Đọc truyện Bác Sĩ Zhivago – Chương 188
Cách đây hai ngày Zhivago đã đến gian kho này chở củi. Trên lớp tuyết trước cửa gian kho còn nguyên các vết xe ngựa, vết chân và các vụn củi.
Những đám mây che kín bầu trời từ sáng đã tan hết. Trời quang đãng hẳn lên và lại rét buốt. Hoa viên cũ của khu trại Varykino trải rộng xung quanh chốn này, lan đến sát bên kho như thể để ngó mặt Zhivago và nhắc nhở chàng điều gì. Mùa đông năm nay, tuyết đóng thành một lớp dày, cao hơn cả ngưỡng cửa gian kho. Xà ngang dường như thấp xuống, cả gian kho còng lại như một người gù. Lớp tuyết phủ trên mái nhà rủ xuống như rìa một chiếc nấm khổng lồ, gần chạm đầu Zhivago.
Mảnh trăng lưỡi liềm vừa mọc, sáng như ánh lửa màu xám dọc theo triền mái, hiện ra ngay phía trên mái nhà như cắm ngập một đầu nhọn vào tuyết.
Mặc dù bây giờ vẫn còn là ban ngày và trời sáng sủa, song Zhivago có cảm tưởng chàng đang đứng trong khu rừng rậm âm u của đời mình, giữa đêm khuya. Tâm hồn chàng ngập tràn bóng tối, lòng chàng đẩy nỗi phiền muộn và vầng trăng non rọi sáng ở ngang tầm mắt chàng như điềm báo cảnh chia ly, như hình ảnh sự cô đơn.
Chàng mệt mỏi đến mức chỉ trực quỵ xuống. Trong khi ném củi, từ trong gian kho lên xe, chàng chỉ đủ sức nhặt vài thanh một, ít hơn hẳn mọi khi. Tuy đã mang găng, song tay vẫn đau khi cầm lấy những thanh củi lạnh cứng như đá bị dính tuyết. Chàng cử động thật nhanh mà vẫn không thấy ấm người hơn. Có một cái gì bị ngưng đọng trong lòng chàng và bị đứt vỡ ra. Chàng nguyền rủa cái số phận hẩm hiu bất tài của mình và cầu Chúa phù hộ, giữ gìn sự sống cho sắc đẹp diễm kiều, u buồn, ngoan ngoãn, đôn hậu ấy. Còn mảnh trăng vẫn treo trên gian kho và cháy sáng mà không sưởi ấm, soi mà không tỏ.
Đột nhiên con ngựa quay đầu về phía nhà Mikulisyn, ngẩng đầu cao mà hí, thoạt tiên khe khẽ và dè dặt, sau đó to dần và tự tin.
“Sao nó hí vậy?” – Zhivago nghĩ. “Vì vui mừng ư? Chắc chắn không phải vì hoảng sợ. Ngựa không hí vì sợ hãi, cái lũ ngớ ngẩn ấy. Nếu con này đánh hơi thấy chó sói, nó chả dại gì đánh tiếng cho chó sói biết nó ở đây. Tiếng hí của nó nghe rất vui mừng. Chắc nó ngửi thấy hơi hướng bầy đàn ấm cúng, nó muốn quay về nhà. Hượm nào, ta cũng sắp về đây”.
Để có cái nhóm lửa, Zhivago còn vơ vét trong gian kho cả vỏ bào và những mảnh vỏ bạch dương được bóc nguyên cả miếng lớn, to tròn như thành ủng; chàng phủ lên chót đống củi một miếng vải gai, buộc dây chặt lại, rồi dắt ngựa kéo xe củi về nhà Mikulisyn.
Con ngựa lại hí, lần này là để đáp lại tiếng ngựa hí từ đằng xa vọng lại khá rõ. Zhivago giật mình nghĩ thầm: “Ngựa của ai vậy nhỉ? Cứ tưởng Varykino hoàn toàn hoang vắng. Hoá ra mình với Lara đã lầm”. Chàng không thể ngờ rằng có khách đến thăm, và tiếng ngựa kia vọng tới từ phía thềm nhà Mikulisyn, từ phía vườn cây. Chàng dắt con Savraska đi vòng đằng sau, tới dãy nhà phụ của trại, và vì ngôi nhà chính bị các gò đất đầy tuyết che lấp, nên chàng không nhìn thấy phía trước ngôi nhà.
Chàng thong thả (tại sao chàng phải vội vã kia chứ?), chất củi vào kho, tháo ngựa, đẩy xe vào kho, dắt ngựa sang cái chuồng trống trải và lạnh lẽo ở bên cạnh. Chàng đưa nó vào góc chuồng bên phải, chỗ kín gió, ôm mấy bó cỏ khô còn lại trong kho sang, ném vàơ cái máng nghiêng nghiêng.
Với tâm trạng bất an, chàng đi lên ngôi nhà chính. Trước thềm có một chiếc xe ngựa rất rộng, kiểu xe của bà con nông dân, thùng xe tiện lợi, với một con ngựa đực mập mạp, màu đen. Đi tới đi lui vỗ vỗ hai bên hông ngựa và xem xét các móng ngựa là một gã trai lạ mặt, cũng mập mạp và mượt mà như con ngựa, mặc chiếc áo da thú khá bảnh.
Trong nhà có tiếng ồn ào. Zhivago không muốn nghe lén và cũng không còn sức nghe rõ một câu gì, bất giác chàng chậm bước rồi, đứng sững lại. Tuy không phân biệt rõ từng lời, nhưng chàng nhận ra giọng nói của Komarovski và của hai mẹ con Lara. Chắc chắn họ đang ở phòng đầu tiên, sát cửa ra vào.
Komarovski đang tranh luận với Lara, và căn cứ vào tiếng đáp của nàng, thì Lara đang xúc động, khóc lóc, có lúc nàng phản đối hắn gay gắt, có lúc nàng lại đồng ý với hắn. Qua một dấu hiệu lờ mờ nào đó, Zhivago nghĩ rằng lúc này Komarovski đang nói về chính chàng, đại ý rằng chàng là kẻ không đáng tin cậy (“Làm tôi tớ cho hai chủ” – Zhivago thấy hình như hắn bảo vậy), rằng chưa biết chàng coi trọng và yêu quý ai hơn, gia đình chàng hay Lara, rằng Lara chớ nên trông cậy ở chàng, bởi lẽ nếu tin chàng, tức là nàng “bắt cá hai tay” và sẽ “xôi hỏng bỏng không”. Zhivago bèn bước vào nhà.
Đúng như chàng nghĩ, họ đang đứng ở phòng đầu tiên. Komarovski mặc chiếc áo lông dài lụng thụng. Lara thì đang nắm ve áo lông của Katenka, cố gài móc cổ áo cho con mà không được. Nàng đổ quạu với con, quát bảo nó không được quay ngang quay ngửa và vùng vằng, trong khi nó kêu: “Mẹ, mẹ nhẹ tay chứ, mẹ làm con nghẹt thở bây giờ”. Cả ba đều đã ăn mặc chỉnh tề, sẵn sàng lên đường. Thấy Zhivago bước vào, Lara và Komarovski chạy vội ra đón chàng.
– Anh biến đi đâu thế? Mọi người đang đợi anh ghê quá!
– Chào anh Zhivago? Mặc dầu những lời lẽ thô bạo mà chúng ta đập vào mặt nhau lần trước, một lần nữa tôi lại tới gặp các người, dù không được mời.
– Chào ông Komarovski.
– Anh biến đi đâu lâu thế? Anh hãy nghe ông ấy nói và quyết định mau lẹ cho anh và cho em. Không còn thời gian nữa rồi. Phải gấp lên mới được.
– Sao ta cứ đứng thế này? Mời ông Komarovski ngồi đi.
– Anh biến đi đâu à, Lara? Em còn lạ gì, anh đi kiếm củi chứ đi đâu, sau đó anh săn sóc con ngựa. Kìa ông Komarovski, mời ông ngồi xuống.
– Anh không ngạc nhiên ư? Sao anh không tỏ vẻ ngạc nhiên nhỉ? Hai chúng mình đã lấy làm tiếc về chuyện ông ấy đi mất, mà ta thì không chộp lấy đề nghị của ông ấy; bây giờ ông ấy đang đứng trước mặt anh, mà anh không hề ngạc nhiên. Nhưng các tin tức mới của ông ấy đem đến còn đáng kinh ngạc hơn nữa. Ông Komarovski hãy kể cho anh ấy nghe đi…
– Tôi chưa biết cô Lara muốn nói gì, còn về phần tôi, tôi xin nói thế này. Tôi đã cố ý phao tin tôi đã đi, nhưng tôi vẫn nấn ná ở lại thêm vài ngày, để hai vị có thời gian suy tính lại những vấn đề chúng ta đã nêu ra và sau khi đã suy tính chín chắn, có thể các vị sẽ đi tới một quyết định sáng suốt hơn.
– Nhưng ta không thể chần chừ thêm nữa, – Lara xen vào. – Đi bây giờ là thuận tiện nhất. Sáng ngày mai, – nhưng thôi, để chính ông Komarovski kể với anh thì hay hơn.
– Hượm đã nào, Lara yêu quý. Xin lỗi ông Komarovski. Tại sao chúng ta cứ để nguyên áo khoác mà đứng thế này. Ta hãy cởi áo lông ra và ngồi xuống đã. Đây là một chuyện hệ trọng kia mà. Đâu có nói theo kiểu ba chớp ba nhoáng được. Xin lỗi ông Komarovski. Cuộc tranh luận của, chúng ta động chạm tới một vài điểm tế nhị riêng tư. Đem chúng ra phân tích sẽ là việc tức cười và bất tiện. Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện cùng đi với ông. Lara thì khác. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, khi chúng tôi có những mối băn khoăn khác nhau, và khi chúng tôi nhớ ra rằng chúng tôi không phải là một, mà là hai người, với hai số phận riêng biệt, thì tôi cho rằng Lara, nhất là vì nghĩ đến Katenka, nên tính kỹ hơn về các kế hoạch của ông. Và nàng vẫn không ngừng làm việc ấy, luôn luôn trở lại giải pháp ấy.
– Nhưng chỉ với điều kiện là anh cùng đi với em cơ.
– Thật cực lòng cho cả hai ta khi nghĩ đến chuyện chia lìa, nhưng có lẽ ta nên gạt tình cảm sang một bên và chấp nhận hy sinh đó. Bởi không thể có chuyện anh sẽ đi cùng.
– Nhưng anh chưa biết gì cả. Trước hết anh hãy nghe đã. Sáng mai… Ông Komarovski?
– Chắc cô Lara muốn nói tới những tin tức do tôi mang đến và đã kể với cô ấy. Có một chuyến xe lửa công vụ của Chính phủ Viễn Đông đang đậu ở nhà ga Yuratin. Chuyến tàu ấy chạy từ Moskva đến ngày hôm qua và ngày mai sẽ tiếp tục khởi hành. Đó là chuyến tàu của Bộ giao thông chúng tôi. Một nửa là các toa quốc tế, có giường ngủ tử tế. Tôi phải đáp chuyến tàu đó. Người ta dành cho tôi một số chỗ để tôi bố trí cho những ai được tôi mời vào ban cán sự công tác của tôi. Chúng ta sẽ được đi một chuyến tàu đầy đủ tiện nghi. Một cơ hội như thế sẽ chẳng bao giờ lặp lại. Tôi biết anh không nói buông trôi và sẽ không từ bỏ quyết định của anh là chẳng chịu đi cùng. Anh là người đã quyết thì như đinh đóng cột, tôi biết. Dầu vậy, mong anh hãy nghĩ lại, hãy vì Lara. Anh đã nghe rồi đó, thiếu anh, cô ấy sẽ không đi. Vậy anh hãy cùng đi với chúng tôi, nếu không đến được Vladivostok, thì ít ra cũng đến Yuratin. Tới đó ta sẽ liệu. Nhưng có điều là phải gấp lên. Không nên lãng phí dù chỉ một phút. Tôi không biết đánh xe, nên có mang theo một người đi cùng. Cả năm người chúng ta cùng ngồi xe thì không đủ chỗ. Nếu tôi không lầm, anh có con ngựa của Samdeviatov. Anh chả vừa bảo anh đánh xe ngựa đi lấy củi đó sao. Anh vẫn chưa tháo ngựa ra khỏi xe đấy chứ?
– Tôi tháo ra rồi.
– Nếu vậy, anh hãy mau mau thắng ngựa vào xe. Cậu xà ích của tôi sẽ giúp anh. Mà thôi. Chả cần đến chiếc xe thứ hai nữa. Đi một chiếc xe của tôi cũng xong. Có điều là, lạy Chúa, hãy gấp gấp lên. Chỉ nên đem mấy thứ hành lý tối cần thiết, những gì quơ được trong tầm tay thôi. Nhà cửa cứ bỏ mặc đấy, khỏi cần khoá. Cần cứu lấy mạng sống của đứa trẻ, chứ không phải là đóng cửa cài then dềnh dàng.
– Ông Komarovski, tôi không hiểu ông. Ông cứ nói như thể tôi đã bằng lòng ra đi không bằng. Ông cứ việc đi đường ông cùng với Lara, nếu nàng muốn vậy. Còn về ngôi nhà này, ông khỏi bận tâm. Tôi sẽ ở lại, và sau khi các người đã đi, tôi sẽ dọn dẹp và đóng cửa cài then cẩn thận.
– Anh nói gì vậy, Yuri yêu quý? Anh cứ nói những lời nhảm nhí ấy để làm gì, khi chính anh cũng không tin. “Nếu Lara muốn như vậy”! Chính anh thừa biết rằng một khi anh không đi cùng, thì chẳng có Lara cùng với ý muốn của Lara nào hết. Vậy anh còn bảo “Tôi sẽ dọn dẹp nhà cửa và lo liệu tất cả” làm gì kia chứ?
– Nghĩa là anh quyết không để ai lay chuyển. Nếu vậy, xin có một đề nghị khác. Xin phép cô Lara cho tôi nói riêng với anh ấy đôi lời.
– Được thôi. Nếu quả thực cần làm như thế, thì mời ông sang gian bếp. Em không phản đối chứ, Lara?