Anne tóc đỏ làng Avonlea

Chương 11chương 11


Đọc truyện Anne tóc đỏ làng Avonlea – Chương 11: chương 11

11. Sự Thật Và Tưởng Tượng
“Dạy học là một nghề rất thú vị,” Anne viết cho một cô bạn thân ở Học viện Queen. “Jane nói cậu ấy thấy nó đơn điệu, nhưng tớ không thấy vậy. Mỗi ngày đều gần như chắc chắn sẽ có chuyện gì đó buồn cười xảy ra, và trẻ em nói những lời thú vị không tả nổi. Jane nói cậu ấy phạt học trò mỗi khi chúng nói những điều ngớ ngẩn; chắc đó là lý do khiến cậu ấy thấy việc dạy học đơn điệu. Trưa nay,Jimmy Andrews bé bỏng cố gắng đánh vần từ lấm tấm mà mãi không xong. ‘À,’ cuối cùng nó nói, em không đánh vần được nhưng em biết nghĩa của nó đấy.’
“Nghĩa gì? mình hỏi.
“Khuôn mặt của St. Clair Donnell, thưa cô.’
“St. Clair đúng là bị tàn nhang đầy mặt, dẫu tớ cố ngăn mấy đứa khác trêu chọc nó… bởi tớ từng bị tàn nhang, và ôi chao tớ nhớ rõ mồn một thời đó. Nhưng tớ không nghĩ là St. Clair quan tâm. Chỉ vì Jimmy gọi nó là St. Clair mà St. Clair đã tẩn nó một trận trên đường về nhà. Tớ nghe nói là có đánh nhau, nhưng không chính thức, vì thế tớ nghĩ tớ chẳng can thiệp làm gì.
“Hôm qua, tớ đang tìm cách dạy Lottie Wright làm tính cộng. Tớ nói, Nếu em có ba cục kẹo ở một tay và hai cục kẹo ở tay còn lại, vậy thì tổng cộng em có bao nhiêu? Nguyên một miệng kẹo,’ Lottie đáp. Và trong giờ sinh vật, khi tớ hỏi đám trẻ cho lý do vì sao không nên giết cóc, Benjie Sloane nghiêm túc trả lời, Vì hôm sau trời sẽ mưa.
“Muốn không cười cũng khó, Stella à. Tớ phải nén cười cho tới khi về nhà, và bác Marilla nói bác ấy lo lắng khi nghe tiếng cười lanh lảnh vang lên từ chái Đông mà chẳng có lý do gì rõ ràng. Bác ấy nói đó là triệu chứng phát điên của một người đàn ông ở Grafton trước đây.
“Cậu có biết rằng Thomas Becket[4] được xếp là một loại rắn hay không? Rose Bell nói như vậy đấy… và William Tyndale là người viết ra Tân ước. Claude White[5] còn nói băng hà là người bán kem que!
Tớ nghĩ việc khó nhất trong nghê dạy học, và cũng là việc thú vị nhất, là làm cho học trò thổ lộ với mình suy nghĩ thật sự của chúng. Một ngày bão bùng tuần vừa rồi, tớ kêu đám học trò lại vào buổi ăn trưa và cố khiến chúng nói chuyện với tớ như một người bạn. Tớ hỏi chúng muốn điều gì nhất. Một vài câu trả lời khá bình thường… búp bê, ngựa, giày trượt. Nhưng những câu còn lại đúng là độc đáo. Hester Boulter muốn mặc áo đầm Chủ nhật suốt tuần và ăn trong phòng khách. Hannah Bell muốn ngoan mà chẳng cần phải cố gắng gì. Marjory White mới mười tuổi thì muốn là một góa phụ. Khi bị hỏi vì sao, cô bé nghiêm túc đáp rằng nếu không lập gia đình thì sẽ bị gọi là gái già, và nếu lấy chồng thì bị chồng ăn hiếp, nhưng nếu là góa phụ thì chẳng phải sợ gì. Điều ước đặc sắc nhất là của Sally Bell. Cô bé muốn có tuần trăng mật. Tớ hỏi cô bé có biết đó nghĩa là gì không thì cô bé đáp đó là một loại xe đạp thật xịn, vì cậu họ của cô bé ở Montreal đi tuần trăng mật sau khi kết hôn, và anh ta luôn có xe đạp đời mới nhất!
“Một hôm khác tớ lại yêu cầu chúng kể cho tớ nghe chuyện xấu nhất mà chúng từng làm. Tớ không cạy răng được đám trẻ lớn, nhưng đám học lớp ba thì trả lời khá thẳng thắn. Eliza Bell đã đốt cháy cuộn băng keo của bà cô. Khi hỏi nó có cố ý không, nó đã trả lời, không hẳn. Nó chỉ đốt thử một đầu xem cuộn băng keo có cháy không, và cả nguyên cuộn bốc lửa chỉ trong chốc lát sau đó. Emerson Gillis tiêu mười xu mua kẹo trong khi đáng lẽ phải quyên cho từ thiện. Tội lỗi lớn nhất của Annetta Bell là ăn quả việt quất mọc trong nghĩa trang. Willie White đã trượt xuống mái chuồng cừu nhiều lần trong khi đang mặc quần dài Chủ nhật. Nhưng em đã bị trừng phạt vì em phải mặc quần vá đến lớp học Chủ nhật suốt mùa hè, và khi đã bị phạt rồi thì không cần phải hối lỗi nữa,’ Willie tuyên bố.
“Ước gì cậu được xem một số bài văn của đám học trò… giá như tớ có thể gửi cho cậu bản sao của vài bài luận được nộp gần đây nhỉ. Tuần trước, tớ nói với lớp bốn rằng tớ muốn chúng viết thư cho tớ về bất cứ điều gì, có gợi ý rằng chúng có thể kể cho tớ nghe về những nơi chúng đã viếng thăm hoặc ai hay cái gì thú vị mà chúng từng gặp. Chúng phải dùng giấy viết thư, bỏ vào bao rồi dán lại, ghi là gửi cho tớ, tự làm mà không được nhờ vả ai. Sáng thứ Sáu vừa rồi, tớ bắt gặp một chồng thư trên bàn, và chiều hôm đó, tớ một lần nữa nhận ra nghề dạy học có vui mà cũng có cả buồn. Nhưng những bài văn đó sẽ giúp tớ cân bằng. Đây là bức thư của Ned Clay, tên người nhận, ngữ pháp và chính tả giữ nguyên.
“’Cô giáo ShiRley

“’Trái nhà Xanh.
“Đảo hoành tử edward
“ chim
“ Cô thân mến em nghĩ em sẽ viết cho cô bài văn về chim, chim là động vật rất có lợi. mèo của em bắt chim. Tên nó là William nhưng ba gọi nó là tom, nó xọc vằng và có một lỗ tai bị đống băng mùa đông năm ngoái, nếu không có vậy thì nó là một con mèo dễ nhìn. Kậu của em có nuôi một con mèo. một ngày nọ nó tới nhà cậu ấy và không chiệu đi và kậu nói nó quên nhiều hơn đa số người ta biết. kậu cho nó ngủ trên ghế sích đu và mợ em nói kậu thích nó hơn cả con. như vậy là không đúng, chúng ta nên đối xử tốt với mèo và cho chúng sữa mới nhưng chúng ta không nên thích nó hơn cả con chúng ta. đó là tát cả em nghĩ ra bây giờ nên chẳng còn gì nữa từ
“ edward blake ClaY.”
“Bài luận của St. Cair Donnell, như mọi khi, ngắn gọn vào thẳng đề. St. Clair không bao giờ nói lời dư thừa. Tớ không nghĩ rằng nó có ý châm chọc khi chọn đề tài hay viết dòng tái bút. Chỉ là nó không khéo léo và không có trí tưởng tượng phong phú cho lắm thôi.”
“Cô Shirley thân mến
“ Cô nói chúng em phải mô tả thứ gì lạ mà chúng em từng thấy. Em sẽ miêu tả tòa thị chính Avonlea. Nó có hai cửa, một cửa trong và một cửa ngoài. Nó có sáu cửa sổ và một ống khói. Nó có hai đầu và hai mặt. Nó sơn màu xanh dương. Đó là điều khiến nó kỳ lạ. Nó được xây trên đường Carmody phía dưới. Đó là tòa nhà quan trọng thứ ba ở Avonlea. Các tòa nhà còn lại là nhà thờ và lò rèn. Ở đó họ tổ chức các cuộc tranh luận, thỉnh giảng và hòa nhạc.
“’Trân trọng,
“Jacob Donnell.
“’Tái bút: Tòa thị chính có màu xanh dương chói lọi.’

“Lá thư của Annetta Bell khá dài làm tớ kinh ngạc, bởi viết văn không phải sở trường của cô bé và thường thì bài văn của cô bé ngắn y hệt như của St. Clair. Annetta là một cô bé trầm tính và luôn cư xử đúng mực, nhưng chẳng có chút óc sáng tạo nào. Đây là lá thư của cô bé.
“ Cô thân yêu nhất trên đời,
“ Em nghĩ em sẽ viết một lá thư để cô biết em yêu cô đến nhường nào. Em yêu cô bằng cả trái tim, linh hồn và tâm trí… bằng tất cả những gì em có… và em muốn phục tùng cô vĩnh viễn. Đó sẽ là đặc quyền lớn lao nhất của em. Đó là lý do em cố gắng ngoan ngoãn trong lớp và học bày.
“ Cô thật xinh đẹp, cô giáo của em. Giọng cô như tiếng nhạc và đôi mắt cô như hoa păng xê đẫm sương. Cô giống như một nữ hoàng cao lớn uy nghi. Tóc cô như dát vàng. Anthony Pye nói tóc cô màu đỏ nhưng cô không cần để ý tới nó.
“ Em chỉ mới biết cô trong vài tháng nhưng em không thể tưởng tượng ra khi nào em chưa biết cô… khi cô chưa bước vào đời em để ban phước và làm nó trĩu quả. Em sẽ luôn coi năm nay là thời gian tuyệt vời nhất trong đời em vì nó đem cô đến với em. Hơn nữa, đó là năm chúng em chuyển tới Avonlea từ Newbridge. Tình yêu của em dành cho cô đã khiến cho cuộc đời em vô cùng phong phú và nó đã bảo vệ em khỏi tổn thương và sự xấu xa. Tất cả đều nhờ cô, cô giáo ngọt ngào nhất của em.
“ Em sẽ không bao giờ quên cô đáng yêu thế nào lần mới đây em gặp cô mặc váy đen với hoa cài trên tóc. Em sẽ luôn ghi khắc hình ảnh đó của cô, ngay cả khi cô trò mình đã bạc đầu. Với em, cô sẽ luôn trẻ đẹp, cô giáo yêu quý nhất đời. Lúc nào em cũng nghĩ đến cô… vào sáng sớm, lúc ban trưa và độ hoàng hôn. Em yêu cô khi cô cười, khi cô thở dài… thậm chí khi cô nhăn mặt. Em chưa bao giờ thấy cô bực dù Anthony Pye nói cô luôn có vẻ khó tính nhưng em không lấy làm ngạc nhiên khi cô nhìn nó vẻ bực bội vì nó thật đáng đời. Em yêu cô mặc mọi bộ váy… mỗi bộ váy mới cô lại càng trông đáng yêu hơn bộ váy cũ.
“ Cô giáo thân yêu nhất đời, chúc cô ngủ ngon. Mặt trời đã lặn và sao trời đang lấp lánh… những ngôi sao sáng rực và mỹ miều như mắt của cô. Em hôn tay và má cô, cục cưng của em. Mong Chúa sẽ dõi theo cô và bảo vệ cô khỏi mọi tổn thương.
“Học trò ngon ngõn của cô,
“ Annetta Bell.’
“Lá thư bất thường này khiến tớ rất khó hiểu. Tớ biết rõ Annetta không thể viết ra những lời lẽ ấy cũng chắc chắn như cô bé không biết bay vậy. Hôm sau lúc đến trường, tớ dẫn cô bé đi dạo ven suối vào giờ nghỉ và nhanh chóng bảo cô bé nói thật về lá thư.

Annetta òa khóc và thú thật. Cô bé nói cô bé chưa viết thư bao giờ và chẳng biết phải làm thế nào hay viết cái gì. Nhưng có một chồng thư tình ở ngăn trên cùng bàn làm việc của mẹ cô bé, do một tình nhân cũ viết cho.
“ Đó không phải là ba,’ Annetta nức nở, đó là một người lúc ấy đang học làm mục sư, do vậy ông ta có thể viết những lá thư tuyệt vời, nhưng cuối cùng mẹ không cưới ông ta. Mẹ nói phân nửa thời gian mẹ chẳng hiểu ông ta nói gì. Nhưng em nghĩ những lá thư đó thật hay và em chép mỗi lá một chút rồi gửi cho cô. Em viết cô giáo mỗi khi ông ta viết cô gái, thêm vào vài điều mỗi khi em nghĩ ra gì đó và đổi vài ba chữ. Em thay chữ tâm trạng bằng bộ váy. Em chẳng biết tâm trạng là gì nhưng cho rằng đó là thứ gì đó để mặc. Em không nghĩ là cô sẽ nhận ra sự khác biệt. Chẳng hiểu sao cô lại biết không phải do một mình em viết. Cô thật thông minh quá, cô ơi.
“Tớ nói với Annetta rằng chép thư của người khác rồi nhận bừa là của mình thì thật xấu. Nhưng tớ e rằng Annetta chỉ hối hận vì bị phát hiện thôi.
“ Nhưng em yêu cô thật mà, cô giáo,’ cô bé nức nở. Tất cả đều là thật, dẫu ông mục sư đó viết trước em. Em yêu cô bằng cả trái tim thật mà.”
“Thật khó mà trách mắng nghiêm túc ai đó trong trường hợp thế này.
“Đây là lá thư của Barbara Shaw. Tớ không thể tái hiện lại những vết mực nhòe trên bản gốc.
“ Cô thân yêu,
“ Cô nói chúng em có thể viết về một chuyến viếng thăm. Từ trước đến nay em mới chỉ đi thăm nhà người khác một lần thôi. Đó là nhà cô Mary của em mùa đông vừa rồi. Cô Mary của em là một người rất kỹ tính và là một bà nội trợ hoàn hảo. Đêm đầu tiên em đến hai cô cháu ngồi uống trà. Em đụng vào làm vỡ một cái bình. Cô Mary nói cô giữ cái bình đó từ khi mới kết hôn và chưa ai từng làm vỡ nó trước đây. Khi đứng dậy, em giẫm lên váy cô làm những nếp chun bị toạc ra. Sáng hôm sau khi thức dậy em va bình nước vào bồn làm bể cả hai và em còn làm đổ một tách trà xuống khăn trải bàn vào bữa sáng nữa. Khi em phụ cô Mary rửa chén, em làm rơi một cái đĩa sứ và nó vỡ tan. Chiều hôm đó em ngã cầu thang, bong gân mắt cá chân và phải nằm nghỉ suốt tuần. Em nghe cô Mary nói với dượng Joseph thật may vì nếu không em sẽ làm vỡ mọi thứ trong nhà. Khi em khỏe lại thì đã đến lúc phải về nhà rồi. Em không thích đi viếng thăm ai. Em thích đi học hơn, nhất là từ khi em đến Avonlea.
“’Trân trọng,
“Barbara Shaw.’
“Willie White bắt đầu như sau:
“Kính thưa cô,
“Em muốn kể cho cô nghe về bà dì dũng cảm của em. Dì sống ở Ontario và một ngày nọ, dì bước ra khỏi kho thóc và nhìn thấy một con chó trong sân. Con chó không được phép vào đó nên dì lấy gậy đập nó một cái đau điếng, đuổi nó vào kho và nhốt lại. Chẳng bao lâu sau một người đàn ông đến gõ cửa tìm một con sư tử siết (Tự hỏi: có phải Willie muốn nói đến con sư tử làm xiếc?) Vừa chạy khỏi một rạp xiếc. Hóa ra con chó đó là một con sư tử và bà dì vô cùng dũng cảm của em đã đủi nó vào kho bằng một cây gậy. Thật lạ khi dì không bị ơn thịt nhưng dì rất dũng cảm. Emerson Gillis nói nếu dì nghĩ rằng đó là một con chó thì dì chẳng dũng cảm chút nào, vì đối với dì đó chỉ là một con chó thôi. Nhưng Emerson nó ghen tị vì nó chẳng có bà dì dũng cảm nào mà chỉ có toàn cậu.’

“Tớ giữ bài luận hay nhất lại cuối cùng. Cậu từng cười tớ vì tớ cho rằng Paul là thiên tài, nhưng tớ chắc lá thư của cậu bé sẽ thuyết phục cậu rằng Paul không phải một đứa bé tầm thường. Paul sống gần bãi biển với bà nội và không có bạn cùng chơi… không có người bạn thực sự nào. Cậu nhớ giáo sư môn Quản lý Trường học từng nói rằng chúng ta không được thiên vị học trò nào, nhưng tớ không thể không thương Paul Irving nhất trong đám học trò của mình. Tớ không nghĩ làm vậy sẽ gây ra điều gì có hại, dù sao thì ai cũng mến Paul, kể cả bà Lynde, bà ấy nói rằng bà không thể tin là mình có thể thích một người Yankee đến vậy. Những đứa nhóc khác trong trường cũng thích cậu bé. Paul không hề yếu đuối hay giống con gái dẫu cậu bé hay mơ mộng và tưởng tượng. Cậu bé rất nam tính và dư sức chứng tỏ mình trong các trò chơi. Cậu vừa đánh nhau với St. Clair Donnell vì St. Clair nói là lá cờ Anh thì hơn xa lá cờ đây sọc và sao của Mỹ. Kết quả là một lần ầu đả, hai bên huề nhau và thỏa thuận từ nay trở đi sẽ tôn trọng lòng yêu nước của nhau. St. Clair nói cú đấm của nó mạnh nhất trong khi Paul có thể đánh ra nhiều lần nhất.”
“Lá thư của Paul.
“ Cô giáo thân yêu,
“ Cô nói chúng em có thể viết cho cô về những người thú vị mà chúng em biết. Em nghĩ những người thú vị nhất mình biết là những người trên vách đá của em và em định kể cho cô nghe về bọn họ. Em chưa từng kể cho ai nghe về họ trừ bà nội và ba, nhưng em vẫn muốn cô biết họ vì cô luôn thấu hiểu. Có rất nhiều người không thể thấu hiểu, vì vậy có kể với họ cũng chẳng ích gì.’
“ Những người trên vách đá của em sống ở bờ biển. Em thường đến thăm họ mỗi buổi chiều tối trước khi mùa đông đến. Giờ thì đến mùa xuân em mới có thể ra, nhưng họ sẽ vẫn còn đó, bởi những người như vậy không bao giờ thay đổi… đó là điều khiến họ thật tuyệt vời. Nora là người đầu tiên em quen, vậy nên em nghĩ em thích cô ấy nhất. Cô ấy sống ở vịnh Andrews, có mái tóc đen, mắt đen và biết hết mọi thứ về các nàng tiên cá và các thủy thần. Cô nên nghe những câu chuyện mà cô ấy kể. Rồi có cặp Thủy Thủ Song Sinh nữa. Họ chẳng sống cố định ở đâu, lúc nào họ cũng đi biển, nhưng họ thường lên bờ nói chuyện với em. Họ là một cặp vui vẻ da rám nắng, và họ đã nhìn thấy tất cả mọi điều trên thế giới… và còn nhiều hơn thế nữa. Cô biết chuyện gì đã xảy ra với cậu thủy thủ em không? Cậu ấy đang đi thuyền thì tiến thẳng vào làn trăng. Làn trăng là dấu vết trăng tròn để lại trên mặt nước khi nó nhô lên từ biến, cô biết rồi đấy, cô giáo. Thế là cậu thủy thủ em đi thuyền dọc theo làn trăng cho đến khi tới thẳng mặt trăng. Có một cánh cửa nhỏ xíu bằng vàng ở đó; cậu mở cửa rồi đi thuyền xuyên qua. Cậu ấy trải qua những cuộc phiêu lưu tuyệt vời ở mặt trăng nhưng nếu kể hết thì lá thư này sẽ rất dài.’
“ Rồi còn Cô Gái Vàng trong hang động nữa. Một ngày nọ em phát hiện ra một hang động lớn dưới bãi biển, em bước vào đó và một lát sau, em tìm ra Cô Gái Vàng. Mái tóc vàng của cô ấy dài tới tận gót chân, và váy cô ấy lấp lánh chói lọi tựa như vàng sống vậy. Cô ấy còn có một cây đàn hạc bằng vàng, cô ấy chơi đàn suốt ngày… Đi dọc theo bãi biển, cô có thể nghe thấy tiếng nhạc bất cứ lúc nào nếu chịu khó lắng nghe, nhưng hầu hết mọi người đều nghĩ đó chỉ là tiếng gió lách qua kẽ đá. Em chẳng bao giờ kể cho Nora nghe về Cô Gái Vàng. Em sợ Nora sẽ buồn. Cô ấy thậm chí còn tổn thương nếu em nói chuyện quá lâu với cặp Thủy Thủ Song Sinh nữa mà.’
“Em luôn gặp cặp Thủy Thủ Song Sinh ở Vách Đá Sọc. Cậu em thủy thủ rất dễ tính, nhưng cậu anh thì thỉnh thoảng nhìn rất hung hãn. Em hơi nghi ngờ cậu anh thủy thủ. Em cho rằng cậu ta dư sức làm một tên cướp biển. Có điều gì đó rất bí ẩn ở cậu ta. Có lần cậu ta chửi thề, và em bảo rằng nếu cậu ta lặp lại lần nữa thì không cần lên bờ nói chuyện với em, vì em đã hứa với bà nội là không chơi với ai chửi thề. Cậu ta lộ vẻ khá sợ hãi, em có thể thấy rõ như vậy, và cậu ta nói nếu em tha lỗi, cậu ta sẽ đưa em tới hoàng hôn. Vậy là buổi chiều hôm sau, khi em đang ngồi trên Vách Đá Sọc, cậu anh thủy thủ lái chiếc thuyền phép từ biển ghé vào và em nhảy lên thuyền. Thân thuyền lấp lánh đủ màu cứ như bên trong vỏ trai, và cánh buồm trông tựa ánh trăng, ôi, chúng em lái thuyền đến thẳng hoàng hôn. Cô giáo ơi, cứ nghĩ xem, em đã đến được hoàng hôn. Và cô nghĩ nó như thế nào? Ở hoàng hôn, mặt đất phủ đầy hoa. Chúng em đi thuyền vào một khu vườn thật lớn, những đám mây là những luống hoa. Chúng em cập vào một bến cảng rộng lấp lánh ánh vàng, em bước khỏi thuyền và lập tức đặt chân lên một đồng cỏ lớn, nơi những bông mao lương to bằng bông hồng. Em ở đó lâu thật là lâu. Tưởng như cả năm trời vậy, nhưng cậu anh thủy thủ nói chỉ mới có vài phút thôi. Cô biết đấy, ở vùng đất hoàng hôn, thời gian trôi chậm hơn ở nơi đây nhiều.’
“ Học trò yêu thương của cô,
“ Paul Irving.
“ ‘TB: Đương nhiên lá thư này không hoàn toàn là sự thật, cô giáo ạ.
P. I.’”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.