Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 46


Đọc truyện Ba Người Lính Ngự Lâm – Chương 46

Pháo thành Saint Giécve.

– Đến nơi, D Artagnan thấy ba người tụ họp trong một căn phòng. Athos đang nghĩ ngợi, Porthos vê ria mép. Aramis đang đọc kinh trong một cuốn sách nhỏ đẹp, bì bọc nhung xanh.

– Mẹ kiếp, ôi các vị! – Chàng nói – Tôi hy vọng các vị có chuyện gì nói với tôi cho nó bõ công, nếu không, tôi báo trước tôi không tha thứ cho các vị đã gọi tôi đến đây, nhẽ ra tôi đã được nghỉ ngơi sau suốt đêm tấn công và phá tung một pháo thành. Chà, thế mà các vị không có ở đấy! Ác liệt ra phết!

Porthos vừa trả lời vừa gấp ngược ria mép lên, vốn là tật riêng của chàng:

– Bọn mình ở chỗ khác, ở đấy cũng không lạnh lẽo đâu.

– Suỵt! Athos nói.

– Ồ, ồ, – D Artagnan hiểu ra ngay khi Porthos khẽ cau mày – có vẻ như có chuyện gì mới ở đây?

– Aramis – Athos nói – Hôm kia cậu ăn điểm tâm ở quán ăn Pácpayô phải không?

– Phải.

– Ở đấy thế nào?

– Ồ, theo ý tôi, tôi đã ăn một bữa rất tệ. Hôm kia là ngày ăn chay, thế mà họ chỉ có thịt.

– Sao cơ? – Athos nói – Ở một hải cảng mà lại không có cá ư?

– Họ nói – Aramis vừa trả lời vừa đọc kinh tiếp – con đê mà Giáo chủ cho đắp đã xua hết chúng ra ngoài khơi.

Nhưng đó không phải là điều tôi hỏi cậu, Aramis, tôi hỏi cậu có được thoải mái không, và có ai quấy rầy cậu không cơ?

– Hình như cũng không bị làm phiền mấy, Athos này, thật ra, về điều anh muốn nói ấy, ta cứ đến Pácpayô, là biết ngay.

– Vậy thì đến Pácpayô! – Athos nói – bởi ở đây vách mỏng như tờ giấy!

D Artagnan vốn quen với cung cách của bạn mình, và chỉ cần một câu nói, một cử chỉ, một dấu hiệu là đã hiểu ngay ra tình thế nghiêm trọng, liền khoác tay Athos đi ra không nói một lời. Porthos chệnh choạng theo sau cùng với Aramis.

Dọc đường, họ gặp Grimaud, Athos ra hiệu cho gã đi theo.

Grimaud theo thói quen, im lặng vâng theo, gã trai tội nghiệp gần như đã quên mất cả nói.

Họ đến quán Pácpayô vào lúc bẩy giờ, ngày đã bắt đầu rạng, ba người bạn(1) đặt ăn điểm tâm và vào một phòng theo như chủ quán nói, chắc không bị quấy rầy.

Chẳng may, giờ này lại không thích hợp với một cuộc thương nghị. Tiếng trống hiệu ban mai vừa điểm, ai nấy tỉnh dậy sau giấc ngủ ban đêm đều đến uống tí chút ở quầy rượu để xua cái lạnh ẩm buổi sáng – lính long kỵ, lính Thụy Sĩ, cận vệ, ngự lâm, khinh kỵ nối tiếp nhau kéo đến mau đến nỗi chỉ có lợi cho việc kinh doanh của chủ quán, nhưng lại làm chướng mắt bốn người.

Vì vậy mà họ đáp lại rất nhấm nhẳng những lời chào hỏi, chúc uống, và bông đùa của các đồng đội khác.

Athos nói:


– Chúng ta rồi cũng rơi vào tình trạng cãi lộn mất thôi, mà ta lại không muốn có chuyện đó lúc này, D Artagnan, cậu hãy kể chuyện đêm qua của cậu đi, rồi chúng mình sẽ kể chuyện bọn mình.

Một lính khinh kỵ, tay cầm cốc rượu mạnh, vừa lảo đảo từ từ nếm rượu vừa nói:

– Đúng là các ông đã ở chiến hào tối qua, các ông cận vệ ạ, và tôi thấy hình như các ông đã kiếm cớ gây sự với bọn La Rochelle phải không?

D Artagnan đưa mắt hỏi Athos có cần trả lời cái tay nhiễu sự đi xen vào chuyện người khác không.

– Này, cậu không hiểu ông De Buyxinhi đây đang hân hạnh ngỏ chuyện với cậu ư? Cứ kể hết những gì diễn ra đêm qua đi, một khi các vị này đang khao khát muốn biết.

– Chẳng phải các ông kiếm được một páo tành ư? – Một lính Thụy Sĩ uống rượu room trong một cái cốc uống bia hơi nói.

– Vâng, thưa ông – D Artagnan nghiêng mình trả lời – chúng tôi có cái vinh dự đó, chúng tôi còn đưa vào dưới một góc thành cả một thùng thuốc nổ, khi nổ, như các ông có thể nghe thấy đấy, đã tạo thành một lỗ hổng tuyệt đẹp, không kể pháo thành không còn nguyên vẹn như hôm qua nữa, mà toàn bộ nền móng đều bị rung chuyển mạnh.

– Và đó là pháo thành nào? – Một lính long kỵ binh lấy kiếm xiên ruột con ngỗng đem đi quay hỏi chàng.

Pháo thành Saint Giécve – D Artagnan trả lời – Đằng sau pháo thành, bọn Rochelle gây khó khăn cho bọn đào công sự chúng ta.

– Và đánh nhau ác liệt chứ?

– Ồ tất nhiên. Bên ta chết năm. Bọn Rochelle tám đến mười đứa.

– Mẹ kiếp! – Người lính Thụy Sĩ văng tục, mặc dầu anh ta có hẳn một mớ câu chửi bằng tiếng Đức, vẫn có thói quen chửi thề bằng tiếng Pháp.

– Nhưng có thể sáng nay – Người lính khinh kỵ nói – Bọn chúng phái công binh đến gia cố lại pháo thành.

– Đúng, có thể lắm – D Artagnan nói.

– Các vị – Athos nói – Cược nào!

– Cát ông! Tánh cuộc ư? – Lính Thụy sĩ nói.

– Cuộc gì nào? – Lính khinh kỵ hỏi.

– Khoan đã – Người lính long kỵ đặt kiếm như cái xiên chả lên cái vỉ lớn trên bếp lò nói – Tôi cược, ông chủ quán chết người ơi, đưa ngay cho tôi cái chảo, tôi không chịu mất một giọt mỡ nào của con chim quý này đâu.

– Ông có lý tấy, – Người lính Thụy Sĩ nói – Mớ ngỗn ăn với mứt ngon lám.

– Thế chứ – Người lính long kỵ nói – Bây giờ xem cược thế nào. Chúng tôi nghe đây, ông Athos!

– Đúng, cược đi? – Người lính khinh kỵ nói.

– Thế này nhé? Ông De Buyxinhi, tôi cược với ông – Athos nói – Rằng bốn người lính ngự lâm chúng tôi, các ông Porthos, Aramis và D Artagnan và tôi, chúng tôi sẽ điểm tâm trong pháo thành Saint Giécve, và sẽ ở đấy trong một tiếng đồng hồ, bất kể quân thù dùng biện pháp gì để đánh bật chúng tôi đi.

Porthos và Aramis nhìn nhau, họ bắt đầu hiểu ra mọi chuyện.


– Nhưng anh định làm chúng ta chết cả lũ mà không thương tiếc ư? – D Artagnan ghé tai Athos hỏi.

Athos trả lời:

– Không đến đó thì chúng ta còn chết hơn.

Porthos ngả người tựa lưng vào ghế vừa vê ria mép nói:

– Các vị ạ, thật tình, đây là một cuộc đánh cược rất hay đó, tôi hy vọng thế.

– Vậy, tôi nhận cược – Ông De Buyxinhi nói – Bây giờ vấn đề là cược gì Athos:

– Các ông bốn, chúng tôi bốn, một bữa tối thả cửa cho tám người, ông thấy có được không?

– Tuyệt vời – Ông De Buyxinhi nói.

– Miễn chê – Người lính long kỵ nói.

– Tui thấy được lắm – Người lính Thụy Sĩ nói.

Người thính giả thứ tư từ đầu đến cuối chuyện cược vẫn chỉ lặng im, gật đầu tỏ ý tán thành đề xuất đó.

Chủ quán nói:

– Bữa điểm tâm của các vị đã sẵn sàng.

– Vậy mang đến đây! – Athos nói.

Chủ quán vâng lời. Athos gọi Grimaud, chỉ cho gã cái thúng lớn đặt ở góc phòng và ra hiệu gói các món thịt vào khăn ăn.

Grimaud hiểu ngay đây là bữa điểm tâm ngoài trời, liền cầm thúng gói thịt lại cho vào thúng và cho thêm mấy chai rượu vào rồi cắp thúng lên.

– Nhưng các ông định ăn điểm tâm ở đâu? – Chủ quán hỏi:

– Không việc gì đến ông, miễn là người ta trả tiền cho ông.

Rồi chàng ném hai đồng pítxôn vàng lên bàn.

– Có phải trả lại không, thưa ông sĩ quan? – Chủ quán hỏi.

– Không, chỉ thêm hai chai Sămpanhơ thôi, còn lại là tiền khăn ăn.

Lúc đầu chủ quán đã tưởng bở, nhưng ông ta gỡ lại bằng cách thay hai chai Sămpanơ bằng loại vang Ăngju cho bốn thực khách.


– Thưa ông De Buyxinhi – Athos nói – Mong ông chỉnh đồng hồ của ông cho đúng với đồng hồ tôi hoặc cho phép tôi chỉnh của tôi so với ông cũng được.

– Được lắm, thưa ông! – Người lính khinh kỵ, rút từ một chiếc túi nhỏ ra một chiếc đồng hồ rất đẹp xung quanh nạm kim cương – Bảy giờ rưỡi.

– Bảy giờ ba nhăm -Athos nói – Của tôi nhanh hơn của ông năm phút.

– Và chào mấy người đánh cược đang trợn tròn mắt, bốn người lên đường tới pháo thành Saint Giécve, theo sau có Grimaud bưng thúng, không hiểu mình đang đi đến đâu, vì quen vâng lời Athos thụ động nên không buồn hỏi nữa.

Lúc vẫn còn trong phạm vi chiến tuyến quân Pháp bốn người không trao đổi với nhau một lời, vả lại có nhiều người hiếu kỳ đi theo, hiểu rõ việc đánh cược, muốn xem bốn người gỡ khỏi ra sao. Nhưng một khi đã ra khỏi phòng tuyến bao vây, và ở giữa chốn đồng không mông quạnh, D Artagnan hoàn toàn chưa hiểu phải làm gì, liền cho rằng đã đến lúc phải yêu cầu giải thích.

– Nào bây giờ, anh Athos thân mến – Chàng nói – Vì tình cảm bạn bè, cho tôi biết chúng ta đi đâu thế này?

– Thì cậu biết rõ rồi đấy – Athos nói – Đi đến pháo thành.

– Nhưng đến đấy để làm gì?

– Thì cậu hiểu rồi đấy, chúng ta ăn điểm tâm ở đấy.

– Nhưng tại sao chúng ta không ăn ở Pácpayô?

– Bởi vì chúng ta có những điều quan trọng để nói với nhau, và không thể chuyện trò trong năm phút thôi trước cái bọn phá đám đi đi lại lại, chào hỏi, lân la đến gần. Ở đây, ít nhất – Athos vừa nói vừa chỉ pháo thành – họ cũng sẽ không đến quấy rầy chúng ta.

D Artagnan với tính thận trọng đi đôi một cách tự nhiên và rất thích hợp với tính can trường thái quá, nói:

– Tôi thấy có lẽ chúng ta có thể tìm một địa điểm xa xa ra trong các đụn cát ở bờ biển.

– Ở đấy chẳng khác gì mời người ta nhìn thấy chúng mình hội họp với nhau, rồi thì chỉ trong vòng mươi lăm phút là Giáo chủ đã được bọn gián điệp của ông ta cho biết.

– Đúng Aramis nói – Anh Athos nói đúng. Animadvertuntur in desertis(2)

– Sa mạc thì không tồi đâu – Porthos nói – Nhưng kiếm đâu ra sa mạc.

– Không có nơi hoang vắng nào mà chim lại không thể bay qua đầu, cá không nhảy lên nổi mặt nước, thỏ không thể ra khỏi tổ được và tôi tin, chim, cá, thỏ, tất cả đều tự nguyện làm gián điệp cho Giáo chủ. Tốt nhất là cứ làm theo toan tính táo tợn của chúng ta. Vả lại, bây giờ ta không thể lùi bước mà không hổ thẹn được nữa rồi. Chúng ta đã đánh cược, một cuộc cá cược không thể tiên đoán và tôi đố bất cứ ai đoán ra nguyên nhân đích thực. Để thắng cuộc, chúng ta sẽ phải trụ vững một tiếng đồng hồ trong pháo thành. Hoặc chúng ta sẽ bị tấn công hoặc không bị. Nếu không bị, ta sẽ có đủ thì giờ để bàn bạc, và sẽ chẳng ai nghe thấy chúng ta, bởi tôi đảm bảo những bức tường của pháo thành không có tai. Nếu bị tấn công ta vẫn sẽ bàn bạc được công việc của chúng ta, và thêm nữa, chống cự được, như vậy chúng ta càng vinh quang. Các cậu có thấy đằng nào cũng có lợi không.

– Đúng – D Artagnan nói – nhưng chắc chắn chúng ta sẽ xơi đạn.

– Ồ, bạn thân mến – Athos nói – Cậu thừa biết những viên đạn đáng sợ nhất không phải là đạn của kẻ thù.

– Nhưng chơi cái trò mạo hiểm này, đáng lẽ ít nhất chúng ta phải mang theo súng trường.

– Cậu ngốc lắm Porthos ạ, tại sao ta lại phải cõng theo cái gánh nặng không cần thiết ấy?

– Tôi chẳng thấy vô ích khi có một khẩu súng trường cỡ đạn lớn với mười hai viên đạn, một gói thuốc súng trước mặt quân thù đâu.

– Này, Athos nói – cậu không nghe D Artagnan đã nói gì à?

– D Artagnan nói gì? – Porthos hỏi.

– D Artagnan đã nói trong cuộc tấn công đêm ấy, có tám đến mười quân Pháp chết và cũng ngần ấy bọn Rochelle ư?

– Thì sao?


– Người ta không kịp vơ vét hết của họ, có phải không? Vì lúc đó, họ còn có những việc khác khẩn cấp hơn phải làm.

– Rồi thế nào?

– Thế này, chúng ta sẽ tìm súng, thuốc súng, và đạn của họ, thế là đáng lẽ bốn khẩu súng trường và mười hai viên đạn, chúng ta sẽ có mười lăm khẩu và hàng trăm phát đạn.

– Ồ, Porthos – Athos nói – Anh đúng là một vĩ nhân!

Porthos gật đầu tỏ ý tán thành.

Chỉ có mỗi D Artagnan là tỏ vẻ chưa tin lắm.

– Chắc là Grimaud cũng nghĩ như D Artagnan, vì khi thấy mọi người đi tiếp về phía pháo thành, điều mà đến lúc đó gã vẫn nghi ngờ, gã kéo vạt áo chủ mình và hỏi bằng cách ra hiệu:

– Chúng ta đi đâu thế này?

Athos chỉ pháo thành.

– Nhưng – gã Grimaud câm lặng vẫn nói bằng thứ biệt ngữ ấy – chúng ta sẽ bỏ xác ở đấy mất thôi.

Athos ngước mắt và chỉ tay lên trời.

Grimaud đặt thúng thức ăn xuống đất và lắc đầu.

Athos rút súng ngắn ở đai lưng ra nhìn xem đã mồi thuốc chưa, bẻ cò và dí nòng súng vào tai Grimaud.

Grimaud đứng phắt dậy như một chiếc lò xo.

Athos liền ra hiệu cho gã bê thúng lên và đi ở phía trước.

Grimaud vâng lời.

Tất cả những gì mà Grimaud kiếm được ở màn kịch câm chóng vánh ấy là đã được chuyển từ vị trí hậu vệ sang vị trí tiên phong.

Đến pháo thành, bốn người cùng quay đầu lại.

Hơn ba trăm binh lính thuộc mọi thứ quân tụ tập ở trước cửa doanh trại, và trong một toán đứng tách riêng ra, có thể thấy ông De Buyxinhi, chàng long kỵ binh, chàng lính Thụy Sĩ và người cá cược thứ tư.

Athos liền bỏ mũ ra đặt trên mũi gươm và vẫy vẫy.

Tất cả những khán giả đều chào lại chàng kèm theo cừ chỉ lịch sự đó là một tiếng hoan hô vang dội đến tận chỗ họ.

Sau đó, cả bốn biến mất vào trong pháo thành, có Grimaud dẫn đầu.

Chú thích:(1) Tác giả quên: bốn người chứ không phải ba

(2) Tiếng Latinh có nghĩa: ở nơi sa mạc càng dễ thấy.

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Dịch giả: Nguyễn Bản


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.