Bác Sĩ Zhivago

Chương 174


Đọc truyện Bác Sĩ Zhivago – Chương 174

Sau một lát dừng nghỉ, nàng nói tiếp bằng một giọng hoàn toàn bình tĩnh.

– Để em nói anh nghe. Giả dụ Strelnikov lại trở thành Pasa Antipop. Giả dụ anh ấy ngừng điên cuồng và nổi loạn. Giả dụ thời gian quay ngược lại. Giả dụ ở một nơi xa xăm nào đó, tận cùng trời cuối đất, nhờ một phép lạ, chợt le lói ánh đèn cửa sổ nhà em, soi xuống các cuốn sách trên bàn viết của Pasa, thì có lẽ em sẽ tới đó, dù phải bò lết bằng hai đầu gối. Tình xưa nghĩa cũ sẽ lại trỗi dậy trong lòng em. Em sẽ đi theo tiếng gọi của dĩ vãng và lòng chung thủy. Em sẽ hy sinh tất cả. Ngay cả điều quý giá nhất. Cả anh. Cả sự gần gũi của em đối với anh, một sự gần gũi nhẹ nhàng, thoải mái, tự nhiên. Ôi, xin lỗi anh. Em không định nói thế. Không đúng đâu.

Nàng ôm choàng lấy cổ chàng, khóc nức nở. Song nàng trấn tĩnh được ngay và vừa lau nước mắt vừa nói:

– Nhưng đấy cũng chính là tiếng gọi của bổn phận, cái tiếng gọi đang giục giã anh về với Tonia. Ôi lạy Chúa, chúng con khốn khổ biết bao? Chúng con sẽ ra sao? Chúng con biết làm gì đây?


Lúc nàng đã hoàn toàn bình tĩnh, nàng tiếp:

– Dầu vậy, em vẫn chưa trả lời câu hỏi của anh, tại sao hạnh phúc gia đình của em lại bị tan vỡ. Về sau em đã hiểu rõ điểu đó. Em sẽ kể anh nghe. Nhưng đó sẽ không chỉ là chuyện riêng về gia đình em. Nó đã trở thành số phận của nhiều người.

– Nói đi, Lara vô cùng thông minh của anh.

– Chúng em lấy nhau được hai năm thì chiến tranh bùng nổ. Bấy giờ, chúng em chỉ mới vừa bắt đầu cuộc sống tự lập, thu xếp xong nơi ăn chốn ở. Nay thì em tin rằng chiến tranh là thủ phạm gây ra mọi chuyện, mọi nỗi bất hạnh cho thế hệ chúng ta suốt từ đó đến nay. Em nhớ rõ thời thơ ấu. Em vẫn được thấy cái giai đoạn mà những khái niệm của thuở thanh bình trước đó còn được coi trọng. Tiếng gọi của lương tâm được coi là điều tự nhiên và cần thiết. Cái chết của một người do kẻ khác gây ra là chuyện hiếm, là hiện tượng bất thường. Người ta cho rằng sự chém giết chỉ xẩy ra trong các vở bi kịch, các cuốn tiểu thuyết viết về các thám tử và đăng trên nhật báo, chứ không có trong đời sống thường ngày.

Thế rồi đột nhiên có bước nhảy vọt từ nhịp sống thanh bình, đều đều và vô tội ấy vào trong máu cùng những tiếng rên xiết, vào sự điên cuồng và man dại đồng loạt của trò sát nhân cứ diễn ra hàng ngày, hàng giờ được hợp pháp hoá và được khen ngợi.

Điều đó bao giờ cũng để lại hậu quả, hẳn thế. Chắc anh nhớ rõ hơn em, mọi sự lập tức bị huỷ hoại như thế nào. Sự lưu thông của xe lửa, sự tiếp tế thực phẩm cho các đô thị, các nềp tảng của nếp sống gia đình, các nguyên tắc luân lý của ý thức.


– Em nói tiếp đi. Anh biết em sắp nói gì rồi. Em phân tích mọi chuyện rất tài tình? Nghe em nói rất thú vị!

– Bấy giờ sự dối trá tràn vào đất Nga. Tai họa chủ yếu, nguồn gốc của cái ác sau này là sự mất tin tưởng vào giá trị của ý kiến cá nhân. Người ta ngỡ rằng đã qua rồi cái thời tuân theo tiếng gọi của linh cảm đạo đức, rằng ngày nay phải nói theo mọi người, phải sống theo những quan niệm của kẻ khác được áp đặt cho hết thảy mọi người. Lời lẽ văn hoa, thoạt tiên của nền quân chủ, sau đó của cách mạng, bắt đầu lên ngôi.

Sự lầm lạc ấy của xã hội mang tính chất rộng khắp, dễ lây lan. Mọi thứ đều rơi vào ảnh hưởng của nó. Gia đình em cũng không thoát nổi. Có một cái gì bắt đầu bị lung lay trong nhà. Thay vì sự sống động hồn nhiên hằng ngự trị trong gia đình em, một phần cái lối nói hoa mỹ ngu ngốc kia đã len vào các buổi chuyện trò trong nhà, một thứ nhất thiết phải làm bộ thông minh, nhất thiết phải bàn luận về các đề tài toàn cầu. Lẽ nào một người vô cùng tinh tế và khắt khe với bản thân như Pasa, vốn biết phân biệt thật giả một cách chính xác, lại có thể không nhận thấy cái sự giả dối đã len lỏi vào gia đình chúng em hay sao?

Và thế là lúc ấy Pasa đã phạm một sai lầm vô cùng tai hại, tiên quyết mọi chuyện sau này. Anh ấy tưởng hơi thở của thời đại, cái ác của xã hội là hiện tượng gia đình, Pasa tự đổ lỗi cho mình về cái giọng điệu kiểu cách, cái hình thức gượng gạo trong các lập luận của hai vợ chồng, anh ấy nghĩ rằng sở dĩ như vậy vì anh ấy là một kẻ khô khan, tầm thường, một người mang vỏ bao(1). Chắc anh khó tin rằng những điều nhỏ nhặt như thế lại có ý nghĩa lớn đến cuộc sống gia đình. Anh không thể tưởng tượng được điều đó hệ trọng đến mức nào và Pasa đã gây ra bao chuyện dại dột vì sự ấu trĩ ấy.


Pasa ra trận, mặc dù không ai yêu cầu anh ấy cả. Anh ấy làm thế để giải thoát mẹ con em khỏi anh ấy, khỏi ách áp bức tưởng tượng của anh ấy. Những trò điên rồ của Pasa khởi đầu từ đó. Với lòng tự ái lệch lạc của thanh mên, anh ấy đã hờn giận với một cái gì đó trong cuộc sống mà người đời thường không hề hờn giận. Pasa bắt đầu bất mãn với thời cuộc, với lịch sử. Anh ấy bất hoà với lịch sử. Đến tận bây giờ, anh vẫn đang còn thù hận với lịch sử. Những trò điên rồ khiêu khích của anh ấy xuất phát từ đó mà ra. Pasa đang bước tới cái chết hiển nhiên vì sự ngạo mạn dại dột đó. Ôi, ước gì em có thể cứu được anh ấy.

Tình yêu của em đối với Pasa trong trắng và mãnh liệt biết bao! Em hãy yêu anh ấy, hãy yêu anh ấy đi. Anh không ghen với anh ấy đâu, anh không ngăn cản em đâu.

Chú thích:

Truyện ngắn “Người mang vỏ bao” của Sekhov. Ngụ ý: một kẻ bó mình trong những lợi ích nhỏ hẹp, một kẻ trùm chăn, sợ cái mới.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.