Bạn đang đọc Bá tước Monte Cristo: Chương 14
Chương 14
Bữa ăn tối
Vài hôm sau cuộc gặp gỡ ấy, Albert de Morcerf đến thăm bá tước Monte Cristo trong ngôi nhà của ông ở Champs-Elysées.
– Tôi nghe thấy gì nhỉ? Hình như tiếng một cây đàn guitare.
– Quả thực, đó là cây đàn guzla của Haydée, tử tước ạ.
– Haydée, cái tên đến là tuyệt! Cô ta là ai vậy?
– ông biết chuyện tổng trấn Janina?
– Chuyện Ali – Tebelin? Dĩ nhiên, vì cha tôi phục vụ ngài mà nên cơ nghiệp.
– Này, Haydée là con gái ông ta đấy, thực thế. Nhưng Albert thân mến này, tôi định tổ chức cuộc họp mặt ông bà Danglars cùng ông bà de Villefort ở ngôi nhà thôn dã của tôi ở Auteuil, liệu anh cùng mẹ anh có đến được không?
– Chao ôi không! Chúng tôi bắt đầu thực hiện một dự định đã có từ trước đây ít lâu: Bà de Morcerf muốn thở hít không khí biển. Ngày mai chúng tôi rời Paris, và đến chủ nhật mới trở về.
– Nếu thế thì đành vậy.
– à này, tôi đã nhận được thư của Franz.
Anh ta gửi lời thăm ông.
– A! Thật ư! Monte Cristo nói. Thế anh ta vẫn cứ thích ở Italia à? Anh ta có định cưới vợ không?
– Có, anh ta phải cưới cô de Villefort.
– Thật thế chứ? Còn Eugénie Danglars có nhằm đám nào không?
– Eugénie, nàng rất đẹp, lại có tính cách riêng của cô ta. Chỉ còn chuyện tài sản! Tôi đã tính những gì mà nhà Danglars phải kiếm được : ba trăm ngàn livrơ trong lần tăng giá hối phiếu Haiti mới đây và một triệu với các hối phiếu Tây Ban Nha trong năm nay.
– A! Quỷ thần ơi! Bá tước thốt lên, ông Danglars đánh liều được mất ba trăm ngàn frăng trong một ngày. úi dào! Thế thì ông ta cực kỳ giàu?
– Trong trường hợp của ông ta, phải nói rằng ông ta cố hạn chế các rủi ro. Tôi cho rằng ông ta thâm nhập được các tin tức điện tín trước tất cả mọi người và lợi dụng điều đó để tiến hành đầu tư sáng suốt.
Monte Cristo dù bề ngoài ra vẻ thờ ơ nhưng không bỏ sót một lời nào trong cuộc nói chuyện này.
Albert đứng dậy xin cáo từ.
– Vậy xin chào, chúng tôi sẽ trở về vào chủ nhật.
Chuông đồng hồ vừa điểm bảy giờ, một chiếc xe ngựa thuê dừng lại trước cửa dinh thự, để một người đàn ông trạc độ năm mươi tuổi mặc chiếc áo đuôi tôm cấp thiếu tá bước xuống.
Người khách lạ được dẫn vào căn phòng khách đơn sơ nhất. Lý do khiến ông ta đến nhà Monte Cristo là ở lá thư bí ẩn mà ông ta đã nhận được có nội dung như sau:
“Ông túng bấn, tuổi già khốn khổ đang đợi ông. ông có muốn trở nên nếu không giàu có thì ít ra cũng được sống độc lập không?
Ông hãy đi Paris ngay lập tức, đến đòi người con trai mà ông đã có với bà hầu tước Corsinari và đã bị bắt đi vào lúc nó năm tuổi, ở nhà bá tước Monte Cristo, phố Champs élysées số 30.
Người con trai này tên là Andrea Cavalcanti.
Để đổi lại ông sẽ nhận được
1. Một phiếu chi hai ngàn livrơ toscanes
2. Một lá thư giới thiệu với ông bá tước Monte Cristo trong đó tôi báo có cho ông một số tiền là năm mươi ngàn frăng.
Hãy có mặt ở nhà bá tước ngày 26 tháng năm vào lúc bảy giờ tối.
Tu sĩ BUSONI” – A! Thưa quý ông, xin đón chào, bá tước nói. Tôi đang đợi ông. Thế thì hạnh phúc của ông chỉ còn thiếu mỗi một điều là gặp lại con ông.
Người đàn ông chẳng biết phải có thái độ như thế nào.
– Và, Monte Cristo nói tiếp, ông có mang theo hôn thú của ông với bà Olivia Corsinari cùng giấy khai sinh của con trai ông là Andrea Cavalcanti không?
– Thưa ngài bá tước, tiếc rằng phải thông báo với ông là do tôi không được báo trước phải có các giấy tờ này nên tôi quên không mang theo.
Vậy chúng có phải là hoàn toàn cần thiết không?
– Tất nhiên, nếu ở đây người ta lại nêu ra vài nghi vấn về giá trị hợp thức của cuộc hôn nhân của ông, về tính hợp pháp của đứa con ông!
Nhưng may quá tu sĩ Busoni đã tính chuyện này giúp ông. Các giấy tờ ấy đây. – Tất cả đều hợp thức, thiếu tá nói. Nhưng phần thứ hai của lá thư nói về năm mươi ngàn frăng.
– Mà tôi sung sướng được giao cho ông ngay lần đầu ông hỏi đến. Này, bây giờ mọi việc đã được thu xếp xong xuôi, tôi dành cho ông một bất ngờ. Con ông, con trai ông, cậu Andrea…
– Nó ở đây?
– Đang ở đây, Monte Cristo nói, nhưng tôi hiểu sự xúc động của ông, cần phải có thời gian để ông bình tâm lại; tôi cũng muốn chuẩn bị cho chàng trai trước cuộc gặp gỡ này, vì tôi đoán rằng anh ta sốt ruột chẳng kém gì ông.
– Tôi cho là thế, Cavalcanti nói, mà chẳng tin tưởng hơn là mấy.
– Vậy thì mười lăm phút nữa chúng tôi sẽ gặp ông.
Vừa nghiêng mình chào rất lịch thiệp, Monte Cristo đi khuất vào sau khung cửa treo thảm.
Bá tước Monte Cristo vào một phòng khách bên cạnh, ở đó có một chàng trai, tư thế ung dung, quần áo khá sang trọng. Anh ta cũng nhận được lá thư nói rằng:
“Anh nghèo khó, và anh chỉ có một tương lai khốn khổ: anh có muốn có một họ tên được tự do, được giàu có không?
Hãy đến nhà ngài bá tước Monte Cristo, phố Champs-élysées vào ngày 26 tháng năm hồi bảy giờ tối và yêu cầu ông cho gặp cha anh.
Anh là con trai hầu tước Bartolomeo Cavalcanti và bà hầu tước Olivia Corsinari, những giấy tờ chứng thực điều đó sẽ được hầu tước trao cho anh và cho phép anh được mang họ tên này trong xã hội Paris.
Còn về cương vị của anh thì một khoản thu nhập năm mươi ngàn livrơ mỗi năm được cấp cho anh chính là để củng cố cương vị ấy.
Thủy thủ Simbad” Bá tước vào phòng khách. Vừa thấy Monte Cristo chàng trai liền đứng bật dậy.
– Ngài là bá tước Monte Cristo? – Anh ta nói.
– Vâng thưa ông, bá tước trả lời, và tôi có hân hạnh nói chuyện tôi nghĩ là với ngài tử tước Andrea Cavalcanti?
– Tử tước Andrea Cavalcanti, chàng trai vừa nhắc lại những lời này vừa cúi chào đầy vẻ ung dung thư thái. Thưa ngài bá tước, tôi xin phục vụ ngài.
– Thực ra, ông ạ, bá tước nói và nhìn với vẻ hài lòng ảm đạm cái bộ mặt ung dung có vẻ đẹp mang dấu ấn của một ác thần này, ông đã làm rất đúng là nhất nhất đáp ứng lời mời của ông.bạn Simbad của tôi, vì cha ông đang ở đây, và ông sắp ở vào một tình huống dễ chịu nhất: ông ta cấp cho ông một khoản thu nhập là năm mươi ngàn livrơ mỗi năm trong suốt thời gian ông ở lại Paris. ông hãy vào phòng khách để gặp cha ông đã, ông ta đang đợi ông.
Andrea cúi chào rất thấp và bước vào phòng khách.
Bá tước dõi nhìn theo hắn, vừa thấy hắn đi khuất liền nhấn vào chiếc lò so gắn với một bức tranh, bức tranh này liền tách khỏi khung để hé ra một khe hở được bố trí khéo léo cho phép nhìn được vào phòng khách.
Andrea khép cửa lại sau lưng mình và tiến về phía thiếu tá, ông này đứng dậy lúc nghe thấy tiếng chân bước lại gần.
– A! Thưa ông và thưa cha thân yêu, Andrea nói to để cho bá tước có thể nghe thấy qua cánh cửa đã đóng, có đúng là cha đấy không?
– Chào con yêu quý, thiếu tá nghiêm trang nói.
– Sau từng ấy năm xa cách, Andrea vừa nói vừa tiếp tục nhìn về phía cửa, thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta gặp lại nhau!
Thế rồi chẳng hề có chuyển tiếp nhưng hắn hạ giọng xuống và nói bằng thổ ngữ “toscane”:
– ông Cavalcanti thân mến của tôi ơi, họ cho ông bao nhiêu để làm bố tôi đấy? Phần tôi, họ cho năm mươi ngàn frăng mỗi năm để làm con ông: bởi vậy ông hiểu rõ rằng không phải tôi là kẻ định phủ nhận việc ông là cha tôi.
Thiếu tá lo lắng nhìn quanh mình.
– Này, về phần tôi, thiếu tá nói, họ cho tôi một số tiền năm mươi ngàn frăng.
– ông có hiểu đôi điều về việc này không?
– Quả thực là không.
Monte Cristo chọn đúng lúc ấy bước vào phòng khách. Vừa nghe tiếng bước chân của anh, cả hai người cùng đứng dậy lao vào vòng tay nhau, bá tước thấy họ ôm hôn nhau liền nói.
– Người cha hạnh phúc! Người con hạnh phúc!
– Chỉ có mỗi một điều làm tôi buồn, thiếu tá nói, đó là việc tôi cần phải rời Paris gấp quá.
– ồ! ông Cavalcanti thân mến, Monte Cristo nói, tôi hy vọng ông đừng đi, trước khi tôi giới thiệu ông với một số bạn bè.
– Tôi xin tuân lệnh ngài. Thiếu tá nói.
– Thứ bảy này, nếu ông vui lòng… Tôi có mời cơm tối ở nhà tôi tại Auteuil, nhiều người trong đó có ông Danglars, chủ ngân hàng của ông. Tôi sẽ giới thiệu ông với ông ta, đúng là cần phải để cho ông ta biết cả hai người để ông ta chi tiền cho các ông. Các ông hãy đến vào lúc sáu giờ rưỡi..- Xin vâng, chúng tôi sẽ ở đó, thiếu tá vừa nói vừa đưa tay cầm lấy mũ.
Cả hai người mang họ Cavalcanti cùng chào bá tước và đi ra.
Trong khi cái cảnh kỳ lạ này diễn ra ở nhà Monte Cristo thì một cuộc họp mặt trang trọng diễn ra ở nhà Villefort.
Ông de Villefort có bà de Villefort đi cùng, vào phòng cha mình. ông Noirtier ngồi trong chiếc ghế bành lớn có bánh xe, nơi mà người ta đặt ông vào đó buổi sáng và lại đưa ông ra khỏi đó buổi tối, ông bất động như một xác chết, nhìn các con mình với cặp mắt thông minh và sắc sảo mà cái chào cung kính đúng nghi thức cho ông biết sắp có cuộc vận động gì đó bất ngờ. Thị giác và thính giác là hai giác quan sót lại còn làm cho ông hoạt động.
Như vậy là toàn bộ hoạt động, toàn bộ sự khéo léo, toàn bộ sức lực, toàn bộ trí thông minh trước kia được phân phối khắp cơ thể và trí tuệ này thì nay được tập trung cả vào cặp mắt của ông lão Noirtier.
Chỉ có ba người biết cách hiểu thứ ngôn ngữ ấy của ông già bại liệt đáng thương: đó là Villefort, Valentine và người lão bộc của ông là Barrois.
– Thưa ông, vợ chồng con xin thông báo với ông rằng chúng con sắp gả chồng cho Valentine.
Gương mặt cụ Noirtier vẫn cứ thản nhiên trong khi nghe câu chuyện.
– Đám cưới sẽ tổ chức trong vòng ba tháng tới. Villefort nói tiếp.
Mắt cụ già vẫn không linh hoạt hơn.
Đến lượt bà de Villefort cất lời:
– Chúng con chỉ còn phải nói với ông là đã gả cháu cho ai. Đó là một trong những đám danh giá nhất mà Valentine có thể với tới được. Đó là ông Franz de Quesnel, nam tước Epinay.
Khi bà de Villefort nói đến cái họ của Franz, mắt ông Noirtier, mà con trai ông biết quá rõ rung lên, các mi mắt để lọt ra một ánh chớp.
Chắc chắn tiếng thét đau khổ và giận dữ đang dâng lên họng nhưng không phát ra được, làm cho ông nghẹn ngào vì mặt ông tím lại và đôi môi ông xanh nhợt.
– Cuộc hôn nhân này, bà de Villefort nói thêm, được cả ông dépinay và gia đình ưng ý vả chăng gia đình ông ta chỉ có một ông chú và một bà cô. Mẹ ông đã mất lúc ông ta chào đời, còn cha ông ta đã bị giết hại vào năm 1815, nghĩa là vào lúc cậu bé chưa đầy hai tuổi, vậy là chuyện chỉ tùy thuộc ý muốn của riêng ông ta.
Rồi bà ta nói thêm:.- ông có cần gì không?
Đã thỏa thuận rằng cụ già biểu lộ sự tán thành bằng cách nhắm mắt, sự từ chối bằng cách chớp mắt nhiều lần, và biểu lộ cụ muốn cái gì đó khi ngước mắt nhìn lên trời.
– Có, cụ già trả lời bằng cách nhắm ngay cặp mắt.
Họ cho gọi Valentine.
Rồi Valentine vào chỗ ông lão. Chỉ cần nhìn một cái là cô hiểu cụ đang đau khổ đến đâu và có bao nhiêu chuyện muốn nói với cô.
– ông muốn gì, ông yêu quý?
Thế rồi Valentine đọc lần lượt từng chữ của bảng chữ cái từ A đến N đồng thời nụ cười của cô dò hỏi cặp mắt của cụ già bại liệt; đến chữ N cụ Noirtier ra hiệu là đúng.
– A! Valentine nói, điều mà ông muốn bắt đầu bằng chữ N! Vậy thì nào, NA? NE? NI?
NO?
– Đúng, đúng, đúng, cụ già ra hiệu.
Valentine chạy đi lấy một cuốn tự điển, đặt lên chiếc bàn nhỏ trước mặt cụ Noirtier. Cô mở ra đến chữ NO và khi thấy mắt cụ già đăm đăm nhìn vào các trang giấy, thì các ngón tay cô lần nhanh các cột từ trên xuống dưới. Đến từ NO-TAIRE (nghĩa là ông công chứng – N.D) thì cụ Noirtier ra hiệu dừng lại.
– ông công chứng, cô nói, ông cần một ông công chứng hả ông nội?
Cụ già ra hiệu rằng đúng là ông cần một ông công chứng.
Trước đòi hỏi bất ngờ đó, ông de Villefort hỏi:
– Tại sao cha lại cần đến ông công chứng?
Cha lại chơi khăm chúng con cái gì nữa đây?
Villefort nói, có cần thiết không?
– Cháu sẽ cho đi mời ông công chứng ngay lập tức cho ông, ông yêu quý, Valentine nói.
Bốn mươi lăm phút sau, người hầu trở về có ông công chứng đi cùng.
– Thưa ông, Villefort nói sau khi đã chào hỏi mọi người, ông được cụ Noirtier de Villefort mời đến, cụ đây mắc chứng bại liệt toàn thân mất khả năng sử dụng chân tay và lời nói của cụ, và chỉ có chúng tôi, khó khăn lắm họa chăng mới nắm được một vài mảnh gì đó trong ý tưởng của cụ.
Noirtier đưa mắt tỏ vẻ nhờ cậy ở Valentine, một sự nhờ cậy rất nghiêm chỉnh và mang tính mệnh lệnh rất cao, khiến cô tức khắc đáp ứng:
– Tôi, thưa ông, tôi hiểu tất cả những gì ông tôi muốn nói.
– Vậy ta thử xem, ông công chứng nói. Nào, thưa ông, ông muốn gì ở tôi, và ông muốn làm văn bản gì?.Valentine đọc tất cả các chữ trong bảng chữ cái cho đến chữ T. Đến chữ này, Noirtier ra hiệu cho cô dừng lại. Họ lần tìm trong từ điển cho đến từ TESTAMENT (nghĩa là chúc thư – N.D).
– Chúc thư! ông công chứng reo lên, việc đã rõ, cụ muốn làm chúc thư.
– Đúng! Cụ Noirtier ra hiệu nhiều lần.
Họ đọc cho cụ Noirtier nghe một mẫu chúc thư còn để trống rồi ông công chứng hỏi cụ:
– Theo bản chúc thư trước đây của cụ, cụ có chín trăm ngàn frăng. Có đúng không?
– Đúng.
– Cụ muốn để lại tài sản này cho ai?
– ồ! Bà de Villefort nói. Cụ Noirtier chỉ yêu có mỗi cô cháu gái Valentine: cô là người chăm sóc cụ từ sáu năm nay, vậy thì trả giá cho sự tận tụy của cô là công bằng.
– Vậy có phải là cụ để lại số tiền chín trăm ngàn frăng này cho cô Valentine không? – ông công chứng hỏi.
Cụ già nhìn Valentine một lúc tỏ ra cực kỳ âu yếm, rồi quay về phía ông công chứng, cụ chớp chớp mắt một cách dứt khoát.
– Không ư? – ông công chứng nói, không phải là cô Valentine de Villefort được cụ lập làm người thừa kế toàn bộ tài sản của cụ hay sao?
– Không! Cụ Noirtier lặp lại, không!
Sự kinh ngạc bao trùm tất cả mọi người.
– Vậy thì có phải là cụ để lại tài sản cho cháu trai của cụ, Edouard de Villefort, thưa cụ Noirtier kính mến? – Người mẹ hỏi.
Những cái chớp mắt trở nên dữ dội: tỏ vẻ gần như là căm ghét.
– Vậy thì cụ để cho ông con trai cụ đang có mặt ở đây?
– Không. Cụ già trả lời.
Và Noirtier hướng ánh nhìn cháy bỏng vào bàn tay của Valentine.
– Bàn tay của cháu ư? ồ! Valentine bất chợt kêu lên, cháu hiểu rồi! Việc hôn nhân của cháu có phải không, ông yêu quý?
– ừ, ừ, ừ, cụ già bại liệt nhắc đi nhắc lại ba lần, mỗi lần mi mắt mở ra lại để lọt một ánh mắt sáng quắc.
– ông không bằng lòng cho con lấy ông Franz dépinay hay sao?
– Không, ta không bằng lòng. Cụ già ngỏ ý bằng mắt.
– Và cụ tước quyền thừa kế của cháu gái cụ, ông công chứng kêu lên, vì cô ta tiến hành hôn nhân trái ý cụ?
– Đúng. Cụ Noirtier trả lời..Lúc này xung quanh cụ già lặng ngắt như tờ.
ý nguyện của cụ đã rõ: nếu Valentine lấy Franz dépinay thì toàn bộ tài sản đem cho những người nghèo ở Paris.
Villefort sùi cả bọt mép vì tức điên lên.
– Tôi cho rằng, Villefort nói, không nén nổi cơn giận của mình, chỉ tôi có quyền gả chồng cho con gái tôi, tôi muốn nó lấy ông Franz dépi-nay và nó sẽ lấy ông ta. Tôi không chịu thua cái ý thích thất thường của người già và tôi sẽ hành động theo lương tâm của mình.
Valentine ngã xuống một chiếc ghế bành, khóc sướt mướt.
Lúc gia đình Villefort trở về các căn hộ của mình thì người hầu báo cho họ biết có ông bá tước Monte Cristo đến và đang đợi họ trong phòng khách.
– Tôi chỉ đến để nhắc ông lời hẹn cho ngày thứ bảy. Bá tước nói.
– Có phải là sẽ họp mặt ở nhà ông ở Champs-élysées hay không?
– Không phải, Monte Cristo nói, họp mặt ở vùng quê, ở Auteuil, phố La Fontaine, số 28.
– Nhưng có phải họ đã bán ngôi nhà của ngài de Saint-Méran cho ông không? – Villefort kêu lên với giọng nghẹn ngào.
– Ngài de Saint-Méran? Monte Cristo hỏi.
Vậy ra ngôi nhà ấy là của ngài de Saint-Méran?
Tôi hy vọng, Monte Cristo nói với vẻ lo âu, rằng sự trùng hợp này không tước mất của tôi niềm hạnh phúc được thù tiếp ông?
– Không, thưa bá tước… Tôi rất mong… Hãy tin rằng tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể, Villefort ấp úng.
– ồ! Monte Cristo trả lời, tôi không chấp nhận lý do thoái thác. Thứ bảy này vào lúc sáu giờ tôi đợi ông, và nếu ông không tới thì tôi, tôi sẽ nghĩ rằng có một truyền thuyết gì đó sầu thảm, có chuyện đổ máu gì đó ở cái ngôi nhà không người ở từ hơn hai mươi năm này.
– Tôi sẽ tới, thưa bá tước, tôi sẽ tới, Villefort vội nói ngay.
– Cám ơn, Monte Cristo nói, bây giờ ông phải cho phép tôi cáo biệt.
Monte Cristo cáo biệt gia đình Villefort, họ sẽ hết sức kinh ngạc nếu thấy bá tước đến đài điện tín Montlhéry, một cây tháp xây trên chỗ cao nhất của vùng đồng bằng. Sau khi đã chiếm được cảm tình của điện báo viên, ông hỏi ông ta:
– Nếu tôi biếu ông xem nào… mười lăm ngàn frăng để ông thay đổi tín hiệu đi đôi chút, hay để ông thay bằng một tín hiệu khác thì sao nào?.- Điều đó không thể được, tôi sẽ bị thải hồi và mất lương hưu. ông phải biết rằng không bao giờ tôi làm những chuyện đó.
– Nếu tôi tăng số tiền ấy lên gấp đôi? Điều này đáng suy nghĩ chứ hả?
– ồ! Thưa ngài, ngài đề xuất cho tôi việc gì?
Và tôi phải làm gì?
– Đánh lại các tín hiệu như thế này.
Monte Cristo rút trong túi ra một tờ giấy trên đó có ghi ba ký hiệu được viết sẵn, có những số hiệu chỉ rõ thứ tự phát đi như thế nào.
– Chẳng phải là dài, ông xem đấy.
Mặt đỏ bừng như lên cơn sốt, mồ hôi chảy ròng ròng từng giọt lớn, lão ta phát đi ba tín hiệu mà bá tước đưa cho. Người đồng nghiệp ở bên trái chăm chú phát lại chính các tín hiệu ấy và cuối cùng chúng được nhận ở Bộ nội vụ.
– Bây giờ, ông giàu có rồi. Monte Cristo nói.
Năm phút sau khi tin điện báo đến bộ, De-bray liền cho thắng ngựa vào chiếc xe hòm của mình rồi chạy đến nhà Danglars.
– ông có trái phiếu Tây Ban Nha không?
– Có chứ! Loại ấy tôi có tới sáu triệu.
– Hãy bán chúng đi với bất cứ giá nào: nhà vua don Carlos đã chạy thoát khỏi Bourges và trở về Tây Ban Nha. Barcelone đã nổi dậy. Gấp lên vì tin điện báo này chẳng mấy chốc sẽ lộ ra.
Nam tước chạy đến chỗ nhân viên hối đoái của mình và ra lệnh cho anh ta giá bao nhiêu cũng bán.
Nhưng hôm sau người ta đọc thấy trong báo “Người cố vấn” những dòng chữ sau:
“Thật không có cơ sở nào mà tờ “Người đưa tin” hôm qua đã đăng tin don Carlos trốn thoát và về cuộc nổi dậy ở Barcelone. Đó là một tín hiệu điện báo bị sai lạc vì sương mù đã gây ra sai sót ấy.” Các giá vốn lên đến một con số gấp đôi bắt đầu sụt.
Việc này làm cho Danglars lỗ và mất ăn tới một triệu đồng chênh lệch giá.
Ông Bectuccio đã xuất sắc hơn lúc thường về vẻ lịch sự của các đồ đạc được mua sắm bày biện và về việc thu xếp dọn dẹp nhanh chóng ngôi nhà ở Auteuil. Trong ba ngày ông đã cho trồng cây kín một cái sân hoàn toàn trần trụi và những cây dương đẹp đẽ, những cây sung được đem đến có cả bầu rễ khổng lồ của chúng làm râm mát mặt chính của tòa nhà, trước nhà, thay vì những viên gạch lát bị cỏ dại che lấp đến một nửa, là một bãi cỏ mà các vầng cỏ vừa được đặt xuống ngay buổi sáng hôm ấy, làm thành một tấm thảm rộng còn long lanh nước mới tưới..Lúc năm giờ đúng bá tước tới, có Ali đi theo.
Thế rồi các khách mời lần lượt đến. Morrel đến đầu tiên có Debray đi cùng chỉ sớm hơn chiếc xe của Danglars chút ít.
Tất cả mọi người được mời vào phòng khách, thì Baptistin vào báo danh:
– ông thiếu tá Bartolomeo Cavalcanti, ông tử tước Andrea Cavalcanti!
Thiếu tá Bartolomeo Cavalcanti, người cha hiền mà chúng ta quen biết, xuất hiện trong trang phục không chê vào đâu được của người cựu binh.
Bên cạnh hắn, tiến bước chàng tử tước Andrea Cavalcanti, người con kính cẩn mà chúng ta cũng đã biết, quần áo mới toanh từ đầu đến chân, nụ cười trên môi.
– Các ông này là ai vậy? – Danglars hỏi bá tước Monte Cristo.
– ông đã nghe nói rồi, những người mang họ Cavalcanti. Và nói đến họ Cavalcanti là nói đến dòng dõi hoàng thân.
– Tài sản lớn chứ? – Viên chủ ngân hàng hỏi.
– Rất lớn. Ngoài ra họ có mở tín dụng ở chỗ ông theo như họ nói với tôi hôm kia. Thậm chí tôi mời họ vì ông. Tôi sẽ giới thiệu họ với ông.
Thế rồi Monte Cristo lại gần bà Danglars.
Anh nói:
– ông nam tước hôm nay trông rầu rĩ quá.
– Tôi cho rằng ông ấy đầu cơ chứng khoán, ông ấy đã lỗ và chẳng biết đổ trách nhiệm cho ai.
Baptistin xướng to:
– ông bà de Villefort!
Hai người vừa được báo bước vào. ông de Villefort dù cố gắng gượng vẫn thấy rõ là bị xúc động. Khi bắt tay hắn, Monte Cristo cảm thấy bàn tay ấy run rẩy.
Sau những lời chúc tụng đầu tiên, bá tước nhận ra Bertuccio từ nãy đến giờ cứ bận bịu ở phía gian dọn ăn cạnh bếp đang bị giày vò bởi một trạng thái kích động lạ thường. Anh đến với ông ta.
– Có chuyện gì thế ông Bertuccio?
– A! Trời ơi! Hắn đấy! ông ta vừa thì thào vừa chỉ tay vào Villefort. Vậy ra tôi vẫn chưa giết chết được hắn!
– Phải tin là không, ông Bertuccio.
– Và người đàn bà này!… Người đàn bà này!…
Bà Danglars! Nhưng chính là cô ta, thưa ông, chính là cô ta! Người thiếu phụ trong vườn!
Người thiếu phụ bụng chửa! Người thiếu phụ đi dạo…
Bertuccio đứng lặng người miệng há hốc, tái nhợt và tóc tai dựng ngược. Nhưng lúc trông.thấy Andrea Cavalcanti ông ta lại còn bối rối hơn.
– Benedetto! ông lẩm bẩm thật khẽ: Định mệnh!
– Đấy chuông điểm sáu giờ rưỡi rồi, ông Ber-tuccio, bá tước nói nghiêm khắc, đến giờ mà tôi đã có lệnh phải sẵn sàng ọi người ngồi vào bàn ăn; ông biết rằng tôi không thích chờ đợi chút nào.
Và Monte Cristo vào phòng khách, ở đó khách khứa đang đợi anh, trong khi ấy Bertuccio đi vào phòng ăn mà cứ phải vịn vào tường.
Bữa tiệc thật xa hoa; Monte Cristo cố làm đảo ngược hoàn toàn tính cân đối của bữa tiệc kiểu Paris, và làm cho sự lạ miệng còn nổi trội nhiều hơn sự ngon miệng của đám thực khách đầy tính hiếu kỳ mong muốn ở món ăn. Đó là một bữa tiệc phương Đông xứng đáng với Nghìn lẻ một đêm. Những loài chim hiếm, những thứ cá quái lạ, mọi loại vang Archipel và của vùng tiểu á lần lượt diễu qua trước mặt các quan khách đang lạ lùng thán phục.
– Tất cả những cái đó đều rất dễ thương, Château-Renaud nói, tuy nhiên tôi xin thú thực, điều làm tôi cảm phục nhất là việc phục vụ bàn tiệc nhanh nhẹn đến mức đáng khâm phục. Phải chăng, thưa bá tước, ông tậu ngôi nhà này vừa mới được có năm hay sáu ngày?
– Quả vậy, không hơn. Monte Cristo nói.
– Này tôi dám chắc rằng trong vòng tám ngày nữa ngôi nhà này đã biến đổi hoàn toàn. Đúng là ít nhất đã mười năm nhà bỏ trống không có người ở, Château-Renaud nói. Thực ra nếu nó không phải là của nhạc phụ một biện lý hoàng gia thì người ta đã coi nó là một trong những ngôi nhà bị nguyền rủa là nơi đã xảy ra một tội đại ác gì đó.
Cho đến lúc này, Villefort vẫn chưa đụng tý nào đến ba hay bốn ly rượu vang lạ thường bày trước mặt hắn, bỗng vơ đại lấy một ly và uống cạn một hơi.
– ông không nghĩ rằng mình đã nói trúng đến thế đâu, bá tước nói giữa khoảng im lặng tiếp sau lời nói của Château-Renaud. Xin hãy hình dung rằng để làm trẻ lại các cây cối già cỗi trong vườn, tôi đã cho đào hố để đổ đất mùn.
Thế là những người lao động của tôi, trong lúc đào đất, đã moi lên được một cái hòm hay đúng hơn là cái đai sắt của hòm, ở giữa có một bộ xương trẻ sơ sinh.
Bà Danglars gần như ngất xỉu trong cánh tay de Villefort, còn chính hắn thì tái mặt đi một cách đáng sợ.
– Trời ơi! Thưa bà, Debray kêu lên, bà làm sao thế? Sao bà tái nhợt thế?.Monte Cristo tỏ vẻ buồn phiền.
– Thực ra, thưa bá tước, bà Danglars nói, tôi thật xấu hổ mà thú nhận sự yếu đuối của mình, nhưng những chuyện kinh khủng này đã làm tôi bàng hoàng.
Monte Cristo thấy là đã hết mức khả dĩ chịu đựng được đối với hai người mà cảnh này được ông chuẩn bị dành cho họ. ông quyết định đi ra.
Viên biện lý hoàng gia kín đáo rỉ tai bà Dan-glars:
– Tôi cần nói chuyện với bà. Ngày mai ở phòng làm việc của tôi.
Buổi tối về khuya. Bà Villefort ngỏ ý muốn trở về Paris. Cho nên ông de Villefort là người đầu tiên ra hiệu lên đường. Hắn dành một chỗ trong chiếc xe ngựa bốn bánh của hắn cho bà Danglars, còn ông Danglars mải mê một câu chuyện kỹ nghệ thuộc loại hấp dẫn nhất với ông Cavalcanti nên chẳng mảy may để ý gì đến mọi chuyện đang xảy ra.
Ngày hôm sau, sau khi đã giải quyết xong các công việc thường ngày, Danglars đến nhà Monte Cristo.
– Lạy Chúa! Bá tước nói, ông sao vậy? ông có vẻ rất lo âu.
– Tôi bị, thưa quý ông, Danglars nói, vận hẩm cứ rơi vào tôi từ mấy hôm nay, và tôi cứ chỉ nhận được những tin dữ.
– Ôi! Lạy Chúa! Monte Cristo nói, có phải là ngài lại bị đổ bể ở phòng giao dịch chứng khoán không?
– Không, tôi đã hồi phục, ít ra cũng được mấy ngày. Nói cho thật đúng ra là tôi đã bị vỡ nợ ở Trieste. Đây là một tai ương chưa từng thấy bao giờ. Tôi phát hành sáu trăm ngàn livrơ ột người mà tôi đã cùng với họ tiến hành nhiều vụ giao dịch tốt đẹp; nhưng rồi chúng trở lại với tôi mà không được chi trả, thêm vào đấy tôi còn cầm số phiếu bốn trăm ngàn frăng mà không bao giờ có thể thu hồi được. Với cái tin nhảm về Tây Ban Nha két bạc của tôi lại bị hụt đi bảy trăm ngàn frăng nữa, việc này đưa đến cho tôi một bản quyết toán đẹp đẽ vào cuối tháng, với tôi thật là họa vô đơn chí, thật đấy.
– Quỷ thần ơi, Monte Cristo nói, mất một triệu bảy trăm ngàn frăng trong một tháng! Ngoài hãng ông ra, bất kỳ hãng nào khác đều phải ngắc ngoải.
– ồ! Danglars nói với một nụ cười tê tái.
Nhưng lúc này đây, tiền lại đổ vào hòm tôi do những cuộc đầu cơ thắng lợi khác. Nhưng vì chúng ta đang bàn việc, vậy hãy cho tôi biết đôi chút xem ông nghĩ về thiếu tá Cavalcanti như thế nào..- Nghe đây, tôi chỉ biết sơ qua về ông ta, cả đời tôi mới gặp ông ta ba lần. Những gì tôi biết về ông ta là qua tu sĩ Busoni, một người bạn của tôi, và chính ông ta kể với tôi. Sáng nay ông ta có cho tôi biết về những dự định về con trai mình, và hé lộ cho tôi biết rằng đã chán thấy cảnh vốn liếng to lớn của mình ngủ yên ở Italia, một xứ sở chết cứng, nên muốn tìm cách làm cho nó sinh sôi nảy nở hoặc ở Pháp hoặc ở Anh.
Nhưng xin ông vẫn cứ lưu ý rằng dù cho tôi có tin tu sĩ Busoni đến đâu thì riêng cá nhân tôi, tôi không hề đảm bảo điều gì hết.
– Và chàng trai? – Danglars hỏi.
– ái chà! Chắc ông muốn gả con cho Andrea, ông Danglars thân mến, cho nên ông mới hỏi tôi tất cả những câu hỏi ấy?
– Quả vậy, Danglars nói, tôi thấy việc đó hình như không phải là một vụ đầu tư tồi. Xem ra chàng trai này hoàn toàn phù hợp.
– ông đã cho điều tra về hắn chưa? – Monte Cristo hỏi.
– Có cần làm thế không, và ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, người ta lại không biết là đang giao dịch với người như thế nào ư? Trước hết anh ta giàu, sau đó anh ta có một học vấn đặc biệt.
– Tôi không dám chắc điều đó.
– Này bá tước, ông chẳng công bằng đối với chàng trai này.
Vào lúc mười hai giờ rưỡi bà Danglars đã đòi lấy ngựa để đi đến tòa án. Người mõ tòa dẫn bà ta đi theo một hành lang riêng vào phòng làm việc của ông de Villefort.
– Cám ơn bà, hắn nói, cám ơn bà đã đến đúng hẹn.
Villefort mỉm cười cay đắng.
– Sao mà cái quá khứ khủng khiếp ấy lại sống lại thế? Hắn kêu lên; chẳng có gì là ngẫu nhiên đâu.
– Nhưng có chứ, chẳng phải là sự ngẫu nhiên đã làm nên tất cả chuyện này ư? Chẳng phải ngẫu nhiên mà bá tước Monte Cristo đã mua ngôi nhà ấy ư? Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông ấy đã cho đào đất ư?
– Này, không đâu thưa bà, đây là cái điều khủng khiếp mà tôi phải nói với bà, Villefort trả lời với một giọng trầm đục: Không, không hề có di hài nào tìm thấy dưới những bông hoa.
– ông định nói gì thế? – Bà Danglars kêu lên, toàn thân run lập cập.
– Tôi định nói rằng, ông Monte Cristo trong khi đào những gốc cây chẳng thể tìm thấy cả bộ xương trẻ con lẫn đai hòm, bởi vì dưới các gốc cây này không hề có cả hai thứ ấy..- Lạy Chúa tôi! ông làm tôi sợ quá!
– Bà biết cái đêm đau lòng ấy diễn ra như thế nào không, cái đêm mà bà thì nằm ngắc ngoải trên giường ở cái buồng trên gác, trong khi tôi chờ đợi bà sinh nở? Khi đứa trẻ ra, chúng ta tưởng rằng nó đã chết. Tôi đặt nó vào trong một chiếc hòm rồi xuống vườn, tôi đào một cái huyệt rồi vội vàng chôn nó xuống. Vừa mới lấp đất xong thì cánh tay thằng nhỏ Corse đã phóng vào tôi. Tôi ngã xuống hấp hối, và tôi tưởng mình đã bị giết chết. Bà đã có can đảm để bà vú dìu trở về nhà. Một cuộc quyết đấu được dùng làm cái cớ gây thương tích cho tôi. Họ chở tôi đi Versailles. Tôi chiến đấu với cái chết suốt ba tháng ròng.
Thời kỳ hồi phục của tôi kéo dài sáu tháng; tôi không còn nghe nói gì về bà, tôi không dám dò hỏi tin tức về chuyện bà đã ra sao. Khi tôi trở lại Paris thì biết tin bà là quả phụ của ông de Nargonne và đã thành hôn với ông Danglars.
Nhưng suốt thời kỳ dưỡng bệnh của tôi, cái thi hài đứa trẻ ám ảnh tôi đến phát điên. Lúc vừa bình phục, tôi quyết định phải làm cho lòng mình thanh thản về chuyện này. Một đêm tôi lần mò vào khu vườn ở Auteuil và tôi đào chính chỗ đất ấy lên. Cái hòm không có ở đấy.
– Chiếc hòm không có ở đấy! Bà Danglars thì thào, nghẹn ngào vì lo sợ. Tại sao con người ấy lại mang cái thi hài ấy đi?
– Bởi có cái gì đó ghê gớm hơn, nguy hại hơn, đáng sợ hơn cho chúng ta: đó là đứa trẻ còn sống, và kẻ giết người đã cứu nó.
Bà Danglars thét lên một tiếng kinh khủng.
– Nếu đứa trẻ ấy sống, Villefort nói tiếp, và có ai đó biết nó còn sống, có ai đó nắm được bí mật của chúng ta; và cái bí mật này Monte Cristo đã nắm được, vì hắn nói trước mặt chúng ta về một đứa trẻ được moi lên từ cái chỗ mà đứa trẻ kia không còn ở đó nữa.
– Nhưng tại sao?
– Đó là điều tôi sẽ phải tìm ra. Villefort nói với một ngữ điệu mà nếu bá tước có nghe thấy ắt phải rùng mình..