Đọc truyện Bác Sĩ Zhivago – Chương 5
– Động lực thiết yếu của vấn đề nạn đói nghèo, – cha Nicolai đọc theo bản thảo đã sửa. Tôi thiết tưởng nên sửa là “thực chất của vấn đề…” – Giáo sư Ivan nói và sửa bản in thử.
Họ ngồi làm việc trong bóng tranh tối tranh sáng của gian thềm lợp kính. Có thể nhìn thấy các thùng tưới và dụng cụ làm vườn vứt bừa bãi trên thềm. Chiếc áo mưa vắt trên lưng một cái ghế khập khiễng. Đôi ủng đi câu với vết bùn khô két lại đặt ở góc thềm với những dải xà cạp quệt hẳn xuống đất.
– Trong khi đó thống kê sinh tử cho thấy… – Cha Nicolai đọc.
– Nên thêm: bản thống kê năm qua, – giáo sư Ivan nói và ghi lại.
Trên thềm có gió thổi. Mấy mảnh đá hoa cương được đặt trên các trang giấy cho khỏi bay.
Sửa chữa xong xuôi, cha Nicolai vội sửa soạn ra về.
– Sắp có giông. Tôi phải đi đây.
– Đâu được Tôi không để cha đi đâu. Ở lại đây uống trà với tôi đã – Nhất thiết tôi phải có mặt ở thành phố tối này.
– Không thể được. Tôi chả chịu đâu.
Ngoài vườn đưa vào thoang thoảng mùi khói đốt ấm samôva át cả mùi khói thuốc lá và mùi hoa cây vôi voi. Từ ngôi nhà nhỏ trong vườn, người ta đã bưng ra món caimắc, dâu và bánh nhân phó mát tươi. Bỗng có tin bác Pavel đã ra sông tắm và dắt ngựa đi tắm luôn thể. Cha Nicolai đành ở lại.
– Trong lúc chờ người nhà dọn tiệc trà, ta hãy ra ngoài khe ngồi trò chuyện một lát, ở đó có ghế ngồi, – giáo sư Ivan đề nghị.
Là chỗ bạn bè thân tình với nhà triệu phú Kologrivov, giáo sư Ivan được sử dụng hai phòng trong dãy nhà ở ngoài vườn của viên quản lý. Ngôi nhà ấy cùng với cái vườn nằm trong khu hoa viên bỏ hoang, mà tối sậm, có một lối đi hình bán nguyệt, cũ mèm. Cỏ đã mọc rậm, lấp cả lối đi, ngày nay nó chỉ được dùng làm lối chở đất và rác ra đổ ngoài khe. Nhà triệu phú Kologrivov, một người có đầu óc tiến bộ và cảm tình với cách mạng, thì đang cùng bà vợ ở ngoại quốc. Hiện trong trang trại chỉ có hai cô con gái của họ là Nadia và Lipa sống với cô gia sư và mấy người đầy tớ.
Ngôi nhà của viên quản lý được một hàng giậu dây xanh rì bằng cây tứ cầu ngăn cách với toàn bộ khu hoa viên có ao hồ và dãy nhà của chủ nhân. Ivan và Nicolai đi vòng bên ngoài hàng giậu đó để ra bờ khe. Cứ mỗi bước đi, từng bầy chim sẻ từ trong các bụi tú cầu lại bay ra trước mặt họ thành htng đợt đều đều, tạo nên tiếng rào rào không ngớt, nghe như tiếng nước chảy trong cái ống máng đặt dưới chân giậu.
Họ đã đi qua cái nhà kính ươm cây, phòng của bác coi vườn và ngôi nhà bằng đá đổ nát không biết đã dùng vào việc gì . Họ bàn đến những lực lượng mới và trẻ trong khoa học và văn chương.
Cha Nicolai nói:
– Đây đó cũng gặp những người có tài. Nhưng hiện thời đang mọc lên đủ thứ hội, nhóm. Các thứ hội, nhóm ấy là nơi nương náu của bọn bất tài, không cần xét xem nó trung thành với Soloviov Kant hay Karl Marx. Đi tìm chân lý chỉ có những ai đứng riêng lẻ và tuyệt giao với hết thảy những kẻ không biết yêu chân lý cho đủ. Liệu trên đời này có điều gì đáng được tin tưởng, trung thành hay không? Những điều như vậy ít lắm. Tôi nghĩ nên trung thành với sự bất tử, nghĩa là với một tên gọi khác của sự sống, một tên gọi mạnh hơn đôi chút. Phải giữ gìn lòng trung thành với đức Kitô! Kìa ông bạn bất hạnh, ông lại nhăn nhó rồi, ông lại chả hiểu cái gì hết.
– Ôi dào, – giáo sư Ivan làu bàu. Ông là một người có máu tóc vàng xoăn, thanh mảnh, có chòm râu tinh quái khiến ông giống một người Mỹ thời Lincôn (chốc chốc ông lại vê râu thành một tứm và dùng khoé môi ngậm lấy đầu bộ râu).
– Tôi ấy ư, đã hẳn là tôi im lặng. Cha thừa hiểu rằng tôi nhìn nhận sự việc hoàn toàn theo kiểu khác. À, nhân đây tôi muốn hỏi người ta đã để cho hoàn tục như thế nào? Tôi đã định hỏi cha từ lâu. Có lẽ chà sợ chứ gì? Người ta đã rút phép thông công đối với cha, phải vậy không?
– Sao ông lại đánh trống lảng như thế? Tuy nhiên, nếu ông muốn nghe tôi kể. Phép thông công ư? Không, thời nay người ta không muốn nguyền rủa tôi nữa. Trước đây cũng đã gặp những chuyện phiền phức, giờ chỉ còn các hậu quả thôi. Chẳng hạn trong nhiều năm tôi không được làm việc Nhà nước, không được đến các đô thị lớn. Nhưng đó là chuyện vặt vãnh. Ta hãy trở lại chuyện lúc nãy. Tôi vừa nói cần trung thành với đức Kitô. Tôi xin giải thích ngay vì sao. Ông không hiểu rằng người ta có thể là một kẻ vô thần, có thể chẳng biết có Thượng Đế hay không và có Thượng Đế để làm gì, trong khi đó biết rằng con người đang sống không phải trong thiên nhiên, mà trong lịch sử, rằng lịch sử theo quan niệm hiện nay là do đức Kitô tạo ra, rằng nền tảng của nó là Kinh Phúc âm. Vậy lịch sử là gì? Đó là sự thiết lập những công trình nghiên cứu hàng thế kỷ để lần lượt khám phá bí ẩn của cái chết và cách khắc phục nó trong tương lai. Chính nhằm mục đích đó, người ta phát minh cái vô cực của toán học và các sóng điện từ, chính nhằm mục đích đó người ta viết các bản nhạc giao hưởng. Muốn tiến tới theo phương hướng ấy, không thể thiếu một sự thức tỉnh. Muốn có những khám phá ấy, đòi hỏi phải có sự trang bị tinh thần. Các dữ kiện của sự trang bị ấy đều hàm chứa trong Kinh Phúc âm. Những dữ kiện ấy đây. Trước hết, đó là tình thương yêu đồng loại, hình thái cao nhất của thứ sinh lực đang tràn trề trong tâm can con người và đòi được thoát ra, được tiêu phí, rồi tiếp đến dó là những hợp phần chủ yếu tạo nên con người thời nay mà thiếu chúng thì con người trở nên vô nghĩa, cụ thể là ý tưởng về tự do cá nhân và ý tưởng lấy cuộc đời làm lễ vật hy sinh. Cần lưu ý rằng điều đó cho đến nay vẫn là cực kỳ mới lạ. Lịch sử theo nghĩa đó không hề có ở người thời xưa. Thời xa xưa ấy, người ta chỉ thấy sự hèn hạ gớm ghiếc của những gã Caligula mặt rỗ, tàn bạo, lũ người không hề ngờ rằng hết thảy những tên đi chinh phục đều là kẻ bất tài. Thời ấy chỉ thấy sự vĩnh cửu khoác lác và lạnh ngắt như xác chết của các tượng đài bằng đồng và các cột đá cẩm thạch. Chỉ sau khi Đức Kitô xuất hiện, các thời đại và các thế hệ mới được hít thở không khí tự do. Chỉ sau khi Đức Kitô xuất hiện, mới bắt đầu cuộc sống trong hậu thế, và con người thay vì phải chết nơi đầu đường xó chợ, mới được chết trong khi tự hiến mình cho đề tài ấy. Chà, bàn chuyện này đến toát mồ hôi ra được. Nhưng bàn với ông thì chẳng khác gì nước đổ đầu vịt!
– Chuyện siêu hình, thưa cha. Các thầy thuốc đã cấm tôi xài món ấy, dạ dày tôi không tiêu hoá nổi.
– Thôi kệ ông vậy. Ta hãy gác chuyện này lại. Ông may mắn thật đấy! Phong cảnh nơi, đây ngắm mãi cũng không chán! Thế mà ông sống ở đây chẳng cảm nhận được.
Nhìn xuống dòng sông dễ bị chói mắt. Nó lấp lánh dập dờn dưới ánh nắng như một lá thiếc. Đột nhiên có những lớp sóng chạy dài trên mặt nước. Đấy là một chuyến đò ngang sang bờ bên kia, chất nặng nào ngựa, nào xe nào cánh đàn ông đàn bà dân quê.
– Này cha, mới năm giờ thôi, – giáo sư Ivan nói. – Cha nhìn kìa, chuyến tàu tốc hành chạy từ Xuzran đấy. Nó thường qua đây vào lúc hơn năm giờ.
Xa xa trên cánh đồng, chuyến xe lửa sơn màu xanh lá mạ, trong xa quá nhỏ bé, đang tiến từ bên phải sang bên trái. Bỗng hai người thấy tàu đỗ lại, những cụm hơi nước màu trắng phụt lên từ đầu máy. Lát sau vọng tới hồi còi báo chuyện chẳng lành.
– Lạ thật, – giáo sư Ivan nhận xét. – Chắc có chuyện trục trặc chứ đâu vô cớ họ đỗ lại giữa khu đồng lầy ấy. Lại có chuyện gì rồi. Thôi ta về uống trà đi.