Đọc truyện Bác Sĩ Zhivago – Chương 171
– Dĩ nhiên, anh phải trở về với gia đình anh. Em sẽ không giữ anh thêm một ngày, nếu việc đó là thừa. Nhưng anh xem tình hình hiện nay ra sao. Chúng ta vừa hoà mình gắn bó với nước Nga Xô viết, thì liền bị cảnh tàn phá của nó nuốt chửng chúng ta. Người ta đang lấy miền Sibiri và miền Đông để lắp các lỗ hổng của nước Nga. Anh không biết đấy thôi. Trong thời gian anh ốm liệt giường, ở thành phố này có biết bao thay đổi. Người ta chuyển các kho hàng dự trữ của thành phố chúng ta về trung ương, về Moskva. Đối với Moskva, số hàng ấy chỉ là muối bỏ biển, chả khác gì bỏ vào cái thùng không đáy, trong khi ở đây chúng ta không có lương thực thực phẩm. Bưu điện không hoạt động, xe lửa chỉ toàn chở lúa mì, không chở khách. Dân chúng thành phố lại kêu ca than vãn như trước cuộc nổi dậy của Gaiđa(1), và Uỷ ban Cheka lại làm dữ để đối phó với sự bất mãn.
Và anh đi sao được, khi anh còn yếu lẩy bẩy, da bọc xương như thế này? Chẳng lẽ lại cuốc bộ? Mà có cuốc bộ cũng chẳng bao giờ về tới nơi! Anh cứ cố gắng lại sức dần và khỏe lên đã, bấy giờ hãy hay.
Em chả dám khuyên anh, nhưng ở địa vị anh, trước khi đi tìm gia đình ở Moskva, em sẽ xin đi làm ít lâu, đúng nghề chuyên môn của mình, hẳn thế. Người ta coi trọng việc đó. Em sẽ làm việc ở Sở Y tế chẳng hạn. Sở Y tế đặt trụ sở tại Ty Y tế ngày trước.
Bằng không, anh cứ thử nghĩ xem. Cha của anh là một nhà triệu phú ở Sibiri đã tự vẫn, còn vợ anh là cháu gái một gia đình điền chủ kiêm kỹ nghệ gia ở vùng này. Anh từng sống với du kích và đã bỏ trốn. Nói gì thì nói, đấy cũng là việc rời bỏ hàng ngũ quân đội cách mạng, là đào ngũ. Dầu thế nào mặc lòng, anh cũng không thể sống vô nghề nghiệp, mất các quyền công dân. Địa vị của em cũng chẳng vững vàng gì hơn. Em sẽ đi làm. Em sẽ đến Sở Giáo dục. Tình thế của em cũng đang hết sức nguy hiểm.
– Sao lại nguy hiểm. Đã có Strelnikov kia mà?
– Chính vì Strelnikov đấy anh ạ. Trước kia em từng nói với anh rằng anh ấy có rất nhiều kẻ thù. Ngày nay Hồng quân đã thắng lợi hoàn toàn. Những quân nhân ngoài Đảng từng giữ các cương vị cao và biết quá nhiều điều, đang bị thải hồi. Bị thải hồi còn là may, có khi còn bị thủ tiêu cho hết sạch dấu vết. Trong danh sách ấy, Pasa là người đầu tiên, bị đe dọa hơn cả. Anh ấy đang ở miền Viễn Đông. Nghe đâu anh ấy đã bỏ trốn.
Người ta đang truy nã anh ấy. Nhưng thôi, không nói về Pasa nữa. Em chả muốn khóc, vì chỉ cần nhắc thêm một lời về anh ấy, chắc em sẽ khóc oà lên mất.
– Em đã yêu và đến bây giờ vẫn còn yêu anh ta đến thế cơ à?
– Chẳng gì anh ấy cũng là chồng em, anh ạ. Đấy là một tính cách cao cả và trong sáng. Em có lỗi lớn với anh ấy. Bảo rằng em không làm điều gì xấu cho anh ấy, là nói sai. Nhưng anh ấy là người có ý nghĩa lớn lao, một người vô cùng thẳng thắn, trong khi em chả ra gì cả, em không bằng cái móng tay anh ấy. Lỗi của em là ở chỗ đó. Nhưng thôi, xin đừng nhắc đến chuyện ấy. Để khi khác em sẽ tự trở lại chuyện này, em hứa với anh như vậy. Tonia của anh là một người vợ lạ thường. Một phụ nữ theo kiểu Batiseli(2) miêu tả. Em đã có mặt hôm chị ấy sinh nở. Em với Tonia hợp nhau kinh khủng. Nhưng chuyện đó để dịp khác sẽ nói, em van anh. Vâng, vậy là chúng mình hãy đi làm. Sáng sáng hai ta sẽ cùng đi làm. Hàng tháng sẽ nhận được hàng tỷ đồng tiền lương. Ở đây, trước khi xảy ra cuộc đảo lộn lần cuối cùng, người ta vẫn tiêu loại giấy bạc Sibiri. Cách đây ít lâu, loại giấy bạc ấy đã bị huỷ bỏ, và suốt thời gian anh ốm, người ta sống không có tiền tệ gì hết. Đúng thế. Anh thử tưởng tượng xem. Thật khó tin, nhưng rồi cũng đã qua được khó khăn ấy. Vừa rồi người ta chở đến ngân khố cũ cả một đoàn tàu chất đầy tiền, nghe đâu ít nhất cũng tới bốn chục toa. Tiền mới được in trên các tờ giấy lớn hai màu, xanh và đỏ, như tem thư, và chia thành từng ô. Mỗi ô xanh có giá trị năm triệu, mỗi ô đỏ thì mười triệu. Họ in lèm nhèm, màu sắc nhòe nhoẹt, dễ phai.
– Anh đã thấy loại tiền ấy. Chúng được phát hành ngay trước khi gia đình anh rời Moskva tới đây.
Chú thích:(1) Gaida Radon (1892-1948) một trong những kẻ tổ chức cuộc nổi loạn của binh đoàn Tiệp Khắc (1918), tư lệnh quân bạch vệ của Konchak ở miền Sibiri. Sau này bị toà án nhân dân Tiệp Khắc kết án tử hình.
(2) Batiseli, tên thật là A. Philipepi (1445-1519), danh hoạ Ý. Đại diện thời Phục Hưng sơ kỳ, chuyên vẽ về đề tài tôn giáo và thần thoại, tác phẩm giàu chất thơ bay bổng màu sắc tinh tế.