Bạn đang đọc Bắc Thành Có Tuyết FULL – Chương 8: Hoa Nở Về Đêm
Trong khoảng thời gian Tống Mãn nằm viện, Đàm Yến Tây vẫn thường xuyên lui tới nhưng không ở lại lâu lắm, cùng Chu Di nói được vài câu đã vội đi.
Lúc này Chu Di cũng ý thức được, lần trước cô để Đàm Yến Tây đợi ở đây sáu tiếng đồng hồ là một điều hết sức xa xỉ.
Thôi Giai Hàng và Trình Nhất Niệm thỉnh thoảng đến thăm, còn có bạn học cấp ba của Tống Mãn – tên là Bạch Lãng Hi, người cũng như tên rộng rãi ôn hòa, bẩm sinh cao gầy trắng trẻo.
Đích thị là nam chính trong mấy bộ shoujo manga.
(manga: truyện tranh Nhật Bản.
shoujo: thể loại manga dành cho thiếu nữ.)
Cậu ấy mặc bộ đồng phục màu xanh và trắng phối với áo khoác đen bên ngoài, tay cầm theo một bó tulip vàng chưa nở xen kẽ cùng lá bạch đàn, ngại ngùng gọi “Tiểu Mãn”.
Chu Di chưa bao giờ biết Tống Mãn có một người bạn học như vậy, càng không biết được thì ra đứa em suốt ngày ồn ào của mình còn có một mặt thẹn thùng thiếu nữ như thế.
Tống Mãn ngồi trên giường bệnh vẽ tranh để giết thời gian, Bạch Lãng Hi ở bên cạnh xoay người lại nhìn.
Bạch Lãng Hi hỏi: “Lúc khai giảng cậu có thể nhập học lại không?”
Tống Mãn nói: “Mình không biết nữa, còn phải xem tình hình phục hồi, nhưng trên lý thuyết thì có thể.”
Bạch Lãng Hi nói: “Tranh cậu vẽ đẹp lắm.”
Tống Mãn nói: “Làm gì có.
Lâu nay mình không cầm bút nên lụt nghề rồi.”
Bạch Lãng Hi nói: “Chỗ nào đâu? Để mình xem.”
“Ở đây này.”
Tống Mãn chỉ vào đầu bút của mình, Bạch Lãng Hi càng tiến lại gần hơn.
Hai cái đầu khẽ đụng vào nhau rồi lại nhanh chóng tránh đi, khá lộ liễu nhưng lại rất thận trọng.
Chu Di ở bên cạnh nhìn đến buồn cười, bỗng nhiên cảm giác mình là một cái bóng đèn thừa thãi.
Ở lại gần một tiếng, buổi chiều Bạch Lãng Hi còn có tiết nên phải đi ngay, trước khi đi còn hỏi Chu Di: “Chị Chu Di ơi, lúc Tống Mãn xuất viện có cần giúp đỡ gì không ạ?”
Chu Di nói: “Không cần đâu, chị đã liên hệ với bạn bè ở đây đến giúp rồi.”
Cô trông thấy vẻ mặt buồn bã của Bạch Lãng Hi, cảm giác như mình là kẻ tội đồ chia rẽ uyên ương vậy.
Cô không đành lòng xua tan đi sự nhiệt tình của bạn nhỏ này nên nói: “Nghỉ đông nếu có thời gian thì đến nhà chị chơi nhé.”
Nhưng Tống Mãn đột nhiên cất cao giọng: “Mình… Đến lúc đó bọn mình vẫn là đi ra ngoài chơi đi, không phải lúc nghỉ đông muốn xem phim sao, bọn mình đi xem phim nhé.”
Chu Di chưa nói, chỉ là tốc độ hồi phục sau phẫu thuật của em khá chậm, còn đi ra ngoài xem phim nữa, liệu mạng nhỏ có giữ được không?
Nhưng cô hiểu được những suy nghĩ cẩn thận của em gái mình rằng cô bé không muốn bạn cùng lớp đến nhà.
Cô cười cười, thuận theo lời em gái nói với Bạch Lãng Hi: “Trong nhà quả thật không có gì chơi.
Đến lúc đó các em tự mình quyết định nhé.”
Sau khi Bạch Lãng Hi đi, Chu Di nói với Tống Mãn: “Chị không ngăn cản em yêu sớm, nhưng em tốt xấu gì cũng nên báo cho chị một tiếng chứ.”
“Ai yêu sớm đâu, em và cậu ấy không có gì cả.
Nếu có gì đó thật thì em nhất định sẽ nói với chị.
Chị cho rằng em giống như chị, có chuyện gì cũng để ở trong lòng hay sao.” Tống Mãn siết chặt cây bút và cuốn sổ phác thảo trong tay, ra vẻ hờn dỗi.
Chu Di không nói nên lời.
Để có được một căn nhà ở Bắc Thành, người bình thường phải phấn đấu đến ba mươi năm.
Cô vừa mới đi làm không bao lâu, tiền lương để trang trải chi tiêu cho hai người không còn dư lại bao nhiêu.
Dù biết rõ hơn ai hết rằng căn phòng đang thuê quá tồi tàn, nhưng cô đã qua cái tuổi quan tâm đến những chuyện đó, còn em gái vẫn đang trong độ tuổi dậy thì.
Im lặng một hồi, Tống Mãn ấp úng xin lỗi: “Em xin lỗi, em không cố ý làm cho chị giận.”
Chu Di lắc đầu: “Không có việc gì đâu.”
–
Ngày xuất viện, Thôi Giai Hàng và Trình Nhất Niệm đều đến.
Chu Di nhờ hai người bọn họ ở lại phòng bệnh giúp đỡ Tống Mãn, còn bản thân thì đi thanh toán tiền viện phí.
Ở trong thang máy, cô nhận được tin nhắn Wechat từ Đàm Yến Tây, hỏi cô có cần anh gọi xe đến đón không.
Cô trả lời: Không cần, có hai người bạn đến đây hỗ trợ rồi.
Đàm Yến Tây chỉ trả lời duy nhất một chữ: Được.
Hai người bọn họ thật sự không thường xuyên nhắn tin qua lại trên Wechat, đều là những đoạn đối thoại giải quyết mấy việc chung chung như vậy, cảm giác mỗi lời nói ra đều có sự lưỡng lự ẩn sau câu từ khách sáo, ít nhất Chu Di chính là như vậy.
Đợi đến khi thanh toán xong viện phí, cô trở về phòng bệnh.
Thôi Giai Hàng và Trình Nhất Niệm dù chưa từng gặp nhau bao giờ nhưng lại trò chuyện rất hăng say, bởi vì Thôi Giai Hàng cảm thấy rất hứng thú với văn hóa ACG*, còn Trình Nhất Niệm lại học tiếng Nhật, vừa mới mở miệng đã bắt được chung tần số.
*ACG: là viết tắt của Anime – hoạt hình Nhật Bản, Comics – truyện tranh, và Games – trò chơi.
Xe đón lúc xuất viện là chiếc Toyota SUV mà Thôi Giai Hàng đã hỏi mượn người trong nhà.
Anh ấy lái xe, Trình Nhất Niệm ngồi ghế phụ, Chu Di và Tống Mãn ngồi ở phía sau.
Lúc đến khu nhà cô, Chu Di bảo Thôi Giai Hàng dừng xe ở giao lộ vì vào bên trong khó quay đầu.
Thôi Giai Hàng không tin, còn nói Tống Mãn vừa mới xuất viện không thể đi bộ, nhất định phải đi vào trong.
Hậu quả là lúc rẽ vào trong hẻm, dọc đường xe đạp và các loại xe điện chiếm hết cả làn đường, mười phút rồi vẫn chưa đi được một nửa.
Trình Nhất Niệm ở phía trước mở cửa xe, cười nói: “Ai đi vào con đường này cũng hối hận cả.
Anh đừng tiếp tục nữa, lui ra ngoài đi.
Bọn tôi xuống xe trước rồi đi bộ từ từ.”
Câu nói của Trình Nhất Niệm không có ý gì khác, nhưng Thôi Giai Hàng nghe được lại ngẩn người ra một lúc.
—— Anh đừng tiếp tục nữa, lui ra ngoài đi.
Thôi Giai Hàng lùi xe đến dừng ở giao lộ, rồi lại đi bộ vào trong hẻm nhỏ.
Chu Di dìu Tống Mãn đi rất chậm, anh ấy đi một lát là đuổi kịp.
Anh ấy nhìn qua hành lý mà Trịnh Nhất Niệm xách trên tay, đi đến gần nói: “Để tôi giúp.”
Trình Nhất Niệm đưa một vài thứ cho anh ấy.
Khu chung cư cũ cho thuê không có thang máy, cũng may là các cô ở lầu ba, ngày thường leo cầu thang coi như là rèn luyện thân thể.
Nhưng hôm nay Tống Mãn chưa lành bệnh, leo lên trên chẳng khác nào muốn đòi mạng, nhưng lại không thể cõng, bởi vì miệng vết thương nằm ở trên ngực.
Đi một bước nghỉ một bước, cuối cùng cũng vào đến cửa.
Tủ lạnh ở trong nhà còn có cả nguyên liệu nấu ăn, lúc này đã đến giờ ăn, Chu Di bảo Thôi Giai Hàng ở lại ăn cơm.
Cô đi xuống bếp, Trình Nhất Niệm cũng theo phụ giúp.
Không gian nhỏ hẹp, ngày thường bàn ăn đều được kê dựa vào tường, ba người dùng cũng vừa đủ.
Hôm nay có thêm một người nên bàn ăn hình vuông được kéo ra ngoài, lại lấy ra thêm một cái ghế.
Lúc ăn cơm, Thôi Giai Hàng nếm qua một miếng tôm sốt chanh (1) trước, tấm tắc khen ngon, hỏi Chu Di: “Món này cô làm hả?”
Trình Nhất Niệm cười nói: “Là tôi làm đấy.”
Chu Di nói: “Mấy món ăn ngon đều là do Nhất Niệm làm.
Tay nghề tôi rất kém cỏi.”
Thôi Giai Hàng cũng cười cười để bớt đi cảm giác lúng túng.
Đang ăn cơm, Thôi Giai Hàng hỏi: “Các cô ở xa như vậy, hẳn là phải đi làm rất sớm.”
Chu Di nói: “Vẫn ổn.
Bọn tôi cũng quen rồi.”
Trình Nhất Niệm hỏi: “Anh ở đâu vậy?”
Thôi Giai Hàng nói ra một cái tên.
Trình Nhất Niệm nói: “Tiền thuê ở đó hình như rất đắt?”
Chu Di nói: “Thôi Giai Hàng là người Bắc Thành, anh ấy ở cùng với ba mẹ.”
Trình Nhất Niệm gật gật đầu, “ồ” một tiếng kéo dài.
Ăn xong cơm trưa, Thôi Giai Hàng đi trước, quay về công ty tăng ca.
Chu Di dọn dẹp chén bát vào phòng bếp rửa, một lát sau Trình Nhất Niệm đến, vẫy vẫy di động cầm trên tay, cười nói: “Cậu có thể cho mình Wechat của Thôi Giai Hàng không? Anh ấy bảo mình tư vấn cho một vài khóa học tiếng Nhật nhập môn, vừa vội vàng đi mất rồi mà mình lại quên thêm Wechat.”
“Được.” Chu Di nói, “Đợi mình rửa chén xong đã.”
“Cảm ơn cậu.”
Trình Nhất Niệm không đi ngay, Chu Di quay đầu nhìn một cái, cảm thấy gương mặt cô ấy có vẻ do dự.
“Còn có chuyện gì sao?”
“… Không.” Trình Nhất Niệm cười cười, xoay người đi ra ngoài.
–
Còn hơn một tuần nữa mới nghỉ Tết dương lịch, Chu Di đã quay trở lại với công việc.
Mỗi ngày buổi sáng đều rời giường sớm hơn một tiếng, làm xong hết cơm trưa cơm chiều rồi bỏ vào trong tủ lạnh, để Tống Mãn buổi trưa và chiều tự mình đem hâm trong lò vi sóng là ăn được ngay.
Về cơ bản cô đã tính toán xong chi tiêu cho kỳ nghỉ đông sắp tới, không thể tiếp tục cùng Tống Mãn ở nhà cả ngày.
Một tuần này quả thật bận rộn, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm nhiều công việc kết thúc, phải xử lý nhiều giấy tờ, ai cũng đều có thể chết chìm trong công việc.
Chu Di mỗi ngày phải thức dậy lúc năm giờ sáng, chín giờ tối mới về đến nhà.
Nghĩ vẫn còn nợ Đàm Yến Tây một bữa cơm, nhưng trước sau vẫn không thể dành thời gian ra được.
Bận rộn cho đến trước giao thừa một ngày, cuối cùng cô cũng được nghỉ.
Trình Nhất Niệm về quê, hai người Chu Di và Tống Mãn cũng không quan trọng đồ Tết hay không phải đồ Tết.
Lên Hema* đặt ít thịt, trứng và sữa cất vào tủ lạnh, cũng đủ ứng phó cho cả cái Tết âm lịch.
*Hema (盒马): một siêu thị ở Trung Quốc
Câu đối xuân là sản phẩm văn hóa do công ty phát hành, ngay hôm giao thừa hai người đã dậy sớm dán lên.
Chu Di chưa định mua quần áo mới cho mình nhưng lại mua một bộ cho Tống Mãn, áo len trắng phối với váy yếm nhung đen, bên ngoài mặc một chiếc áo khoác dạ có phần tay áo rộng màu rượu đỏ.
Hai người ăn Tết nói chung có chút buồn tẻ, đặc biệt là vào ban đêm.
Hai chị em ngồi ở sô pha trong phòng khách, mở tivi cho có âm thanh, còn mỗi người tự mình ôm di động.
Tống Mãn nói chuyện qua Wechat với Bạch Lãng Hi, Chu Di thì có nhiều đồng nghiệp và khách hàng cần phải chúc Tết.
Lúc chín giờ tối điện thoại cô có cuộc gọi đến, là một số chưa lưu.
Chu Di bắt máy mới biết là Đàm Yến Tây gọi tới, qua điện thoại lại có cảm giác trái ngược rằng giọng anh càng thêm gần gũi, thật kỳ lạ.
Âm thanh trên tivi có hơi ồn ào, Chu Di đứng dậy đi đến ban công thông với phòng khách.
Khi cánh cửa khép lại, chỉ còn sự im lặng của màn đêm, cô nghe thấy trong điện thoại bên phía Đàm Yến Tây rất náo nhiệt, nên hỏi anh đang làm gì.
Anh nói: “Anh đánh bài với ông cả ngày, vừa mới cơm nước xong.
Một lát nữa anh còn phải chơi bài.”
“Anh thắng được nhiều hay ít?”
“Làm sao có thể thắng.
Làm vài ván cho mọi người vui thôi.” Dường như anh cực kỳ mệt mỏi, thanh âm có chút khàn khàn, hỏi cô: “Em đang làm gì?”
“Xem tivi cùng em gái em.”
“Chỉ có hai người?”
“Dạ vâng.”
“Không có người thân nào khác?”
“Không có…” Chu Di nói xong, dừng lại một chút: “Có một người cậu, chỉ là… không có cũng chẳng sao.”
Hai người đều im lặng một lúc.
Một lát sau, Đàm Yến Tây cười nói: “Chẳng phải em còn nợ anh một bữa cơm sao?” Giọng nói càng trầm thêm hai phần.
“Khi nào anh có thời gian?”
Đàm Yến Tây do dự: “Dịp Tết này khó mà nói được.
Đủ thứ chuyện.”
“Vậy khi nào anh rảnh thì gọi cho em nhé.”
Đàm Yến Tây lại cười: “Không phải lúc nào anh cũng là người gọi cho em à?”
Trách cô không bao giờ chủ động, nhưng giọng điệu có vẻ như không tính toán.
Chu Di nhất thời không biết nên trả lời như thế nào, tay giữ lấy lan can ban công nhìn xuống, thấy những chiếc đèn lồng đỏ treo lên cành cây ở trong tiểu khu, màu đỏ cam hòa thuận vui vẻ, có cảm giác thật ấm áp.
Dưới bóng cây có những đứa trẻ đang chơi que pháo bông tiên nữ, tiếng nói xen lẫn tiếng cười.
Một que khá ngắn, phát ra ánh sáng thật đẹp, nhưng chỉ một lát là tắt đi.
Chu Di ở đây bỗng chốc mỉm cười, trả lời bằng giọng nói vô cùng bình tĩnh như cũ: “Vậy anh dành ra cho em một buổi tối đi.”
Tiếng cười rất gần, giống như anh đang ở ngay bên cạnh.
Anh nói: “Anh nhất định sẽ cố gắng hết sức.”
Kết quả là vào tám giờ tối ngày hôm sau, Đàm Yến Tây đột nhiên nhắn tin đến, bảo có đi ngang qua đây bỗng nhớ đến cô, nên dừng xe ở giao lộ.
Chu Di hoàn toàn không nghĩ rằng sẽ gặp nhau nhanh như vậy, tay chân luống cuống, cũng không kịp trang điểm.
Cô thay y phục xong rồi đi xuống dưới lầu.
Xe của Đàm Yến Tây thực sự rất dễ thấy, còn có hai bóng đèn đang phát sáng.
Cô đi qua gõ một cái vào cửa kính xe, cửa xe hạ xuống, Đàm Yến Tây chống khuỷu tay trái lên xe, ngẩng đầu nghiêng người nhìn cô, cười nói: “Anh cố gắng lắm nhưng không dành ra được thời gian.
Nếu em không ngại thì đi ăn khuya với anh nhé.”
Chu Di ngửi thấy được trên người anh có mùi thuốc lá nồng nặc, bèn hỏi: “Anh lại đánh bài thêm một ngày nữa à?”
Đàm Yến Tây gật gật đầu, nói: “Mệt”
Rồi lại liếc nhìn cô, cười nói: “Nhưng trông thấy em anh đã thấy tốt hơn rất nhiều.”
Chu Di khẽ nhấp môi.
Cô không cảm thấy những lời anh nói quá phóng túng, chỉ là chính mình dường như không thể chịu được.
Đàm Yến Tây lại hỏi: “Ở gần đây có gì ăn không em?”
“Có vài thứ, chỉ sợ anh ăn không quen thôi.”
“Không giả bộ nữa à.” Đàm Yến Tây cười một cái, “Lên xe đi.
Em dẫn đường.”
“Em còn phải quay về nói với Tống Mãn một tiếng – em không mang di động theo.”
“Cũng không sợ tìm không thấy anh?”
“Tìm không thấy thì em xem như chưa thấy tin nhắn của anh thôi.” Chu Di mỉm cười, sau đó lùi lại một bước và nói: “Anh cứ từ từ.
Em sẽ quay lại ngay.”
Đàm Yến Tây phát hiện Chu Di thật sự rất ít cười.
Phần nhiều là khách sáo, ít khi cười thật tình.
Có một từ hiện nay được dùng khá nhiều, gần như đã trở thành một từ có ý hài hước trên internet.
Nhưng nếu xét về nghĩa gốc, thì thực sự nó rất phù hợp với Chu Di.
“Lãnh diễm” – tươi sáng trong trẻo nhưng lạnh lùng, hai tính chất hoàn toàn đối lập nhưng ở trên người cô lại thống nhất.
Giống như vốn dĩ là như vậy.
Như đóa hoa nở về đêm, chẳng cần gọi ai đến thưởng thức.
Vì thế khi cô cười, mọi người dễ dàng cảm thấy như được xem trọng.
Đàm Yến Tây thừa nhận chính mình đã vì nụ cười này mà gọi cô lại: “Anh đi lên với em, tiện thể chào hỏi Tống Mãn.”
Chu Di nói: “Để em giúp anh chuyển lời.”
Đàm Yến Tây lập tức cười thành tiếng.
Chu Di đáp lại anh bằng một cái cớ: “… Nhà của em chẳng có gì.
Chỉ sợ anh đến sẽ cảm thấy em thật thất lễ.”
“Làm gì đến nỗi đó.” Đàm Yến Tây mở cửa xe bước xuống, dùng chìa khóa khóa xe lại, mặc thêm áo khoác vào rồi nói: “Đi thôi.”
Đi vào trong là đường một chiều, những bức tường thấp màu trắng xám xây ở hai bên bị người ta sơn sửa lung tung.
Dưới chân tường có trồng cây hoa quế, những chiếc đèn lồng màu đỏ được treo thưa thớt, mặt đường bị nứt vỡ tạo thành những cái hố gồ ghề.
Chu Di không ngại ngùng chút nào, vì cô cảm thấy không cần phải tự ti, càng không cần phải che giấu.
Vì năng lực trước mắt của cô cũng chỉ có thể ở lại nơi này, dù thừa nhận hay không thì đó cũng là sự thật.
Con đường này cô đi đã quen, gặp phải mấy ổ gà còn có thể nhắc nhở Đàm Yến Tây chú ý dưới chân.
Đến dưới lầu, trước tiên cô nói rõ với anh rằng ở đây không có thang máy.
Cô đi tới mở cánh cửa sắt, sợ cánh cửa bật ra va vào người nên lấy tay giữ lại, chờ anh vào mới thả tay ra.
Đến lầu ba, Chu Di đưa tay gõ cửa.
Tống Mãn mở cửa ra, thấy Đàm Yến Tây thì vô cùng kinh ngạc: “Sao anh cũng ở đây! Em chúc anh năm mới vui vẻ nhé.”
Đàm Yến Tây lấy trong túi áo khoác ra một phong bao lì xì, đưa cho cô bé, cười nói: “May mà chưa phát hết, vẫn còn dư một cái.”
Tống Mãn vui mừng nhận lấy, mời anh vào nhà, còn mình vòng vòng ở huyền quan*, “Nhà tụi em không có nhiều dép – anh cứ vào thẳng nhà luôn đi, anh Thôi Giai Hàng lúc trước cũng trực tiếp bước vào nhà.”
*Huyền quan: là một khu vực sảnh trống ở gần cửa ra vào và kết nối với phòng khách, có thể coi là khoảng đệm của phòng khách.
Nói đơn giản, huyền quan là nơi ngăn cách cửa chính và phòng khách, có ý nghĩa như một tấm rèm, một bức bình phong cho phòng khách.
Đàm Yến Tây bước vào nhìn một chút, là một căn phòng rất nhỏ, nội thất trong nhà làm bằng gỗ có kiểu dáng cũ kỹ mang màu sắc rất trầm, nhưng căn phòng được dọn dẹp rất sạch sẽ, những đồ vật nhỏ trang trí cũng rất chu đáo.
Trên bàn ăn có ba chén trà, mỗi chén đều mang một phong cách riêng.
Sau khi Chu Di vào nhà, cô đi ngay đến phòng bếp.
Đàm Yến Tây chỉ vào ba tách trà kia, hỏi Tống Mãn: “Chén trà nào là của chị em vậy?”
Tống Mãn nói: “Anh đoán thử xem.”
“Anh đoán là chén này.”
Chu Di nghe thấy cuộc trò chuyện, quay đầu lại nhìn một chút, thấy Đàm Yến Tây chỉ vào chiếc chén lưu ly màu xanh ngọc, khóe môi không kìm được cong lên.
Tống Mãn nói: “Ồ, anh đoán cũng chuẩn quá? Có căn cứ vào điều gì không ạ?”
“Không có.
Là trực giác thôi.”
Chu Di lấy ra một chiếc ly sứ không dùng đến từ trong tủ, nhấc ấm đun nước trên bếp lên, rót cho Đàm Yến Tây một cốc nước ấm.
Vừa mang đến cho anh, cô vừa hỏi Tống Mãn: “Hiện tại không giận nữa à?”
Tống Mãn bĩu môi.
Đàm Yến Tây cười hỏi cô: “Sao lại nổi giận?”
Chu Di nói: “Con bé và bạn học hẹn tối hôm nay đi xem phim, nhưng em không đồng ý.”
Vẻ mặt Tống Mãn tủi thân: “Em thật sự đã đỡ hơn nhiều rồi, em hứa sẽ tự chăm sóc cho bản thân mình thật tốt mà.”
Đàm Yến Tây suy nghĩ một chút rồi nói: “Vừa lúc bọn anh đi ra ngoài ăn khuya, tiện thể đưa em đi, ăn xong rồi lại đến đưa em về.
Em tự trông chừng chính mình, sẽ không có vấn đề gì nhỉ?” Anh nhìn Chu Di mà nói.
Tống Mãn nói: “Nhưng em cũng hủy hẹn với cậu ấy rồi.”
“Hủy rồi thì giờ em hẹn lại.”
Tống Mãn cười hì hì nói: “Anh thật đúng là phái hành động.” Lập tức lấy điện thoại ra, quay về phòng ngủ gọi điện.
Chu Di thậm chí còn không nói được một câu, cô ngẫm nghĩ, thôi đi, không cần thiết Tết nhất lại làm cô bé mất hứng.
Một lát sau, Tống Mãn từ phòng ngủ đi ra.
Quần áo cũng đã thay đổi, là bộ mà Chu Di mua cho.
Đàm Yến Tây nhìn một cái: “Bộ đồ mới nhìn không tồi.”
Tống Mãn cười nói: “Là chị em chọn đó.
Mắt nhìn của chị ấy rất tốt.”
Đàm Yến Tây cũng cười, nhìn Chu Di: “Còn không phải sao.”
Tống Mãn trên xe lại rất im lặng, ngồi ở phía sau ôm khư khư chiếc điện thoại nhắn tin Wechat, đối tượng chắc chắn là Bạch Lãng Hi.
Xe chạy đến rạp chiếu phim, Chu Di tận tay đưa Tống Mãn đến chỗ Bạch Lãng Hi mới yên tâm, không quên dặn dò cậu ấy để ý Tống Mãn, đừng va chạm với mọi người, cũng đừng có gấp, thà rằng đi chậm một chút.
Bạch Lãng Hi nói: “Chị cứ yên tâm, em sẽ bảo vệ bạn ấy thật tốt.”
Chu Di nở nụ cười, chỉ có chàng trai chân thành mới không né tránh những lời nói thẳng thừng như vậy.
Quay trở lại xe, Chu Di hỏi Đàm Yến Tây: “Anh muốn ăn gì?”
Đàm Yến Tây tựa đầu vào lưng ghế, dáng vẻ trông thật sự mỏi mệt.
Dường như đây là lần đầu tiên cô thấy anh như thế này, như thể không hề muốn cử động dù chỉ một chút.
Cô im lặng không lên tiếng.
Một lúc lâu sau, Đàm Yến Tây nói: “Vẫn là đến chỗ của em đi.”
Chu Di dừng lại một chút, có vẻ hết sức căng thẳng: “Tài nấu nướng của em rất kém cỏi, đến Tống Mãn cũng ghét bỏ.” Kỳ thật có chút ý tứ dùng lời nói khiến cho người ta thôi tưởng tượng xa vời.
Đàm Yến Tây quay đầu nhìn cô, xem như là thật, “Qua chỗ anh cũng được.
Dì có thể nấu nướng bất cứ lúc nào, tám đại trường phái* đều tinh thông.”
*Tám đại trường phái: TQ có 8 trường phái ẩm thực chính gồm: Sơn Đông, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô và An Huy.
Chu Di hơi nghiêng đầu một chút: “Em thật sự không có khiếu hài hước, nhưng cũng không đến mức không hiểu là anh đang nói đùa.”
Đàm Yến Tây nhíu mày trong chớp mắt, cảm giác suy sụp dường như cũng bị cuốn đi.
Anh dừng lại một lúc, xoay người duỗi tay lấy chiếc áo khoác trên ghế sau, lấy từ trong túi áo ra một phong bao lì xì đưa cho Chu Di.
Chu Di ngẩn người trong chốc lát rồi do dự tiến tới nhận lấy: “Em cũng không phải trẻ con.”
Đàm Yến Tây cười nhìn cô: “Ai nói là em không phải.”.