Đọc truyện Ba Người Lính Ngự Lâm – Chương 1
Ba tặng vật của ông D Artagnan bố.
Ngày thứ hai đầu tiên của tháng tư năm 1625, thị xã Măng (1) nơi sinh tác giả của cuốn Tiểu thuyết Hoa hồng dường như trong một cơn cách mạng như thể người theo giáo phái Canvanh(2) lần thứ hai lại tới vây hãm Pháo thành La Rochelle(3). Nhiều thị dân thấy đàn bà ở phố lớn chạy trốn, trẻ con kêu khóc nơi ngưỡng cửa, liền vội vã khoác chiến bào, và bằng một khẩu hỏa mai hoặc ngọn giáo để củng cố lòng dũng cảm, hướng về phía lữ quán Chủ cối xay. Trước lữ quán, một nhóm người chen chúc, mỗi lúc một đông thêm, nhốn nháo, ồn ào và đầy vẻ tò mò.
Thời buổi ấy, những cơn hoảng loạn luôn xảy ra, không mấy khi lại không có thành phố này, thị trấn nọ ghi ký vào sổ lưu trữ của mình một sự kiện nào đó thuộc loại ấy. Các lãnh chúa chinh phạt lẫn nhau. Quốc vương khai chiến với Giáo chủ. Tây Ban Nha khai chiến với Quốc vương. Rồi thì, ngoài những cuộc chiến thầm lặng hoặc công khai, bí mật hoặc đường hoàng, lại còn bọn trộm cắp, lũ ăn mày, bọn giáo phái Canvanh, lũ sói, bọn lính hầu khai chiến với tất cả mọi người. Thị dân luôn vũ trang chống bọn trộm cướp, chống lại lũ sói, chống lũ lính hầu, cũng thường chống lại các lãnh chúa và bọn giáo phái Canvanh, đôi khi chống cả nhà Vua, nhưng không bao giờ chống lại Giáo chủ và nước Tây Ban Nha. Do đã quen như vậy nên ngày thứ hai tháng tư năm 1625 nói trên, nghe thấy tiếng náo động nhưng không thấy màu cờ vàng và đỏ(4) eũng chẳng thấy bóng dáng đồng phục gia binh của Quận công Richelieu, đám thị dân liền đâm bổ về phía lữ quán Chu cối xay. Đến đó rồi, ai cũng thấy và nhận ra nguyên nhân sự náo động.
Một chàng trai trẻ, hãy phác chân dung chàng bằng một nét bút thôi: Các bạn hãy hình dung một Đông Kihôtê(5) mười tám tuổi, Đông Kihôtê bị lột vỏ, không áo giáp, không xà cạp, chỉ mặc áo chẽn ngắn bằng len màu xanh lơ đã biến thành một màu nâu, tả giữa cặn rượu vang và da trời. Mặt dài sạm nâu, gò má cao, dấu hiệu của sự giảo hoạt, quai hàm bành rộng, nhân dạng không lẫn được của người Gátxcong ngay cả khi không có mũ nồi, mà chàng trai trẻ của ta lại đội mũ nồi gắn lông chim, mắt mở to và thông minh, mũi khoằm, nhưng thanh tú, có vóc người quá to đối với chàng trai sắp thành niên, mà một con mắt ít từng trải hẳn đã cho đó là con trai một chủ trại đi du hành, nếu không có thanh gươm dài treo lơ lửng trên dải đeo bằng da, đập vào bắp chân người chủ khi đi bộ và đập vào lớp lông dựng đứng của con vật cưỡi.
Do chàng trai trẻ có một con ngựa và con vật đó rất chi đặc biệt khiến người ta phải chú ý: đó là một con nghèo nhỏ vàng Bearn khoảng mười hai hoặc mười bốn tuổi, màu vàng áo, không bờm đuôi, nhưng không phải không có chai ở các vó và khi đi, đầu thõng xuống quá dưới gối, khiến cho việc thắng cương đai trở nên vô ích mà vẫn đi nổi tám dặm một ngày. Không may thay, những phẩm chất của con nghẽo lại bị che giấu hết dưới bộ lông kỳ dị và dáng đi khiếm nhã của nó, khiến cho trong cái thời mà mọi người đều sành ngựa, thì việc một con nghẽo nhỏ con của xứ Măng nói trên, mười lăm phút trước đây, qua cửa ô Bôgiăngxi, lọt vào xuất hiện ở đây đã tạo nên một cảm giác thiếu thiện cảm lan sang cả tới chủ nhân của nó.
Và cái cảm giác ấy lại còn nặng nề hơn đối với chàng D artagnan trẻ tuổi (được mệnh danh là chàng Đông Kihôtê của con ngựa Rốtxirăngtê khác là vì như thế đến nỗi chàng chẳng hề giấu mình cái khía cạnh lố lăng đem đến cho chúng, dù chàng có là một kỵ sĩ cừ khôi đến mấy với con nghẽo như thế, cũng như chàng đã thườn thượt thở dài khi nhận món quà mà ông D artagnan bố đã ban tặng. Chàng không phải không biết một con vật như thế ít ra cũng đáng giá hai mươi đồng vàng, còn những lời lẽ kèm theo món quà thì là vô giá.
– Này con!
Vị quý tộc xứ Gascogne nói bằng thứ tiếng thuần Bearn mà Vua Henri IV chẳng bao giờ có thể nói khác nổi:
“Con ngựa này sinh ra trong ngôi của cha con, đã sống ở đây từ bấy đến nay, sắp tròn mười ba tuổi, sẽ khiến con phải yêu quý nó. Đừng bao giờ bán nó, hãy để nó được chết già trong danh dự và lặng lẽ. Nếu con đi đường cùng nó, hãy đối xử với nó như với một lão bộc. Tới triều đình – Ông D Artagnan bố nói tiếp – nếu có vinh dự đến đó, thật ra vinh dự thì dòng dõi quý tộc lâu đời của con đã cho con quyền đó rồi, hãy bảo vệ xứng đáng danh hiệu quý tộc của con, danh hiệu mà tổ tiên đã giữ nó một cách xứng đáng hơn năm trăm năm nay, hãy bảo vệ nó vì con và vì những người thân của con, ý cha muốn nói đấy là cha và bạn bè con. Đừng bao giờ ủng hộ ai mà chỉ với Giáo chủ và nhà Vua. Hãy nghe cho rõ, thời buổi bây giờ, một người quý tộc chỉ lập nghiệp bằng lòng dũng cảm, chỉ riêng lòng dũng cảm của mình thôi. Kẻ nào run sợ trong giây phút có thể để tuột mất cơ may mà chỉ đúng trong giây phút đó vận may mới chìa tay với họ. Con còn trẻ, con phải can trường bởi hai lẽ: thứ nhất, chính vì con là dân Gátxcông và thứ hai, con là con bố. Đừng sợ những cơ hội và hãy tìm kiếm những cuộc phiêu lưu. Bố đã cho con học múa gươm. Con có khoeo chân sắt, cổ tay thép, hãy chiến đấu vào mọi lúc, các cuộc quyết đấu càng bị cấm đoán, do đó càng phải chiến đấu bằng gấp đôi lòng dũng cảm. Con trai ạ, ta chỉ có mười lăm đồng vàng, con ngựa của ta và những lời khuyên như con vừa nghe để cho con. Mẹ con sẽ thêm vào đó cách chế một món thuốc cao học được của một bà Bôhêmiêng, có một công năng kỳ lạ chữa khỏi mọi vết thương không chạm vào tim. Hãy tận dụng mọi cái, và hãy sống hạnh phúc và trường thọ, ta chỉ còn một điều nữa để nói thêm, đó chính là tấm gương ta nêu với con, không phải của ta, bởi ta chưa bao giờ có mặt ở triều đình, mà ta chỉ tình nguyện tham gia chiến tranh tôn giáo, mà ta muốn nói đến ông Treville xưa từng là láng giềng của ta, người đã có vinh dự khi còn tấm bé đã chơi với Vua Louis XIII của chúng ta. Đôi khi trò chơi của họ chuyển thành các trận choảng nhau, và trong những trận chiến ấy nhà Vua không phải lúc nào cũng là kẻ mạnh hơn.
Những miếng đòn nhà Vua nhận được khiến Ngài càng thêm khâm phục, và thân thiết nhiều hơn với ông Treville. Sau này lần đầu tiên trong chuyến đến Paris, ông Treville đã chiến đấu chống lại những kẻ khác năm lần. Từ eái chết của nhà Vua quá cố đến khi nhà Vua trẻ trưởng thành, không kể các cuộc chiến tranh và các cuộc vây thành, ông chiến đấu bảy lần, và từ khi nhà Vua trưởng thành đến nay, có lẽ tới trăm lần. Vì vậy, mặc dầu những pháp lệnh, những chỉ dụ, những sắc lệnh(6) thế mà thấy không, ông vẫn cứ là đại úy ngự lâm quân, có nghĩa là chỉ huy binh đội Céda mà nhà Vua chủ yếu dựa vào đó, còn Giáo chủ thì kiêng nể, vị Giáo chủ như mọi người đều biết, có kiêng nể điều gì đâu.
Hơn nữa, ông Treville kiếm mười nghìn đồng tiền vàng mỗi năm, vậy là cỡ một đại lãnh chúa mạnh rồi. Ông ta cũng khởi đầu như con. Hãy đến gặp ông cùng với bức thư này, và hãy noi gương ông để làm sao được như ông”.
Tới đây, ông D Artagnan bố đeo thanh kiếm của mình, cho con trai, trìu mến ôm hôn chàng lên hai bên má và cầu phúc cho chàng.
Rời khỏi phòng cha, chàng trai thấy mẹ mình đang đợi mình với phương thuốc trứ danh, theo lời dặn dò của ông bố sẽ luôn luôn cần đến cho chàng. Cuộc giã biệt ở đây lâu la hơn và trìu mến hơn “cuộc giã biệt” vừa rồi, chẳng phải vì ông D Artagnan bố không yêu con trai, kẻ nối dõi độc nhất của mình, nhưng ông ta là một người đàn ông và sẽ bị xem là không xứng đáng khi phó mặc mình cho cảm xúc, còn như bà D Artagnan, bà là đàn bà, hơn nữa là mẹ. Bà khóc sướt mướt, và phải khen chàng D Artagnan con, đã cố gắng để tỏ ra cứng rắn như một ngự lâm quân tương lai cần phải thế, nhưng bản năng cuốn chàng theo khiến nước mắt chàng lã chã tuôn rơi, khó khăn lắm mởi giấu đi được một nửa.
Cùng ngày hôm ấy, chàng trai trẻ lên đường mang theo ba tặng vật của cha như đã nói, gồm mười lăm đồng vàng, con ngựa và bức thư cho ông Treville, hơn nữa có cả những lời khuyên nữa.
Với một hành trang như vậy, D Artagnan thấy mình về tinh thần cũng như thể xác, như một bản sao chính xác nhân vật của Xécvăngtéc mà ta đã đem ra so sánh một cách rất chi thích đáng, khi mà nhiệm vụ của một sử gia buộc chúng tôi cần thiết phải phác họa chân dung chàng. Đông Kihôtê coi những cối xay gió như những gã khổng lồ và lũ cừu là nhứng đoàn quân, còn D artagnan lại coi mỗi nụ cười là một sự lăng mạ và mỗi cái nhìn là một sự khiêu khích. Vì vậy, dọc đường từ Tarbes (7) đến Măng, chàng luôn giữ chặt nắm đấm, và tay kia vì lý do này khác đặt lên đốc gươm đến mươi lần trong ngày, tuy nhiên nắm đấm chưa hề quai xuống hàm ai và gươm cũng không hề tuốt ra khỏi vỏ. Không phải con nghẽo con màu vàng hãm tài kia không gây cười trên khuôn mặt khách qua đường, mà chính vì bên sườn con ngựa còi ấy còn lạch phạch một thanh gươm dài đáng nể, và bên trên long lanh con mắt nom có vẻ dữ tợn hơn là kiêu hãnh, khách qua đường vì vầy thường cố nén để không rũ ra cười, hoặc dù cẩn tắc cũng không nén nổi, cũng phải cố chỉ cười nửa miệng giống như nhửng vai hề cổ. Cho nên D Artagnan vẫn đường đường oai phong, không sao trước cái tính nóng nảy cố hữu cho tới khi đến cái thị trấn Măng khốn khổ này.
Nhưng nơi đây khi chàng vừa xuống ngựa trước cửa lữ quán Chủ cối xay, chẳng người nào, từ chủ quán, hầu bàn, người coi ngựa, tới giữ bàn đạp ngựa cho chàng ở bậc lên xuống ngựa.
D artagnan trông thấy ở khuôn cửa sổ hé mở của tầng trệt một nhà quý tộc, vóc dáng đẹp, vẻ kiêu kỳ, tuy nét mặt hơi cau có đang nói gì đó với hai người đang nghe một cách kính nể. Theo thói quen, D Artagnan hoàn toàn tự nhiên tin rằng mình là đối tượng của câu chuyện và lắng nghe. Lần này chàng chỉ nhầm có một nửa: vấn đề không phải là chàng mà là con nghẽo của chàng. Gã quý tộc như đang liệt kê cho đám người nghe tất cả các thuộc tính của con nghẽo và như vì đã nói, người nghe xem ra rất kính nể người kể chuyện, mỗi lúc họ lại phá lên cười. Mà chỉ một nửa nụ cười cũng đủ khơi dậy cái tính dễ nổi cáu của chàng trai trẻ, sẽ hiểu ngay những chuỗi cười ầm ĩ như thế sẽ tạo nên hiệu quả thế nào đối với chàng.
Thế nhưng D artagnan trước hết muốn thấy rõ được bộ mặt của kẻ hỗn xược đang nhạo mình. Chàng găm cái nhìn kiêu hãnh vào kẻ lạ mặt và nhận ra một người đàn ông khoảng bốn mươi, bốn nhăm tuồi, đôi mắt đen và sắc nhọn nước da xanh tái, mũi rất cao, ria mép đen, tỉa xén hoàn hảo. Hắn ta mặc áo chẽn ngắn và quần ống túm màu tím có tua cùng màu, không có bất kỳ trang sức nào ngoài những rãnh xẻ quen thuộc để luồn áo lót qua đó. Quần ống túm và áo chẽn màu dù còn mới, lại có vẻ dầu dãi như những trang phục du hành xếp kín lâu trong valy lớn.
D artagnan tiếp nhận tất cả những đặc điểm đó với sự mau lẹ của một quan sát viên tỉ mỉ nhất và chắc chắn bởi một linh tính mách bảo chàng rằng con người xa lạ kia ắt có một ảnh hưởng lớn đến đời chàng sau này.
Đúng lúc D Artagnan chăm chăm nhìn vào nhà quý tộc mặc áo chẽn tím, hắn ta đưa ra một nhận xét hóm hỉnh nhất và sâu sắc nhất về xứ sở của con nghẽo còi vùng Bearn, hai thính giả của hắn phá lên cười, còn bản thân hắn, trái với thói quen thường lệ, cũng để lộ cho mọi người thấy, lướt qua một nụ cười nhợt nhạt trên bộ mặt hắn. Lần này thì không còn nghi ngờ gì nữa, D artagnan đã thực sự bị lăng nhục. Vì thế, tin chắc như vậy, kéo mũ xuống tận mắt, và cố bắt chước một số điệu bộ trong chốn triều đình mà chàng bất ngờ bắt gặp ở những bậc vương công du hành qua vùng Gátxcông, chàng tiến lên, một tay đặt vào chuôi gươm và tay kia chống háng. Khốn nỗi, càng tiến lên, cơn giận mỗi lúc càng làm chàng thêm mù quáng, đáng lẽ phải có một khẩu khí trang trọng và kiêu hãnh mà chàng đã chuẩn bị để phô diễn sự thách thức của mình, chàng chỉ còn thấy nơi đầu lưỡi ngôn từ của một nhân cách thô lỗ kèm theo cách hành xử cuồng dại.
– Này, ông kia! – Chàng hét lên – Cái ông nấp sau cánh cửa sổ kia! Phải, chính ông, hãy nói ta nghe xem ông cười cái gì nào, rồi chúng ta sẽ cùng cười.
Nhà quý tộc chậm rãi đưa mắt nhìn từ con ngựa lên chàng kỵ sỹ, như thể cần phải có thời gian ấy để hiểu rằng những lời trách móc lạ lùng đến thế chính là dành cho mình, rồi không thể nghi ngờ gì nữa, đôi lông mày hơi cau lại, và sau khoảng lâu dừng lại, hắn ta trả lời D artagnan bằng một giọng mỉa mai và xấc xược không thể tả được:
– Tôi không nói với ông, thưa ông.
– Nhưng ta, ta nói với ông!
Chàng trai trẻ giận sôi lên và hét to, trước thái độ vừa xấc xược vừa nhã nhặn, vừa lịch thiệp vừa khinh thị pha lẫn với nhau.
Kẻ xa lạ còn nhìn chàng một lát rồi với nụ cười thoáng qua rồi ra khỏi cửa sổ, từ từ ra khỏi lữ quán đi về phía D Artagnan cách hai bước chân rồi đứng thẳng đối mặt với con nghẽo. Thái độ bình tĩnh và vẻ mặt châm biếm của hắn càng khiến cho bọn người vừa chuyện trò với hắn, vẫn ở nơi cửa sổ cười to gấp đôi.
D Artagnan thấy hắn tiến đến, liền rút gươm nhích ra khỏi vỏ hơn một gang tay.
– Con ngựa này chắc chắn, hay đúng hơn lúc trẻ từng có màu vàng cúc áo.
Kẻ xa lạ tiếp tục lặp lại những soi mói đã từng bắt đầu với bọn người nghe của y ở cửa sổ, tựa như không thèm để ý đến cơn điên giận sôi lên của D Artagnan lúc đó đã đứng ở giữa y và họ.
Đó là một màu rất quen thuộc của thực vật học, nhưng đến nay rất hiếm thấy ở loài ngựa.
Đệ tử của ông Treville giận giữ thét lên:
– Kẻ cười giễu con ngựa là kẻ không dám cười chủ nó!
– Tôi thường không hay cười, thưa ông. – Kẻ lạ mặt tiếp – Tự ông, ông cũng có thể thấy như thế trên vẻ mặt của tôi, song tôi vẫn bảo lưu đặc quyền được cười khi tôi thích.
– Còn ta – D Artagnan – ta không muốn người ta cười khi nó làm ta khó chịu.
– Thật thế ư, thưa ngài? – Kẻ lạ mặt tiếp tục với vẻ càng bình tĩnh hơn bao giờ hết – Thế thì, chí lí quá đi rồi?
Rồi quay gót, hắn đang định trở vào lữ quán theo lối cửa lớn mà dưới cửa, khi D Artagnan đến đây đã thấy một con ngựa đóng sẵn yên cương.
Nhưng D Artagnan không phải loại dễ bỏ qua như thế với một kẻ đã hỗn xược chế nhạo mình.
– Quay lại! Quay lại nào, ông hay châm biếm, ta không muốn đánh ông phía sau lưng đâu.
– Đánh tôi, tôi ấy à? – Người kia vừa nói vưa quay gót lại nhìn chàng trai trẻ hết sức ngạc nhiên cũng như khinh bỉ – Chà, thế kia đấy. Ông bạn quý, anh điên rồi.
Rồi hạ giọng như thể nói với chính mình:
– Phiền thật. – Y tiếp tục – thế mà Hoàng Thượng cứ phải đi tìm những kẻ can trường ở những đâu đâu để trưng tuyển vào ngự lâm quân của ngài!
Người lạ vừa nói dứt, D Artagnan đã vươn tay xỉa tới một mũi gươm thịnh nộ đến nỗi nếu không nhanh chân nhảy lùi lại, có lẽ đây sẽ ìà lần cuối cùng hắn được bông đùa. Người lạ mặt lúc đó thấy sự thể đã vượt qua trò nhạo báng, liền rút gươm ra chào địch thủ và nghiêm trang thư thế. Nhưng cũng đúng lúc ấy, hai thính giả của y, kèm theo chủ quán nhảy bổ vào D artagnan phang chàng bằng những đòn gậy, xẻng, và que gắp than. Điều đó làm chệch hướng thật nhanh chóng, thật hoàn hảo cuộc tấn công, khiến cho trong khi D artagnan quay lại đối mặt với trận mưa đòn, đối thủ của chàng cũng tra gươm vào vỏ với cùng độ chính xác, và đang suýt là một diễn viên nay lại trở thành khán giả của trận chiến, một vai mà hắn rất thạo với vẻ bình thản thường tình của mình, tuy vẫn không ngớt làu bàu:
– Cái giống Gascogne ôn dịch! Bê hắn lên con ngựa vàng cam của hắn và để hắn xéo đi.
– Không trước khi ta giết mi đâu, đồ hèn! – D Artagnan vừa hét vừa đem hết sức đối địch, không lùi một bước trước ba kẻ thù, đang phang chàng túi bụi.
– Lại một thói Gascogne ! – Nhà quý tộc lẩm bẩm – Ta thề đấy, lũ Gascogne này đều là lũ bất trị! Nó đã muốn vậy, cứ để nó tiếp tục múa may. Khi nào nó mệt nó sẽ nói nó múa thế đủ rồi.
Nhưng người lạ mặt còn chưa hiểu mình đang phải đương đầu với một kẻ ương bướng đến mức nào, D Artagnan không bao giờ là người chịu xin thua. Cuộc đấu tiếp tục thêm mấy giây nữa, cuối cùng D artagnan kiệt sức để tuột gươm, một nhát gậy đánh gãy gươm làm đôi. Một đòn khác nện chàng vào trán gần như cùng một lúc làm chàng lộn nhào. Máu chảy đầm đìa, gần như bất tỉnh.
Chính vào lúc đó, từ mọi phía người ta chạy đến nơi đang xảy ra chuyện. Chủ quán sợ tai tiếng, với sự giúp đỡ của mấy gã hầu bàn, khiêng kẻ bị thương vào bếp, chăm sóc qua loa.
Còn nhà quý tộc thì đã trở lại chỗ cũ bên cửa sổ nhìn đám đông ấy một cách bồn chồn, có vẻ như việc họ cứ đứng ỳ ra đấy làm cho hắn rất bực bội.
– Thế nào, thằng điên ấy ra sao rồi? Hắn quay lại khi nghe tiếng cửa mở, hỏi chủ quán vừa bước vào thăm sức khỏe của hắn.
– Thưa đại nhân, ngài không sao chứ ạ? – Chủ quán hỏi.
– Phải, hoàn toàn vô sự, ông chủ quán thân mến ạ và chính tôi đang muốn hỏi ông chàng trai trẻ của chúng ta ra sao rồi?
– Hắn đang khá hơn. Vừa rồi bất tỉnh hoàn toàn.
– Thật thế ư?
– Nhưng trước khi ngất, hắn còn thu hết tàn lực réo tên ngài và vừa réo vừa thách thức ngài.
– Thế thì cái gã táo tợn ấy đúng là quỷ hiện hình rồi.
– Ồ không! Thưa đại nhân, không phải là quỷ – Chủ quán vừa nói vừa nhăn mặt tỏ ý khinh bỉ – Vì trong khi hắn mê man, chúng tôi đã lục soát hắn, và hắn chỉ có trong bọc hành lý một áo lót và trong túi tiền mười hai đồng vàng. Điều đó không ngăn hắn ta trong khi sắp ngất nói ra rằng nếu sự việc như thế diễn ra ở Paris, ngài sẽ phải hối tiếc ngay tức khắc, còn ở đây ngài sẽ thấy hối tiếc sau này.
– Thế thì – Người lạ mặt lạnh lùng – hắn dòng dõi bậc hoàng thân nào đó cải trang.
– Thưa tôn ông, tôi nói với ngài điều đó – Chủ quán nói tiếp – là để ngài đề phòng.
– Và trong cơn điên giận hắn không nói rõ tên ai?
– Có chứ, hắn vỗ túi nói: “Rồi sẽ thấy ngài Treville sẽ nghĩ thế nào về việc lăng mạ này đối với người được ngài bảo vệ”.
– Ông Treville ư? – Người lạ vừa nói vừa đăm chiêu – Hắn vỗ túi và thốt ra tên ông Treville ư? Xem nào, ông chủ quán thân mến, trong khi gã trai trẻ bất tỉnh, tôi tin chắc, ông lại chẳng không nhìn vào chiếc túi đó ư. Túi có gì?
– Một phong thư gửi ngài De Treville, đại úy ngự lâm quân.
– Thật vậy ư?
– Thưa đại nhân, đúng như tôi có vinh dự được nói điều đó với ngài.
Chủ quán, vốn không được phú cho đầu óc mẫn tiệp, không hề nhận thấy những lời nói của mình khiến cho vẻ mặt người lạ thay đổi thế nào. Người đó rời bậc cửa, nơi vẫn chống khuỷu tay, chau mày ra chiều lo lắng.
– Quỷ thật! – hắn thầm thì qua kẽ răng – Treville chả nhẽ lại gửi đến ta tên Gátxcông này? Hắn non trẻ quá! Nhưng một đường gươm vẫn là một đường gươm, bất kể tuổi tác của người vung gươm, và người ta ít coi chừng một đứa trẻ hơn bất kỳ kẻ nào khác. Đôi khi chỉ cần một trở ngại nhỏ để cản phá một mưu đồ lớn.
Người lạ trở nên trầm tư trong ít phút.
– Này chủ quán – hắn nói – có phải ông sẽ không loại bỏ giúp ta cái tên cuồng loạn này? Trong thâm tâm, ta không thể giết hắn, thế nhưng – hắn thêm bằng vẻ đe dọa lạnh lùng – thế nhưng hắn chướng mắt ta lắm. Hắn đang ở đâu?
– Trong phòng vợ tôi – Người ta đang băng bó cho hắn ở tầng gác một.
– Quần áo và bọc hành lý vẫn ở chỗ hắn chứ! Hắn không rời chiếc áo chẽn chứ?
– Trái lại, tất cả đều ở dưới bếp. Nhưng một khi tên nhãi rồ ấy làm phiền ngài…
– Hẳn rồi. Hắn gây ra trong lữ quán của ông một vụ bê bối mà người tử tế không thể chịu nổi. Lên phòng ông đi, thanh toán mọi khoản cho ta, rồi bảo cho người hầu của ta.
– Sao! Ngài rời khỏi chúng tôi à?
– Ông thừa biết đấy, ta chẳng đã ra lệnh thắng yên ngựa của ta ư? Không tuân lệnh ta ư?
– Quá chứ ạ! Như đại nhân có thể thấy đấy, ngựa của ngài ở dưới cửa chính, tất cả đã sẵn sàng để lên đường.
– Tốt lắm, hãy làm cái việc ta đã bảo ông đi.
“Lạ thật! – Chủ quán tự nhủ – Chả lẽ ông ta lại sợ thằng nhãi?”.
Nhưng một cái nhìn quyền thế của người lạ kia đã chặn đứng ngay chủ quán. Chủ quán khúm núm chào và đi ra.
Người lạ tự bảo:
– Không nên để Milady bị tên kỳ quặc kia bắt gặp. Thế nào nàng cũng sắp qua đây, vì lúc này coi như đã đến muộn. Tốt hơn là ta cứ lên ngựa đến đón gặp nàng trước. Giá như ta có thể biết bức thư gửi Treville nội dung thế nào? Con người này vừa làu bàu vừa đi về phía bếp.
Trong khi đó, chủ quán tin rằng chính sự hiện diện của gã trai trẻ khiến người lạ mặt kia phải bỏ đi, ông ta liền đi tới phòng vờ mình và thấy D artagnan đã tỉnh lại. Thế rồi, ông ta giảng giải cho chàng hiểu rằng cảnh sát có thể gây phiền phức cho chàng vì chàng đã gây chuyện với một bậc đại thần, vì theo ý ông ta, người lạ mặt chỉ có thể là một vị đại thần, rồi ông ta thúc ép chàng dẫu còn yếu, cũng nên cố vùng dậy tiếp tụe cuộc hành trình.
D Artagnan vẫn còn choáng váng, mình không áo chẽn, đầu quấn đầy băng, đứng lên, bị chủ quán vừa kéo vừa đẩy, đành bước xuống thang gác. Nhưng vừa xuống tới bếp, vật đầu tiên chàng trông thấy chính là kẻ đã khiêu khích chàng, hắn đang bình thản nói chuyện ở bậc lên xuống của một cỗ xe nặng thắng hai con ngựa lớn nòi Normande.
Người đàn bà trò chuyện với hắn, đầu tựa như được viền trong khung cửa xe, là một phụ nữ từ hai mươi đến hăm hai tuổi. Chúng ta đã từng nói tới khả năng nắm bắt diện mạo nhanh nhạy của D artagnan, nên vừa thoạt nhìn, chàng đã thấy ngay người đàn bà trẻ đẹp. Mà cái sắc đẹp ấy lại hoàn toàn xa lạ ở cái xứ sở phương Nam nơi chàng vẫn sống, càng khiến chàng bị choáng. Đó là một phụ nữ, nước da trắng xanh, tóc hung vàng, xõa thành những chuỗi dài xuống hai vai, đôi mắt xanh to u hoài, đôi môi hồng và hai bàn tay như bạch ngọc.
Nàng trò chuyện sôi nổi với người lạ kia.
– Vậy, Đức ông lệnh cho tôi… – Người đàn bà nói.
– Phải quay lại nước Anh ngay tức khắc và trực tiếp báo trước cho ngài (8) nếu Quận công (9) rời London.
– Thế còn những chỉ thị khác cho tôi? – Khách lữ hành xinh đẹp hỏi.
– Tất cả được bọc kín trong chiếc hộp này, và chỉ được mở khi đã ở bờ bên biển Măngsơ.
– Rất tốt. Còn ông, ông làm gì?
– Tôi, tôi trở lại Paris.
– Không trị tội thằng nhãi con hỗn xược sao? – Người đàn bà hỏi.
Người lạ định trả lời, nhưng vừa mở miệng, D Artagnan đã nghe thấy hết, lao mình tới ngưỡng cửa và hét lên:
– Chính thằng nhãi hỗn xược mới trừng trị kẻ khác. Và ta hy vọng lần này kẻ mà thằng nhóc trừng trị sẽ không thoát khỏi như lần đầu.
– Sẽ không thoát khỏi ư? – Người lạ cau mặt cau mày hỏi.
– Không, trước một phụ nữ, ta cho là ông sẽ không dám trốn.
Milady kêu to khi thấy nhà quý tộc để tay lên gươm:
– Hãy nghĩ kỹ đã, hãy nghĩ, chậm một tý thôi có thể mất hết.
– Nàng có lý – nhà quý tộc nói – Vậy nàng hãy đi theo con đường nàng. Ta đi đường ta.
Và khẽ gật đầu chào người đàn bà, người đó nhảy phắt lên yên ngựa, người đánh xe của cỗ xe cũng quất mạnh đôi ngựa thắng. Hai bên đều phi nhanh về phía ngược nhau trên đường phố.
– Này, còn tiền chi phí. – Chủ quán với gọi, lòng mến khách đối với người lạ đã chuyển thành sự khinh bỉ sâu sắc khi thấy hắn xa dần mà không thanh toán tiền trọ.
– Trả đi, đồ đê tiện! – Người lạ mặt vừa phi ngựa vừa quát tên hầu.
Tên này quăng xuống chân chủ quán vài ba đồng bạc rồi cùng phi theo chủ.
D artagnan đến lượt mình cùng lao theo tên hầu và la:
– A, đồ hèn! Đồ, khốn nạn! Quý tộc rởm.
Nhưng người bị thương còn quá yếu không thể chịu nổi một cú lao mạnh như vậy. Mới được mươi bước, tai chàng đã ù, đầu hoa lên, máu như dồn lên mắt khiến chàng ngã lăn ra đường phố, nhưng miệng vẫn còn la:
– Hèn! Hèn! Hèn!
– Quả là hắn rất hèn! – Chủ quán vừa lẩm bẩm vừa tới gần D artagnan, cố nịnh bợ để làm lành với chàng trai tội nghiệp giống như con sếu với con ốc sên buổi tối trong chuyện ngụ ngôn(10).
– Phải, quá hèn – D Artagnan lẩm bẩm – nhưng nàng, quá đẹp!
– Ai, nàng nào? – Chủ quán hỏi.
D Artagnan ấp úng:
– Milady ấy.
Rồi chàng lại ngất lần thứ hai.
– Thế là hòa – Chủ quán nói – Ta mất hai, nhưng lại còn được tên này, mà ta tin chắc sẽ giữ lại được ít nhất mấy ngày. Vẫn cứ kiếm được mười một đồng vàng đi.
Mười một đồng vàng vừa đúng là số tiền còn lại trong túi tiền của D Artagnan.
Chủ quán đã tính theo mười một ngày bệnh, với giá một đồng vàng một ngày, nhưng tính vắng mặt khách trọ. Sáng hôm sau lúc năm giờ, D artagnan thức dậy, tự mình xuống bếp, yêu cầu cho chàng rượu vang, dầu, cây hương thảo, ngoài các vị thuốc khác ta không nắm được tên, và tay cầm đơn thuốc mẹ chàng cho, chế thành một loại cao, rồi xoa lên các vết thương đầy người, tự thay mới băng gạc và không muốn chấp nhận bất cứ thày thuốc nào giúp chữa. Chắc hẳn nhờ công dụng của loại cao Bôhêm và có lẽ cũng nhờ sự vắng mặt của mọi loại bác sĩ, ngay tối hôm ấy chàng đã tự đi lại được và hôm sau gần như khỏi hẳn.
Nhưng lúc trả tiền cây hương thảo, dầu và rượu vang, khoản chi duy nhất của chủ, gần như tuyệt đối không ăn, thì ngược lại con nghẽo vàng, theo như chủ quán nói, ít ra cũng đã ăn gấp ba lần mức mà người ta coi như hợp lý so với tầm vóc của nó, D artagnan chỉ thấy trong túi áo mình cái túi đựng tiền bằng nhung đã sờn mười một đồng tiền vàng, còn phong thư ngài De Treville đã biến mất.
Chàng trai trẻ kiên nhẫn tìm bức thư, lộn đi lộn lại đến hai mươi lần những túi áo lớn nhỏ, lục đi lục lại bọc hành lý, mở rồi lại đóng túi đựng tiền, nhưng khi tin chắc không thấy được nữa, lần thứ ba chàng lại rơi vào cơn điên giận suýt nữa lại một phen làm đi tong món dầu thơm và rượu vang. Bởi vì thấy cái đầu kẻ tồi tệ kia bốc nóng và đe dọa đập phá hết đồ nội thất nếu không tìm ra cho chàng bức thư, chủ quán đã vơ lấy một ngọn giáo, vợ y, cán chổi và lũ hầu bàn vẫn những đòn gậy đã sử dụng hôm trước.
Bức thư tiến cử của ta! – D artagnan gào lên – Bức thư tiến cử của ta! Mẹ kiếp! Nếu không, ta sẽ xiên chả tất cả như nướng chim ngói cho mà xem!
Khốn nỗi, một tình thế đã chống lại chàng trai trẻ, không cho chàng làm được điều đe dọa. Như đã nói, gươm của chàng từ trận đầu đã bị gãy làm đôi mà chàng đã hoàn toàn quên mất. Vì vậy, khi chàng muốn tuốt gươm, chàng chỉ thấy đơn giản trơ một mẩu gươm dài khoảng một gang tay mà chủ quán đã cẩn thận tra vào vỏ. Phần còn lại của lưỡi gươm, tay chủ quán đã khéo léo sửa thành một cái xiên nướng thịt.
Song nỗi thất vọng đó chưa chắc đã ngăn nổi chàng trai hung hăng của chúng ta nếu như chủ quán không nghĩ việc người khách lạ đòi hỏi y là hoàn toàn chính đáng. Hắn hạ mũi giáo xuống hỏi:
– Nhưng thật ra bức thư ấy ở đâu?
– Phải, bức thư ấy ở đâu? – D artagnan hét – Trước hết ta báo cho ông biết, bức thư ấy là gửi cho ngài De Treville, và nó phải được tìm thấy. Hoặc nếu không tìm thấy, chính ngài sẽ biết cách tìm ra!
Lời đe dọa khiến chủ quán hoảng sợ. Sau Nhà Vua và Giáo Chủ, ngài Treville là người tên tuổi luôn được nhắc đến nhiều nhất trong giới nhà binh và cả trong dân phố nữa. Hẳn là có Đức cha Jôdép nữa, nhưng tên ông không bao giờ được nhắc đến trừ phi thấy giọng thôi để cho thấy nỗi kinh hoàng mà Đức ông xám, kẻ thân cận của Giáo chủ được mệnh danh như vậy, gây ra thế nào.
Thế là chủ quán vứt giáo, ra lệnh cho vợ mình và bọn gia nhân cũng làm theo, vứt hết gậy gộc, tự mình nêu gương cần mẫn đi tìm bức thư. Sau một hồi tìm kiếm không kết quả, chủ quán nói:
– Bức thư đó có cái gì quý giá ư?
Chàng Gátxcông vẫn trông mong bức thư sẽ mở đường cho chàng vào triều đình trả lời:
– Ta tin chắc như vậy. Nó chứa đựng vận mệnh của ta.
– Những ngân phiếu thanh toán ở Tây Ban Nha ư? – chủ quán lo lắng hỏi.
– Những ngân phiếu trong ngân khố đặc biệt của Hoàng thượng – D artagnan đáp như vậy vì cho rằng nhờ bức thư tiến cử ấy chàng có thể vào phục vụ nhà Vua, câu trả lời có đôi chút mạo muội, nhưng không phải là dối trá.
– Chết cha! – Chủ quán nói, hoàn toàn thất vọng.
– Nhưng không sao! – D artagnan tiếp tục với vẻ bộc trực vốn có của dân xứ chàng – Không sao, tiền không là gì. Thư mới là tất cả, ta thà mất nghìn bạc còn hơn mất bức thư.
Chàng chẳng ngại nói tới hai mươi nghìn, nhưng một sự e dè non trẻ nào đó đã ngăn chàng lại.
Đầu óc chủ quán đang mụ mị đi vì không tìm thấy gì bỗng lóe lên một tia sáng và reo lên:
– Bức thư không hề mất!
– Hả! – D artagnan hỏi. – Không mất? Ai lấy?
– Lão quý tộc hôm ấy. Lão đã xuống bếp nơi để chiếc áo chẽn của ông. Lão ở đấy có một mình. Tôi cuộc chính lão lấy cắp bức thư.
– Ông tin vậy à? D artagnan chưa tin lắm hỏi lại. Chàng biết rõ hơn bất cứ ai tầm quan trọng hoàn toàn có tính chất cá nhân của bức thư, và không hề thấy ở bức thư cái gì có thể khêu gợi máu tham cả.
Sự thể là bất kỳ lũ người hầu, hoặc khách trọ có mặt nào cũng sẽ chẳng kiếm được chút lợi lộc gì khi chiếm hữu tờ giấy đó. D artagnan tiếp:
– Vậy ông nói ông ngờ lão quý tộc xấc xược ấy ư?
– Tôi nói rằng tôi cam đoan như vậy. Khi tôi báo cho lão ta biết quý ông là người được ngài Treville bảo trợ và quý ông có bức thư gửi cho ngài quý tộc lẫy lừng đó, thì lão tỏ ra rất lo lắng, liền hỏi tôi bức thư đó ở đâu rồi lập tức đi xuống bếp, nơi lão biết có chiếc áo chẽn của quý ông.
– Vậy, đó chính là tên kẻ cắp của ta rồi! – D artagnan đáp – Ta sẽ khiếu nại với ngài De Treville, và ngài sẽ khiếu nại chuyện này với Đức Vua.
Nói rồi chàng oai vệ rút ra hai đồng tiền vàng đưa cho chủ quán. Chủ quán tay cầm mũ, tiễn chàng đến tận cửa. Chàng lại cưỡi lên con nghẽo màu vàng đi tới tận cổng ô Saint-Antoine ở Paris không gặp một tai họa khác nào. Đến đây chủ nó bán nó lấy ba đồng vàng, như vậy là với giá quá cao rồi, bởi D artagnan đã làm nó quá mệt trong đoạn đường cuối. Người lái ngựa mà D artagnan đã nhượng lại con nghẽo, trả giá ba đồng vàng không hề giấu giếm chàng trai trẻ là mình đã đưa ra cái giá quá đắt ấy chẳng qua chỉ vì màu lông độc đáo của nó.
Vậy là D artagnan đi bộ vào Paris, tay xách một bọc nhỏ, cuốc bộ mãi tới khi tìm thuê được một phòng phù hợp với khoản tiền ít ỏi của mình. Gian phòng là loại phòng sát mái ở phố Phu đào huyệt, cạnh vườn Luychxămbua.
Trả xong khoản tiền chùa (11), D Artagnan nhận phòng ở, suốt thời gian còn lại trong ngày, chàng ngồi khâu vào áo chẽn và quần nịt những mảnh ren viền mà mẹ chàng đã tháo từ chiếc áo chẽn hầu như còn mới của ông D artagnan bố, rồi giấu giếm đưa cho chàng. Tiếp đó chàng đến phố Thợ rèn đặt làm một lưỡi gươm, rồi trở lại điện Louvre hỏi thăm người lính ngự lâm đầu tiên chàng gặp, vị trí dinh quán của ngài De Treville, hóa ra ở ngay phố Chuồng chim câu cũ, nghĩa là đúng ngay cạnh phòng D artagnan tìm thuê: một cảnh ngộ có vẻ một sự mở đầu may mắn cho sự thành công của cuộc hành trình.
Sau đó, hài lòng về cách ứng xử của mình ở thị trấn Măng, không chút hối hận về việc đã qua, tin vào hiện tại và tràn trề hy vọng trong tương lai, chàng đi nằm và ngủ giấc ngủ của một dũng sĩ.
Giấc ngủ đầy chất tỉnh lẻ, kéo chàng đến tận chín giờ sáng, giờ chàng phải dậy để đến nhà ngài De Treville danh tiếng, nhân vật thứ ba của vương quốc theo sự đánh giá của bố chàng.
Chú thích:
(1) Măng: Thị trấn thuộc lưu vực sông Loa nước Pháp. ( Le Mans )
(2) Giáo phái Canvanh: Giáo phái do Han Canvanh làm Giáo chủ, một giáo phái Tin lành cải cách – phát triển mạnh ở Pháp và Thụy Sĩ, đã từng tổ chức một nưởc Cộng hòa Tin lành ở Giơnevơ (1509-1564)
(3) Pháo thành La Rochelle: Thủ phủ của quận Chafente. Maritime, bên bờ Đại dương cách Paris về phía Tây Nam 470 km.
(4) Màu cờ vàng và đỏ: Màu cờ Tây Ban Nha.
(5) Đông Kihôtê: Nhân vật chính đồng thời cũng là tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Cervatès nhà văn người Tây Ban Nha.
(6) Cấm những cuộc quyết đấu: nhưng không có ý này trong nguyên bản cũng như bản tiếng Anh.
(7) Tarbe – Thị trấn thuộc tỉnh Gascogne, quê hương của dòng họ D Artagnan – thuộc vùng Thượng Pyrenée.
(8) Ý nói Giáo chủ Richelieu.
(9) Quận công De Buckingham.
(10) Truyện ngụ ngôn của La Fontaine – con sếu muốn thò mỏ vào trong cái vỏ cứng của ốc sên để ăn thịt nó.
(11) Denier à Diedomné – tiển thu được ở trong chiếc đĩa của nhà thờ