưu Vân sư huynh cho.” Thái Vân tiên tử nói bằng giọng lãnh đạm, trong giọng nói ẩn chứa ý ra lệnh, khiến người khác không thể cự tuyệt.
Gương mặt nàng tràn đầy vẻ lạnh lùng, đôi mắt nàng dán chặt vào Thanh Dương Tử. Lời nói lạnh lẽo lại cứng rắn ấy của Thái Vân khiến những tu sĩ đã được thu nhận làm đệ tử của Thương Lãng Kiếm Cung có phần an tâm hơn. Vừa nãy, trông thấy uy thế bức người của Thanh Dương Tử khi biến Lưu Vân thành tượng cát, mấy người bọn họ đều nảy sinh một ý nghĩ, rằng Thương Lãng Kiếm Cung chẳng qua cũng chỉ có thế.
Nhưng lời nói của Thái Vân tiên tử đã khiến họ khôi phục được niềm tin của mình đối với Thương Lãng Kiếm Cung.
“Khi nãy Lưu Vân Chân Nhân chẳng qua chỉ là sơ suất mà thôi…” Không ít người thầm nghĩ như vậy.
Trông thấy chiếc bình Tứ Hải trên tay Thái Vân tiên tử, Thanh Dương Tử có phần ngạc nhiên. Y nói: “Bình Tứ Hải, không ngờ cô lại đem món linh bảo này xuống đây.”
Thái Vân kiêu kỳ đáp:
“Thanh Dương đạo huynh, tuy thứ pháp thuật mà huynh tu luyện hai mươi năm nay khiến ta cảm thấy kinh ngạc đấy, nhưng huynh chắc chắn không thể chống lại được bình Tứ Hải này.
Đã bị trục xuất khỏi Thiên Diễn Đạo Phái, huynh còn trở về làm gì? Chẳng bằng ở lại nhân gian này khai tông lập phái, đến khi có được đệ tử ưu tú rồi, bấy giờ có thể đưa chúng đến Thiên Diễn Đạo Phái. Nếu Thiên Diễn Đạo Phái khi ấy không còn tồn tại, Thương Lãng Kiếm Cung sẵn lòng thu nhận những đệ tử mà huynh tiến cử đó.”
Thứ phong thái ngạo nghễ xuất phát từ đại môn đại phái ấy được phơi bày không chút giấu diếm qua lời của Thái Vân. Có người thậm chí còn cảm thấy đệ tử của Thương Lãng Kiếm Cung thật là khoan dung độ lượng.
Dung Dương đang định mở miệng nói gì đó, nhưng rồi nàng miễn cưỡng dằn lại. Nàng muốn nói, có người của Thương Lãng Kiếm Cung đã dùng kiếm chém phăng một tòa điện thứ yếu của Thiên Diễn Đạo Phái, lại xóa đi cả pháp phù mà Thiên Diễn Đạo Phái lưu lại trên Kim Kiều.
Tuy nhiên, khi trông thấy bình Tứ Hải trên tay Thái Vân tiên tử, Dung Dương cảm nhận được miệng bình bấy giờ đang tỏa ra một thứ sức mạnh bá đạo. Sức mạnh ấy sục sôi, khiến nàng phải thu ngay những lời đang định nói, bởi nàng hiểu rõ tính cách của sư huynh mình: Nếu huynh ấy biết được những chuyện này, chắc chắn sẽ không dễ dàng bỏ qua. Bình Tứ Hải trên tay Thái Vân là bảo vật tiếng tăm lẫy lừng của Thương Lãng Kiếm Cung, Thanh Dương sư huynh sao có thể ngăn nổi bình ấy.
Ngộ Chân của Pháp Hoa Mật Tông bấy giờ cũng cất tiếng, cười mà nói:
“Phải ha, Thanh Dương, ngươi đã không còn là người của Thiên Diễn Đạo Phái, hà tất phải cuốn mình vào trong vòng nhân quả. Ở lại nhân gian khai tông lập phái, cũng có thể coi là một chuyện hay đó. Các đệ tử của ngươi về sau, nếu Thương Lãng Kiếm Cung không cần, thì Pháp Hoa Mật Tông bọn ta sẽ thu nhận.”
Vị đệ tử này của Pháp Hoa Mật Tông tên gọi Ngộ Chân. Tuy gã ngang hàng với Thanh Dương Tử; nhưng vì Thanh Dương Tử là thủ tịch đệ tử (đệ tử đứng đầu phái), được chân truyền của Chưởng môn, nên địa vị của Ngộ Chân kém hơn hẳn so với Thanh Dương Tử. Thế mà bấy giờ gã lại gọi trực tiếp tên của Thanh Dương Tử, chẳng những không có chút ý tôn trọng, mà ngược lại còn tỏ vẻ cao cao tại thượng, như thể bậc trưởng bối đang nói chuyện với kẻ hậu bối vậy.
“Ha ha,” Thanh Dương Tử cười lớn. Tiếng cười ấy khiến vẻ kiêu ngạo của Ngộ Chân nguội đi. Năm đó gã không gặp được Thanh Dương Tử, chỉ nghe kể về sự thể hiện của y, vậy nên trước nay gã đều không coi Thanh Dương Tử ra gì.
“Bình Tứ Hải tuy là món linh bảo phi phàm, nhưng cũng không thể làm gì được ta.” Lời Thanh Dương Tử vừa buông, tay phải của y đã vươn ra từ trong tay áo. Trong lòng bàn tay chỉ có bốn ngón ấy dâng dậy một mảng ánh sáng vàng rực. Liền sau đó, một viên minh châu màu vàng đất xuất hiện trong lòng bàn tay của y.
Nếu định thần nhìn kỹ viên minh châu ấy, sẽ thấy dường như ánh sáng ẩn chứa bên trong viên minh châu có thể hút lấy linh hồn người. Viên minh châu tỏa ra một sự quyến rũ kỳ bí.
Khi viên minh châu xuất hiện trong tay Thanh Dương Tử, Thái Vân lập tức cảm nhận được pháp ý cùng linh lực đang sôi trào bên trong pháp bảo ấy.
Thanh Dương Tử nhìn chăm chăm vào viên oán ma pháp châu đang lơ lửng trong tay mình, trầm giọng nói: “Minh châu này gọi là oán ma pháp châu, là pháp bảo mà ta tế luyện được từ hoang mạc nhân gian.”
Y không còn tự xưng là “bần đạo”, mà xưng “ta”.
“Thanh Dương đạo huynh, huynh muốn ngăn bình Tứ Hải bằng vào pháp bảo này sao?” Thái Vân thoáng ngừng một lát, rồi lại lạnh lùng nói: “Nếu đã như thế, vậy đành để huynh tận mắt chứng kiến uy lực của bình Tứ Hải này vậy, để huynh hiểu, đây không phải là thứ mà pháp bảo do người ở hạ giới tùy tiện chế luyện thành có thể chống đỡ nổi.”
Thái Vân vừa dứt lời, thân hình của nàng đã vút lên thật cao giữa không trung. Tà áo nàng phấp phới, bình Tứ Hải trong tay nàng phớt hiện một tầng ánh sáng màu xanh ngọc. Cùng lúc đó, bình trở nên to dần.
Thái Vân đỡ lấy chiếc bình, liền đó nghiêng đi. Một dòng nước sóng sánh màu xanh ngọc chảy ra ngoài; chính trong sát na đó, bọt nước bị gió thổi tan tác, hóa ra sóng bạc. Sóng bạc nở hoa, cuộn trào giữa hư không, tạo thành sóng cả. Sóng cả từng luồng, từng luồng dội thẳng xuống mặt đất. Mỗi luồng sóng đều chưa kịp chạm đến mặt đất đã khuếch tán rộng ra, hình thành nên một mặt hồ lớn chênh chếch trút xuống.
Gió nổi.
Mặt hồ tựa ngân hà, chao nghiêng mà đổ ập, chỉ trong chớp mắt đã nuốt lấy cả Lạc Hà Sơn.
Cũng chính vào lúc này, Thanh Dương Tử quăng oán ma pháp châu trong tay đi. Pháp châu vừa lóe lên đã bật đến giữa không trung, cuộn dậy một tầng ánh sáng vàng rực. Ánh hoàng quang đỡ lấy luồng sóng dữ đang ập xuống.
Sở dĩ bình ấy có tên gọi bình Tứ Hải, chẳng phải vì nó chứa đựng nước từ bốn bể, mà là bởi nó dung nạp sức mạnh của bốn bể. Sức mạnh đó nếu trút xuống, bất luận là núi đồi hay đại địa, đều phải sụp đổ, chôn vùi.
Nhưng sức mạnh tuôn trào từ bình Tứ Hải bấy giờ lại bị ánh hoàng quang tỏa ra từ oán ma pháp châu cản lại.
Uy lực thực sự của pháp châu ấy không phải ở linh lực hàm chứa bên trong, mà là ở sự huyền diệu kỳ bí hình thành nên từ sự dung hòa giữa pháp ý huyễn – không cùng với oán ma bên trong pháp châu.
Cái gọi là “huyễn” pháp, thường bị người tu hành cho là thứ pháp ý vô dụng nhất, song lại cũng có người cho đó là thứ pháp ý khó lường nhất. Kẻ có được pháp ý này, hoặc sẽ trở thành tu sĩ huyễn thuật tầm thường, chỉ có thể thi triển một vài thứ huyễn thuật để mê hoặc, biến đổi con người; hoặc sẽ trở nên phi phàm vô song, có thể biến hư ảo thành chân thực, khiến lòng người sinh huyễn tướng, có đề phòng cũng không xong. Thảng hoặc, có kẻ lĩnh hội được pháp trận và các thứ thần thông, lại càng trở nên kỳ bí khôn lường.
Nếu chỉ là huyễn tướng đơn thuần, thì rất khó có thể làm tổn thương những người tu hành chân chính. Lưu Vân bị phong ấn vào trong bức tượng cát, một là vì hắn sơ suất, hai là bởi huyễn tướng mà Thanh Dương Tử tạo ra không phải là huyễn tướng đơn thuần: Bằng vào một thứ pháp ý khác mà oán ma pháp châu hàm chứa – “không” pháp, y đã thi triển nên một thứ thần thông có thể giam hãm thân, tâm người.
Đây là thứ thần thông mà y vừa có được trong mấy ngày gần đây, qua sự cảm ngộ pháp ý “không” bên trong oán ma pháp châu. Pháp thuật này gọi là “Huyễn ma phong tâm chú”, dùng chính sự bí hiểm của oán ma, kết hợp cùng với huyễn tướng, để phong ấn thần niệm của Lưu Vân vào trong cõi hư vô.
Dung Dương và Mộc Dương đều ngẩng đầu nhìn màn sóng đã phủ kín một vùng trời, che lấp cả mặt nhật ấy. Trông thấy oán ma pháp châu đang không ngừng hạ xuống, hai người đều thấp thỏm trong lòng. Cả Dung Dương và Mộc Dương đều có ý muốn giúp Thanh Dương Tử một tay, nhưng tiếc rằng lại lực bất tòng tâm. Hết thảy thực lực của đệ tử Thiên Diễn Đạo Phái đã bị tổn thất không ít: Nếu là trước đây, họ tuyệt nhiên không sợ hãi mấy người bọn Lưu Vân, thì nay lại không còn là đối thủ của đệ tử Thương Lãng Kiếm Cung nữa. Bằng không, Lưu Vân ắt cũng chẳng nằng nặc đòi đấu pháp với hai người họ.
“Sư huynh, bình Tứ Hải này là một trong ba món bảo vật chính yếu của Thương Lãng Kiếm Cung. Chẳng bằng huynh đi trước đi, chớ có lo cho Mộc Dương sư huynh và muội.” Dung Dương cất tiếng. Nàng cho rằng Thanh Dương Tử sư huynh vì giận dữ trong lòng, lại vì thể diện, nên vừa nãy mới thốt lên những lời như thế.
Mộc Dương đứng cạnh nàng, bấy giờ mới lên tiếng:
“Thanh Dương sư huynh há lại là hạng người ăn nói càn rỡ. Hai mươi năm trước, huynh ấy là kiểu mẫu hoàn hảo của đệ tử các phái. Hai mươi năm sau, sư huynh đã quay lại, thì một Thái Vân kia làm sao có thể là đối thủ của huynh ấy.”
“Nhưng mà, bình Tứ Hải đó…”
Vừa dứt lời, Dung Dương đã trông thấy một con quái vật chui ra từ trong lòng oán ma pháp châu. Đầu quái vật trông tựa một cái đầu kỳ đà khổng lồ, thân nó tựa cá, bốn móng vuốt như vuốt ưng, trán trổ độc một cái sừng. Khi cái miệng khổng lồ của nó gầm vang, hai hàm răng sắc bén lộ ra, trông tựa hai hàng móc câu treo ngược.
Quái thú ngửa mặt lên trời gầm một tiếng – tiếng gầm thinh lặng tựa như trôi tuột vào hư vô. Sau đó, nó biến mất ngay trước mắt đám đông, nhưng rồi lại xuất hiện chính trong tâm họ, bao gồm cả Mộc Dương và Dung Dương: Kể từ khi Thiên Diễn Đạo Phái gặp nạn, tâm trí của hai người cũng không thể nào thanh tịnh được nữa, thế nên oán ma mới đó đã có thể xâm nhập vào tâm họ.
“Là oán ma.” Ngay khi oán ma hiển hóa trong tâm mình, hai người tức khắc nhận ra đó là gì. Tuy linh lực trên người Mộc Dương và Dung Dương đã yếu đi rất nhiều, song tu vi về mặt thần thức cùng tâm ý của họ vẫn còn nguyên đó.
Trong tâm họ xuất hiện một tia chớp nhằm thẳng về phía oán ma. Tia chớp đó chính là “Hộ tâm lôi chú”, là thứ lôi chú mà đệ tử Thiên Diễn Đạo Phái chuyên dùng để diệt trừ tâm ma. Một pháp ý khác tương hợp cùng “Hộ tâm lôi chú” này là “Cửu tiêu thiên lôi chú”, uy lực mạnh mẽ vô song, có thể công kích vạn vật. Chỉ có đệ tử của Thiên Diễn Đạo Phái mới có thể tu luyện “Hộ tâm lôi chú” ấy: Chính trong khoảnh khắc Thanh Dương Tử bị trục xuất khỏi sư môn, Hộ tâm lôi chú của y đã tiêu tan.
Oán ma trong lòng Dung Dương và Mộc Dương bị Hộ tâm lôi chú đánh tan. Cũng giống hai người, trong tâm Thái Vân tiên tử bấy giờ cũng có oán ma xuất hiện. Nàng thoáng khiếp hãi trong lòng: Đối với kẻ tu hành mà nói, thiên ma luôn là một sự tồn tại cấm kị; các môn các phái đều trang bị pháp thuật để đề phòng thiên ma xâm nhập vào tâm địa, hoặc có tâm chú để diệt trừ thiên ma. Tuy vậy, vẫn thường nghe nói có tu sĩ bị thiên ma ngốn mất tâm thức, tu vi trăm năm chỉ trong một đêm hóa thành hư ảo.
Ngay khi oán ma xuất hiện trong lòng Thái Vân, một đường kiếm quang xẹt lên, chém phăng đầu của oán ma. Oán ma đang gầm gừ, bị một kiếm ấy bạt đứt đầu, đã hóa ra mây khói chỉ trong chớp mắt.
Luồng kiếm quang đã chém bạt đầu oán ma kia chính là tâm kiếm mà mỗi đệ tử của Thương Lãng Kiếm Cung khi nhập môn đều phải tu luyện. Tâm kiếm ấy nếu luyện thành, thì có thể chém bạt vọng niệm và tâm ma trong lòng, đồng thời, có thể phối hợp cùng pháp kiếm để tu luyện thuật ngự kiếm.
Lúc này, sát ý trong lòng nàng lại càng thịnh.
Nàng luôn cho rằng, cho dù Thanh Dương Tử trở về, cũng không có cách gì để xoay chuyển tình thế của một Thiên Diễn Đạo Phái đang sắp lụi tàn. Nhưng bây giờ, trước uy thế mạnh mẽ mà Thanh Dương Tử biểu lộ, Thái Vân nhận thấy, sớm diệt trừ kẻ này vẫn là tốt nhất. Bởi lẽ, Thương Lãng Kiếm Cung và Thiên Diễn Đạo Phái quả thực đã kết thành mối đại thù, thế nên nếu có thể khiến Thanh Dương Tử chết đi vẫn tốt hơn; cho dù không giết được y, thì cũng phải khiến y không về được Thiên Diễn Đạo Phái.
Tâm kiếm vẫn vờn qua lượn lại trong tâm Thái Vân. Chỉ cần có điều chi dị thường, kiếm ấy sẽ chấn động, trảm tan vọng niệm và ma ý xâm phạm vào tâm nàng.
Đối với kẻ tu hành, tâm mới là gốc rễ, là nguồn cội. Chỉ khi nội tâm thanh tịnh, mới có thể đạt đến cảnh giới vạn pháp do tâm.
Bình Tứ Hải trong tay Thái Vân bấy giờ vẫn đang trút nghiêng nghiêng xuống. Nước biển trào ra từ bình không vùi lấp hết mặt đất: Sau khi rời khỏi đỉnh của ngọn Lạc Hà, số nước ấy bỗng nhiên tan tác, hóa thành mưa to.
Đôi mắt thái hồng của nàng nhìn chăm chăm vào cặp mắt của Thanh Dương Tử. Từ đôi mắt của nhân vật từng lẫy lừng một thời ấy, sát ý dâng trào, khiến nàng không khỏi kinh sợ trong lòng. Khi ánh mắt hai người chạm nhau, Thái Vân cảm thấy sát ý như xuyên thủng hư không mà đâm thẳng vào tâm mình.
“Dẫu năm ấy ngươi có thiên tư trác tuyệt đến đâu đi chăng nữa, thì hôm nay ngươi cũng phải vùi thây ngay tại nơi này. Dưới bình Tứ Hải, ngươi lại có thể cầm cự được thời gian bao nhiêu nhịp thở?” Thái Vân nghĩ trong lòng.
Thế nhưng chính vào lúc đó, nàng lại có cảm giác tựa như khi huyết đang sôi trào. Cảm giác ấy vừa xuất hiện, nàng liền cả kinh, vội nhiếp tâm quán chiếu lòng mình.
Thứ mà nàng trông thấy ở một nơi thật sâu bên trong tâm khảm mình, là một Thái Vân khác đang cầm kiếm, nhằm thẳng vào chính mình mà đâm tới…
Hiện tại Thất Đồng có điều chỉnh đôi chỗ cho bản dịch của các chương trước.