Đọc truyện Bác Sĩ Zhivago – Chương 32
Bà Anna cảm thấy mỗi ngày một đỡ. Trung tuần tháng chạp, bà gượng ngồi dậy, nhưng bà vẫn còn yếu lắm. Người ta khuyên bà cứ nằm cho đến khi khỏi hẳn.
Bà thường gọi Yuri cùng Tonia đến nghe bà kể chuyện hàng giờ về thời thơ ấu của bà ở Varykino, trong trang trại của ông nội bà, nằm trên bờ sông Rưn và tại miền Ural. Yuri và Tonia chưa tới đó bao giờ, nhưng qua lời bà Anna, Yuri dễ dàng hình dung khu điền trang với năm nghìn mẫu tây ừng hiểm trở, lâu đời, âm u, có dòng sông chảy xiết, lòng sỏng lởm chởm đá, đôi chỗ thọc vào rừng như những mũi dao lượn lách, và những bờ dốc hiểm trở phía bờ bên trang trại nhà Cruyghe.
Vừa rồi, người ta đặt may cho Yuri và Tonia bộ trang phục dạ hội đầu tiên trong đời họ – cho Yuri một bộ lễ phục màu đen, còn cho Tonia một cái áo dài bằng vải tatăng màu sáng, cổ để hở đôi chút. Hai cô cậu dịnh mặc các thứ ấy lần đầu vào ngày hai mươi bảy, dịp tổ chức cây Nôen hàng năm tại gia đình Sventitski.
Tiệm may nam và nữ mang hàng đến trả cùng một hôm. Yuri và Tonia mặc thử và lấy làm ưng ý. Cả hai chưa kịp thay áo khác thì bà Anna cho Egorovna đến gọi. Họ vội qua phòng bà trong bộ trang phục mới.
Trông thấy hai cô cậu, bà Anna chống khuỷu tay ngồi dậy, bảo hai người đi đi lại lại cho bà coi, rồi nói:
– Đẹp lắm. Rất tuyệt. Thợ đã may xong, mà tôi chẳng biết gì cả Tônia, quay phía sau cho mẹ xem nào. Được không sao hết. Mẹ tưởng là gấu áo hơi bị nhăn. Các con có biết mẹ gọi các con đến làm gì không. Nhưng trước hết, Yuri này, tôi muốn nói đôi lời với cậu đã.
– Thưa bà, cháu biết. Chính cháu đã bảo người ta đưa bà xem bức thư đó. Bà cũng đồng ý với cha Nicolai, bà cho rằng cháu không nên từ chối. Xin bà cứ để cháu trình bày đôi lời. Bà đừng nói nhiều, kẻo mệt. Cháu xin giải thích tất cả để bà rõ.
Mặc dù bà cũng đã biết chuyện đó rồi.
Vậy điều thứ nhất là hiện giờ đang có vụ kiện tụng về gia tài cha cháu để lại, một vụ kiện dằng dai chỉ để nuôi béo các ông luật sư và thu án phí, nhưng thật ra làm gì có gia tài Zhivago, mà chỉ toàn là nợ nần với đủ chuyện rắc rối, đấy là chưa nói đến việc bởi móc bao nhiêu cái xấu xa ra. Ví thử được thừa hưởng cái gì đáng tiền, cháu dại gì mà chẳng nhận, lại đem biếu không cho toà án kia chứ? Nhưng vấn đề là người ta cố tình thổi phồng vụ này, và càng tìm hiểu sâu chuyện đó, cháu càng thấy tốt hơn cả là nhường hết quyền lợi của mình về một gia tài chẳng hề có mấy kẻ muốn tranh giành cùng mấy tên mạo danh tham lam. Về những yêu sách của một madame Alice nào đó đang sống tại Paris với mấy đứa con mang họ
Zhivago, cháu có nghe nói từ lâu. Nhưng sau còn có những kẻ khác cũng nhòm ngó gia tài đó. Những kẻ ấy, không rõ bà thế nào, chứ cháu mới được biết gần đây thôi.
Hoá ra, hồi mẹ cháu còn sống, cha cháu có mê một phụ nữ mơ mộng và kỳ dị là quận chúa Stonubova – Enrisi. Bà ta có một đứa con trai với cha cháu, hiện lên mười, đặt tên là Epgarap. Bà quận chúa ấy thích ẩn cư. Bà ta cứ ở lỳ với đứa con trong một biệt thự ở ngoại ô thành phố Omsk, và không rõ mẹ con bà ta sống bằng gì. Người ta đã cho cháu xem ảnh biệt thự ấy. Đó là một ngôi nhà xinh xắn, có năm cửa sổ lắp kính nguyên tấm, và có các hình đắp nổi trên gờ tường. Suốt thời gian gần đây, cháu luôn có cảm tưởng là năm chiếc ghế cửa sổ ngôi nhà đó, qua hàng ngàn dặm xa xôi chia cách nước Nga ở châu Âu với xứ Sibiri, đang dõi theo cháu với cái nhìn thâm hiểm và sớm muộn cũng sẽ đẩy cháu vào cảnh rủi ro. Thế thì hơi đâu mà lo đến cái gia tài tưởng tượng, đến những kẻ nhận vơ đến sự nham hiểm và ganh ghét của họ? Đấy là chưa kể đến cái dám luật sư.
Bà Anna nói:
– Dù vậy, cũng không nên từ chối. – Rồi bà nhắc lại câu hỏi ban nãy – Hai con có biết mẹ gọi đến để làm gì không? Mẹ nhớ ra tên nó rồi. Hai con còn nhớ cái thằng cha gác rừng mẹ kể hôm qua chứ? Nó đúng là Văc. Nghe lạ tai lắm phải không? Nó đúng là một ông ba bị trong rừng, da đen thui thủi, râu ria xồm xoàm, thêm cái tên – Văc! Mặt mũi nó chẳng ra hình thù gì, vì một lần nó suýt bị gấu xé xác, may thoát được. ấy dân vùng đó đều thế cả. Với những cái tên tương tự. Một âm thôi. Nghe vang và mạnh. Văc, hoặc Lup, hoặc Phập chẳng hạn. Nghe đây các con nghe đây. Có bữa con sen vào bẩm có áp và Phùng đến, nghe như khẩu súng hai nòng của ông nội nổ liền hai phát, thế là cả nhà chạy ào xuống bếp. Ở dưới ấy, các con thử tưởng tưởng, thì ra là gã bán than ở cửa rừng đem đến một chú gấu còn sống, và bác phu gác đường đem trình một mẩu quặng làm mẫu. Thế là ông nội cho mỗi đứa một tờ biên lai để họ sang văn phòng lĩnh tiền, bột mì hay đạn, tuỳ từng trường hợp. Và ngay trước cửa sổ là rừng rồi. Lại còn tuyết nữa, dày vô kể! Chất cao hơn mái nhà!
Bà Anna lại lên cơn ho. Tonia nói:
– Thôi mẹ đừng kể nữa rồi lại ho.
Yuri cũng tiếp lời, khuyên bà đừng nói nữa.
– Không sao. Chuyện vặt ấy mà. À tiện thể nói luôn kẻo quên. Con Egonorovna có mách mẹ rằng hình như hai đứa ngần ngại, chưa dám quyết định ngày mốt có nên đi dự cây Nôen hay không. Mẹ chẳng muốn nghe cái chuyện ngần ngại ấy nữa đâu! Các con không biết xấu hổ à? Rồi cậu Yuri này, đốc tờ gì mà kỳ thế? Vậy là quyết định dứt khoát rồi nhé. Hai đứa phải đi dự đấy, khỏi bàn luận lôi thôi. Nhưng bây giờ hãy trở lại câu chuyện lão Văc. Hồi còn trẻ, nó, cái thằng cha Văc ấy làm thợ rèn. Trong một cuộc ẩu đả, nó bị lòi ruột ra ngoài. Nó bèn làm bộ ruột mới, bằng sắt, thay vào? Yuri, sao cậu ngốc thế? Tưởng tôi không hiểu hả? Dĩ nhiên đấy là nói theo nghĩa bóng. Nhưng dân chúng kể đúng như thế này.
Bà Anna lại ho, lần này cơn ho kéo dài, không sao dứt được khiến bà nghẹt thở.
Cùng một lúc, Yuri và Tonia vội chạy lại chỗ bà. Hai người đứng sát vai nhau bên giường. Bà Anna vẫn ho sù sụ, nắm lấy tay hai cô cậu ấp vào nhau và giữ như thế một lúc. Sau đó, khi đã thở và nói được như thưởng, bà bảo:
– Nếu mẹ có mệnh hệ gì, hai con đừng xa nhau. Trời sinh ra hai con để sống với nhau. Hai con hãy cưới nhau. Vậy là mẹ đã đính hôn hai con với nhau rồi đấy, – bà nói thêm rồi oà lên khóc.