Đọc truyện Bác Sĩ Zhivago – Chương 190
“Ta đã làm những trò gì? Ta đã làm những trò gì? Ta đã dâng nàng, đã chối bỏ nàng, ta đã nhường nàng cho hắn. Phải đuổi theo, đuổi cho kịp, đưa nàng trở lại. Lara? Lara!”.
Họ không nghe thấy. Gió thổi ngược chiều. Và có lẽ họ đang lớn tiếng trò chuyện với nhau. Nàng có đủ mọi lý do để vui vẻ yên tâm. Nàng đã tự để nàng lầm lạc như thế nào.
Chắc nàng đang nghĩ như thế này. Tất cả mọi chuyện đã diễn ra hết sức tốt đẹp, đúng theo nguyện vọng của nàng. Yuri thân yêu của nàng, cái anh chàng ngông cuồng, cứng đầu cứng cổ ấy, cuối cùng đã chịu nghe, vinh quang thay Đấng Sáng Thế, và đã chịu đi cùng nàng tới một nơi an toàn, đến với những người khôn ngoan hơn họ, dưới sự che chở của luật pháp và trật tự. Ngay dù anh ấy cứ khăng khăng giữ ý cũ để tỏ rõ tính cương quyết, cứ làm khó dễ và ngày mai không chịu lên tàu đi cùng với họ, thì thế nào Komarovski cũng sẽ phái một chuyến tàu khác tới đón và anh ấy cũng sẽ đến với mẹ con nàng trong một ngày gần nhất.
Còn bây giờ tất nhiên anh ấy đang ở trong chuồng ngựa, hai bàn tay run rẩy vì xúc động và vội vã, bối rối và không chịu nghe theo ý anh ấy, đang thắng con Savraska và sẽ ngay lập tức lao như tên bắn theo dấu xe mình, nên anh ấy sắp đuổi kịp xe mình ở ngay giữa đồng, trước khi xe mình chạy vào rừng”.
Đó, chắc nàng đang nghĩ vậy. Thế mà hai người đã không nói lấy một lời từ biệt cho tử tế, Zhivago chỉ vẫy tay một cái rồi quay đi, cố nuốt xuống nỗi đau đớn làm chàng nghẹn ngào như bị vướng một miếng táo nơi cổ họng vậy.
Zhivago đứng trên thềm, chiếc áo lông vắt một bên vai. Chàng dùng cánh tay không bị vướng áo lông ghì thật chặt một cây cột nhỏ bên thềm, ngay chỗ thắt ở đầu cột, tựa hồ chàng muốn làm nó nghẹt thở. Toàn bộ ý thức của chàng bị trói vào một điểm xa xăm trong không gian, nơi chàng thấy có một khúc đường bò lên một ngọn núi nhỏ, giữa mấy cây bạch dương mọc cách xa nhau. Mặt trời thấp, sắp lặn, đang rọi sáng đoạn đường trống trải ấy. Ở chỗ dải sáng ấy, sắp phải hiện ra chiếc xe ngựa lao vun vút, vừa chạy khuất xuống một đoạn đường hơi trũng.
– Vĩnh biệt, vĩnh biệt, – Zhivago mê muội nhắc đi nhắc lại không thành tiếng, trong lúc dự cảm giây phút đó, âm thanh ấy chỉ như hơi thở cố bật ra từ ngực chàng để thoảng tan ngay vào không khí giá rét của buổi chiều tà. – Vĩnh biệt người yêu duy nhất của ta, người ta yêu đã đi mất mãi mãi?
Kia rồi? Họ kia rồi! Chàng vội vã thì thầm bằng cặp môi khô tái nhợt, khi chiếc xe trượt tuyết bay ra như một mũi tên từ phía dưới thung lũng, vượt qua mấy cây bạch dương, rồi bắt đầu chậm dần và, ôi sung sướng thay, nó đỗ lại ở bên cây bạch dương cuối cùng.
Ôi, trái tim chàng chợt đập rộn lên, ôi trái tim chàng chợt đập rộn ràng, hai chân chàng như muốn khuỵu xuống, sự hồi hộp khiến chàng mềm cả người như một tấm nỉ, như chiếc áo lông đang tụt khỏi vai chàng? “Ôi lạy Chúa! Hình như Người định trao nàng lại cho con thì phải? Có chuyện gì xảy ra ở đằng ấy? Có chuyện gì đang diễn ra trong cái vệt sáng hoàng hôn xa xa kia? Thế nghĩa là sao? Họ dừng lại để làm gì? Không. Mất hết cả rồi. Họ lại đi rồi. Lao đi rồi. Đấy là nàng yêu cầu đỗ xe một phút để ngó lại từ biệt ngôi nhà một lần nữa. Hoặc có lẽ nàng muốn tin chắc liệu Zhivago của nàng đã lên đường chưa và đã phóng ngựa theo họ hay chưa? Họ đã đi. Họ đi hẳn rồi.
Nếu họ kịp trước khi mặt trời lặn (trong bóng tối chàng sẽ không thể nhìn thấy họ), thì họ sẽ còn thoáng hiện ra một lần nữa, và là lần cuối cùng, ở bên kia khe núi, trong cánh rừng thưa, nơi lũ chó sói đứng hôm kia”.
Rồi giây phút ấy cũng đã tới và cũng đã qua đi. Mặt trời đỏ sẫm vẫn còn đậu trên đường viền xanh xanh của các đống tuyết Tuyết thèm khát uống cái ánh sáng tràn trề màu rượu dứa của mặt trời. Kìa xe họ hiện ra, lao qua vùn vụt. “Vĩnh biệt em, Lara, hẹn gặp em ở thế giới bên kia, vĩnh biệt người đẹp của anh, vĩnh biệt niềm vui bất tận, đời đời của anh”. Kìa thế là họ khuất hẳn rồi. “Sẽ không bao giờ anh còn được thấy em lần nữa, không bao giờ, không bao giờ nữa trong đời anh, sẽ không bao giờ nữa”.
Trong lúc đó, trời đã tối. Những vệt hoàng hôn màu đồng đỏ nằm rải rác trên tuyết nhanh chóng nhạt màu và tắt lịm.
Không gian thoắt chìm vào màu xám tro, rồi màu tím sẫm.
Bóng những cây bạch dương bên đường, – như một đường ren mảnh mai được vẽ trên nền trời hồng nhạt đột nhiên mất vẻ thăm thẳm, – nhòe dần vào màn khói xám của bóng tối cuối ngày.
Nỗi đau tâm hồn làm sắc nhọn khả năng cảm nhận của Zhivago. Chàng nắm bắt tất cả mọi thứ với độ nhạy cảm gấp bội. Vạn vật xung quanh đều trở nên duy nhất quý hiếm, kể cả bản thân không khí – Chưa bao giờ buổi chiều đông lại toả ra vẻ trắc ẩn, như một nhân chứng đầy lòng cảm thông đến độ ấy.
Đúng là chưa có một buổi hoàng hôn như thế, chỉ riêng hôm nay, lần đầu tiên, bóng đêm mới buông theo kiểu này để an ủi kẻ vừa lâm cảnh côi cút, cô đớn. Tựa hồ các cánh rừng đang tựa lưng về phía chân trời, trên các gò đồi xung quanh, không đơn giản là một toàn cảnh rộng lớn, mà như vừa từ lòng đất nổi lên, tự sắp đặt theo cách ấy để biểu lộ sự đồng cảm.
Zhivago gần như từ chối vẻ đẹp gợi cảm của giờ phút ấy, như xua đuổi đám đông, những kẻ cứ bám lấy để chia buồn, chàng gần như sẵn sàng nói nhỏ với những tia hoàng hôn còn đang cố với đến chỗ chàng: “Cảm ơn. Khỏi cần”.
Chàng tiếp tục đứng trên thềm nhà, hướng mặt vào cánh cửa khép kín, quay lưng lại với thế giới bên ngoài. “Mặt trời sáng láng của ta đã lặn rồi”, – tiếng nói trong lòng chàng cứ nhắc đi nhắc lại như thế. Chàng không đủ sức để thốt ra những lời lẽ ấy cho trọn câu, mà không bị các cơn co thắt nơi cổ họng làm chúng nghẹn lại.
Chàng bước vào nhà. Một cuộc độc thoại kép bắt đẩu diễn ra trong lòng chàng: độc thoại thứ nhất khô khan, có vẻ thực tế, nhằm vào bản thân chàng; độc thoại thứ hai lai láng, không bến bờ, hướng tới Lara. Chàng nghĩ như thế này. “Bây giờ ta sẽ về Moskva. Và việc trước tiên là phải giữ tròn mạng sống. Đừng sa vào bệnh mất ngủ. Không được đi nằm. Đêm đêm phải làm việc cho đến khi mụ cả người, cho đến khi mệt quá phải nằm lăn quay ra mà ngủ. Còn việc này nữa. Ngay bây giờ phải đốt lò sưởi trong buồng ngủ để đêm nay khỏi lạnh cóng một cách không cần thiết”.
Nhưng chàng còn tự trò chuyện với mình như thế này: Người đẹp không sao quên được của anh ơi? Chừng nào vòng tay anh còn nhớ đến em, chừng nào em còn trên tay và bên môi anh, thì anh vẫn ở bên em. Anh sẽ hoà những giọt nước mắt thương nhớ em trong một cái gì xứng đáng, để lại mãi mãi.
Anh sẽ ghi lại kỷ niệm về em trong cách miêu tả dịu dàng, hết sức dịu dàng và đượm buồn. Anh sẽ ở lại đây khi chưa làm xong việc đó. Và rồi chính anh cũng sẽ ra đi. Đây, anh sẽ diễn tả em như thế này. Anh sẽ ghi lại những nét yêu kiều của em trên mặt giấy, như biển khơi,, sau một cơn bão khủng khiếp làm cho nó sôi sùng sục đến tận đáy, còn hằn lại trên cát những dấu vết của ngọn sóng thần mãnh liệt nhất, tràn vào bờ xa nhất. Biển ném rong rêu, vỏ sò ốc, nút chai, đá bọt, cả những cái nhẹ nhất mà nó có thể từ dưới đáy biển hất lên, thành một hàng ngoằn ngoèo, đứt đoạn trên bờ cát. Đó là giới hạn của lớp thủy triều dâng cao nhất trải dài tít tắp ven bờ.
Bão tố cuộc đời đã xô giạt em đến với anh cũng hệt như thế đấy, ôi niềm kiêu hãnh của anh. Đấy, anh sẽ miêu tả em như vậy”
Chàng bước vào nhà, đóng cửa lại, cởi áo lông. Lúc chàng bước vào cái phòng ngủ mà sáng nay Lara đã từng xếp dọn rất gọn ghẽ và chăm chút, sau đó trở nên bừa bộn vì bị lục tung lên lúc nàng hấp tấp chuẩn bị ra đi, khi chàng nhìn thấy đống chăn gối xô lệch và các đồ vật bị quăng vứt bừa bãi, ngổn ngang trên sàn nhà, trên mấy chiếc ghế, thì chàng quỳ xuống, ép ngực vào cái thành giường cứng ngắc, gục mặt vào góc chiếc gối lông chim mà khóc sướt mướt và cay đắng như một đứa bé.
Một lát sau, chàng đứng dậy, lau vội nước mắt, ngơ ngác và lơ đãng, mệt mỏi và bơ phờ nhìn quanh, chàng cầm lấy chai rượu mà Komarovski để lại, mở nút, rót ra lưng cốc, pha thêm nước có lẫn tuyết và bắt đầu thong thả, thèm thuồng uống từng ngụm rượu pha ấy với mềm khoan khoái gần như ngang với những giọt nước mắt vừa chảy ròng ròng không gì ngăn lại được.