Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 38


Đọc truyện Ba Người Lính Ngự Lâm – Chương 38

Không mất công xoay xở, Athos vẫn có được quân trang.

Chàng trai trẻ trốn mất còn nàng vẫn giơ nắm đấm lăm dọa chàng một cách bất lực. Đến lúc không còn trông thấy chàng nữa, Milady ngã bất tỉnh trong phòng mình.

D Artagnan bối rối đến nước không còn lo lắng đến Ketty sẽ ra sao nữa, chàng vừa đi vừa chạy xuyên qua cả nửa Paris và chỉ dừng lại trước cửa nhà Athos. Hoang mang, sợ hãi, rồi thêm vào là tiếng thét của bọn lính tuần tra rượt đuổi, tiếng hò la của mấy người qua đường đi làm sớm càng khiến chàng chạy cuống cuông.

Chàng đi qua sân, lên hai tầng gác và đập đến vỡ cửa nhà Athos.

Grimaud mắt còn díp lại vì buồn ngủ ra mở cửa. D Artagnan lao vào phòng mạnh đến nỗi xô ngã cậu ta.

Mặc dầu hàng ngày vốn lầm lì, lần này anh chàng đáng thương cũng phải mở miệng:

– Ái chà chà? – Anh ta kêu toáng lên – Muốn gì đây, cô gái giang hồ? Đòi cái gì nào, đồ đĩ điếm?

D Artagnan kéo mũ và khăn trùm đầu lên, gỡ áo khoác ngắn ra, để lộ ria mép và gươm trần, anh chàng tội nghiệp mới nhận ra mình đang nói chuyện với một người đàn ông.

Thế là anh ta tưởng đó là một kẻ sát nhân liền kêu toáng lên:

– Cứu với! Cứu! Cứu!

– Cám đi, đồ khốn! – Chàng trai trẻ nói – Ta là D Artagnan, anh không nhận ra ta ư? Chủ anh đâu?

– Ông, ông là ông D Artagnan! – Grimaud vẫn kêu lên! – Không thể thế được.

– Grimaud! – Athos từ phòng mình ra, vẫn còn mặc áo ngủ nói – Tôi thấy anh quá lời rồi đó.

Athos nhận ra bạn mình. Xưa nay vốn rất phớt đời chàng vẫn phải phá lên cười trước lối giả trang kỳ quặc trước mắt mình, khăn mũ xiêu vẹo, váy thõng tận gót, tay xắn lên, râu ria dựng ngược vì xúc động.

– Đừng cười thế bạn tôi ạ – D Artagnan kêu lên – Trời ơi, đừng cười, tôi thề trước linh hồn tôi là không có gì đáng cười cả.

Và chàng thốt ra những câu ấy rất đỗi trang nghiêm và với một sự hoảng loạn thật sự khiến Athos phải nắm lấy hai tay chàng mà kêu lên:

– Cậu bị thương ư? Trông cậu xanh xao quá!

– Không, nhưng vừa xảy ra một sự cố kinh khủng với tôi. Có mỗi mình anh thôi đấy chứ, Athos?

– Mẹ kiếp, thế cậu muốn ai ở nhà tôi vào cái giờ này?

– Tốt, tốt rồi.

Và D Artagnan chạy bổ vào phòng Athos.

– Nào, nói đi! – Athos đóng cửa cài chết lại để khỏi bị quấy rầy – Nhà Vua bị chết? Cậu đã giết Giáo chủ ư? Cậu hoàn toàn rối trí rồi, nào, nói đi, tôi thực lo đến chết được đây.

– Athos này – D Artagnan vừa nói vừa cởi bỏ quần áo đàn bà và còn trơ chiếc áo lót – Anh hãy chuẩn bị mà nghe một chuyện không thể tưởng tượng nổi, chưa từng nghe thấy bao giờ nhé.

– Trước hết hãy khoác chiếc áo mặc trong nhà này vào đã.

D Artagnan choàng chiếc áo lên người, ống tay nọ nhầm ống tay kia, chưa hết xúc động.

– Sao nào? – Athos nói.

– Thế này? – D Artagnan cúi xuống ghé tai Athos hạ giọng nói – Milady bị đóng dấu bông huệ trên vai.

A! – Chàng ngự lâm quân thét lên như vừa bị một viên đạn bắn vào tim.

– Nào. – D Artagnan nói – anh có chắc con người kia đã chết thật rồi không?

– Người kia ư? – Athos nói bằng một giọng nghẹn lại đến nỗi D Artagnan chỉ hơi nghe rõ.

– Phải, người đàn bà mà một hôm anh đã nói với tôi ở Amiêng ấy.


Athos buông một tiếng rên rồi gục mặt vào hai bàn tay.

– Mụ này – D Artagnan tiếp tục – khoảng hai sáu đến hai tám tuổi.

– Tóc hung vàng – Athos nói – phải thế không?

– Phải.

– Đôi mắt xanh nhạt, ánh lên kỳ lạ, lông mi và lông mày đen?

– Đúng?

– Người cao, thân hình tuyệt đẹp? Mất một chiếc răng hàm gần hốc mắt trái.

– Đúng!

– Bông huệ nhỏ màu đỏ quạch và gần như bị xóa đi bởi những lớp kem trát lên đấy.

– Đúng.

– Nhưng cậu bảo mụ ta là đàn bà Anh?

– Người ta gọi mụ là Milady, nhưng có lẽ mụ là người Pháp. Mặc dầu vậy Huân tước De Winter chỉ là em chồng mụ.

– Tôi muốn nhìn thấy mụ, D Artagnan.

– Coi chừng, anh Athos, coi chừng. Anh đã từng muốn giết mụ, mụ là một con đàn bà sẽ trả miếng lại anh và không chừa anh đâu.

– Mụ sẽ không dám nói gì đâu, bởi như thế tức là tự vạch mặt.

– Mụ có thể làm tất cả! Anh đã bao giờ thấy mụ lên cơn điên giận chưa?

– Chưa! Athos nói.

– Một con hổ cái, một con báo cái! Ôi, anh Athos thân mến của tôi! Tôi rất sợ đã lôi kéo cả hai chúng ta vào một sự trả thù khủng khiếp.

D Artagnan liền kể lại hết: cơn giận dữ cuồng điên của Milady và những lời hăm dọa giết người của mụ.

– Cậu nói đúng và tôi xin thề trước linh hồn tôi, tôi lại đi đổi cả mạng sống của mình lấy một sợi tóc hay sao – Athos nói – May sao, ngày kia chúng ta sẽ đi khỏi Paris, rất có khả năng chúng ta sẽ đến La Rochelle và một khi đã đi khỏi.

– Mụ sẽ theo anh đến cùng trời cuối đất, Athos, mụ sẽ nhận ra anh. Vậy hãy để mụ căm hận riêng một mình tôi thôi.

– Ôi, bạn thân mến. Mụ có giết mình thì cũng có sao đâu! – Athos nói – Cậu đã thấy lúc nào mình lo cho mạng sống của mình chưa?

– Anh Athos này, có một cái gì đó bí ẩn khủng khiếp trong mọi chuyện này, tôi tin chắc mụ đàn bà này là con gián điệp của Giáo chủ.

– Nếu như vậy thì chính cậu phải coi chừng. Nếu Giáo chủ không hâm mộ lắm về vụ việc London của cậu, thì ông ta căm hận cậu lắm đấy. Nhưng rút cục vì không thể công khai trách phạt cậu điều gì, nên phải diễn ra chuyện căm hận, nhất là khi lại là mối căm hận của Giáo chủ, thì cậu hãy coi chừng! Nếu đi đâu ra ngoài, đừng ra ngoài một mình, nếu đi ăn, hãy phòng ngừa, rút cục phải nghi ngờ tất, ngay cả cái bóng của mình.

– May sao – D Artagnan nói – chỉ phải lo từ nay đến tối ngày kia không xảy ra chuyện gì, bởi vì một khi đã ở trong quân đội, tôi hy vọng chúng ta sẽ chỉ còn phải sợ đàn ông thôi.

– Trong khi chờ đợi – Athos nói – tôi sẽ từ bỏ việc cấm cung mà sẽ đi bất cứ đâu với cậu. Cậu nên về nhà, về phố Phu đào huyệt đi, mình sẽ đi cùng với cậu.

– Nhưng dù là đến đó rất gần thôi – D Artagnan nói – Tôi cũng không thể ăn mặc như thế này mà về được.

– Đúng vậy – Athos nói.

Và chàng rung chuông.

Grimaud bước vào.


– Athos ra hiệu hãy đến nhà D Artagnan và mang quần áo tới đây.

Grimaud cũng ra hiệu đã hiểu rồi đi ra. Athos bảo D Artagnan:

– Thế đó, chúng ta chẳng tiến thêm được bước nào trong việc lo sắm trang thiết bị, cậu ạ, bởi nếu tôi không lầm, cậu đã để lại tất cả quần áo của cậu ở nhà Milady rồi và chắc hẳn mụ ta sẽ chẳng để ý đến việc gửi trả lại cậu. May sao cậu còn có cái nhẫn saphia.

– Nhẫn saphia là của anh, Athos yêu quý? Anh chẳng bảo tôi đấy là cái nhẫn gia truyền ư?

– Phải, cha tôi đã mua nó với giá hai nghìn êquy vàng. Theo như ông đã nói với tôi trước kia(1), là khoản tặng vật ngày cưới cho mẹ tôi. Nó thật lộng lẫy. Mẹ tôi cho tôi, và tôi động rồ, tốt hơn phải giữ gìn như một thánh tích, lại đem cho con mụ khốn nạn ây.

– Vậy thì anh Athos thân mến, anh hãy cầm lại chiếc nhẫn, tôi hiểu anh cần phải giữ lấy nó.

– Tôi, cầm lại chiếc nhẫn, sau khi nó đã qua tay con đê tiện ấy ư! Không đời nào, chiếc nhẫn đã bị ô uế rồi, D Artagnan ạ.

– Vậy thì bán nó đi.

– Bán một báu vật vốn là của mẹ mình ư? Tôi phải thú thật với cậu tôi sẽ coi đó như một sự bất kính.

– Thế thì đem cầm vậy, họ sẽ cho vay may ra cũng trên một nghìn đồng êquy. Với số tiền đó, thừa sức mua sắm trang bị, rồi khi nào có tiền một cái là anh đem chuộc lại ngay, và nó đã qua tay bọn cho nặng lãi rồi, nên nó đã được tẩy sạch những vết nhơ, anh có thể giữ lấy.

Athos mỉm cười:

– Cậu đúng là một đồng đội quý hóa, D Artagnan thân mến ạ. Bằng tính tình vui tươi vĩnh viễn của mình cậu đã vực dậy những linh hồn tội nghiệp khỏi nỗi ưu sầu. Thôi được, ta đem cầm chiếc nhẫn nhưng với một điều kiện.

– Điều kiện gì?

– Là cậu năm trăm êquy và mình năm trăm.

– Anh lại nghĩ thế ư, Athos? Tôi không cần đến một phần tư số tiền đó, tôi ở trong quân cận vệ, bán bộ yên cương đi đã đủ rồi. Tôi còn cần gì nữa nào? Một con ngựa cho Planchet. Có thế thôi. Mà anh quên tôi cũng có một chiếc nhẫn ư?

– Tôi cho rằng cậu phải giữ chiếc nhẫn đó còn hơn là tôi giữ chiếc của tôi. Ít ra tôi cũng nhận ra điều đó.

– Phải, bởi trong tình thế cùng cực nó không những kéo chúng ta ra khỏi những lúng túng lớn mà còn cả mối nguy lớn nào đó nữa, đấy không phải chỉ là một đồ kim cương quý mà còn là một bùa hộ mệnh đầy phép mầu.

– Tôi không hiểu cậu định nói gì, nhưng tôi tin ở những gì cậu nói. Vậy hãy trở lại chuyện cái nhẫn của tôi, đúng hơn là của cậu. Hoặc là cậu nhận nửa số tiền, hoặc tôi ném nó xuống sông Xen và biết đâu, giống như Pôlycrát(2), lại có một con cá nào đó chiều người đem trả chúng ta.

– Thôi được, tôi nhận vậy! – D Artagnan nói.

Vừa lúc đó Grimaud trở về đem theo cả Planchet – Planchet lo cho chủ và tò mò muốn biết điều gì đã xảy ra, bèn lợi dụng tình thế, tự mình mang quần áo đến.

D Artagnan mặc quần áo vào, Athos cũng vậy. Rồi khi cả hai đã sẵn sàng đi ra, Athos ra hiệu cho Grimaud, có người đang nhằm bắn vào hắn, hắn liền tháo ngay khẩu súng trường xuống và chuẩn bị đi theo chủ.

Họ đến phố Phu đào huyệt mà không gặp phải tai họa gì.

Bonacieux đang đứng trước cửa, lão nhìn D Artagnan với vẻ chế nhạo và nói:

– Này, ông bạn thuê nhà thân mến, mau mau lên. Một cô gái xinh đẹp đang đợi trên nhà ông đó, và đàn bà, ông biết đấy, người ta không thích bắt phải đợi đâu?

– Chính là Ketty rồi! – D Artagnan kêu lên.

Và chàng lao vào lối đi.

Quả nhiên, trên bậc nghỉ trước phòng chàng, chàng thấy cô bé tội nghiệp tựa lưng vào cửa, người run bắn lên. Vừa trông thấy chàng cô đã nói:

– Ông hứa ông bảo vệ em, ông hứa ông cứu em khỏi cơn điên giận của bà ấy – Ông phải nhớ chính ông đã làm hại em chứ!

– Phải, hẳn vậy rồi – D Artagnan nói – Ketty, em bình tĩnh nào. Nhưng đã xảy ra chuyện gì khi anh đi?


– Em có biết gì đâu! – Ketty nói – Nghe tiếng bà ta gào thét, bọn người hầu chạy tới. Bà ta điên khùng giận dữ. Có bao nhiêu kiểu chửi rủa trên đời bà ta đều mửa lên đầu ông. Thế là em nghĩ bà ta sẽ nhô ra chính là qua phòng em mà ông đã lọt vào phòng bà ta, và khi đó bà ấy sẽ nghĩ em là kẻ đồng lõa với ông, em cầm lấy một ít tiền mình có, mấy bộ quần áo quý nhất rồi bỏ trốn.

– Em bé tội nghiệp? Nhưng anh sẽ làm gì cho em được đây. Ngày kia anh phải đi rồi.

– Làm thế nào tùy ông, ông hiệp sĩ. Giúp em đi khỏi Paris, khỏi nước Pháp cũng được.

– Song anh không thể mang em theo đến vây thành La Rochelle được.

– Không, nhưng ông có thể gửi em ở một bà nào quen biết ông ở tỉnh lẻ, ở quê ông chẳng hạn.

– Ồ cô bạn thân mến của tôi ơi! Ở quê tôi các bà không hề có hầu phòng. Nhưng, xem nào, ta có việc đây, Planchet, đi tìm Aramis cho ta, bảo ông ấy đến ngay lập tức. Chúng ta có một chuyện rất quan trọng cần nói với ông ấy.

– Tôi hiểu rồi – Athos nói – Nhưng tại sao lại không Porthos?

– Tôi thấy hình như nữ Hầu tước của cậu ta…

Nữ Hầu tước của Porthos đã có bạn học nghề ký lục giúp việc khăn áo rồi – D Artagnan vừa nói vừa cười – Hơn nữa, Ketty không muốn ở phố Lũ gấu đâu, phải không Ketty?

– Em ở đâu cũng được – Ketty nói – Miễn là em được giấu kín, không ai biết em ở đâu.

– Giờ đây, chúng ta sắp phải xa nhau, do đó em không còn ghen về tôi nữa…

– Ông hiệp sĩ, dù ở gần, ở xa – Ketty nói – em vẫn sẽ yêu ông.

Athos lầm bầm: “Còn có chỗ cóc khô nào để cho lòng kiên trinh đến làm tổ nữa đây?”

– Anh, cũng vậy, D Artagnan nói – Anh cũng vậy. Anh sẽ luôn yêu em, em cứ yên tâm. Nhưng xem nào, em hãy trả lời anh một câu hỏi rất quan trọng, đã bao giờ em nghe thấy nói về một thiếu phụ bị bắt cóc giữa ban đêm chưa?

– Đợi một chút đã… Ồ, Chúa ơi! Ông hiệp sĩ, ra ông vẫn còn yêu người đàn bà ấy ư?

– Không, đó là một người bạn của anh yêu bà ta. Chính là cái ông Athos kia kìa.

– Tôi ư! – Athos kêu lên như một người thấy mình sắp giẫm lên một con rắn nước.

– Chắc chắn là anh rồi! – D Artagnan vừa nói vừa bấm tay Athos – Em thừa biết là cả hai chúng tôi đều quan tâm đến cái bà Bonacieux bé nhỏ đáng thương ấy. Hơn nữa Ketty sẽ không nói ra đâu, phải không em, Ketty? Em hiểu không, em bé – D Artagnan tiếp tục – Đó là vợ của cái ông phỗng tởm lợm mà em thấy ở cửa khi vào đây ấy.

– Ôi Chúa ơi! – Ketty kêu lên – Ông nhắc đến làm em lại sợ, miễn là lão ta đừng nhận ra em?

– Sao, nhận ra em? Vậy ra em cũng đã từng gặp lão! Lão đến nhà bà Milady hai lần.

– Thế ư? Vào hồi nào?

– Chừng độ mười lăm, mười tám ngày gì đó.

– Đúng rồi.

– Và tối qua lão cũng đến.

– Tối qua ư?

– Vâng, một lúc trước khi ông đến ấy.

– Anh Athos thân mến, chúng ta bị vây trong một mạng lưới gián điệp rồi! Và em tin lão cũng nhận ra em, Ketty?

– Em đã kéo sụp khăn xuống trước mặt, nhưng có lẽ đã quá muộn.

– Anh Athos, anh xuống đi, anh ít bị nó nghi hơn tôi, anh xuống xem nó còn đứng ở cửa không.

Athos xuống rồi lại lên ngay.

– Nó đi rồi – Chàng nói – Cửa nhà đóng.

Nó đi báo cáo, rằng lúc này mấy con chim câu đang ở trong chuồng cả.

– Vậy thì, ta phải vù đi thôi – Athos nói -và chỉ để lại Planchet ở đây để báo tin cho chúng ta.

– Đợi đã! Thế còn Aramis đã.

Đúng lúc đó, Aramis bước vào.

Họ trình bày lại sự việc với Aramis và nói với chàng việc khẩn thiết thế nào để tìm được một chỗ cho Ketty trong số những người thân quen quyền quý.


Aramis nghĩ một lát và đỏ mặt:

– Việc đó thực sự giúp ích cho cậu chứ, D Artagnan?

– Tôi sẽ mang ơn suốt đời tôi.

– Vậy thế này? bà De Bois-Tracy có yêu cầu tôi tìm cho một bà bạn ở tỉnh lẻ một cô hầu phòng tin cẩn. Và nếu cậu có thể, D Artagnan thân mến, đảm bảo cô…

– Ồ thưa ông! – Ketty reo lên – Xin ông tin chắc, em sẽ hết lòng tận tụy với bà nào giúp em rời khỏi Paris.

– Ồ, – Aramis nói – Vậy thì càng tốt.

Chàng ngồi vào bàn viết vắn tắt mấy chữ rồi đóng dấu niêm phong bằng mặt nhẫn và đưa bức thư cho Ketty.

– Bây giờ, em bé – D Artagnan nói – em ở đây lúc nào cũng sẽ chẳng tốt đẹp gì cho bọn anh, cũng như cho em lúc ấy. Vậy chúng ta chia tay nhau thôi. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong những ngày tốt đẹp hơn.

– Và dù bao giờ, ở đâu, ta gặp lại nhau – Ketty nói – Ông cũng sẽ lại thấy em vẫn yêu ông như em yêu ông hôm nay.

– Lời thề của con bạc – Athos nói trong khi D Artagnan đưa Ketty xuống cầu thang.

Một lát sau, ba người bạn chia tay nhau và hẹn bốn giờ gặp nhau ở nhà Athos, để lại Planchet coi nhà.

Aramis trở về nhà còn Athos và D Artagnan đi lo cầm chiếc nhẫn saphia.

Như chàng Gascogne đã đoán trước, họ dễ dàng vay được ba trăm đồng pitxtôn vàng cho chiếc nhẫn đem cầm. Lão chủ Do Thái bảo nếu bán đứt lão sẽ trả năm trăm, vì chiếc nhẫn đem đánh thành tòng teng của hai hoa tai rất đẹp.

Athos và D Artagnan với tính năng động của hai người lính và sự hiểu biết của hai tay sành sỏi, chưa đến ba giờ đồng hồ đã mua xong toàn bộ đồ trang bị của ngự lâm quân.

Hơn nữa Athos vốn sinh trưởng nơi dòng dõi, và đại lãnh chúa đến tận đầu móng tay, nên mỗi khi vừa ý, chàng thường thường trả luôn theo giá nói mà không hề mặc cả. D Artagnan những muốn đưa ra nhận xét, nhưng Athos đã đặt tay lên vai chàng mỉm cười và D Artagnan hiểu rằng đối với một tiểu quý tộc người Gascogne như chàng thì mặc cả là cần thiết, nhưng với một người có dáng dấp một ông hoàng thì không.

Chàng ngự lâm quân tìm được một con ngựa tuyệt đẹp vùng Ăngđaludi sáu tuổi, đen tuyền, lỗ mũi như bốc lửa, chân nhỏ và bay bướm. Chàng quan sát kỹ và không thấy có một khuyết tật nhỏ nào. Người bán đòi một nghìn quan.

Trong khi D Artagnan đang tranh cãi về giá với tên lái ngựa, Athos đã đếm ngay một trăm pítxtôn (tương đương một nghìn quan hoặc livrơ) đặt lên bàn.

Grimaud được một con ngựa xứ Picácđi khỏe, mập giá ba trăm quan. Nhưng sau khi mua nốt yên cương cho con ngựa đó và vũ khí cho Grimaud, số một trăm năm mươi pitxtôn của Athos không còn lấy một xu.

D Artagnan ngỏ ý bảo bạn mình cắn một miếng nhỏ phần chia của chàng, sau này có sẽ trả. Nhưng Athos thay cho không trả lời chỉ nhún vai hỏi chàng:

– Lão Do Thái bảo sẽ trả bao nhiêu nếu bán đứt cho hắn cái nhẫn saphia?

– Năm trăm pitxtôn.

– Có nghĩa được thêm hai trăm pitxtôn, cậu một trăm, tôi một trăm. Ồ thế xem ra cũng là một tài sản thực sự rồi. Hãy quay lại thằng cha Do Thái thôi.

– Sao, anh muốn…

– Chiếc nhẫn đó, dứt khoát chỉ gợi cho tôi những kỷ niệm quá đau buồn. Rồi thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có ba trăm để hoàn lại cho nó, thành thử chúng ta mất toi hai nghìn quan cho cái việc mua bán này. Đến bảo lão cái nhẫn là của lão đi, D Artagnan, và quay lại với hai trăm pitxtôn.

– Nghĩ lại đi, anh Athos.

– Đồng tiền lấy sớm là đồng tiền khôn. Và cũng cần biết hy sinh chứ.

– Thôi đi đi, D Artagnan, Grimaud sẽ mang súng đi cùng.

Nửa giờ sau, D Artagnan trở về với hai nghìn quan và không xảy ra chuyện gì.

Athos đã tìm được nguồn tiền mà chàng không tính đến, cho việc sắm sửa của mình như thế đó.

Chú thích:

(1) Ở đây tác giả lại nhầm vì trên kia Athos đã nói là của bà ngoại cho mẹ

(2) Pôlycrát – Bạo chúa ở Xamốt (322- trước CN) cho rằng có thể tránh được cừu thù bằng một sự mất mát đáng kể, liền ném một nhẫn quý xuống biển. Chiếc nhẫn lại được tìm thấy trong bụng một con cá. Quả nhiên Oronte, phó tướng của Darius chiếm Xamốt, bắt Pôlycrát và đóng đinh chữ thập y.

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Dịch giả: Nguyễn Bản


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.